Thứ Năm tuần 3 mùa vọng.

Đăng lúc: Thứ năm - 15/12/2016 03:20 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Năm tuần 3 mùa vọng.

"Gioan là sứ thần dọn đường Chúa".

 

 

LỜI CHÚA: Lc 7, 24-30

Khi những người Gioan sai đến đi rồi, Chúa Giêsu nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc óng ả và đời sống xa hoa thì ở trong cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Chính về ông đã có lời chép rằng: "Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con". Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông".

Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của Gioan. Còn những người Biệt phái và Luật sĩ đã khinh chê ý định của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho.

 

 

 

Suy Niệm 1: Gioan Tiền Hô

Đức Giêsu phác ra đây một vài nét về Gioan Tiền Hô:

Tiên tri … và còn hơn cả tiên tri. Gioan, cũng như các tiên tri, nói với người thời đại mình, chống lại não trạng, chống lại ý kiến của thời đại. Người công bố sứ điệp đầu tiên sau đây mà chúng ta đang cần tới: đừng điều chỉnh tư tưởng, hy vọng, hành động các ngươi theo những cái thiên hạ nói và làm trong một xã hội tan rã và biến động, nhưng hãy điều chỉnh mình theo Thiên Chúa. Hãy trở lại. Đừng điều chỉnh mình theo bất cứ ý tưởng nào đang lưu hành trong Giáo Hội, song hãy theo những kẻ có sứ mệnh hướng dẫn Giáo Hội.

Sứ giả đi trước dọn đường. Đây là một mầu nhiệm lớn lao, mầu nhiệm về cách thức Thiên Chúa đến trong nhân loại. Đức Kitô cũng đã có thể xuất hiện với loài người một cách đột ngột uy hùng. Nhưng thực tế đã không phải như thế và hiện cũng không xảy ra như vậy. Suốt trong lịch sử, có những người nhận được sứ mệnh chuẩn bị người khác đón nhận Chúa ngự đến. Cả ngày nay nữa, còn có những người mang sứ mệnh chuẩn bị kẻ khác đón nhận Chúa. Về phương diện này, mọi Kitô hữu đều phải tự coi như được giao phó cho một sứ mệnh.

Nhưng chúng ta không phải là Gioan Tiền Hô! Cố nhiên rồi! Nhưng Gioan làm chứng cho một cái gì? Người đã trung thành với điều Thiên Chúa xin người làm. Người đã cầu nguyện, đã tự buộc mình phải hy sinh từ bỏ, đã can đảm để làm chứng khi cần. Nhờ đó, người là đấng cao trọng, và có nơi, Chúa Giêsu tuyên bố người hạnh phúc.

(Trích trong ‘Lương Thực Hàng Ngày’)

 

Suy niệm 2:

 

  1. “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con”

Trong Mùa Vọng, Chúa Nhật II, Chúa Nhật III và trong suốt tuần III, từ thứ hai đến thứ sáu trước Tuần Bát Nhật chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, cũng như lắng nghe lời của Đức Giê-su về thánh nhân.

Hình ảnh của thánh Gioan xuất hiện trong Tin Mừng của hai Chúa Nhật Mùa Vọng liên tiếp, trong suốt tuần Tuần III và đặc đặc biệt trong Tuần Bát Nhật trước lễ Giáng Sinh, đủ để nói cho chúng ta biết rằng sứ điệp và cuộc đời của thánh Gioan có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.

Ngoài ra, tầm quan trọng của thánh Gioan còn được nhấn mạnh bởi sự kiện, chính ngài, vốn là một ngôn sứ cũng được loan báo bởi một ngôn sứ khác đi trước, đó là ngôn sứ Isaia ; như Thánh sử Mát-thêu nêu rõ:  : « Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới » (Mt 3, 3); và như chính Đức Giê-su xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay:

Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!

(c. 27)

Có thế nói, cùng với Đức Ki-tô, thánh Gioan cũng được Kinh Thánh loan báo. Chính vì thế mà, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay tu trì, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô. Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.

Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.

 

  1. “Thầy có thật là Đấng phải đến không?”

Khi nghe và nhất là cầu nguyện với các Tin Mừng nói về thánh Gioan trong những ngày vừa qua, chúng ta không thể không nhớ đến những điều lạ lùng xẩy ra cho thánh Gioan Tẩy Giả lúc ông còn trong bụng mẹ: “ông đã nhảy mừng” khi Đức Maria đem Đức Giê-su đến, lúc ấy cũng còn đang được hoài thai, nhưng trẻ hơn. (x. Lc 1, 39-45) Và chúng ta cũng có thể nhớ đến những lời đầy hi vọng của bố Zacharia nói về con của mình trong bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus) bất hủ:

Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.

(Lc 1, 76)

Như thế, những điều kì diệu và những mặc khải lạ lùng thủa ban đầu đã không miễn trừ cho thánh Gioan Tiền Hô khỏi những tìm kiếm, thậm chí tìm kiếm trong tăm tối để khám phá và gặp được Đức Ki-tô. Và thử thách ông đang trải qua thật tận căn, cả về số phận lẫn hành trình nhận ra “Đấng Phải Đến”, như thánh sử Luca kể lại trong bài tin Mừng hôm qua:

Ông Gio-an liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

(Lc 7, 18-19)

Đó cũng là như thế đối với hành trình đức tin của chúng ta, cho dù mọi sự đều thật rõ ràng và minh bạch về kiến thức đến từ kinh Tin Kính và việc học giáo lí, nhưng mỗi người chúng ta vẫn được mời gọi có kinh nghiệm đích thân nhận ra Chúa là Đấng phải đến trong thế giới, cộng đoàn, gia đình và trong cuộc đời của chúng ta. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn đôi khi kéo dài và diễn ra trong tăm tối của hành trình tìm kiếm, gặp gỡ đích thân, hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô trong cuộc đời cụ thể của chúng ta, với những thăng trầm, buồn vui, vất vả và đầy thách đố. Vì thế, chúng ta cần kiên nhẫn tôn trọng hành trình này của nhau và của chính mình, chúng ta cần tập nhìn với cái nhìn của Chúa, thay vì xét đoán về người khác và về chính mình nữa. Mà cái nhìn của Chúa là cái nhìn cảm thông, kiên nhẫn và gợi mở.

 

  1. Mầu Nhiệm Vượt Qua

Gioan đang ngồi trong tù chờ bị xử trảm, nhưng Đức Giê-su lại tôn vinh ông, bằng cách tuyên bố về địa vị của ông cách long trọng:

Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an.

(c. 28a)

Chúng ta đã có thể nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua ở đây rồi, vì chính vào lúc thử thách nhất, bế tắc nhất, vào lúc cận kề cái chết và mất hết tất cả, kể cả mạng sống của mình, Đức Giê-su bằng Lời Hằng Sống của mình, tôn vinh Gioan ở mức độ toàn nhân loại, bởi vì, loài người chúng ta, ai cũng phải sinh ra từ mẹ, và Gioan là người lớn nhất trước mặt Thiên Chúa!

Đó là tương phản thứ nhất thuộc mầu nhiệm Vượt Qua. Thực ra, là thứ hai mới đúng, vì giữa chân dung Đấng phải đến và chân dung thực sự của Đức Giê-su, đã là tương phản thứ nhất rồi. Nhưng vẫn còn một tương phản nữa, khi Chúa nói:

Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa
còn cao trọng hơn ông

(c. 28b)

Người nhỏ nhất trong Nước Trời đã lớn hơn Gioan rồi, vậy những người còn lại sẽ còn lớn hơn biết bao! Đây là một cách nói của Đức Giê-su nhằm phá đổ thói quen thích xếp hạng, phân loại, phân cấp, phân bậc của con người và đồng thời mặc khải cho chúng ta một giá trị mới và một tương quan mới trong Nước Trời.

Để có mặt trên đời chúng ta phải sinh ra, và để có mặt trong Nước Trời, chúng ta cũng phải sinh ra, sinh ra một lần nữa, hay nói cách khác, chúng ta phải tái sinh cho giá trị mới và tương quan mới (x. Ga 3, 3). Cũng như việc cưu mang và sinh ra thể lí, việc cưu mang và tái sinh trong Nước Trời cũng dài lâu và khó khăn , nhưng niềm hi vọng và niềm vui bền vững cũng rất lớn.

*  *  *

Thánh Gioan Tiền Hô, tuy đến cuối đời vẫn chưa xác tín về “Đấng phải đến”, nhưng Đức Giê-su đã công bố long trọng phần phúc của ông rồi:

  • Phúc thứ nhất: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.
  • Phúc thứ hai: ông Gioan đã là “công dân Nước Trời” rồi, trong mức độ ông loan báo Đức Ki-tô không chỉ bằng lời rao giảng, nhưng nhất là bằng cuộc đởi của mình, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết; như thế ông đã trở nên một với Đức Ki-tô.

Nếu mối phúc thứ nhất chỉ có Gioan mới có, vì ai trong chúng ta cũng lọt lòng mẹ, nhưng không cao trọng gì mấy, thì mối phúc thứ hai của thánh Gioan lại được ban cho tất cả chúng ta, đó là trở thành công dân Nước Trời, là trở nên một với Đức Ki-tô, qua việc làm chứng về Ngài bằng chính cuộc đời của chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, trong trong hi vọng và trong niềm vui.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Suy niệm 3:

“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23).
Dưới góc độ nào đó, có thể nói Gioan đã “vấp ngã” vì Đức Giêsu.
Khuôn mặt của Ngài không như những gì ông nghĩ và mong đợi.
Ông ngỡ ngàng vì Đức Giêsu hành động ngược với điều ông trình bày.
Rõ ràng Gioan vẫn thuộc về thời đại cũ.

Nhưng Đức Giêsu tôn trọng vị thế của Gioan,
và đã hết lời ca ngợi ông trước mặt dân chúng.
Gioan đã gây nên một phong trào rộng lớn nhằm canh tân.
Ông sinh ra một cách lạ lùng và sống cũng lạ lùng.
Hoang địa là nơi ông chọn để sống một mình và cất tiếng gọi sám hối.
Tiếng gọi này thu hút đến nỗi người ta kéo nhau đến gặp ông.
“Anh em đi xem gì trong hoang địa ?”
Câu hỏi này được Đức Giêsu nhắc đến ba lần (cc. 24-26).
Gioan hẳn không phải là một cây sậy dễ uốn mình theo mọi chiều gió.
Nếu thế thì ông đã chẳng bị bắt và tống ngục.
Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng trong cung.
Ông sống khổ hạnh cả về ăn lẫn mặc (Lc 1, 15; 7, 33).
Nếu hoang địa lôi kéo bao đoàn người háo hức đổ về
thì chỉ vì người ta muốn tìm gặp một vị ngôn sứ.
Dân chúng tin Gioan là vị ngôn sứ mà họ chờ đợi đã lâu.
Họ mong được nghe Thiên Chúa nói sau thời gian dài thinh lặng.

Đức Giêsu khẳng định Gioan còn lớn hơn một ngôn sứ nữa (c.26),
bởi lẽ ông chính là người đi trước dọn đường cho Ngài (c. 27).
Ông thuộc về một thời đại đã qua, nhưng ông giới thiệu về thời đại mới.
Ông là ngôn sứ cao trọng hơn các ngôn sứ của Cựu Ước
vì ông trực tiếp chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu độ.
Dọn đường cho Chúa Giêsu đến là việc chúng ta vẫn phải làm.
Ngài vẫn cần những Gioan mới để mở đường cho Ngài vào,
để trở thành nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin.
Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu.
Chúng ta cũng không vào hoang địa để sống độc thân.
Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người đương thời
đặt những câu hỏi về Đức Giêsu, về vĩnh cửu, về ý nghĩa cuộc sống.
Chấp nhận làm người dọn đường cũng phải chấp nhận thất bại.
Những người bình dân và tội nhân đã tin vào sứ điệp của Gioan (c. 29),
còn những người trí tuệ hơn lại khước từ, không chịu phép rửa (c. 30).
Khước từ Gioan là khước từ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

Kitô hữu chúng ta được diễm phúc hơn Gioan
vì được thuộc về Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mở (c. 28).
Chúng ta đang được hưởng những ân phúc mà Gioan chưa được hưởng.
Gioan chỉ cho dân tộc mình thấy Đấng Cứu Độ,
còn chúng ta được sống tình thân với Đấng Cứu Độ và nên một với Ngài.
Kitô hữu cũng phải chấp nhận sống trong một thứ hoang địa khắc khổ nào đó,
để tiếng kêu của mình dễ được con người hôm nay nghe hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
Nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
Dễ thấy Chúa hiện diện
Và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
Xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
Khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
Để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
Để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
Vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
Hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
 

SUY NIỆM:

1. “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con”

Trong Mùa Vọng, Chúa Nhật II, Chúa Nhật III và trong suốt tuần III, từ thứ hai đến thứ sáu trước Tuần Bát Nhật chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, cũng như lắng nghe lời của Đức Giê-su về thánh nhân.

Hình ảnh của thánh Gioan xuất hiện trong Tin Mừng của hai Chúa Nhật Mùa Vọng liên tiếp, trong suốt tuần Tuần III và đặc đặc biệt trong Tuần Bát Nhật trước lễ Giáng Sinh, đủ để nói cho chúng ta biết rằng sứ điệp và cuộc đời của thánh Gioan có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.

Ngoài ra, tầm quan trọng của thánh Gioan còn được nhấn mạnh bởi sự kiện, chính ngài, vốn là một ngôn sứ cũng được loan báo bởi một ngôn sứ khác đi trước, đó là ngôn sứ Isaia ; như Thánh sử Mát-thêu nêu rõ:  « Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới » (Mt 3, 3); và như chính Đức Giê-su xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay:

Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến! (c. 27)

Có thế nói, cùng với Đức Ki-tô, thánh Gioan cũng được Kinh Thánh loan báo. Chính vì thế mà, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay tu trì, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô. Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.

Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.

 2. “Thầy có thật là Đấng phải đến không?”

Khi nghe và nhất là cầu nguyện với các Tin Mừng nói về thánh Gioan trong những ngày vừa qua, chúng ta không thể không nhớ đến những điều lạ lùng xẩy ra cho thánh Gioan Tẩy Giả lúc ông còn trong bụng mẹ: “ông đã nhảy mừng” khi Đức Maria đem Đức Giê-su đến, lúc ấy cũng còn đang được hoài thai, nhưng trẻ hơn. (x. Lc 1, 39-45) Và chúng ta cũng có thể nhớ đến những lời đầy hi vọng của bố Zacharia nói về con của mình trong bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus) bất hủ:

Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người. 
(Lc 1, 76)

Như thế, những điều kì diệu và những mặc khải lạ lùng thủa ban đầu đã không miễn trừ cho thánh Gioan Tiền Hô khỏi những tìm kiếm, thậm chí tìm kiếm trong tăm tối để khám phá và gặp được Đức Ki-tô. Và thử thách ông đang trải qua thật tận căn, cả về số phận lẫn hành trình nhận ra “Đấng Phải Đến”, như thánh sử Luca kể lại trong bài tin Mừng hôm qua:

Ông Gio-an liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7, 18-19)

Đó cũng là như thế đối với hành trình đức tin của chúng ta, cho dù mọi sự đều thật rõ ràng và minh bạch về kiến thức đến từ kinh Tin Kính và việc học giáo lí, nhưng mỗi người chúng ta vẫn được mời gọi có kinh nghiệm đích thân nhận ra Chúa là Đấng phải đến trong thế giới, cộng đoàn, gia đình và trong cuộc đời của chúng ta. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn đôi khi kéo dài và diễn ra trong tăm tối của hành trình tìm kiếm, gặp gỡ đích thân, hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô trong cuộc đời cụ thể của chúng ta, với những thăng trầm, buồn vui, vất vả và đầy thách đố. Vì thế, chúng ta cần kiên nhẫn tôn trọng hành trình này của nhau và của chính mình, chúng ta cần tập nhìn với cái nhìn của Chúa, thay vì xét đoán về người khác và về chính mình nữa. Mà cái nhìn của Chúa là cái nhìn cảm thông, kiên nhẫn và gợi mở.

 3. Mầu Nhiệm Vượt Qua

Gioan đang ngồi trong tù chờ bị xử trảm, nhưng Đức Giê-su lại tôn vinh ông, bằng cách tuyên bố về địa vị của ông cách long trọng:

Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an. (c. 28a)

Chúng ta đã có thể nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua ở đây rồi, vì chính vào lúc thử thách nhất, bế tắc nhất, vào lúc cận kề cái chết và mất hết tất cả, kể cả mạng sống của mình, Đức Giê-su bằng Lời Hằng Sống của mình, tôn vinh Gioan ở mức độ toàn nhân loại, bởi vì, loài người chúng ta, ai cũng phải sinh ra từ mẹ, và Gioan là người lớn nhất trước mặt Thiên Chúa!

Đó là tương phản thứ nhất thuộc mầu nhiệm Vượt Qua. Thực ra, là thứ hai mới đúng, vì giữa chân dung Đấng phải đến và chân dung thực sự của Đức Giê-su, đã là tương phản thứ nhất rồi. Nhưng vẫn còn một tương phản nữa, khi Chúa nói:

Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa
còn cao trọng hơn ông 
(c. 28b)

Người nhỏ nhất trong Nước Trời đã lớn hơn Gioan rồi, vậy những người còn lại sẽ còn lớn hơn biết bao! Đây là một cách nói của Đức Giê-su nhằm phá đổ thói quen thích xếp hạng, phân loại, phân cấp, phân bậc của con người và đồng thời mặc khải cho chúng ta một giá trị mới và một tương quan mới trong Nước Trời.

Để có mặt trên đời chúng ta phải sinh ra, và để có mặt trong Nước Trời, chúng ta cũng phải sinh ra, sinh ra một lần nữa, hay nói cách khác, chúng ta phải tái sinh cho giá trị mới và tương quan mới (x. Ga 3, 3). Cũng như việc cưu mang và sinh ra thể lí, việc cưu mang và tái sinh trong Nước Trời cũng dài lâu và khó khăn , nhưng niềm hi vọng và niềm vui bền vững cũng rất lớn.

*  *  *

Thánh Gioan Tiền Hô, tuy đến cuối đời vẫn chưa xác tín về “Đấng phải đến”, nhưng Đức Giê-su đã công bố long trọng phần phúc của ông rồi:

  • Phúc thứ nhất: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.
  • Phúc thứ hai: ông Gioan đã là “công dân Nước Trời” rồi, trong mức độ ông loan báo Đức Ki-tô không chỉ bằng lời rao giảng, nhưng nhất là bằng cuộc đởi của mình, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết; như thế ông đã trở nên một với Đức Ki-tô.

Nếu mối phúc thứ nhất chỉ có Gioan mới có, vì ai trong chúng ta cũng lọt lòng mẹ, nhưng không cao trọng gì mấy, thì mối phúc thứ hai của thánh Gioan lại được ban cho tất cả chúng ta, đó là trở thành công dân Nước Trời, là trở nên một với Đức Ki-tô, qua việc làm chứng về Ngài bằng chính cuộc đời của chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, trong trong hi vọng và trong niềm vui.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận