Thứ năm tuần 11 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 19/06/2014 01:52 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM TUẦN 11 TN
Thánh Rô-moan-đô, viện phụ
 
 

 
Bài đọc (Hc 48, 1-15)
Bấy giờ tiên tri Êlia như lửa hồng xuất hiện, lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người ghét ông đã hao đi, vì chúng chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa trời xuống. Êlia được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Bởi lời Chúa là Thiên Chúa, người cứu kẻ chết ra khỏi âm phủ, khỏi quyền sự chết. Người triệt hạ các vua xuống cảnh điêu tàn, bẻ gãy dễ dàng quyền thế của họ, xô kẻ sang trọng rớt khỏi giường nằm. Trên núi Sinai, người đã nghe lời xét xử, và trên núi Horeb, người đã nghe án quyết phục thù. Người xức dầu các vua để báo oán và đặt các tiên tri để nối nghiệp mình. Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe ngựa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai đã thấy người, và được hân hạnh thiết nghĩa với người: Vì chúng tôi chỉ được sống trong cuộc sống này, sau giờ chết, danh tiếng của chúng tôi sẽ được như thế. Êlia được che khuất trong gió cuốn, vàÊlisê được trọn vẹn thần trí của người. Trong đời người, người không sợ vương tướng, và không quyền lực nào thắng được người, cũng không ai vượt người trong lời nói, và khi người chết rồi, xác người vẫn nói tiên tri. Khi còn sống, người đã làm những phép lạ, và khi đã qua đời, người đã 
làm những việc kỳ diệu.

Tin Mừng (Mt 6, 7-15)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.


Suy Niệm 1: Kinh Lạy Cha

Kinh Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm trong khi cầu nguyện.
Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì "Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin". Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.
Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong phần hai, có 4 lời nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.
Chúng ta hãy dốc quyết không bao giờ bỏ đọc Kinh quan trọng và hiệu nghiệm này trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 2: Ta thường cầu xin ngược lại

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy anh em hãy nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin cho danh thánh Cha vinh hiển,” (Mt. 6, 7-9)
Mẫu kinh tuyệt hảo
Chúa Giêsu đã ban cho ta một mẫu cầu nguyện là Kinh Lạy Cha. Không có lời kinh nào tuyệt hảo và quân bình hơn kinh Lạy Cha. Vậy để cầu nguyện nên, ta phải cảm hứng từ kinh Lạy Cha, để có được những tâm tình và ý hướng xứng hợp.
Mặc dầu người ta đã nói nhiều về kinh này, nhưng nhắc lại một lần nữa ở đây, thiết tưởng cũng là điều tốt. Kinh Lạy Cha gồm hai phần. Trong phần đầu ta lo đến những sự thuộc về Chúa. Ta cầu xin cho điều Chúa muốn được thực hiện: “Nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Từ phần thứ hai của kinh, ta mới quan tâm đến những chuyện thuộc về ta: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con xa chước cám dỗ …”.
Muốn cầu ngụyện nên, phải cầu nguyện theo cách này. Việc của Chúa phải được đặt lên hàng đầu. Việc của ta phải ở hàng thứ yếu. Nếu ta đặt những lợi ích của ta lên trên và trước những lợi ích của Chúa, nếu ta nghĩ đến ta trước khi nghĩ đến Chúa, là ta cầu xin điều trái ngược. Và Thiên Chúa không ưa điều gì làm trái ngược.
Hãy đứng ở vị trí thứ hai
Vậy mà ta vẫn thường cầu xin ngược lại như thế. Ta vẫn luôn làm như vậy, mỗi khi ta không cần đến kinh Lạy Cha, mà dùng lời lẽ riêng của mình để bày tỏ điều ta muốn. Điều đầu tiên nảy ra trong đầu óc ta thường là cầu xin Chúa ban cho ta được những ơn lành; nào là xin cho được mạnh khỏe, xin cho những người thân của ta, xin cho qua khỏi cơn bối rối v.v…
Ta phải học cho biết cầu nguyện đúng chỗ. Cầu nguyện đúng chỗ, là quan tâm trước hết đến Chúa, là dành cho Người địa vị hàng đầu, còn ta đứng hàng thứ yếu. Nếu ta không có khả năng làm được như vậy, thà rằng chú ý và thành tâm đọc kinh Lạy Cha nhiều lần còn tốt hơn.
 
Suy Niệm 3: Thân phận đích thực của con người

Kinh “Lạy Cha” là một lời kinh giản dị, phong phú, qui tụ vào cái chính yếu, đầy sức sống, phản ánh một nếp sống tôn giáo sâu đậm vào bậc nhất. Những đức tính này rất đáng lưu ý, nếu chúng ta nghĩ đến sự kiện là kinh này chỉ được biên soạn khoảng bốn mươi hay năm mươi năm sau khi Chúa Giêsu đã giảng dạy. Điều này có nghĩa là trong khoảng thời gian đó các cộng đoàn Kitô hữu, ngược lại với điều người ta lo sợ, đã không kéo dài kinh đó ra, đã không chất thêm vào, cũng như đã không diễn giải sâu rộng. Ngay từ đầu, các môn đệ đã nhận ra trong Kinh Lạy Cha một Kinh Nguyện chính yếu và họ đã gìn giữ nó nguyên vẹn. Cái dấu tích trung thực này càng làm cho lời kinh quý giá hơn.
Khi dạy kinh Lạy Cha, không những Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện, nhưng Ngài còn muốn cho chúng ta ý thức địa vị của con người chúng ta. Ngài nói rằng: sự viên mãn của thân phận chúng ta, và của hạnh phúc chúng ta là ở chỗ tự vượt lên khỏi mình nơi Thiên Chúa, trong ý muốn và trong Nước Ngài; nhưng để đến đó, chúng ta có thể tin cậy ở nơi Ngài. Đàng khác ngay từ bây giờ, chúng ta phải thực thi sự hòa giải với nhau giữa con người, hòa giải mà Thiên Chúa ban cho qua mối tương quan giữa chúng ta với Chúa. Địa vị con người đặt chúng ta trong hai mối tương quan mà thực ra chỉ là hai nhịp điệu của cùng một đời sống duy nhất. Đối với Thiên Chúa, tương quan của chúng ta là tương quan con thảo; đối với con người lại là tương quan huynh đệ.
Đâu là địa vị, chỗ đứng của tôi trước mặt Thiên Chúa? Tôi có phải là đứa con hoang đàng mà người Cha chờ đợi và tiếp đón mỗi ngày? Tôi là con người mà thân phận được thể hiện trong ý muốn và Nước của Đấng vì tình yêu mà tạo dựng và phân phát sự sống Ngài chăng? Ước chi Chúa gìn giữ tôi khỏi làm người anh cả trong dụ ngôn, nổi giận vì người ta mừng ngày trở lại của người em; người anh mà đối với em mình không có những tâm tình như người Cha.
Tôi có xin Chúa Giêsu dạy tôi biết cách cầu nguyện kinh Lạy Cha không?
 
Suy Niệm 4: Hãy cầu nguyện như thế này

Nhắc đến cuộc đời của thánh Gioan M. Vianey, cha sở họ Art. Người ta không thể quên câu chuyện sau đây về một nông dân xứ Art: Mỗi ngày trước khi ra đồng, anh đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới ra đồng. Khi trở về nhà anh cũng ghé vào nhà thờ để cầu nguyện như vậy. Trong xứ ai cũng nể và kính phục. Một hôm có người hỏi: “Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì thế?”. Anh nông dân trả lời: “Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.
“Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”. Câu trả lời trên của anh nông dân xứ Art diễn tả được tận gốc tủy của việc cầu nguyện. Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Thiên Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con. Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng, vì lúc cầu nguyện con nối liền sự kết hợp với Thiên Chúa. Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện dù có làm phép lạ con cũng đừng tin. Các tông đồ đã thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện”. Chúa Giêsu đáp: “Khi các con cầu nguyện hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
Chúa đã dạy đọc kinh để giúp chúng con cầu nguyện, nhưng điểm chính là gặp gỡ, là nói chuyện giữa Chúa và con. Khi con cầu nguyện đừng lo phải nói gì, chỉ vào phòng đóng cửa mà cầu nguyện với Cha của con một cách kín đáo, chắc chắn Ngài sẽ nhận lời con. Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử.
Những chia sẻ trên của tác giả “Đường Hy Vọng” hướng dẫn chúng ta hiểu sâu hơn ý nghĩa của đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Giờ đây chúng ta hãy chia sẻ với nhau những ý nghĩa sâu xa của lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã truyền dạy cho các tông đồ. Trong vài phút suy niệm này, chúng ta hãy chú ý đến tinh thần phải có khi cầu nguyện.
Trong đoạn Phúc Âm trên, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ lời kinh Lạy Cha, như những lời dạy nói về tinh thần phải có khi cầu nguyện. Đó là tinh thần tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, và tinh thần đơn sơ khiêm tốn nhằm gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng: “Khi anh cầu nguyện, thì đừng nhiều lời như những kẻ ngoại giáo, vì họ nghĩ rằng nói nhiều thì được nhiều”. Vì suốt ngày mỏi mệt rao giảng Tin Mừng, nên mỗi khi đêm về quỳ gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, thánh Phanxicô có những lúc quá mệt mỏi phải ngủ gục bên bàn thờ. Lúc ấy ngài thường cầu nguyện với Chúa một cách đơn sơ như sau: “Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa, thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa”.
Cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài. Giờ cầu nguyện là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không cô độc lẻ loi một mình. Thánh Phaolô tông đồ giãi bày như sau: “Chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho phải, nhưng Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho chúng ta với những lời kêu van không thể diễn tả được” (Rm 8,26)
Nhờ bí tích Rửa tội mà ta đã lãnh nhận, mỗi người Kitô hữu sẽ được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô và được lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Chúa Thánh Thần, để phát triển đời sống con người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nếu ta không phải là người cầu nguyện thì không ai tin ta làm việc vì Chúa. Nếu muốn biết công việc tông đồ của ai như thế nào, thì hãy xem người đó có cầu nguyện hay không, và cầu nguyện ra sao?
Lạy Chúa, xin hãy thương ban cho chúng con được tràn đầy Chúa Thánh Thần để canh tân chính mình và anh chị em trong môi trường chúng con sống. Amen.
 
 
Suy niệm 5: THIÊN CHÚA LÀ CHA YÊU THƯƠNG

Đạo Công Giáo của chúng ta thật hạnh phúc được gọi Thiên Chúa là Cha. Đây là đặc ân cao quý mà nhờ Đức Giêsu mặc khải cho, chúng ta mới biết và dám thưa với Thiên Chúa“Ápba – Cha”.
Hôm nay, khi được các môn đệ xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện, Ngài đã dạy họ cầu nguyện:
Trước tiên là xác định căn tính là con của các môn đệ với Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Khi có chung một Cha, thì ắt sẽ có nhau là anh em.
Thứ hai, đã là con thì luôn mong cho danh Cha mình được tỏ lộ và nhiều người tin nhận:“Xin làm cho Danh Cha được vinh hiển”; “Triều đại Cha mau đến”.
Thứ ba là nguyện xin cho: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, tức là xin Cha thể hiện mục đích của Người trên nhân loại đã có trong chương trình yêu thương của Người.
Thứ tư, thể hiện lòng trông cậy vào Cha, đồng thời phó thác đời sống xác hồn cho Cha để Người chăm lo: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.
Thứ năm, ý thức mình là kẻ tội lỗi nên cần Cha tha tội: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, tức là thành khẩn xin Cha tha mọi tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Ngài, cũng như cho ta biết tha thứ các lỗi lầm mà anh em xúc phạm đến ta.
Thứ sáu, ý thức sự mong manh, yếu đuối của bản thân, nên cần Cha bảo vệ: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
Cuối cùng, xin được trao phó mọi sự trong tay Cha, để xin Cha cứu giúp khỏi bị rơi vào tình trạng mất ơn nghĩa cùng Cha: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
Qua kinh lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, thì ngay hôm nay, Ngài cũng dạy mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện như thế để xứng đáng là con Cha trên trời và có nhau là anh em trong cùng đại gia đình Hội Thánh. Amen.


Suy niệm 6: CẦU NGUYỆN NHƯ CHÚA DẠY

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại…” (Mt 6,7a)
Suy niệm: Cầu nguyện “lải nhải như dân ngoại” là não trạng coi thần linh như những “thần đèn A-la-đin” và lời cầu nguyện là những “mệnh lệnh” họ truyền cho ông thần coi kho ngay lập tức cung cấp cho họ những thứ họ cần. Và như thế càng “lải nhải” nhiều lời càng tốt! Trái lại, cầu nguyện như Chúa Giê-su dạy là trước tiên đặt mình trong tâm thế người con thảo ngỏ lời với Thiên Chúa cũng là Cha mình. Tiếp đó là lời cầu xin cho vinh danh Thiên Chúa và cho chương trình của Ngài là Nước Trời được thể hiện. Những điều cao cả được rồi thì, sau đó những nhu cầu bản thân, những “chuyện nhỏ” hơn nhiều, chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời.
Mời Bạn: Bạn có thấy hãnh diện vì được chính Chúa Giê-su dạy cho biết cầu nguyện? Và bạn có thấy hạnh phúc, an tâm vì khi cầu nguyện chúng ta gặp được chính Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su, được là con cái trong gia đình Chúa Ba Ngôi và được gọi Ngài là Cha? Là con cái Chúa, bạn đặt lời cầu nguyện trong sự quan phòng của Chúa, trong ước mong thực thi ý Chúa dành cho bạn trong chương trình lớn lao của Người, vì Thiên Chúa là Đấng dựng nên bạn và Người biết rõ bạn.
Sống Lời Chúa: Khi cầu nguyện bạn thưa với Chúa như Chúa Giê-su thưa cùng Chúa Cha trong vườn Cây Dầu: “Xin đừng theo như ý con, một xin theo ý Cha.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa đã dạy chúng con biết cầu nguyện, đã dạy chúng con biết sống theo thánh ý Chúa để chúng con biết thực thi công việc bổn phận hằng ngày với lòng mến trong tâm tình khiêm nhường và phó thác. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Cầu nguyện là phương thế để chúng con tìm kiếm ý Chúa. Cầu nguyện giúp chúng con gần gũi với Chúa và sống trong tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con biết siêng năng kết hợp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, để chúng con được sống trong ân nghĩa của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con biết cách cầu nguyện theo ý Chúa. Chúa cũng dạy cho chúng con hiểu rõ và hiểu đúng mối liên hệ giữa chúng con với Chúa Cha và với nhau. Xin cho chúng con biết một lòng làm vinh danh Chúa qua việc thực thi giới luật yêu thuơng một cách nhiệt thành và quảng đại. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để chúng con cũng biết sống ôn hoà và tha thứ cho nhau. Xin cho chúng con luôn biết vì Chúa để sống hy sinh cho nhau và đối xử tốt với nhau. Xin giúp chúng con tháo gỡ những bất hoà ghen ghét trong gia đình, trong giáo xứ đang làm mất hoà khí anh em con một Cha trên trời. Xin giúp chúng con đừng vì những ích kỷ cá nhân mà làm mất vẻ đẹp Hội Thánh bởi những hành vi thiếu bác ái, cảm thông, tha thứ của chúng con.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi lần cùng nhau đọc kinh lạy Cha, chúng con cũng biết làm cho Nước Chúa hiển trị bằng đời sống huynh đệ trong yêu thương và bác ái chân thành. Amen.

Suy niệm 7:

Kinh Lạy Cha - lời kinh tuyệt vời.

 
Trong chuyến hành hương Đất Thánh, tôi có đến thăm Nhà Thờ Kinh Lạy Cha tại Giêrusalem. Tảng đá Chúa ngồi dạy Kinh Lạy Cha vẫn còn đó. Nhà thờ này do các Soeur Dòng Kín Cát Minh người Pháp coi sóc. Nơi đây có 114 phiến đá ghi Kinh Lạy Cha bằng 114 ngôn ngữ. Có bản kinh bằng tiếng Việt do Đức cố Giám mục Phạm Ngọc Chi đặt từ năm 1959.

Thánh Luca xếp hoàn cảnh Kinh Lạy Cha ngay sau trình thuật bữa ăn ở nhà Matta, Maria. Câu chuyện xảy ra ở vùng núi Ôliu. Nơi chốn và thời gian của Kinh Lạy Cha là: “Mọi người trở về nhà mình, còn Chúa thì đến và qua đêm ở núi Ôliu.” Cả ngày Chúa giảng trong đền thờ. Đêm đến Thầy trò kéo nhau về núi Ôliu. Bấy giờ các môn đệ hỏi Chúa cách cầu nguyện. Chúa đã dạy Kinh Lạy Cha. Đây là lời kinh duy nhất Chúa để lại.
 
Kinh Lạy Cha, một lời kinh tuyệt vời và phong phú vì chất chứa bao điều huyền nhiệm.
 
Kinh Lạy Cha bao gồm: một lời thân thưa, hai lời nguyện ước và ba lời cầu xin.
 
1.  Lời thân thưa

Thiên Chúa được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau : Thiên Chúa vĩnh cửu, Thiên Chúa quyền năng, Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa thánh thiện… Mỗi danh hiệu nói lên một ưu phẩm, một đặc tính của Thiên Chúa.
Nhưng không một danh hiệu nào lại đậm đà, trìu mến, ý nghĩa, hy vọng cho bằng danh hiệu Cha. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ là mỗi khi cầu nguyện hãy thân thưa :  Lạy Cha chúng con ở trên trời.
Lời mạc khải mối liên hệ chiều sâu giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha. Lời diễn tả một chiều kích thiêng liêng, các môn đệ được đi vào đời sống thân mật, liên kết với Chúa Cha và Chúa Con.
Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Từ ngữ Cha gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm vô cùng.
Từ đây, lời thân thương “Lạy Cha” luôn vang vọng mãi nơi môi miệng của người Kitô hữu. Lời gắn kết họ với Thiên Chúa. Lời nối kết tương quan cha con trong tình yêu. Hồng ân thật cao quý Chúa muốn ban cho con người. Được gọi Thiên Chúa là Cha, được làm con cái của Thiên Chúa. Đó là tư cách rất riêng của những ai là môn đệ Đức Giêsu. Ơn gọi làm con là ơn gọi căn bản nhất, ơn gọi cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu. Vì thế chúng ta phải sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha và huynh đệ với tha nhân là anh chị em. Vì chưng toàn thể nhân loại chỉ có một Cha và tất cả đều là anh em chị em của nhau.
 
2. Hai lời nguyện ước

"Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển" và "Triều đại Cha mau đến" là hai lời nguyện ước của những người con thảo hiếu hướng về Cha mình.
Thiên Chúa không cần đến lời chúng ta cầu nguyện để nhờ đó danh Người và triều đại Người mới được hiển thánh, được tôn vinh. Tự bản chất, Thiên Chúa không cần đến những lời cầu xin của chúng ta, có hay không, danh Người mãi mãi vẫn rạng ngời vinh hiển.
Vậy thì chúng ta cầu nguyện như thế để làm gì? Chắc một điều đó là vì phần ơn ích cho chúng ta.
Hai lời nguyện ước là xin cho danh Thiên Chúa được hiển thánh nơi chính con người chúng ta. Thiên Chúa là Đấng Thánh. Là con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, người con xin Cha thánh hoá, xin Cha kiện toàn mỗi ngày để con được nên thánh, được tham dự vào cuộc sống thần linh với Cha. Người con cần sống hiếu thảo. Biết quan tâm, chăm lo đến những công việc thuộc về Cha của mình. Là con của Cha trên trời thì chúng ta phải làm cho Danh Cha được cả sáng và Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện. Cha rất vui, hài lòng khi có những người con biết sống hiếu thảo như thế.
 
3.  Ba lời cầu xin.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày; xin tha tội cho chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
Xin cho những nhu cầu chính đáng phần xác phần hồn: lương thực hằng ngày, ơn thứ tha tội lỗi, ơn vượt thắng cám dỗ và ơn thoát khỏi sự dữ. Thân xác cần cơm bánh lương thực. Linh hồn cần ơn thánh. Ba lời cầu xin rất thiết thực đối với sự sống của nhân loại. Lời cầu xin cho có cơm bánh hằng ngày, thiết thực và hữu ích cả trên bình diện thiêng liêng lẫn cuộc sống đời thường. Bởi ngoài nhu cầu thiết yếu của con người là cơm bánh ra, người Kitô hữu cần đến một thứ thần lương tuyệt vời khác chính là Bánh Hằng Sống, là Thánh Thể Chúa Kitô.
Ơn tha thứ thật cần thiết. Trước mặt Thiên Chúa, con người là tội nhân. Tha thứ cho nhau là điều kiện cần và đủ để chúa tha thứ cho mình. Được Cha yêu thương chăm sóc và thứ tha các lỗi lầm, con noi gương Cha sống yêu thương tha thứ cho anh em của mình. Như thế mới trọn vẹn tình con thảo hiếu.
 
 
Cạm bẫy và cám dỗ vẫn bủa vây tư bề. Cần tỉnh thức trước mọi cơn cám dỗ. Ơn Chúa là nguồn trợ loực là sức mạnh để con người vuột thắng mọi cám dỗ.
 
Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Vinh danh và thánh ý Chúa được đặt trên hết. Các nhu cầu của con người được đặt sau.
Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Con người được gọi Thiên Chúa là Cha. Mỗi người là con cái của Thiên Chúa.
Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi sa chước cám dỗ ở tương lai.
 
Kinh lạy Cha là lời kinh tuyệt vời và huyền nhiệm nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Chính vì thế, Thiên Chúa ưa thích và không ngừng ban muôn ơn cho con người thông qua lời kinh thân thương, đơn giản và dễ hiểu này.
 
Lạy Cha,
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con chưa nhận thấy được.
Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen.
 
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

 
THÁNH RÔ-MOAN-ĐÔ, viện phụ

Rô-moan-đô thuộc gia đình quý tộc Onesti, sinh năm 952 tại Ravenna nước Ý. Lúc 20 tuổi, ông chứng kiến tận mắt cha mình giết một người quí tộc như thế nào. Chán nản, ông bước vào dòng Biển Đức ở Classe gần Ravenna.
Ông cảm thấy dòng chưa đủ khổ hạnh, nên vào năm 974, ông liên kết với ẩn sĩ Marinus, rồi vào năm 978, cùng với vị ẩn sĩ này và Pietro I Orseolo đi vào vùng Pirênée của Pháp, nơi ông bắt đầu tạo luật dòng ở tu viện St. Michel.
Năm 988, Rô-moan-đô trở về Ý, vừa đi vừa giảng dạy từ nơi này, sang nơi khác. Ngài cũng tới Monte Cassino, nhưng không tạo được ảnh hưởng gì với việc canh tân nghiêm nhặt của ngài. Cuối cùng, vào năm 1012, ngài thành lập ở miền trung nước Ý tu viện Camaldoli, tu viện chính yếu của dòng Camaldulense sau này.
Con người khổ hạnh này đã thu hút rất nhiều người. Trong luật dòng, ngài cố gắng liên kết đời sống khổ tu với đời sống cộng đoàn mà luật dòng Biển Đức đã thấy trước. Rô-moan-đô qua đời vào năm 1027. Thánh Phêrô Đamianô ghi lại tiểu sử của thánh nhân.
TRÍCH HẠNH THÁNH RÔ-MOAN-ĐÔ DO THÁNH PHÊRÔ ĐAMIANÔ SOẠN
“Khi người ta đã làm xong phòng và ngài định vào đó, để sống ẩn dật, thì thân thể ngài càng ngày cáng thêm đau yếu nặng nề và còng xuống vì tuổi tác hơn là bệnh tật.
Một ngày kia, thân thể ngài đã mất dần sức lực và trở nên kiệt quệ vì bệnh tật gia tăng. Lúc mặt trời gần lặn, ngài bảo hai anh em đang giúp ngài hãy đi ra và đóng cửa lại. Chỉ sáng hôm sau họ mới được vào để cùng ngài đọc “Kinh sách”.
Nhưng sợ rằng ngài sắp lâm chung, nên họ chỉ ra một cách bất đắc dĩ; họ không đi nghỉ ngay, vì áy náy sợ thầy mình chết, họ tìm chỗ ẩn gần phòng ngài, để quan sát kho tàng quí giá của họ.
Họ ở như thế một chút. Rồi cố ý lắng tai nghe, họ không nghe tiếng cơ thể ngài động đậy hay miệng ngài nói gì nữa. Đoán biết sự việc đã xảy ra, họ đẩy cửa chạy vào thắp đèn và thấy thân thể ngài nằm yên ở đó còn linh hồn ngài đã lên trời. Ngài nằm như một viên ngọc trời, bị bỏ lại ở đó, để rồi sẽ được long trọng đưa lên đặt trong kho Vua Cả trời đất” (PVCGK trang 216-217).
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha đã dùng thánh Rô-moan-đô để canh tân đời sống ẩn tu trong Hội Thánh. Xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình mà theo chân Đức Kitô, hầu đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận