Thế Đứng Vững Chải Trong Cuộc Sống

Đăng lúc: Thứ năm - 30/06/2016 19:49 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THẾ ĐỨNG VỮNG CHẢI TRONG CUỘC SỐNG

“Họ sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, sẽ dựng lại những hoang tàn thuở trước, tu bổ những thành bị bỏ hoang, những chốn hoang tàn từ bao thế hệ” (Is 61,4).
Người xưa có câu: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”; thành thử, thế đứng như “kiềng ba chân” là một thế đứng vững chãi nhất trong cuộc sống. Khốn thay, mỗi người chúng ta đang đứng trên đôi chân của mình, chúng ta tìm đâu ra một chân trụ nữa để làm nên một cái kiềng vững chãi cho cuộc sống. Trong bài giảng lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quảng trường Vartanants, Gyumri, nhân dịp chuyến tông du lần thứ XIV đến Armenia, vào ngày 25/06/2016, ngài đã gợi lên cho chúng ta về “ba chân của chiếc kiềng” trong đời sống Kitô hữu, mà nhiều lúc chúng ta ít để ý đến, thậm chí là lãng quên. Và nếu chúng ta đánh mất đi một chân kiềng nào đó, cuộc sống của chúng ta sẽ bị chênh vênh, khập khiễng, hụt hẫng, và không thể nào đứng vững. Chúng ta đang xây dựng đời mình trên những chân móng nào ?

Chân I: Sự Hồi Tưởng
         
Nền tảng đầu tiên là sự hồi tưởng, nghĩa là chúng ta nhớ lại tất cả những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta; Người không bao giờ lãng quên chúng ta. Thiên Chúa đã chọn chúng ta, đã yêu thương, mời gọi và tha thứ cho chúng ta. Những điều vĩ đại đã và đang xảy ra trong câu chuyện tình yêu của chúng ta với Người, những điều này phải được trân quí, gìn giữ trong tâm trí của chúng ta. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại cho chúng ta về một sự hồi tưởng khác phải được gìn giữ là “hồi tưởng về một con người”.
Con người, như là những nhân vị, có một sự hồi tưởng. Sự hồi tưởng của các con về những con người vĩ đại thời xa xưa. Những thanh âm cuộc sống của các con vọng lại quá khứ của các bậc hiền nhân và thánh nhân; những lời nói trong cuộc đời của các con gợi lên ký ức về những con người đã đặt nền móng trong việc loan truyền Lời Chúa; những bản nhạc cuộc đời của các con hòa lẫn những đớn đau và niềm vui. Khi các con suy nghĩ về những điều này, các con có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa cách rõ ràng. Người đã không bỏ rơi các con.

Chân II: Đức Tin

Nền tảng thứ hai được Đức Thánh Cha đề cập đến là Đức Tin, một luồng sáng cho hành trình của cuộc sống và biểu thị niềm hy vọng cho tương lai của các con. Đức Thánh Cha cảnh báo: Luôn có một mối nguy hiểm có thể làm lu mờ ánh sáng đức tin là sự cám dỗ cắt giảm những điều trong quá khứ, những điều quan trọng thuộc về thế hệ khác, tựa như đức tin là một cuốn sách tuyệt đẹp được sơn son thiết vàng, nhưng lại được cất giấu trong một viện bảo tàng. Một lần nữa, nó được cất giữ trong những văn khố của lịch sử; và như thế, Đức Tin, tự nó không còn có sức mạnh để làm biến đổi, làm sống lại vẻ đẹp, và không mở ra một hướng đi cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, Đức Tin được sinh ra và được tái sinh nhờ việc gặp gỡ Chúa Giêsu, nhờ việc cảm nghiệm về lòng thương xót của Ngài đang chiếu sáng cho từng hoàn cảnh sống của chúng ta.
Chúng ta hãy làm tốt điều này! Hãy làm mới lại cuộc sống này qua việc gặp gỡ Thiên Chúa mỗi ngày. Hãy suy gẫm Lời Chúa, và cầu nguyện trong thinh lặng, để mở rộng tâm hồn chúng ta cho tình yêu của Ngài. Hãy để cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với sự yêu thương, âu yếm của Chúa, nhen nhóm lên trong tâm hồn chúng ta niềm vui: một niềm vui vượt quá sự buồn sầu, một niềm vui trong việc gánh chịu đau khổ sẽ biến thành niềm bình an. Tất cả những điều này làm mới lại cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta được tự do và mở ra cho chúng ta những sự kinh ngạc.
Khi Chúa mời gọi ta “đừng sợ”, đặc biệt lời mời gọi này dành cho các bạn trẻ, thì chúng ta hãy nói “vâng” với Người. Chúa biết chúng ta, Người sẵn sàng yêu thương chúng ta, và Người muốn giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi những gánh nặng của sợ hãi và kiêu căng, tự mãn. Bằng việc quét dọn tâm hồn cho Chúa ngự, chúng ta có thể phản chiếu ánh sáng của tình yêu Chúa. Do đó, các con sẽ có thể tiếp tục làm cho lịch sử vĩ đại của các con trở thành việc rao truyền Phúc Âm. Đây là điều mà Giáo Hội và thế giới cần đến trong thời buổi khó khăn, và cũng là một thời gian của lòng thương xót này.

Chân III: Lòng Thương Xót

Nền tảng thứ ba là Lòng Thương Xót mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta, được thể hiện qua Đức Giêsu, và chúng ta hãy trao ban niềm xót thương ấy cho những người thân cận của chúng ta. Trong việc thực thi bác ái, khuôn mặt của Giáo Hội lại được tươi trẻ và ngời lên vẻ đẹp. Một tình yêu cụ thể là căn cước của người Kitô hữu; ngay cả một cách trình bày nào khác ngoài một tình yêu cụ thể, có thể đang làm cho chúng ta lầm đường lạc lối, thậm chí là vô giá trị, vì bằng tình yêu chúng ta dành cho người khác mà mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ Đức Kitô. “Hãy luôn là những tín hữu gương mẫu, cộng tác với người khác trong sự tôn trọng lẫn nhau và trong một tinh thần cởi mở; vì biết rằng, sự thi thố có thể xảy ra giữa các môn đệ Chúa thì cũng là để xem coi ai có thể trao ban một tình yêu lớn hơn!”[1]
Trong bài đọc I, tiên tri Isaia đã nhắc nhở chúng ta rằng, Thần Khí của Đức Chúa luôn ngự trên những ai mang Tin Mừng đến cho người nghèo, băng bó những tấm lòng tan nát, và an ủi những kẻ than khóc (cf. Is 61,1-2). Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn những người mến yêu Ngài. “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”, được thể hiện cách đặc biệt qua việc xót thương, can đảm săn sóc người đau yếu, nghèo khổ. Chúng ta rất cần điều này! Chúng ta cần những Kitô hữu không cho phép mình bị khuất phục bởi sự mệt mỏi, chán chường do những nghịch cảnh, nhưng thay vào đó là sự cởi mở, sẵn sàng dấn thân phục vụ. Chúng ta cần đến những thiện nam tín nữ, những người giúp đỡ anh chị em mình trong những lúc cần thiết, “bằng hành động chứ không đơn thuần chỉ bằng lời nói”, nhằm hướng đến một xã hội công bằng hơn, “nơi mỗi cá nhân có thể sống một cuộc sống xứng đáng; và trên tất cả là được trả thù lao cho công việc của mình”.
Chúng ta thực hiện việc này bằng cách nào…?

Cũng như Vị Giáo Hoàng Dòng Tên thừa nhận, chúng ta sẽ tự hỏi: chúng ta trở thành niềm xót thương bằng cách nào đươc, với một con người đầy dẫy những yếu đuối và tội lỗi, mà chúng ta nhận thấy trong chính bản thân và quanh chúng ta ? Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi muốn cầu khẩn đến một mẫu gương cụ thể, một vị đại sứ giả của lòng thương xót vô biên, một người mà tôi muốn lôi kéo sự chú ý hơn bởi sáng kiến của ngài, một vị tiến sĩ Giáo Hội: Thánh Gregory Narek”. Ngài là một tu sĩ Armenia, sống vào thế kỷ thứ X, là một vị hướng đạo cho cuộc sống; ngài dạy chúng ta về điều quan trọng nhất là nhận ra sự cần thiết của lòng thương xót. Ngài sinh vào năm 950, và được biết đến với những vần thơ, và những lời bình giải. Ngài được tôn kính như một trong những chân dung lớn của tư tưởng tôn giáo Armenia. Những cuốn sách về cầu nguyện cũng được biết như là một “cuốn sách của những lời than van”, thiết tưởng đó là một trong những kiệt tác vĩ đại của ngài, và được coi như một mảng ghép cuối cùng của nền văn chương Armenia.
Trước khi kết thúc bằng một lời khẩn xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng, chúng ta phải nhận diện được những nhược điểm làm thương tổn chúng ta, để chúng ta đừng trở nên ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân; nhưng thay vào đó, hãy mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa trong sự chân thành và tín thác vào Ngài.

Hoahướngdương, dịch, nguồn zenit.org.
 
 
 

[1] X. Bài giảng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 27/09/2001: Insegnamenti XXIV/2 [2001], 478.
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận