Thứ Bảy Tuần 12 TN, Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Đăng lúc: Thứ bảy - 28/06/2014 02:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN – Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Lễ nhớ.
"Cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
 
Lời Chúa: Lc 2, 41-52
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta.

 

SUY NIỆM 1: Mẫu mực trong đời sống đức tin

Một người đàn bà Nigiêria bị tòa án Hồi Giáo kết án tử hình bằng cách ném đá về tội ngoại hôn đã được hoãn hành quyết hai năm để bà có thể cai sữa cho đứa con.
Hôm thứ Hai ngày 17/6/2002, tòa phá án thành phố Pontuar ở miền tây bắc Nigiêria vẫn duy trì cuộc hành quyết này sau khi xét đơn kháng cáo của bà Amila Nawanrami. Người phụ nữ này bị kết án tử hình hồi tháng 3/2002, sau khi bị tố cáo có thai với một người đàn ông không chính thức là chồng của chị. Kurami là người đàn bà thứ hai bị kết án tử hình vì có con ngoại hôn tại Nigiêria. Án tử hình của chị sẽ được thi hành vào năm 2004 sau khi đứa con của chị dứt sữa mẹ. Bản án thật bất công, nó ngược lại với mọi chuẩn mực văn minh của loài người. Tuy nhiên, vẫn còn thấy ở đây một giá trị mà cho dù có độc ác tới đâu loài người vẫn còn trân quí, đó là tình mẫu tử. Người mẹ Nawanrami sẽ chết đi nhưng ít ra đứa con của chị vẫn còn có được những giọt sữa mẹ nuôi dưỡng cho đến khi thôi bú.
Cho con bú mớm, đó là hình ảnh đẹp nhất mà người ta có thể nhìn thấy nơi bất cứ người mẹ nào. Hôm nay Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, có lẽ chúng ta cũng được mời gọi để suy niệm về tình mẫu tử của Mẹ. Mẹ đã sinh dưỡng Chúa Giêsu, Mẹ đã từng cho Ngài bú mớm. Một hôm, vào giữa lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy, có một người trong đám đông đã lên tiếng ca ngợi Mẹ: "Phúc cho kẻ đã cho Ngài bú mớm". Quả thật, cũng như bất cứ bà mẹ nào, Mẹ đã cho Chúa Giêsu bú mớm, Mẹ đã nhìn Ngài lớn lên từng ngày, Mẹ theo dõi và hân hoan với từng bước chân chập chững của Ngài, Mẹ vui với sự khôn lớn của Ngài, Mẹ buồn lo vì sự bất chấp xảy ra cho Ngài.
Câu chuyện Chúa Giêsu lạc mất trong đền thờ được thánh sử Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được trái tim hiền mẫu của Mẹ: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con?" Lời trách móc này bộc lộ tất cả trái tim con người của Mẹ. Mẹ đối xử với Chúa Giêsu với tất cả tình cảm của một con người và chính vì là một con người cho nên Mẹ trở thành mẫu mực cho chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Nơi Mẹ, chúng ta nhận ra được một người tín hữu tiến bước trong mò mẫm, trong chiến đấu, trong tin yêu và vâng phục. Nhưng Mẹ không chỉ là mẫu mực cho chúng ta trong đời sống đức tin. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Mẹ đã yêu thương Chúa Giêsu với tất cả trái tim nhân loại của Mẹ. Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục dõi theo mỗi người chúng ta với trái tim hiền mẫu ấy. Mẹ đã trải qua thử thách, Mẹ hiểu được thế nào là khổ đau. Hơn ai hết, Mẹ đồng cảm với bao nỗi lo lắng và khổ đau của chúng ta. Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Mẹ đã từng dõi theo từng bước trong tiến trình trưởng thành của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ suy niệm từng biến cố của cuộc sống.
Ngày nay cũng thế, không có giây phút nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta mà không được Mẹ ôm ấp trong lòng. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta phó thác cuộc sống cho Mẹ.
 
SUY NIỆM 2: Lễ Trái Tim Đức Mẹ

Có thứ nghệ thuật ho rằng đặt trái tim bốc lửa ra ngoài ngực của Đức Giê-su và Đức Ma-ri-a là một gương mù ! thế mà chiêm ngưỡng lối cách mạng này là trình bày cho chúng ta thấy hai Đấng thương yêu chúng ta đậm đà nồng ấm biết chừng nào ! và chúng ta thấy hai Đấng đáng mến vô cùng. Người ta cho đó là thứ đạo đức thời trang ! lấy lý do đạo đức trong sáng, người ta chê thiếu sự liêm chính tri thức và tinh thần thối thiểu trong đức tin ! Nhưng người ta không thấy chướng tai gai mắt của lối thương mại in đúc những trái tim to bự bằng nhiều kiểu để trao tặng cho nhau trong ngày lễ Va-lăng-tin !
Như thế người ta nghĩ sao ?
Thói chỉ chích đó do thứ thông minh đáng nghi ngờ ! cho rằng  lối nghệ thuật cơ bắp đó chỉ lôi cuốn sự sùng kính cảm tình. Tuy nhiên, nghệ thuật tạo hình để bày tỏ sự thực của Thiên Chúa, nó nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Đừng cười chê quá lố ! chúng ta thích biểu lộ tình yêu của chúng ta thế nào ? bằng phá bỏ tưởng tượng này chăng ? Phải, nếu muốn làm cho lòng yêu mến biến mất và không còn gì để kính tôn nữa. Cần phải đến những nhà thờ để chiêm ngưỡng ! tôi đã đến và thấy rằng : “Những tượng ảnh xưa đầy gợi cảm đang sống động tốt”. Chúng có giá trị kích thích lòng đạo đức, chúng không thể là thứ danh từ tân thời như ngày nay.
Đức Ma-ri-a yêu thương chúng ta
Trái tim cực sạch Đức Ma-ri-a thế nào ? Ngài yêu thương chúng ta. Trái tim cực sạch của Ngài đồng nghĩa với tình yêu chân thật, giống như tình yêu Con Ngài đối với chúng ta. Dù cho chúng ta tan tành cũ rách, và chẳng đáng để ý chút gì.
Thi hào Claudel
“Lạy Mẹ Đức Giê-su Ki-tô, con không đến cầu xin, con đến chỉ để nhìn ngắm Mẹ thôi. Nhìn ngắm Mẹ không chỉ để một lát, mà suốt mọi lúc...
Vì Mẹ là bà Mẹ sáng ngời vinh quang nguyên tuyền...chỉ vì mẹ là Ma-ri-a... Mẹ Đức Giê-su Ki-tô,
Xin đoái thương chúng con”.
 
SUY NIỆM 3: Tôi biết chạy đến với ai?

Sau khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.
Câu chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Người ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: "Tôi biết đi đến với ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết! Tô không biết phải chạy đến với ai nữa".
Em bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: "Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?".
Chúa Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ... hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: "Nếu các ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời".
Tuổi thơ thường gắn liền với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của trẻ thơ cho bằng tiếng "Mẹ". Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng kêu mẹ... Mẹ là tất cả của trẻ thơ.
Mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.
(Trích sách ‘Lẽ Sống’)
 

Suy niêm 4

Hôm nay thứ Bảy, ngay sau Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành Thánh Lễ kính nhớ Trái Tim vô nhiễm của Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Và Lời Chúa trong Thánh Lễ sẽ giúp chúng ta hiểu Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ là trái tim như thế nào: đó là một trái tim hoàn toàn hướng về Đức Giê-su, tìm kiếm Đức Giê-su, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại tất cả những gì liên quan đến Đức Giê-su, vui khi có sự hiện diện của Đức Giê-su, lo buồn và cực lòng khi thiếu vắng Đức Giê-su. Có thể nói, trái tim của Mẹ không “nhiễm” điều gì khác ngoài Đức Giê-su và những gì thuộc về Người.
Vậy, chúng ta hãy xin Mẹ đồng hành, cầu bầu và dạy dỗ chúng ta với tình hiền mẫu, để chúng ta cũng có được một trái tim hết tình và hết đời gắn bó với Đức Giê-su, như Đức Mẹ, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến của chúng ta.

1. Mầu nhiệm Vượt Qua (c. 41)
Lễ Vượt Qua là thời gian người Do Thái tưởng nhớ ơn huệ được giải phóng khỏi nơi tù đày và chết chóc và trở thành Dân Riêng của Đức Chúa ; ơn được ban cho thế hệ đầu tiên, nhưng những thế hệ sau này là người thụ hưởng : “không có biến cố Xuất Hành, thì đã không có tôi, không có thế hệ của tôi hôm nay”. Trong đời sống Ki-tô hữu cũng vậy, chúng ta luôn phải tưởng nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô khi cử hành bí tích Thánh Thể, bởi vì không có mầu nhiệm Vượt Qua, thì sẽ không có Giáo Hội, không có các Ki-tô hữu là chúng ta. Và cũng thế trong đời sống dâng hiến, chúng ta cũng luôn phải tưởng nhớ các vị sáng lập Hội Dòng, vì không có vị sáng lập, thì không có các tu sĩ, là chúng ta hôm nay.
Đặt vào bối cảnh của đời sống ẩn dật, biến cố lạc mất Đức Giê-su là một biến cố nhỏ bé của đời thường ; nhỏ bé của đời thường, nhưng lại liên quan đến những mầu nhiệm lớn nhất của lịch sử cứu độ :
§  Trước hết, đó là biến cố Xuất Hành, bởi vì đó là bầu khí lễ Vượt Qua của người Do Thái.
§  Và việc tìm lại được Đức Giê-su sống động, sau ba ngày bị lạc mất, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su, nghĩa là biến cố chết và phục sinh của Người.
Xin cho chúng ta, nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, nhận ra những biến cố đã xẩy ra trong cuộc đời chúng ta đều qui về mầu nhiệm Vượt Qua, và xin cho chúng ta cũng biết khởi đi từ mầu nhiệm Vượt Qua và hướng về mầu nhiệm Vượt Qua khi phải sống những biến cố nhỏ bé và đời thường trong tương lai. Sống Mầu nhiệm Vượt Qua :
§  Là xác tín rằng Chúa sẽ mở đường cho chúng ta đi, ở nơi mà chúng ta tưởng là ngõ cụt, giống như biến cố vượt qua Biển Đỏ.
§  Là Chúa có thể làm phát sinh sự sống, ở nơi mà chúng tưởng là thất bại, là chấm hết, là không thể, là không còn hi vọng gì, như trường hợp của bà Elizabeth.
§  Là Chúa có thể làm phát sinh sự sống tuyệt hảo, ở nơi không thể, như trường hợp cung lòng trinh nguyên của Đức Mẹ.
§  Là chuyển điều xấu, tội lỗi thậm chí sự dữ thành điều tốt cho chúng ta, như trường hợp điều xấu mà các anh làm cho em Giuse, trong gia đình tổ phụ Gia-cóp (x. St 50, 19-20).

2. Cả gia đình cùng lên đền (c. 42-47)
Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh và bầu khí rộng lớn của lễ Vượt Qua. Đi vào tâm tình của Thánh Gia. Nhất là Đức Maria và thánh Giuse, nhớ lại kỉ niệm cách nay 12 năm. Nếu muốn, chúng ta có thể hình dung ra cuộc sống của Thánh Gia trong 12 năm qua. Xong kỳ lễ, đi về một ngày đường, thì cha mẹ nhận ra mình bị lạc mất Đức Giê-su. Chúng ta nên hình dung ra những chặng đường mà các ngài phải trải qua trong ba ngày tìm kiếm: đi một ngày, nhưng phải mất ba ngày trở lại tìm kiếm; nhất là hiểu thấu và cảm thông điều mà chính Đức Maria sẽ nói với Đức Giêsu về sự “cực lòng” của cha mẹ. Đâu là ý nghĩa của biến cố lạc mất Đức Giê-su đối với thánh Giuse và Đức Maria ? Chúng ta hãy tự mình khám phá ra. Sau đây là một vài gợi ý :
§  Đó là sống lời “xin vâng”, mà các ngài đã thưa với Thiên Chúa trong biến cố truyền tin. Cũng tương tự như khi chúng ta được mời sống giao ước của chúng ta mỗi ngày, giao ước hôn nhân hay dâng hiến.
§  Và khi sống lời “xin vâng”, các ngài đã học để cho Đức Giêsu vượt khỏi tay mình từ từ, để sống cho một kế hoạch khác, một ơn gọi khác, một Đấng Khác. Tương tự như các bậc cha mẹ, như chính chúng ta đối với những người thân yêu và những điều thiết thân.
§  Ba ngày mất Đức Giê-su, rồi tìm lại được Ngài ở trong Nhà Thiên Chúa Cha, đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua mà Đức Maria sẽ trải qua, và mỗi người chúng ta cũng phải trải qua.
Đức Giê-su ở lại đền thờ, chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Ngài lại quyết định ở lại Đền Thờ? Có thể là, một cách hồn nhiên, Ngài đã để cho Đền Thờ và những gì thuộc về Đền Thờ cuốn hút Ngài, giữ chân Ngài lại, khiến Ngài bỗng chốc quên đi tất cả, quên cả cha cả mẹ, để hướng tới Vô Biên. Đền Thờ là nơi, Ngài đã được bố mẹ tiến dâng cho Đức Chúa, khi mới sinh ra. Sau này Đức Giêsu sẽ phải đối diện nhiều với các thầy dạy (luật sĩ, tư tế, thượng tế, rộng hơn là các trưởng lão, những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, Sa-đốc…), và lúc nào Ngài cũng tỏ ra khôn ngoan, không phải khôn ngoan của người đời, nhưng là của Thiên Chúa. Ngài đã chuẩn bị và được chuẩn bị ngay lúc này rồi. Hình ảnh này nói lên điều mà thánh Phao-lô sau này sẽ suy tư vừa rộng vừa sâu về mối tương quan giữa Tin Mừng (Đức Giêsu) và Lề Luật (các thầy dậy), đặc biệt là về luật sa-bát, Mười Điều Răn, luật rửa tay, ăn chay, cầu nguyện, bố thí…

3. Lắng nghe Đức Maria và Đức Giê-su (c. 48-52)
Sau ba ngày tìm kiếm trong vất vả và nhất là trong lo âu, thánh Giuse và Đức Maria tìm lại được Đức Giê-su trong Đền Thờ, lúc đó mới 12 tuổi. Đức Maria nói với Đức Giêsu:
Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?
Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!

Lời của Đức Maria thật là hay, vì vừa dịu dàng và nói lên tình thương, nhưng vừa nghiêm khắc. Chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của thánh Giuse và Đức Maria để hiểu và cảm được hết sự “cực lòng” của các ngài: đi một ngày, nhưng phải tìm kiếm tới ba ngày! Sự “cực lòng” không chỉ của người cha và người mẹ, như bất cứ người cha và người mẹ nào, khi để lạc mất người con yêu dấu, nhưng còn sự “cực lòng” của người tôi tớ và của người nữ tì trong tương quan với Thiên Chúa, khi để lạc mất Con Đấng Tối Cao. Chúng ta hãy hình dung ra tâm trạng lo âu của thánh Giuse và Đức Maria lớn đến mức nào, khi các ngài thầm nghĩ: “Thiên Chúa trao phó cho mình Con của Ngài, để thực hiện kế hoạch cứu độ, vậy mà mình lại để lạc mất!”
Và nếu chúng ta để ý, đó là lời của Đức Maria, nhưng Mẹ không nhân cá nhân mình, nhưng nói với Đức Giê-su với tư cách là “cha mẹ” của Ngài; hơn nữa, Đức Mẹ còn tỏ lòng kính trọng thánh Giuse khi nói: “cha con và mẹ đây”. Ngoài ra, trong trình thuật này, từ đầu đến cuối, thánh sử Luca luôn nói tới: “cha mẹ”, “ông bà”, “hai ông bà”. Thật vậy, “hai ông bà” trở về sau kỳ lễ, “cha mẹ” chẳng hay biết, “ông bà” cứ tưởng, “ông bà”đều cực lòng tìm con suốt ba ngày; và khi thấy con, “hai ông bà” đều sửng sốt. Chúng ta có thể dừng lại để cảm nếm sự hiệp thông và hiệp nhất giữa Thánh Giuse và Đức Maria, con tim và tình yêu của các ngài dành cho nhau và cho Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời như trách hỏi lại cha mẹ:
Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?
Lời nói đầu tiên (theo lời kể của sách Tin Mừng theo thánh Luca) của Đức Giêsu có khó nghe quá không? Sau này, Ngài còn nói những câu khó nghe nữa với Đức Maria: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em, chị em của tôi?”. Nhưng lời của Đức Giê-su không chỉ khó nghe, nhưng còn khó hiểu! Chúng ta hãy đặt mình vào trường hợp của các ngài: “Ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Trong đời sống ơn gọi, chúng ta cũng không hiểu nhiều điều. Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng vậy, vấn đề ý nghĩa luôn không dễ dàng.
Ở đây, chúng ta có thể nhận ra thách đố của mọi gia đình. Thách đố của cha mẹ: đó là con mình sinh ra và thuộc về mình, nhưng người con còn là quà tặng của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa. Thách đố của người con: vừa sống sự chờ đợi (vâng lời) của cha mẹ, và vừa sống sự chờ đợi của Cha trên trời. Nhưng cả hai thách đố đều, một đàng làm cho tương quan ruột thịt trở nên đích thật và triển nở, và đàng khác, nhắm đến tương quan rộng mở của Nước Trời. Bởi vì, mọi ơn gọi đều hướng tới tương quan Nước Trời: Ơn gọi gia đình khởi đi từ tương quan ruột thịt để mở ra với tương quan Nước Trời: Mọi người là con của Cha, mọi người là anh chị em của nhau. Tuy nhiên, ơn gọi tu trì làm cho tương quan ruột thịt bị đứt đoạn, vừa để chất vấn mọi người và vừa để xây dựng tương quan Nước Trời ngay hôm nay và chỉ sống và làm chứng cho tương quan Nước Trời.
Nhưng nếu Đức Giê-su đã nói lời khó nghe, thì thái độ “đi xuống” cùng với cha mẹ, và hằng ngoan ngoan và vâng phục các ngài, sẽ bù lại (c. 51-52). Hay đúng hơn, Ngài cũng khám phá ra ý của Cha trên trời cũng được thể hiện nơi ý của cha mẹ. Tình yêu Ngài dành cho Cha trên trời cũng được thể hiện nơi tình yêu Ngài dành cho cha mẹ ở dưới đất. Về Đức Giê-su và về tất cả (không chỉ cuộc đời nhập thể, nhưng toàn bộ Kinh Thánh, nghĩa là sáng tạo và lịch sử) liên quan đến người, chúng ta hãy noi gương Trái Tim Vô Nhiệm của Đức Maria:
“Hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 5
 

            Chắc có lẽ không cần nói nhiều, ai cũng biết trọng tâm, trung tâm của cơ thể đó chính là quả tim. Tìm là bộ phận quan trọng trong hệ tuần hoàn, với chức vụ bơm đều đặn để đẩy máu theo các động mạch và đem dưỡng khí và các chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể; hút máu từ tĩnh mạch về tim sau đó đẩy máu đến phổi để trao đổi khí CO2 lấy khí O2. Để xác định con người còn sống hay đã chết người ta xác định hoạt động nơi quả tim. Tim ngừng đập : con người đã chết.
 
          Tim đóng vai quan trọng như thế trong cơ thể con người để rồi ai có quả tim lành mạnh đó là hồng ân. Có những người sinh ra bị chứng bệnh tim bẩm sinh hay lớn lên một chút có những tác động đã làm tổn hại đến tim. Khi bị bệnh tim, tự nhiên con người sẽ tìm đến những thầy thuốc giỏi để chữa trị. Cách đây không xa, nằm đối diện bệnh viện 115 là Viện Tim. Nơi ấy, đã cứu sống biết bao nhiêu con người già trẻ lớn bé bị bệnh tim. Ngàn, hàng ngàn hồ sơ còn nằm chờ đó để được giải phẩu bởi lẽ danh sách còn quá giải.
 
          Con tim là như thế với cơ thể. Con người vẫn thường dùng, vẫn thường lấy hình ảnh của quả tim để nói về tâm tính, để nói về cõi lòng của con người. Hơn thế nữa, nhiều nền văn hóa đã dùng dấu hiệu quả tim để biểu lộ tâm tình tôn giáo của mình.
 
          Tôn giáo đặt vào trái tim, điều này chứng minh rõ nét, con người không thể sống nếu không có niềm tin tôn giáo, cũng giống như con người không thể sống, nếu không có trái tim.
 
          Trái Tim là Đền Thờ: Ấn Độ giáo xem trái tim là đền thờ (Brahmapura) của Brahma. Đối người Hồi giáo, trái tim là ngai vàng của Thượng Đế. Đối với người Kitô hữu, trái tim là đền thờ, là bàn thờ, là vương quốc của Chúa Thánh Thần cư ngụ.
 
          Trong ngôn ngữ biểu tượng, nếu Nhà Thờ là thân thể của Chúa Kitô, thì Bàn Thờ là trái tim của Nhà Thờ thân thể ấy. Tâm điểm của Phụng vụ Kitô giáo cũng chính là tâm điểm cử hành Bí tích Thánh Thể trên Bàn Thờ này. Vừa là tâm điểm vừa là đỉnh cao của phụng vụ, bí tích được cử hành nơi Bàn Thờ, trái tim thân thể của Chúa Kitô, cũng là biểu hiện được tham dự bàn tiệc Nước Trời và phụng vụ thiên quốc ngay khi còn là lữ hành. Thời Cựu Ước, trọng tâm của Đền Thờ là nơi đặt Hòm Bia (chứa đựng Lề Luật) Thiên Chúa, trong nơi cực thánh. Thời Tân Ước, Hòm bia được nội tâm hoá, trở thành giáo huấn nội tâm do Chúa Thánh Thần thực hiện trong tâm hồn người Kitô hữu.
 
          Trái tim là Đền Thờ của niềm tin, trong mỗi con người dù theo tôn giáo nào cũng có ngôi đền thờ linh thiêng trong tâm hồn của mình, đền thờ đó đặt trong trái tim. Nơi đó chi phối mọi tư tưởng, hoạt động, hy vọng, niềm cậy trông… Đền thờ trong tâm hồn hay nơi trái tim có thể bị hoen úa đi do tội lỗi và những điều xấu xa của con người chủ thể trái tim. Khi Đền Thờ tâm hồn bị vấy bẩn, mọi hành vi của người đó có còn đủ sạch nữa không? những kỳ vọng có còn đủ tinh tuyền hay không? Tất cả đều trở thành một ngờ vực khi Đền Thờ không còn là nơi thánh thiêng ngự trị. Giữ gìn Đền Thờ trong tâm hồn là giữ trong sáng niềm hy vọng, làm sạch những hoạt động, thanh tẩy tâm hồn, đó cũng là phương thế tìm kiếm sự bình an đích thực. Xây dựng Đền Thờ trong tâm hồn mỗi người trước khi xây dựng những công trình trong thế giới.
 
          Trái tim trong tôn giáo Ai Cập đóng vai trò quan trọng:
 
          Văn tự biểu hình của Ai Cập, diễn tả trái tim bằng chiếc bình. Chiếc bình trong chữ viết Ai Cập gần giống với chén thánh hứng máu tử nạn của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Hình tam giác có đáy một góc làm chân biểu tượng một trái tim, một trái tim đón nhận, một trái tim chứa đựng sự sống bất tử, một trái tim đầy yêu thương nhân hậu, thông liền với trái tim vũ trụ.
 
          Theo giáo thuyết Memphis về nguồn gốc vũ trụ, thần Ptah đã nghĩ ra vũ trụ với trái tim của nó trước khi biến nó thành vật chất bằng sức mạnh của ngôn từ sáng tạo (G. Posener). Trái tim biểu hiện trung tâm sự sống, trọng tâm của đời sống hoạt động, của trí thức, tình cảm và ý chí. Trong khi ướp xác, trái tim là cơ quan nội tạng duy nhất còn giữ vị trí của nó trong cơ thể, được đặt lên một trong hai đĩa cân cùng với hình là bùa vẽ hình con bọ hung, có khắc một câu thần chú. Theo các nhà khảo cứu nói cách đặt này mang một ý nghĩa để trái tim của người quá cố im lặng không lên tiếng tố cáo chính họ trước thần Osiris.
 
          Trái tim biểu hiện lương tâm. Lương tâm là tiếng mách bảo sự thật khi con người còn sống, lắng nghe tiếng lương tâm là để nghe tiếng sự thật. Thế nên, trái tim được diễn tả là thần linh riêng của mỗi người, họ tự hào, mãn nguyện hay tủi nhục là do lắng nghe vị thần minh của mình hay không. Trên một tấm bia mộ tại Louvre, tim được đồng hóa với lương tâm: “Chính trái tim tôi đã bảo tôi làm những việc ấy, cũng như nó đã hướng dẫn mọi hành vi của tôi. Nó là nhân chứng tuyệt vời cho tôi… tôi ưu việt bởi vì tôi lắng nghe tiếng trái tim tôi mách bảo…”.
 
          Trong Thánh Kinh: Trái tim được biểu hiện con người bên trong, trái với con người bên trong là con người bên ngoài. Con người bên ngoài là biểu lộ con người bên trong, cho nên cái xấu không từ ngoài vào làm cho người xấu đi, trái lại, chính con người bên trong xấu đã chi phối mọi vật từ bên ngoài vào và phát xuất ra.
 
          Suốt dòng chảy lịch sử cứu độ. Thiên Chúa đã tạo tác nên con người, đã tạo dựng cho con người một tâm hồn trong sạch và với con tim trong sáng thế nhưng sự ác, sự gian tà cứ ngấm ngầm, cứ len lỏi vào lòng con người để cho lòng người ra chai đá.
 
          Kinh nghiệm chai đá đó có thể đến từ cá nhân hay tập thể.
 
          Một Đavít đơn sơ nhưng khi ở trên sân thượng thấy người đàn bà tắm ở dòng suối nảy sinh ra lòng dục và đã phạm tội. Sau khi Nathan chỉ thẳng mặt mình là kẻ phạm tội, Đavít đã thân thưa : “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 51,12).
 
          Thiên Chúa là Chúa của tình thương, của lòng mến và dù con người có phạm tội như thế nào Ngài cũng tha thứ. Qua miệng của Êdêkien, ta thấy lòng của Thiên Chúa :      “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta” (Ed 11,19-20).
 
          Thiên Chúa chữa lành trái tim, bởi vì từ trái tim phát xuất ra nhiều gian ác, sai lầm, những tư tưởng xấu…
 
          Tác giả sách Châm ngôn, kinh nghiệm về trái tim gắn liền với những thành tựu:
 
          “Giấc mộng chưa thành làm trái tim khắc khoải, ước mơ toại nguyện là cây ban sự sống. Coi khinh lời dạy sẽ bị tiêu vong, tôn trọng lệnh truyền sẽ được ân thưởng” (Cn 13,12-13).
 
           Giữa lòng người đầy ngổn ngang, giữa lòng người lòng chai dạ đá ta lại bắt gặp thấy một tâm hồn hay nói cách khác là một trái tim vẹn sạch, trái tim vô nhiễm. Trái tim vẹn sạch, trái tim vô nhiễm đó chính là trái tim của Mẹ Maria.
 
          Mẹ tin và yêu Chúa bằng con tim tinh tuyền không tì ố của Mẹ.
 
          Hôm nay, cụ già Simêon nói tiên tri về trẻ bé Giêsu và một lần nữa nhắc nhớ cho Mẹ lại về tâm hồn của Mẹ, về con tim của Mẹ : "Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"
 
          Lưỡi gươm mà cụ già Simêon nói đâu phải đến lúc này mới đâm thâu tim Mẹ. Phải chăng nó đã đâm thâu ngay từ ngày đầu tiên khi đón nhận lời của sứ thần. Khi Mẹ đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian vào cung lòng cũng chính là lúc mà Giuse định tâm lìa bỏ mẹ. Quá đau đớn chứ không phải là đau đớn bình thường nữa. Con tim tan nát khi người mình yêu, khi người mình thương lại định tâm bỏ mình và mình phải đương đầu với án tử. Đau khổ vô cùng, đau khổ đến tột cùng của phận người.
 
          Đâu dừng lại ở đau khổ khi Giuse định tâm lìa bỏ, còn nữa : phải sinh con nơi hang đá máng cỏ. Có Mẹ nào muốn sinh đứa con yêu quý đầu lòng của mình ở máng cỏ đâu ? Thế mà Mẹ phải đón nhận. Rồi phải bồng bế đứa con sang Ai Cập trốn khỏi lưỡi gươm của Hêrôđê độc ác. Lại một lần nữa đau khổ. Đau khổ hình như cứ muốn ôm chầm lấy cuộc đời của Mẹ, ôm chầm lấy con tim của Mẹ. Đau khổ ôm Mẹ cho đến tận đỉnh đồi Gôngôta.
 
          Thế nhưng mà, chúng ta thấy giữa tất cả những đau khổ xem chừng ra như không tưởng, không còn gì để mất đó thì tâm hồn của Mẹ vẫn bình an, lòng của Mẹ vẫn thanh thản.
 
          Quả tim của Mẹ không một vết tì ố ngã lòng phạm tội khi gặp những gian nan thiếu thốn trong cuộc đời. Tại sao quả tim Mẹ vẹn sạch đến như thế ? Bởi vì Mẹ mở lòng Mẹ ra để Mẹ đón nhận Thần Khí vào trong quả tim của Mẹ. Ngay từ giây phút nhận lời truyền tin : "Này tôi là tôi tớ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền". Xin vâng, xin vâng và xin vâng trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xin vâng để cho ơn của Chúa Thánh Thần hoạt động trong con người của Mẹ, trong cõi lòng của Mẹ.
 
          Một trái tim lành mạnh sẽ co bóp, sẽ đẩy những máu bẩn để rồi nhận máu tươi vào để lọc và nuôi cơ thể. Một tâm hồn đẹp, một tâm hồn thanh khiết cũng sẽ nhờ ơn Chúa Thánh Thần để thanh lọc những gì gọi là bụi trần để bơm những dòng máu sạch để nuôi tâm hồn. Mẹ đã buông cho Thần Khí hoạt động trong Mẹ, Mẹ đã sống trong Thần Khí. Nhờ Thần Khí, con tim của Mẹ luôn vẹn sạch để kín múc những dòng máu sạch để nuôi tâm hồn.
 
          Chúng ta, thuở ban đầu cũng được Thiên Chúa tạo cho một tâm hồn thanh sạch, một tấm lòng trong trắng. Thế nhưng theo năm tháng, chúng ta đã chiều theo xác thịt, chiều theo con người vốn tham quyền cố vị, tham sân si, lòng đầy sân hận để rồi con tim của chúng ta còn đó, còn sống đó, còn thở đó nhưng nó sống, nó thở sai nhịp hay trật nhịp hay là không còn khả năng để lọc những dòng máu tinh tuyền để nuôi tâm hồn ta nữa.
 
          Nhớ lại bài hát ý nghĩa về trái tim :
 
          Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền, để con luôn luôn cao dâng tâm tình kính mến. Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền, để con luôn luôn trung kiên vững một niềm tin.
          Xin Ngài thương con, thứ tha lỗi lầm trong đời. Xin Ngài thương con thanh luyện hồn con, Chúa ơi! Xin Ngài thương con rửa sạch linh hồn, hỡi Ngài! Xin Ngài thương con, giữ tâm hồn con trắng trong.
          Xin Ngài canh tân trái tim bao lần xa Ngài. Xin Ngài canh tân tinh thần nhược suy, Chúa ơi! Xin Ngài canh tân để tâm hồn con tình tuyền. Xin Ngài canh tân để tâm hồn con vững tin.
 
          Xin Mẹ Maria chuyển cầu cho chúng ta để chúng ta bắt chước Mẹ, đi theo con đường của Mẹ là mở con tim, mở lòng ra để đón Chúa Thánh Thần để Ngài thổi sinh khí trong sạch của Ngài vào con tim của ta để ta có tâm hồn trong sạch như mẹ. và như vua Đavít, ta hãy thân thưa với Chúa : “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 51,12).
 
Tiểu Vũ

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận