Hành Động Của Lòng Thương Xót : Sống Tử Tế

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/09/2016 01:14 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
HÀNH ĐỘNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT : SỐNG TỬ TẾ
 
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những bất ổn và khủng hoảng về kinh tế, chính trị, xã hội … Con người dường như ai cũng phải đấu đá nhau để giành cho mình những lợi thế về kinh tế, quyền lực và vị thế trong xã hội. Người ta có thể sống bằng mặt với nhau, nhưng thực chất trong lòng thì đầy những toan tính để chà đạp người khác hầu mình có thể vươn lên. Từ sự ích kỷ thâm độc đó, người ta đã và đang dùng mọi thủ đoạn để xâu xé nhau, gây ra những thương tích cho nhau. Và như thế, con người ngày nay đang làm cho thế giới này bị tan vỡ và bị thương tích. Là người Kitô hữu, người môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta phải làm gì để có thể hàn gắn lại thế giới đang bị tan vỡ và đầy những thương tích này?
Điều mà mỗi người chúng ta phải làm trong lúc này đó là sống tử tế. Vậy tử tế là thế nào?
Tử tế là “đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mà lệ thường phải có để được coi trọng”
(Nguyễn Như Ý, Đại Từ Điển Tiếng Việt, NXB Văn Hóa – Thông Tin, 1998, tr. 1760, nghĩa 1).
Theo nghĩa trên, để được người khác coi trọng, ta phải sống tử tế, nghĩa là, ta phải sống đúng, sống tốt; còn nếu ta không sống đúng, sống tốt, ta bị người khác coi thường và có thể bị loại trừ. Nếu như vậy thì trên đời này mấy ai được coi trọng, bởi lẽ, là con người, ai cũng có những lỗi lầm thiếu xót, vẫn có những điều không tốt. Và hơn nữa, nếu ta chỉ coi trọng những người sống đúng, sống tốt mà coi khinh những người sống không tốt thì chữ “tử tế” chưa nói hết được ý nghĩa của nó. Ta cần phải sống đúng, sống tốt để được người khác coi trọng; đồng thời ta cũng phải biết coi trọng người khác, dù họ sống chưa đúng, chưa tốt. Điều này mới thực sự lột tả hết được ý nghĩa của chữ “tử tế”.
Thực vậy, chữ “tử tế” còn có nghĩa thứ hai là: “Có lòng tốt trong đối xử”
(Nguyễn Như Ý, Đại Từ Điển Tiếng Việt, NXB Văn Hóa – Thông Tin, 1998, tr. 1760, nghĩa 2).
Với nghĩa thứ hai này, trong tương quan với những người khác, ta cần phải đối xử tốt với họ, dù họ là người chưa tốt, thậm chí dù họ sống không tốt với ta, là người gây ra cho ta những đau khổ. Khi ta đối xử tốt với người khác như vậy thì việc ta sống tử tế chính là hành động của lòng thương xót.
Với năm Thánh Lòng Thương Xót, Mẹ Giáo Hội mời gọi con cái mình “hãy thương xót như Chúa Cha”. Quả vậy, dù con người phạm tội chống lại Ngài, Thiên Chúa vẫn thương xót con người, vẫn muốn cứu con người khỏi ách thống trị của tội để con người được giao hòa với Ngài, được trở về tình trạng thánh thiện ban đầu. Thiên Chúa vẫn luôn đối xử tử tế với con người, dù con người chống lại Ngài. Điều này được thể hiện cách rõ nét nơi Chúa Giêsu, Đấng mà Thiên Chúa sai xuống thế để cứu con người. Chúa Giêsu chính là “Khuôn Mặt của Lòng Thương Xót của Chúa Cha”. Ngài đến để bày tỏ cho con người thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa, và Ngài dạy cho con người cũng phải biết sống thương xót đối với nhau, qua việc đối xử tử tế với nhau trong cung cách sống. Ngài dạy cho con người cách sống tử tế: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Và trên thập giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã cầu xin Chúa Cha tha tội cho chính những người làm hại Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Chắc hẳn chẳng ai quên được cuộc khủng bố đẫm máu tại Paris, nước Pháp hôm 13 tháng 11 năm 2015, làm hàng trăm người chết và bị thương. Hành động của những người khủng bố chắc chắn là xấu, là tội ác, đáng lên án. Và những người khủng bố, một cách nào đó, không được coi trọng vì họ không “đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mà lệ thường phải có”. Họ đã không sống tử tế với những anh chị em đồng loại. Thế nhưng, trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, Khuôn Mặt của Lòng Thương Xót của Chúa Cha: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, ta cần phải sống tử tế với họ. Nghĩa là, ta cần phải sống lòng thương xót đối với họ.
Sau thảm cảnh khủng bố tại Paris nước Pháp mấy ngày, ký giả Mazur của catholicnews.org.uk, ngày 19 tháng 11, 2015, cho đăng thư ngỏ của một sinh viên Công Giáo Paris gửi người khủng bố. Trong thư, người sinh viên trẻ nói, anh không cầu nguyện cho những nạn nhân, mà anh cầu nguyện cho chính những người khủng bố, những người gieo đại họa cho người dân của anh. Anh đã đối xử tử tế với chính người đã không sống tử tế với dân tộc của anh. Anh đã thực hiện lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Anh đã sống lòng thương xót như Chúa Cha. Anh viết:
“… Tôi không cầu nguyện cho các nạn nhân hay cho những người đang khóc thương họ hoặc cho quê hương tươi đẹp của tôi được cứu thoát. Hôm nay, tôi cầu nguyện cho anh. Tôi xin Thánh Nữ Rita giúp chúng tôi tha thứ. Tôi xin ngài giúp người Pháp tha thứ cho anh. Tôi cầu nguyện cho các gia đình nạn nhân để một ngày kia họ có thể tha thứ cho anh, tha thứ cho cái hành động man rợ không thể nào biện minh được của anh. Tôi xin Chúa, cùng với sự trợ giúp của đức tin tôi, đến giúp tôi, đến giúp chúng tôi tha thứ. Tôi xin Thánh Nữ Rita chúc lành cho anh và kéo ơn Chúa Thánh Thần xuống trên anh…” (http://vietcatholic.net/News/Html/162968.htm).
Mỗi người không chỉ sống tử tế mà còn phải dạy cho những người khác cũng biết sống tử tế. Cũng trong thảm cảnh của vụ khủng bố tại Paris, một người Pháp gốc Việt tên là Angel Lê đã dạy cho đứa con nhỏ của mình, bé Brandon, phải biết sống tử tế với những người khủng bố thế nào. Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc đối thoại xúc động giữa bố con Angel Le – Brandon theo sau cuộc phỏng vấn với phóng viên chương trình Le Petit Journal:
Phóng viên: Cháu có biết chuyện gì đã xảy ra không? Cháu có biết tại sao những kẻ đó lại làm vậy không?
Bé: Có ạ, vì họ là người rất rất xấu. Những người xấu xa không tử tế chút nào. Và chúng ta phải cẩn thận vì chúng ta sẽ phải dọn nhà.
Bố: Ồ không, đừng lo con ạ. Chúng ta sẽ không dọn nhà đi đâu hết. Nước Pháp là nhà của chúng ta.
Bé: Nhưng ở đây có người xấu mà bố.
Bố: Ừ, nhưng ở đâu cũng có người xấu con ạ.
Bé: Họ có súng, họ sẽ bắn chúng ta vì họ là người rất, rất xấu đấy bố.
Bố: Họ có súng thì chúng ta có hoa.
Bé: Nhưng hoa đâu làm được gì ạ. Hoa là để…để…
Bố: Con xem kìa, ai cũng đến để đặt hoa đấy.
Bé: Vâng, đúng ạ.
Bố: Hoa là để chiến đấu với súng đạn con ạ.
Bé: Là để bảo vệ sao ạ?
Bố: Đúng rồi con.
Bé: Nến cũng vậy sao bố?
Bố: Nến là để tưởng nhớ những người đã ra đi.
Bé: Ồ, Hoa với nến là để bảo vệ chúng ta!
Bố: Đúng rồi con.
Phóng viên: Bây giờ cháu đã cảm thấy yên tâm hơn chưa?
Bé: Rồi ạ.
(http://vietcatholic.net/News/Html/162004.htm)
Ngay cả một đứa bé cũng biết hành động khủng bố là tàn ác, và những người khủng bố là những người không tử tế, nhưng người bố trong cuộc đối thoại trên đã thực sự đối xử tử tế với những người không sống tử tế và đã dạy cho con mình phải biết đối xử tử tế với những người khác như thế nào. Đây chính là hành động của lòng thương xót. Và thực sự thế giới này đang cần có những con người biết sống tử tế như vậy trong tương quan với những người khác.
Tóm lại, hơn lúc nào hết, thế giới ngày hôm nay đang cần những con người biết sống tử tế để hàn gắn lại những tổn thương mà con người gây ra cho nhau. Sống tử tế với chính mình và với người khác. Sống tử tế với mình là ta sống “đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mà lệ thường phải có để được coi trọng”. Khi ta sống đúng và sống tốt để được người khác coi trọng là ta, và đó là ta đang thương xót chính mình. Thương xót mình để rồi ta cũng biết thương xót người khác bằng cách sống tử tế với người khác, nghĩa là, luôn “có lòng tốt trong đối xử” với họ, dù họ là những người không tốt, dù họ là những người gây ra cho ta những đau khổ. Vậy, hãy sống tử tế như là hành động của lòng thương xót!
 
Hương Quê
http://www.gplongxuyen.org/
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận