Thụ tạo đa tài và tận tụy

Đăng lúc: Thứ năm - 21/07/2016 23:50 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thụ tạo đa tài và tận tụy

Sáng tác thánh nhạc từ khi ở độ tuổi mười tám đôi mươi, đến nay, khi ở tuổi lục tuần, nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Đình Diễn mà mọi người vẫn quen với nghệ danh là nhạc sĩ Phanxicô đã có một gia tài thánh ca đồ sộ với hơn 300 bài nhạc, cùng một công trình Từ điển Công giáo song ngữ Anh-Việt dày trên 2000 trang. Tuy nhiên, con người tài hoa này quan niệm rằng tất cả những công việc mà ông đã dành hết tâm sức theo đuổi chỉ đơn giản là dùng món quà Chúa ban để phục vụ người khác trong vai trò một người giáo dân yêu mến Giáo hội hết lòng...

YÊU NHỊP ĐIỆU THÁNH NHẠC

Thoảng trong mạch chuyện trò có lúc bị ngắt quãng khi gặp phải tình tiết cao hứng trong câu hỏi và khi ký ức về mà gia chủ - nhạc sĩ Phanxicô phải tạt qua một góc nhà lục lọi những xấp tài liệu, bản nhạc cũ đang ngổn ngang trong những thùng giấy. Đôi khi ông hơi bần thần, ngẫm ngợi cầm một trang nhạc giấy úa màu. “Nhà mình vừa sửa lại nên sách vở, tài liệu còn chưa kịp sắp xếp. Nhà chật nhưng nghĩ đến chuyện phải bỏ bớt sách đi thì không nỡ lòng. Mà mỗi lần dọn dẹp gặp phải bản thảo nhạc cũ là lại thẫn người vì mải nhớ lại mình sáng tác lúc nào, khi đó thế nào....”- vừa phân trần cho những phút lơ đễnh với khách, nhạc sĩ vừa cho tôi xem những “công trình” đời người của mình. Trong khoảng không gian ấm cúng có phần gần gũi tại phòng khách, cùng sự cởi mở, điềm đạm của nhạc sĩ Phanxicô, chúng tôi đã tỏ tường được khá nhiều điều. Câu chuyện đằng sau những tác phẩm, công việc luôn chứa đựng đầy sự hấp dẫn dần được khơi mở.

Ít ai biết tên thật nhạc sĩ vì ông luôn ký dưới những bài Thánh ca bút danh Phanxicô. Rất nhiều người lầm tưởng đó là tên của một linh mục hoặc nghĩ là tên thánh của nhạc sĩ. Sự thật, bút danh này xuất hiện khi ông đem in những bài thánh ca đầu tay. “Vì tôi muốn tìm một bút danh mà nghĩ mãi chẳng ra. Tên Thánh Phanxicô (Assisi) hiện đến trong tâm trí bởi lẽ những ngày ấy tôi đang đọc cuốn Thánh Phanxicô của Nikos Kazantzakis, bản dịch Việt ngữ đổi nhan đề thành “Xin chọn người yêu là Thượng Đế”. Thánh Phanxicô là một trong những con người vừa nghệ sĩ vừa thánh thiện mà tôi ngưỡng mộ nhất. Thế là bắt đầu ký tên Phanxicô. Tôi có tu học khi còn rất trẻ nhưng theo dòng Don Bosco, chứ không phải dòng Phanxicô”- nhạc sĩ Phanxicô nhẹ nhàng giải thích.

Bài Cầu cho cha mẹ 1 bắt đầu viết vào năm 1980, đến 1989 thì nhạc sĩ Phanxicô hoàn tất 10 bài

Mối duyên với âm nhạc bén lửa từ lúc nhạc sĩ học 6 năm trung học trong Dòng Salêdiêng Don Bosco. Âm nhạc lúc đó cũng chỉ là một môn phụ, nhưng chính ông cũng không ngờ đây là nguồn cội để bản thân khám phá những khía cạnh mới mẻ. Vì vậy sau khi rời nhà dòng, ông vẫn tiếp tục theo học âm nhạc với linh mục nhạc sư Kim Long. Trong ký ức của ông vẫn còn in đậm hình ảnh những người đầu tiên dạy vỡ lòng nhạc lý cho mình  : năm 1969 là thầy Phêrô Nguyễn Văn Đệ (hiện là Giám mục GP Thái Bình), rồi linh mục Kim Long, thầy Viết Chung dạy về hòa âm và sáng tác. Tác phẩm đầu tay của ông là Mẹ nhân loại, viết trong thập niên 70, đến năm 80 thì cho ra một loạt tác phẩm nổi tiếng, trong đó phải kể đến 10 ca khúc Cầu cho cha mẹ. Bài Cầu cho cha mẹ 1 bắt đầu viết vào năm 1980, mỗi năm cứ đến những ngày cận Tết lại thêm một bài mới được đánh số, cho đến năm 1989 là bài số 10, dành cho các thánh lễ của thiếu nhi giáo xứ. Tuyển tập thánh ca Cát biển sao trời được xuất bản năm 2005 như một kỷ niệm trong cuộc đời yêu nhạc.

Năm 2001, 10 bài Cầu cho cha mẹ của nhạc sĩ Phanxicô đã được nhóm Thiếu nhi Thánh Thể bên Mỹ xin phép sử dụng và mọi lợi nhuận từ ca khúc nhạc sĩ đều xin góp vào lo cho công tác bác ái của chính nhóm này. Nhận xét về những giai đoạn sáng tác thánh ca của mình, nhạc sĩ đơn sơ: “Chỉ có hai giai đoạn : những năm 1975-1982 thì nghĩ sao viết vậy; sau năm 1982 thì viết có cân nhắc nhiều hơn vì đã qua trường lớp”. Là người luôn nhiệt huyết với nghiệp sáng tác, dẫu mọi thứ đều đến rất tự nhiên, nhưng ông quan niệm thánh ca là lời cầu nguyện bằng âm nhạc trong cộng đoàn tín hữu, vì thế người viết thánh ca cần thấm nhuần những gì liên quan đến việc cầu nguyện, như Kinh Thánh, phụng vụ, giáo lý... Với ông, chính những hiểu biết này sẽ bổ trợ, đồng thời khơi mở cảm hứng cho người sáng tác.

VÌ NHIỆT TÂM TRONG ĐỜI

Chia sẻ kỷ niệm với các tác phẩm của mình, nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại: “Ít nhiều cũng có những bài khiến người viết nhớ mãi vì chúng gắn với những ký ức. Với tôi, phần lớn gợi lại mấy mươi năm đồng hành với ca đoàn thiếu nhi và ca đoàn thanh niên ở giáo xứ Lạng Sơn - Gò Vấp. Nhiều bài ra đời vì nhu cầu của ca đoàn theo các mùa phụng vụ. Nhiều ca khúc hôn lễ được viết tặng cho các ca viên khi họ lên xe hoa. Trong đó, có lẽ khó quên nhất là bài Con chỉ là tạo vật, được viết vào năm 1980, trong thời gian dạy học xa nhà ở một vùng quê thuộc vùng Đất Đỏ gần Xuyên Mộc - Bà Rịa. Thời gian đó tôi chỉ mới ngoài hai mươi, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Anh Văn về nhận công tác giảng dạy ở vùng quê nghèo. Phần đầu của bài được viết mò mẫm trong đêm tối đen vì đèn hết dầu. Tôi viết lúc cuộc sống khó khăn, khi mới bước vào đời để nói lên lòng trông cậy Chúa”.

Từ điển Công giáo Anh - Việt trên 2000 trang thực sự là một công trình để đời

Sau khoảng hai năm bệnh nặng, nhạc sĩ phải dừng công việc dạy học về lại Sài Gòn để điều trị. Sau đó suốt mười năm ròng ông chỉ có thể dạy thêm tiếng Anh tại nhà sống đắp đổi qua ngày. Thời gian này, dù kinh tế khó khăn, ông vẫn đều đặn gắn bó với ca đoàn giáo xứ và sáng tác rất nhiều. Năm 1990, trở lại chính thức công việc của một giáo viên tiếng Anh tại một trường THPT trong thành phố, âm nhạc vẫn như hơi thở khi ông không ngại dành bớt thời giờ mưu sinh tham gia hỗ trợ ca đoàn xứ nhà và Ủy ban Thánh nhạc... Rất nhiều sáng tác của nhạc sĩ qua các giai đoạn đã được dùng trong phụng vụ.

Yêu thánh nhạc là vậy, lại luôn có thôi thúc muốn cống hiến nhiều hơn trong khả năng của bản thân cho cộng đồng, nhạc sĩ Phanxicô đã mày mò làm và đóng góp một công trình Từ điển Công giáo Anh-Việt gồm 8.000 từ mục chính và 20.000 tiểu mục, xuất bản tháng 11.2014, được giới học thuật, nghiên cứu đánh giá cao. Thực chất công trình này đã xuất bản lần đầu vào năm 2002, tuy nhiên ở lần tái bản thứ hai, cuốn sách được chỉnh sửa và bổ sung thêm nhiều. Cuốn sách dày trên 2000 trang thực sự là một công trình “nặng ký” theo cả hai nghĩa. Lật giở những trang sách trong một cảm xúc khâm phục, bất ngờ hơn khi chúng tôi được nghe về câu chuyện đằng sau đó. Ông kể : “Thời sinh viên, tôi học chuyên ngành tiếng Anh, lại quan tâm nhiều đến sách vở ngoại ngữ trong đạo Công giáo. Đến khi đất nước đổi mới, nhu cầu Giáo hội cũng như xã hội rất cần sự chính xác trong việc chuyển ngữ nên tôi quyết định thực hiện Từ điển Công giáo Anh-Việt để vừa học hỏi, vừa hy vọng góp phần hỗ trợ việc tiếp cận các văn bản Công giáo bằng tiếng Anh tại Việt Nam, đồng thời cũng để tạo điều kiện cho các bạn trẻ và những người ngoài Công giáo muốn tìm hiểu thuật ngữ cũng như giáo lý Công giáo. Nhờ ơn Chúa nâng đỡ, tôi tạm hoàn thành cuốn sách này và đang chờ các ý kiến giúp tôi sửa chữa những gì còn thiếu sót. Tôi cũng mong có thêm nhiều công trình từ điển Anh-Việt khác hoàn chỉnh hơn, do các nhóm chuyên viên Công giáo biên soạn”. Việc biên soạn khởi phát từ 1977, khi còn là cậu sinh viên 20 tuổi. Dò dẫm những bước đầu với máy đánh chữ lọc cọc trong những hoàn cảnh không mấy thuận lợi, song tác giả đã vượt qua tất cả bằng sự kiên trì, và công trình cũng đã có một vị trí nhất định.

Hiện nay, dù sắp bước vào tuổi hưu nhưng nhạc sĩ Phanxicô vẫn tận tụy vừa đi dạy vừa tìm thời giờ để nghiên cứu và viết nhạc. Với ông, niềm vui phục vụ cũng như một món quà được trao đi để rồi được nhận lại nhiều hơn trong tình mến.

Minh Hải


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận