Thứ Sáu tuần 2 mùa vọng.

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/12/2016 02:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Sáu tuần 2 mùa vọng.

"Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người".

 

LỜI CHÚA: Mt 11, 16-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: "Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!" "Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: "Ông ta phải quỷ ám!" Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: "Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình".

 

 

Suy Niệm 1: Pharisiêu cứng lòng

Một vị quan văn nổi tiếng vào thời nhà Tống ở Trung Quốc có câu chuyện Giáp Ất tranh luận như sau:

Giáp hỏi Ất:

- Nếu lấy đồng đúc thành chuông, đẽo gỗ làm cái dùi, lấy dùi đánh vào chuông, nó lêu boong boong. Vậy tiếng kêu là do gỗ hay do đồng.

Ất đáp:

- Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông lại kêu. Vậy tiếng kêu ở đồng.

Giáp lại hỏi:

- Lấy dùi gõ vào tiền trinh bằng đồng không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu là do ở đồng mà ra không?

Ất lại đáp:

- Ðồng tiền đặc, cái chuông rỗng. Vậy tiếng kêu là do các đồ vật rỗng mà ra.

Giáp hỏi tiếp:

- Lấy gỗ, lấy đất sét làm thành chuông đánh cũng chẳng nghe tiếng kêu boong boong, thế thì chắc gì tiếng là do các vật rỗng mà ra.

Cuộc tranh luận giữa Giáp và Ất sẽ kéo dài mãi thì chẳng thể nào có một giải đáp đúng nghĩa nếu họ chỉ giải đáp một cách phiến diện và chủ quan, chỉ giải quyết vấn đề theo từng góc cạnh riêng lẻ. Tâm trạng chủ quan và cái nhìn phiến diện của họ phần nào cũng giống như cái nhìn của người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng mà thánh Matthêu ghi lại.

Thật vậy, sống trong một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng thì chẳng ai lại không lo sợ và đề phòng về chứng tật mù lòa. Nhìn người mù không ai mà lại không cảm thấy xót thương, động lòng trắc ẩn, vì mắc phải bệnh mù con người gần như mất một phân nửa cuộc đời, và không những họ mất hết niềm vui do cái nhìn đem lại mà trước một sự việc họ cũng chẳng hiểu được tường tận nếu chỉ đón nhận bằng đôi tai, chưa nói đến những điều đòi phải được đón nhận bằng đôi mắt.

Tuy nhiên, dù cho thiệt thòi như vậy bệnh mù lòa vẫn chưa nguy hiểm bằng căn bệnh của những người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là óc phê phán chủ quan và họ cứ tưởng mình sáng hóa ra lại chẳng thấy gì. Vì nếu người mù biết mình tối thì họ sẽ cố gắng tìm hiểu sự việc trước mắt khi không nhìn được sự khác. Còn người chủ quan và phiến diện thì muôn đời sẽ tăm tối trước chân lý, vì khi chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý mà họ cứ tưởng là đã đạt được chân lý để rồi cứ thế mà cố chấp trước những vẻ đạp của chân lý. Họ chẳng khác gì năm người mù đi xem voi, người thì cho con voi là cái cột đình to tướng, kẻ lại nói con voi là chiếc quạt khổng lồ, người khác lại cho con voi là quả núi đồ sộ.

Khi thánh Gioan Tẩy Giả đến rao giảng ơn cứu độ, người không ăn uống thì được gán cho nhãn hiệu là bị quỉ ám. Ðức Kitô đến, Người ăn uống như bình thường thì bị kết án là người mê ăn uống, là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Họ chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ nhìn Ðấng Messia theo cái nhìn phiến diện nên người Do Thái đã khép chặt cửa lòng trước lời mời gọi của ơn cứu rỗi. Với cái nhìn phiến diện đã nảy sinh những phe phái chủ quan chẳng khác gì bọn trẻ nít ngồi nơi phố chợ: "Chúng tôi thổi sáo sao các bạn không nhảy múa. Chúng tôi than vãn sao các bạn không than khóc?" Chính vì thế mà ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng nhận ra: "Ngài đã đến trong nhà Ngài nhưng người nhà đã không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài".

Trong Giáo Hội ngày nay cũng không thiếu những trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái. Ðức Kitô được trình bày trọn vẹn trong Kinh Thánh, qua Phụng Vụ và qua Giáo Hội, thế mà người ta lại giới hạn Ðức Kitô trong cái nhìn của họ. Họ cũng giới thiệu Ðức Kitô cho người khác nhưng đây chỉ là một Ðức Kitô bị bóp méo cho hợp với chủ trương của họ, có lợi cho họ. Và nếu có một ai giới thiệu Ðức Kitô khác với chủ trương và đi ngược lại với quyền lợi thì họ sẵn sàng kết án hoặc bôi nhọ làm sao để đừng mất đi quyền lợi của mình.

Lạy Chúa, khi nhìn lại bản thân chắc chắn không ít lần con đã hành động như người Do Thái, nhìn Chúa bằng một cái nhìn phiến diện. Chỉ đón nhận Thiên Chúa hợp với sở thích, quyền lợi, giới thiệu cho người khác hoặc Thiên Chúa bị uốn nắn theo những điều con nghĩ tưởng, và nếu có điều nào khác quyền lợi của con, con sẽ sẵn sàng kết án dù cho đó là chân lý, là sự thật.

Trong Mùa Vọng này, xin Chúa cho con được biết vượt qua các thành kiến hẹp hòi mà vươn lên khỏi những ràng buộc của quyền lợi để rộng mở tâm hồn đón tiếp Chúa, vì Chúa đang đến trong từng giây phút qua các biến cố cuộc đời cũng như qua người anh em bên cạnh con.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 2: Chủ quan, phiến diện.

Âu dương tử, một học giả Trung hoa có viết câu chuyện sau:

Giáp hỏi Ất: Lấy đồng đúc thành chuông, đẽo gỗ làm cái dùi, lấy dùi đánh vào chuông, thì tiếng kêu phát ra đó do gỗ hay do đồng?

Ất đáp: Lấy dùi gõ vào tường vách thì không kêu, mà gõ vào chuông lại kêu, vậy tiếng kêu do bởi đồng.

Giáp lại hỏi: Lấy dùi gõ vào đồng tiền bằng đồng thì không kêu, vậy có chắc tiếng kêu là do đồng chăng?

Ất đáp: Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu phát ra là do các vật mỏng.

Giáp hỏi tiếp: Lấy gỗ, lấy đất sét khoét làm chuông, đánh lên đâu có boong boong, thế thì có chắc gì tiếng kêu phát ra là do đồ vật rỗng?

Cuộc tranh luận nếu cứ đà ấy sẽ kéo dài lẩn quẩn và chẳng có câu giải đáp nào thỏa đáng, nếu họ chỉ nhìn vấn đề một cách chủ quan, phiến diện, chỉ giải quyết vấn đề từng góc cạnh riêng rẽ.

Sống trong một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng, thì ai cũng lo đề phòng chứng tật mù lòa. Nhìn người mù, ai lại không xót thương và trắc ẩn. Mắc phải mù lòa, con người cảm thấy như mất nửa cuộc đời. Không những mất niềm vui do cái nhìn mang lại, họ còn chịu bao thiệt thòi khi không cảm nhận được những sự việc xảy ra chung quanh.

Tuy nhiên, bệnh mù lòa vẫn chưa nguy hiểm cho bằng căn bệnh của người Do Thái như được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là tâm trạng chủ quan và cái nhìn phiến diện. Bởi vì nếu người mù biết mình tối họ sẽ cố gắng hiểu sự vật trước mắt bằng những giác quan khác; còn người chủ quan, phiến diện sẽ muôn  đời tăm tối trước chân lý, chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý, họ tưởng mình đã đạt tới chân lý, để rồi cứ thế trở thành cố chấp. Gioan Tẩy giả đến rao giảng ơn cứu độ, ngài không ăn không uống thì bị gán cho là người bị quỷ ám; Chúa Giêsu đến, Ngài hòa nhập với mọi người, ăn uống bình thường, thì bị chê bai là người mê ăn uống, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi.

Chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ hiểu Đấng Mêsia theo cái nhìn phiến diện, người Do Thái đã khép lòng trước lời mời gọi hoán cải để đón nhận ơn cứu độ. Ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng có cơ may nhận ra và đón tiếp.

Trong Giáo Hội hôm nay cũng không thiếu trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái xưa. Chúa Kitô được phô bày trong Kinh Thánh qua phụng vụ, thế mà người ta lại giới hạn Ngài trong cái nhìn của họ, hợp với chủ trương của họ, và nếu có ai tin thờ một Chúa Kitô đi ngược với quan điểm của họ, thì họ sẵn sáng phủ nhận, kết án, bôi nhọ.

Trong Mùa vọng này, chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết vượt khỏi thiên kiến và ràng buộc của quyền lợi, để đón nhận Chúa đang đến qua từng biến cố cuộc đời và nơi mỗi người anh em.

 

Suy Niệm 3: Một trái tim cảm thương

Con Người đến, cũng ăn cũng uống, thì thiên hạ bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động. (Mt. 11, 19)

Một số người luôn luôn có tính ngang ngược. Tin mừng hôm nay vạch cho chúng ta thấy tính ngang ngược của chính chúng ta. Nếu có ai đi lễ nhiều, chúng ta nghĩ xấu họ là kẻ tốt thế đó, chẳng đứng đắn đâu. Nếu có ai siêng năng xưng tội rước lễ, thì bị coi là đạo đức ủy mị. Chúng ta luôn luôn bài bác người khác về bất cứ cái gì.

Gần đây, tôi gặp một gã thanh niên khổ sở vì một cô gái trẻ yêu thích bạn nó hơn nó. Nó không còn vui gì khi gặp bạn nó. Nó không còn trái tim muốn nhảy nhót nữa.

Và khi xảy đến một tai họa, một vụ giết người, hay có ai chết, có ai bệnh, có ai bị trừng phạt … chúng ta sẵn sàng nói: đó không phải là việc của tôi, tôi bận việc, tôi bị đau, kệ thây nó, nó phải tự lo lấy.

Chúng ta trở nên kẻ hoặc ghen ghét, hoặc lãnh đạm, nhưng lại không dám nói thẳng thắn. Thế là chính chúng ta đang bị Tin mừng phanh phui về chúng ta.

May thay, Tin mừng vẫn mời gọi chúng ta đi vào con đường hạnh phúc: “Phúc cho những ai biết cảm thương. Phúc cho trái tim biết thương xót”.

Đó là hiến chương nước trời, của triều đại đáng được mong chờ và đáng được loan báo trong mùa vọng này. Để được như thế, cần phải tước bỏ cái tôi, cần phải có con tim cảm thương nhạy bén: “Vui với người vui, khóc với người khóc”, sẵn sàng nâng đỡ nỗi cực khổ của người khác.

Ai trong các người lân cận của bạn, đã sống trong hoàn cảnh sung sướng hay khổ sở trong những ngày này? Họ cần bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn của họ. Họ cần tấm lòng thông cảm nhạy bén của bạn.

Và trong lễ tế Thánh Thể này, chúng ta có thể dự phần vui mừng của chính Thiên Chúa được không? Hãy vui mừng sung sướng vì Ngài sống trong Con yêu dấu của Ngài?

Hãy ngợi khen Thiên Chúa, đã cho phép chúng ta được vui sướng với Ngài, đã cho phép chúng ta được thông phần nguồn hoan lạc của Ngài.

J.Y.G
 

Suy niệm: 

A. Phân tích ( Hạt giống ...)

Chúa Giêsu so sánh thế hệ của Ngài với lũ trẻ trái tính trái nết: khi chúng chơi trò đám cưới, có “thổi sáo” thì đòi người ta cũng chơi theo trò đó “sao các anh không nhảy múa”; khi chúng chơi trò đám ma có “bài hát đưa đám” thì cũng thế. Nghĩa là chúng chỉ muốn bắt người ta theo ý riêng của chúng, ai không theo thì chúng phê phán, trách móc.

Cả Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu đều đến để dạy dân Do Thái con đường cứu độ. Nhưng vì điều đó không hợp với sở thích của họ nên họ luôn khước từ và còn phê phán, hai ngài làm gì cũng bị họ chê: Gioan sống khắc khổ thì họ chê là “bị quỷ ám”; Chúa Giêsu sống hoà mình ăn uống với mọi người thì họ chê là “tay ăn nhậu”.

“Nhưng đức Khôn ngoan được biện minh bằng hành động”: giá trị thật của một con người không tuỳ vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tuỳ vào chính hành động, vào lối sống của người đó. Người ta nói Gioan tẩy giả “bị quỷ ám”, nói Chúa Giêsu là “tay ăn nhậu”. Không sao, hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài. Dân Do Thái tự xưng là khôn ngoan ư? Chưa chắc, hãy coi họ sống và hành động ra sao.

B. Suy gẫm (... nảy mầm)

1. Ý hướng của bài đọc Cựu Ước: “Đấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi.” Câu đáp trong bài đáp ca “Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng sự sống.”

Sang bài Tin Mừng, dân Chúa đã thực hiện những ý hướng đó ra sao? Lời than phiền của Chúa Giêsu nói lên tình trạng thật đáng buồn: “Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người.”

2. Nhiều người có lối sống đạo ngược đường: chỉ muốn Chúa theo ý họ chứ không bao giờ để ý tìm hiểu ý Chúa thực thi.

3. Cách sống đạo càng ngày càng thịnh hành trong thời đại văn minh hưởng thụ này là: chuyện gì trái với ý thích của mình thì đòi Giáo Hội phải xét lại. Thí dụ hôn nhân bất khả phân ly, phá thai, luật ăn chay kiêng thịt… Có lẽ ta cần nhớ Lời Chúa: “Ai muốn vào Nước Trời hãy qua cửa hẹp mà vào... Con đường rộng thênh thang dẫn đến hư mất” (Mt 7,13).

4. Nhiều khi trong đời sống đạo tôi quen đi theo con đường của ý riêng khi đánh giá con người và sự việc. Tôi cứ cầm sẵn một cái khung tiền chế sắc bén, như cầm cái khuôn để nhấn xuống cắt bánh lễ. Tôi sẵn sàng nhấn xuống để cắt thật gọn trên mọi người anh chị em. Bất cứ ai sống ra ngoài cái khuôn lập trường của tôi, tôi sẵn sàng cắt bỏ họ. Dầu là sở thích, dầu là tay chân đầu cẳng của họ… tôi đều sẵn sàng cắt bỏ cho vừa đúng cái khuôn của tôi. Lời trong Kinh Hoà Bình cảnh tỉnh chúng ta : “Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm hiểu biết người…”

5. “Ông Gioan đến, không ăn không uống thì thiên hạ bảo: Ông ấy bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống thì thiên hạ nói: Đấy là kẻ mê ăn, chè chén” (Mt 11,18-19)

Tôi thường tự ái, và tự ái thường làm cho tôi xa cách mọi người. Những lần như thế, tôi rất sợ đối diện với sự thật, đặc biệt khi sự thật chống lại với mình. Biết mình sai, tôi vẫn cố chấp, vẫn quyết hơn thua, thay vì khiêm tốn đón nhận sự thật. Tôi đã cư xử y hệt như cách thiên hạ đối xử với Gioan và Đức Giêsu, để rồi xa dần Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.”

Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn lắng nghe và đáp lại lời Chân Lý của Ngài, để luôn sống trung thực trước mặt Chúa và mọi người.

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến lần thứ nhất, đã nhập thể làm người và qua đó trao ban cho chúng con niềm vui ơn cứu độ. Chúng con vui mừng vì có Chúa ở cùng chúng con. Chúng con thật hạnh phúc vì có Chúa luôn đồng hành với chúng con. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa đến và lưu lại trong tâm hồn chúng con. Chúng con xin hết lòng tri ân tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa, mùa vọng mời gọi chúng con tỉnh thức để sống sao cho đẹp lòng Chúa. Chúa bảo chúng con đừng như đám trẻ ham chơi nhưng lại không tuân thủ luật chơi. Chúa nhắc nhở chúng con là người con Chúa phải sống theo lề luật của Chúa, sống theo Lời Chúa dạy bảo. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con khó có thể bỏ đi một nếp sống, khi nó đã trở thành một thói quen! Thói quen phạm tội đã làm chúng con trở thành bướng bỉnh, chai lì trước tiếng mời gọi của Chúa. Xin tha thứ cho những yếu đuối của chúng con. Xin Mình và Máu Thánh Chúa tẩy rửa tâm hồn chúng con khỏi những ước muốn tội lỗi. Xin ban lại cho chúng con nghị lực siêu nhiên để chúng con chống trả những cám dỗ tội lỗi, và can đảm quay trở về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, năm xưa Chúa đã đau buồn trước sự cứng lòng của dân Do Thái. Xin giúp chúng con ngày hôm nay biết đón nhận sự thật, biết hướng về điều thiện và sống theo lẽ phải, dù rằng để sống theo chân lý ấy, đòi hỏi chúng con phải thay đổi lối nghĩ, lối sống cho phù hợp với tin mừng. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền


Từ khóa:

khôn ngoan, biện minh

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận