Sự Tích Đức Mẹ La Vang (1798)

Đăng lúc: Thứ tư - 21/05/2014 09:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
SỰ TÍCH ĐỨC MẸ LA VANG (1798)
Lm Hồng Phúc CSsR
 
Tổng kết, dưới thời Chúa Trịnh, từ Trịnh Tác (1657-1682) đến thời Trịnh Sâm (1767-1782) tại đất Bắc và Chúa Nguyễn từ Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) và đời vua Cảnh Thịnh (1782-1802), ước lượng có hơn 30.000 anh hùng tử đạo trên đất Việt.
 
Nhưng năm 1798-1800 là thời kỳ đen tối nhất, dưới quyền cai trị của vua Cảnh Thịnh. Cảnh Thịnh tức là Nguyễn Quang Toản, lên nối ngôi Nguyễn Huệ sau khi ông này băng hà. Ông lo ngại vì Nguyễn Ánh được sự giúp đỡ của Đức Cha Bá Đa Lộc đã chiếm được Sài Gòn, Gia Định và đang dẫn một đạo quân ra đánh Phú Xuân. Cảnh Thịnh lo ngại hơn nữa vì bắt được một lá thư của Nguyễn Ánh gửi cho Đức Cha Labarlette ở Phú Xuân. Ông nghi ngờ rằng người Công giáo có thể nối giáo cho giặc, nên ra lệnh “phải giết sạch”, cho đến tháng 5/1789. Giáo dân đoán trước được tình thế nên đã kịp chạy trốn, kẻ lên núi, người xuống biển hay lênh đênh nơi sông rạch. Tuy vậy, rất nhiều người đã bị bắt, như cha Gioan Đạt, Nguyễn Văn Triệu và 32 người khác. Cha Nguyễn Văn Triệu cùng với 32 người đã bị giam trong một ngôi nhà chỉ có hai cửa ra: một cửa đề chữ “sinh môn” (cửa sống) và một cửa đề chữ “tử môn” (cửa chết). Ai muốn qua cửa sinh môn thì phải đạp qua cây Thánh Giá đặt ở giữa. Ai muốn ra cửa tử môn thì rơi vào tay lý hình đang cầm gươm chờ sẵn. Trước mặt rất nhiều người đang chờ xem, có 30 người đã bước qua cửa tử và bị chém đầu. Chỉ có hai người bước qua sinh môn làm trò cười cho dân chúng.
 
Tại vùng Cổ Vưu gần đồn Quảng Trị, nhiều người giáo dân đã khiếp sợ, đã bỏ cửa bỏ nhà, băng qua các gò hoang, bụi rậm đi về phía núi rừng cách Quảng trị 6 cây số. Dây là khu rừng có nhiều thú dữ, nhất là cọp, nên những người thợ rừng, hoặc nhưng người vỡ đất, làm gỗ đêm nào cũng đánh mõ la lối để đuổi cọp đi xa. Vì thế gọi là xóm La Vang (diễn văn của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn 18-8-1932)
 
Sống ở giữa rừng thiêng nước độc, ngày đêm ngay ngáy lo sợ bị tầm nã, đuổi bắt, nhiều người lâm bệnh, tình cảnh thật đáng thương. Trong cơn nguy khốn ấy, mọi người chỉ biết trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ. Họ họp nhau mỗi khi chiều xuống, dưới gốc cây đa cổ thụ, đọc kinh lần hạt, than khóc xin Đức Mẹ cứu giúp. Mẹ nhân lành động tình thương xót, đã hiện ra tại chỗ ấy nhiều lần để ủi an, nậng đỡ. Mẹ dạy lấy lá chung quanh uống sẽ lành bệnh và hứa nhậm lời những ai đến đó khấn cầu.
 
Theo khẩu truyền của cha ông để lại và đã được các vị Thừa Sai, như Cha Bonin, Cha sở Cổ Vưu (1891-1911) kiểm chứng nơi các vị già lão, thì Đức Mẹ hiện ra dưới gốc cây đa, có hai thiên thần chầu hai bên. Đức Mẹ an ủi giáo dân, dạy dùng lá cây để chữa lành bệnh và hứa nhậm lời những ai đến đó khấn cầu. Vì thế trong vùng Cổ Vưu, Thạch Hãn, không biêt từ thuở nào người ta đã hát
 
Trời sinh cái chốn lạ lùng
Tự nhiên giữa  núi nên Cung Chúa Bà
Truyền rằng có một cây đa
Mọc trên núi nọ gọi là La Vang
 
Vùng chung quanh đồn Quảng Trị có 3 làng trù phú là làng Cổ Thành, Thạch Hãn và Ba Trừ. Cái tin có Bà lạ hiện ra ở xóm La Vang, lại hiện ra dưới gốc cây đa, đã làm cho dư luận lương dân xôn xao bàn tán. Đồng bào bên lương cho rằng “Phật Bà” xuất hiện, nên mỗi lần đi rừng họ hay đem hương hoa treo lủng lẳng, đêm bình vôi, ông táo bày biện trên nền thừ do họ đắp lên, có rào sơ tứ phái, rồi đốt hương khấn vái, cầu an trước khi tiến sâu vào rừng. Dưới thời Minh Mạng đệ nhất niên, ba làng quyết định lập một ngôi chùa ở đó, thỉnh tượng Phật ở làng lên an vị, mở lễ lạc thành long trọng, cúng tế linh đành rồi ra về. Ban đêm các chức dịch trong làng nằm chiêm bao thấy Phật về dạy phải dời đi chỗ khác gấp, vì có Bà bên dạo không cho yên được.
 
Sáng ngày các chức dịch vội lên chùa để chứng kiến một cảnh tượng hỗn độn: hương đèn, thần tượng nằm ngổn ngang la liệt dưới đất. Họ lại thỉnh tượng đặt lên chỗ cũ, sắp xếp lại cảnh trí. Đêm hôm áy lại một cơn báo mộng thứ hai diễn ra và ngày hôm sau lại một cảnh tượng ngổn ngang như trước. Họ đều tin rằng Bà hiện ra là một Bà linh thiêng bên Công giáo, nên chấp thuận bán lại ngôi chùa ấy cho đồng bào Công giáo. Anh em Công giáo xứ Cổ Vưu hiệp lực với Cha sở sửa chữa ngôi chùa biến thành ngôi nhà thờ La Vang đầu tiên, chính nơi Đức Mẹ hiện ra (phỏng theo bài thuyết trình của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, 18-8-1932, trong kỳ Đại Hội).
 
Ngày 7-9-1883, sau khi phóng hỏa đốt trụi làng Cổ Vưu, Văn Thân kéo lên La Vang đốt hết nhà cửa, nhưng không dám đốt ngôi nhà thờ vì nghe danh Đức Mẹ linh thiêng. Tuy nhiên ngôi nhà thờ cũng bị một người ghét đạo phóng hỏa thiêu rụi sau đó.
 
Chính người này và vợ con đều chết thiêu sau khi một toán Văn Thân khác trở lại đốt nhà hôi của. Trên đường về, nhóm Văn Thân bắt một nhóm Công giáo khoảng 30 người. Tất cả đều xin một đặc ân là: nếu phải chết thì được chết trên nền nhà thờ của Đức Mẹ, 30 vị Tử đạo ấy đã đổ máu ra chan hòa lai láng, trên nền đất đã ghi vết chân của Đức Mẹ. La Vang đã trở nên một di tích lịch gắn liền với lịch sử Giáo Hội Việt Nam vào thời các chân phước tử đạo.
 
Trên nền nhà thờ cũ, năm 1886, một ngôi Thánh Đường khác được xây nên và được khánh thành năm 1900. Nhưng vì nhà thờ quá nhỏ hẹp, nên năm 1924 Đức Cha Allys (Lý) cho xây một nhà thờ lớn hơn và chính là ngôi Thánh Đường đã được nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường.
 
Những cuộc hành hương đầu xuân và nhừng kỳ Đại Hội, ba năm một lần  dã lôi kéo hàng vạn người đến kính viếng Đức Mẹ, Đại Hội La Vang năm 1958 đã thu hút 600.000 giáo lữ từ khắp nơi đổ về. Họ nhớ lời Đức Mẹ hứa năm xưa, nên sau mỗi cuộc hành hương, bao nhiêu cây cỏ trong vườn đền Đức Mẹ trở nên xơ xác trơ trọi. Lòng tin làm nên phép lạ, nhiều người đã được khỏi bệnh (Đức Mẹ La Vang, nhà in Phan Thanh Giản Sài gòn 1955)
 
Kẻ viết bài này từ thuở nhỏ, không năm nào là không đi hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang và đã được rất nhiều ơn của Đức Mẹ, nhất là trong cuộc hành hương cầu xin rước khi khởi đầu tận hiến làm Linh mục. Và trước khi bỏ nước ra đi, đã có lần được đến nơi Thánh địa ấy, để chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát của ngôi Thánh đường vì chiến cuộc, đã dâng Thánh Lễ nơi đài Đức Mẹ hiện ra. Dưới bóng cây cổ thụ, bằng xi măng cốt sắt, pho tượng Mẹ còn đứng đó giữa cảnh thinh không của núi đồi, như để chia sẻ nỗi thống khổ của đoàn con ngày nay, như đã xoa dịu đau thương của cha ông thời xưa.
 
“Còn trời, còn nước, còn non.
Con còn cầu khẩn Mẹ còn đoái thương
Nay con từ biệt Thánh Đường
Thân tuy cách đó, dạ thường mến đây.
 
Chốn này, ngày này, hội này,
Lòng này ghi tạc, dám phai đá vàng.
Lạy ơn Đức Mẹ La Vang,
Xin nghe con mọn thở than mấy lời.”

(Lời cầu cùng Đức Mẹ La Vang của J.M.T)
Nguyệt San Đức Mẹ H.C.G.
 Số 111- Sài Gòn- tháng 8-1958
 
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận