Chuyến đi cuối cùng

Đăng lúc: Thứ năm - 08/03/2018 21:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CHUYẾN ĐI CUỐI CÙNG

 

 

          Tờ mờ sáng, mắt nhắm mắt mở khi hay tin không vui “Đức Tổng về nhà Cha rồi”. Đọc xong dòng tin nhắn, không tin vào mắt mình nữa và dường như tỉnh hẳn với tin sốc ấy.

 

          Không chỉ bản thân bỉ nhân và nhiều và nhiều người đều bàng hoàng và không muốn nhận hay nghe tin buồn ấy. Thế nhưng rồi, Chúa đã đặt để và Chúa đã định như thế thì chúng ta phải vâng theo thôi.

          Mọi người, ai cũng quá biết đang trên hành trình thăm viếng mộ hai Thánh và diện kiến Đức Thánh Cha. Đang trong tiến trình rất tốt đẹp thì ...

          Bàng hoàng, chua xót, thương yêu ... biết bao nhiêu cảm xúc dâng tràn khi hay tin người Cha chung kính yêu của giáo phận ra đi. Có lẽ, tất cả các cảm xúc bình thường của con người về sự ra đi đó phải nhường bước cho hai chữ “bất ngờ”.

          Đời con người là vậy và như Chúa nói : “Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào giờ nào ...”.

          Đúng như vậy, sinh thì mỗi người đã có ngày nhưng tử thì không ai biết. Tử thì chỉ một mình Thiên Chúa mới biết mà thôi. Và, cuộc đời của Đức Tổng Phaolô đã đi theo “tiến trình” đó.

          Chẳng ai ngờ và ngay cả Đức Tổng cũng không thể nào nghĩ ra và nghĩ rằng chuyến đi về Roma trần gian này lại là chuyến đi về Roma Thiên Quốc.

          Biết bao nhiêu dự định vẫn còn đó, nhưng rồi :

 

Lạy Chúa, con như người thợ dệt

đang mải dệt đời mình,

bỗng nhiên bị tay Chúa

cắt đứt ngay hàng chỉ. (Is 38, 12)

Thánh Vịnh 90, ta lại thấy thấp thoáng phận của con người:
"Ngàn năm Chúa kể là gì,

tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,

khác nào một trống canh thôi!" (c. 4)

"Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.

Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,

mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,

cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi." (c. 9-10).

 

Chuyến đi cuối cùng của Đức Tổng nhắc nhớ phận người của mỗi người chúng ta. Không ai có thể ngờ rằng chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời Đức Tổng trên hành trình làm người và trong cuộc sống dương gian.

Lần gặp gần nhất với Đức Tổng trong tâm tư hết sức thân mật là sáng ngày mùng 4 Tết. Rất gần gũi và thân thương, Đức Tổng cảm kích, khích lệ, quý mến công việc mà anh em đang làm ...

Trước khi rời xa, Đức Tổng còn ngoái theo : “Nhớ lo cho bà con nghèo nhé !”.

Vâng ! Lời người ra đi vẫn còn đó để tâm thức luôn nghĩ và hướng đến người nghèo.

 

Và giờ này, có lẽ Đức Tổng là người thanh thản nhất vì đã để lại những bụi trần đã bao năm bám theo cuộc đời. Ở cương vị trên cao đó chắc có lẽ cũng không tránh khỏi những lời ra tiếng vào thế nhưng rồi Chúa vẫn ban ơn để Đức Tổng vượt qua những gánh nặng trần gian.

Được cái ơn vô tư vui vẻ nên rồi bất cứ ai gặp Đức Tổng cũng thấy Ngài cười. Có lẽ niềm vui của đời phục vụ và nụ cười đã làm vơi đi gánh nặng đời mục tử của Đức Tổng.

Từ nhỏ đến lớn và cả đến lúc già, Đức Tổng chỉ biết tận hiến đời mình cho Chúa và đã tận hiến đến giây phút cuối cùng bên bàn thờ Thập Giá. Đây có lẽ cùng là hồng ân mà Thiên Chúa trao ban cho một con người mà cả đời dâng hiến cho Chúa và đỉnh cao của đời dâng hiến của Đức Tổng đó là hy tế trên Bàn Thờ.

 

Vậy là từ nay không còn gặp Đức Tổng trên phương diện thể lý con người nữa, nhưng trong niềm tin và tâm thức, ta thật gần và rất gần với Đức Tổng. Đơn giản bởi lẽ khi gần Nhan Thánh Chúa, Đức Tổng sẽ không quên con cái của Người khi Người còn sống.

Hình ảnh của một chuyên gia “thần học Ba Ngôi”, hình ảnh của một Đức Tổng vẫn còn mãi trong khóe mắt mỗi người chúng ta. Và, hết sức đặc biệt là khuôn mặt tươi cười vui vẻ trong mọi hoàn cảnh của Đức Tổng vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng ta.

 

Đức Tổng ra đi bình an và thanh thản nhé !

Và rồi, chuyến đi của Đức Tổng nhắc mỗi người chúng ta : Kẻ đi người ở lại nhưng rồi cũng phải “nay anh – mai tôi”.

Thật thế, trong cái thân phận làm người không ai có thể tránh khỏi ngày ra đi này. Chỉ có điều chẳng ai có thể biết được đời mình kết thúc ở chuyến đi nào mà thôi.

 

Chính vì lẽ đó, ngày mỗi ngày ta cũng phải sửa soạn và chuẩn bị tinh thần bởi lẽ không biết chuyến đi nào là chuyến đi cuối cùng của đời ta như Đức Tổng. Có như vậy, tâm hồn ta luôn luôn tỉnh thức để đón chàng rể đến đón chúng ta và cho chúng ta hưởng tiệc vui muôn đời với Chàng Rể Giêsu.

 

SỨ GIẢ CỦA NIỀM VUI ĐÃ HƯỞNG NIỀM VUI BÊN CHA

 

          Người Kitô hữu gắn liền với tên tuổi và vị thánh mừng bổn mạng

Người linh mục gắn liền với tâm tư mình chọn ngày thánh hiến

Và, Giám mục sống với những gì mình đã chọn trong ngày được tấn phong

Cuộc đời của một Phaolô Bùi Văn Đọc chắc có lẽ cũng không đi ngoài những gắn kết đó.

 

Sinh ra trong một gia đình đạo hạnh và Bùi Văn Đọc là một Kitô với vị thánh bổn mạng mang tên Phaolô. Từ ngày còn thơ ấu, tưởng chừng như cậu bé Phaolô Bùi Văn Đọc tận hiến đời mình cho Chúa trong dòng Chúa Cứu Thế nhưng rồi Thần Khí Chúa đưa đẩy, cậu bé Phaolô đã “tận hiến đời mình cho Giáo Phận để giúp cho anh chị em trong Giáo Phận Sài Gòn” như tâm tình của Đức Tổng khi còn sống.

 

Mọi người đều biết, phương châm, tôn chỉ ngày Đức Tổng được tấn phong đó là : "Chúa là nguồn vui của con."

Khởi đi từ thao thức "Chúa là nguồn vui của con." Nên Đức Tổng đã chọn làm khẩu hiệu đời Giám Mục của mình. Chính vì lẽ đó, dường như bất cứ ai gặp Đức Tổng đều thấy toát lên một niềm vui, niềm vui của Tin Mừng. Gặp gỡ bất cứ ai, mọi thành phần trong Xã Hội và Giáo Hội, Đức Tổng đều trao gởi cho mọi người niềm vui thể hiện ngay trên khuôn mặt của Ngài.

 

Thật vậy, từ nhỏ đến lớn và cho đến ngày nhận sứ vụ Giám Mục, Đức Tổng đã cảm nghiệm được Chúa là niềm vui của đời mình để rồi đi đến đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào Đức Tổng cũng mang niềm vui của Chúa cho anh chị em.

Và có lẽ, niềm vui đời Đức Tổng đó chính là Đức Tổng khám phá ra mầu nhiệm Ba Ngôi, bộ môn hay có thể nói rằng đề tài mà Đức Tổng ấp ủ suốt cả đời. Từ mầu nhiệm Tình Yêu Ba Ngôi, Đức Tổng đã chuyển tải tình thương yêu gia đình Ba Ngôi đó cho những ai Đức Tổng gặp gỡ.

Niềm vui mà Đức Tổng khám phá ra đó chính là niềm vui của Tin Mừng. Chính vì vậy, câu “cửa miệng” của Đức Tổng trong các bài giảng của Đức Tổng đó chính là câu : “Chúng ta hãy để cho ánh sáng Lời Chúa soi chiếu tâm hồn mỗi người và đem ra thực hành theo Thánh Ý Chúa”.

Vâng ! Dù học cao và hiểu rộng nhưng Đức Tổng luôn để cho đời mình được ánh sáng Lời Chúa chiếu soi cũng như muốn cho Lời Chúa chiếu soi cho người khác vậy.

 

Hết sức khiêm tốn, trong ngày nhận sứ vụ Tổng Giám Mục Sài Gòn (24.4.2014) Đức Tổng ngỏ tâm tình : “Anh chị em hãy cầu nguyện thật nhiều cho chúng tôi, các mục tử của anh chị em, để chúng tôi được như lòng Chúa mong ước, và tha thứ các thiếu sót lỗi lầm của chúng tôi trong khi phục vụ anh chị em. Xin cho chất dầu hoan lạc mà Thiên Chúa đã xức cho chúng tôi, trong ngày chúng tôi lãnh nhận thánh chức linh mục và giám mục, lan tỏa sang cho anh chị em, để anh chị em được vui luôn trong niềm vui của Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho tất cả anh chị em và ban cho anh chị em tràn đầy ơn lành, để anh chị em biết sống yêu thương và phục vụ những người thân cận, nhất là những con người khốn khổ, những ai cần đến anh chị em, kể cả những người chưa biết Chúa”.

 

Với tấm tình con thảo, không chỉ Giáo Phận Sài Gòn mà mọi Kitô hữu trên mọi miền đất nước hình chữ S thân thương vẫn luôn luôn nhớ cầu nguyện cho Hội Đồng Giám Mục và cách riêng cho Đức Tổng nữa. Làm sao có thể quên đi nụ cười luôn luôn nở trên khuôn mặt của sứ giả niềm vui của Chúa được.

“Sứ giả của niềm vui” - “Niềm vui của Tin Mừng” đã về nhà Cha để hưởng niềm vui cùng Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin Đức Tổng thương nhớ cầu nguyện cho những người còn lại trong cuộc lữ hành trần gian luôn luôn biết khám phá và sống tâm tình “Chúa là nguồn vui của con” như Đức Tổng đã sống.

 

Câu nói : “Chúng ta hãy để cho ánh sáng Lời Chúa soi chiếu tâm hồn mỗi người và đem ra thực hành theo Thánh Ý Chúa” vẫn còn văng vẳng bên tai của chúng con. Xin Đức Tổng nguyện cầu để chúng con luôn luôn để cho Lời Chúa chiếu soi tâm hồn chúng con và nhất là chúng con biết thực hành theo Thánh Ý Chúa như Đức Tổng khuyên dạy.

 

Người Giồng Trôm

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận