Giọt nhớ Mùa Giáng Sinh

Đăng lúc: Thứ bảy - 13/12/2014 02:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Giọt nhớ Mùa Giáng Sinh 
truyện ngắn
 
 
http://www.baicamoi.com/wp-content/uploads/clip_image00220.jpg
Ký túc xá gồm hai dãy nhà. Dãy A dành cho nữ, dãy B dành cho nam. Cả dãy B xôn xao từ khi xuất hiện “cô bé trầm tư”. Năm 1, năm 2, rồi năm 3, vẫn không chàng nào “bắt cóc” được cô bé. Đặc biệt là bất cứ khi nào xuất hiện ở đâu, cô bé chỉ “chuyên trị” màu trắng hoặc tím. Bản tính tôi không quan tâm lắm tới chuyện làm quen. Chẳng kênh kiệu chi cho cam mà tôi chỉ nghĩ là lúc này chuyện học tập phải ưu tiên số một. Cứ lo “cua” thì dễ có ngày “mất của” lắm. 

Trời mấy bữa nay xám lại, se lạnh. Sang đông. Các nữ sinh viên trong những chiếc áo len đủ màu sắc, đủ loại. Hẳn là thích mắt nhiều người. Dĩ nhiên là trừ tôi. Có lẽ tôi “khó tính”. Trong phòng còn lại Phi, Nguyên và tôi. Một chiếc áo len tím thoáng ngang qua trước cửa phòng. Phi nói: 

– Ê, Điền. Cô bé trầm tư mới ngó vô đây. Chắc là có nhã ý tìm mày. 

Tôi im lặng. Tụi này “quỷ” lắm. Nguyên “đổ dầu” thêm: 

– Ừ, chiều qua cô nàng hỏi mày, chắc định mượn hoặc nhờ mày gì đó. 

Tôi phải “mở mỏ”: 

– Thôi đi các “cha”. Cho “con” xin hai chữ bình an! 

Phi và Nguyên cười khúc khích ra chiều “thâm ý”, rồi cà khịa thêm: 

– Thì “con” vẫn bình an vô sự đó thôi. 

Hai thằng bàn ra, tán vào đủ thứ. Tôi đầy hai lỗ tai. Theo “quy ước”, trong ba thằng, đứa nào rủ được nàng đi ăn chè thì tối nay sẽ được thưởng một cuốn từ điển Webster hoặc một cuốn Wordfinder bằng tiền của hai đứa kia. Bất đắc dĩ, tôi “liều mạng” để “thí cô hồn” một lần cho nó “nể mặt” kẻo bị cà khịa hoài. Bực mình, tôi nói mạnh: 

– Chơi thì chơi luôn. Wordfinder của Oxford đàng hoàng nha. Chịu thì chơi. 

Phi tròn mắt: 

– Chà! Ghê nha. Thằng Điền hôm nay “điên” đột xuất, điên nặng thật rồi. 

Tôi thêm vào: 

– Nhưng chỉ riêng hai người thôi. Hai đứa kia phải ở nhà, không được đi theo. 

Nguyên nhảy lên như điện giật: 

– No, no. Never. Có mặt để làm chứng chứ mày! 

Tôi cự tuyệt, nhất định không chịu cho ai theo nếu tôi “được”. 

Rồi thỏa thuận cũng ổn. Phi và Nguyễn “biến” mất tiêu. Cơm trưa cũng không thấy đứa nào xuất hiện. Chủ nhật, đứa nào cũng đi suốt. Tôi ít đi nên thường được làm nhiệm vụ “gác đồn”. Cũng được. Càng tốt. Có dịp học. Tụi nó vẫn đặt cho tôi nickname là “mọt sách” mà. Tôi “buồn tình” nằm nghe radio, hết FM Bình dương đến VOH giao thông, cải lương hoặc ca nhạc gì cũng nghe hết. Vừa nghe vừa làm bài. Sợ làm phiền hàng xóm nên tôi thường nghe qua earphone. Tôi “phê” lúc nào không biết. 

Nghe tiếng gõ cửa, tôi vẫn nằm im. Lắng nghe. Gõ nữa. Tôi choàng dậy lật đật vội xỏ thêm chiếc quần dài. May quá, linh tính có khác. Không thì có nước “độn thổ”. Cửa mở. Ôi, lạy Chúa! Tôi không khỏi mắc cở. Nàng mỉm cười như trong cổ tích. Tự nhiên tim tôi giang tấu hết Cha Cha Cha sang Bebop. Khó tả. Nhất là xấu hổ vì bộ xương cách trí của thằng tôi! 

– Xin lỗi Mai Khuyên. Cho khoác thêm chiếc áo nha. 

Trở ra, tôi chưa hết lúng túng. Vẫn nụ cười. Không dám tin ở mắt mình, tôi dụi mắt. Nàng nói đỡ: 

– Xin lỗi vì Khuyên phá giấc ngủ của anh. 

– Không sao. Có gì không, Khuyên? 

Nàng đánh rơi cái nhìn xuống đất, trầm giọng: 

– Anh Phi nhắn Khuyên sang đây… 

Hai thằng này “ác ý” ghê! Nhưng tôi như mèo mù gặp cá rán vậy. Tôi cố ý đánh trống lảng: 

– A, Khuyên vô đây đã. Khách đến nhà mà bắt đứng cửa hoài. 

Khuyên theo tôi vô. Vừa kéo ghế (một chiếc duy nhất) tôi vừa nói: 

– Khuyên ngồi đi. 

Tôi ngồi trên chiếc giường đối diện. Cả hai im lặng. Nhìn nhau rồi quay đi. Nhìn xuống đất. Cứ nhìn vu vơ. Tôi gãi đầu, lời nói đứt quãng: 

– Có chuyện này mà… mà… không tiện nói ở đây. 

Ngưng một chút. Khuyên vẫn im lặng. Là con trai mà tôi cứ ấp úng, không nói được. Tôi thầm cầu nguyện cho nàng nói trước và nói nhiều để tôi… đỡ nói. Im lặng kéo dài. Con gái gì “lì” quá đi! Kẹt quá, tôi đành phải nói trước: 

– Mình đề nghị vậy nè. Nếu có gì không phải, Khuyên bỏ qua nha! 

Khuyên gật đầu: 

– Anh cứ nói đi. 

– Nếu được, tối nay đi ăn chè. Quán Sinh Viên bên kia đường đó. 

Khuyên im lặng khiến tôi càng thấy ngại. Bụng tôi đánh lô tô. Lúc sau, Khuyên ngập ngừng: 

– Nhưng… mấy giờ mới được chứ? 

Tôi như trúng số. May quá. Nhẹ mình. Tôi khoan khoái thở phào. Ừ ha! Đôi khi người ta “ngu” đột xuất. Tôi hỏi như để xác định: 

– 18 giờ 30 được không? 

Khuyên gật đầu và kèm theo nụ cười “miểng chai” làm tim tôi muốn “rướm máu” luôn. Chi mà “ác” dễ sợ! 
Khuyên khóa 15, tôi và hai “ông thần nước mặn” kia khóa 13 (xui gì đâu!). Vì thế, tôi nghiễm nhiên được lên chức “anh”. Ngọt chè! Nghe đâu Khuyên ở miền Tây, cụ thể là Cà mau. Gia đình khá giả và thức thời lắm, cho nên ba má bằng lòng cho Khuyên lên thành phố học. 

Ngoài giờ “chính khóa”, Khuyên còn đi học thêm vi tính. Tôi thấy thèm những thuận lợi Khuyên đang tận hưởng. Nàng khá xinh. Giọng miền Tây nghe phát ham, ngọt như mía lùi dễ thương gì đâu! Khuôn mặt tròn với mái tóc chấm vai trông rất logic. Ở miệt dưới, nghe đâu “muỗi bay như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”, nghe mà… phát ớn. Khuyên kể tôi nghe đủ thứ về sông nước, rừng tràm, rừng đước,… Tôi nghe say sưa. Chẳng phải để lấy lòng mà tôi dự định sẽ thử viết truyện để đăng báo xem sao. Biết đâu được đăng, nàng sẽ đọc và sẽ dễ có “cảm tiền” với tôi? Nghĩ sơ sơ vậy cũng đủ phấn khởi. Tôi gật gù ra chiều đắc ý. Tôi cười và nghĩ thầm: “Hai thằng quỷ sứ kia, tụi bay chết!”

– Có gì mà anh vui vậy? 

– À, không. Mà Khuyên nè, miền Tây lãng mạn và thơ mộng lắm sao mà nhiều người ca tụng dữ vậy? 

– Tùy thôi. Anh chưa về miền Tây sao? 

– Mù tịt. Ước gì có dịp theo Khuyên về một lần cho biết. 

– Nếu anh muốn thì dễ thôi. – Mai Khuyên hóm hỉnh nói ngay. 
o0o 
Tối. Ngồi đối diện với Mai Khuyên, tôi thấy có cảm giác lạ. Trái tim tôi như “sinh chứng” bất thường. Lỡ rồi. Phóng lao phải theo lao. Ráng! Cầu cho hai thằng quỷ sứ tránh xa “vùng cấm địa” này cho khỏi rắc rối. Xưa nay tôi cầu “linh” lắm, không biết lần này thế nào đây. Vì không quen nói dối (bản tính như vậy chứ không khoe mình tốt lành gì đâu), tôi đành phải “thú tội” với Khuyên rằng ba thằng có “cá độ” với nhau nên mới có buổi gặp gỡ này. Nàng im lặng. Im lặng chi mà tôi nghe “ngứa” cả đầu. Gãi. Sợ nàng phật lòng, tôi vội hỏi: 

– Khuyên có giận không? 

Khuyên nhìn vào khoảng trống giữa hai ly chè và nhẹ giọng: 

– Có và không. Khuyên ghét mấy anh quá hà. Khi không đưa người ta ra… 

– Xin lỗi Khuyên. 

Nàng nâng ly chè lên. Những ngụm nho nhỏ khiến tôi cũng thấy đậm đà. Ngừng lại, Khuyên khẽ nói: 

– Thế mấy anh cá độ thứ gì? 

– Một cuốn từ điển Wordfinder loại mới, của Oxford đàng hoàng. 

– Vậy phải cho Khuyên mượn để tra cứu nữa đó nha. Có công của Khuyên chứ bộ! 

Dĩ nhiên tôi đồng ý cả hai chân lẫn hai tay mà không kèm điều kiện chi ráo trọi. Ôi, tạ ơn trời đất! Cảm ơn hai thằng quỷ sứ nữa. Nhờ tụi nó mà tôi đã… (Khó nói thí mồ đi. Xin đừng ai bắt nói công khai. Kỳ lắm!). 

Từ đó, tôi được nước, thi thoảng tôi lại “kiếm cớ” để được cùng nàng ra quán “đối ẩm”. Lúc nào “nặng túi”, tôi rủ thêm Phi và Nguyễn như để thầm “đền ơn” tụi nó. Có lần Khuyên hỏi: 

– Quê anh ở Đồng Nai mà khu nào? 

Điều tra lý lịch “dễ sợ”. Tôi thản nhiên: 

– Long thành. Xa lắc xa lơ. Dân quê mà! 

– A, Long thành nhiều trái cây lắm. Chừng nào về quê nhớ để dành trái cây cho Khuyên đó. 

– Sầu riêng hay chôm chôm? 

– Cả hai luôn. 

Khuyên giấu nụ cười sau chiếc khăn tay. Tôi thấy “mầm duyên” đang có mòi phát triển. Lòng tôi rạo rực khó tả. Bồi hồi. Lâng lâng. Và hình như thoáng bối rối của chút men tình đầu. Vui vui làm sao ấy! Một thứ cảm xúc dễ chịu, đẹp như tiểu thuyết vậy. Khó có thể xác định. 

Thế mà hai lần nhận điện báo má đau nặng, Khuyên về quê mà tôi không biết. Bạn bè chọc ghẹo tôi đến sượng cả người. Khuyên vội? Khuyên sợ tôi “xin theo”? Tự dưng tôi đâm buồn vô cớ rồi nghĩ mông lung. Vô duyên ghê đi! Khuyên vẫn giữ cuốn từ điển thắng độ của tôi. 

Không dám hỏi mặc dù tôi đang rất cần nó. Sáng nay chủ nhật. Thằng thì về quê, thằng thì đi chơi, kể cả hai thắng quỷ sứ. Tôi ở lại phòng mình ên. Cả tuần nay “ăn chay trường”, điểm tâm bằng vài động tác thể dục để giết thời gian. Đói quá nên khó tập trung học. Tai ù đi cũng không nghe băng ngoại ngữ được. Chữ cứ nhảy ngang nhảy dọc, không “sàng” được chữ nào vào đầu. Ngồi im như “chó xích” nhìn chút sương vương lại trên những tán cây lớn bên kia đường. Ký túc xá lặng hẳn đi trong cái se lạnh chớm đông này. Có tiếng gõ cửa và tiếng gọi khẽ: 

– Anh Điền ơi! 

Cô bé trầm tư. Trống ngực khua dồn. Tôi ráng làm ra vẻ tự nhiên khi mở cửa, nàng biếu không cho tôi một nụ cười duyên hết biết! 

– Khuyên gởi lại anh cuốn từ điển. 

Tôi chỉ gật đầu. Như chợt nhớ ra điều gì, tôi nói: 

– Vô chơi chút đi Khuyên. 

Tôi ngồi lật lật cuốn từ điển cho tay đỡ… thừa. Tôi chợt thấy mảnh giấy kẹp trong sách. Tôi mở coi: 

Thân gởi Đ. Và Kh.,
 
May all of you be happy. Hãy “love” đến “đờ” và “khờ” luôn nha!
 
Điệp-Viên-Không-Không-Thấy
 
Lại hai thắng quỷ sứ chứ ai trồng khoai đất này! Chúng nó “mầu nhiệm” quá. Tôi nghĩ thầm. Chợt nhìn Khuyên, tôi lại “diễm phúc” nhận thêm một nụ cười miễn phí nữa. Tôi vu vơ: 

– You love ai chưa? 

Khuyên nhìn xuống đất và lắc đầu. Tôi “cứng họng”. Rồi nàng nói: 

– Thôi, Khuyên về nha! 

Tôi vội quay ngang, không nói được gì. Nàng khuất sau cánh cửa. Từ đó tôi “nhiễm” luôn “căn bệnh” của nàng, ít nói hẳn đi. Có những tiết học mà hồn tôi cứ lang thang đâu đó. Nỗi buồn vô cớ không nơi trú ngụ. Tôi bắt đầu hút thuốc lá, uống cà-phê, làm thơ và… mất ngủ, thậm chí còn “mắc dịch” (lo dịch bài đăng báo). Có phải căn bệnh nắng mưa như thi sĩ Nguyễn Bính chăng? Nhiêu khê! 

 
o0o 
 
Thời gian thấm thoát. Mỗi đứa ra trường rồi có công việc riêng, hoàn cảnh khác nhau. Những mùa đông cứ đến rồi lại đi… Vậy mà đã hơn 10 năm rồi còn gì! 

Cũng lại là chủ nhật. Học sinh nghỉ học. Tôi tự dưng thèm ly cà-phê nóng trong buổi sáng se lạnh thế này. Tìm một góc quán vắng. Ngẫu nhiên êm vang câu hát: “Que sera sera… What will be will be…”. Mùi thơm cà-phê làm tôi có cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Hít một hơi thuốc lá. Chợt một cô gái mặc chiếc áo len tím đi ngang trên đường, nhìn dáng rất giống Khuyên, khiến tôi nhớ lại thời sinh viên, nhớ về cô bé trầm tư. Kỷ niệm ùa về trong tôi… 

Tôi viết và viết. Cảm xúc dạt dào. Nuối tiếc tình cảm ngày xưa chưa kịp nói. Có lẽ tôi chưa bao giờ viết như hôm nay. Viết như thèm viết lâu ngày. Viết như “ngứa óc” mà viết. Chợt nhìn đồng hồ: 10 giờ. Có lẽ chủ quán “nóng ruột” vì có người khách “lì” như tôi. Tôi lật đật về phòng. Vài cô cậu học sinh chào khi thấy tôi. 

Thấp thoáng những học sinh học phụ đạo hoặc vô trường chơi. Tôi ngồi viết lại những gì vừa viết ngoài quán. Quên đói buổi trưa. Như phản xạ của tiềm thức, tôi bỏ xấp giấy vào phong bì để gởi cho báo. Ước muốn ngày nào nay mới thành hiện thực. 

Giờ này cô bé trầm tư đang ở Cà Mau, ở Utah (1) hay ở phương trời xa nào? Tôi hy vọng mong manh rằng khi báo đăng thì Mai Khuyên sẽ tình cờ đọc được cả nỗi nhớ mùa đông. Khuyên ơi! You có trái tim mùa đông không? 

Tôi lặng lẽ nhìn lên những đám mây xám giăng ngang bầu trời. Tôi thấy chúng mang màu tím chứ không mang màu xám như người ta thường nói, một dạng màu-tím-trong-suốt. Rất lạ! Ở Việt Nam không có tuyết, chỉ có hơi sương se lạnh, và trong sâu thẳm đáy lòng hình như cũng có chút lạnh! 

Rất ngẫu nhiên, ca khúc “Sầu Đông” của Nhạc sĩ Khánh Băng đang vang vọng da diết từ bên nhà hàng xóm: “Chiều nay gió Đông về, dừng chân trên bến xưa, đời trai gió sương về thăm cố hương, tìm bao nhớ thương, mà sao phố phường vắng. Tình sầu lạnh buốt đêm trường!”. Nỗi buồn chợt thêm xa vắng… 

May thay, tiếng chuông leng keng của ca khúc “Jingle Bells” (2) cũng vừa kịp vang lên xóa hết dấu vết u buồn: “Dashing through the snow, in a one-horse open sleigh, o’er the fields we go, laughing all the way… Jingle bells, jingle bells jingle all the way…”

Tạ ơn Chúa, Ý Chúa cao siêu đã tiền định kỳ diệu, tình yêu của Ngài vẫn mãi bao la và nhiệm mầu, vượt xa trí hiểu của nhân loại. Tôi ngâm nga: “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội…” (Cố Ns Duy Tân). Quá khứ là quá khứ. Hiện tại là hiện tại. Kỷ niệm là kỷ niệm, hãy để nó “ngủ yên”. Nước đã lắng phèn, trong veo, đừng khuấy cho nước vẩn đục. Cuối cùng chỉ còn Chúa, như Thánh Augustinô nhờ dày kinh nghiệm “xương máu” mà rút ra được kết luận: “Ngài có đó khi ta tưởng đơn côi, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ”

Trầm Thiên Thu

(1) Một bang nhỏ ở Hoa Kỳ.
(2) J
ingle Bells là ca khúc nổi tiếng thế giới và phổ biến vào mùa Đông. Ca khúc này của Nhạc sĩ James Lord Pierpont (1822–1893) viết vào năm 1850, được xuất bản với tựa đề “One Horse Open Sleigh” vào mùa Thu năm 1857. Ca khúc này được viết cho lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) nhưng lại được người ta dùng làm ca khúc Giáng sinh.

Nước mắt mùa Đông

 
Thi thoảng vẫn còn vài chiếc lá sót lại rơi lạc lõng mặc dù trời đã vào Đông. Bầu trời nắng đục. Se lạnh. Man mác buồn. Có chút lãng mạn thi sĩ sẽ thấy chất thơ quanh đây cơ man mà kể. Hơi lạnh như ướp vạn vật cứng lại. Sương đọng thành giọt rơi xuống nghe rõ mồn một đủ làm rạn nứt sự yên tĩnh ban mai. Căn nhà lúc này trở nên hoang vu hơn. Thục Nhi dậy sớm để học bài. Trời chưa sáng rõ. Cố tập trung ôn bài mà chữ nghĩa cứ chạy nhảy lung tung. 

Cả tháng nay mẹ đi suốt ngày, có khi mãi khuya mới về. Mẹ ăn diện khác thường, đã vậy lại chẳng mấy khi ăn cơm nhà. Mẹ thường đi với người đàn ông trạc tuổi mẹ. Cặp kính cận khiến ông tăng thêm vẻ nghiêm nghị, chững chạc. Có hỏi, mẹ chỉ trả lời vòng vo, rào trước, đón sau, có khi lại gắt gỏng. Vẻ dịu dàng ngày xưa đột nhiên biến mất. Chưa bao giờ mẹ la rầy nặng lời, thế mà… Trời ơi! Không lẽ lời đồn đại về mẹ lại là sự thật? Thục Nhi không dám tin.
 
Trời sáng dần. Có tiếng bước chân người. Thục Nhi biết là ai nhưng vẫn ngồi bất động. Vẻ trầm tư chưa rời khỏi Thục Nhi.
– Nè, đi học chứ cô nương. Học gì mà say sưa quá vậy? – Châu Ly liến thoắng.
Thục Nhi thản nhiên:
– Coi lại đề thi năm trước. Nhà ngươi đợi ta một chút.
Châu Ly nôn nóng:
– Lẹ đi. Hôm nay thi môn cuối quan trọng đó. Lo quá! Văn ta dốt đặc cán mai, đâu như ngươi văn chương đầy mình.
– Ai mà không lo. Có điều là lo cũng đến vậy. Ai nghi ngờ sẽ thất bại đó nha.
Châu Ly hơi nhún vai:
– Biết vậy mà lo vẫn cứ lo.
Thục Nhi trầm tính hơn Châu Ly. Như hai thái cực, thế mà hai người như hình với bóng, không lúc nào có người này lại thiếu người kia.
Sau khi ba mất vì một căn bệnh trầm kha, Thục Nhi theo mẹ đi xa. Con bé 10 tuổi đầu chưa hiểu nhiều. Hoàn cảnh đã tạo nên một Thục Nhi trầm lặng, thích dạo bước dưới hàng cây vào buổi chiều. Châu Ly vẫn gọi Thục Nhi là cô bé trầm tư. Kẻ hoạt động, người trầm mặc. Nhưng giữa đôi bạn lại có mối đồng cảm, một sức hút như nam châm. Thời gian là yếu tố quan trọng đối với tình bạn. Hiểu được nhau thì mới thương nhau hơn. Đúng như A. Manzonic nói: “Một trong những hạnh phúc lớn nhất trên đời là tình nghĩa kim bằng, và một trong những hạnh phúc của tình bạn là có người để gởi gắm một điều bí mật nào đó”.
o0o
Thục Nhi vừa ăn cơm tối xong thì đồng hồ cũng vừa điểm 7 tiếng. Dọn dẹp xong, lên nhà trên, Thục Nhi đã thấy Châu Ly ngồi đó từ lúc nào rồi. Thục Nhi lẳng lặng chuẩn bị. Không cần nói với nhau khi tình bạn đến độ “chín muồi”. Dĩ nhiên khó có thể tìm được một tình bạn tri âm như vậy.
Trên đường, các quán mở vang những ca khúc Noel êm dịu, sâu lắng. Phố xá nhộn nhịp khác thường. Hai cô bé vào khuôn viên giáo đường rực sáng những ánh điện tỏa ra từ những lồng đèn ngôi sao. Người như nêm trong những trang phục lộng lẫy, sang trọng. Đêm giáng sinh được mệnh danh là đêm an bình và hạnh phúc. Người người phấn khởi mặc vẻ thánh thiện. Giáo xứ nhỏ, nhưng năm nào cũng vậy, hoạt cảnh giáng sinh được diễn ra trong tiếng nhạc du dương, réo rắt, thánh thót. Hang đá lấp lánh ánh điện rực rỡ sắc màu. Một hài nhi mũm mĩm nằm nhìn lên cha mẹ. Một gia đình hạnh phúc quá!
Tuy là mùa Đông nhưng thời tiết miền Nam không lạnh giá, chỉ se lạnh một chút cho đủ cảm nhận đêm Noel. Đông người vẫn làm người ta cảm thấy ngột ngạt hơi nóng. Hai cô bé ra ngoài cho thoáng, đợi đến giờ hành lễ mới vào lại. Một thức uống là nhu cầu lúc này.
Hai cô bé vừa bước vào quán nước, bước ra từ trong ánh điện chớp nháy mờ ảo là một người đàn ông đeo kính khoác tay một người đàn bà trong chiếc đầm hồng với chiếc túi xách quen thuộc. Thục Nhi nhìn theo. Choáng váng. Thục Nhi quỵ xuống bậc thềm. Châu Ly hoảng hốt:
– Sao vậy, Thục Nhi?
Đứng dậy nương theo Châu Ly, Thục Nhi nói:
– Chóng mặt quá!
– Nhà ngươi trúng gió rồi.
– Không sao đâu. – Thục Nhi lắc đầu, nói nhanh.
– Xin dầu cạo gió cho nhà ngươi nha.
– Ta nói không sao mà.
Châu Ly nhanh nhảu:
– Ăn chè?
– Cũng được. – Thục Nhi hờ hững nói theo.
Uể oải đưa muỗng chè lên miệng, Thục Nhi ngồi thừ người ra như phỗng đá. Châu Ly tưởng Thục Nhi trúng gió thật nên để bạn ngồi nghỉ. Thục Nhi ngả người vào ghế, lim dim,…
o0o
“Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…”
Lời ca trầm bổng, khoan nhặt. Thục Nhi dù đang trĩu nặng mà cõi lòng vẫn chắp cánh bay bổng theo khúc hát ngân vang. Từ nay, từ đêm giáng sinh này, bao hình ảnh đẹp về mẹ bỗng thay hình đổi sắc, mơ ước như mất đi đôi cánh. Thục Nhi nâng lòng lên cho nhạc lòng cũng cao cung vượt trên những cơn bàng hoàng. Cô bé chợt thấy mình trưởng thành, trưởng thành hơn ngay trong đống xà bần mơ ước của mình.
Mùa Đông không đủ làm Thục Nhi giá lạnh mà lại cảm thấy ấm nóng bằng những giọt nước mắt trôi đi nỗi hờn giận mẹ. Mẹ ơi! Một khoảng cách không xác định giữa mẹ và con đã hình thành. Con không giận mẹ đâu. Nhưng mẹ ơi, con thấy như con đã mất điều gì quý giá và thiêng liêng nhất.
o0o
Thục Nhi nằm mê man. Thi thoảng gọi mẹ trong cơn mê sảng. Vừa thấy Thục Nhi mở mắt, Châu Ly liền khẽ gọi:
– Thục Nhi, khỏe nhiều chưa?
Thục Nhi thắc mắc việc mình nằm ở đây. Châu Ly kể lại đêm qua. Xong lễ nửa đêm, khi ra đường về nhà thì Thục Nhi bị tai nạn, mất máu nhiều. Nếu mẹ không tiếp máu thì Thục Nhi khó được cứu sống. Thục Nhi khăng khăng không tin. Châu Ly ôn tồn:
– Đó là sự thật. Không tin là quyền của mày. Không người mẹ nào lại không thương con mình. Sự hối hận luôn là sự muộn màng. Tùy mày. Tao không biết nói sao hơn khi mày không tin sự thật.
Thục Nhi nôn nóng và bật khóc:
– Nhưng…
– Mày cứ khóc cho vơi nỗi lòng. Đôi khi người ta cũng cần khóc để rửa sạch vết buồn.
Ngừng một lát, Châu Ly nói tiếp trong khi Thục Nhi vẫn thút thít:
– Biết mày đang giận nên bác gái lánh mặt lúc này và nói tao đừng cho mày biết ai đã cho máu. Có người mẹ nào không buồn khi thấy con cái hiểu lầm và đối xử với mình như thế?
Có tiếng mở cửa. Mẹ Thục Nhi bước vào. Gương mặt bà tái nhợt với vẻ đuối sức.
– Thục Nhi, con khỏe rồi chứ? Mẹ lo cho con quá!
– Mẹ! – Cô bé nghẹn ngào.
Người mẹ ngồi xuống bên cạnh vừa vuốt tóc con gái vừa âu yếm:
– Nín đi con. Ngày nào đó con sẽ hiểu lý lẽ của trái tim và tình mẹ.
– Con xin lỗi mẹ.
Bà nựng con gái:
– Khờ quá, chó con ơi!
Những giọt nước mắt nồng ấm, mặn vị yêu thương và nóng tình mẫu tử. Ngoài kia nắng nhẹ nhưng chan hòa làm tan băng giá mùa Đông. Cõi lòng ai cũng ấm áp tình thương yêu kỳ diệu. Căn phòng nhỏ tràn ngập an bình và hạnh phúc. Bà vừa cười vừa nói:
– Châu Ly, con cắt bánh để ăn Réveillons thay đêm qua đi!
Thục Nhi vui vẻ:
– Dạ.
Thục Nhi thấy lòng mình thực sự bình an trong tình yêu Chúa Hài Đồng và hạnh phúc vì có mẹ. Thục Nhi thầm nghĩ: “Ba mất lâu rồi, mình cũng lớn rồi, và mẹ cũng có quyền tìm hạnh phúc cho mình. Đó là chuyện đời thường. Mình không có quyền ích kỷ với mẹ”. Thục Nhi vừa cắt bánh vừa mỉm cười… Giáng Sinh bình an thật kỳ lạ. Merry Christmas… mas… sss!
 
“VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI – BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM” (Lc 2:14).

VIỄN ĐÔNG 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Tin Giáo phận