Đức Thánh Cha Phanxicô đến Sri Lanka

Đăng lúc: Thứ tư - 14/01/2015 03:30 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Đức Thánh Cha Phanxicô đến Sri Lanka

Đặng Tự Do
 
 
Lúc 18h45’ theo giờ Rôma ngày thứ Hai 12 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Colombo, thủ đô của Sri Lanka.
 
Sau gần 9 tiếng đồng hồ trên máy bay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến phi trường Bandaranaike của thủ đô Colombo lúc 9 giờ sáng giờ điạ phương.
 
Ra đón Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Colombo có tân tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức chỉ 4 ngày trước đó là ông Maithripala Sirisena và phu nhân là bà Jayanthi Pushpa Kumari, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt là sứ thần Tòa Thánh tại đảo quốc này và Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của tổng giáo phận thủ đô Colombo và đông đảo các Giám Mục của 11 giáo phận và 1 tổng giáo phận tại Sri Lanka.
 
Đức Thánh Cha đã được chào đón trong một buổi lễ đầy màu sắc, có cả một đàn voi bước theo những tiếng trống dập dồn, bên cạnh các vũ công truyền thống của Tích Lan và Tamil, và dàn hợp xướng của trẻ em hát một bài ca chào đón ngài bằng tiếng Tích Lan, tiếng Tamil, tiếng Anh - và cả tiếng Ý nữa.
 
Kết quả bầu cử hôm thứ Sáu đã chấm dứt một thập niên cai trị của ông Mahinda Rajapaksa và đưa Sri Lanka đến ngã ba đường với hai lựa chọn, hoặc là tiến tới hòa giải thực sự, hoặc là rơi trở lại hỗn loạn. Trong bối cảnh đó nhiều người Sri Lanka mong mỏi chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha sẽ là một chất xúc tác đẩy đất nước trên con đường hoà gỉai và hội nhập với thế giới.
 
Tình trạng cô lập của Sri Lanka một phần là do cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một cuộc điều tra tội ác chiến tranh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài gần 26 năm từ 22/07/1983 đến 18/05/2009. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra năm 2011 cho biết có tới 40,000 thường dân Tamil vô tội đã bị giết chủ yếu là trong năm 2009.
 
Trong bài diễn văn ngắn tại phi trường, Đức Thánh Cha đã đề cập ngay một cách khéo léo đến vấn đề nhức nhối này ngài nói rằng đảo quốc này không thể chữa lành hoàn toàn một phần tư thế kỷ nội chiến nếu không theo đuổi sự thật về những bất công đã phạm trong quá khứ.
 
Phiến quân Hổ Tamil đã chiến đấu trong một cuộc nội chiến kéo dài 25 năm 9 tháng và 3 ngày để tách ra thành một quốc gia độc lập sau nhiều thập kỷ bị phân biệt đối xử. Liên Hiệp Quốc ước tính cuộc nội chiến đã làm từ 80,000 đến 100,000 người thiệt mạng. Các báo cáo khác cho thấy số người chết có thể còn cao hơn nhiều.
 
Trong những năm vừa qua, Sri Lanka còn vướng vào một cuộc xung đột tôn giáo trầm trọng gây ra bởi nhóm Bodu Bala Sena - Buddhist Power Force ("Lực lượng quyền lực Phật Giáo"), gọi tắt là BBS. Nhóm này được thành lập vào năm 2012 với tôn chỉ Sri Lanka phải là một quốc gia Phật Giáo và sẵn sàng bảo vệ “bản sắc Phật giáo Sri Lanka” bằng bạo lực.
 
Trong bài phát biểu của ngài, Đức Thánh Cha cho biết Sri Lanka không dễ dàng vượt qua những "di sản cay đắng" của bất công và thù địch sau nhiều năm xung đột. Việc mưu tìm hòa bình thật sự "chỉ có thể được thực hiện bằng cách vượt qua điều ác với sự thiện, và nuôi dưỡng những đức tính góp phần hòa giải, nâng cao tinh thần đoàn kết và lòng yêu chuộng hòa bình".
 
Nhưng Đức Thánh Cha lặp lại thêm một lần nữa rằng: "Quá trình chữa lành cần bao gồm việc theo đuổi chân lý, không phải vì muốn mở lại các vết thương cũ, nhưng đúng hơn đó là một phương thế cần thiết để đề cao công lý, chữa lành và đoàn kết."
 
Trong bài diễn văn chào đón Đức Giáo Hoàng, tân tổng thống Sirisena cho biết chính phủ của ông thúc đẩy "hòa bình và hữu nghị giữa các tầng lớp dân chúng hầu vượt qua những thương tích của một cuộc xung đột đẫm máu và tàn bạo”.
 
Ông nói thêm:
 
"Chúng tôi là những người tin vào sự khoan dung tôn giáo và chung sống hài hòa trên căn bản một di sản quốc gia đã có từ bao thế kỷ".
 
Sau một thời gian dài gánh chịu những xung đột về sắc tộc và tôn giáo, người dân Sri Lanka đã chú ý lắng nghe bài diễn văn của Đức Thánh Cha được trực tiếp truyền thanh và truyền hình.
 
Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do duy nhất của chuyến tông du của ngài là “để giúp một quốc gia bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến hơn một phần tư thế kỷ xây dựng lại và lấy lại sự bình an.” Câu nói này làm nhiều người cảm động bất kể là Phật tử, tín hữu Hồi Giáo, Ấn Giáo hay Kitô hữu.
 
"Hy vọng của tôi là các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa ở Sri Lanka, cân nhắc mỗi từ ngữ và hành động của họ xem nó có thể mang lại những điều tốt lành và chữa lành nào, sẽ đóng góp lâu dài cho đời sống vật chất và tâm linh của người dân Sri Lanka ra sao"
 
Ca tụng "vẻ đẹp tự nhiên" của Sri Lanka đã khiến đảo quốc này xứng đáng là "Hòn ngọc của Ấn Độ Dương", Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm:
 
"Quan trọng hơn nữa, hòn đảo này được biết đến với tình cảm ấm áp của người dân và sự đa dạng phong phú của các truyền thống văn hóa và tôn giáo của họ".
 
Sri Lanka là một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo. Các Kitô hữu chỉ chiếm tám phần trăm của 20,4 triệu dân. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ ba đến thăm đất nước này. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã có chuyến thăm vào năm 1970, và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm đúng 20 năm trước đây, tức là vào năm 1995.
 
Vị tổng thống mời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đến đảo quốc này đã mất “ngôi” và vị tổng thống khác đã ra đón ngài. Lần này, lịch sử cũng lặp lại như thế. Cho nên, báo chí Sri Lanka nói đùa: “Nếu bạn là tổng thống Sri Lanka, đừng díu líu tới các vị Giáo Hoàng, nhất là khi gần tranh cử”
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại phi trường Bandaranaike của thủ đô Colombo
J.B. Đặng Minh An dịch
 
Thưa Tổng thống,
Các vị hữu trách trong chính phủ,
Thưa Đức Hồng Y và chư huynh Giám Mục
Anh chị em thân mến,
 
Tôi cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của các bạn. Tôi đã trông đợi chuyến viếng thăm Sri Lanka này và những ngày chúng ta sẽ dành cho nhau. Sri Lanka được gọi là Hòn ngọc của Ấn Độ Dương với vẻ đẹp tự nhiên của nó. Quan trọng hơn nữa, hòn đảo này được biết đến với tình cảm nồng nàn của người dân và sự đa dạng phong phú của các truyền thống văn hóa và tôn giáo.
 
Thưa tổng thống,
 
Tôi xin gửi đến tổng thống lời chúc tốt đẹp cho trách nhiệm mới của ngài. Tôi chào mừng các thành viên đáng kính của chính phủ và các nhà chức trách dân sự vì sự hiện diện của quý vị và anh chị em nơi đây. Đặc biệt tôi rất vui mừng với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo tôn giáo khả kính là những người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống đất nước này. Và tất nhiên, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn tới các tín hữu, các thành viên của dàn hợp xướng, và nhiều người đã giúp tôi thực hiện được chuyến thăm này. Từ con tim, tôi cảm ơn tất cả các bạn về lòng nhân ái và lòng hiếu khách của các bạn.
 
Chuyến thăm của tôi đến Sri Lanka chủ yếu là về mục vụ. Trong tư cách mục tử toàn thể Giáo Hội Công Giáo, tôi đã gặp gỡ, khích lệ và cầu nguyện với anh chị em giáo dân của hòn đảo này. Nét nổi bật của chuyến thăm này sẽ là việc phong thánh cho Chân Phước Joseph Vaz, một mẫu gương của lòng bác ái Kitô giáo và sự tôn trọng mọi người, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, là vị đang điều tiếp tục truyền cảm hứng và dạy dỗ chúng ta hôm nay. Nhưng chuyến đi của tôi cũng còn có một ý nghĩa là để thể hiện tình yêu và sự quan tâm của Giáo Hội đối với tất cả người dân Sri Lanka, và khẳng định mong muốn của cộng đồng Công Giáo muốn được là một thành viên tích cực trong đời sống của xã hội này.
 
Một bi kịch vẫn đang tiếp diễn trong thế giới của chúng ta đó là rất nhiều cộng đồng đang có chiến tranh với nhau. Việc không có khả năng hoà giải những khác biệt và bất đồng, dù cũ hay mới, đã làm gia tăng các căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, thường xuyên đi kèm với những đợt bùng phát bạo lực. Sri Lanka trong nhiều năm đã kinh qua nỗi kinh hoàng của cuộc nội chiến, và bây giờ đang tìm cách củng cố hòa bình và chữa lành những vết sẹo của những tháng năm đó. Vượt qua những di sản cay đắng của bất công, thù địch và nghi ngờ mà cuộc xung đột để lại là một nhiệm vụ không dễ dàng gì. Nó chỉ có thể được thực hiện bằng cách vượt qua sự ác với điều thiện (Rm 12:21) và bằng cách đề cao những đức tính nào nuôi dưỡng hòa giải, đoàn kết và hòa bình. Quá trình chữa lành cần bao gồm việc theo đuổi chân lý, không phải vì muốn mở lại các vết thương cũ, nhưng đúng hơn đó là một phương thế cần thiết để đề cao công lý, chữa lành và đoàn kết.
 
Các bạn thân mến,
 
Tôi tin chắc rằng các tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác nhau có vai trò thiết yếu trong tiến trình hòa giải tế nhị và tái xây dựng đang diễn ra ở đất nước này. Để tiến trình đó được thành công, tất cả các thành viên của xã hội phải cùng nhau làm việc; tất cả đều phải có tiếng nói. Tất cả phải được tự do bày tỏ những quan ngại của họ, những nhu cầu, nguyện vọng và những sợ hãi của họ. Quan trọng nhất, họ phải được chuẩn bị để chấp nhận nhau, tôn trọng sự đa dạng hợp pháp, và học cách sống như một gia đình. Bất cứ khi nào người ta lắng nghe nhau một cách cởi mở và khiêm tốn, những giá trị và khát vọng chung của họ tất cả sẽ trở thành rõ ràng. Sự đa dạng không còn được coi là một mối đe dọa, nhưng như một nguồn mạch của sự phong phú. Con đường dẫn đến công lý, hòa giải và hòa hợp xã hội trở thành rõ ràng cho tất cả mọi người.
 
Theo nghĩa này, các đề án lớn của việc tái thiết phải bao gồm việc cải thiện cơ cấu hạ tầng và đáp ứng nhu cầu vật chất, nhưng bên cạnh đó, và thậm chí còn quan trọng hơn, là đề cao nhân phẩm con người, tôn trọng nhân quyền, và hội nhập đầy đủ mọi thành viên trong xã hội. Hy vọng của tôi là các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa ở Sri Lanka, cân nhắc mỗi từ ngữ và hành động của họ xem nó có thể mang lại những điều tốt lành và chữa lành nào, sẽ đóng góp lâu dài cho đời sống vật chất và tâm linh của người dân Sri Lanka ra sao"
 
Thưa Tổng thống, các bạn thân mến,
 
Tôi cảm ơn các bạn một lần nữa đã chào đón tôi. Những ngày tháng chúng ta dành cho nhau là những ngày của tình hữu nghị, đối thoại và tình đoàn kết. Tôi cầu khẩn Chúa ban phúc lành dư dật cho Sri Lanka, Hòn ngọc Ấn Độ Dương, và tôi cầu nguyện để vẻ đẹp đó có thể tỏa sáng trong sự thịnh vượng và hòa bình của tất cả người dân.
 
 
Chuyến viếng thăm Á Châu của Đức Phanxicô
 

Giáo Hội Công Giáo tại Sri Lanka
 
Sri Lanka có dân số khoảng 21 triệu người, trong đó khoảng 1 triệu người là tín hữu Công Giáo. Đạo Công Giáo đã đến với quốc gia này giữa cơn lốc của những cuộc chiến, thiên tai và những nỗ lực tranh giành thuộc địa của Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh quốc.
 
Cha Rubano Fernando, một linh mục Sri Lanka cho biết như sau:
 
"Khi người Bồ Đào Nha đến đất nước của chúng tôi, hầu như tất cả các khu vực ven biển của Sri Lanka đều theo đạo Công Giáo trong một thời gian ngắn. Sau đó, đất nước chúng tôi lại trở thành thuộc địa của Hà Lan. Tại thời điểm đó Giáo Hội tại Sri Lanka đã trải qua những cuộc bách hại nghiêm trọng. Nhiều nhà thờ đã bị phá hủy và người dân một lần nữa bị tước đoạt đức tin của mình. Họ bị tra tấn, và rất nhiều người phải đối mặt với những thử thách cam go khi tuyên xưng đức tin của họ công khai. "
 
Chân phước Joseph Vaz, sống ở thế kỷ thứ 17, là vị sẽ được Đức Thánh Cha phong thánh trong thánh lễ ngày thứ Tư 14 tháng Giêng, là một linh mục truyền giáo từ Ấn Độ, đã có một vai trò quan trọng trong việc khơi lại đức tin tại quốc gia này.
 
Cha Rubano Fernando cho biết thêm:
 
"Nhiều người Sri Lanka đón nhận đức tin từ cha Joseph Vaz. Ngài đã đi bộ suốt cả Sri Lanka và đã đưa được rất nhiều người vào đạo Công Giáo."
 
Bất chấp những năm tháng chiến tranh triền miên và thiên tai như tai họa sóng thần vào năm 2004, Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này vẫn tiếp tục tăng trưởng.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ hai đến thăm Sri Lanka. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm đất nước này năm 1995.
VCN
 
 
Chuyến viếng thăm Á Châu  của Đức Phanxicô
 
Ngày mai, Thứ Hai, Đức GH Phanxicô sẽ rời Rôma lên đường tông du Sri Lanka và Phi Luật Tân. Đây là chuyến tông du ngoại quốc lần thứ bẩy, và tông du Á Châu lần thứ hai sau khi viếng Nam Hàn tháng Tám năm ngoái.
 
Giống việc cử nhiệm 15 vị tân Hồng Y có quyền bỏ phiếu gần đây, trong đó hết 10 vị không xuất thân từ Tây Phương, chuyến tông du này càng củng cố hơn nữa hình ảnh “Giáo Hoàng của Làng Hoàn Cầu” nơi ngài.
 
Để hiểu phần nào tính chất phức tạp của chuyến đi, ta nên chú ý tới 5 thứ giáo hoàng xa sẽ được sử dụng: 2 tại Sri Lanka và 3 tại Phi Luật Tân trong đó có chiếc xe jeep biến cải, một hình thức xe tải dành cho người nghèo Phi Luật Tân.
 
Tại Sri Lanka, chủ điểm của Đức Phanxicô chắc chắn là sự hoà hợp giữa các tôn giáo, trong đó, có cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Đây là một chủ điểm nên có trong một quốc gia hiện đang có chia rẽ giữa người Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo và là nơi ký ức cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 30 năm, mới chỉ chấm dứt vào năm 2009, hiện vẫn còn đậm nét trong tâm thức người dân.
 
Các liên hệ liên tôn luôn là vấn đề có nhiều đột biến trong một xã hội vốn được cuộc thăm dò năm 2008 của Viện Gallup xếp hạng ba trên thế giới về tôn giáo, nghĩa là các dị biệt về tôn giáo rất dễ bị lạm dụng.
 
Đức Phanxicô tới đó sau các cuộc bầu cử đầy gay cấn giữa ông Maithripala Sirisena và TT đương nhiệm Mahinda Rajapaksa. Kết quả: TT đương nhiệm đã mất ghế.
 
Dù được nhóm sắc tộc đa số Sinhalese, phần đông theo Phật Giáo, tán thành, ông Sirisena chủ yếu dựa vào nhóm thiểu số Tamil theo Ấn Giáo và các căng thẳng của chiến dịch bầu cử khiến nhiều người Sri Lanka lo ngại.
 
Người Công Giáo chỉ chiếm từ 7 tới 8 phần trăm dân số, nhưng nhiều người tin rằng họ có sứ mệnh hòa giải, vì đây là tín ngưỡng duy nhất được cả người Sinhalese lẫn người Tamil tin theo.
 
Về phương diện chính trị, rất có thể Đức Phanxicô sẽ đề cập tới chủ đề gai góc là “hội nhập văn hóa” nghĩa là phải làm sao để thích ứng biểu tượng và việc thờ phượng của Kitô Giáo vào nền văn hóa Sri Lanka.
 
Vấn đề trên từng gây ra nhiều căng thẳng rất gay gắt giữa mẫn cảm tôn giáo và chủ nghĩa tương đối tôn giáo. Trong hai thập niên 1990 và 2000, nhiều thần học gia cấp tiến Công Giáo, trong đó có Tissa Balasuriya của Sri Lanka, từng bị Vatican ra kỷ luật vì đã đi quá xa trong việc pha trộn các thực hành và quan niệm Đông Phương vào Đạo Công Giáo.
 
Nói chung, Đức Phanxicô hiện được coi là khá mềm dẻo trong địa hạt này, dù Thứ Sáu vừa qua, ngài có cảnh cáo nên tự chế. Trong một thánh lễ buổi sáng tại Vatican gần đây, ngài cho rằng: “một buổi yoga không thể dạy tâm hồn ta cảm nhận được tình phụ tử của Thiên Chúa, và một lớp linh đạo Thiền không thể làm ta tự do hơn để yêu thương”.
 
Trong khi ấy, theo tờ Sunday Times tại Sri Lanka, Đức Phanxicô sẽ được tân tổng thống vừa đắc cử là Maithripala Sirisena tiếp đón khi ngài đặt chân xuống Phi Trường Quốc Tế Bandaranaike. Thủ Tướng Ranil Wickremesinghe cho cựu TT Mahinda Rajapaksa hay: ông ta cũng được mời có mặt tại Phi Trường để tiếp đón Đức GH vì chính ông là người đã mời ngài qua viếng thăm.
 
Tình huống trên không phải là lần đầu tiên xẩy ra. Tờ Sunday Times cho hay: nó đã xẩy ra nhiều lần trước đây. Năm 1995, khi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Sri Lanka để phong chân phúc cho Cha Joseph Vaz, ngài vốn được chính phủ UNP tiền nhiệm mời, và được tân TT Chandrika Bandaranaike Kumaratunga tiếp đón.
 
Đức Phaolô VI cũng vậy, được chính phủ UNP mời viếng thăm Sri Lanka, nhưng đã được tân Thủ Tướng Sirima Bandaranaike của Đảng SLFP tiếp đón.
 
Phi Luật Tân
 
Tại Phi Luật Tân, trong các ngày từ 16 tới 19 tháng Giêng, Đức Phanxicô sẽ viếng thăm các cộng đồng Phi Luật Tân lớn nhất và năng động nhất trên thế giới.
 
Có thể nói người Phi Luật Tân ngày nay là những người Ái Nhĩ Lan mới, tạo xương sống cho Giáo Hội Công Giáo tại nhiều nơi trên thế giới, nơi đức tin Công Giáo đang đi xuống. Giống các di dân và các nhà truyền giáo Ái Nhĩ Lan trước đây trong thế kỷ 19.
 
Người ta ước lượng hiện có 10 triệu người Phi Luật Tân sống tại ngoại quốc và họ có khuynh hướng đem đức tin tới bất cứ nơi nào họ tới. Dù sao, Phi cũng là một quốc gia mà ngay tại các khu mua bán lớn (shopping malls) vẫn có các nhà nguyện, và là nơi nhan nhản có những bảng hướng dẫn ở đường phố với những hàng chữ “Xin lưu ý: Các Thánh Lễ và Các Buổi Cầu Nguyện luôn luôn đang diễn tiến”
 
Tuy nhiên, không vì thế mà Giáo Hội không gặp nhiều thách đố cam go, ít nhất từ hai chiến tuyến:
 
1. Một là sự chuyển tiếp sang một xã hội nhiều tính thế tục hơn. Năm 2012, dự luật y tế gây nhiều tranh cãi về sinh đẻ cho phép mọi người ngừa thai dù bị Giáo Hội Công Giáo cực lực chống đối đã được thông qua và được Tối Cao Pháp Viện chấp nhận năm 2014.
 
2. Hai là sự hiện diện mỗi ngày một thấy rõ hơn của Tin Lành và Ngũ Tuần, mà vang vọng nhất là cuộc trở lại của Manny Pacquiao, một lực sĩ quyền Anh Công Giáo hết sức nổi tiếng. Một linh mục Phi Luật Tân gọi con số thống kê nói rằng 85 phần trăm dân Phi là người Công Giáo là “ảo giác”vì đa số có tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật đâu.
 
Nước này cũng vẫn đang còn bàng hoàng về cơn bão Hải Yến, tháng Mười Một năm 2013, một trong những cơn bão mạnh nhất xưa nay, từng giết hơn 6,000 người và phá hủy hơn 1 triệu 1 trăm ngàn ngôi nhà khiến cho 4 triệu 1 trăm ngàn người màn trời chiếu đất.
 
Vào Thứ Bẩy này, Đức Phanxicô sẽ tới thăm vùng bị bão tàn hại hơn cả để an ủi những người rời cư và làm phép một trung tâm dành cho người nghèo. Ngài sẽ dùng bữa trưa với khoảng 30 nạn nhân sống sót.
 
Người ta cho rằng con số người tuốn tới gặp gỡ Đức Phanxicô sẽ hết sức lớn. Một trong các cuộc thăm dò mới đây cho thấy số người “hết sức nôn nóng” trước cuộc viếng thăm của ngài lên tới 88 phần trăm người Phi, 6 phần trăm cho biết “nôn nóng” và phần còn lại cho biết “vui mừng”.
 
Năm 1995, khi Đức Gioan Phaolô II tới Manila, ngài lôi cuốn 4 tới 5 triệu người tới tham dự Thánh Lễ do ngài cử hành, một con số chưa từng xẩy ra bao giờ cho một cuộc viếng thăm của các vị giáo hoàng. Nhiều người Phi nôn nóng muốn con số ấy được vượt qua, dù cảnh sát không mấy khuyến khích vì lý do an ninh và vì địa điểm Thánh Lễ dự trù chỉ chứa được chừng 1 triệu người.
 
Việc Đức Phanxicô tới thăm Phi Luật Tân cũng làm sáng hơn ngôi sao sáng vốn đã sáng rực của Phi Luật Tân: Đức HY Antonio Tagle, TGM Manila, một trong các vị giáo phẩm nhiều đặc sủng và nổi tiếng trên thế giới.
 
Vị giáo phẩm này vốn được người ta gán cho danh hiệu “Phanxicô của Á Châu”, vì cũng biểu lộ cùng một đức khiêm nhường tương tự, và cũng như Đức Giáo Hoàng, cùng thuộc cánh ôn hòa về chính trị. Nhiều người coi ngài là một papabile (tương lai làm giáo hoàng).
 
Cũng như tại Nam Hàn trước đây, Đức Phanxicô sẽ đọc diễn văn bằng tiếng Anh, biến cuộc viếng thăm này thành một tuần lễ thử nghiệm ngữ học, chuẩn bị cho cuộc viếng thăm đang được nhiều người nhắc tới tại Hoa Kỳ vào tháng Chín này.
 
Năm điều nên biết về cuộc viếng thăm Sri Lanka
 
Nicole Winfield của AP liệt kê năm điều nên biết về chuyến tông du Á Châu của Đức Phanxicô:
 
Tới vùng Tamil
 
Điều đáng lưu ý đầu tiên là Đức Phanxicô sẽ tới vùng người Tamil (Bắc Sri Lanka) để cầu nguyện tại một đền thờ Công Giáo và gặp gỡ tín hữu người Tamil. Đền thờ Đức Mẹ Madhu được cả người CG Tamil và Sinhalese sùng kính, quả là bức phông thích hợp để Đức GH cổ vũ hoà giải…
 
Linh mục Bernado Cervellera, chủ nhiệm AsiaNews, cho hay: “đây là một cử chỉ rất mạnh. Ngài sẽ tới một vùng mà Đức Gioan Phaolô II đã không tới được vì chiến tranh”.
 
Giáo Hội Công Giáo tự coi mình là một lực lượng hợp nhất tại Sri Lanka vì như trên đã nói, nó có cả tín hữu người Tamil lẫn người Sinhalese. Họ cùng thờ phượng với nhau, với các buổi phụng vụ lần lượt bằng hai thứ tiếng. Linh mục Prasad Harshan, một sinh viên tiến sĩ tại Đại Học Thánh Giá ở Rôma, nhận định rằng “đây là dấu chỉ tuyệt diệu của tình liên đới”.
 
Việc Đức Phanxicô vừa phong hiển thánh cho chân phúc Giuseppe Vaz là một dấu hiệu hợp nhất khác: các vị thừa sai thế kỷ 17 có công làm sống lại đức tin Công Giáo tại một xứ sở đang bị bách hại bởi chủ nghĩa thực dân Hòa Lan, bằng cách chăm sóc cả người Tamil lẫn người Sinhalese.
 
Chủ nghĩa cực đoan Phật Giáo
 

 
Khi Đức Gioan Phaolô II thăm Sri Lanka năm 1995, ngài cố gắng đem tới một sứ điệp khoan dung, nhưng bị các nhà lãnh đạo Phật Giáo tẩy chay. Phật Giáo chiếm tới 70% dân số, trong khi Ấn Giáo chiếm 13%, Hồi Giáo chiếm 10 % và Công Giáo chiếm khoảng 7 %.
 
Người ta mong các đại diện Phật Giáo tới tham dự buổi gặp gỡ liên tôn do Đức Gioan Phaolô II tổ chức, nhưng không một đại diện nào xuất hiện, để phản đối lời phê phán của Đức GH nói về học thuyết cứu rỗi của Phận Giáo.
 
Chủ nghĩa cực đoan Phật Giáo chỉ mới lớn mạnh từ 20 năm nay, với những người Phật Tử quá khích phát động các chiến dịch bạo động chống người Hồi Giáo.
 
Nhưng hai đại diện ôn hòa của Phật Giáo đã đự định sẽ yết kiến đức Phanxicô nhân cuộc gặp gỡ liên tôn vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm. Cha Federico Lombardi nhận định “tôi không biết liệu có những giọng nói khó nghe của người quá khích hay không. Ta hãy chờ xem”.
 
Đức Phanxicô từng tố cáo sự xuất hiện của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo tại Sri Lanka và của những người quá khích chuyên cổ vũ “một cảm thức sai lạc về thống nhất quốc gia dựa trên một bản sắc tôn giáo duy nhất”.
 
Trong cuộc gặp gỡ các giám mục Sri Lanka tháng Năm năm ngoái, Đức Phanxicô cho rằng Giáo Hội điạ phương phải tiếp tục tìm kiếm “những người cùng chia sẻ hoà bình và cùng đối thoại với nhau” bất chấp bạo lực và đe dọa từ phiá những người quá khích về tôn giáo.
 
Quan tâm về an ninh
 
An ninh sẽ chặt chẽ nhân chuyến viếng thăm Sri Lanka và Phi Luật Tân, nhất là tại Phi Luật Tân vì các căng thẳng hiện nay giữa chính phủ và người Hồi Giáo, hơn nữa còn vì các tiền lệ trong quá khứ nữa.
 
Năm 1970, nhân chuyến viếng thăm Manila, Đức Phaolô VI đã bị một người giả dạng làm linh mục đâm vào cổ. Vết thương chỉ nhẹ thôi, nhưng máu cũng đã đổ và Đức GH phải vào nhà thương.
 
Tháng Mười vừa qua, hai chiếc áo vests đẫm máu đã được trưng bày trong thánh lễ phong chân phúc cho ngài. Một tuần trước khi Đức Gioan Phaolô II thăm Phi Luật Tân năm 1995, các nhà cầm quyền Phi cho hay đã khám phá một âm mưu của người Hồi Giáo qúa khích nhằm giết Đức GH. Các nhà cầm quyền sau đó còn nhận diện được cả người chủ mưu vụ này là Ramzi Yousef, người từng bị kết án là chủ mưu vụ đánh bom Trung Tâm Thương Mãi Thế Giới năm 1993.
 
Kiểm soát đám đông
 
Tuy nhiên, cuộc viếng thăm Manila của Đức Gioan Phaolô II đã tạo được một kỷ lục mà chưa vị giáo hoàng nào vượt qua được, đó là khoảng 5 triệu người đã tới tham dự Thánh Lễ kết thúc chuyến tông du của ngài, đứng chật ních Công Viên Rizal tại Manila và kéo dài hàng hải lý sang hai bên. Đường chật người đến độ Đức Gioan Phaolô II buộc phải tới bằng trực thăng sau đó 1 tiếng đồng hồ vì đoàn tùy tùng không tới được bàn thờ.
 
Cha Gregory Gaston, viện trưởng Giáo Hoàng Học Viện Phi Luật Tân, tiên đoán rằng với sự nổi tiếng của Đức Phanxicô, số người tới mong được diện kiến với ngài chắc chắn sẽ đông hơn nữa, vì các nhà lãnh đạo địa phương đã cho phép nhân viên được nghỉ để tham dự các biến cố chính, trong đó có thánh lễ bế mạc cũng tại Công Viên Rizal.
 
Ngài vừa cười vừa nói: “bây giờ mối lo không hẳn là quân khủng bố mà chính là dân chúng, vì họ thương Đức GH quá nên họ dám đè bẹp ngài lắm!”
 
Môi trường
 
Người ta tin Đức Phanxico sẽ tập chú vào các vấn đề liên quan tới gia đình: mỗi ngày ngài đều sẽ gặp các gia đình già trẻ, gồm cả các gia đình bị phân tán vì công ăn việc làm. Nhưng một vấn đề không kém quan trọng là môi trường.
 
Các vị giám mục Phi vốn coi vấn đề môi trường là ưu tiên hàng đầu và Đức Phanxicô chắc chắn sẽ viếng thăm các khu vực bị trận bão Hải Yến tàn phá, một trận bão vốn bị quy cho việc thay đổi khí hậu.
 
Cha Lombardi cho hay Đức Phanxicô sẽ không có bài diễn văn nào dành riêng cho vấn đề môi trường, tuy nhiên, chắc chắn ngài sẽ nhắc tới nó.
 
Từ ngày lên ngôi giáo hoàng với danh hiệu lấy theo Thánh Phanxicô thành Assidi, vị thánh của thiên nhiên, Đức Phanxicô luôn kêu gọi phải chú tâm tới việc chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
 
Người ta chưa biết Đức Phanxicô sẽ tiến bao xa trong lời kêu gọi trên qua thông điệp về môi trường sắp tới. Các nhà duy môi trường hy vọng văn kiện này sẽ đẩy mạnh chiến dịch môi trường của quốc tế hiện đang bị đình trệ.
 
Nhưng những người bác bỏ tính khoa học của các tiên đoán về môi trường thì lên tiếng đả kích Đức GH vì sự can thiệp của ngài vào lãnh vực này. Maureen Mullarkey của First Things, một tờ báo Công Giáo Mỹ bảo thủ, gần đây cho rằng Đức Phanxicô thiếu khôn ngoan và làm ô danh chức vụ của mình bằng cách sử dụng các công thức mị dân để dụ dỗ công chúng bước vào các hành động môi trường không hề có bất cứ phẩm chất nào ngoài việc tuyên truyền về thần học.
 
 (Vũ Văn An, VCN 11.01.2015

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh




VATICAN. Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh sáng ngày 12-1-2015, ĐTC Phanxicô đã trình bày lập trường của Tòa Thánh về các vấn đề thời sự quốc tế.

Buổi tiếp kiến diễn ra từ lúc 10 giờ rưỡi, trước sự hiện diện của các đại diện 180 quốc gia và tổ chức quốc tế có quan hệ trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.
Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, ĐTC đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn và lần lượt đề cập đến những vấn đề và những vùng nóng bỏng trên thế giới cũng như khích lệ những sáng kiến hòa bình và phát triển.

Diễn văn của ĐTC

Ngài nói: ”Hôm nay tôi muốn mạnh mẽ tái gióng lên một từ rất quí giá đối với chúng ta, đó là hòa bình! Từ này đến với chúng ta từ tiếng nói của các thiên thần, loan báo trong đêm Giáng Sinh (Xc Lc 2,14), như hồng ân quí giá của Thiên Chúa và đồng thời tỏ cho chúng ta thấy đó là trách nhiệm bản thân và xã hội mà chúng ta cần phải ân cần và mau mắn thực hiện. Nhưng bên cạnh hòa bình, hang đá máng cỏ cũng kể lại cho chúng ta một thực tại bi thảm: đó là sự phủ nhận. Trong một số hình ảnh về giáng sinh, ở Tây phương cũng như Đông phương, tôi nghĩ đến bức ảnh rạng ngời vẽ trên gỗ của Andrej Rublev - Chúa Hài Đồng không nằm thoải mái trong nôi, nhưng được đặt trong một cái mộ. Hình ảnh ấy muốn liên kết hai lễ chính của Kitô giáo - Giáng Sinh và Phục Sinh, cho thấy bên cạnh sự đón tiếp vui mừng biến cố Chúa giáng sinh, có cả một thảm kịch trong đó Chúa Giêsu bị khinh rẻ và loại bỏ cho đến độ phải chết trên thập giá”.

Nguyên nhân nền văn hóa loại bỏ
ĐTC nhận định rằng các trình thuật về sự giáng sinh của Chúa Giêsu cũng nói về ”con tim chai cứng của nhân loại” khiến họ không đón nhận Chúa Hài Đồng. Ngài cảnh giảc rằng ”Ngày nay cũng có một thái độ phủ nhận nơi chúng ta, làm cho ta không nhìn tha nhân như người anh em cần đón nhận, nhưng để họ ở bên ngoài chân trời cuộc sống chúng ta, biến họ thành một người cạnh tranh, một nhân vật thấp kém cần thống trị. Đó là một não trạng tạo nên nền văn hóa gạt bỏ không tha điều gì và cũng chẳng nể nang ai: từ các thụ tạo, cho tới con người và thậm chí cả Thiên Chúa nữa. Từ đó nảy sinh một nhân loại bị thương tổn và tiếp tục bị xâu xé vì những căng thẳng và xung đột đủ loại”.

ĐTC nhận xét rằng chúng ta có một âm hưởng đau buồn về sự kiện đó trong rất nhiều tin tức thời sự hằng ngày, mới đây nhất là cuộc thảm sát xảy ra ở Paris. Ngài đặc biệt nói đến một nhân vật tàn ác là vua Hêrôđê, khi thấy mình bị Hài Nhi Giêsu đe dọa, liền ra lệnh giết tất cả các trẻ em ở Bethlehem. Từ đó, ĐTC cảm động nhắc đến vụ thảm sát tàn bạo chưa từng có: hơn 100 trẻ em bị tàn sát cách đây hơn 1 tháng tại Pakistan.

Những hình thức nô lệ tân thời
Trong bài diễn văn trước ngoại giao đoàn, ĐTC cũng đề cập đến những thứ nô lệ tân thời, như đã nói tới trong sứ điệp nhân ngày Hòa Bình thế giới 1-1 vừa qua, và ngài tái khẳng định rằng ngày nay, chúng ta thấy con người tự do trở thành nô lệ, khi thì nô lệ thời trang, khi thì nô lệ quyền lực, tiền tài, thậm chí nô lệ những hình thức sai trái về tôn giáo. Hiển nhiên đó là những thứ nô lệ tân thời, nảy sinh từ một con tim hư hỏng, không có khả năng nhìn thấy và làm điều thiện, không theo đuổi hòa bình. ĐTC cảnh giác trước những hậu quả của não trạng ấy và thứ văn hóa nô lệ hóa, đó là sự tiếp tục lan tràn các cuộc xung đột như một thứ thế chiến thực sự, đang diễn ra từng mảnh”.

Xung đột tại Ucraina
Cuộc chiến tranh đầu tiên được ĐTC nhắc đến là tại Ucraina và ngài nhận xét rằng đất nước này đã trở thành một diễn trường thê thảm cho các cuộc xung đột. Ngài cầu mong rằng nhờ đối thoại, người ta củng cố các nỗ lực đang tiến hành để chấm dứt các hành vi thù nghịch, và các phe liên hệ bắt đầu con đường chân thành, tín nhiệm nhau trong tinh thần tôn trọng công pháp quốc tế.

Trung Đông, Irak và Siria
Một phần quan trọng trong diễn văn của ĐTC được dành cho Trung Đông, quê hương của Chúa Giêsu mà ”chúng ta không bao giờ mệt mỏi trong việc khẩn cầu hòa bình cho miền này”. Ngài nhắc lại cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình tại Vatican hồi tháng 6 năm ngoái với sự tham dự của Tổng thống Israel bấy giờ là ông Shimon Peres và thổng thống Palestine Abbas và ngài tái kêu gọi chấm dứt bạo lực, đạt tới một giải pháp giúp người Palestine và Israel rốt cục được sống trong hòa bình, để cụ thể hóa giải pháp 2 quốc gia.

Tiếp đến, ĐTC Phanxicô nói đến Irak và Siria nơi vẫn còn những cuộc xung đột kéo dài, với những hậu quả thê thảm kể cả về khía cạnh làm cho nạn khủng bố cực đoan lan tràn.

Chủ nghĩa khủng bố phủ nhận con người và Thiên Chúa
Ngài trình này một suy tư về hiện tượng khủng bố bi thảm và khẳng định rằng đó là ”hậu quả của một nền văn hóa loại bỏ được áp dụng cho Thiên Chúa. Thực vậy, trào lưu tôn giáo cực đoan, trước khi nó là một sự loại bỏ con người qua những cuộc thảm sát kinh khủng, thì nó là sự phủ nhận chính Thiên Chúa, coi Chúa chỉ là một cái cớ ý thức hệ. Đứng trước sự gây hấn bất công chống lại cả các tín hữu Kitô và các nhóm chủng tộc và tôn giáo khác trong vùng, cần có một câu trả lời nhất chí, trong khuôn khổ công pháp quốc tế, ngăn chặn sự lan tràn bạo lực, tái lập sự hòa hợp và chữa lành những vết thương sâu đậm mà các cuộc xung đột nối tiếp nhau đã tạo ra.
ĐTC tái kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như mỗi chính phủ hãy có những sáng kiến cụ thể để kiến tạo hòa bình và bênh vực những người đau khổ vì chiến tranh và bách hại. Ngài nhắc lại lá thư đã gửi hồi trước giáng sinh cho các Cộng đồng Kitô ở Trung Đông và nhấn mạnh rằng: ”Một Trung Đông không còn Kitô hữu thì sẽ là một Trung Đông bị biến dạng và què quặt”. Ngoài ra, một lần nữa ngài cầu mong ”các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị, trí thức, đặc biệt là Hồi giáo, lên án bất kỳ sự giải thích tôn giáo một cách cực đoan và duy căn, nhắm biện minh cho những hành vi bạo lực như thế”, và ĐTC cũng lấy làm tiếc vì những hình thức tàn bạo như thế cũng không thiếu ở các nơi khác trên thế giới.

Xung đột tại các nước Phi châu
ĐTC đề cập đến các cuộc xung đột ở Phi châu, và nhận xét rằng nhiều nước Phi châu cũng bị đảo lộn vì chiến tranh, bắt đầu từ Nigeria, nơi vẫn chưa chấm dứt những bạo lực chống lại các thường dân một cách bừa bãi, trong khi hiện tượng bi thảm bắt cóc người tiếp tục gia tăng tại nước này. Ngài tố giác hiện tượng đáng kinh tởm là nạn buôn các trẻ nữ bị bắt cóc để cưỡng bách kết hôn.

ĐTC cũng nghĩ đến nước Libia đang bị sâu xé vị cuộc nội chiến dài dẵng, gây ra những đau khổ khôn tả cho dân chúng và có những hậu quả trầm trọng đối với sự quân bình mong manh trong vùng này. Ngài nghĩ đến Cộng hòa Trung Phi nơi mà người ta phải đau lòng nhận thấy thiện chí của những người đang cố gắng xây dựng hòa bình đang gặp phải sự kháng cự của những hình thức chống đối và những lợi lộc phe phái ích kỷ.
ĐTC bày tỏ lo âu về tình trạng ở Sudan, vùng Sừng ở Phi châu, Cộng hòa dân Chủ Congo nơi mà hàng ngàn người phải đi tị nạn bạo lực. Ngài không quên kêu gọi các vị hữu trách dấn thân hơn để bênh vực hòa giải, hòa bình và phẩm giá con người.

Tội ác hãm hiếp
ĐTC đặc biệt tố giác sự kiện chiến tranh cũng mang theo một tội ác đáng kinh tởm là sự hãm hiếp. Đây là một sự vi phạm rất trầm trọng chống lại phẩm giá của phụ nữ, không những họ bị vi phạm trong thân thể, nhưng cả trong tâm hồn, với chấn thương khó có thể xóa bỏ được. Rất tiếc là nơi nào có chiến tranh thì người ta cũng thấy có quá nhiều phụ nữ phải chịu đau khổ vì bạo hành, do tội ác này.

Bệnh dịch Ebola
Đề cập tới bệnh dịch Ebola, ĐTC nhận xét rằng trong nền văn hóa loại bỏ cũng có một cách người ta đối xử với các bệnh nhân, bị cô lập và gạt ra ngoài lề như những người cùi mà Phúc Âm nói tới. ĐTC định nghĩa các nạn nhân Ebola như những người cùi trong thời đại chúng ta ngày nay, nhất là tại Liberia, Sierra Leone và Guinea, với hơn 6 ngàn người chết. Ngài tái cám ơn các nhân viên y tế, các tu sĩ và những người thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân Ebola đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo một sự trợ giúp nhân đạo thích hợp cho các bệnh nhân và thăng tiến một sự dấn thân chung để loại trừ bệnh dịch.

Những người tị nạn và di dân
Sang đến những người tị nạn và di dân, ĐTC nói: ”trong số những hậu quả của các cuộc xung đột, thường có sự trốn chạy của hàng ngàn người rời bỏ nguyên quán của họ... bao nhiêu người đã bỏ mạng trong những hành trình không xứng đáng với con người, phải chịu đủ thứ hành hạ của những lý hình tham lan tiền bạc. Địa Trung Hải không thể trở thành một đại nghĩa trang”.

ĐTC tố giác sự kiện nhiều người di dân, nhất là tại Mỹ châu, là các trẻ em đi một mình, dễ trở thành mồi cho những nguy hiểm. Các em đang cần được quan tâm, săn sóc và bảo vệ nhiều hơn.
Ngài nhấn mạnh thảm trạng bị từ chối mà bao nhiêu người di dân phải chịu. Họ thường đến những miền đất lạ, không có giấy tờ, cũng chẳng biết ngôn ngữ tại nước ấy. Người di dân thật khó được chấp nhận và khó tìm được công ăn việc làm. ĐTC kêu gọi thay đổi thái độ đối với họ, để đi từ thái độ dửng dưng và sợ hãi sang thái độ chân thành đón nhận tha nhân. Ngài không quên kêu gọi thiết lập những luật lệ thích hợp và sự dấn thân của quốc tế để cứu giúp những người tị nạn và di dân. Ngoài ra, cần chữa trị tận căn hiện tượng này chứ không phải chỉ chữa trị hậu quả mà thôi.

Công ăn việc làm và gia đình
ĐTC đề cập đến vấn đề công ăn việc làm và gia đình. Ngài nói: ”những người lưu vong thầm kín” đang sống trong gia cư của chúng ta: những người già, người tàn tật và người trẻ không tìm được công ăn việc làm. Những người già bị gạt bỏ khi họ bị coi như gánh nặng và sự hiện diện của họ bị coi như một sự phiền phức, trong khi người trẻ bị gạt bỏ khi người ta không giúp họ có công ăn việc làm. ĐTC nói: không có sự nghèo đói nào tệ hơn là thứ nghèo đói không có việc làm và phẩm giá của lao công, hoặc biến lao công thành một hình thức nô lệ. Sự thất nghiệp của người trẻ, cũng như sự bóc lột sức lao động của trẻ vị thành niên là điều trái ngược với phẩm giá con người và xuất phát từ một não trang đặt tiền bạc ở trung tâm và gây hại cho chính con người.

ĐTC Phanxicô tố giác sự kiện nhiều khi gia đình trở thành đối tượng cho sự gạt bỏ vì thứ văn hóa cá nhân chủ nghĩa ngày càng lan tràn, tạo ra sự giảm bớt số sinh, và những luật lệ dành ưu tiên cho những hình thức sống chung khác, thay vì nâng đỡ gia đình một cách thích hợp để mưu cộng tác cho toàn thể xã hội.

Kêu gọi Italia thắng cám dỗ đụng độ
ĐTC không quên nhắc đến quốc gia Italia yêu quí, đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế như bao nước khác, cuộc khủng hoảng này sinh ra sự thiếu tín nhiệm và tạo điều kiện cho những xung đột xã hội. Những hậu quả của tình trạng đó người ta thấy ở Roma và Italia khi gặp bao nhiêu người sống trong tình trạng cơ cực. ĐTC nhấn mạnh rằng Italia cần phải vượt thắng bầu không khí bất an kéo dài về mặt xã hội, chính trị và kinh tế. Nhân dân Italia đừng chiều theo sự buông xuôi và cám dỗ đụng độ nhau, nhưng tái khám phá những giá trị của sự chú ý đến nhau và liên đới là nền tảng của sự sống chung với nhau và là nguồn mạch sự tín nhiệm người khác và tin tưởng nơi tương lai, nhất là đối với người trẻ.

Viếng thăm Sri Lanka và Philippines
ĐTC cũng nói đến người trẻ khi nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại Hàn Quốc nhân Ngày giới trẻ Á châu và ngài đề cập đến cuộc viếng thăm ngài sắp thực hiện tại Sri Lanka và Philippines. Biến cố này chứng tỏ sự quan tâm và ân cần về mục vụ của ngài khi theo dõi các thăng trầm của Á châu. Ngài cũng tái cầu mong hai nước Triều Tiên anh em mở lại các cuộc đối thoại với nhau.

Thành quả hòa bình
Vào đầu năm mới, ĐTC cho biết ngài không muốn cái nhìn của ngài có sắc thái bi quan và ngài cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân, các cuộc gặp gỡ, đối thoại và nhất là một số thành quả của hòa bình. Trong ý hướng đó, ĐTC nhắc đến cuộc viếng thăm của ngài tại Albani, mặc dù có những vết thương phải chịu trong lịch sử gần đây, nhưng nay là một nơi sống chung hòa bình và tôn trọng tín nhiệm lẫn nhau giữa các tín hữu Công giáo, Chính Thống và Hồi giáo. Ngài nhận định rằng niềm tin chân thành nơi Thiên Chúa làm ta cởi mở đối với tha nhân, tạo ra đối thoại và hoạt động cho công ích, trong khi bạo lực luôn nảy sinh từ sự huyền thoại hóa chính tôn giáo của mình, nhiều khi viện cớ những dự án ý thức hệ, nhắm mục tiêu duy nhất là người thống trị người. ĐTC nhắc đến cuộc đối thoại đại kết và liên tôn ở Thổ Nhĩ Kỳ và tinh thần đón tiếp ở Giordani. Ngài cầu mong Liban vượt thắng được những khó khăn hiện nay về chính trị.

Hoa Kỳ và Cuba xích lại gần nhau
Trong số những ví dụ về đối thoại có thể thực sự kiến tạo được những nhịp cầu, ĐTC Phanxicô nhắc đến quyết định mới đây của Hoa Kỳ và Cuba chấm dứt sự im lặng đối với nhau dài hơn một nửa thế kỷ và xích lại gần nhau để mưu ích cho các công dân cả hai nước. Ngoài ra ngài hài lòng chào mừng ý muốn của Hoa Kỳ đóng cửa vĩnh viễn nhà tù ở Guantanamo.

ĐTC nói đến nước Burkina Faso đang dấn thân trong một thời kỳ mới cộng tác và phát triển, và Philippines đã ký một hiệp định chấm dứt những năm căng thẳng tại nước này. Ngài cũng khích lệ cuộc hòa đảm tại Colombia, sự hòa hợp ở Venezuela, và thỏa hiệp chung kết giữa Iran và nhóm các nước gọi là ”5 cộng 1”, về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào những mục tiêu hòa bình.

70 năm thành lập LHQ và hiệp định về khí hậu
Trong phần kết của bài diễn văn, ĐTC nhắc lại rằng cách đây 70 năm LHQ đã được khai sinh từ đống tro tàn của thảm họa kinh khủng là Thế Chiến thứ 2. Ngài nhắc lại bài diễn văn lịch sử của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6 trong cuộc viếng thăm LHQ hồi năm 1965, đó là lời kêu gọi tha thiết: ”Đừng chiến tranh nữa, đừng bao giờ gây chiến nữa”. ĐTC Phanxicô lập lại lời kêu gọi này khi đặc biệt nghĩ đến chương trình phát triển hậu 2015 với những mục tiêu phát triển dài hạn và soạn thảo một Hiệp định mới về khí hậu. Ngài xác tín rằng trong cả các tiến trình đó, một điều kiện không thể thiếu được chính là hòa bình, nảy sinh từ sự hoán cải tâm hồn”.

G. Trần Đức Anh O.P
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận