Bài 21: “Bất Lực Nữ” Trong Hôn Nhân

Đăng lúc: Thứ năm - 16/07/2015 17:24 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Gia đình 21

“BẤT LỰC NỮ” TRONG HÔN NHÂN

 
 
                                                          
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh

 
Người ta thường nói bên nam bị bất lực, nhưng ít nói tới bên nữ.Việc giao hợp giữa vợ chồng được coi là bình thường khi dương vật của người nam vào được trong âm đạo của người nữ và để lại trong âm hộ một lượng tinh trùng (humano modo). Khi vì lý do nào đó thuộc bên nam hoặc bên nữ mà việc giao hợp không thực hiện được như trên thì theo tinh thần của Giáo luật, được gọi là bất lực.
 
Bên phía nữ, trường hợp này xảy ra do sự lãnh cảm tình dục. Lãnh cảm tình dục nữ giới là khi nữ giới không có sự thèm muốn tình dục hoặc không có khả năng hưởng khoái cảm đầy đủ như lẽ ra theo bình thường phải có. Không thấy khoái cảm trong giao hợp hoặc khoái cảm ít, khiến người nữ ngại ngùng hoặc thờ ơ trong sinh hoạt tình dục với chồng. Thông thường, lãnh cảm có nguyên nhân tâm lý cũng như có nguyên nhân do bệnh lý[1]
 
Về nguyên nhân bệnh lý, khi bên nữ mắc các chứng bệnh sau đây[2]:
 
1/ Chứng giao hợp đau (dyspareunie): khi giao hợp người nữ bị đau đớn do âm đạo bị tổn thương hoặc do các chứng bệnh như viêm buồng trứng, viêm vòi tử cung.
 
2/ Bệnh phụ khoa: Chứng co đau âm đạo (vaginisme) hoặc mắc phải những dị dạng bẩm sinh như  âm đạo hẹp hoặc quá ngắn, vị trí không bình thường của âm vật khiến không có kích thích tình dục, màng nhầy âm vật quá dày làm giảm khả năng kích thích. Những bệnh này có thể điều trị lành được.
 
Những nguyên nhân trên thường đưa đến việc lãnh cảm toàn phần hoặc mức độ. Lãnh cảm toàn phần nếu người nữ hoàn toàn sợ giao hợp với bất cứ người nam nào. Lãnh cảm mức độ là khi người nữ chỉ sợ một đối tượng nào đó mà đối với người khác thì bình thường.
 
I. Giáo luật 1983
 
Điều 1055§1 xác định: “Giao ước hôn nhân làm cho hai người nam nữ trọn đời chung sống với nhau. Tự bản chất, giao ước nầy hướng tới thiện ích của hai vợ chồng cũng như  tới việc sinh sản và giáo dục con cái. Đối với những người đã lãnh nhận bí tich thánh tẩy, giao ước đó được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích”.
 
Điều 1057§2 -”Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi của ý chí do đó người nam và người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân, bằng một giao ước không thể thu hồi lại”.
 
Điều 1061§1 - ”Hôn phối hữu hiệu giữa những người đã chịu phép rửa tội được gọi là hôn nhân thành phép, nếu chưa có sự hoàn hợp; hôn phối gọi là thành phép và hoàn hợp khi hai vợ chồng ăn ở với nhau theo cách thức bình thường. Sự giao hợp là hành vi hướng đến việc sinh con cái, tức là một mục tiêu tự nhiên của hôn nhân, và do hành động ấy, đôi bạn trở nên một xương thịt”.
 
Điều 1084§1 - “Bất lực để giao hợp, có trước khi kết hôn và vĩnh viễn, về phía nam hoặc về phía nữ, dù tuyệt đối, dù tương đối, tự bản tính của nó làm cho hôn nhân vô hiệu”.
 
II. Các bệnh phụ khoa
 
Điều kiện: Sự bất lực như nêu trên phải xác thực, có trước khi kết hôn và vĩnh viễn (không chữa được). Việc người nữ không đón nhận dương vật hay không muốn đi đến giai đoạn xuất tinh gây nên cản trở tiêu hủy hôn phối.
 
1. Có trước khi kết hôn.
 
Xác định điều này bằng chứng có trực tiếp do xét nghiệm y khoa trước khi kết hôn hoặc do xét nghiệm về sau, nhưng từ khi kết quả có được để xét và kết luận là nguyên nhân bệnh lý đã có trước khi kết hôn.
 
2. Vĩnh viễn
 
Không thể chữa trị được bằng phương tiện y khoa hoặc không chữa được bằng tâm lý trị liệu, nếu  nguyên nhân do tâm bệnh.
 
3. Hậu quả
 
Hôn phối trong trường hợp này coi như không hoàn hợp, đôi bạn có thể xin Đức Thánh Cha ban ơn chuẩn về hôn phối thành sự nhưng không hoàn hợp, để có thể được tự do kết hôn với người khác.
 
Trường hợp người vợ từ khước và chống cự, nhưng bị khuất phục do sự khống chế của người chồng nên giao hợp thực hiện được và có xuất tinh, sau đó có thể thụ thai, thì trường hợp này vẫn bị coi như một thứ bất lực, vì việc giao hợp không thực hiện theo cách thức bình thường.
 
III. Chứng lãnh cảm.
 
Nếu chỉ là sự lãnh cảm do tâm lý mà thôi thì không được coi như nguyên cớ làm cho hôn nhân vô hiệu, trừ khi nó đi kèm theo hai yếu tố: đó là sự lãnh cảm sơ cấp và nó là hậu quả của chứng giao hợp đau, đã có trước khi kết hôn và mãn tính. Trong trường hợp này có thể coi như bất lực, không thể chu toàn những nghĩa vụ của đời sống vợ chồng (GL đ.1095§2), trong đó có quyền về thân xác cho và nhận (§3).
 
Trong những trường hợp kể trên, để chắc chắn, cần nhờ tới sự can thiệp của y khoa theo như quy định GL đ.1680 và 1574 hoặc của khoa tâm lý trị liệu.
 
GL đ.1680 - “Trong những vụ kiện về bất lực hay về việc thiếu ưng thuận vì lý do tâm bệnh, thẩm phán phải nhờ đến một hay nhiều giám định viên, trừ khi hòan cảnh cho thấy rõ là không cần thiết. Trong những vụ kiện khác, phải giữ quy định ở điều 1574”.
 
GL đ.1574 - “Phải nhờ đến các giám định viên giúp đỡ mỗi khi luật pháp hay thẩm phán đòi hỏi sự khảo sát và ý kiến của họ, dựa trên các quy tắc của kỹ thuật và khoa học của họ, để chứng minh một sự kiện hay để biết bản tính thật của một sự vật”.
 
Để hiểu rõ thêm, xin trưng dẫn tóm lược Phán quyết của Tòa Bruno ngày 3/4/1987 về chứng lãnh cảm nữ trong hôn nhân:
 
Auth 25 tuổi là phóng viên. Vào tháng 10/1968, anh gặp Moni, 17 tuổi. Hai người quen biết giao thiệp với nhau trong vòng 3 năm, không có liên hệ tình dục. Cô gái sợ đụng chạm xác thịt với chàng trai, nhưng dầu vậy, hai bên quyết định lễ cưới cử hành vào ngày 4/6/1971 tại Buenos Aires (Brasil).
 
Cuộc sống chung kéo dài 7 năm, những nguyên nhân thể lý và tâm lý nơi người vợ đã khiến cho việc giao hợp vợ chồng không bao giờ đạt tới mức hoàn toàn, nhưng nhờ việc cấy tinh trùng nhân tạo nên vợ chồng sinh được 2 đứa con.
 
Người vợ đi bác sĩ khám nghiệm và đã được giải phẩu để cắt phần polip và nong rộng âm hộ. Đến năm 1974, người chồng phát hiện mình mắc bệnh hẹp da quy đầu và nhờ phẩu thuật, anh cũng được chữa khỏi.
 
Theo lời khuyên của một linh mục, ngày 7/3/1978, hai bên đệ đơn xin Tòa Thánh ban ơn chuẩn hôn phối thành sự nhưng không hoàn hợp. Vào tháng 10 cùng năm, Thánh Bộ Kỷ Luật Bí Tích và Phụng Tự trả lời không chấp thuận.
 
Sau đó ngày 6/6/1979 người chồng đệ đơn lên Tòa án Giáo Hội tại Buenos Aires xin tuyên bố hôn phối vô hiệu vì người vợ bất lực, không có khả năng giao hợp. Ngày 30/12/1981 Tòa tuyên bố hôn phối vô hiệu.
 
Nhân viên bảo hệ, theo luật, đã kháng án lên Tòa Tối Cao và vụ kiện đã được cứu xét theo thể thức thông thường ở Tòa cấp II.
 
 Trường hợp vì một lý do nào đó thuộc cơ thể hoặc bộ phận chức năng, khiến cho người nam và người nữ không thể hoàn thành việc giao hợp theo như cách thức bình thường, thì phải coi như là bất lực. Có khả năng hoàn thành việc giao hợp theo cách thức bình thường là khi dương vật vào trong âm đạo và xuất tinh trong âm đạo.
 
Nhưng không phải tất cả mọi trường hợp bất lực đều tiêu hủy hôn phối. Giáo luật điều 1084§1 quy định: “Bất lực để giao hợp, có trước khi kết hôn và vĩnh viễn, hoặc về phía người nam, hoặc về phía người nữ, dù tuyệt đối, dù tương đối, tự bản tính của nó khiến cho hôn phối vô hiệu”.
 
Trong trường hợp này, nguyên nhân ngăn cản việc giao hợp hoàn toàn là do khuyết điểm nơi âm hộ người nữ. Khuyết điểm này đã có trước khi kết hôn và mãn tính (không chữa được).
 
Xét vì những lý do nêu trên, Tòa án Tối Cao đã tuyên bố  hôn phối vô hiệu.
 
 

[1] La froideur sexuelle chez la femme, édition Gallia, Paris,1981.
[2] Xem Phán quyết của Bruno ngày 3/4/1987  hoặc của Jerrano trong Arras Ju (11-13) 497/513)

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận