Thứ tư tuần 11 thường niên.

Đăng lúc: Thứ tư - 18/06/2014 02:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ TƯ TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN.
"Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi".
 
Bài đọc (2 V 2, 1. 6-14)
Khi Thiên Chúa muốn đem Êlia lên trời trong cơn gió lốc, Êlia vàÊlisê đang rời bỏ đất Galgala. Khi cả hai đến thành Giêricô, Êlia nói với Êlisê rằng: “Con cứ ngồi đây, Chúa sai thầy đến sông Giođan”. Êlisê đáp: “Nhân danh Chúa hằng sống và lấy mạng sống của Thầy, con xin thề rằng: Con sẽ không rời thầy”. Thế rồi cả hai cùng đi xuống Bêthel. Cónăm mươi người đồ đệ của tiên tri cũng đi theo hai vị, và đứng xa xa, còn hai vị thì đứng trên bờ sông Giođan. Êlia lấy áo choàng cuốn lại, đập xuống nước. Nước liền rẽ làm hai, và hai vị cứ lối ráo mà qua sông.
Khi đã qua rồi, Êlia nói với Êlisê rằng: “Con muốn gì thì cứ xin, để thầy làm cho, trước khi thầy được cất đi khỏi con”. Êlisê đáp: “Con muốn được gấp đôi thần trí của thầy”.Êlia nói: “Con xin điều khó quá, nhưng nếu con thấy được thầy trong lúc thầy được cất đi khỏi con, thì con sẽ được như ý; nhưng nếu con không xem thấy, thì không được”. Hai ông tiếp tục đi và nói chuyện, thì này đây có một xe bằng lửa và ngựa cũng bằng lửa phân rẽ hai người; và trong cơn gió lốc, Êlia lên trời. Êlisê thấy vậy kêu lên: “Cha ơi, cha ơi, cha là xe và là người đánh xe Israel”. Và Êlisê không thấy thầy mình nữa, người liền lấy áo mình và  ra làm đôi, và lượm chiếc áo choàng Êlia đã thả xuống, rồi lui về, và đứng lại ở bờ sông Giođan, lấy áo choàng Êlia đã thả xuống, đập xuống nước mà nước lại không rẽ ra. Người kêu lên: “Thiên Chúa của Êlia bây giờ ở đâu?” Người lại đập xuống nước, vànước rẽ làm đôi, và Êlisê đi qua.

 
 
Lời Chúa: Mt. 6, 1-6, 16-18
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

 
Suy Niệm 1: Các việc đạo đức

Tại nhiều nơi, cứ vào mùa tranh cử, người ta lại dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu ghi ơn dân biểu này, nghị sĩ nọ, hoặc loan báo những công trình xây dựng của các nhân vật chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đó là những vận động gián tiếp, những hứa hẹn với dân chúng để hy vọng được bầu vào những chức vụ công quyền. Tâm thức và lối hành xử thường tình của con người là như thế đó: làm việc tốt để kể công, để được trọng vọng, khen thưởng. Người Kitô hữu cũng dễ bị cám dỗ để có tinh thần khoe khoang kể công như trên vào đời sống đạo đức.
Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.
Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 2: Đừng phô trương

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt. 6, 1)
Hãy nhìn tôi đây
Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng những cách cư xử như vậy mà Chúa muốn chúng ta chấp nhận, đều là tuyệt hảo. Bố thí không khua chiêng đánh trống, cầu nguyện không để cho ai thấy, ăn chay không làm bộ rầu rĩ, ta muốn cho mọi người hành động như thế, và ta muốn mình cũng làm như vậy. Nhưng thực ra không phải dễ dàng đâu. Trong ta, mỗi người đều có một chút riêng tư, thực tế khó mà dứt ra được.
Ta thích cho người khác nhìn thấy việc tốt ta làm, cũng là thích phô trương những khía cạnh tốt của ta. Người ta phô trương mình, cũng là vì ý tốt và hàu như vô tình thôi.
Khi người khác có dụng ý khoe khoang, tìm những cử chỉ hợp thời để làm nổi bật mình, ta rất tinh để nhận ra điều đó. Lẽ nào ta lại không tinh tường đủ để nhận ra chính mình cũng mắc chứng tật đó khi tìm dịp để đặt mình lên bục cao sao?
Ta hãy nhớ lại chỉ trong một tuần lễ thôi, biết bao lần ta đã làm hết sức để cho người ta khen ta là dễ thương, quảng đại và hay giúp đỡ. Có lẽ những lần đó nhiều hơn ta tưởng.
Hãy để chính Thiên Chúa nhìn ta!
Thiên Chúa yêu thích những con người đơn sơ, khiêm tốn và kín đáo. Những kẻ thích làm ngôi sao nhỏ”, đối với Chúa thường chỉ là những người kiêu ngạo lớn. Khi ta thu xếp để người chung quanh ca ngợi ta, thì Thiên Chúa nhắm mắt lại. hoặc nhìn đi nơi khác.
Thiên Chúa chỉ đoái nhìn và xót thương những ai không tìm cách làm cho người ta nhìn mình.
 
Suy Niệm 3: Ý định và cách thức thể hiện

“Sống như kẻ công chính” có nghĩa, vào thời Chúa Giêsu, là trung thành với ba việc làm căn bản của đời sống tôn giáo: bố thí, kinh nguyện và chay tịnh. Một cách mặc nhiên Chúa Giêsu nói: các việc làm này quan trọng, và vì thế phải tránh đừng làm giảm giá chúng. Phải thực thi chúng không phải “trước mặt người ta”, nhưng trước mặt Thiên Chúa.
Một đàng con người có thể xác; vì vậy, thật là hợp lý khi thân xác được liên kết với cách thức diễn tả của đời sống thiêng liêng, tôn giáo. Điều này đưa đến những cử chỉ bên ngoài, có thể xem thấy được, thuộc về thể xác.
Người ta gọi là những việc làm. Đàng khác, thân xác là phương thế, là trung gian, là điểm tựa cho những tương quan xã hội. Những sinh hoạt thể xác, trông thấy được không thể là dửng dưng, nhưng được xem xét, lượng giá. Vì thế các việc làm tôn giáo là đối tượng của xem xét và lượng giá. Chúa Giêsu đề phòng chúng ta khỏi việc sử dụng những việc làm tôn giáo để lôi kéo sự xét đoán nịnh bợ và đánh giá khen ngợi của những kẻ trông thấy.
Phải làm gì? Hãy làm sao cho các việc làm này bớt tính cách thể xác, bớt dễ dàng cho người ta xem thấy tới mức tối đa. Vấn đề không phải là phát động một tôn giáo thoát xác và hoàn toàn bên trong. Bố thí, cử chỉ có tính cách vật chất; kinh nguyện đi đôi với thân xác; chay tịnh, kiêng cử thể xác. Tất cả những cái đó đều tốt và nên thực hành cách trung tín. Nhưng còn cách thức thực hiện: phải làm sao cho những việc làm có sự tham dự của thể xác và có thể thấy được, bớt tính cách phô trương. Phải làm cho chúng trở nên kín đáo tới mức tối đa, và hãy luôn ước muốn chỉ một mình Thiên Chúa xét đoán thôi. Tóm lại Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu điều này: đời sống tôn giáo là một việc làm giữa chúng ta và Thiên Chúa; vì thế điều hệ trọng là cái nhìn của Thiên Chúa trên ta, một cái nhìn thấu suốt được mọi bí nhiệm. Dùng những việc làm tôn giáo để được nhân loại tán dương thay vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, là sự giả hình ghê tởm nhất. Ngày nay chúng ta có thể thêm: khinh dể bố thí, kinh nguyện, chay tịnh mà Chúa Giêsu đã làm gương thi hành, và lớn tiếng tuyên bố cổ võ một Phúc Âm giải thoát nhưng rỗng tuếch nhựa sống, điều này cũng là một sự giả hình không kém.
Việc từ bỏ mình của tôi, mà Thiên Chúa biết có tỏa rạng niềm vui không?
 
Suy Niệm 4: Đừng cầu danh

Một thi sĩ người Anh, ngoài tài làm thơ ông còn có năng khiếu về âm nhạc. Thi sĩ thường cùng với nhóm thân hữu họp để ngâm thơ và hòa nhạc. Một đêm nọ, lúc đang trên đường tới dự một buổi hòa nhạc, thi sĩ đã gặp một chiếc xe ngựa đang bị sa lầy, trên xe hàng hóa chất đầy, tài xế thì già yếu và con ngựa lại gầy còm. Không chút ngần ngại, ông đã bỏ cây đàn sang một bên, dỡ số hàng hóa trên xe xuống, đẩy xe qua khỏi vũng lầy và chất hàng hóa lên xe trở lại. Ông còn tặng thêm cho bác tài xế ít tiền nhỏ để mua thức ăn cho con ngựa. Xong xuôi công việc thì trời đã về khuya và bộ đồ dạ hội đã vấy bùn. Tuy nhiên, ông vẫn đến nơi hẹn, lúc ông đến nơi thì buổi hòa nhạc đã gần tàn, một người bạn nói với ông: “Nhà thơ của chúng ta đã lỡ mất một buổi hòa nhạc tuyệt vời”. Thi sĩ vui vẻ mỉm cười và đáp: “Vâng! đúng thế. Tuy nhiên, bù lại tôi đã tấu được khúc nhạc khác tuyệt vời hơn nhiều”.
Mỗi công việc đều đem lại một kết quả, kết quả đem lại cho con người hài lòng thì nó là phần thưởng. Đối với nhóm bạn bè thân hữu của thi sĩ thì công việc của ông làm đã hạ thấp giá trị người nghệ sĩ, ông bỏ mất phần thưởng giá trị để lao mình vào chuyện không đâu. Riêng đối với nhà thơ thì khác, qua công việc bác ái vừa làm, ông đã tấu được những khúc nhạc tuyệt vời. Vậy đâu là giá trị, là phần thưởng của công việc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta phương thế để tìm kiếm và chọn lựa.
Thật thế, bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba nét chính yếu trong đời sống đạo của người Do thái, vì chúng diễn tả đến ba mối tương quan của con người. Có thể gọi “bố thí” là sự liên hệ đối với người khác, “cầu nguyện” là trao đổi, trò chuyện cùng Thiên Chúa và “ăn chay” là công việc liên quan đến chính bản thân mình.
Trong đời sống đạo chẳng thể bỏ qua ba công việc này, chúng rất cần thiết, vì đó là hình thức diễn đạt của con người hữu hình. Một tinh thần chịu sự lệ thuộc của thân xác, hình thức bên ngoài để bộc lộ bên trong. Tuy nhiên, cũng vì hình thức bên ngoài mà việc làm lại mang những ý nghĩa khác nhau, vì có người lợi dụng chiếc vỏ hình thức này để che giấu hoặc phô bày những khuyết điểm, nghĩa là thái độ giả hình. Thái độ giả hình này đã bị Chúa Giêsu thẳng thắn kết án. Những hạng người giả hình này, họ cũng bố thí, ăn chay, cầu nguyện, nhưng tựu trung chỉ để phô diễn cái tôi của họ để rồi đánh mất giá trị đích thực của công việc. Giá trị ít khi đi chung đường, và chính giá trị này sẽ hủy diệt giá trị kia.
Giữa Thiên Chúa và thế gian đã có một cách biệt rõ ràng; nếu chỉ tìm kiếm những giá trị trần gian thì con người khó lòng vươn tới được giá trị ở trong Thiên Chúa: “Họ đã được thưởng công rồi”. Lời nói nhẹ nhàng của Chúa Giêsu cũng là một tuyên bố dứt khoát đối với những ai mải mê chạy theo các giá trị trần thế, và dù người ta có muốn quay về với giá trị đích thực thì giấc mộng phù du cũng đã cản lối quay về.
Bố thí là một lời yêu thương nghĩ đến người khác, nhưng nếu bố thí chỉ muốn làm thỏa mãn cái tôi của mình thì làm sao thấy được kẻ khác. Cầu nguyện hướng về Thiên Chúa, thế mà chỉ quy về bản thân thì làm sao còn chỗ cho Thiên Chúa, còn biết Ngài ở đâu để trò chuyện. Ăn chay là một đền bù cho những gì sai lỗi, khiếm khuyết. Ăn chay được diễn tả như một khao khát được Thiên Chúa lấp đầy, thế nhưng nếu con người đã no thỏa với chính mình thì họ đâu cần đến Thiên Chúa. Đã tìm thấy giá trị nơi bản thân mình nên con người đánh mất giá trị quý báu do công việc đem lại.
Bởi thế, lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay luôn là lời hướng dẫn cho người Kitô hữu khi hành động, không chỉ trong các việc làm căn bản của đời sống đạo, mà cả đến mọi công việc làm trong đời sống hằng ngày của con người. Công việc chỉ có giá trị khi người Kitô hữu biết nhìn công việc bằng ánh mắt của Đức Kitô, biết phân tích theo những tiêu chuẩn thẩm định của Thiên Chúa. Có thể người đời cho là thấp kém hoặc không ai biết đến. Tuy nhiên, Thiên Chúa Đấng thấu suốt mọi điều, Ngài sẽ thưởng công cho cách tràn đầy.
Lạy Chúa, trước một công việc chúng con làm, xin Chúa sáng soi để chúng con có thể khám phá được đâu là giá trị thực và xin giúp sức để chúng con quyết tâm theo đuổi giá trị ấy. Vì thân xác chúng con thật yếu đuối, vẻ hào nhoáng bên ngoài vẫn luôn là miếng mồi quyến rũ kéo chúng con lạc đường lối của Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết chấp nhận những tầm thường để đổi lấy những giá trị cao cả của Nước Trời. Amen.
 
Suy niệm 5: KHIÊM NHƯỜNG THÌ MỚI CÓ ÍCH

Ngày nọ, có một người đến nói với cha xứ: “Con sẵn sàng dâng cúng tiền để mua một quả chuông cho giáo xứ, nhưng với điều kiện, phải khắc tên con trên quả chuông ấy”.
Đây là thực trạng của rất nhiều người biểu lộ niềm tin của mình cách thực dụng như thế!
Sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không thể bỏ qua nếu không được nêu danh tánh và công trạng của mình cách công khai.
Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng khuyên răn các môn đệ của Ngài phải cẩn trọng trong việc thi hành đức bác ái, kẻo lỡ trở thành “công dã tràng” tức là tốn công vô ích. Ngài dạy cho các ông khi làm việc thiện hãy làm vì lòng mến, tinh thần vô vị lợi. Không cần phô trương để người đời biết mà ca tụng. Nếu muốn được biểu dương thì hẳn đã được phần thưởng do người phàm tán tụng rồi, và như một quy luật: đã được người đời thưởng công thì không được Thiên Chúa chúc phúc nữa.
Vậy, cùng một việc bác ái, khi thi hành, chúng ta muốn được phần thưởng muôn đời do Thiên Chúa ban tặng hay chỉ muốn phần thưởng tạm bợ, nhất thời, mau qua chóng hết do con người trao tặng?
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau làm một bài toán hầu tính ra sự hơn thiệt để mà tiến bước. Tuy nhiên, đáp án chỉ có khi chúng ta kết thúc cuộc sống trần thế này, và lúc ấy, phần thưởng được trao tặng chỉ khi chúng ta làm việc thiện với lòng tin, cậy trông và lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con tinh thần của Chúa và giúp chúng con thi hành vì yêu mến Chúa và anh chị em. Ðể mọi hành động, mọi việc làm của chúng con đều xuất phát từ tấm lòng khiêm cung và tràn đầy yêu thương. Amen.


Suy niệm 6: CHỈ DÀNH CHO CHÚA MÀ THÔI!

“…Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4)
Suy niệm: Chúa Giê-su đặt mọi hành vi đạo đức vào một bối cảnh mới. Chúng không còn được coi như những phương thế giúp tô điểm cho sự hoàn thiện bản thân nữa. Dưới cái nhìn của Chúa Giê-su, mọi việc, đặc biệt những việc đạo đức, là những cách diễn tả lòng sùng mộ của người con hiếu thảo chỉ dành riêng cho Đấng là Thiên Chúa và là Cha của mình. Dĩ nhiên khi làm điều tốt, khi sống đạo đức, cứ sự thường, tôi sẽ được người đời đánh giá cao, được khen tặng. Nhưng vấn đề trọng tâm của người con cái Chúa từ nay không phải là ở chỗ người đời có nhận biết việc họ làm hay không. Điều mong mỏi duy nhất của họ là sau khi hoàn thành mọi việc, họ được nghe Chúa nói: “Đây là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con.”
Mời Bạn: Bạn có thuộc vào số những người con cái Chúa đó không nhỉ? Hỏi tức là đã trả lời. Câu trả lời của bạn không chỉ đơn thuần là “có”, nó phải bao hàm việc chuyển đổi tất cả động lực làm việc của bạn: làm mọi việc vì yêu Chúa và chỉ vì yêu Chúa mà thôi.
Chia sẻ: Tìm hiểu về cách phân định các động lực làm việc của mình.
Sống Lời Chúa: Trước hoặc sau mỗi việc làm, tập phân định động lực làm việc của mình: Tôi đang một làm việc với động lực nào, “để phô trương công đức trước mặt người đời”, hay “để Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo” trả công cho tôi?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết phụng sự Chúa hết lòng mà không chờ đợi một phần thưởng nào khác, ngoài việc nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa mà thôi. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là sức sống, là thần lương nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con ơn huệ cao quý là chính Mình Thánh Chúa trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng con. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình khiêm hạ của Chúa để chúng con biết cúi xuống phục vụ tha nhân.
Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những lần chúng con sa vào cạm bẫy của lợi danh. Chúng con hay cậy mình khoe khoang khi làm được một việc gì đó cho anh em! Chúng con thường kiêu căng khi thành công và coi thường bạn bè khi các bạn yếu kém hơn mình. Chúng con thích phô diễn tài năng để được khen thưởng hơn là để phục vụ một cách khiêm nhu.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Xin ban cho chúng con sự can đảm để dũ bỏ những hình thức giả dối bên ngoài, và luôn sống chân thật trước mặt Chúa và chân thành khi giúp đỡ tha nhân. Amen.

 
Suy niệm 7: Thiên Chúa Là Đấng “Kín Đáo”
 
Bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai là một phần của Bài Giảng Trên Núi. Trong sách Tin Mừng thánh Mát-thêu, đây là bài giảng đầu tiên và vì thế có tầm quan trọng đặc biệt. Trong bài giảng này, Đức Giê-su mời gọi những người đi theo Ngài “kiện toàn” Lề Luật, bằng cách đặt nền tảng cuộc sống của chúng ta, cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đoàn, không phải trên chữ viết của Luật, nhưng trên lời nói của Ngài, vốn là một Ngôi Vị luôn sống động ở giữa chúng ta và muốn đi vào tương quan thiết thân với chúng ta. Vậy thì trong bài Tin Mừng này, Ngài dạy chúng ta phải “kiện toàn” như thế nào luật bố thí, cầu nguyện và ăn chay?
Trong đời sống đức tin, chúng ta được mời gọi, ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn, bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu không nhấn mạnh đến số lượng, nghĩa là phải bố thí bao nhiêu, phải cầu nguyện bao lâu và phải ăn chay như thế nào và bao nhiêu lần (vốn là chức năng của Lề Luật), nhưng đến cách thức chúng ta thực hành ba việc đạo đức căn bản này.

1. “Đừng như những người giả hình”
Bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba việc đạo đức căn bản không chỉ của Do Thái giáo, nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta.
- Bố thí diễn tả tương quan của chúng ta với tha nhân.
- Cầu nguyện diễn tả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
- Ăn chay diễn tả tương quan của chúng ta với chính mình.
Trong cả ba việc đạo đức này, Đức Giêsu mời gọi chúng ta một cách thật mạnh mẽ:
Anh em đừng bố thí, cầu nguyện và ăn chay như những người giả hình.
(c. 2.5.16)
Trong mọi tôn giáo và thuộc mọi thời, những người giả hình là những người thường thực hiện những việc đạo đức một cách phô trương, nghĩa là làm vì người khác và tìm sự chú ý và khen ngợi của người khác. Việc làm của họ không có chiều kích “thiêng liêng”, hay rộng hơn, không có chiều kích nội tâm, nghĩa là được định hướng bởi tâm tình vì Thiên Chúa, cho Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, nhưng chỉ có vẻ bề ngoài mà thôi.
Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó 5 lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha: “Cha của anh hiện diện nơi kín đáo”; “Cha của anh thấy trong kín đáo”. Như thế, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình. Không phải để thi thố sự khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Vì thế, những người kín đáo (như các Ma Sơ, các Dì các bà và các cô) dễ trở nên giống Thiên Chúa hơn!
Thật vậy, chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi bí tích Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giê-su. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm niệm, như các tác giả Thánh Vịnh (x. Tv 8; 19; 139..), mới nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động được.

2 “Đừng như những người ngoại” (Mt 5, 7-15)
Trong ba việc đạo đức, Đức Giêsu nói về cầu nguyện cách đặc biệt nhất: trước hết, việc cầu nguyện có vị trí trung tâm, không chỉ ở trung tâm của bộ ba bố thí, cầu nguyện và ăn chay, nhưng còn ở trung tâm của toàn bộ “Bài Giảng Trên Núi”; và ngoài ra, Đức Giêsu nói về cầu nguyện dài nhất, trong đó có lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”, vang lên trên môi miệng của chúng ta nhiều lần trong ngày (bài TM của Lễ Tro lược đi phần Kinh Lạy Cha (c. 7-15).
Lời dạy của Đức Giêsu về cầu nguyện còn có một điểm đặc biệt nữa, đó là Ngài không chỉ nói: “khi anh em cầu nguyện, đừng trở nên như những người giả hình” (c. 5), nhưng còn nói: “anh em đừng lải nhải như dân ngoại!” (c. 7) Thực vậy, lời nguyện của chúng ta không được trở thành những lời lải nhải chỉ qui về mình, nghĩa là nhằm thỏa mãn nhu cầu, hoặc như những âm thanh vô hồn, nhưng phải là một lời ca tụng dựa trên tương quan thiết thân Cha-Con. Vì thế, trong lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”:
- Chúng ta được mời gọi ra khỏi mình để đi vào tương quan phụ-tử với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.
- Ra khỏi mình để quan tâm trước hết đến Danh của Cha, đến Nước của Cha, đến Ý của Cha.
- Và sau đó mới quan tâm đến sự sống của mình, nhưng không phải sự sống mà mình muốn, nhưng là sự sống đích thật mà Thiên Chúa muốn: đó là sự sống được xây dựng trên những ơn huệ: ơn huệ lương thực, ơn huệ giải thoát khỏi sự dữ và ơn huệ thứ tha.
Và Đức Giêsu đặc biệt nhất mạnh đến ơn tha thứ, vì con người không thể sống nếu không có ơn tha thứ: tha thứ của Cha nhân hậu và sự tha thứ mà chúng ta trao ban cho nhau.

3. “Hãy tha thứ cho nhau”
Sau khi dạy những lời chúng ta cần ngỏ với Chúa Cha (c. 9-13), Đức Giêsu nhắc lại một điểm đã được nêu trong những lời này, đó là sự tha thứ: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta…” Như thế, sự tha thứ có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng ta không thể sống với nhau nếu không tha thứ cho nhau (kinh nghiệm được bố mẹ và các anh các chị tha thứ khi chúng ta còn bé), và chúng ta cũng không thể “sống với” Chúa, nếu không được Ngài tha thứ. Nếu ơn huệ (don) là nguồn gốc và nền tảng của mọi tương quan, thì ơn tha thứ là “ơn huệ hoàn hảo” (par-don), giúp tái tạo và làm cho đạt tới mức viên mãn ơn huệ ban đầu. Ơn huệ (don) và ơn tha thứ (pardon) tương ứng với ơn sáng tạo (creation) và cứu chuộc (salvation).
Lời Đức Giêsu nhấn mạnh đặc biệt đến việc chúng ta cần tha thứ cho nhau, đến độ, tha thứ cho nhau là “điều kiện” cho ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ngài nói về điều này 2 lần, một lần xác định và một lần phủ định: “Nếu…”.
Tuy nhiên, theo lời nguyện “Lạy Cha” ơn tha thứ của Thiên Chúa không “tự động” rơi xuống trên chúng ta một khi chúng ta đã tha thứ cho nhau. Chúng ta vẫn phải xin: “Xin tha tội cho chúng con, như chính chúng con đã tha thứ (động từ ở thì quá khứ) cho những người có lỗi với chúng con”. Bởi lẽ ơn tha thứ không bao giờ là “tự động”, ơn tha thứ chỉ có thể được trao ban trong một tương quan nhìn nhận nhau, đón nhận nhau (x. dụ ngôn Người Con Hoang Đàng; và bí tích hòa giải cũng diễn tả tương quan này). Ơn tha thứ là một ơn huệ, và hơn cả ơn huệ (par-don). Hơn nữa, nợ người ta mắc với chúng ta thì ít, còn nợ của chúng ta mắc với Thiên Chúa thì quá lớn (x. dụ ngôn nhỏ trong Lc 7). Tuy nhiên, chúng ta không thể xin Thiên Chúa tha thứ, trong khi mình đã không tha thứ hay sẵn sàng tha thứ cho người khác.
 *  *  *
Nhưng ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó tha thứ cho nhau. Vì thế, kinh nghiệm lòng thương xót, sự bao dung và sự tha thứ của Thiên Chúa nơi bản thân mình chính là nguồn sức mạnh để chúng ta có thể tha thứ cho nhau. Bởi vì, ngang qua lời mời gọi yêu mến nhau và tha thứ cho nhau của Chúa, chúng ta nhận ra rằng Chúa chính là “yêu mến và tha thứ”. Và điều này được “chứng thực” nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận