Buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/12/2014 21:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới


Lúc 12 giờ trưa hôm qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới. Đã có khoảng 100.000 tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô và quảng trường Pio XII.

Lúc 11 giờ 30 ban quân nhạc và đại diện các binh chủng Italia cũng như đội cận vệ Thụy Sĩ đã tiến vào quảng trường và dàn hàng chào danh dự trên thềm Đền Thờ Thánh Phêrô. Đúng 12 giở trưa Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện trên bao lơn chính giữa Đền Thờ. Ngài giơ tay chào mọi người, trong khi ban quân nhạc cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Italia.

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta. Người đã sinh ra tại Bếtlêhem bởi một trinh nữ, và thực hiện các lời tiên tri xưa kia. Trinh nữ ấy tên là Maria, chồng bà là Giuse.

Các vị là những người khiêm tốn, tràn đầy niềm hy vọng nơi lòng lành của Thiên Chúa, tiếp đón Chúa Giêsu và nhận ra Người. Như thế, Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho các mục đồng làng Bếtlêhem, họ chạy đến hang đá và thờ lậy Con Trẻ. Thế rồi Thần Khí đã hướng dẫn hai cụ già Simeon và Anna trong Đền Thờ Giêrusalem và các vị đã nhận ra nơi Đức Giêsu Đấng Cứu Thế : Ông Simeon kêu lên ; « Mắt con đã trông thấy ơn cứu dộ của Chúa, ơn cứu độ đã được dọn sẵn trước mọi dân tộc » (Lc 2,30). Đức Thánh Cha khẳng định như sau :

Phải, thưa anh chị em, Chúa Giêsu là ơn cứu rỗi cho từng người và từng dân tộc! Với Người là Đấng Cứu Thế, tôi xin Người nhìn các anh chị em Irak và Siria từ quá lâu đang đau khổ vì hậu qủa của cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, và cùng với các thành phần khác và các nhóm chủng tộc và tôn giáo khác họ phải chịu một cuộc bách hại tàn bạo. Ước gì lễ Giáng Sinh đem lại cho họ niềm hy vọng cũng như cho nhiều người tản cư, tỵ nạn, các trẻ em, người lớn, người già của Vùng này và trên toàn thế giới ; biến đổi sự thờ ơ thành sự gần gũi và sự khước từ thành tiếp đón, để cho những người đang ở trong thử thách có thể nhận được các trợ giúp nhân đạo cần thiết hầu sống qua mùa đông giá lạnh này, trở về quê hương của họ và sống xứng đáng. Ước chi Chúa mở các con tim ra cho sự tin tưởng và trao ban hòa bình của Người cho toàn vùng Trung Đông, bắt đầu từ Vùng Đất được chúc phúc bởi sự sinh ra của Người, bằng cách nâng đỡ các cố gắng của những người thực sự dấn thân cho cuộc đối thoại giữa người Israel và người Palestin. 

Lậy Chúa Giêsu Cứu Thế, xin nhìn đến những người dau khổ bên Ucraina và cho vùng đất thân yêu này thắng vượt được các căng thẳng, chiến thắng thù hận, bạo lực và bắt đầu một con đường mới của tình huynh đệ và hòa giải.

Lậy Chúa Kitô Cứu Thế, xin hãy ban hòa bình cho Nigeria, nơi lại có máu khác bị đổ ra và có qúa nhiều người bị giật mất các yêu thương và bị giữ làm con tin hay bị tàn sát. 

Tôi cũng khẩn nài hòa bình cho Libia, Nam Sudan, Cộng hòa Trung phi và nhiều vùng khác của Cộng hòa dân chủ Congo. Và tôi cũng xin các giới chức có trách nhiệm chinh trị dấn thân qua dối thoai để thắng vượt các xung khắc và xây dựng một cuộc sống chung huynh đệ lâu bền.

Nghĩ tới các trẻ em Đức Thánh Cha nói:
Xin Chúa Giêsu cứu quá nhiều trẻ em nạn nhân của bạo lực, bị biến thành đối tượng của thương mại và nạn buôn người, hay bị bó buộc trở thành chiến binh. Xin Người an ủi các gia đình các trẻ em bị giết bên Pakistan tuần vừa qua. Xin Người gần gũi những kẻ khổ đau vì bệnh tật, đặc biệt các nạn nhân của nạn dịch Ebola, nhất là bên Liberia, Sierra Leone và Guinea. Trong khi tôi chân thành cám ơn tất cả những ai đang can đảm trợ giúp các bệnh nhân và gia đình họ, tôi xin tái mời gọi bảo đảm sự trợ giúp và các liệu pháp cần thiết. 

Chúa Giêsu Hài Đồng. Tôi nghĩ đến tất cả các trẻ em ngày nay bị giết và bị đối xử tàn tệ, các trẻ em trước khi chào đời, bị thiếu vắng tình yêu thương quảng đại của cha mẹ và bị chôn vừi trong ích kỷ của một nền văn hóa không yêu thương sự sống ; cũng như các trẻ em di tản vì chiến tranh và bách hại, bị lam dụng khai thác bóc lột trước mắt chúng ta và sự thinh lặng đồng lõa của chúng ta ; các trẻ em bị tàn sát dưới các trận bỏ bom, cả nơi Con Thiên Chúa đã sinh ra. Cả ngày nay nữa sự thinh lặng bất lực của các em kêu than dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu Hêrốt. Trên máu của các em ngày nay đóng trại bóng dáng của các Hêrốt thời đại. Thật thế, có biết bao nhiều nước mắt trong lễ Giáng Sinh này cùng với nước mắt của Chúa Giêsu Hài Đồng !

Anh chị em thân mến, hôm nay xin Chúa Thánh Thần soi sáng con tim chúng ta, để chúng ta có thể nhận biết nơi Hài Nhi Giêsu, sinh ra tại Bếtlehem bởi Đức Trinh Nữ Maria, ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho từng người trong chúng ta, cho mọi người và tất cả mọi dân tộc trên trái đất. Xin quyền năng của Chúa Kitô, là sự giải thoát và phục vu, được cảm thấy trong các con tim đau khổ vì chiến tranh, bách hại và nô lệ. Ước chi sự hiền dịu của Người, quyền năng thiên linh của Ngưòi lấy đi sự cứng cỏi nơi con tim của biết bao nhiêu người nam nữ đắm chìm trong tinh thần thế tục và sự thờ ơ, trong sự toàn cầu hóa của thờ ơ. Ước chi sức mạnh cứu rrỗi của Người biến đổi khí giới thành cầy quốc, sự tàn phá thành óc sáng tạo, thù hận thành tình yêu và sự dịu hiền. Như vậy chúng ta sẽ có thể vui mừng nói rằng : « Mắt chúng con đã trông thấy ơn cứu độ của Chúa ». Với các tư tưỏng này xin chúc tất cả mọi nguời lễ Giáng Sinh tốt lành.

Hai vị Hồng Y đứng hai bên Đức Thánh Cha là Đức Hồng Y Franc Rodé Nguyên Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Hiệp hội tông đồ, và Đức Hồng Y Ludwig Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đức Hồng Y Franc Rodé Phó đẳng Phó Tế thay thế Đức Hồng trưởng đẳng Phó Tế Renato Martino vắng mặt, tuyên bố chủ ý Đức Thánh Cha ban Phép lành toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô cũng như các anh chị em tín hữu trên toàn thế giới theo dõi qua các đài phát thanh truyền hình, miễn là họ giữ các quy tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã đọc lời kinh xá giải và công thức ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới.

- Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tội dựa vào quyền bính và uy thế cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen. 

- Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Đức Trinh Nữ Maria, của Tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen. 

- Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả mọi tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

Và tiếp theo là Phép lành của Đức Thánh Cha. 

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh


VATICAN. Lúc 9 giờ rưỡi tối ngày 24-12-2014, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ vọng Giáng Sinh. Ngài mời gọi các tín hữu đón nhận sự dịu dàng của Thiên Chúa và biểu lộ đức tính này trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Đồng tế với ĐTC có các HY, GM và đông đảo các linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đầu thánh lễ, ĐTC đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính. Gần bàn thờ có đặt một tượng bằng gỗ nhiều mầu hình Đức Mẹ đang ẵm Chúa Hài Nhi. 10 em bé trong y phục cổ truyền đã đặt các bó hoa cạnh ảnh tượng Chúa Hài Đồng. Các em được chọn từ những nước vừa được hoặc sắp được ĐTC viếng thăm như Italia, Âu Châu, Hàn quốc và Philippines.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một giá sách Tin Mừng đã được dùng trong Công Đồng chung Vatican I và Vatican II.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn mầu nhiệm Thiên Chúa giáng sinh như ánh sáng đến phá tan bóng đêm bao phủ trần thế, bóng tối được biểu lộ qua các tội ác, bạo lực chiến tranh, oán thù, đàn áp thống trị. Ngài nói:

”Qua dòng lịch sử, ánh sáng phá tan bóng đen tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha và lòng trung tín kiên nhẫn của Chúa mạnh mẽ hơn đen tối và hư hỏng. Sứ điệp của đêm giáng sinh này là Thiên Chúa không có những cơn thịnh nộ và thiếu kiên nhẫn, trái lại Chúa luôn ở đó như người cha trong dụ ngôn người con trai hoang đàng, chờ đợi được thấy bóng người con hư hỏng từ xa xa trở về”.

Trong bối cảnh trên đây ĐTC mời gọi các tín hữu, khi ngắm nhìn Chúa Hài Đồng sinh ra trong máng cỏ, hãy suy tư, tự xét xem mình đón nhận sự dịu hiền của Thiên Chúa như thế nào? Ta có để cho Chúa ôm lấy hay là ngăn cản Chúa đến gần? Chúng ta có thể vặn lại ”Nhưng tôi đang tìm Chúa đấy chứ”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là tìm kiếm Chúa, đứng hơn, là để cho Chúa tìm ta và âu yếm vuốt ve chúng ta. Đây là câu hỏi mà Hài Nhi đặt ra cho chúng ta nguyên bằng sự hiện diện của Ngài: Tôi có thể cho Thiên Chúa yêu thương tôi hay không?”
Và ”chúng ta có can đảm dịu dàng đón nhận những hoàn cảnh khó khăn và những vấn đề của những người bên cạnh, hay chúng ta thích những giải pháp lạnh lùng, tuy hữu hiệu nhưng thiếu hơi ấm của Tin Mừng? Thế giới ngày nay đang cần sự dịu dàng dường nào!”

Và ĐTC kết luận rằng ”Câu trả lời của Kitô hữu không thể khác câu trả lời của Thiên Chúa dành cho sự bé mọn của chúng ta. Cần đương đầu với cuộc sống với lòng từ nhân và dịu dàng. Khi chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa yêu mến sự bé nhỏ của ta, chính Chúa trở nên bé nhỏ để dễ gặp gỡ chúng ta hơn, thì chúng ta không thể không mở rộng tâm hồn chúng ta và cầu khẩn Người: ”Lạy Chúa, xin giúp con được nên giống Chúa, xin ban cho con ơn dịu dàng trong những hoàn cảnh cam go nhất của cuộc sống, xin ban cho con ơn gần gũi tha nhân trước mọi nhu cầu khó khăn, ơn dịu dàng trong bất kỳ cuộc xung đột nào”.

Trong phần lời nguyện giáo dân bằng các thứ tiếng Bồ đào nha, Arập, Pháp, Trung Hoa, và Đức, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Giáo Hội, cho việc truyền bá Tin Mừng, nâng đỡ các thừa sai, những người bị tội lỗi và lo âu đè nén, cho những người đau khổ và mọi dân tộc trên thế giới.

Trong phần dâng lễ vật, để nhắc nhớ đề tài Thượng HĐGM về gia đình và Đại hội các gia đình thế giới vào tháng 9 năm tới tại Philedelphia, Hoa Kỳ, hai gia đình với con cái đã được chọn để dâng bánh rượu lên ĐTC.

Sau khi ban phép lành cuối thánh lễ, ĐTC đã bồng tượng Chúa Hài Đồng Giêsu đi rước tới hang đá tại nhà nguyện có giếng rửa tội. (SD 24-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP



Thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2014 của Đức Thánh Cha Phanxicô


Anh chị em thân mến, chúc mừng Giáng Sinh!

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian, đã được sinh ra cho chúng ta, tại Bethlehem bởi một Trinh Nữ, để hoàn thành những lời tiên tri từ xa xưa. Tên của Trinh Nữ này là Maria, hiền thê của Giuse.

Những người khiêm tốn, tràn đầy hy vọng nơi sự thiện hảo của Thiên Chúa, là những người chào đón Chúa Giêsu và nhận ra Ngài. Và vì thế, Thánh Thần Chúa đã soi sáng cho các mục đồng tại Bethlehem, là những người đã vội vã đến hang đá và thờ lạy Hài Nhi. Sau đó, Chúa cũng đã dẫn cặp vợ chồng già Simeon và Anna vào đền thờ Giêrusalem, và họ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Ông Simeon kêu lên: “Chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2:30).

Vâng, thưa anh chị em, Chúa Giêsu là sự cứu rỗi cho mọi người và cho mọi dân tộc!

Tôi cầu xin cùng Ngài, Đấng Cứu Độ thế giới, hãy nhìn đến anh chị em chúng ta ở Iraq và Syria, là những người đã phải chịu đựng quá lâu cuộc xung đột đang tiếp diễn, và những ai thuộc về các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác, đang phải chịu đựng một cuộc bách hại tàn bạo. Cầu xin cho Giáng Sinh có thể mang lại hy vọng cho họ cũng như cho những người phải di dời, những người tị nạn và lưu vong, trẻ em, người lớn và người già, trong khu vực này cũng như trên toàn thế giới. Cầu xin cho sự thờ ơ được biến đổi thành sự gần gũi; và sự khước từ trở thành lòng hiếu khách, ngõ hầu tất cả những ai đang đau khổ có thể nhận được những trợ giúp nhân đạo cần thiết để vượt qua sự khắc nghiệt của mùa đông, trở về quê hương bản quán của họ và được sống đúng với phẩm giá. Nguyện xin Chúa mở lòng trí con người cho lòng trông cậy, và xin Ngài ban bình an trên toàn vùng Trung Đông, bắt đầu từ mảnh đất đã được chúc phúc vì đã được Chúa chọn để xuống thế làm người, qua đó nuôi dưỡng những nỗ lực có hiệu quả của những dấn thân đối thoại giữa người Do Thái và người Palestine.

Xin Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của thế giới, bảo vệ tất cả ai đang đau khổ ở Ukraine, và xin Chúa ban cho đất nước thân yêu của họ có thể vượt qua những căng thẳng, khắc phục được hận thù và bạo lực, và tiến bước trên một cuộc hành trình mới của tình huynh đệ và hòa giải.

Xin Chúa Kitô Đấng Cứu Thế ban bình an cho Nigeria, là nơi nhiều máu đang tiếp tục đổ ra và cũng là nơi quá nhiều người bị tước mất tài sản vô cớ, bị bắt làm con tin hoặc bị giết. Tôi cầu khẩn hòa bình trên những miền khác nữa của lục địa châu Phi, tôi đặc biệt nghĩ đến Libya, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, và các khu vực khác nhau của nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi van xin tất cả những ai có trách nhiệm chính trị hãy dấn thân thông qua đối thoại để vượt thắng những khác biệt và để xây dựng một cuộc sống chung lâu dài và huynh đệ.

Xin Chúa Giêsu cứu lấy con số đông đảo các trẻ em là nạn nhân của bạo lực, những trẻ bị biến thành đối tượng của thương mại và nạn buôn người, hoặc bị buộc phải trở thành những người lính. Xin Chúa an ủi gia đình các trẻ em bị thiệt mạng ở Pakistan hồi tuần trước. Xin Chúa gần gũi với tất cả những ai đang đau yếu, đặc biệt là các nạn nhân của dịch bệnh Ebola, nhất là tại Liberia, Sierra Leone và Guinea. Tôi cảm ơn tất cả ai đang can đảm tận hiến cho các bệnh nhân và hỗ trợ các thành viên trong gia đình của họ, đồng thời một lần nữa tôi cũng tái đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết để những hỗ trợ và điều trị cần thiết được cung ứng cho họ.

Thật sự là thế giới có quá nhiều nước mắt trong mùa Giáng Sinh này, cùng với những giọt nước mắt của Chúa Giêsu Hài Đồng. Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm hồn chúng ta ngày hôm nay, để chúng ta nhận ra nơi Chúa Hài Đồng, sinh ra tại Bethlehem bởi Đức Trinh Nữ Maria, ơn cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, mỗi người nam nữ và cho tất cả các dân tộc trên trái đất. Cầu xin quyền năng của Chúa Kitô, mang đến tự do và sự phục vụ lẫn nhau, được cảm nhận trong nhiều con tim đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, khủng bố và chế độ nô lệ. Xin cho sự hiền lành trong quyền năng chí thánh này lấy đi sự chai cứng của con tim rất nhiều người nam nữ đang đắm mình trong những sự thế gian và trong sự thờ ơ. Cầu xin cho quyền năng cứu độ của Ngài biến vũ khí thành lưỡi cày, biến hủy diệt thành sáng tạo, biến lòng thù hận thành tình yêu và sự dịu dàng. Để rồi chúng ta có thể kêu lên trong hân hoan “Chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ của Chúa”

Chúc mừng Giáng sinh cho tất cả mọi người!
J.B. Đặng Minh An dịch 

 
Bài giảng lễ đêm Giáng sinh 2014 của Đức Thánh Cha

VATICAN. “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9,1). “Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.” (Lc 2,9). Phụng vụ của đêm Giáng Sinh thánh này đã trình bày cho chúng ta việc sinh hạ của Đấng Cứu Thế: như ánh sáng tràn ngập và xua tan bóng tối dày đặc nhất. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người đã trút bỏ đi gánh nặng của thất bại và nỗi u buồn của kiếp nô lệ, thắp lên niềm vui và sự hoan lạc.” – Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở đầu bài giảng của mình trong thánh lễ Đêm Noel do ngài chủ tế tại Đền thờ Thánh Phêrô tối 24 vừa qua.
Ngài nói rằng trong đêm hồng phúc này, chúng ta cũng đến nhà Chúa xuyên qua bóng tối đang phủ khắp mặt đất, nhưng “chúng ta được ánh lửa đức tin dẫn đường, ánh lửa ấy soi chiếu từng bước chân của chúng ta và chúng ta cũng được niềm hy vọng thúc bách đi tìm một “ánh sáng lớn hơn”. Mở lòng mình ra, chúng ta có thể chiêm ngắm phép lạ của Hài Nhi-Vầng Dương tỏa sáng tận chân trời bừng dậy từ trên cao này.”
Tiếp đến, ĐTC đã nhắc lại những bóng tối đã và đang tràn ngập trên thế giới này. Đêm tối ấy cũng đã được Kinh Thánh nói đến trong trình thuật của hai an hem Cain và Aben trong sách Sáng Thế.
“Chúng ta hãy nhớ lại khoảnh khắc đen tối khi mà tội lỗi đầu tiên của con người được thực thi, lúc tay của Cain, vì lòng ganh tị, đã giết chết em mình là Aben (x. St 4,8). Như thế, các thế kỷ trôi qua bị đánh dấu bởi bạo lực, chiến tranh, hận thù, áp bức.”
Ngược lại với bao điều tồi tệ mà con người tự gây ra cho nhau, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương và trung tín đến tận cùng. Đức Thánh Cha nói:
“Nhưng Thiên Chúa, Đấng đã đáp lại những mong đợi của con người – loài đã được dựng nên giống Ngài và theo hình ảnh của Ngài – vẫn luôn chờ đợi. Ngài đã mòn mỏi chờ đợi rất lâu rằng biết đâu, vào một khoảnh khắc nào đó, con người sẽ từ bỏ lối sống này. Dù con người có không từ bỏ, Người cũng không thể chối bỏ chính mình (x. 2Tm 2,13). Vì thế, Người vẫn tiếp tục chờ đợi với sự kiên nhẫn trước những thối nát của con người và các dân tộc. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, thật khó để hiểu mầu nhiệm này. Suốt dòng lịch sử dài, ánh sáng xé tan đêm tối đã mặc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha và lòng trung tín của Người mạnh mẽ hơn bóng tối và sự thối nát. Thiên Chúa không hề biết giận và mất kiên nhẫn. Thiên Chúa luôn luôn như thế, hệt như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng đợi con mình và thấy con mình từ đàng xa trở về.”
Nguồn ánh sáng huy hoàng mà tiên tri Isaia nói đến chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể năm xưa.
“Lời tiên tri của Isaia loan báo sự bừng lên của một luồng ánh sáng mạnh mẽ xua tan đêm tối. Người sinh ra ở Bê-lem và được vòng tay yêu thương của Maria, tâm tình của Giuse và sự ngạc nhiên của các mục đồng đón nhận. Khi các Thiên Sứ báo tin chào đời của Đấng Cứu Thế cho các mục đồng, các ngài đã nói với họ rằng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). “Dấu chỉ” là sự khiêm nhường đi đến tận cùng của Thiên Chúa, là tình yêu mà với tình yêu này, trong đêm đó, Người đã nhận lấy sự mỏng manh của chúng ta, đau khổ của chúng ta, khắc khoải của chúng ta, khao khát của chúng ta và giới hạn của chúng ta. Thông điệp mà tất cả đang chờ đợi, điều mà tất cả đang tìm kiếm trong sâu thẳm của linh hồn mình, không là cái gì khác ngoài sự âu yếm của Thiên Chúa: Thiên Chúa, Đấng nhìn đến chúng ta bằng ánh mắt đầy thương cảm, Đấng đón nhận những đau khổ của chúng ta, Thiên Chúa yêu mến sự nhỏ bé của chúng ta.”
Tiếp đến, ĐTC mời gọi mọi người hãy nhìn lại bản thân mình, nhìn lại thái độ mình có đối với Chúa.
“Trong đêm thánh này, khi chúng ta chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu vừa được sinh ra và đặt nằm trong máng cỏ, chúng ta được mời gọi để suy tư phản tỉnh. Chúng ta đã đón nhận sự âu yếm của Thiên Chúa như thế nào? Tôi có để Người đến với mình không, có thể Người ôm lấy mình không, hay tôi ngăn cản Người đến với mình? Chúng ta có thể tranh luận lại là “nhưng tôi tìm kiếm Chúa mà” – Nhưng, điều quan trọng nhất không phải là tìm kiếm Người, nhưng là để cho Người tìm kiếm tôi và chăm sóc cho tôi bằng tình yêu thương. Đây là câu hỏi mà Hài Nhi gửi đến cho chúng ta qua sự hiện diện độc nhất của Người: tôi có để cho Thiên Chúa yêu thương tôi không?
Chúng ta có can đảm để đón nhận với sự âu yếm những hoàn cảnh khó khăn và những vấn đề của những ai ở bên cạnh chúng ta không? Hay chúng ta chỉ thích những giải pháp vô nhân, tuy là hữu ích nhưng không có hơi ấm của Tin Mừng? Thế giới ngày nay đang cần sự âu yếm biết bao nhiêu! …”
ĐTC kết thúc bài giảng của mình như sau:
“Anh chị em thân mến, trong đêm thánh này, chúng ta chiêm ngắn hang đá: nơi đó, “dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Lc 9,1). Người ta thấy nơi đó một dân đơn sơ, sẵn sàng đón nhận ơn Chúa. Ngược lại, người ta cũng thấy nơi đó những người kiêu ngạo, tự cao, những người thiết định lề luật theo những tiêu chí cá nhân, những người có thái độ đóng kín. Hãy nhìn hang đá và cầu nguyện, cầu xin Đức Trinh Nữ Maria: “Ôi lạy Mẹ Maria, hãy tỏ cho chúng con thấy Đức Giêsu’.
 
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận