Thứ hai tuần bát nhật Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ hai - 06/04/2015 01:55 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 
“Đc Giê-su đón gp các bà” – Suy nim ngày 5/4

8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em! ” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.”15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

 SUY NIỆM
1. Tin hay hay không tin
Bài Tin Mừng hôm nay, Thứ Hai của Tuần Bát Nhật Phục Sinh nói cho chúng ta về hai lời “loan báo”.
a. Lời loan báo Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết và sẽ đích thân đến gặp gỡ các “anh em” của Ngài:
Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ!
Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. 
(c. 10)
b. Và lời loan báo Ngài đã chết và “chết luôn” rồi:
Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,
các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”! 
(c. 13)
Hai lời loan báo này tượng trưng cho hai thái độ đối với căn tính của Đức Ki-tô; và hai thái độ này đã và vẫn tồn tại ở mọi nơi mọi thời. Và đó không chỉ là hai thái độ diễn tả hai nhóm người khác nhau, nhưng còn là hai thái độ có thể tồn tại ngay ở giữa những người mang danh Ki-tô hữu, và ở nội tâm của một Ki-tô hữu vào những giai đoạn khác nhau của hành trình đức tin. Nhưng tin hay không tin nơi Đức Ki-tô phục sinh, sẽ có những hệ quả thật nghiêm trọng, không chỉ ở đời sau, nhưng ngay hôm nay: sự chết sẽ bắt lấy chúng ta và chúng ta sẽ “làm việc” cho nó, nếu chúng ta tin nó; ngược lại tin nơi Đức Ki-tô phục sinh mời gọi chúng ta đón nhận ơn tha tội và ơn chữa lành khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, để sống sự sống mới ngay hôm nay trong niềm hi vọng được thông phần với sự sống mới với Đấng Phục Sinh luôn mãi. Lòng tin có sức sức mạnh giải phóng, như Đức Giê-su đã từng nói: “Lòng tin của con đã cứu con”.
2. Lời loan báo thứ nhất
Lời loan báo thứ nhất có nguồn gốc thần linh. Thật vậy, trong bài Tin Mừng được công bố trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, chính thiên thần nói với các bà:
Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết…(Mt 28, 5-7).
Và trên đường từ ngôi mộ trở về báo tin cho các môn đệ Đức Giê-su, các bà đã được chính Đức Ki-tô Phục Sinh đón gặp, như để bày tỏ lòng ưu ái đặc biệt với các bà; chính vì thế mà, các bà được Truyền Thống Giáo Hội tôn vinh là “tông đồ của các tông đồ. Và đồng thời, khi để cho các bà được nhận biết trực tiếp, Ngài muốn đặt nền tảng cho lời loan báo của chứng nhân đầu tiên, và của các chứng nhân ở mọi thời, trong đó có chính chúng ta hôm nay nữa, đó là kinh nghiệm gặp gỡ đích thân Đức Ki-tô Phục Sinh:
“Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. (c. 9)
3. Lời loan báo thứ hai
Trong khi đó, nguồn của lời loan báo thứ hai là những con người, cụ thể là các thượng tế và và các kì mục:
Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,
và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,
các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”.

Thế mà, các thượng tế và các kì mục là hình ảnh tượng trưng cho thái độ không tin; và khi không tin, người ta sẽ chứng minh cho bằng được điều ngược lại, bằng những hành vi gian dối (gian dối ngay trong lời loan báo, vì ngủ rồi, làm sao mà biết các môn đệ đến lấy trộm xác!), tính toán vụ lợi (có sự hiện diện của tiền bạc), và cuối cùng là loại trừ và bạo lực, vốn là hình ảnh của Sự Dữ, như chúng ta đã thấy trong cuộc đời và nhất là cuộc TK của Đức Ki-tô.
*  *  *
Xin cho chúng ta cũng có cùng một kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh, ngang qua kinh nghiệm được sự sống mới của Chúa đánh động, lôi kéo và thu hút chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong mỗi ngày sống, đến độ chúng ta có thể bình tâm với mọi sự và định hướng cho mọi sự. Và vì sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin cho chúng ta được nhận ra sự hiện diện của Ngài đã tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi, tái tạo, soi sáng, dẫn dắt sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta, ngang qua các dấu chỉ Lời Chúa, các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và những biến cố trong cuộc đời của chúng ta.
*  *  *
Như hành trình đức tin của các phụ nữ, nhất là của thánh nữ Maria Ma-ri-a Mác-đa-la, của các hai môn đệ trên đường Emmau và của chính các Tông Đồ, chính kinh nghiệm thiêng liêng đích thân gặp gỡ, đụng chạm và cảm nếm sự hiện diện thần linh của Đức Ki-tô phục sinh và hoa trái mà kinh nghiệm này làm phát sinh trong cuộc sống đầy ơn huệ nhưng cũng nhiều thử thách của chúng ta, tự thân, như hương thơm lan tỏa, đã là một lời loan báo:
TIN MỪNG ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH
Và đồng thời chính kinh nghiệm này làm chứng cho lời loan báo của chúng ta là sự thật, là có nguồn gốc thần linh, chứ không phải là bất cứ sự kiện lạ lùng, kiến thức lịch sử hay ngụy lịch sử hoặc lí lẽ hùng biện hay khúc chiết nào khác.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 2
 
Trong bốn sách Tin Mừng, các phụ nữ luôn được kể là người ra viếng mộ trước tiên.
 
Trong Tin Mừng Mátthêu, đó là hai bà có cùng tên Maria.
 
Sau khi được thiên thần giao nhiệm vụ loan báo gấp cho các môn đệ
 
về sự phục sinh và cuộc hẹn gặp của Thầy ở Galilê (28, 7),
 
các bà đã mau mắn lên đường, vội vã rời bỏ ngôi mộ trống.
 
Ngôi mộ này là nơi các bà đặt tình cảm thân thương,
 
vì đây là nơi đặt xác của người Thầy yêu dấu
 
Bây giờ ngôi mộ không còn xác Thầy nữa, Thầy đã được trỗi dậy rồi,
 
nên ngôi mộ chẳng phải là nơi các bà dừng lại mà khóc lóc than van.
 
Nó trở nên một bằng chứng về sự sống lại của Thầỵ
 
Ngôi mộ trống thực sự đã đem lại một niềm vui vô bờ bến.
 
Chính những mất mát lại là dấu hiệu cho một sự hiện diện viên mãn hơn.
 
Vì thế vừa sợ hãi lại vừa hết sức vui mừng,
 
các bà chạy đi loan báo cho các môn đệ điều mình vừa nghe nói.
 
Trên con đường hối hả đi gặp các môn đệ,
 
các bà không ngờ mình lại là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh.
 
Điều mới nghe thiên thần nói, bây giờ được thấy tận mắt.
 
Thánh Mátthêu chỉ nói một cách đơn sơ: “Đức Giêsu gặp các bà” (c. 9).
 
Không thấy mô tả Đức Giêsu oai phong rực rỡ như thế nào.
 
Có vẻ Ngài gặp các bà lần này như Ngài đã từng gặp bao lần trong quá khứ.
 
Các bà nhận ra ngay vị Thầy được sống lại
 
cũng là vị Thầy chịu đóng đinh mà mình đã đi theo từ Galilê.
 
Chính Đức Giêsu ngỏ lời chào trước: “Chị em hãy vui lên.”
 
Lời chào này cũng là lời chào bình thường hằng ngày vào thời đó.
 
Vì thế các bà đã bạo dạn tiến lại gần, ôm chân và bái lạy Thầỵ
 
Như vậy các bà có thể thấy được và đụng chạm được Đấng phục sinh.
 
Các bà còn có thể nghe được lời dặn dò của Ngài.
 
Lời này giống lời thiên thần, chỉ có điều Ngài gọi các môn đệ là anh em:
 
“Hãy đi và báo cho anh em của Thầy...” (c. 10).
 
Các môn đệ vẫn được gọi là anh em ngay cả khi họ đã bỏ rơi Ngài.
 
Khi gọi họ là anh em, Đức Giêsu đã muốn tha thứ mọi vấp ngã của họ.
 
Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các phụ nữ trước tiên.
 
Nhìn thấy ngôi mộ trống chưa đủ, còn cần gặp chính Đấng phục sinh.
 
Khi trở về gặp các môn đệ, các bà sẽ là những người làm chứng tuyệt vời.
 
Không chỉ là ngôi mộ trống với lời chứng của thiên thần,
 
mà còn là lời chứng của chính họ, của người đã chứng kiến tận mắt và đụng chạm.
 
Đức Giêsu phục sinh dám nhờ các phụ nữ làm chứng,
 
dám nhờ các phụ nữ đi loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình,
 
dù thời của Ngài người ta không tin lời chứng của phụ nữ.
 
Chúng ta không quên những đóng góp của các phụ nữ cho Giáo Hội từ thời đầu.
 
Mong vai trò ấy vẫn được đề cao và tôn trọng.
 
Cầu nguyện:
 

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
 
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
 
xin hãy gọi tên chúng con
 
như Chúa đã gọi tên
 
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
 

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
 
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
 
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
 

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
 
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
 
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
 

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
 
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
 
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
 

Lúc chúng con vất vả suốt đêm
 
mà không được gì,
 
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
 
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
 

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
 
xin tỏ mình ra
 
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
 
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
 
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
 
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Từ khóa:

anh em

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận