Gặp gỡ sơ Ana, em họ Ðức Phanxicô trên đất Thái

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/02/2018 23:10 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Gặp gỡ sơ Ana, em họ Ðức Phanxicô trên đất Thái

Mở cánh cửa phòng khách, mẹ Ana Rosa Sivori mời chúng tôi vào và thong thả tiến về chiếc ghế đặt ở giữa phòng, tươi cười chào hỏi và tiếp đón chúng tôi như người thân. Mẹ thật thân thiện dù đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.

 

Có lẽ, cũng như nhiều người khác, chúng tôi sẽ khó biết đến sơ Ana, dòng nữ Salêdiêng Don Bosco tại Thái Lan và sẽ không thực hiện chuyến đi gần 3 tiếng đồng hồ từ Bangkok đến nơi ở của mẹ tại một thị trấn thuộc tỉnh Ratchaburi, gần với biên giới giữa Thái Lan và Myanmar, nếu như không có chuyến thăm của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đến Myanmar hồi tháng 11.2017 vừa qua. Mẹ là em họ rất thân thiết của ngài.

Ảnh: SMC

Chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên về sự xuất hiện của mẹ ở ngôi trường “vùng ngoại biên”, và càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng vị nữ tu đã ở Thái Lan hơn năm thập niên một cách lặng lẽ để cống hiến cho người nghèo, đặc biệt là trẻ em nghèo. Sơ Ana kể được nhà dòng ở Argentina gởi đến Thái Lan hồi năm 1965, khi mới 24 tuổi và vừa tham gia xong chương trình tu học ở Rome, Ý. Ðó là chuyến đi quyết định cuộc đời dù trong tâm trí của vị nữ tu trẻ khi ấy, Thái Lan là một cái tên xa lạ, được biết đến như một quốc gia Phật giáo trong vùng Ðông Nam Á.

Ấy vậy mà mẹ đã ở đất nước này được 53 năm và nay đã 77 tuổi. Nhiệm vụ của sơ Ana khi được gởi đến Thái Lan là truyền giáo và giúp đỡ trẻ em nghèo khó. Trong khoảng thời gian ấy, sơ đi nhiều nơi trên đất Thái, từ miền Bắc xuống miền Nam, từ đô thị xa hoa Bangkok cho đến vùng biên giới hẻo lánh. Vị nữ tu người Argentina gốc Ý sống gần gũi với người dân, làm quen với họ và trở thành một phần trong họ. Ngày mới đến Thái Lan, sơ cảm thấy xa lạ từ ngôn ngữ, ẩm thực cho đến văn hóa, và cả niềm tin tôn giáo. Mà giờ đây, Thái Lan đã trở thành cuộc sống của sơ.

Tiếp xúc với sơ, nhiều người sẽ phải ngạc nhiên vì khả năng sử dụng tiếng Thái rõ ràng, không ngọng nghịu như những người nước ngoài. Mẹ kể bắt đầu học tiếng Thái từ những ngày đầu đặt chân đến Thái Lan vì mục tiêu là loan báo Tin Mừng thông qua con đường giáo dục. Mẹ phải đứng lớp mà yêu cầu đầu tiên phải đạt đó là sử dụng được bản ngữ. Bởi thế nên giờ đây, mẹ có thể sử dụng tiếng Thái như ngôn ngữ mẹ đẻ. Không có nhiều người nước ngoài có thể vừa nghe, nói, đọc, viết tiếng Thái thành thạo như sơ Ana.

Không tin “anh Jorge" thành giáo hoàng

Sơ Ana Rosa cho biết, ông nội của mẹ và ông ngoại của Ðức Phanxicô là anh em ruột. Dù không cùng cha, cùng mẹ nhưng sơ Ana và Ðức Giáo Hoàng quý nhau như anh em ruột thịt, do tuổi của hai vị không chênh lệch nhau nhiều. Sơ kể hai nhà sống trong cùng thủ đô Buenos Aires của Argentina và rất thường xuyên qua lại thăm viếng. Các thành viên trong gia đình của Ðức Giáo Hoàng luôn yêu thương và chăm sóc nhau. Theo sơ Ana, đó là gia đình gương mẫu, được nhiều người trong vùng kính trọng. Hai anh em họ lớn lên, có những ngã rẽ riêng nhưng đều trong cùng “nhà của Chúa”. Người này vẫn thường xuyên dõi theo con đường đi của người kia và họ vẫn giữ liên lạc rất thường xuyên. Tang lễ của mẹ, rồi cha của sơ Ana đều do Ðức Phanxicô - khi ấy là Tổng Giám mục Buenos Aires cử hành. Khi hai vị lâm bệnh nặng, ngài rất thường đến thăm.

“Tôi nhớ ngày ấy, “anh Jorge” đã nộp đơn xin nghỉ hưu và mong muốn được về giúp mục vụ ở một giáo xứ nhỏ tại quê nhà. Nhưng Chúa đã sắp đặt tất cả, Ngài đã chọn anh”.

Ngày người anh họ thuở nào được mật nghị hồng y bầu chọn làm người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ là ngày sơ Ana vui mừng khôn siết. Nhưng đối với mẹ, cảm giác ngạc nhiên nhiều hơn: “Tôi không tin được điều đó là sự thật vì “anh Jorge” (cách xưng hô thân thiết của sơ Ana đối với Ðức Phanxicô - tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio) chưa bao giờ có suy nghĩ trở thành giáo hoàng. Tôi nhớ ngày ấy, “anh Jorge” đã nộp đơn xin nghỉ hưu và mong muốn được về giúp mục vụ ở một giáo xứ nhỏ tại quê nhà. Nhưng Chúa đã sắp đặt tất cả, Ngài đã chọn anh”.

Sơ Ana cho biết, mẹ cũng hào hứng trông đợi tin tức của anh trai qua truyền hình - lúc đó là 1 giờ sáng ở tỉnh miền đông bắc Thái Lan. Mẹ cảm thấy vui mừng khi nhìn thấy “khói trắng bay lên” và người xuất hiện ở ban công là… “anh Jorge”. Mọi người đến chúc mừng, mẹ thay mặt ngài nhận những lời chúc mừng đó. Rồi sơ Ana quay về phòng và cầu nguyện bởi thấy lo lắng cho người anh họ trước trọng trách được giao, mà theo mẹ là “quá lớn và nặng nề”. Nhưng những gì Ðức Giáo Hoàng làm sau này đã khiến mẹ sớm quên đi những lo lắng đó và cảm thấy rất an lòng.

Nhận xét về “anh Jorge”, sơ Ana cho biết đó là một người có đức tin mãnh liệt, nhưng rất giản dị và khiêm nhường: “Hãy nhìn cách ăn mặc, đi lại sẽ thấy được đức tính giản dị và khiêm nhường của ngài. Nhưng đối với tôi, còn một điều nữa khiến tôi cảm phục, đó là tính dám đương đầu với khó khăn, vất vả”. Theo vị nữ tu cao niên này, chuyến đi đến Myanmar, cũng là một quốc gia Phật giáo trong vùng Ðông Nam Á, của Ðức Giáo Hoàng đã minh chứng phần nào lòng quả cảm và sự gần gũi của ngài. Ngài đến đó để chia sẻ với những thân phận khốn khó của những người Rohingya xấu số và gởi thông điệp “yêu thương, chia sẻ giữa người với người” ra thế giới. Trong lịch sử Vatican, Ðức Phanxicô là một trong những vị giáo hoàng gần gũi dân chúng nhất, kể cả với tín hữu Công giáo và người ngoại đạo. Bất cứ người nào cũng có thể “chạm” vào ngài.

Sơ Anna gặp gỡ anh họ là Đức Phanxicô - ảnh nhân vật cung cấp

Hạnh phúc với đất nước Thái Lan

Sơ Ana chưa gặp lại Ðức Phanxicô kể từ năm 2015, khi mẹ may mắn được yết kiến ngài ở Vatican. Cuộc gặp ngắn ngủi giữa “hai anh em” chỉ đủ để hai vị chia sẻ về cuộc sống hiện tại và hỏi thông tin những người thân trong gia đình. Dù vậy, hai vị vẫn thường xuyên viết thư cho nhau theo cách truyền thống, không phải bằng hình thức gõ phím máy tính.

Sơ Ana cho biết hiện tại mẹ không còn đứng lớp giảng dạy. Ngày trước, cũng như nhiều nữ tu thuộc dòng Salêdiêng khác, mẹ dạy tiếng Anh, tôn giáo và khoa học giáo dục cho học sinh từ mẫu giáo đến trung học. Trường nữ sinh Nareewut, tỉnh Ratchaburi, là nơi làm việc và cũng là nơi ở dành cho các nữ tu của của dòng. Trường có khoảng 1.600 học sinh, nhưng chỉ có hơn 100 em là người Công giáo.

Bây giờ, nhiệm vụ của sơ Ana (bề trên tại cộng đoàn Nareewut) là coi sóc ngôi trường mà dòng thành lập cách đây hơn 70 năm - một trong 5 trường của dòng Salêdiêng hiện hữu trên lãnh thổ Thái Lan. Với mẹ, nơi này giống như ngôi nhà thứ hai. Argentina, nơi mẹ sinh ra và lớn lên, không giữ được chân của vị nữ tu và trở thành nơi thỉnh thoảng có dịp về thăm. Sau nhiều thập niên được ơn gọi, sơ Ana nguyện theo con đường mà Chúa đã chọn cho mình, tiếp tục sống và giúp đỡ người dân ở vùng đất cũng mang lại cho mẹ cảm giác hạnh phúc và ấp ám như đang ở quê nhà.

Khi được hỏi điều canh cánh lớn nhất hiện nay là gì, vị nữ tu trả lời là tìm kiếm ơn gọi ở một đất nước phát triển khá nhanh và giới trẻ đang chạy đua với cuộc sống hiện đại, xem trọng vật chất, xem nhẹ phần hồn và đức tin. “Gần 4 năm rồi, không có một ơn gọi nào”, vị nữ tu chia sẻ với giọng đượm buồn.

Sao Mân Côi (từ Thái Lan)

cgvdt.vn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận