Các Dụ Ngôn về Lòng Thương Xót

Đăng lúc: Thứ ba - 30/08/2016 01:30 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
PONTIFICAL COUNCIL
FOR THE PROMOTION OF THE NEW EVANGELIZATION
 
 
THE PARABLES of MERCY
 
PASTORAL RESOURCES FOR LIVING THE JUBILEE


Người dịch: Chủng Sinh Giuse Trần Duy Tân

PDF



LỜI TỰA
Trong Tông Sắc công bố Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus”, Đức Giáo hoàng viết: “nếu chúng ta ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu và ngước mắt nhìn lên dung nhan nhân hậu của Ngài, chúng ta sẽ thấy được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh” (số 8). Sứ mạng mà Chúa Giêsu lãnh nhận từ nơi Chúa Cha không gì khác hơn chính là mạc khải mầu nhiệm tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, không trừ một ai: “Tất cả trong Ngài đều nói về lòng thương xót. Không có bất cứ điều gì trong Ngài mà không phải là sự chạnh lòng thương” (số 8). Câu nói tuyệt vời này có thể xem như một chỉ dẫn cho những suy tư trong tài liệu mục vụ này để đưa ra và trình bày những dụ ngôn về lòng thương xót. Việc nghiên cứu sâu các dụ ngôn sẽ giúp chúng ta hiểu những giáo huấn của Chúa Giêsu trong các dụ ngôn, nhưng trên hết chúng giúp chúng ta nhận ra chính mình hiện diện đâu đó trong mỗi câu chuyện. Có lẽ không có gì giống như các dụ ngôn mà có thể cuốn hút các đọc giả quan tâm đến những khía cạnh hiện sinh trong cuộc sống được tỏ hiện qua chúng và giúp hướng dẫn họ thay đổi cuộc đời.
Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta tìm hiểu toàn bộ sứ điệp chứa đựng trong các dụ ngôn khi ngài viết: “Chúa Giêsu mạc khải bản tính Thiên Chúa như là bản tính của một người Cha, mà người Cha này sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu như trước đó đã không tha thứ hết mọi tội lỗi và vượt lên mọi sự khước từ với sự cảm thông và lòng thương xót. Chúng ta biết những hình ảnh này cách đặt biệt từ ba dụ ngôn: Dụ ngôn về con chiên lạc, dụ ngôn về đồng bạc được tìm thấy, và dụ ngôn về người cha có hai con trai (x. Lc 15:1-32). Trong những dụ ngôn ấy, Thiên Chúa [người cha] luôn luôn được trình bày như một Đấng tràn đầy niềm vui, cách đặc biệt trong giây phút khi Ngài tha thứ. Trong những dụ ngôn này chúng ta thấy được điều cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin chúng ta, vì lòng thương xót được giới thiệu như là sức mạnh vượt thắng tất cả, sức mạnh ấy lấp đầy con tim với niềm vui và đem lại niềm ai ủi thông qua sự tha thứ” (số 9).
Hội Đồng Tòa Thánh Cỗ Võ Tân Phúc Âm Hóa chân thành cảm ơn Đức ông Antonio Pitta vì đã vui lòng nhận lời mời chia sẽ những bài viết này. Với kiến thức sâu rộng về Kinh Thánh và phương cách trình bày rõ ràng của ngài sẽ giúp chúng ta có được những phương tiện quý giá cho công việc mục vụ. Những kinh nghiệm thiêng liêng và kiến thức văn hóa sâu rộng được tìm thấy trong tập sách này sẽ giúp ích trong việc suy tư cá nhân, giảng dạy giáo lý, và suy gẫm Lời Chúa. Việc hiểu các dụ ngôn được trình bày cho mỗi người chúng ta sẽ giúp chúng ta sống tốt Năm Thánh Lòng Thương Xót bằng cách làm chứng đức tin mà chúng ta tuyên xưng.

Rino Fisichella
Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh
Cỗ Võ Tân Phúc Âm Hóa
 


 
 
CHƯƠNG I
GIỚI THIỆU
ĐỨC GIÊSU, LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ CÁC DỤ NGÔN

“Hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót”  (Lc 6:36) là một trong những khẳng định táo bạo của Đức Giêsu. Quả thật, người Do Thái biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, nhưng việc nghĩ rằng con người có thể giống Ngài đã là một vấn đề. Chúng ta có thể thương xót như Cha chúng ta chăng? Và vì những lý do gì mà chúng ta nên giống Ngài? “Tin Mừng về Lòng Thương Xót” là danh xưng được qui áp cho Tin mừng Luca, trình bày về cuộc đời của Đức Giêsu với chủ đề chính là lòng thương xót.
Trước khi nói về lòng thương xót, Đức Giêsu đã làm cho chúng ta cảm nghiệm và hiểu lòng thương xót. Một trong những phép lạ đầu tiên mà Ngài thực hiện là chữa người bị phong hủi: “Chạnh lòng thương, Ngài giơ tay và chạm vào anh” (Mc 1:41). Chạnh lòng thương, Đức Giêsu không sợ bị lây nhiễm. Tiếng kêu cầu của người mù ở Giêricô, đối với Đức Giêsu, lớn hơn tiếng quát của những người bảo anh ta im lặng: “Lạy Giêsu, Con vua David, xin thương xót tôi” (Lc 18:38).
Những lần gặp gỡ của Đức Giêsu với những người bệnh hoạn tật nguyền và với những người tội lỗi cũng tràn đầy lòng thương xót. Vì lòng thương xót, Ngài đã giải thoát một phụ nữ sắp bị án phạt ném đá (Ga 8:3-11). Việc Đức Giêsu cho phép người phụ nữ tội lỗi đụng chạm đến Ngài khiến cho ông Pharisêu kinh tởm (Lc 7:36-50). Đức Giêsu không nói về lòng thương xót cách trừu tượng. Thay vì định nghĩa lòng thương xót, Ngài nói về lòng thương xót qua các dụ ngôn. Những dụ ngôn nào? Tại sao phải dùng các dụ ngôn? Lòng thương xót trong các dụ ngôn hướng về những đối tượng nào, và nó được minh giải như thế nào?
1.      Những dụ ngôn nào nói về lòng thương xót?
Với những ai quen thuộc Kinh Thánh, “các dụ ngôn về lòng thương xót” khiến cho người ta nhớ lại ba câu chuyện trong Tin mừng Luca 15:1-32: Con chiên bị mất, Đồng bạc bị đánh mất, và Người con hoang đàng. Tuy nhiên, khái niệm về lòng thương xót cũng được triển khai trong các dụ ngôn khác của Đức Giêsu: Hai con nợ và người chủ nợ (Lc 7:41-43), Người Samaria nhân hậu (Lc 10:25-37), Ông nhà giàu và người ăn xin Lazarô (Lc 16:19-31), Quan tòa bất chính và bà góa kiên trì (Lc 18:1-8), và  Người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18:9-14).
Trong Tin mừng thứ ba, tám dụ ngôn của Đức Giêsu trình bày về lòng thương xót dưới những góc cạnh khác nhau. Hết bảy dụ ngôn được trình tả trong suốt hành trình Đức Giêsu lên Giêrusalem (Lc 9:51-19:46). Duy chỉ một dụ ngôn (ngắn) hai con nợ và người chủ nợ (Lc 7:41-43) được kể đến lúc Ngài giảng dạy tại Galilea. Vì Đức Giêsu dùng các dụ ngôn để nói về lòng thương xót trong suốt hành trình dài như thế trong Tin mừng Luca, nên nó thật đáng để tìm hiểu những gì Ngài nói về những dung mạo của lòng thương xót.
Lòng thương xót không phải là một nhân đức tự nhiên dựa trên tính cách của một người; một người vô cùng đạo đức không nhất thiết là có lòng thương xót hơn những người khác. Thay vào đó, lòng thương xót cốt ở tâm tính nội tại, nó trưởng thành khi người ta ở với Đức Giêsu. Làm sao chúng ta có thể học được lòng thương xót! Dĩ nhiên, không phải tất cả các dụ ngôn của Đức Giêsu đều quan tâm đến lòng thương xót, và chủ đề lòng thương xót không chỉ được truyền đạt duy qua các dụ ngôn. Tuy nhiên, các dụ ngôn đáng được tìm hiểu cách riêng biệt, và lời mời gọi “hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót” là chìa khóa để nhận ra chúng.
2.      Tại sao phải dùng các dụ ngôn?
Tại sao phải dùng dụ ngôn để nói về lòng thương xót chứ không phải dùng những cách thức khác để truyền đạt lòng thương xót? Và tại sao lại có quá nhiều dụ ngôn nói về lòng thương xót? Tại sao dụ ngôn người con hoang đàng hoặc dụ ngôn người cha có lòng thương xót mà ngày nay người ta ám chỉ đến vẫn chưa đủ? Lòng nhân hậu và sự khôn ngoan quả là đáng khen, nhưng chúng ta nên thêm lòng thương xót vào danh sách ấy. Nếu chúng ta thật sự nghĩ về nó, nếu chúng ta phải có lòng thương xót như (và bởi vì) Cha là Đấng thương xót thì người ta không thể nói về lòng thương xót trừ khi người ta thực sự có lòng thương xót hay không có lòng thương xót. Nếu Đức Giêsu thích nói về lòng thương xót hơn là định nghĩa nó, thì Ngài có lý của Ngài. Đây là điều mà chúng sẽ cố gắng tìm hiểu.
2.1     Phản ảnh của cuộc đời
Các dụ ngôn của Đức Giêsu, bao gồm những dụ ngôn về lòng thương xót, đều có liên hệ với cuộc sống thực và trình tả về nó. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng sau khi đọc một trong các dụ ngôn của Ngài, chúng ta có thể hiểu và giải thích nó. Điều ngược lại là các dụ ngôn làm sáng tỏ cuộc sống của con người và thách thức họ.
Dụ ngôn hai con nợ và người chủ nợ (Lc 7:41-43) được gợi lên bởi tình huống éo le tại nhà ông Pharisêu Simon. Đức Giêsu để người phụ nữ tội lỗi rửa và hôn chân Ngài. Dụ ngôn mà Ngài kể trong đoạn này cho thấy rằng người mắc nợ được tha khoản nợ lớn hơn thì có lòng biết ơn đối với người chủ nợ lớn hơn so với người mắc nợ ít hơn. Người phụ nữ rửa chân Chúa Giêsu chính vì Ngài đã tha tội của cô ta, chứ không phải vì cô ta rửa chân Ngài nên cô ta được tha.
Ba dụ ngôn trong chương 15 của Tin mừng Luca, nói chung được biết như là các dụ ngôn về “lòng thương xót”, theo sau những lời xầm xì việc Chúa Giêsu ăn uống với những người tội lỗi. Các dụ ngôn cho thấy rõ bối cảnh đó và khiến những ai chỉ trích Chúa Giêsu phải suy nghĩ lại lời kết án của họ. Sau ba dụ ngôn này, những lời khiển trách của Chúa Giêsu về kẻ tự đề cao mình trước mặt Thiên Chúa (Lc 16:15) đưa đến dụ ngôn ông nhà giàu và người ăn xin Lazarô. Dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa kiên trì (Lc 18:1-8) giải thích về tầm quan trọng của cầu nguyện: nếu người ta kiên trì, họ có thể làm thay đổi ý định của Thiên Chúa. Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế trong Đền thờ (Lc 18:9-14) gợi lên từ sự kêu căng của những ai hạ bệ người khác để đề cao chính mình.
Chúa Giêsu phản ảnh đời sống thực trong các dụ ngôn của Ngài – mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với những kẻ tội lỗi. Vì lý do này, danh tánh các nhân vật trong các dụ ngôn không được nhắc đến và những nơi chốn mà họ hành động cũng vô định. Tất cả thính giả trở nên thành phần trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu và ở đó được phản chiếu với sự thật đáng tin cậy, khiến họ phải suy nghĩ lại những mối tương quan mà họ thể hiện hằng ngày.
2.2     Anh ta, tôi và người khác
Đời sống thực được chuyển tải qua các dụ ngôn của Chúa Giêsu, và tất cả những dụ ngôn về lòng thương xót được diễn đạt trong mối tương quan ba chiều. Để tiện lợi, chúng ta có thể dùng “anh ta, tôi và người khác”. Những khung cảnh bao gồm hai con nợ và người chủ nợ; một tư tế, một Lêvi, và một Samaria; một người chăn chiên, 99 con chiên và một con chiên bị mất; một người phụ nữ, 99 đồng quan (drachmas) và một đồng quan bị đánh mất; một người cha có hai người con, một trong họ đã chết và sau đó sống lại; một người nhà giàu vô danh, Lazarô, và Abraham; một quan án bất chính, Thiên Chúa, và một bà góa; một Pharisêu, một người thu thuế, và Thiên Chúa trong Đền thờ.
Vì chúng ta cũng tìm thấy các dụ ngôn trong các Tin Mừng tập trung vào một yếu tố như dụ ngôn về hạt cải (Lc 13:18-19), tập trung vào hai yếu tố như dụ ngôn nắm men và bột (Lc 13:20-21), nên tương quan ba chiều như trong các dụ ngôn về lòng thương xót là có chủ đích. Cấu trúc này hàm ý một sứ điệp mà chúng ta không thể không nhận ra được. Lòng thương xót của Thiên Chúa thường nối kết với lòng thương xót được thể hiện nơi con người và không diễn ra cách vô nghĩa hoặc chỉ đơn thuần trong tương quan của tôi với Thiên Chúa. “Hãy thương xót, như [và bởi vì] Cha của anh em là Đấng thương xót” (Lc 6:26) là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của lòng thương xót trong các thể dụ ngôn.
2.3     Sự hoán vị
Các dụ ngôn về lòng thương xót chẳng có điều gì là hiển nhiên và nói chung có một sự hoán đổi vị trí. Chúng đặt thính giả vào tình thế bắt bí bởi vì những tình huống luôn được giải quyết theo những cách lạ thường trái ngược với những gì người ta mong đợi.
Trong câu trả lời cho Chúa Giêsu về câu hỏi: trong số hai con nợ, ai là người yêu chủ mình hơn, Simon trả lời, “Tôi thiết tưởng là người được tha nhiều hơn” (Lc 7:43). Chẳng có ý gì, Ngài biện hộ cho người phụ nữ tội lỗi rửa chân Ngài. Cuối dụ ngôn người Samaria nhân hậu, khi Chúa Giêsu hỏi ai là người thân cận (Lc 10:29), câu trả lời bắt buộc người thông luật phải tự mình trở nên người thân cận của mỗi người và phải bắt chước người có lòng thương xót đối với người đàn ông đang trong tình trạng nguy kịch (câu 37). Ngược với lý luận thông thường, người chăn chiên bỏ 99 con chiên lại trong hoang địa mà đi tìm một con chiên bị lạc và những nguy cơ là người chăn chiên sẽ chẳng còn đàn chiên nào (Lc 15:3-7).
Dụ ngôn người cha có lòng thương xót [Người cha nhân hậu] càng gây sốc hơn bởi vì ông đã hoán đổi vị trí của hai người con. Đối với người con trai thứ, kẻ chỉ mong muốn được đối xử như một trong những người làm công, thì người cha đã trao tặng lại nhân phẩm cho người con; tuy nhiên, khi đối diện với người con trai cả, kẻ đã kết án em mình với những lời thô bạo “thằng con của cha đó” (Lc 15:30) thì người cha đã đảo ngược lại câu nói của anh “em con đây” (Lc 15:32). Sự hoán đổi liên quan đến ông nhà giàu và Lazarô càng khó hiểu hơn: ông nhà giàu đã vui hưởng những điều tốt đẹp trong đời này, nhưng Lazarô bấy giờ được an ủi với đời vĩnh cửu (Lc 16:25). Nếu người quan tòa bất chính đồng ý giải quyết những yêu cầu của bà góa sau một thời gian dài kiên trì cầu xin, thì Thiên Chúa lập tức thỏa mãn những yêu cầu cho những kẻ Người đã tuyển chọn (Lc 18:7-8). Sự hoán đổi diễn ra giữa người Pharisêu và người thu thuế trong Đền thờ càng không thể tưởng tưởng nỗi: người Pharisêu cầu nguyện rất lâu và liệt kê những việc tốt mà anh đã làm, nhưng không được nên công chính; trong khi đó người thu thuế nhận ra mình là người tội lỗi và khi về đến nhà anh đã được nên công chính mà không phải dâng bất cứ của lễ để đền tội nào (Lc 18:14).
Tất cả những điều này đều bị đảo ngược như một kim tự tháp lộn ngược. Các dụ ngôn về lòng thương xót mời gọi thính giả phải luôn tỉnh thức bởi vì việc Thiên Chúa hành động nơi họ ngược với mọi thứ được xem là chắc chắn mà con người nghĩ là sẽ có được và buộc họ phải xem xét lại cách suy nghĩ của mình về Thiên Chúa và mường tượng về Đức Giêsu.
2.4     Lòng thương xót được nhận ra từ bên trong
Lòng thương xót hệ tại ở nơi con tim, tuy nhiên không nên nhầm lẫn với tính đa cảm. Trong Kinh Thánh, con tim là trung tâm của mọi tư tưởng hay suy nghĩ, nơi mà mọi ý định kín đáo nhất của con người được thể hiện. Vì lý do này, “để có lòng trắc ẩn” hay “lòng thương xót” có nghĩa tương đương với sự thôi thúc theo bản năng bên trong để liên kết người này với người kia. Nếu chúng ta bỏ qua những dụ ngôn ngắn hơn như: dụ ngôn hai con nợ, con chiên được cứu, và đồng bạc được tìm thấy, thì điểm xoay quanh trong các dụ ngôn hoàn toàn khớp nối với nhau đều được thể hiện nơi trái tim con người.
Lòng thương xót dành cho người đàn ông đang trong tình trạng nguy kịch, điều mà thầy tư tế và thầy Lêvi không hề có, lại được tìm thấy nơi người Samaria: “khi người Samaria thấy anh, ông chạnh lòng thương” (Lc 10:33). Lòng thương xót đã thúc dục đôi chân của người cha nhân từ: “khi người con trai thứ còn ở đằng xa, ông đã chạnh lòng thương” (Lc 15:20). Dẫu cho người con trai thứ đang gánh chịu cơn đói, nếu anh ta đã không có ý nghĩ này, có lẽ anh ta đã không lên đường trở về nhà. Chính lúc người quan tòa bất chính nói với chính ông rằng ông quyết định minh xét cho bà góa (x. Lc 18:4-5). Sự ngạo mãn trong cầu nguyện của người Pharisêu trái ngược với sự cầu nguyện của tên thu thuế, “Lạy Chúa, xin thương xót tôi - một kẻ tội lỗi!” (Lc 18:13).
Điều tuyệt hảo trong các dụ ngôn về lòng thương xót được thể hiện nơi con tim trao ban của con người và cho thấy lòng thương xót vô cùng dành cho người thân cận của mình. Vì nó trái ngược với lòng thương xót rẻ mạt, nên nó là lòng thương xót sinh ra tình yêu giữa những con người với nhau và có thể được so sánh với tình yêu của Thiên Chúa. Sẽ chẳng có lòng thương xót khi người ta không sẵn lòng nhìn vào chính con người mình; tất cả những thứ tồn tại là sự xa hoa của người phú hộ, mặc toàn lụa là gấm vóc đắc tiền, nhưng không thể thấy Lazaro nghèo đang nằm và bị bỏ quên trước cổng nhà ông! (Lc 16:19-20).
3.      Các dụ ngôn về lòng thương xót dành cho những ai?
Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, nhưng nó cũng dành cho những đối tượng đặc biệt. Các dụ ngôn bao hàm hai hạng người: những người trong các dụ ngôn và những ai đang lắng nghe chúng:
Chẳng hạn, dụ ngôn hai con nợ được chủ nợ tha cũng liên quan Chúa Giêsu, Simon, và người phụ nữ tội lỗi vì bối cảnh bản văn đã cho thấy như thế. Nếu đầu dụ ngôn người Samaria nhân hậu, người thanh niên sắp chết là đối tượng của lòng thương xót, thì ở cuối dụ ngôn người thân cận chính là người Samaria, thế nên thầy thông luật được khuyến khích trở nên người thân cận của người khác. Những người tội lỗi tương ứng với con chiên bị lạc mất và đồng bạc bị mất, trong khi các Pharisêu và các luật sĩ dường như là hình ảnh của 99 con chiên bị bỏ lại trong sa mạc và 9 đồng bạc, vẫn an toàn và đảm bảo (nhưng không thật là như thế!). Dụ ngôn người cha nhân hậu luôn chan chứa tràn đầy lòng thương xót đối với người con và ông cũng khẩn nài những người người con khác. Lúc này thật là không dễ dàng gì để giúp các Pharisêu và các kinh sư nhận thấy về lòng thương xót vì những người con không ngây thơ như con chiên và đồng bạc.
Anh Lazaro nghèo được các thiên thần đưa vào lòng Abraham, nhưng người phú hộ lại không được đáp ứng những thỉnh cầu của ông ta. Những ai dính bén đến tiền bạc thì không nên lừa dối chính mình khi cho rằng cuộc sống giàu có xa hoa của họ ở đời này sẽ vẫn tiếp tục ở đời sau. Nếu bà góa là người đón nhận lòng thương xót mà quan toa bất chính ban cho, thì làm sao mà Thiên Chúa không lắng nghe tiếng kêu của những kẻ đã được Người chọn. Người thu thuế thừa nhận mình là kẻ có tội nên được công chính, nhưng người Pharisêu tự đề cao chính mình thì không được như thế. Bất cứ ai tự đề cao chính mình bằng cách hạ bệ người khác, thì phải suy nghĩ lại khi đối diện với dụ ngôn mang tính phê phán trên.
Những hạng người tội lỗi không được nhắc đến cách cụ thể bởi vì Chúa Giêsu muốn bao hàm tất cả những người nghe. Nếu không thì người ta sẽ dễ dàng thương xót đối với chỉ một số ít người nếu lòng thương xót thực sự dựa trên sự xứng đáng và không dựa trên ân sủng.
Chiếc cầu liên kết dụ ngôn đầu và dụ ngôn cuối của lòng thương xót lại với nhau thật đáng chú ý. Dụ ngôn đầu tiên được nói tại nhà ông Pharisêu Simon khi một người tội lỗi rửa chân Chúa Giêsu (Lc 17:41-43), và dụ ngôn cuối nói về người Pharisêu và người thu thế, kẻ nhận mình là người tội lỗi (Lc 18:9-14). Các dụ ngôn của lòng thương xót không loại trừ một ai; một cách sâu sắc chúng bao hàm cả những người nghe và đem họ vào trong câu chuyện.

 
 
CHƯƠNG II
AI ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU HƠN
THÌ YÊU MẾN NHIỀU HƠN
Hai Con Nợ và Người Chủ Nợ (Lc 7:36-50)

Dụ ngôn ngắn được kể trong Lc 7:36-50 giúp hiểu rõ những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Ngài đến thăm và trò chuyện với những người tội lỗi, và thậm chí cho rằng Ngài có quyền tha tội. Đây là một đặc quyền mà, đối với người Do Thái thời bấy giờ, chỉ thuộc về Thiên Chúa và được các các thầy tư tế kiểm soát trong Đền thờ. Dụ ngôn này được kể trong khi Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu Simon. Bởi vì dụ ngôn có một ý nghĩa sâu sắc, nên nó đáng để tìm hiểu trong bối cảnh mà nó được kể:
36 Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn.37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! "40 Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: "Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông! " Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói."41 Đức Giêsu nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? "43 Ông Simon đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn." Đức Giêsu bảo: "Ông xét đúng lắm."
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít."48 Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi."49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội? "50 Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."
1.      Tình yêu khó hiểu
Lòng hiếu khách mà Chúa Giêsu cảm nhận được tại nhà ông Pharisêu Simon là một trong những sự thân tình khó hiểu. Sự kiện liên quan đến lời mời dùng bữa tối bình thường mà Chúa Giêsu vui lòng nhận lời. Đang khi dùng bữa, một người phụ nữ có tiếng là không được tốt đẹp lắm trong vùng ấy đến. Không được mời đến cũng như không được ai cho phép, cô ta tiến lại gần Chúa Giêsu, lấy nước mắt mà tưới ước chân Chúa Giêsu, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Hành động cô ta rất sốc bởi vì cô ta là một người tội lỗi, và lập tức ông Simon gán mắt để ý cô ta. Tuy nhiên, người mà ông Simon để ý không phải là người phụ nữ tội lỗi, mà là Chúa Giêsu. Làm sao mà một người được xem là ngôn sứ lại cho phép người tội lỗi rửa chân mình theo cách này được? Vì thế, người bị phán xét ở đây không phải là người phụ nữ tội lỗi, nhưng là Chúa Giêsu, người đã bị xúc phạm bởi tội của cô ta bởi vì Người đã cho phép cô ta chạm đến Người.
Người phụ nữ tội lỗi đã thực hiện những hành động cụ thể khiến cho ông Simon và những vị khách khác cảm thấy ngơ ngác. Với đôi bàn tay, nước mắt và tóc của mình, cô ta đã xúc phạm Chúa Giêsu. Làm sao người ta có thể thông truyền một tin mừng tai tiếng như thế được? Duy chỉ một dụ ngôn có thể giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu khơi gợi nên vụ tai tiếng như thế.
2.      Hai con nợ và người chủ nợ
Tình yêu say mê của Chúa Giêsu dành cho những người tội lỗi rất là nhân đạo và là tình yêu nhưng không mà chẳng có lý do nào được nhắc đến. Dụ ngôn ngắn này làm sáng tỏ những gì đang xảy ra tại nhà ông Simon. Mặc dù nó ngắn nhưng nó rất sâu sắc và hiệu quả. Đột nhiên Ngài kể câu chuyện hai con nợ và người chủ nợ; tuy nó không mật bí ẩn ý của dụ ngôn nhưng nó liên hệ tới hoàn cảnh hiện tại. Như thường lệ, Người không đề cập đến danh tánh của những người này, nhưng tập trung vào vấn đề chính yếu của câu truyện. Một chủ nợ có hai con nợ, người thứ nhất nợ năm trăm quan tiền và người thứ hai nợ năm chục. Có một sự chênh lệch đáng chú ý về món nợ của hai người bởi vì người thứ hai nợ năm chục quan tiền bằng mười lần số tiền nợ của người thứ nhất. Xét trong bối cảnh ấy, năm chục quan tiền tương đương khoảng hai tháng tiền công trong khi đó năm trăm quan tiền tương đương với hai năm rưỡi ngày công.
Chúa Giêsu cho biết rõ rằng cả hai con nợ đều không có khả năng trả khoản nợ và được chủ tha cho. Các nhân vật trong dụ ngôn không nói lời nào; chẳng có sự đối thoại nào giữa chủ nợ và hai con nợ. Tất cả điểm mấu chốt hệ tại ở chữ “tha” [forgave], ám chỉ đến sự tha thứ dành cho hai con nợ. Và chính sự tha thứ độ lượng của người chủ mà khiến cho Chúa Giêsu phải chất vấn ông Simon về vấn đề con nợ nào yêu mến chủ mình nhiều hơn.
Simon vẫn không ý thức được rằng mình cũng được tham dự trong câu truyện này, và ông trả lời rằng kẻ mắc nợ nhiều hơn được tha thứ thì yêu mến chủ mình nhiều hơn. Câu trả lời của ông cho thấy bản chất của ông và đã kết án ông! Nếu ông chú tâm đến dụ ngôn, ông có lẽ hiểu rằng bất cứ mọi loại tội là một món nợ mà người ta phải gánh chịu và chỉ có ân sủng mới có thể bù đắp món nợ mà mỗi người mắc nợ Thiên Chúa. Rõ ràng ông Simon dường như không thể vượt thắng cú sốc cảm tính về ân sủng mà Chúa Giêsu ban cho người phụ nữ tội lỗi.
3.      “Anh ta được tha ít thì yêu mến ít”
Đối với Chúa Giêsu, dụ ngôn bỏ qua bước chính yếu để khám phá hoàn cảnh hiện thời: Simon giống như kẻ mắc khoản nợ tương đương hai tháng tiền công, và vì lý do đó mà ông không rửa chân Chúa Giêsu, hoặc chào Ngài bằng một cái hôn, hoặc xức dầu trên đầu Ngài. Người phụ nữ tội lỗi giống như kẻ mắc khoản nợ tương đương hai năm rưỡi tiền công: có lẽ cô ta không bao giờ có thể trả hết nợ. Lối thoát duy nhất dành cho cả hai là ân sủng! Tác động chính yếu của dụ ngôn đối với tình huống này liên quan đến mối tương quan giữa sự tha thứ các tội và tình yêu của người phụ nữ tội lỗi. Không may, một vài bản dịch viết câu 47 như sau: “các tội của cô ta được tha bởi vì cô ta đã yêu mến nhiều”. Tuy nhiên, bản văn gốc Hi-lạp cho thấy hiệu quả của việc tha tội: “các tội của cô ta được tha, và vì thế cô ta đã yêu mến nhiều”. Nếu tội nặng như thế không được tha thứ, cô ta có lẽ đã không sẵn lòng yêu mến. Người phụ nữ có thể yêu mến vì cô ta đã lãnh nhận được ân sủng cách nhưng không.
Phần thứ hai trong câu trả lời của Chúa Giêsu khẳng định vị trí hàng đầu của ân sủng: “Anh ta được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47). Sự khẳng định này nối kết dụ ngôn với đời sống thực: ai không được lãnh nhận tình yêu trao ban nhưng không của Thiên Chúa thì không sẵn lòng yêu mến Ngài.
4.      Sự tha tội và đức tin
Đang khi dùng bữa, Chúa Giêsu đã làm cho tất cả những vị khách chướng mắt mà xầm xì: “ông này là ai mà lại tha được tội? (Lc 7,49). Câu hỏi cần phải có một câu trả lời hợp lý nhất, điều mà duy chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội (Lc 5,21). Và khi Thiên Chúa có thể tha tội, người ta bắt buộc phải đền tội theo luật. Đức Giêsu tự bản tính là Thiên Chúa, tự Ngài có quyền; vì thế theo suy nghĩ của những vị khách đây là một sự lạm dụng quyền của Ngài.
Tuy nhiên, “sự lạm dụng” này thỏa lấp khoảng trống giữa dụ ngôn và những gì xảy ra tại nhà ông Simon. Với quyền tha tội cho người phụ nữ tội lỗi, Chúa Giêsu hành động hợp với cách hành động của Thiên Chúa. Ngài tha tội cho cô ta vì Ngài nhận ra rằng ngay từ đầu cô ta tin Ngài có quyền tha tội. Nếu khi nghe biết Chúa Giêsu đang ở nhà ông Simon, cô ta đã chạy đi mua dầu thơm và vượt qua biết bao nhiêu trở ngại ở đó để chỉ được gặp Ngài, đó chính vì cô ta có một niềm tin trung kiên rằng Chúa Giêsu có thể tha tội (như người chủ nợ tha cho kẻ mắc nợ 500 quan tiền).
Đức tin là điều kiện duy nhất mà Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người phải có để được cứu độ; thậm chí nó còn là mẫu số chung trong tất cả các phép lạ của Ngài. Lưu tâm đến điều này, có một sự tương đồng giữa việc tha tội cho người phụ nữ tội lỗi và việc chữa người thanh niên bại liệt hay người thanh niên mù: trong các sự kiện chữa lành cũng vậy, chính đức tin đã cứu chữa, chứ không phải hệ tại chính phép lạ.
5.      Điều ngụ ý cho cộng đoàn là gì?
Chúng ta tìm hiểu dụ ngôn “vị vua thương xót” trong Mt 18:23-35. Như trong dụ ngôn trong Lc 7:41-43, có một người chủ nợ (vị vua) và hai con nợ (các đầy tớ). Người đầy tớ thứ nhất mắc nợ vua 10,000 yến vàng, nhưng tên đây tớ đã cầu xin vua và lời cầu xin đã chạm đến lòng thương xót của ông nên ông đã tha luôn món nợ. Không may, tên đầy tớ này hầu như chưa ra khỏi hoàng cung mà lại gặp một tên đây tớ khác mắc nợ y 100 quan tiền; hắn đối xử tên đầy tớ này cách thô bạo và đã tống anh vào tù.
Sự chênh lệch giữa món nợ của hai tên đầy tớ là không thể đếm được. Nếu vào thời Chúa Giêsu, một yến vàng tương đương với 10,000 quan tiền, thì 10,000 yến vàng là một khoản tiền rất lớn không thể tượng tưởng nỗi so với 100 quan tiền mà người đầy tớ thứ hai nợ người đầy tớ thứ nhất. Thực tế mà nói, người đầy tớ thứ hai có thể trả hết số tiền nợ dưới 6 tháng ngày công, trong khi người đầy tớ thứ nhất thì không bao giờ trả cho vua hết khoản nợ vô cùng to lớn của mình. Ân sủng mà người đầy tớ thứ nhất nhận được từ vị vua là nhưng không! Vị vua đã cho hắn biết những gì đã xảy ra với hắn và kết án hắn: “Ngươi, tên đầy tớ độc ác! Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin ta; thì đến lượt ngươi, thì ngươi không phải thương xót đồng bọn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18:32-33). Vì thế tên đầy tớ này đã bị vua trao cho các cai ngục cho tới khi hắn có thể trả hết khoản nợ mà cho dù hắn có làm cả đời cũng không có thể trả hết được. Cái kết của dụ ngôn thật là bi kịch: “Ấy vậy Cha anh em trên trời cũng sẽ đối xử anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18:35).
Đối với Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa cho phép nó bị vấy bẩn hay thấm nhiễm trước những nỗi thống khổ của con người, nhưng Ngài sẽ cứu chữa lại những nỗi thống khổ ấy bằng cách biến đổi chúng nhờ vào tình yêu nhưng không. Chẳng có tình tiết nào khác trong các Tin Mừng mà lại thân tình hơn cảnh tượng này tại nhà ông Simon. Một người phụ nữ tội lỗi chạm chân Chúa Giêsu, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài. Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu chưa bao giờ dành sự thân thiết này cho bất kỳ ai, thậm chí cả mẹ Ngài. Lòng thương xót của Chúa Giêsu đã cứu chữa những nỗi thống khổ của con người không chỉ đơn thuần bằng cách chạm đến chúng, mà còn cho phép chính Ngài đi sâu vào những nỗi thống khổ ấy.

 
 
CHƯƠNG III
LÒNG THƯƠNG XÓT DÀNH CHO NGƯỜI KHÁCH LẠ
Người Samaria Nhân Hậu (Lc 10:25-37)

Dụ ngôn người Samaria nhân hậu là một trong những dụ ngôn tuyệt vời của Chúa Giêsu. Ngài cùng với các môn đệ đang trên đường lên Giêsusalem. Ngài gặp phải một thầy thông luật, kẻ hỏi Ngài làm thế nào để có được đời sống vĩnh cửu. Thầy thông luật đang cố tìm cách thử Ngài về một trong những vấn nạn nóng bỏng nhất của thời đại: điều răn nào quan trọng nhất của Luật mà đời sống vĩnh cửu cần phải có? Tình huống khơi gợi lên dụ ngôn người Samaria nhân hậu, hầu làm sáng tỏ mối tương quan phức tạp giữa Luật và điều cốt lõi của Luật.
25Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? 26 Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? "27 Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình."28 Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? "30 Đức Giêsu đáp: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? "37 Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
1.      Điều răn trọng nhất
Vào thời Chúa Giêsu tại Palestine, các nhóm tôn giáo dường như đã có những tranh luận về hai câu hỏi chính yếu liên quan đến luật Môsê: Điều răn nào trọng nhất? Và Ai là người thân cận để mà yêu mến? Con số các khoản luật quá nhiều khiến người ta cần thiết phải có một tổng hợp chính yếu về các khoản luật để hiểu được đâu là điều cốt lõi của luật. Ở một mức độ nào đó, với tình trạng căng thẳng chính trị giữa các phe phái khác nhau, bao gồm những người Samaria, người ta thắc mắc ai được xem như là người thân cận của họ. Phải chăng chỉ có những người thuộc về nhóm tôn giáo của họ, hay là những người có cùng niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, thậm chí cả người Samaria? Mặc dù thầy thông luật đưa ra câu hỏi “ai là người thân cận để mà yêu mến” bởi vì ông đang cố gài bẫy Chúa Giêsu, nhưng nó cũng cho thấy đây là vấn đề nóng bỏng mà các phe phái khác nhau ở Palestine đang tranh luận.
Phần đầu của cuộc đối thoại bàn về câu hỏi thứ nhất. Trong vô số các khoản luật, cả thầy thông luật và Chúa Giêsu đều đồng ý rằng “yêu mến Thiên Chúa và người thân cận” là những điều kiện cần thiết để thừa hưởng được sự sống đời đời. Theo câu trả lời của thầy thông luật, ông ám chỉ đến những đoạn Kinh Thánh trong Đnl 6:5 và Lv 19:18 hầu liên kết lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa với lòng yêu mến dành cho người thân cận.
Ở điểm này, thầy thông luật gài bẫy Chúa Giêsu cách quỷ quyệt hơn: Ai là người thân cận để mà yêu mến? Phải chăng là một người anh em, một người quen, một người bạn, một người lạ, hoặc thậm chí một kẻ thù? Người ta có thể coi một ai đó không yêu mến Thiên Chúa như người thân cận của họ chăng? Trong phương pháp giảng dạy của Chúa Giêsu, Người nối kết hai điều răn lại với nhau bằng cách nói về lòng yêu mến dành cho người thân cận để ám chỉ đến lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa, nhưng không nói về lòng yếu mến Thiên Chúa cách trực tiếp.
2.      Thầy tư tế, thầy Lêvi, và người Samaria
Như thường lệ, danh tánh những người trong dụ ngôn không được đề cập đến, nhưng Chúa Giêsu quan tâm đến những sự khác biệt tôn giáo và sắc tộc của họ. Chúa Giêsu bắt đầu kể một câu truyện xảy ra ở một nơi nào đó xa xăm. Trên hành trình lên Giêrusalem, Ngài chưa đến Giêrikhô và Ngài nói về người đàn ông “đang từ thành thánh đi xuống Giêrikhô”. Con đường nối hai thành phố này dài 60 dặm và đầy nguy hiểm bởi vì nó băng qua Wadi Qelt[1]. Trong khi Giêrusalem ở độ cao 2,461 feet so với mặt nước biển, thì Giêrikhô khoảng 1,312 feet, vì thế người ta phải “đi xuống” từ Giêrusalem để đến Giêrikhô như dụ ngôn thuật lại. Chúa Giêsu kể rằng một vài kẻ cướp đã cướp sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình trạng nguy kịch của người đàn ông là vấn đề nhạy cảm trong dụ ngôn. Người ta có thể tiếp xúc với một người nửa sống nửa chết nếu không sợ bị ô uế chăng?
Không phải ngẫu nhiên mà ba nhân vật được kể đến trong dụ ngôn đều liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa duy nhất theo những cách khác nhau: một thầy tư tế xuống từ Giêrusalem sau khi thi hành sứ vụ phục vụ Đền thờ; một thầy Lêvi thuộc giới tư tế nhưng không phục vụ Đền thờ; và một người Samaria. Và mọi thứ không khởi sự tại đây bởi vì nhóm ba người thông thường là một thầy tư tế, một thầy Lêvi và một người Israel (Đnl 18:1; 27:9). Người Samaria là người được thêm vào trong nhóm ba người này, bởi vì theo tâm thức của người Do Thái anh ta là người không thanh sạch và được xem như là dân ngoại. Nguyên nhân chính của việc kỳ thị giữa hai dân tộc này được thể hiện rõ trong cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria. Người ta thờ phượng Thiên Chúa trên ngọn núi nào? Ngọn núi ở Giêsusalem, hay núi Gerizim nơi mà những người Samaria thờ phượng (x. Ga 4:20).
Theo Luật Môsê, bất cứ ai chạm đến người chết thì được xem là bị ô uế suốt một tuần. Nếu ai đó bị ô uế và sau đó cử hành nghi thức phụng tự, thì anh ta sẽ bị loại khỏi Israel (Ds 19:11-13). Luật lệ này được áp dụng cách khắc nghiệt hơn đối với một tư tế và thậm chí trong trường hợp một trong những người thân của vị tư tế chết (Lv 21:1-4). Vì thế, tình cảnh này cũng bao hàm trên bình diện rộng lớn. Thầy tư tế và thầy Lêvi đối diện trước hai khả năng lựa chọn: hoặc giữ luật thanh sạch hoặc giúp người đàn ông sắp chết. Tuy nhiên, tốt nhất nên cho thấy rằng các tiêu chuẩn văn hóa không miễn trừ cho thầy tư tế và thầy Lêvi, bởi vì trong tình cảnh của người đàn ông trong dụ ngôn, họ buộc phải giúp đỡ người đàn ông sắp chết. Thay vào đó, cả hai đều thấy ông ta và tránh qua một bên mà đi.
Cuối cùng, một người Samaria thấy người đàn ông sắp chết. Anh ta chạnh lòng thương và chăm sóc ông ta. Vì thế, dụ ngôn đã cho thấy một sự tương phản không thể chối cải được: những gì thầy tư tế và thầy Lêvi tránh né không làm thì được thực hiện bởi người Samaria, kẻ được xem là kẻ thù, là dân ngoại. Nội dung của dụ ngôn bắt đầu khiêu khích vì lòng yêu mến Thiên Chúa không đương nhiên đảm bảo cho lòng yêu mến người thân cận. Thêm vào đó, những gì mà người ta hy vọng nơi những ai hiểu biết nhiều hơn về tình yêu của Thiên Chúa (thầy tư tế và thầy Lêvi) thì lại được thực hiện bởi một người nào đó xa lạ, khác sắc tộc. Người đàn ông sắp chết được cứu sống bởi một người ngoại.
3.      Từ lòng thương xót đến hành động chăm sóc
Dụ ngôn đã rất thành công khi cho thấy người Samaria “có lòng thương xót” (Lc 10:33) đối với người đàn ông đang trong tình trạng nguy kịch, vì thế cuối dụ ngôn thầy thông luật nhận ra rằng người thân cận chính là “người đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10:37). Ở đây nên chú ý đến động từ diễn tả lòng thương xót của người Samaria: “splanchinizomai = có lòng thương xót” có nguồn gốc từ danh từ “planchana”,  mà trong tiếng Hi-lạp có nghĩa “lòng hay ruột”, bao gồm trái tim. Theo lối suy nghĩ thông thường vào thời Chúa Giêsu, những tình cảm của con người (tình yêu, lòng trắc ẩn, lòng thương xót) thuộc về nội tạng: người Samraia không chỉ đơn thuần trông thấy người đàn ông sắp chết nhưng còn để hết tâm trí vào người ấy với tất cả cõi lòng mình, và đó chính là lòng thương xót xuất phát từ đáy lòng mà đã đưa đến hành động cứu chữa người đàn ông sắp chết.
Lòng thương xót đích thực không phải là một xúc cảm, nhưng là một hành động cụ thể được thể hiện qua việc chăm sóc người khác. Chúa Giêsu thuật lại việc người Samaria giúp đỡ người đàn ông sắp chết với những chi tiết cụ thể đáng chú ý: “ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10:34). Sau khi người đàn ông sống sót qua đêm đầu tiên (khi ông ta có nguy cơ mất mạng cao), sau đó người Samaria đưa cho chủ quán trọ hai quan tiền tương đương với hai ngày tiền công. Khi người Samaria rời khỏi quán trọ để tiếp tục hành trình của mình, ông ta đảm bảo với chủ quán trọ rằng nếu có tốn kém bao nhiêu thì ông ta sẽ hoàn trả lại cho chủ quán trọ khi ông trở về.
Từ đầu đến cuối dụ ngôn, chẳng có chi tiết cụ thể nào nói về người đàn ông đang trong tình trạng nguy kịch. Dụ ngôn không đề cập đến lai lịch hoặc địa vị xã hội của ông ta. Dụ ngôn chủ yếu tập trung vào người Samaria, kẻ đã chăm sóc và trả chi phí cho người đàn ông bị nạn. Lòng thương xót đích thật là làm cho người nào đó trở nên liên quan với người khác để rồi hành động, làm việc thiện mặc dù phải tốn nhiều thời gian và tiền của vì lợi ích của người cần được giúp đỡ.
4.      Sự hoán vị
Chúa Giêsu trả lời cho thầy thông luật qua dụ ngôn người Samaria nhân hậu. Dụ ngôn mở ra một niềm hy vọng cho cuộc đời vì nó đã làm đảo ngược lối suy nghĩ thông thường. Trong những cuộc tranh luận xảy ra vào thời Chúa Giêsu, chúng ta chú ý thấy rằng điều liên quan đến đặc tính hoặc lai lịch của người thân cận là một trong số những vấn đề sôi nổi nhất. Mỗi nhóm người có những cách khác nhau để hiểu ai được xem là người thân cận. Chúa Giêsu đã trả lời một cách độc đáo qua những gì được Ngài đề cập trong dụ ngôn; Ngài đã làm đảo lộn vấn đề tranh luận.
Nếu, ngay đầu dụ ngôn, người thân cận là người đàn ông nửa sống nửa chết, thì cuối dụ ngôn là người Samaria. Người đàn ông nửa sống nửa chết là câu trả lời cho vấn đề mà thầy thông luật thắc mắc (Ai là người thân cận của tôi), nhưng người Samaria là đáp án dành cho câu hỏi của Chúa Giêsu, “vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10:37). Thầy thông luật vẫn không nhận ra rằng ông cũng nên giống như người Samaria kia (là thành phần trong trường hợp này). Với sự thật phũ phàng, ông nhận thấy rằng người thân cận không phải là người đàn ông nửa sống nửa chết, nhưng là người có lòng thương xót đối với ông ta. Vì vậy, thầy thông luật buộc phải đưa ra câu trả lời mà ông không muốn: người thân cận là người Samria – người mà thầy thông luật chỉ muốn nói đến như “người mà..” hơn là muốn nói đến nguyên quán của ông ta.
Chúa Giêsu đã mạc khải cho thầy thông luật biết dụ ngôn liên hệ với cuộc sống như thế nào. Ngài khuyến khích ông đi sâu vào chuỗi lý luận của dụ ngôn – như một độc giả đi sâu vào một câu truyện – và để rồi hành động như người Samaria bằng cách để mình trở nên người thân cận của người khác. Dựa trên câu hỏi đầu tiên trong cuộc đối thoại nói về điều răn trọng nhất, câu hỏi ai là người thân cận là nguyên nhân dưa đến cuộc tranh cải không hồi kết cho tới khi người ta có thể đưa ra đáp án. Dụ ngôn thay đổi hoàn toàn cách thức suy nghĩ về vấn đề ai là người thân cận qua việc mời gọi người nghe hãy bắt đầu nơi chính mình. Người thân cận không được đánh giá qua nguồn gốc tôn giáo, văn hóa hay xã hội, nhưng qua lòng thương xót đối với người khác.
5.      Chúa Giêsu, người Samaria tốt lành?
Kể từ thời các thánh Giáo phụ, dụ ngôn này được đọc dưới nhãn quan mô tả những đặc tính nhân loại của Chúa Giêsu. Thánh Clement thành Alexandria ghi nhận: “ai có thể yêu thương chúng ta nhiều hơn Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, những kẻ bị các quyền lực tối tăm giết chết bằng những nỗi đau thương khốn khổ, sợ hãi, dục tình, đam mê, gian dối, khoái lạc? Chúa Giêsu là vị bác sĩ duy nhất chữa lành những thương tích này và diệt trừ tận gốc mọi đam mê khoái lạc” (Ai là người phú hộ, kẻ sẽ được cứu độ? 29).
Những chi tiết khác của dụ ngôn có thể khiến cho chúng ta nghĩ về sự kiện Chúa Giêsu trò chuyện với người phụ nữ Samaria bên giếng của ông Giacóp trong Tin Mừng Gioan. Lòng trắc ẩn sâu sắc như thế có khả năng biến nó thành hành động quan tâm, chăm sóc những người đau yếu là điểm đặc thù của Chúa Giêsu. Thậm chí những chi tiết phụ, như câu truyện người Samaria tốt lành rời khỏi quán trọ và sau đó trở lại, có thể khiến chúng ta liên tưởng dụ ngôn với việc Chúa Giêsu rời khỏi thế gian về với Chúa Cha sau khi Ngài phục sinh và sẽ trở lại trong lần viếng thăm thứ hai của Ngài.
Tuy nhiên, việc chú giải dụ ngôn này mà chỉ quy về Chúa Giêsu có thể làm giảm thiểu ý nghĩa mà nó muốn truyền đạt. Những gì được mô tả về người Samaria cũng nên áp dụng cho cả Chúa Giêsu và cộng đoàn Ki-tô giáo, nơi mà sự dâng hiến dành cho người thân cận được chuyển hóa thành hành động quan tâm chăm sóc ân cần đối với những gì người ta được nhận biết như “người xa lạ”. Vì thế, dụ ngôn phản ánh chân dung cuộc sống hằng ngày của mỗi người và biến đổi nó một cách tận căn: nó giúp thầy thông luật có thể hiểu rõ ràng rằng tình yêu dành cho Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu dành cho người thân cận.
6.      Kiện toàn lề luật
Những cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai noi gương Chúa Giêsu và đào sâu ý nghĩa dụ ngôn người Samaria tốt lành. Có hai dịp thánh Phaolô nhắc đến cuộc tranh luận về điều răn trọng nhất của Luật. Ngài nói với các tín hữu Ga-la-at, những người có nguy cơ gây ra tranh chấp lẫn nhau trong cộng đoàn, “toàn bộ lề luật được nên trọng trong điều răn duy nhất này: anh em phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5:14). Sự tự do của Ki-tô hữu là tuyệt đối bởi vì nó là quà tặng của Chúa Ki-tô: “vì tự do mà Chúa Ki-tô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5:1). Đây là lý do mà sự tự do ấy không dẫn đến tình trạng hỗn loạn, nhưng được chuyển hóa thành hành động phục vụ và yêu thương người thân cận. Khi thánh Phaolô nói chuyện với cá Ki-tô hữu tại Rôma, ngài nhắc lại điều răn yêu thương và xem nó như là món nợ duy nhất mà các tín hữu mắc nợ, vì trong một chừng mực nào đó người ta luôn luôn thiếu tình yêu mến (Rm 13:9). Cả hai trường hợp, thánh Phaolô không đề cập đến tình yêu dành cho Thiên Chúa, nhưng chủ yếu tập trung vào tình yêu dành cho người thân cận. Tại sao lại có sự thinh lặng và chênh lệch rõ ràng như thế về tình yêu dành cho Thiên Chúa?
Câu trả lời được tìm thấy trong thứ nhất của thánh Gioan tông đồ: “ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa họ không trông thấy” (1Ga 4:20). Mối nguy hiểm lớn nhất mà thánh Phaolô và thánh Gioan tiên báo đó là trong Giáo Hội có thể xuất hiện những lạm dụng nghiêm trọng và bỏ bê bổn phận khi người ta nhân danh tình yêu mến dành cho Thiên Chúa. Việc người ta ý thức tình yêu mến của họ dành cho Thiên Chúa khiến cho họ dễ dàng thỏa mãn với những chuẩn mực và những nhu cầu của riêng mình, nhưng điều ấy thật là ý nghĩa hơn nhiều khi nó thực sự được chuyển hóa thành hành động yêu thương một người thân cận – một con người bằng xương bằng thịt. Tình yêu dành cho Thiên Chúa không đương nhiên đem lại tình yêu thương người thân cận, nhưng thật sự mà nói rằng tình yêu thương dành cho người thân cận là phản ảnh của tình yêu mến dành cho Thiên Chúa.
Tuy nhiên, để khỏi tự lừa dối chính mình, tốt nhất chúng ta hãy trở về nguồn tình yêu mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta. Thánh Gioan tông đồ khẳng định: “chúng ta hãy yêu thương vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4:19). Trong chừng mực nào đó chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương, và chúng ta có khả năng thương yêu người thân cận. Tình yêu đích thực của người thân cận không xuất phát từ các dự án xã hội hoặc lòng vị tha, nhưng đúng hơn là nó bắt nguồn từ tình yêu mà Thiên Chúa và Đức Giêsu Ki-tô ban tặng cho nhân loại, và tình yêu đó sẽ nhanh chóng thúc dục người ta “sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5:15).
Dụ ngôn người Samaria tốt lành mang lại cho đời sống nhân loại một ý nghĩa mới. Cuối cùng thì chúng ta hãy trở nên người thân cận đối với những người khác bởi vì Thiên Chúa đã đến với chúng ta, và qua Đức Ki-tô, tiếp tục chữa lành những thương tích phàm nhân của chúng ta. Kiểu hoán vị ấy đã cuốn hút thầy thông luật và buộc ông phải thay đổi lối suy nghĩ của mình. Nó không phải là vấn đề phải lựa chọn giữa tình yêu mến dành cho Thiên Chúa và tình yêu thương dành cho người thân cận của chúng ta, nhưng là vấn đề mà người ta hiểu ra rằng phải yêu thương người anh chị em mà họ trông thấy cũng giống như yêu mến Thiên Chúa, Đấng họ không trông thấy. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn trong đời sống nhân loại đó là sự hoán vị ấy không phải lúc nào cũng đương nhiên xảy ra như thế trong mọi hoàn cảnh: tình yêu dành cho Thiên Chúa không đương nhiên là tình yêu dành cho người thân cận. Tuy nhiên, tình yêu mến dành cho Thiên Chúa thì luôn luôn thúc bách người ta yêu thương người thân cận.
 

 

CHƯƠNG IV
Tìm Thấy Con Chiên Bị Mất
và Đồng Bạc Bị Đánh Mất (Lc 15:1-10)

Chương 15 của Tin Mừng Luca là một trong số những chương tuyệt vời nhất trong Tân Ước. Điều được mô tả trong chương này đó là lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với những người tội lỗi như được minh họa qua ba dụ ngôn: Con chiên bị mất, Đồng bạc bị đánh mất và Người cha nhân hậu. Nói chung, ba dụ ngôn này được biết như là “các dụ ngôn của lòng thương xót”, được trình bày trong một chuỗi nối tiếp nhau không ngừng. Tuy nhiên, tốt nhất nên tách hai dụ ngôn đầu ra khỏi dụ ngôn thứ ba vì dụ ngôn thứ ba có những cái kết mở ra với nhiều ý nghĩa tiềm tàng trong đó mà người ta có thể viết tiếp để hoàn tất dụ ngôn tùy theo từng thái độ của mỗi người. Thêm vào đó, hai dụ ngôn đầu kết thúc trong niềm vui mừng, trong khi dụ ngôn thứ ba khiến chúng ta phải nín thở. Chúng ta không biết người con cả có vào tham dự buổi tiệc mừng vì sự trở về của người em hay không, hay là anh ta quyết định đi theo con đường của mình.
1Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng.2 Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng."3 Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: 4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
8 "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."
1.      Những hạng người tội lỗi
Vào thời Chúa Giêsu, người ta phân biệt bốn hạng người tội lỗi dựa vào các đặc điểm: thể lý, sắc tộc, xã hội và đạo đức. Dường như Chúa Giêsu đều có mối liên hệ với những người nằm trong cả bốn hạng người này.
Hạng người tội lỗi thứ nhất liên quan đến “vấn đề thể lý”, do quan niệm cho rằng những ai có vấn đề về mặt thể lý là hậu quả do tội đem lại. Bệnh tật được xem là hậu quả do tội đem lại, chứ không phải là một trạng thái tự nhiên. Khi Chúa Giêsu chữa một người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ hỏi Người phải chăng anh ta mù là do tội của anh ta hay là do tội của cha mẹ của anh ta (x. Ga 9:1-2). Thêm vào quan niệm về sự liên hệ giữa tội và bệnh tật, quan niệm chung của dân Palestine vào thời đó cho rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha tội, vì thế dù cho có bất cứ phép lạ nào xảy ra đi nữa thì người ta cũng phải dâng của lễ đền tội cùng với việc chịu thanh tẩy trong đền thờ. Chúa Giêsu quả quyết Người có quyền tha tội, như trong câu chuyện người bại liệt được thả xuống từ lỗ mái nhà (x. Mc 2:3-12). Việc Ngài tha tội được xem như là một hành động phạm thượng mà khiến cho những người thời bấy giờ cảm thấy chướng mắt hay bị xúc phạm.
Hạng người tội lỗi thứ hai liên quan đến sắc tộc. Dân ngoại được xem là những người tội lỗi bởi vì họ không giữ Luật theo truyền thống Do Thái. Những người Samaria và dân ngoại sống ở Palestine thuộc nhóm người tội lỗi này. Việc tuân giữ Luật Môsê giúp họ thoát khỏi tội ấy. Căn cứ vào sắc tộc, dân ngoại không được phép bước vào đền thờ ở Giêrusalem và họ phải tôn trọng nơi thánh, nếu họ làm ô uế nơi thánh họ sẽ phải chịu hình phạt bị ném đá.
Hạng người tội lỗi thứ ba được xác định dựa vào địa vị xã hội. Hạng người này muốn ám chỉ đến những người thu thuế, là những người có trách nhiệm thu các khoản thuế mà người ta nợ các thế lực cai trị (hoàng đế). Không giống như những người cho vay, những người thu thuế kiếm sống bằng cách moi thêm nhiều tiền hơn so với số nợ và cất riêng cho mình. Trong số các môn đệ của Chúa Giêsu, Người chọn Lêvi (con ông Anphê), kẻ mà Chúa Giêsu kêu gọi đi theo Người khi ông đang làm việc tại trạm thu thuế (x. Mc 2:14). Liên quan đến việc cứu chữa hạng người tội lỗi này, Chúa Giêsu kể dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế trong đền thờ (Lc 18:9-14). Dụ ngôn này sẽ được bàn đến ở chương sau.
Hạng người tội lỗi cuối cùng liên quan đến vấn đề đạo đức, và bao gồm  những người cho vay nặng lãi và gái điếm. Người ta cho rằng người phụ nữ rửa chân Chúa Giêsu tại nhà ông Simon thuộc hạng những người tội lỗi này. Một ví dụ khác là người phụ nữ Samaria, người mà Chúa Giêsu dừng chân và nói chuyện tại giếng của ông Giacop; người phụ nữ này đã trải qua năm đời chồng và đang sống với một người không phải là chồng bà (x. Ga 4:7-30).
Chúa Giêsu ý thức Người được sai đến là để chữa lành những thương tích của tất cả những người tội lỗi, không trừ một ai. Vì nhân loại nên Người đã đi vào thế gian và sống giữa thế gian, tuy nhiên, nhân loại lại xếp Người vào hạng những người tội lỗi (x. Ga 9:24). Nhưng các phép lạ do Người thực hiện chứng tỏ rằng những lời kết án ấy là sai lầm vì một người tội lỗi làm sao có thể làm được nhiều phép lạ như thế được. Các dụ ngôn giúp lý giải lý do tại sao Người đến với những người tội lỗi.
2.      Người chăn chiên và con chiên được cứu
Chúa Giêsu không phải là người đầu tiên nói về mối tương quan giữa người chăn chiên và chiên, và Người sử dụng nó như một lối nói ẩn dụ. Ngôn sứ Ezekiel đã từng kể một dụ ngôn nhằm phản đối các mục tử nhà Israel, mà có thể khiến chúng ta liên tưởng đến dụ ngôn của Chúa Giêsu: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ez 34:15-16).
Tuy nhiên, dụ ngôn của Chúa Giêsu rất là nghịch lý! Chúng ta xem dụ ngôn một người chăn chiên có 100 con chiên mà bị mất một con. Người chăn chiên bỏ lại 99 con chiên trong sa mạc và đi tìm con chiên đã bị lạc mất. Khi anh ta tìm thấy nó, anh ta đặt nó lên vai, vác về nhà, mời các bạn hữu đến, và bảo họ cùng chung hưởng niềm vui mừng với anh ta. Sự nghịch lý nằm ở đây là tại sao người chăn chiên lại có một lựa chọn như thế. Không ai thực sự có thể để lại 99 con chiên ở trong sa mạc để đi tìm con chiên bị lạc mất bởi vì anh ta có nguy cơ đánh mất luôn 99 con chiên còn lại ở trong sa mạc mà không có một đảm bảo chắc chắn nào để tìm thấy con chiên bị lạc mất.
Cách hành xử ngược đời của người chăn chiên phản ảnh cách hành xử của Chúa Giêsu: những ai nghĩ hoặc cho rằng mình không có tội thì cũng giống như 99 con chiên bị bỏ lại mà không có người chăn dắt. Có lẽ 99 con chiên bị bỏ lại ở trong sa mạc cũng như con chiên bị lạc mất có nguy cơ gặp nguy hiểm, nhưng có một sự khác biệt đáng kể ở đây là con chiên bị lạc mất thì cần được cứu trong khi đó người ta nghĩ rằng những con chiên còn lại thì an toàn.
Niềm vui cuối dụ ngôn rất gần gũi với cuộc sống thực tế. Tìm thấy con chiên bị lạc mất là niềm vui của người chăn chiên… và của Thiên Chúa, Đấng vui mừng hơn ai hết vì một người tội lỗi hoán cải ăn năn hơn là vì 99 người công chính không cần ăn năn sám hối hoặc họ tự lừa dối chính mình rằng họ không cần phải ăn năn sám hối. Cách thức mà Chúa Giêsu quan niệm về sự hoán cải là kiểu khiêu khích ý nghĩ (thought-provoking): hoán cải không phải là hoa trái của những ai sám hối ăn năn, nhưng là hoa trái đến từ tác động ân sủng của Thiên Chúa, Đấng tìm kiếm kẻ bị lạc mất. Hoán cải luôn luôn là tác động của ân sủng được trao ban bởi Đấng vác con chiên lạc trên vai và đưa về nhà. Vì hoán cải bắt nguồn từ ân sủng, nên nó cần phải được sẻ chia. Các Pharisêu và Kinh sư có quyền lựa chọn. Họ có thể thông dự niềm vui hoán cải được trao ban cho những người thu thuế và những kẻ tội lỗi, hoặc họ có thể từ chối. Khi tưởng rằng mình đang an toàn, nhưng thực ra mình giống như đàn chiên đang gặp nguy hiểm bởi vì chúng không có người chăn dắt.
Con người là yếu tố quan trọng làm nên sự hoán cải thật sự, đặc biệt vì con người không đơn sơ dễ bảo như con chiên. Tuy nhiên, dụ ngôn không có ý trình bày bài học đạo đức đằng sau chuyện liên quan tới hoặc 99 con chiên hoặc con chiên được cứu. Nói cách khác, con người không cần phải bị lạc mất để được tìm thấy và cũng không bị bỏ lại trong sa mạc, có nghĩa là con người sẽ không phải được Thiên Chúa tìm kiếm. Tất cả mọi hành động hệ tại ở phận vụ của người chăn chiên, chứ không phải là con chiên. Dụ ngôn đồng bạc được trình bày ngay sau đó nhằm làm sáng tỏ tác động ân sủng của Thiên Chúa đối với sự hoán cải.
3.      Người phụ nữ và đồng bạc được tìm thấy
Người phụ nữ, kẻ đánh mất một đồng bạc đã làm mọi cách có thể để tìm cho bằng được. Hành động của bà ta giống với hành động của người chăn chiên bỏ 99 con chiên lại trong sa mạc để đi tìm cho kỳ được con chiên bị lạc mất. Hành động ấy khiến cho chúng ta khó mà tưởng tượng được đó là một hành động hợp lý. Khi đồng bạc được tìm thấy, người phụ nữ mời gọi các bạn hữu và những người hàng xóm đến chung vui với bà bởi vì bà ta đã tìm thấy đồng bạc đã bị mất. Kết thúc dụ ngôn rất giống với dụ ngôn nói về con chiên bị lạc mất: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối. Khi mới đọc hai dụ ngôn trên, chúng ta có cảm tưởng dường như nội dung của hai dụ ngôi rất giống nhau. Một trăm con chiên tương ứng với mười đồng bạc và con chiên bị lạc mất rất giống với đồng bạc bị mất. Nhưng điểm đáng chú ý trong dụ ngôn này thực sự nhắm vào sự tậm tụy nhiệt tâm của người phụ nữ đã ra sức tìm kiếm đồng bạc bị mất, mà giá trị của đồng bạc lại kém giá trị hơn con chiên. Vào thời Chúa Giêsu, một đồng bạc có giá khoảng một quan tiền, tương đương với một ngày tiền công.
Mặc dù giá trị của đồng bạc rất nhỏ, nhưng người phụ nữ đã toàn tâm toàn lực ra sức tìm nó cho bằng được. Dụ ngôn không đề cập hoàn cảnh xã hội của người phụ nữ cách cụ thể, nhưng trong trường hợp này sự nghèo túng có thể là lý do để giải thích tại sao bà ta lại ra sức tìm kiếm đồng bạc bị mất. Trọng tâm của dụ ngôn cốt ở việc người phụ nữ tìm kiếm đồng bạc bị đánh mất cách tỉ mỉ và chia sẻ niềm vui khi tìm thấy nó. Điều thực sự làm cho đồng bạc có giá trị đó là sự tận tâm hiến dâng và niềm vui của bà ta, chứ không phải hệ tại ở giá trị thấp bé của đồng bạc.
Một đồng bạc vô tri vô giác mà lại có thể cho thấy rằng hoán cải không được xem như là hành động đáp trả của con người, nhưng là hành động ân sủng từ nơi Thiên Chúa. Dụ ngôn về lòng thương xót này không nối kết đồng bạc bị mất với những đồng bạc khác, không giống như con chiên bị lạc mất mà lại có sự liên đới với 99 con chiên kia. Người phụ nữ một mình ra sức tìm kiếm đồng bạc bởi vì nó có giá trị đối với bà ta, chứ không bởi vì nó có giá trị như những đồng bạc khác. Nếu chỉ có một người tội lỗi, thì người ấy đáng để được quan tâm tìm kiếm, tìm cho kỳ được và ăn mừng.
4.      Chúa Giêsu và Cộng đoàn với dung mạo người mục tử
Về mối tương quan giữa người chăn chiên và con chiên, chúng ta có thể tìm thấy những khía mới mẻ của mối tương quan ấy nơi Tin mừng Gioan và Mattheo. Trong Gioan 10:1-16, Chúa Giêsu ví Người như là mục tử tốt lành. Ngài là mục tử tốt lành vì Người biết chiên của Người, gọi tên từng con một và hiến dâng mạng sống Người vì đàn chiên. Cách thức người chăn chiên (mục tử) chăm sóc đàn chiên không giống  những kẻ chăn thuê hay kẻ trộm. Trong khi kẻ chăn thuê chỉ quan tâm đến lợi ích cho riêng mình, thì người chăn chiên lại hy sinh tất cả vì đàn chiên mà không so đo tính toán thời gian và tiền bạc hầu để cho chúng nhận biết mình. Và người chăn chiên sống và dám hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên trong khi kẻ trộm lại làm hại đàn chiên.
Điều phân biệt giữa kẻ chăn thuê và kẻ trộm với người chăn chiên cốt ở việc dám đối diện trước những hiểm nguy. Khi kẻ chăn thuê thấy sói đến, anh ta liền bỏ chiên lại và chạy trốn bởi vì anh ta không bận tâm đến an nguy của chúng. Người chăn chiên đích thật không chỉ chu toàn công việc của mình mà còn dám đối diện trước những thử thách và hiểm nguy – chẳng hạn, khi anh ta cần đưa ra quyết định để chọn lựa bỏ chạy hầu có được sự an toàn cho bản thân hoặc ở lại và mất mạng vì đàn chiên. Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì Người đã hiến thân mình cho đến chết. Sự tốt lành không hệ tại ở cách thức chăm sóc đàn chiên, nhưng hệ tại ở việc Người dám ở lại với đàn chiên trong mọi hoàn cảnh và mọi nguy hiểm.
Trong bài giảng về người mục tử tốt lành, Chúa Giêsu là người duy nhất dám trao hiến chính mình cho đến giọt máu cuối cùng, nhưng Chúa Giêsu của Tin mừng Mattheo lại thêm một chiều kích mới vào mối tương quan giữa người chăn chiên và đàn chiên. Dụ ngôn trong Tin mừng Mattheo 18:12-14 và dụ ngôn trong Tin mừng Luca 15:3-7 được trình bày giống nhau, nhưng bối cảnh lại khác nhau vì nó được trình bày trong bài giảng về Giáo Hội. Phần đầu tiên của bài giảng về Giáo Hội được mở đầu với việc quan tâm “những kẻ bé mọn” mà cộng đoàn Kitô giáo cần phải tiếp đón, và kết thúc với dụ ngôn về người mục tử tốt lành. Bối cảnh khác biệt ở đây đã làm nổi bật điểm chính yếu của dụ ngôn: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14). Về phần Giáo Hội, Giáo Hội có liên quan đến dụ ngôn này vì Giáo Hội được Thiên Chúa trao phó sứ mệnh thực thi ý muốn của Người là không để bất cứ kẻ bé mọn nào phải lạc mất.
Giáo Hội phải nên giống như Cha nhân lành trên trời để hành động như một người mẹ ra đi tìm kiếm con chiên bị lạc mất: Giáo Hội không những không bỏ quên 99 con chiên trên núi mà còn vui mừng vì con chiên lạc đã được tìm lại được. Thật dễ dàng để hiểu làm thế nào mà dụ ngôn người chăn chiên tốt lành lại có liên quan đến Giáo Hội và các mục tử của Giáo Hội. Những kẻ bé mọn không thể tìm thấy chỗ đứng nào trong xã hội, đã có được quyền công dân hay địa vị trong cộng đồng Kitô hữu. Họ không chỉ được tiếp đón nhưng còn được tìm cho kỳ được, thậm chí khi có nguy cơ không tìm thấy họ. Chúa Giêsu muốn nói đến một sự tương phản giữa một Giáo Hội chỉ biết quan tâm đến luân thường đạo lý hoặc hiệu quả của nó với một Giáo Hội biết đặt những kẻ bé mọn lên vị trí ưu tiên. Nếu Giáo Hội hiện diện bất cứ khi nào có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Chúa Giêsu, thì dung mạo của Chúa Kitô trong Giáo Hội chính là dung mạo của những kẻ bé mọn này.
Alessandro Manzoni đã sáng suốt khi viết lại dụ ngôn con chiên được cứu khi ông kể về những lần gặp gỡ của nhân vật vô danh với Lucy và hồng y Frederick Borromeo. Ở đây chúng ta không nên chú tâm vào các chương 21 và 23 của tác phẩm The Betrothed[2], nhưng chúng ta nên lưu tâm đến cái hay của câu chuyện. Chúng ta hãy nói đến các chương tập trung vào điều mà Lucy nói khi cô gặp người đàn ông vô danh: “Thiên Chúa ân xá rất nhiều việc làm cho một hành động của lòng thương xót!”[3]. Lời phát biểu của cô đã khiến cho người đàn ông vô danh từ bỏ ý định tự tử sau khi trải qua suốt một đêm dằn vặt đau khổ, và ngày hôm sau anh ta gặp hồng y Borromeo. Vị Hồng y nhận ra lỗi của mình và tự trách mình vì đã không đủ quan tâm đến người đàn ông vô danh và chờ anh ta đến thăm. Và đây là bản thuật lại của Manzoni về dụ ngôn dựa theo lời của hồng y: “Chúng ta sẽ bỏ lại 99 con chiên… Chúng an toàn trên núi. Bây giờ tôi phải ở với con chiên bị lạc mất. Những người này [đang đợi các giám mục] bấy giờ có lẽ hài lòng hơn nhiều nếu họ có các giám mục nghèo ở với họ; có lẽ Thiên Chúa, Đấng đã viếng thăm anh em và ban cho anh em những kỳ công và ân sủng của Người, bấy giờ có thể khiên lòng họ vô cùng vui mừng, mà họ không rõ nguyên nhân”.[4]

 
 
CHƯƠNG V
LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ CÙNG
Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:11-32)

Với tất cả lòng ưu ái dành cho hai dụ ngôn đầu về lòng thương xót, một con người thì khác với một con chiên và thậm chí còn khác xa đối với một đồng bạc! Ý thức về sự khác biệt to lớn ấy, bấy giờ Chúa Giêsu đã đưa vào một câu chuyện như một tác phẩm nghệ thuật. Đây là một dụ ngôn rất tuyệt vời nếu chúng ta thay đổi tiêu đề của nó: không nên gọi là “Người con hoang đàng” [the prodigal son] hay “Người cha tốt lành” [the good father], nhưng nên gọi là “Người cha có lòng thương xót hay có lòng trắc ẩn” [the merciful or compassionate father]. Chúng ta hãy đọc lại dụ ngôn này để thấu hiểu ý nghĩa thâm thúy và quí giá của nó:
11 Rồi Đức Giêsu nói tiếp: "Một người kia có hai con trai.12 Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.”21 Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.29 Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!
31 "Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."
1.      Vượt quá luật thưởng – phạt công bằng
Dụ ngôn Người cha nhân hậu là một nút thắt phức tạp mà người ta chỉ có thể tháo gỡ nó bằng cách lựa chọn một trong những sợi dây khác nhau trong câu chuyện này. Chúng ta hãy chọn cái gì được xem là sợi dây quan trọng nhất nằm phía dưới dụ ngôn: chấp nhận luật thưởng phạt thích đáng.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã cho thấy chủ đề chấp nhận khen thưởng công bằng là một phần thuộc các quyền căn bản nhất của con người. Một người có hai người con; một trong hai người con yêu cầu về số tài sản mà anh ta được hưởng và người cha đã chia tài sản của mình cho anh. Vào thời Chúa Giêsu, luật Do Thái công nhận rằng người con cả có thể thừa hưởng 2/3 số tài sản trong khi người con thứ có thể nhận 1/3 số tài sản (Đnl 21:17). Người cha chia cho người con thứ số tài sản mà anh yêu cầu mà chẳng có sự phản đối nào. Trong khi người con thứ trẩy đi phương xa, sống phóng đãng và phung phí hết tài sản của mình thì phần tài sản khác vẫn còn đó và được người con cả quản lý. Theo lẽ công bằng, nếu và khi người con thứ trở về nhà thì anh ta chẳng có quyền gì để đòi hỏi nơi người cha và người anh của mình. Bất cứ việc làm sai trái nghiêm trọng nào do người con thứ gây ra hầu như có thể được tha thứ, nhưng không thể bỏ qua! Nếu người cha có thể bỏ qua sự lầm đường lạc lối đáng tiếc của người con thứ, thì người anh cả sẽ luôn ghi nhớ mãi về những điều ấy. Vì thế mà luật thưởng – phạt có lẽ nên tôn trọng: phần thưởng hậu hĩnh dành cho những ai có công, và những ai có tội thì không xứng đáng lãnh phần thưởng [hoặc thậm chí phải lãnh án phạt].
Quả thật, ngay từ đầu đến cuối, dụ ngôn đã vi phạm đến luật thưởng – phạt công minh. Điều ấy cho thấy tình yêu vô bờ bến của người cha. Người cha không ở trong nhà khi đợi hai người con. Ông không xác minh người con thứ có thật sự ăn năn sám hối hay không và cũng không hỏi anh ta đã tiêu xài hết số tài sản của anh ở đâu và như thế nào. Thay vào đó ông lại tổ chức yến tiệc, nhạy múa linh đình. Người cha ứng xử như thế nào đối với người con cả thật khó mà tưởng tượng được: ông không đợi người con cả về nhà sau một ngày làm việc vất vả ở ngoài đồng thay cho gia đình; ông cũng không hỏi anh ta sẽ cư xử với người em như thế nào. Dụ ngôn này mạc khải về dung con người của Thiên Chúa, nhất là mô tả dung mạo ấy như là một con người tuyệt đối, không tỳ vết; bản tính con người của Thiên Chúa luôn dồi dào và vượt xa hơn thế nữa.
Ngược với người cha đã động lòng trắc ẩn mà vi phạm luật thưởng công bằng, hai người con không hiểu tính hợp lý của việc trao ban để lãnh nhận. Người con thứ đã lãnh nhận phần gia tài thuộc về mình, sống phóng đãng và quyết định trở về nhà khi anh ta lâm vào cảnh túng thiếu bần cùng. Ban đầu người con thứ trở về với cha anh không phải bởi vì anh ta ăn năn sám hối, nhưng là bởi vì anh ta không còn cách nào khác. Trong hoàn cảnh như thế, cách tốt nhất mà anh có thể tưởng tượng đó là anh ta có thể được đối xử như một trong những người làm công trong nhà cha anh. Điều thúc dục anh ta trở về nhà là vì đói, chứ không phải là vì hối hận.
Cũng vậy, người con cả suy nghĩ giống như kiểu người khác nghĩ là họ đáng có được những gì thuộc về họ. Anh ta đã phục vụ cha anh bao nhiêu năm trời, anh ta chưa bao giờ làm trái ý cha anh, và anh luôn ao ước để, ít nhất, có một con dê để ăn mừng với các bạn bè. Khi thấy lòng từ bi của cha, người con trai cả đã kết án ông vì đã vi phạm luật thưởng phạt công bằng. Anh đã không xem người em như là người con cùng một cha của mình, nhưng lại phân định rõ ràng “thằng con của cha đó” (Lc 15:30). Khi thấy người cha không công minh trong việc thưởng – phạt, người con cả đã khép mình lại mà không xem người cha như là cha của anh và người em như là em của anh.
Một số nhà chú giải ghi nhận trong dụ ngôn có sự vắng bóng hình dáng của người mẹ. Tuy nhiên, vì câu chuyện liên quan đến việc phân chia tài sản gia đình nên người cha, chứ không phải người mẹ có những quyền và nghĩa vụ ấy. Trong thư gửi giáo đoàn Galaat, thánh Phaolô khẳng định rằng tài sản thừa kế của các con được để lại cho người cha quyền để phân chia khi nào và như thế nào ông ta muốn (Gl 4:1-2). Chúng ta hãy tìm hiểu kỷ hơn lòng thương xót vô biên của người cha trong mối liên hệ với những người con.
2.      Người cha rời khỏi nhà hai lần
Trong vô số những xung đột khác nhau có thể xảy ra trong gia đình, thật là khó, nếu không thể, trong một vài vùng văn hóa, mà tưởng tượng được việc người cha rời bỏ vị trí của mình để đến với người con  cố tình bỏ nhà đi mà không để lại bất cứ tin tức gì. Thật là không thích hợp để gọi dụ ngôn này với cái tên dụ ngôn người con hoang đàng, bởi vì người giữ vai trò chủ đạo trong dụ ngôn chính là người cha, trong tương quan với hai người con, đã phá vỡ những chuẩn mực pháp lý liên quan đến luật thưởng phạt công bằng.
Ngay từ đầu dụ ngôn, người cha đã đáp ứng cho những yêu cầu của người con thứ. Người con thứ không đưa ra bất cứ lời giải thích nào cho việc tại sao anh ta lại muốn cha anh chia tài sản cho anh. Phải chăng chính bởi vì anh ta gây gỗ với người anh cả? Hoặc bởi vì anh ta không muốn sống chung với cha anh? Hoặc bởi vì anh muốn có một cuộc sống tự lập? Bất cứ động cơ nào của anh ta đều không được đề cập đến vì người kể chỉ quan tâm đến việc người con hối hả rời khỏi nhà cha mình hơn là lý do tại sao anh ta muốn bỏ đi.
Sau khi mô tả về đời sống chơi bời phóng đãng của người con thứ, người kể hướng đến người cha, kẻ đã hành động một cách lạ lùng khó hiểu. Ông thấy con mình ở đàng xa, muốn nói rằng ông đã đợi con kể từ lúc người con rời khỏi nhà; ông chạnh lòng thương; chạy đến gặp con; và ôm chằm lấy con và hôn con (Lc 15:20). Những hành động ấy của người cha đã khiến cho người con không có cơ hội nói lên những điều anh đã chuẩn bị trước đó để bày tỏ khi gặp cha anh. Người cha đã không cho anh cơ hội nói lên ước nguyện của anh là để được đối xử như một người làm công và cha anh đã bảo các đầy tớ đem áo đẹp nhất mặc cho anh, xỏ nhẫn vào ngón tay và xỏ dép vào chân anh, và giết con bê béo mở tiệc ăn mừng. Trong số tất cả những điều mà người cha đã làm cho người con thứ muốn nhấn mạnh đến điều chính yếu của dụ ngôn trong một câu ngắn gọn “ông đã có lòng thương xót” (Lc 15:20).
Người cha yêu thương người con hư hỏng với tình yêu sâu thẳm nhất của một con người, tình yêu xuất phát từ trong thâm sâu của cõi lòng. Chúng ta cũng thấy tình yêu ấy nơi dụ ngôn người Samaria nhân hậu: “anh chạnh lòng thương” (Lc 10:33). Lòng thương xót của người Samaria dành cho người đàn ông dỡ sống dỡ chết không khác gì với lòng thương xót của người cha dành cho đứa con hư hỏng bỏ nhà đi. Nếu không có lòng thương xót, có thể người cha đã không chạy đến gặp người con, ôm chằm lấy anh ta và phục hồi lại phẩm giá của anh. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói về điều ấy trong thông điệp Dives in Misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót): “lòng trung tín của người cha đối với chính mình hoàn toàn được tập trung vào nhân tính của người con hư hỏng, vào phẩm giá của anh ta” (số 6). Lòng thương xót của người cha là điểm chính yếu của dụ ngôn, chứ không phải là đức hạnh của ông. Các đức hạnh của ông là những đức tính tốt lành, nhưng lòng thương xót là một khuynh hướng in hằn trong sâu thẳm tâm hồn con người và nó được biểu lộ cách rõ ràng trong hành động đối với người thân cận.
Thử thách lớn nhất đối với một người cha cũng đã đến. Nó xảy ra khi người con cả bộc lộ thái độ và suy nghĩ của anh. Việc anh ta từ chối không vào nhà là một bi kịch; sự giận dữ đã khiến anh dừng lại, không bước vào cổng, nơi mà thường ngày anh vẫn đi ra đi vào. Thế nên, người cha quyết định rời khỏi nhà một lần nữa để cầu xin anh ta. Lần này cái giá mà ông phải trả cho người con cả cao hơn cái giá của người con thứ vì người cha phải chịu người con cả trách mắng khiến ông tan nát cõi lòng. Người con cả trách ông keo kiệt không cho anh một con dê để ăn mừng với bạn bè. Người cha dường như thất bại trong vai trò làm cha khi ông không ban thưởng cho người con cả luôn trung tín với mình, nhưng lại ban thưởng cho người con thứ đã phung phí hết tài sản vào những việc ăn chơi đàn điếm. Sự giận dữ khiến cho người con cả bóp méo sự thật mà anh đã nhận biết ngay từ đầu: người cha không phản đối việc người con thứ đòi chia tài sản và phần tài sản chính yếu của gia đình vẫn thuộc về người con cả.
Lòng thương xót của người cha là vô bờ bến. Ông có thể nói rằng ông phải chịu trách nhiệm bao lâu người con còn sống trong nhà ông. Theo luật thừa kế, ông có thể làm bất cứ điều gì ông muốn với số tài sản này vì ông vẫn còn sống. Thay vào đó, người cha đi ra gặp người con cả và mời gọi anh ta suy nghĩ lại về những mối quan hệ của anh. Mặc dù người con cả chưa bao giờ gọi ông là “cha”, nhưng ông vẫn gọi anh là “con” (teknon), một từ diễn tả mối tương quan thân thiết. Người cha luôn ý thức rằng số tài sản còn lại vẫn thuộc về người con cả, nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề mà ông bận tâm đó là làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của người con cả khi nói với ông “thằng con của cha đó” thành “em con đây” (Lc 15:32). Sự hoán cải sâu xa nhất mà người cha đang mong đợi không phải ở người con thứ đã trở về nhà (vì sợ đói chết), nhưng là sự hoán cải của người con cả, kẻ không thể đón nhận cha và em mình.
Khi chúng ta nghĩ và nói về một “Giáo Hội đi ra”, trước tiên chúng ta nên học nơi “người cha, kẻ đi ra” trong dụ ngôn này. Vì lòng thương xót vô bờ bến của người cha dành cho hai người con, ông đã không ở trong nhà mà đợi họ. Nhưng ông đã chạy ra gặp người con thứ và đi đến với người con cả mà lấp đầy cả hai với lòng thương xót của mình.
3.      Người con đã chết mà nay lại sống
Bi kịch của người con thứ đó là anh ta ngày càng xa cách với cha anh thì anh ta càng ngày càng trở nên sa đọa hơn. Sau khi nhận phần tài sản của mình, người con thứ trẩy đi phương xa, phung phú hết tài sản trong những việc chơi bời đàn điếm. Khi gặp nạn đói và anh ta phải đi chăn heo ở nơi xa ấy, nghĩa là anh ta đã đi ra khỏi biên giới của đất thánh nơi người ta không được phép chăn nuôi heo bởi vì chúng là những con vật không thanh sạch. Vì thế, chăn heo là một nỗi nhục nhã đối với người con thứ - đến độ anh ta không được ai cho đậu muồng dành cho heo để ăn. Khi thánh Augustino de Hippo đánh giá về cuộc sống của ngài trước khi hoán cải, ngài đã lập đi lập lại tình huống của người con thứ: “vào lúc con còn trẻ, con đã lạc mất Ngài, và con đã lầm đường lạc lối, lạy Chúa con. Con đã trở thành mảnh đất đầy gai góc và khốn cùng cho chính con” (Confession, 2,10,18).
Hoàn cảnh thiếu thốn cùng cực đã khiến cho người con thứ ý thức và suy nghĩ về tình cảnh mà anh đang phải chịu. Anh nghĩ về những người đầy tớ trong nhà cha anh: trong khi anh không được ai cho đầu muồng dành cho heo để ăn, thì những người đầy tớ của cha anh lại được cơm dư gạo thừa. Vì thế, anh quyết định trở về nhà và xin cha anh đối xử với anh như một trong những người làm công để khỏi đói chết. Người con thứ cũng nhận thức mình có tội với trời và với cha anh, vì thế anh chỉ mong ước cha đối xử với anh như một người làm công. Điều thôi thúc anh ta trở về trước hết là để có miếng ăn (trước khi anh ăn năn sám hối); và vì anh không còn cách nào khác hơn, nên anh bắt đầu đi về nhà.
Người con thứ cảm thấy vô cùng lúng túng khi anh dối diện với người cha, người đã chạy ra gặp anh, ôm chặt anh, và hôn anh. Lòng thương xót của người cha thật là vô cùng. Ông không những có thể thỏa mãn cơn đói mà còn hồi phục lại phẩm giá đã mất của anh. Quá vui mừng, chẳng cần một lời giải  thích hoặc so đo tính toán, người cha đã mặc cho anh áo đẹp nhất, xỏ nhẫn vào ngón tay và xỏ dép vào chân anh. Trước khi gặp lại cha anh, người con này giống như một kẻ ăn mày; anh chẳng còn phẩm giá của một người con, nhưng anh phải chịu nhục nhã của một kẻ chăn những con vật ô uế và không được ai cho ăn thức ăn của chúng.
Tiếng nhạc và nhạy múa trong nhà người cha muốn cho thấy rằng người cha đã đón tiếp người con của ông trở về lại với gia đình; anh đã chết và nay lại sống; anh đã mất mà nay lại được tìm thấy. Điều đem lại sự sống cho người con thứ đã chết không hệ tại ở việc anh sám hối ăn năn, nhưng cốt ở lòng thương xót vô cùng của người cha, lòng thương xót dành cho người con, một thụ tạo mới và bắt đầu một đời sống mới. Lòng thương xót của người cha vượt cao hơn những cảm tính của con người; lòng thương xót đã trở thành tình yêu say mê có khả năng tái sinh đời sống mới nơi thế giới sự chết.
4.      Em của con đây (Lc 15:32)
Đây chỉ là một trường hợp, nhưng trong Kinh Thánh những người con cả không luôn luôn có một số phận tốt đẹp trong cuộc sống. Mặc dù họ được định trước là những người con của lời hứa hay của quyền thừa kế, nhưng họ thường trải qua những bất hạnh của con người bị tước đoạt những quyền tự nhiên nhất của họ. Chúng ta đều biết về những trường hợp của Cain và Aben, Esau và Giacop, các con của Giacop và Giuse, cho tới các con của Giêsê và vua David. Điều nghịch lý nhất trong lịch sử cứu độ đó là luật của Thiên Chúa dành ưu tiên cho những người con đầu lòng lại bị chính Thiên Chúa phá vỡ và vì một lý do rất quan trọng. Khi nói đến phần thưởng của Thiên Chúa hay quyền thừa kế, mọi thứ phải dựa vào ân sủng và không dựa vào các quyền pháp lý. Trong dụ ngôn này, người cha giàu lòng thương xót luôn ý thức rằng tài sản kế thừa của cha là của người con cả, nhưng ông đòi hỏi người con phải thay đổi lối suy nghĩ của mình.
Phần thứ hai của câu chuyện lại trở thành “một dụ ngôn trong dụ ngôn” và người con cả là nhân vật chính của câu chuyện. Trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả ở ngoài đồng thay cho cha mình, anh nghe tiếng đàn ca nhạy múa, vì thế anh hỏi người đầy tớ chuyện gì đang xảy ra. Người đầy tớ chắc chắn đã “châm dầu vào lửa” bởi vì người đầy tớ nói với anh, với giọng mỉa mai, rằng người em đã trở về và người cha đã  giết con bê béo để ăn mừng.
Sự giận dữ đã khiến người con cả không thể kiềm chế được chính mình. Anh quyết định không vào nhà, và khi cha anh ra ngoài cầu xin anh, anh lại trách mắng mọi người. Anh trách cha mình là một người keo kiệt bủn xỉn bởi vì cha anh đã không cho anh một con dê để ăn mừng với chúng bạn, và kết án người em là một người hư hỏng vì đã tiêu xài phung phí hết phần tài sản của anh vào những việc ăn chơi đàn điếm. Điểm chính của “dụ ngôn trong dụ ngôn này” chúng ta có thể nhận thấy ở động từ “nổi giận” (Lc 15:28). Động tự “nổi giận” cho thấy một sự trái ngược hoàn toàn với cụm từ ở trong phần trước. Trong khi người cha “chạnh lòng thương” (Lc 15:20) và lòng mình rung lên vì người con hư hòng, thì người con cả lại nổi giận với cha mình. Sự giận dữ đã làm mờ mắt anh và khiến anh không thể thấy được những điều tốt đẹp: em của anh vẫn khỏe mạnh, đã chết mà nay vẫn còn sống, đã mất mà nay lại tìm thấy được. Anh chẳng thấy gì cả, ngoại trừ tội lỗi của người em, và anh cũng không nhận ra những điều tốt đẹp mà cha anh luôn dành cho anh. Những việc làm sai trái của người em, người cha đã không so đo tính toán hay nhắc đến thì người anh lại khơi gợi lên và trách cứ. Chính người anh đã cho chúng ta biết người em đã phung phí phần tài sản của mình vào những việc ăn chơi đàn điếm.  Người con cả ở đây dường như là tác giả của sách Huấn Ca, kẻ dạy rằng “Đừng trao thân cho đĩ điếm, kẻo con phải khuynh gia bại sản” (Hc 9:6).
Dụ ngôn không đưa ra một cái kết hoặc hạnh phúc hoặc bất hạnh nào liên quan đến lựa chọn cuối cùng của người con cả. Người cha có thuyết phục được người con cả vào nhà không? Người con cả có quyết định yêu cầu cha chia cho anh phần tài sản và rời khỏi nhà cha anh chăng? Anh ta có gặp em mình với vẻ đố kỵ không? Dụ ngôn người cha có lòng thương xót là một dụ ngôn mở và để lại phần kết cho các thính giả quyết định tùy theo quan điểm của mỗi người. Phải chăng các thính giả sẽ thiết lập các mối tương quan theo các chuẩn mực pháp lý và công bằng trong luật thưởng phạt? Hay họ sẽ xét xử theo lượng từ bi ân sủng và lòng thương xót chăng? Nếu họ chọn là ân sủng và lòng thương xót, thì người ta không thể xem ông là người cha bạc bẽo nếu ông có lòng thương xót đối với người tội lỗi; các thính giả phải nên vui mừng khi một người tội lỗi đã chết mà nay đã sống lại.
Các dụ ngôn con chiên và đồng bạc bị lạc mất đều kết thúc với những cái kết có hậu trong khi dụ ngôn người cha có lòng thương xót thì người ta không biết được cái kết của nó như thế nào. Những ai đã lên án Chúa Giêsu vì Ngài đã tiếp đón những người thu thuế, tội lỗi và ăn uống với họ thì họ phải có trách nhiệm suy nghĩ lại về mối tương quan của mình với Thiên Chúa (đại diện là người cha) và với những người thân cận (đại diện là người con thứ).
5.      Các đầy tớ của lòng thương xót, chứ không phải quan án
Một tác phẩm nghệ thuật có thể được đánh giá dưới nhiều góc cạnh khác nhau, và mỗi lần chiêm ngắm thì người ta sẽ tìm ra được những ý nghĩa mới và độc đáo. Một vài nhà chú giải của dụ ngôn này quan tâm đến vai trò của các người đầy tớ cách tỉ mỉ hơn bởi vì họ cũng được xem là những nhân vật liên quan đến dụ ngôn. Tuy nhiên, có một sự đối lập đáng kể liên quan đến các đầy tớ trong hai phần của dụ ngôn. Một mặt, các đầy tớ nhiệt tình góp phần vào việc tổ chức tiệc mừng đoàn tụ của người cha và người con thứ; mặt khác một trong các đầy tớ lại truyền đạt cho người con cả các sự kiện liên quan đến người cha và người con thứ một cách tiêu cực.
Những đầy tớ góp phần tổ chức tiệc mừng đón người con thứ trở về đã thực hiện những gì người cha dặn: họ đem áo tốt nhất và mặc cho cậu; họ đeo nhẫn vào tay và xỏ dép vào chân cậu; họ giết con bê béo và tổ chức tiệc mừng. Những đầy tớ này cũng ý thức được những lý do tại sao người cha lại đối xử với người con thứ như thế: người con đã chết mà nay đã sống lại. Những đầy tớ đã tham dự vào hành động của lòng thương xót, và chẳng có ai phản đối hay cảm thấy khó chịu đến lòng từ bi nhân ái vô cùng của người cha. Họ có việc của họ. Họ mặc lên người con thứ chiếc áo phẩm giá đã mất của anh và tổ chức tiệc mừng. Thật là ý nghĩa khi người cha không mặc cho con chiếc áo phẩm giá ấy, nhưng lại mời gọi các đầy tớ cùng chia sẻ lòng thương xót của ông.
Trong phần thứ hai, người con cả hỏi một trong những đầy tớ và đầy tớ ấy nói: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ” (Lc15:27). Có một sự tương phản đáng lưu ý giữa các đầy tờ trong phần đầu và người đầy tớ trong phần thứ hai của dụ ngôn, kẻ đã làm giảm thiểu và biến lòng thương xót của chủ mình thành những hành động bất công đối với người con cả. Người đầy tớ này đã giảm thiểu một số thông tin. Người đầy tớ chỉ cho anh biết sự việc giết con bê béo và tình trạng khỏe mạnh của người em. Người đầy tớ không đề cập đến lòng thương xót của người cha dành cho con hoặc những công việc khác mà anh cộng tác vào, ngoài việc nói đến việc giết con bê béo. Anh ta cũng lập luận theo tính hợp lý của việc ban thưởng dựa trên sự xứng đáng phải có hơn là dự trên ân sủng. Người đầy tớ biết rõ rằng trong khi người cha giết con bê béo vì người con hư hỏng thì người cha lại không cho người con cả một con dê để ăn mừng với các bè bạn. Nói cách khác, người đầy tớ muốn nói với người con cả rằng: “hãy nhìn xem, cha cậu đã cho cậu những gì! Sự trung thành phục vụ của cậu không đáng lấy một con dê, trong khi sự hư hỏng của cậu em lại đáng lấy một con bê béo”. Con bê béo chính là nguyên nhân đã khiến cho người con cả phẫn nộ.
Với lòng thương xót vô bờ bến của người cha, ông vẫn luôn bên cạnh người người con cả, kẻ đã làm giảm thiểu lòng thương xót của cha bằng cách biến lòng thương xót ngang hàng với việc thưởng phạt. Trong tương quan của lòng thương xót mà người cha dành cho hai người con, các đầy tớ thể hiện những vai trò trái ngược nhau. Hoặc họ là những đầy tớ của lòng thương xót tham dự vào việc hồi phục lại phẩm giá đã mất của người con thứ và chia sẻ niềm vui với chủ mình; hoặc họ là những quan án xét đoán một cách bất công về lòng thương xót vô biên của người cha dành cho người con được tìm thấy.
6.      Từ các dụ ngôn đến đời sống thực: gặp gỡ Zakêu
Chúng ta không cần thiết phải chú giải ba dụ ngôn về lòng thương xót trên, thay vào đó là nên áp dụng chúng vào đời sống hiện tại của mỗi người chúng ta. Chúng rất ý nghĩa, thực tế và khiến cho người ta phải xem xét lại đời sống của mình dưới những góc nhìn mới. Thoạt nhìn dường như có một khoảng cách cần phải nối kết giữa Chúa Giêsu (Đấng tự hạ mình mà ăn uống với những kẻ tội lỗi) với ba nhân vật chính trong ba dụ ngôn. Người chăn chiên tốt lành, người phụ nữ và người cha giàu lòng thương xót rõ ràng muốn ám chỉ đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Làm sao có thể áp dụng hoàn toàn điều ấy cho Chúa Giêsu nếu duy chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội?
Cuộc gặp gỡ với Zakêu (Lc 19:1-10) đã thỏa lấp khoảng cách giữa cách hành động của Thiên Chúa và cách hành xử của Chúa Giêsu. Thế nên chúng ta hãy xem đều ấy sẽ được thực hiện như thế nào? Cuộc gặp gỡ được mô tả theo những tiến trình sau: Một đám đông tụ họp tại cổng thành Giêricô để chào đón Chúa Giêsu khi Ngài đang trên đường lên Giêrusalem. Zakêu là người giàu có vì ông làm nghề thu thuế, một nghề mà thời bấy giờ người ta cho là vô đạo đức. Bởi vì thân hình thấp bé nên ông không thể nhìn gặp Chúa Giêsu, thế nên ông đã leo lên một cây sung và Chúa Giêsu đã nhìn thấy ông và rồi đến thăm nhà ông. Người thu thuế đã vui mừng tiếp đón Chúa Giêsu, nhưng mọi người thì xầm xì lên án Chúa Giêsu “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ” (Lc 19:7). Zakêu công khai hứa sẽ dâng phân nửa tài sản cho người nghèo và đền gấp bốn cho những ai mà ông đã chiếm đoạt tài sản của họ.
Điểm chính yếu cốt hệ tại ở lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Này ông Zakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19:5). Động từ “phải” không ám chỉ đến điều mà Chúa Giêsu muốn nơi ông Zakêu, nhưng ám chỉ đến ý định của Thiên Chúa sẽ được thể hiện. Chúng ta có thể hiểu điều ấy theo cách này: “đó là điều mà Thiên Chúa phải thực hiện”. Mấu chốt kết nối giữa dụ ngôn người cha giàu lòng thương xót và Chúa Giêsu, Đấng dùng bữa với những kẻ tội lỗi được thể hiện qua động từ này. Lời tuyên bố của người cha trong dụ ngôn nói rằng “chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ…”  (Lc 15:32) vì người con hư hỏng đã quay về, bây giờ trở thành “tôi phải” trong lần gặp gỡ này với Zakêu.
Ý định của Thiên Chúa được thể hiện mỗi lần Chúa Giêsu nhận ra sự khẩn thiết của lòng thương xót đối với những kẻ tội lỗi. Chính ý định của Thiên Chúa mà ơn cứu độ đã đến với Zakêu. Ơn cứu độ như thế không thể trì hoàn, nhưng phải được thể hiện ngay bây giờ. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” tương đương với lời tuyên bố “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham” (Lc 19:9). Gặp được Chúa Giêsu là gặp được dung mạo của lòng thương xót Chúa, Đấng luôn luôn đến với người tội lỗi và ban phát ơn cứu độ - ơn cứu độ thể hiện ngay giây phút hiện tại của lần gặp gỡ. Chúa Giêsu đã ban ơn cứu độ cho người tội lỗi ngay lúc Ngài trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Khi tên trộm trên thập giá kêu cầu Chúa Giêsu hãy nhớ đến anh, và Chúa Giêsu đảm bảo với anh ta rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43).
Lòng thương xót của Chúa được thể hiện nơi cuộc đời của Chúa Giêsu có thể được gói gọn trong một câu: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu những gì đã mất” (Lc 19:10). Chúa Giêsu đã cứu con chiên bị lạc mất, đã tìm thấy đồng bạc bị đánh rơi, và đã “đi ra trước hoặc đi bước trước” để tìm những đứa con hư hỏng, lạc mất. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi cũng được thể hiện nơi con người nữa. Điều ấy đã được Fyodor Dostoevsky diễn cả một cách sâu sắc trong tác phẩm The Brothers Karamazou (Anh em nhà Karamazou ) qua câu nói của Zosima (đan sĩ người Nga): “anh em đừng sợ tội lỗi của con người. Hãy yêu thương một người kể cả tội của hắn, vì đó là hình bóng của tình yêu Thiên Chúa và là tình yêu cao quý nhất trên thế giới này”.[5]

 
 
CHƯƠNG VI
MẶT TRÁI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Ông Nhà Giàu và Anh Ăn Xin Lazarô (Lc 16:19-31)

Người ta dễ dàng nhận biết điều gì đó là quý giá khi điều ấy mất đi hoặc nếu điều ấy được thay thế bởi một điều trái ngược, tệ hại hơn. Và đôi khi chúng ta cần phải xem xét điều xấu để thấu hiểu và nhận biết điều tốt lành vì những điều tốt lành thường bị các điều xấu lấn át. Làm thế nào và khi nào chúng ta có thể đánh giá được lòng thương xót? Dựa vào đâu mà người ta có thể tín thác vào lòng thương xót của Chúa? Ba dụ ngôn trong chương 15 của Tin mừng Luca vẫn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, nhưng trong dụ ngôn này người ta phải đối diện trước những thách đố lớn: Người giàu nào có thể được cứu độ? Và họ được cứu độ như thế nào?
Trước khi kể dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã chỉ trích cách gây gắt những người Phariêu “những kẻ vốn ham tiền… và họ cười nhạo Người” (Lc 16:14). Chúa Giêsu bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Lc 16:15). Dụ ngôn tiếp theo nói về ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó phủ nhận giả định rằng nếu người ta được cao trọng trước mặt người đời bởi vì địa vị xã hội của họ, thì họ cũng được cao trọng trước mặt Thiên Chúa. Thế nhưng Thiên Chúa thì khác, Ngài phán xét con người dựa vào cõi lòng, chứ không dựa vào vẻ bề ngoài của họ.
19 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và thấy anh Lazarô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!25 Ông Abraham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.
27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lazarô đến nhà cha con,28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Abraham đáp: "Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Abraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông Abraham đáp: "Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."
1.      Điều trái ngược của lòng thương xót
Dụ ngôn ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó tương tự như hai dụ ngôn người Samaria nhân hậu và người cha giàu lòng thương xót. Tuy nhiên, dụ ngôn này phát họa nên một bức tranh khác hẳn với hai dụ ngôn trước. Tương tự, câu chuyện khởi đầu giống với hai dụ ngôn kia: “người kia hay có một ông…” (x. Lc 10:30; 15:11; 16:19). Cũng vậy, dụ ngôn này cũng có hai phần: (1) ông nhà giàu và Lazarô khi còn sống; và (2) ông nhà giàu, Abraham và Lazarô sau khi chết.
Trong phần thứ nhất, ông nhà giàu sống như một vị vua suốt ngày tổ chức yến tiệc linh đình. Cuộc sống của ông hoàn toàn trái ngược với đời sống của anh ăn xin Lazarô. Ông nhà giàu ăn mặc toàn là những đồ đắc giá. Màu tía của áo khoát ngoài, là một loại thuốc nhuộm được làm từ tuyến của một loài nhuyễn thể, và thuốc nhuộm đó được để dành và chỉ được dùng để làm y phục cho các vua chúa và những người thuộc dòng dõi quý tộc. (Trước khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, các binh lính đã khoát cho Chúa Giêsu chiếc áo màu tía này nhằm để chế nhạo Người [Mc 15:19-20]). Chiếc áo của ông nhà giàu được làm từ một loại vải lanh nguyên chất, sắc xảo. Những chi tiết đầu tiên này đủ cho chúng ta thấy rằng tác giả không thêm thắt bất cứ điều gì ở đây. Người nhà giàu ăn mặc như một người có quyền thế, nhưng tác giả không đề cập đến danh tánh của ông; còn người thanh niên nghèo mình đầy mụn nhọt lại có một cái tên, và đây là cái tên duy nhất được đề cập trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu. Anh tên là Lazarô, có nghĩa là “Thiên Chúa đã cứu”. (Tân Ước cũng nói về một Lazarô, bạn của Chúa Giêsu và là em của Mattha và Maria, kẻ đã được Chúa Giêsu làm cho sống lại [x. Ga 11:1-2]), nhưng Lazarô này lại không liên quan đến dụ ngôn này.
Lazarô nằm gần cổng chính của ông nhà giàu, và khi anh ta chết anh ta được đem vào lòng tổ phụ Abraham. Một vài truyền thống cho rằng tên của người nhà giàu là epulone (kẻ tham ăn), nhưng đó không phải là một tên riêng và từ này lại không được đề cập trong dụ ngôn này. Có một sự đối nghịch ở đây vì ông nhà giàu ăn mặc như một vị vua, nhưng không có danh tánh trong khi đó anh thanh niên nghèo lại có một cái tên, và cái tên ấy như được ám chỉ đến đời sống vĩnh cửu.
Hai phần cấu thành dụ ngôn này dường như không cân đối. Trong khi sự kiện liên quan đến hai nhân vật chính lúc còn sống được trình bày hơi ngắn, gói gọn trong 3 câu (x.19-21), thì sự kiện liên quan đến sự sống sau khi chết, lúc mà ông nhà giàu kêu cầu lòng thương xót nơi tổ phụ Abraham thì dài hơn nhiều, 10 câu (x. 22-31) và ở một mức độ nào đó dường như nó không có hồi kết. Hai phần này trái ngược nhau theo định luật hoán đổi. Suốt cuộc đời trần thế ông nhà giàu hằng ngày yến tiệc linh đình trong khi anh Lazarô nghèo lại không có được những thức ăn thừa trên bàn của ông để ăn. Sau khi chết Lazarô lại được an ủi trong lòng tổ phụ Abraham trong khi ông nhà giàu lại không có thậm chí một giọt nước nhỏ trên lưỡi ông cho mát, giảm bớt nỗi khổ phải chịu cực hình. Khi còn sống trên trần gian ông nhà giàu đã vui hưởng những điều tốt lành còn anh Lazarô nghèo khó thì không, thì nay ngược lại: Lazarô được an ủi trong lòng tổ phụ Abraham và ông nhà giàu phải chịu cực hình khốn khổ dưới âm phủ.
Cũng giống như các dụ ngôn về lòng thương xót, dụ ngôn này cũng có một sự hoán đổi vị trí, nhưng với một chút khác biệt. Sự hoán đổi ở đây rất rõ ràng vì có hai ngăn trở được xem là vĩnh viễn. Ngăn trở thứ nhất là cái cổng chính nhà ông nhà giàu đã không cho phép anh Lazarô nghèo vào và có được sự giúp đỡ (cái cổng tượng trưng cho định kiến của ông nhà giàu đối với người nghèo). Ngăn trở thứ hai là âm phủ, nơi mà ông nhà giàu có thể nhận biết chính mình và thấy Lazarô được tiếp đón trong lòng tổ phụ Abraham.
Sự thiếu cân đối giữa hai sự kiện xảy ra ở đời này và đời sau, phần nào đó, được diễn tả cách ẩn kín ở đời này và cách rõ ràng ở đời sau. Những thỉnh cầu của con người vẫn không được thỏa mãn. Khi còn sống, ông nhà giàu đã không thỏa mãn cơn đói của Lazarô, và bấy giờ ở đời sau Abraham cũng không thể đáp ứng ba thỉnh cầu của ông nhà giàu. Thậm chí Lazarô không thể nhúng ngón tay vào nước và nhỏ lên lưỡi ông để làm giảm bớt nỗi khốn khổ mà ông đang chịu. Anh cũng không thể được sai về trần gian để làm chứng về những gì xảy ra ở sự sống đời sau, vì dù cho người chết có sống lại cũng không thể hoán cải năm người anh em của ông nhà giàu.
2.      Lòng thương xót, chứ không phải thi ân giáng phúc
Giữa các dụ ngôn về lòng thương xót và dụ ngôn ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó có một sự trái ngược đáng kể. Cho tới thời điểm này, mỗi thỉnh cầu về lòng thương xót và lòng nhân từ luôn được ban cho, từ việc người chủ nợ tha hoàn toàn món nợ cho hai kẻ mắc nợ cho tới việc người cha thứ tha người con hoang đàng. Trong các dụ ngôn theo sau dụ ngôn này cũng vậy, những thỉnh cầu cũng được ban cho bà góa quấy rầy (x. Lc 18:1-8) và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ (x. Lc 18:9-14). Lời thỉnh cầu của ông nhà giàu lúc ở dưới âm phủ “xin thương xót con” (Lc 16:24) rất giống với lời cầu xin của người thu thuế khi cầu nguyện trong đền thờ “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Tuy nhiên, đây là trường hợp duy nhất mà lời cầu xin của một người không được nhậm lời, bởi vì tình cảnh hay số phận của ông là vô phương cứu chữa.
Làm sao để bất cứ tình cảnh hay số phận vô phương cứu chữa nào cũng có thể có được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa? Nếu kiên trì cầu nguyện sẽ có thể thay đổi tấm lòng Thiên Chúa – như chúng ta thấy trong dụ ngôn bà góa quấy rầy – thế thì tại sao ông nhà giàu không thể cầu nguyện để thay đổi số phận của ông, dù chỉ là một cơ hội mong manh? Chúng ta có thể hiểu rằng số phận của ông nhà giàu là không thể nào thay đổi được vì chẳng có thời gian để sửa đổi hoặc đền bù ở đời sau. Đó là câu trả lời hợp lý nhất, thế nhưng câu trả lời ấy lại không được đề cập trong dụ ngôn.
Điểm chính yếu này lý giải nguyên nhân tại sao không thể thay đổi được tình cảnh hay số phận của ông nhà giàu. Khi ông nhà giàu ở trong âm phủ và thấy Lazarô trong lòng tổ phụ Abraham, ông ta nhận ra Lazarô và hai lần nhắc đến tên anh khi cầu xin tổ phụ Abraham. Vì thế qua những lời này của ông, ông đã tự kết án và nhận ra tội lỗi của mình. Ông biết rõ Lazarô là ai khi còn sống, nhưng ông đã không quan tâm, không đoái hoài đến anh. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, ý nghĩa của dụ ngôn cũng được khám phá cách rõ nét trong mức độ tương phản với hai dụ ngôn trước đó. Trong dụ ngôn người Samaria tốt lành: Khi người Samaria thấy anh thanh niên nửa sống nửa chết nằm bên đường, anh đã chạnh lòng thương (Lc 10:33), và điều ấy đã được lập lại trong dụ ngôn người cha giàu lòng thương xót: “khi anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy anh và ông đã chạnh lòng thương” (Lc 15:20). Nhưng bấy giờ ông nhà giàu “ngước mắt lên, đã thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và đã thấy anh Lazarô trong lòng tổ phụ” (Lc 16:23). Trong nhiều bản dịch, đoạn này không nói “thấy anh”, nhưng là “đã thấy anh”. Ông nhà giàu chỉ có thể chiêm ngưỡng anh Lazarô vui hưởng hạnh phúc trong đời vĩnh cửu, kẻ mà ông nhà giàu đã không đoái hoài đến khi còn sống.
Vì thế số phận của ông nhà giàu là không thể cứu chữa được bởi vì ông đã không quan tâm, không có lòng thương xót đối với anh Lazarô nghèo, mụn nhọt đầy mình nằm trước cửa nhà ông. Thực vậy, lòng thương xót chẳng có ý nghĩa gì và không thể nào xảy ra đối với ông nhà giàu. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn tương ứng với lòng thương xót đối với người thân cận của một ai đó. Thiên Chúa sẽ không tỏ lòng thương xót nếu người ta không có lòng thương xót đối với người thân cận. Và khi không có lòng thương xót đối với người thân cận thì sẽ chẳng có khoảng trống nào cho lòng thương xót của Thiên Chúa ngự trị. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Thiên Chúa không bao giờ được nhắc đến trong toàn bộ dụ ngôn bởi vì Người nói và hạnh động qua Abraham.
Tuy nhiên, dựa vào điều trái ngược của lòng thương xót, dụ ngôn này muốn chỉ cho thính giả biết làm thế nào để không rơi vào tình trạng của ông nhà giàu – đó là, ngay từ bây giờ, hãy lắng nghe lời Môsê, lời các ngôn sứ và lời Chúa dạy. Người chết sống lại cũng vô ích, vẫn không có đủ khả năng khiến những anh em của ông nhà giàu biến đổi hay hoán cải, nhưng việc người ta đối xử với những người nghèo là phương thức thử nghiệm con đường dẫn tới ơn cứu độ hay án phạt dành cho bất cứ người giàu nào. Vì số phận đời đời và sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa, người giàu phải đón nhận, quan tâm người nghèo đã bị thế giới lãng quên.
3.       “Ta đói các ngươi đã không cho ta ăn” (Mt 25:42)
Chúa Giêsu không kể các dụ ngôn về sự sống đời sau để mà răn đe người nghe hoặc để nói về địa ngục, luyện ngục, và thiêng đàng như Aante Alighieri đã mô tả trong tác phẩm The Divine Comedy. Thay vào đó, trong những dụ ngôn nói về số phận chung cuộc của đời người, Chúa Giêsu nói về đời sống vĩnh cửu trong bối cảnh thời gian, dùng hiện tại để nói về tương lai. Người quan tâm đến cái “hôm nay” và xem tương lai như là thử thách đối với những người sống cùng thời với Người. Liên quan đến việc loại bỏ hay đón nhận người nghèo, dụ ngôn ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó có một ý nghĩa rất lớn đối với những gì con người làm ở đời này.
Về sự tương phản giữa việc không đón nhận anh thanh niên nghèo đang nằm ngoài cổng của ông nhà giàu và việc đón nhận anh ta vào đời sống vĩnh cửu, dụ ngôn này giống với dụ ngôn Cuộc Phán Xét Chung trong Tin Mừng Mattheo 25:31-46. Nếu, trong phần thứ nhất của dụ ngôn, Con Người chúc phúc và tiếp đón những người không nhận biết Người nhưng mà những người ấy đã cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, đã tiếp đón khách lạ, đã mặc cho kẻ trần truồng, thăm kẻ đau yếu và những người tù đày; thì phần thứ hai của dụ ngôn, Con Người lại cứng rắn đối với những người đã không thực thi những công việc thể xác và tinh thần trên với lòng thương xót. Dụ ngôn kết thúc với chuẩn mực: tách biệt chiên với dê (những người được chúc phúc và những người bị nguyền rủa) và chuẩn mực này có thể áp dụng cho mọi người: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:45).
Nói chung, những gì nói về những người không được người khác quan tâm đến trong dụ ngôn Cuộc Phán Xét Chung có thể áp dụng cho dụ ngôn Ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó. Lazarô đói nhưng ông nhà giàu lại không cho anh ta những thức ăn dư thừa trên bàn của ông; anh ta đau yếu và mình đầy mụn nhọt nhưng ông nhà giàu đã không viếng thăm; anh trần truồng nhưng ông nhà giàu đã không cho anh mặc; anh ta là một lữ khách đã đến trước cửa nhà ông nhưng ông đã không tiếp đón anh. Những công việc của lòng thương xót được liệt kê trong dụ ngôn Cuộc Phán Xét Chung đã không được thực thi cho Lazarô, kẻ mà ông nhà giàu đã không chú ý đến khi ông ta còn sống, vì thế bấy giờ ông ta chỉ có thể chiêm ngắm Lazarô hưởng phúc trong lòng tổ phụ Abraham.
Người ta cần thiết phải xác định phẩm chất cụ thể về sự giàu và nghèo như được phản ánh trong dụ ngôn; nếu không thì người ta có thể nhầm lẫn và rơi vào tình trạng phân biệt cách thái hóa. Dụ ngôn không chủ ý giải thích lý do tại sao Lazarô được đem vào Abraham và ông nhà giàu lại bị đày xuống âm phủ. Thế nên câu chuyện tránh việc khẳng định người nghèo là đối tượng được chúc phúc bởi vì anh ta nghèo và người giàu lại bị nguyền rủa bởi vì anh ta giàu. Chúng ta thấy rằng điểm chính yếu của dụ ngôn căn cứ vào sự quan tâm mà ông nhà giàu buộc phải có dành cho Lazarô. Giàu hay nghèo không phải là điều có thể bảo đảm hay loại trừ một kết cục tích cực hay tiêu cực trong dụ ngôn Cuộc Phán Xét Chung, nhưng hệ tại ở việc có khả năng hay không có khả năng nhận biết và cảm thương người khác. Về điểm này, câu chuyện về ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo rất thành công ở mọi thời và mọi nơi. Ông nhà giàu không đoái hoài đến Lazarô nghèo khó khi còn sống, thế nên bấy giờ ông chỉ có thể chiêm ngắm Lazarô hưởng phúc vĩnh cửu bởi vì lòng thương xót lúc bấy giờ chỉ là điều vô ích.
4.      Môsê, các ngôn sứ, và trái tim con người
Tại sao Môsê và các ngôn sứ lại có tầm ảnh hưởng hơn người chết trở lại từ thế giới bên kia? Tại sao Lời Chúa là điều duy nhất có thể làm cho trái tim con người biết thương xót? Qua Tin Mừng Luca chúng ta thấy có hai lý do chính.
Trước tiên và trên hết, lòng thương xót khởi xuất từ trái tim con người, và duy chỉ có Lời Chúa mới có thể đáp ứng lòng thương xót và giúp nó không bị mai một hay khô héo. Cuộc gặp gỡ giữa Đấng Phục Sinh và các môn đệ trên đường Emmaus đã làm sáng tỏ điều này. Trong phần thứ nhất của trình thuật này trong Tin Mừng Luca: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24:27). Sau khi nhận ra Đấng Phục Sinh lúc Người bẻ bánh, các môn đệ tuyên xưng: Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng [con tim] chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 27:32). Khi Lời Chúa chạm đến trái tim con người, Lời Chúa có thể làm cho con tim bừng sáng lên và xua tan mọi mù quáng và tật điếc. Lời Chúa giúp con người có thể nhận thấy những gì mà người ta không thấy trước đó. Ông nhà giàu trong dụ ngôn đã có một quan điểm sai lầm về sự hoán cải; ông nghĩ nó phải nhờ vào một phép lạ như việc cho kẻ chết sống lại. Ông ta không biết rằng sự hoán cải là do tác động của Lời Chúa chứ không do người chết sống lại.
Động từ “nghe” mà Abraham đã sử dụng hai lần khi đề cập đến Môsê và các ngôn sứ trong cuộc đối thoại với ông nhà giàu là rất quả quyết: chúng cứ nghe lời các vị đó (Môsê và các ngôn sứ)… Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các ngôn sứ” (Lc 16:29-31). Nếu Kinh Thánh chỉ là một bộ sách dùng để đọc, thì nó không thể mở lòng mở trí con người. Ông nhà giàu, con cháu của Abraham đã nhiều lần kêu tên Abraham lúc ở dưới âm phủ: “Lạy tổ phụ Abraham…lạy tổ phụ…thưa tổ phụ Abraham” (Lc 16:24, 27, 30). Ông nhà giàu biết tường tận Kinh Thánh. Tuy nhiên, ông đã đọc Kinh Thánh nhưng ông đã không nghe; ông ta đã học Kinh Thánh nhưng ông đã không đón nhận nó vào lòng trí ông. Đó là lý do tại sao ông cầu xin với Abraham để sai Lazarô trở về thế gian cảnh báo năm anh em của ông. Kinh Thánh không phải để đọc hay để học nhưng là để nghe vì Lời Chúa có thể làm biến đổi cõi lòng con người và dẫn hướng người ta đến với đức tin.
Cũng như bao con cháu ông Abraham, ông nhà giàu trong dụ ngôn am hiểu Kinh Thánh giống như người thủ lãnh giàu có, kẻ mà Chúa Giêsu gặp ngay sau khi kể dụ này (x. Lc 18:18-23). Anh ta hỏi Chúa Giêsu: anh ta phải làm những gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp. Anh ta hiểu biết Kinh Thánh và tuân giữ các điều răn từ thuở nhỏ. Điều anh ta không có là một lựa chọn dứt khoát để bán những gì anh ta có để chia sẻ cho người nghèo và theo Chúa Giêsu. Anh thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi vì anh ta rất giàu; hành động tiếp theo của anh ta có lẽ cần phải được Lời Chúa đánh động và hướng dẫn cõi lòng anh. Để Lời Chúa ở lại nơi một con tim, cần phải có khoảng trống nơi con tim không dính bén đến của cải trần gian. Ngoài nghĩa đen của Lời Chúa trong Kinh Thánh, như Đức Giáo hoàng Benedictô XVI có nhắc đến trong Tông huấn Verbum Domini [Lời Chúa] (x. số 38), hành động của Thần Khí của Đấng Phục Sinh là cần thiết. Nếu không thì Kinh Thánh chỉ là một tập hợp những cuốn sách và không thể biến đổi thành Lời hằng sống được. Một trong những hành động cuối cùng của Đấng Phục Sinh đó là “Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24:45).
Một lý do khác mà Lời Chúa có thể biến đổi cõi lòng con người lại được tìm thấy trong mối tương quan của Lời Chúa với người nghèo. Nếu việc Lazarô trở về thế gian để cảnh tỉnh những người anh em của ông nhà giàu là điều vô ích, đó là bởi vì người nghèo chiếm vị trí thiết yếu trong Tin Mừng. Khi một ai đó không chú ý hoặc xem nhẹ thành phần thiết yếu của Tin Mừng thì dù cho người chết có sống lại cũng là điều vô ích; người chết có lẽ cũng chỉ giống như “một Lazarô khác” nhưng với một danh xưng khác, vì thế vấn nạn không để ý đến người nghèo vẫn còn đó.
Cảnh tượng này là nền tảng cho toàn bộ Tin Mừng Luca. Nó cho thấy mối tương quan sâu sắc giữa người nghèo và Lời Chúa. Khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, Người vào hội đường tại Nazareth. Khi Người nhận lấy cuốn sách ngôn sứ Isaia, Người mở nó ra và đọc đoạn đầu trong chương 61 như được chép trong Luca 4:18-19:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Người nghèo không bị bỏ rơi và họ cũng không bị xem thường. Nhưng ngược lại, họ chiếm một vị trí chính yếu trong Tin Mừng. Dụ ngôn Ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó đã gây bất ngờ đối với những ai lưu tâm đến ông nhà giàu. Chẳng có một lý do nào cho biết tại sao Lazarô lại được đem vào lòng tổ phụ Abraham, và trong dụ ngôn này Lazarô chưa bao giờ hé môi nói một lời. Thay vào đó, người ta lại quan tâm đến số phận của ông nhà giàu. Vì ông đã không đoái nhìn đến Lazarô khi còn sống, nên ông ta bị đày xuống âm phủ mãi mãi và ở đó ông chỉ có thể ngước nhìn Lazarô vui hưởng hạnh phúc trong lòng tổ phụ Abraham và tự trách tội mình. Đức giáo hoàng Phanxicô cũng khẳng định cách rõ ràng trong Tông huấn Evanggelii Gaudium rằng “toàn thể lịch sử cứu độ của chúng ta được đánh dấu bởi sự hiện diện của người nghèo” (197).
Câu hỏi về lòng thương xót là một câu hỏi quan trọng xoay quanh hai vấn đề chính: (1) Vì lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng, nên con người sẽ được cứu độ theo cách nào đó mà chỉ có Chúa biết, cho dù con người có xét đoán và kết án người thân cận của họ nhân danh Thiên Chúa; (2) Trong khi lòng thương xót của Chúa được coi như là một quyền bất di bất dịch, thì lòng thương xót dành cho người thân cận của một ai đó hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định tự do của mỗi người.
Tuy nhiên không có dụ ngôn về lòng thương xót nào đưa đến những cái kết như thế này. Lòng thương xót luôn vận hành trong mối tương quan ba chiều (Thiên Chúa, tôi và người khác) và chưa bao giờ dừng lại trong tương quan một chiều (chính tôi) hoặc hai chiều (Thiên Chúa và tôi). Thực tế bi kịch của dụ ngôn làm sáng tỏ lòng thương xót nhờ mặt trái của nó. Vì thế địa ngục là gì? Và làm sao mà địa ngục có thể cùng tồn tại với lòng thương xót của Chúa được? Trong tác phẩm The Brothers Karamazou (Anh em nhà Karamazou) , Dostoevsky đã từng đưa ra câu hỏi tương tự trên và ngài bình luận dụ ngôn này như sau: “Thưa các cha và các thầy, tôi tự hỏi: ‘địa ngục là gì?' Tôi luôn luôn cho rằng địa ngục là nỗi đau khổ vì không thể yêu được nữa. Một lần, trong cõi vô tận không đo được bằn thời gian cũng như không gian, một sinh vật có linh hồn xuất hiện trên trái đất và được trời phú cho khả năng tự nói với mình: ‘tôi tồn tại, vì vậy tôi yêu’. Một lần, chỉ một lần thôi, sinh vật đó được ban cho một khoảnh khắc tình yêu hoạt động, sống động, vì thế mà có được kiếp sống trần thế có hạn định thời gian, vậy mà thế nào: sinh vật đầy ơn phúc ấy đã khước từ món quà vô giá, không quý trọng và yêu mến khả năng ấy, lại còn có thái độ giễu cợt, vậy nên vẫn cứ là giống vô tình. Người như thế, khi đã lìa đời, nhìn thấy cõi cực lạc và chuyện trò với Abraham như chúng ta đã biết qua dụ ngôn người giàu có và  Lazarô, người ấy chiêm ngưỡng thiên đường và có thể đến trước Đức Chúa. Nhưng y khổ tâm chính bởi lẽ y lên trước Đức Chúa mà chưa từng yêu, y sẽ tiếp xúc với những người đã từng yêu, song y đã khinh rẻ tình yêu của họ.”[6]
Nếu địa ngục là nỗi khổ không thể yêu, thì mỗi phút giây của đời người không sống vì yêu đã là địa ngục rồi.
 

 
 
CHƯƠNG VII
LÀM SAO CHÚNG TA CÓ THỂ
THAY ĐỔI Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA?
Quan Tòa Bất Chính và Bà Góa Quấy Rầy (Lc 18:1-8)

Trong những hoàn cảnh của cuộc đời, phải chăng hầu hết chúng ta đã từng có kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa? Khi nào người ta cảm thấy lòng thương xót của Chúa lại cần thiết hơn những ân huệ khác của Ngài? Và làm sao chúng ta có thể nhận biết nó? Chúa Giêsu của Tin mừng Luca dường như không do dự khi trả lời vấn đề này: dung nhan lòng thương xót của Chúa soi tỏ trên cuộc đời con người, được thể hiện trong cầu nguyện. Vì thế, chúng ta hãy nán lại ở dụ ngôn này, dụ ngôn nói đến sự kiên trì trong cầu nguyện mà Chúa Giêsu kể gần cuối hành trình Người lên Giêrusalem.
1 Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.2 Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì,5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc."6 Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó!7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "
1.      Quan tòa, Thiên Chúa, và một bà góa
Hai nhân vật chính trong dụ ngôn này là một ông quan tòa chẳng kính sợ Thiên Chúa và một bà góa. Các mối tương quan giữa các nhân vật lại là mối tương quan ba chiều: ông quan tòa có liên hệ gián tiếp với Thiên Chúa và trực tiếp với bà góa. Mối tương quan mới này rất độc đáo, vì trong tất cả các dụ ngôn mà chúng ta tìm hiểu cho tới thời điểm này Thiên Chúa chưa bao giờ được đề cập cách trực tiếp. Thông thường Ngài được trình bày qua một nhân vật nào đó (như Abraham trong dụ ngôn ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó) hoặc Ngài ẩn khuất đằng sau một ai đó (như người cha nhân hậu). Các nhân vật được chọn ở đây có liên quan đến chủ đề cầu nguyện mà nó đã gợi hứng nên dụ ngôn này. Ở chương kế tiếp nói về dụ ngôn người Phariêu và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ, Thiên Chúa cũng hành động gián tiếp vì dụ ngôn này cũng liên quan đến chủ đề cầu nguyện.
Theo chế độ quân chủ xã hội vào thời Chúa Giêsu, quan tòa là vị đại diện cho quyền lực tối cao, đặc biệt trong môi trường của những người thất học và thiếu hiểu biết về luật. Vị quan tòa giống như vị thẩm phán  [the major] của một thành: Luật sư, Ủy viên công tố và Công chứng viên. Vị quan tòa có quyền lực vô hạn. Ngược lại, bà góa cũng như thân phận của những đứa trẻ mồ côi, là những đại diện cho những người có địa vị thấp hèn nhất trong xã hội. Khi bà góa không thể cậy dựa vào quyền của công dân cũng như quyền gia đình mà bà đáng có nơi chồng bà, bà thường phải gánh chịu những hình thức ngược đãi khác nhau. Ở đây người có quyền lực tối cao và người không có quyền lực nào được đặt cạnh nhau. Cùng với hai nhân vật chính, Thiên Chúa cũng được lưu ý đến vì vị quan tòa có liên quan trực tiếp với Thiên Chúa ngay từ đầu dụ ngôn. Chúng ta cũng biết rằng vị quan tòa chẳng hề kính sợ Thiên Chúa, và chính ông cũng khẳng định điều đó; cuối dụ ngôn lại có một sự so sánh giữa vị quan tòa và Thiên Chúa.
Cách đặc biệt, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến khoảng cách giữa quyền lực dân sự của vị quan tòa và địa vị của bà góa. Vị quan tòa không kính sợ Thiên Chúa và là một người vô tôn giáo. Bên cạnh việc không kính sợ Thiên Chúa hoặc không tin vào Thiên Chúa của dân Israel, ông còn xử án theo cảm tính của mình! Ông là một quan tòa bất chính, kẻ không có lòng thương xót vì ông không tin vào Thiên Chúa.
Trái ngược với ông quan tòa, bà góa không ngừng cầu khẩn ông để minh xét cho bà trước những kẻ thù hại bà. Dụ ngôn không cho chúng ta biết chi tiết nào về kẻ thù của bà góa. Những điều được quan tâm ở đây là quyền lực độc đoán của ông quan tòa như được so sánh với sự công chính của Thiên Chúa và lòng kiên trì của bà góa. Sau những lần cầu xin, ông quan tòa đã thay đổi và quyết định xét xử cho bà góa. Tuy  nhiên, đó chẳng phải lòng thương xót đã thay đổi ý định của ông nhưng là do bà góa đã không ngừng quấy rầy, nài nỉ ông.
2.      Thiên Chúa không phải là quan tòa
Sau khi kể dụ ngôn ông quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy, Chúa Giêsu hướng về những người nghe và hỏi họ về những gì mà họ nghĩ về hành động của Thiên Chúa. Dựa vào những tranh luận khởi xuất từ một vấn đề đơn giản đến một vấn đề phức tạp, Chúa Giêsu hỏi những người nghe chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn và mau chóng thực hiện điều họ kêu xin hơn ông quan tòa đã làm cho bà góa. Không như ông quan tòa, Thiên Chúa mau chóng minh xét cho những kẻ người đã tuyển chọn đã ngày đêm kêu cầu Người.
Mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa vị quan tòa và Thiên Chúa, nhưng ở đây lại có một điểm chung cho thấy giá trị của việc cầu nguyện. Cả hai đều xem xét lại thái độ của họ đối với bà góa và đối với những kẻ được tuyển chọn dựa trên những lời cầu khẩn mà họ nhận được. Người ta thường nghĩ rằng Thiên Chúa là một người kiên định và không bao giờ thay đổi ý định trước loài người. Tây phương quen với lối suy nghĩ về một Thiên Chúa không có cảm xúc, Đấng không cho phép mình bị chi phối bởi bất cứ tác nhân ngoại tại nào. Tuy nhiên, lịch sử cứu độ lại cho ta thấy một hình ảnh khác về Thiên Chúa. Ngài là một Thiên Chúa cho phép mình trở thành Đấng để dân đến cầu khẩn khi họ gặp nguy khốn, và Đấng lắng nghe lời cầu khẩn của những kẻ được chọn (người nghèo và kẻ bị áp bức) chạy đến cầu xin Ngài.
Về sự cởi mở của Thiên Chúa đối với ý định của Ngài, chúng ta thấy hai tình tiết tiêu biểu trong Cựu ước: lời cầu nguyện của vua Hezekiah và sự sám hối của dân thành Ninive. Sách Các Vua quyển thứ hai cho biết rằng Hezekiah lâm bệnh nặng và đang ở trong tình trạng nguy kịch “ngàn cân treo sợi tóc”. Ông quay mặt vào tường và cầu nguyện với Đức Chúa như sau: “Ôi, lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, con đã trung tín và thành tâm bước đi trước nhan Ngài, đã thi hành điều đẹp mắt Ngài” (2V 20,3). Đức Chúa nghe lời khẩn nguyện và tiếng khóc của ông và Ngài đã cứu chữa ông.
Sách Giôna mô tả cách thức Thiên Chúa thay đổi ý định của Ngài trước những việc xấu xa mà Ngài đã cảnh báo giáng phạt trên dân thành Ninivê (3:10). Đối với Giôna, Thiên Chúa giàu lòng thương xót là một khái niệm xa xỉ: “Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tacsit. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ.” (Gio 4:2). Ngôn sứ đã cố gắng thử hết mọi cách để Thiên Chúa chạnh lòng thương xót mà không giáng phạt trên thành đó. Vì thế sau khi giảng dạy cho dân thành Ninivê xong, ông đã ở lại đó để xem Thiên Chúa có trút cơn thịnh nộ không. Khi dân thành Ninivê còn đang ăn năn sám hối, ông Giôna ra ngoài thành và ngồi ở phía đông của thành; ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem điều gì sẽ xảy ra trong thành. Để an ủi ông, Thiên Chúa trồng một cây để có bóng mát che đầu ông hầu làm ông hết buồn bực, nhưng ngày hôm sau Thiên Chúa đã làm cho cây héo chết, và ông Giôna xin cho ông được chết. Với cuộc tranh luận tiên báo về dụ ngôn của chúng ta, Thiên Chúa hỏi ông Giôna: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê…?” (Gio 4:10-11).
Thiên Chúa của Tân ước và Cựu ước là một Thiên Chúa cho phép con người chạm đến cõi lòng của Ngài bởi vì Ngài chẳng muốn kẻ gian ác nào phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống (Ed 33:11).
3.      Chúng ta nên xin điều gì và chúng ta cầu nguyện như thế nào?
Dụ ngôn ông quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy kết thúc với việc ông quan tòa bất chính hứa minh xét cho bà góa vì bà cứ quấy rầy hoài. Cầu nguyện liên lỉ cũng có thể làm thay đổi cõi lòng của Chúa. Tuy nhiên, người ta thường nhận thấy lời cầu nguyện của họ không được đáp trả, và cảm thấy dường như những lời cầu nguyện của họ không được ai lắng nghe. Lòng nhân từ và lòng thương xót của Chúa ở đâu khi mà tiếng khóc than kêu cầu của những kẻ Ngài chọn, là những kẻ đang trong cảnh cùng cực nhất vang lên từ bà góa cho tới những kẻ mồ côi và cuối cùng là những trẻ em nghèo khổ và bệnh tật, dường như không được ai thấu nghe? Và nếu lời cầu khẩn của họ được lắng nghe thì tại sao kết quả mà họ đón nhận được lại cho thấy rằng những lời khẩn cầu của họ không như điều họ ước muốn? Chúa Giêsu của Tin mừng Luca là “bậc thầy cầu nguyện”, và để minh họa cho điều này Người kẻ dụ ngôn người bạn quấy rầy.
Dụ ngôn này được Chúa Giêsu kể trong Luca 11:5-8. Dụ ngôn có những điểm tương tự với dụ ngôn ông quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy (mặc dù dụ ngôn này chẳng liên quan đến lòng thương xót của Chúa). Dụ ngôn nói về câu chuyện của một người đàn ông chẳng có thứ gì hết để tiếp đãi những vị khách lỡ đường ghé nhà ông, vì thế ông đến nhà một người hàng xóm và gõ cửa để vay ba cái bánh. Không may, trời đã khuya và người hàng xóm đã đóng cửa và ngủ với các con rồi. Đối diện với sự quấy rầy không ngừng của người bạn trước cửa, cuối cùng người hàng xóm buộc phải thức dậy và cho ông mượn ba cái bánh.
Trong đoạn giải thích theo sau đó (Lc 11:9-13), Chúa Giêsu khuyến khích người ta cứ xin, cứ tìm kiếm và cứ gõ cửa bởi vì Thiên Chúa có thể ban phát, tìm thấy và mở cửa cho. Và sau đó Chúa Giêsu nói rằng chẳng lẽ một người cha lại có thể cho con mình cá thay vì rắn, trứng thay vì bò cạp sao. Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? Thoạt nhìn Thánh Thần chẳng liên quan chút nào ở đây. Tuy nhiên, Ngài là ơn chính yếu [the pricipal gift] để cầu xin khi cầu nguyện vì duy chỉ Thánh Thần mới có thể giúp chúng ta phân biệt được cá với rắn và trứng với bò cạp. Rất nhiều lần người ta cầu nguyện để xin những điều có ích và cần thiết cho họ, nhưng đối với Thiên Chúa thì Ngài thấy những điều ấy chẳng có ích gì vì những điều họ cầu xin chỉ là những điều thứ yếu và không hợp với ý Ngài muốn.
Khi cầu nguyện, chúng ta không biết phải xin điều gì. Đây là lúc người ta thực sự nhận thấy sự yếu đuối của con người hơn bao giờ hết. Nhưng chỉ trong những hoàn cảnh ấy “Thần Khí sẽ giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.” (Rm 8:26-27).
Người ta sẽ dễ dàng bỏ cầu nguyện nữa chừng khi lời cầu nguyện của họ không được đáp trả. Thật là khó để kiên trì cầu nguyện như bà góa kiên trì cầu xin ông quan tòa, nhưng Thiên Chúa luôn sẵn lòng hơn bất cứ vị quan tòa nào để mau chóng lắng nghe tiếng kêu cầu của những kẻ Ngài chọn. Các tín hữu được mời gọi hãy kiên trì trong cầu nguyện ngay cả khi mình nhận được những điều trái ngược với điều mình mong muốn.
4.      Kiên trì trong đức tin
Dụ ngôn ông quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy đã khiến chúng ta phải suy nghĩ. Liệu Chúa Giêsu sẽ tìm thấy niềm tin trên mặt đất này khi Người trở lại chăng? Chúng ta thường có những hiểu biết mơ hồ hay hạn hẹp về đức tin. Chúng ta cho rằng “đức tin” chỉ được giới hạn trong những khái niệm nào đó, vì thế đối với mọi người đức tin là như nhau; hoặc ngược lại đức tin phải tương hợp với những điều mà con người không thể nắm bắt hay thấu hiểu. Thực ra, đức tin khó mà hiểu được đặc biệt khi người ta xin điều gì đó mà không được đáp lời; sau đó họ không cầu nguyện nữa và rơi vào tình trạng khủng hoảng đức tin hoặc thiếu đức tin.
Những điều mà thư Hipri nói về Chúa Giêsu đã trở thành mẫu mực cho mối tương quan giữa việc cầu nguyện và đức tin “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu Người là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Hr 5:7-9). Khi sống kiếp phàm nhân Chúa Giêsu đã trải qua nhiều thử thách và đau khổ nhưng Người luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Cha, qua đó cho thấy một đức tin khiến Người không ngần ngại hiến dâng chính mạng sống mình vào vòng tay nhân ái của Cha mà không lời than oán.
Những đau khổ mà Chúa Giêsu đã trải qua không làm cho Người xa cách Chúa Cha, nhưng lại giúp Người học biết thế nào là tin. Tin là vâng lời thánh ý Chúa Cha. Những điều mà thư Hipri nói dường hơi trái ngược. Làm sao mà người ta có thể nói lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu đã được nhậm lời nếu Người phải uống chén mà Người xin Chúa Cha cất khỏi? Làm sao chúng ta có thể xem lời cầu nguyện của Người được nhậm lời nếu Người phải chịu nhục hình trên thập giá? Thực ra, lời cầu xin của Chúa Giêsu đã được Chúa Cha nhậm lời, và lời cầu xin của Người đã được thể hiện khi Người phục sinh mà trước đó Người đã phải trải qua cái chết khổ hình trên thập giá.
Đức tin đòi hỏi những ai nghe dụ ngôn ông quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy phải không ngừng phó thác, trung tín và tin cậy. Đức tin khởi xất từ việc cầu nguyện và dừng lại ở sự vâng lời đối với những ai học biết vâng theo thánh ý Thiên Chúa thậm chí ngay cả khi họ không thể hiểu nỗi. Thật không may, ở thời đại chúng ta, người ta càng ngày càng khó và hầu như không thể kiên trì cầu nguyện và biết mở lòng ra để đón nhận những điều trái ngược với điều họ xin hay mong muốn.
5.      Chúa Giêsu nhìn anh ta với ánh mắt đầy lòng thương xót và Người đã chọn gọi anh
Giữa bà góa và kẻ được Chúa chọn gọi có nét tương đồng, tuy nhiên cũng cần phải xem xét nó thật tỉ mỉ hơn vì nét tương đồng ấy diễn tả một trong những chân lý khó hiểu nhất của Tin Mừng. Thực sự mà nói Thiên Chúa không đứng về phía vị quan toà, kẻ chẳng kính sợ Thiên Chúa, nhưng lại đứng về phía bà góa. Những kẻ được Chúa chọn gọi là những trẻ mồ côi và các góa phụ. Họ là những người không thể tự mình phân xử những bất công mà họ phải gánh chịu. Vậy, tại sao Thiên Chúa lại chọn gọi những kẻ bê bối luân lý và những kẻ tội lỗi như trong trường hợp ông Lêvi, một người thu thuế. “Đức Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi!  Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.” (Lc 5:27-28).
Trong đoạn giải thích theo sau đó, Chúa Giêsu khẳng định “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5:31-32). Tính hợp lý của việc chọn gọi này thật là khó hiểu. Thiên Chúa chọn gọi những kẻ mà thế gian cho là yếu kém, hèn mạt không đáng kể và bị loại bỏ để hạ nhục những kẻ quyền thế, khôn ngoan và quý phái, hầu không một phàm nhân nào có thể tự phụ trước mặt Người (1Cr 1:26-29). Tích cực mà nói, Thiên Chúa chọn gọi người trước kẻ sau; nếu không thì chúng ta sẽ không thể tránh khỏi lối suy nghĩ rằng Thiên Chúa chọn gọi người này mà minh nhiên loại bỏ người khác. Những điều được sách Xuất hành đề cập trong đoạn 33:19 đã được Thánh Phaolô lập lại một cách xác tín: “Thiên Chúa đã phán với ông Môsê: Ta muốn thương xót ai thì thương xót, muốn cảm thương ai thì cảm thương” (Rm 9:15). Như vậy đâu là ý nghĩa Thiên Chúa thương xót đối với những kẻ Người chọn gọi? Người có thể loại trừ bất cứ người nào khỏi lòng thương xót của Người chăng? Và ai là kẻ được chọn gọi?
Trong vấn đề này, việc chọn gọi của Thiên Chúa vượt trên mọi ân sủng và không bị điều kiện hóa bởi bất cứ tác nhân ngoại tại nào. Thiên Chúa không chọn những kẻ tốt lành nhưng muốn thánh hóa những kẻ Người chọn gọi trở nên tốt lành. Liên quan đến việc chọn gọi của Thiên Chúa, Thánh Phaolô giải thích: “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên...” (1Tm 1:15-16).
Những người được Thiên Chúa chọn không phải để tách biệt với những người khác, nhưng là để mời gọi họ đến với lòng thương xót của Chúa. Thật là không phải cho lắm khi chúng ta nghĩ về những kẻ được chọn gọi, chúng ta thường rơi vào tình trạng loại trừ những kẻ còn lại. Thật ra Thiên Chúa chọn gọi một số người không phải để phân biệt hay loại trừ những người khác, nhưng là để thâu tóm tất cả mọi người đến với Người. Cũng vậy, dụ ngôn nói về “sự tiền định” không hàm ý việc chọn gọi hay loại trừ, nhưng duy chỉ có một điều là chọn gọi. Trong ý định của Thiên Chúa, chẳng có sự tiền định nào cho kẻ tốt lành hay gian ác, nhưng duy chỉ và luôn luôn cho kẻ tốt lành. Và sự chọn gọi ấy phụ thuộc vào lòng nhân ái của Thiên Chúa, và dựa trên sự thật mà Chúa Giêsu đã giải thích khi trò chuyện với Nicôđêmô “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:15). Nếu chúng ta không đứng trước thập giá Chúa Kitô khi nghĩ về việc chọn gọi, chúng ta dễ dàng cho rằng việc chọn gọi một số người là để hạ nhục những người khác, hoặc tệ hơn là để chống lại những người khác.
Hoa trái của việc chọn gọi đến từ lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua tinh thần phục vụ người khác, chứ không phải kiêu căng ngạo mãn. Nếu Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Chính bởi vì Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.” (2Cr 1:3-4). Tuy nhiên, việc chọn gọi không phải là điều trọng yếu nhưng điều trọng yếu ở đây chính là lòng thương xót; lòng thương xót của Thiên Chúa đã chuyển hóa thành việc chọn gọi. Thánh Beđa khả kính đã nói rất thâm thúy trong bài giảng của mình khi nói về ơn gọi của Lêvi (hoặc Mattheo): “Chúa Giêsu thấy người thu thuế vì Người nhìn anh với ánh mắt đầy lòng thương xót, Người đã chọn gọi anh và nói với anh: Hãy theo tôi” (Bài giảng 21,149). Đó cũng là phương châm trong cuộc sống và hành trình tâm linh của Đức Giáo hoàng Phanxicô: Miserando atque eligendo [Cảm thương và chọn].

 
 
CHƯƠNG VIII
AI ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH
TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA
Người Pharisêu và Người Thu Thuế (Lc 18:9-14)

Ai được nên công chính trước mặt Thiên Chúa, và người ta được nên công chính như thế nào? Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ được Chúa Giêsu kể nhằm cho thấy một quan niệm sai lầm trong việc đánh giá sự công chính hóa mà nó sẽ khiến người ta đi đến việc luận tội và kết án người khác. Dụ ngôn được kể ngay sau dụ ngôn nói về việc cầu nguyện kiên trì, nhưng nó được miêu tả cách khái quát hơn bởi vì vấn đề liên quan đến sự công chính của Thiên Chúa đối với con người. Với nghệ thuật tâm lý, Chúa Giêsu của Tin mừng Luca một lần nữa nhìn thấu mọi ngóc ngách tận bên trong cõi lòng con người, và thấu hiểu cả những tư tưởng, cảm nghĩ của con người.
9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
1.      Một người Pharisêu và một người thu thuế
Bối cảnh xảy ra trong đền thờ, nơi mà hai nhân vật chính dấu tên đến để cầu nguyện. Hai người đàn ông được chọn không phải để kết án hay ca tụng hai nhóm người mà họ thuộc về, nhưng là để chuyển tải những nhân phẩm của những con người trong dụ ngôn. Người thứ nhất không được ca ngợi cho mấy bởi vì anh ta thuộc nhóm Pharisêu và người thứ hai được xem là khiêm tốn bởi vì anh là một người thu thuế. Không phải vì địa vị hay nguồn gốc mà khiến họ trở nên công chính hay tội lỗi, thay vào đó là thái độ của họ trong mối liên hệ với Thiên Chúa và người thân cận như thế nào.
Đền thờ Giêrusalem được đặt trong bối cảnh này. Đền thờ Giêrusalem là một trong những địa điểm dành cho người Do Thái đến thực hành các việc đạo đức, và trong số những thứ khác, nó cũng là nơi người ta đến để đền tội và được xá tội, cho tới khi người Roma phá hủy nó vào năm 70 SCN. Như lệ thường, dụ ngôn trình bày về mối tương quan ba chiều [a triangular relationship]: một người Pharisêu, một người thu thuế và Thiên Chúa – Đấng họ đến để cầu nguyện. Thiên Chúa là nhân vật thứ ba trong bộ ba này, có vai trò rất quan trọng trong mối tương quan giữa hai người đàn ông bởi vì những lời cầu nguyện của họ đều bắt đầu với lời cầu khẩn “Lạy Thiên Chúa” (Lc 18:11,13), và cuối cùng người thu thuế được nên công chính trước mặt Thiên Chúa chứ không phải người Pharisêu (Lc 18:14).
Tuy nhiên, những thái độ và những lời cầu nguyện của hai nhân vật này hoàn trái ngược nhau. Cả hai cùng hướng về cùng một Thiên Chúa, nhưng họ lại có những quan điểm và thái độ trái ngược nhau. Người Pharisêu đứng thẳng mà cầu nguyện, trong khi người thu thuế thì không dám ngước mắt lên trời và chỉ biết đấm ngực mà cầu nguyện. Trong Tin Mừng Luca bản Hi-lạp, từ Pharisêu được dùng 29 lần, trong khi từ người thu thế dùng chỉ có 6 lần.
Người Pharisêu tạ ơn Chúa rằng ông ta không giống như những kẻ khác: những kẻ tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia đang đứng ở đằng xa mà cầu nguyện. Lời cầu nguyện của người Pharisêu rất xảo quyệt và chua chát. Ông liệt kê danh sách những tội trạng mà người ta phạm không nhằm để phó thác họ cho Thiên Chúa, nhưng nhằm để khinh miệt và kết án họ, giống như những người mà Chúa Giêsu kể cho họ dụ ngôn luôn tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác (Lc 18:9). Lúc ấy ông xem mình là kẻ vô tội, nhưng thật ra người Pharisêu đã phạm một trong những tội trọng nhất đó là ông dám thay thế và xem mình như Thiên Chúa để mà kết án người thân cận. Ông chẳng thấy xấu hổ gì khi khoe khoang những việc đạo đức và những lề luật mà ông đã tuân giữ một cách quá đáng. Theo sách Lêvi 16:29-31, luật ăn chay chỉ bắt buộc vào ngày Lễ Xá Tội trong khi đó người Pharisêu trong dụ ngôn này lại ăn chay mỗi tuần hai lần. Ông tuân giữ việc không ăn những thức ăn không thanh sạch chẳng hạn như thịt heo, và ông dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của ông. Ông là một mẫu gương hoàn hảo cho những ai tự đề cao mình trước mặt Thiên Chúa.
Với thái độ ăn năn sám hối, người thu thuế chỉ biết nói: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” (Lc 18:13). Lời cầu nguyện của ông chỉ vọn vẹn trong một câu, nhưng nó lại cho thấy sự ý thức về thân phận tội lỗi của ông và lời khẩn cầu đến lòng thương xót của Chúa, chính vì thế mà ông có thể đón nhận được ơn tha thứ. Lời cầu nguyện trong thái độ ăn năn sám hối của ông giống như lời cầu nguyện trong Thánh Vịnh 79: “Xin giải thoát chúng con, và thứ tha tội lỗi, vì danh dự của Ngài.”
2.      Sự hoán vị
Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu tuyên bố trước những người nghe và cho thấy một sự hoán đổi vị trí cách lạ lùng: người trở về đến nhà được nên công chính là người thu thuế, chứ không phải người Pharisêu vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Đấng nâng cao mọi kẻ khiêm nhường và hạ bệ những ai kiêu ngạo chính là Thiên Chúa, như Đức Maria đã ca khen trong bài ca “Magnifiat”: Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (Lc 1:51-52). Đường lối Thiên Chúa là hạ bệ những ai quyền thế kiêu căng – đặc biệt những ai giống như người Pharisêu trong dụ ngôn, kẻ đã giẫm đạp lên nhân phẩm của người khác để nâng cao mình lên –  và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Thái độ của người Pharisêu rất kiêu căng ngạo mãn và ngược lại người thu thuế lại khiêm nhường. Mặc dù người Pharisêu cầu nguyện rất lâu, rất dài nhưng ông ta không được nên công chính; trong khi người thu thuế cầu nguyện rất đơn giản, ngắn gọn nhưng lời cầu nguyện của ông lại có đủ khả năng giúp ông ta được nên công chính khi về đến nhà.
Điều gì đưa đến sự hoán đổi vị trí này? Dụ ngôn tập trung vào những lời cầu nguyện của người Pharisêu và người thu thuế vì họ là hai nhân vật tiêu biểu được chọn trong dụ ngôn này. Trong phần thứ nhất, điểm chính yếu trong lời cầu nguyện của người Pharisêu không đủ giúp ông ta được nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa vì ông ta đã dùng lời cầu nguyện để so sánh mình với những người khác và khinh thường người khác. Phần trọng tâm của lời cầu nguyện nằm ở chỗ “hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18:11). Lời cầu nguyện của ông ta không sai; ngược lại ông ta là một người có nhiệt tâm với lề luật và truyền thống Do Thái. Điều làm cho ông ta không được nên công chính đó là thái độ khinh miệt của ông đối với người thu thuế. Ông ta lên án người thu thuế, không biết ăn năn hối lỗi và không ý thức trong lời cầu nguyện của mình.
Trong phần thứ hai, điểm chính yếu trong lời cầu nguyện của người thu thuế đó là: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Người thu thuế không tìm cách thêm thắt bắt cứ điều gì hầu làm giảm nhẹ hình phạt, chẳng hạn như: “tôi chỉ kiếm một chút lời từ công việc của tôi mà thôi bởi vì công việc của tôi phải là như thế, ai cũng vậy mà”, hoặc “tôi còn có gia đình vợ con phải lo nên tôi không thể bỏ công việc này được”. Thay vào đó, ông ta thành thật đối diện trước mặt Thiên Chúa với tất cả con người và cõi lòng ông. Với lời cầu nguyện đơn giản và ngắn gọn, ông đã thổ lộ tất cả những gì ông có mà làm vui lòng Thiên Chúa: ông ý thức về những việc làm sai trái của ông và khao khát có được sự tha thứ. Ý thức mình là kẻ tội lỗi trước mặt Thiên Chúa là điều kiện thiết yếu để được nên công chính; những con người kêu ngạo luôn cho mình là người vô tội sẽ không được nên công chính.
3.      Công chính hóa nhờ ân sủng
Thật là không may, trong thời đại chúng ta, một trong những thuật ngữ khiến người ta dễ hiểu nhầm nhất đó là “công chính hóa [justification]”. Trong ngôn ngữ phổ thông, nó tương đương với việc tìm kiếm một lý do để tha thứ hoặc bào chữa lỗi lầm của một ai đó. Trong môi trường làm việc, người ta cần “biện hộ hay biện minh” cho những thay đổi khi đề xuất điều gì đó. Các thuật ngữ “công bình [justice]” và “sự hòa giải [reconciliation]” cũng rất mơ hồ. “Công bình” thường được hiểu theo nghĩa thưởng phạt công minh: ai có công thì đáng được thưởng và ai có tội thì đáng chịu phạt. Và “sự hòa giải” thường được hiểu như là kết quả của việc tái lập mối tương quan thuận hòa giữa những người có mâu thuẫn hiềm khích với nhau.
Dụ ngôn này cho thấy một cái nhìn mới mẻ về “công bình, công chính hóa và sự hòa giải”. Những gì mà ba thuật ngữ này diễn tả, cách chung, là kết quả của ân sủng mà Thiên Chúa chứng nhận cho người thu thuế, chứ không phải cho người Pharisêu. Trái với người tự cho mình là công chính là những người luôn chờ đợi ân sủng từ nơi Thiên Chúa để được nên công chính. Về tính ưu việt của ân sủng, người ta cần phải có những phẩm chất nào đó xứng đáng để có thể lãnh nhận ân sủng, nếu không dụ ngôn này có thể bị hiểu sai và bị lạm dụng. Ân sủng không được xem như là kết quả do tội lỗi đem lại. Thật sai lầm khi nghĩ rằng người ta cần thiết phải phạm tội thì họ mới được công chính hóa và được giao hòa với Thiên Chúa; hoặc cho rằng người ta càng phạm tội thì người ta càng lãnh nhận được nhiều ơn thánh. Nếu là như thế thì suy nghĩ của chúng ta có lẽ chẳng khác gì so với suy nghĩ của người Pharisêu. Điều đó muốn nói rằng ân sủng bị điều kiện hóa do tội lỗi (tội của người thu thuế), hay đúng hơn cách thức mà ân sủng bị điều kiện hóa do công trạng (công trạng của người Pharisêu). Tuy nhiên ơn công chính hóa luôn được trao ban cách nhưng không và vượt quá mọi việc làm của con người, dù tốt lành hay xấu xa.
Quan niệm về tính ưu việt của ân sủng khiến người ta dễ hiểu lầm rằng người ta cần thiết phải phạm tội hoặc xem nhẹ lề luật thì họ mới có thể lãnh nhận được những ơn ích của ân sủng. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã kịch liệt phê phán những ai có lối suy nghĩ như thế nhằm nhấn mạnh rằng ân sủng được ban cho con người dư tràn không phải vì ân sủng tương xứng với tội lỗi, nhưng bởi vì người ta được nên công chính hóa chỉ bởi ân sủng nhờ Chúa Kitô: “Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.” (Rm 5:1-2).
Một cách hiểu sai lạc cuối cùng liên quan tới cách thức mà trong đó ơn công chính hóa của Thiên Chúa thể hiện. Nói chung, người ta nghĩ rằng Thiên Chúa phải hành xử đức công bằng trước và rồi sau đó mới công chính hóa người tội lỗi. Công bằng mà nói, quan niệm ấy muốn nói rằng trước tiên Thiên Chúa phải trao ban cho người ta những gì họ xứng đáng lãnh nhận và rồi sau đó mới công chính hóa họ. Tuy nhiên, quan điểm này đã hiểu sai một cách trầm trọng về đức công chính của Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa công bằng ngay cả khi Ngài công chính hóa người tội lỗi. Dụ ngôn đã làm sáng tỏ sự thật này: sự công chính hóa xứng hợp với người thu thuế, nhưng nó không xảy ra sau khi người thu thuế lãnh nhận những gì ông xứng đáng. Nếu là như thế, thì người Pharisêu trong một mức độ nào đó có lẽ đã được công chính hóa bởi vì ông là người rất nhiệt thành trong việc tuân giữ lề luật. Thay vào đó, chẳng có sự khác biệt nào giữa đức công chính của Thiên Chúa và sự công chính hóa của người tội lỗi. Thiên Chúa công chính khi Ngài công chính hóa người tội lỗi.
Cuối cùng, hệ quả chính yếu của ơn công chính hóa rất quan trọng: việc giao hòa với Thiên Chúa sẽ đem lại một tương quan mới mẻ và vượt quá mọi sự mong đợi. Ơn công chính hóa là một hành động nhưng không phát xuất từ phía Thiên Chúa, và sự công chính hóa nơi người thu thuế nằm ngoài bất cứ sự mong đợi nào. Tuy nhiên, ơn giao hòa này không tương xứng với việc tái lập mối thuận hòa giữa hai người có cùng một địa vị. Điều hoàn toàn nghịch lý của ơn giao hòa nơi Đức Kitô đó là khi, nói chung, một người sai trái thì người ấy phải sửa sai và xin được hòa giải với người đúng - “Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải” (2Cr 5:19). Người Pharisêu không được nên công chính bởi vì những việc làm tốt lành của ông đã không ngăn cản ông thoát khỏi hành vi xét đoán người khác trong khi người thu thế đã không xét đoán bất cứ ai lại được nên công chính.
4.      Sự công chính của Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Qua nhiều thế kỷ, dụ ngôn này được hiểu như là một sự phê phán đối với Do Thái giáo: người Pharisêu sánh ngang bằng với người Do Thái và người thu thuế. Thực ra, Chúa Giêsu muốn đưa ra cảnh huống mang hai trạng thái trái ngược nhau liên quan đến Thiên Chúa và người thân cận mà có thể tồn tại trong bất cứ môi trường tôn giáo nào, bao gồm cả Giáo Hội. Nguy cơ của việc xem bản thân mình là vô tội và nhu cầu cần thiết phải hạ bệ người khác hầu nâng cao chính mình luôn tìm ẩn nơi tất cả mọi người và không loại trừ bất cứ tôn giáo nào.
Những thành kiến cho rằng Đạo Do Thái là một tôn giáo của công trạng và Kitô giáo là một tôn giáo của ân sủng dường như có một vai trò quyết định trong việc đưa đến một cách hiểu sai lầm về dụ ngôn này. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó có nguy cơ đưa ra những hình ảnh sai lạc rằng Cựu ước trình bày về một Thiên Chúa khác với Thiên Chúa của Chúa Giêsu và của các Cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Trong Cựu ước, sự công chính của Chúa thật sự luôn gắn kết với ơn cứu độ và lòng thương xót của Ngài, như ngôn sứ Hôsê nói: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương” (Hs 2:21). Và muôn thế hệ vẫn ca khen Thánh vịnh 145:7-8: “Ngài nhân ái vô cùng, hoan hô Ngài công chính. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Ngài chậm giận và giàu tình thương.” Qui chuẩn của cộng đồng 11,11-12 trong kinh Koran chứa đựng lời cầu nguyện rất tuyệt vời nương tựa vào sự công minh chính trực của Thiên Chúa giàu lòng thương xót: “Vì đối với tôi, nếu như tôi lỗi phạm, lòng thương xót Chúa mãi mãi là ơn cứu độ tôi. Nếu thân tôi sa ngã, Ngài sẽ xét xử tôi theo sự công minh chính trực của Ngài.”
Chúng ta không thể nào hình dung về một Thiên Chúa, Đấng luôn hạn chế mình khỏi việc xét xử những con người vì tội của họ. Tội là tội, và chẳng thể nào lẫn lỗn điều ác với việc lành, nhưng sự công minh chính trực của Thiên Chúa chỉ thể hiện khi sự công minh chính trực biến đổi thành lòng thương xót hầu tha thứ mọi tội lỗi.
Cựu ước và Tân ước đều nhấn mạnh đến sự công chính hầu cho thấy dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa mà chẳng bao giờ lẫn lộn giữa điều tốt và điều xấu, nhưng thay vào đó là biến đổi điều xấu thành điều tốt. Dụ ngôn này muốn nhắn nhủ chúng ta rằng: chúng ta hãy để cho tình yêu của Đức Kitô chạm đến cõi lòng chúng ta. Đức Giêsu chịu nhục hình muốn khiêu khích những ai luôn cho rằng mình được nên công chính hãy can đảm mang lấy những khổ nhục thập giá: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5:21). Trên thập giá, Chúa Giêsu đã mang lấy tội của nhân loại vào mình để cho sự công chính của Thiên Chúa có thể chạm đến mọi người và đem mọi người vào trong mối tương quan mật thiết với Ngài.
Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế cho mọi người thấy một điều vô cùng nghịch lý đó là người tội lỗi được nên công chính trong khi người được xem là người công chính thì lại không được nên công chính. Bất cứ khi nào có sự xét đoán người khác thì sự công chính của Thiên Chúa sẽ xuất hiện.

 
 
KẾT LUẬN
TIN MỪNG VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
TRONG CÁC DỤ NGÔN

Tại sao phải dùng nhiều dụ ngôn để nói về lòng thương xót? Không phải chỉ cần ba dụ ngôn trong Tin mừng Luca là đủ thôi sao? Sự thật rằng cõi lòng con người thâm sâu khó đoán và lòng thương xót là một vấn đề rất hệ trọng. Người ta có thể dễ dàng nói về lòng thương xót, nhưng thật khó để có thể sống và thực thi lòng thương xót. Chúng ta hãy xem lại một vài điểm chính yếu trong các dụ ngôn bàn đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người.
1.      Những dung mạo khác nhau của lòng thương xót
Lòng thương xót giống như việc tha thứ một món nợ (như tội lỗi của con người) được phản ánh trong dụ ngôn hai con nợ được người chủ nợ tha (x. Lc 7:41-43). Bất cứ ai được tha thứ nhiều hơn thì luôn sẵn sàng yêu mến nhiều hơn, ngược lại ai được tha thứ ít hơn thì yêu mến ít hơn. Nét đặc trưng đầu tiên của lòng thương xót đó là: chính ân sủng khơi gợi lên lòng biết ơn. Lòng biết ơn là sự đáp trả của người tội lỗi được công chính hóa cách nhưng không.
Nhìn từ những góc cạnh khác nhau của lòng thương xót dành cho người khác, lòng thương xót không cần phải chạy loanh quanh tìm kiếm một người thân cận để yêu mến, nhưng tìm gặp người ấy ngay trên đường, như một người đàn ông nửa sống nửa chết được một người Samaria giúp đỡ (x. La 10:25-37). Tình yêu mến dành cho Thiên Chúa luôn được thể hiện cách cụ thể nơi tình yêu mến dành cho người thân cận của một ai đó nếu không nó chỉ là một điều răn hoặc mệnh lệnh bắt buộc phải làm mà thôi.
Lòng thương xót giống như việc tìm kiếm một ai đó bị lạc mất, chứ không phải những người luôn cho rằng họ luôn an toàn và được bảo vệ, được đề cập trong dụ ngôn con chiên bị lạc mất (x. Lc 15:4-7). Lòng thương xót ngược đời như thế được áp dụng cho những kẻ tội lỗi biết hoán cải bởi vì mỗi người đều có những phẩm giá cao quý, ví như một đồng bạc bị mất được xem là quý giá như chín đồng bạc khác mà người phụ nữ có trong tay (x. Lc 15:8-10).
Một người cha chạnh lòng thương xót đã rời khỏi nhà hai lần để đến với hai người con. Ông chạy đến với người con thứ và tổ chức tiệc ăn mừng; và rồi rời khỏi nhà để năn nỉ người con cả vào nhà tham dự tiệc mừng (x. Lc 15:11-32).
Nhận ra một người nghèo giống như Lazarô ngay trong đời sống sau cái chết là điều vô ích. Chúng ta cần phải nhận ra anh và giúp đỡ anh khi anh còn sống, bởi vì nơi nào không có lòng thương xót đối với người khác thì lòng thương xót của Thiên Chúa cũng vắng bóng (x. Lc 16:19-31). Nhờ việc giúp đỡ người nghèo mà người giàu mới được ơn cứu độ.
Cầu nguyện kiên trì có thể chạm đến lòng thương xót bởi vì nó có thể làm Thiên Chúa thay đổi ý định của Ngài, ví như bà góa quấy rầy đã có được lòng thương xót của vị quan tòa bất chính (x. Lc 18:1-8). Những kẻ được chọn của Thiên Chúa, những kẻ yếu đuối và nghèo khó luôn được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến. Những kẻ được chọn của Thiên Chúa không bao hàm việc loại trừ những người khác, nhưng là ưu tiên đối với những kẻ bé mọn rồi mới tới mọi người.
Lòng thương xót công chính hóa và tái tạo người tội lỗi giống như một người thu thuế làm những công việc được xem là bất chính, tội lỗi trong khi Thiên Chúa không làm bất cứ điều gì cho ai luôn cho rằng mình làm những việc chính đáng nhưng lại kết án người tội lỗi hầu đề cao chính mình (x. Lc 18:9-14).
Chúng ta có thể nhận thấy rằng Chúa Giêsu trong Tin mừng Luca đặc biệt lưu tâm đến những đặc điểm thiết yếu của lòng xót hơn là chỉ trích vấn đề luân lý đạo đức. Lòng thương xót thể hiện trong các mối tương quan mà chúng khởi xuất từ tấm lòng con người và được thể hiện trong lời nói cùng với việc làm.
2.      Những cái kết đóng – mở
Nếu chúng ta đặt sang một bên dụ ngôn con chiên lạc được cứu và đồng bạc bị mất được tìm thấy với cái kết tràn đầy niềm vui mừng được sẻ chia, thì các dụ ngôn khác kết thúc theo kiểu đóng - mở, để cho người nghe có trách nhiệm lựa chọn như thế nào là khôn ngoan. Chúng ta không biết ông Pharisêu Simon đã làm những gì sau khi nghe dụ ngôn Hai con nợ và người chủ nợ. Vị thông luật, kẻ nghe dụ ngôn người Samaria nhân hậu được mời gọi trở nên người thân cận đối với những người khác, chứ không phải tiếp tục xem ai là người thân cận của ông như ông nghĩ. Những ai nghe ba dụ ngôn về lòng thương xót phải chăng tiếp tục hay ngừng than phiền chống đối Chúa Giêsu? Phải chăng dụ ngôn Ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó giúp cho người giàu nhận thức rằng họ đang lừa dối chính họ nếu họ nghĩ họ sẽ được hạnh phúc ở đời sau theo cách mà họ đã được vui hưởng ở đời này? Dụ ngôn Ông quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy kết thúc với một câu hỏi nhức nhối: Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? Và những ai hạ bệ người khác để nâng cao chính mình, họ sẽ thay đổi như thế nào khi nghe dụ ngôn Người Pharisêu và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ?
Nếu các dụ ngôn về lòng thương xót của Chúa Giêsu tiếp tục thách thức các đọc giả ở mọi thời và mọi nơi họ sinh sống, có nghĩa là các dụ ngôn có liên quan đến mỗi người qua việc mô tả hiện trạng đích thực của đời sống. Qua những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng mối tương quan đích thực của Thiên Chúa đối với con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai là như nhau, không hề thay đổi.
Các dụ ngôn về lòng thương xót được đặt trong Tin mừng. Nếu không rút tỉa được điều gì từ bài giảng của Chúa Giêsu nói về Nước Thiên Chúa, thì lòng thương xót của Chúa thể hiện ra bên ngoài qua các dụ ngôn nằm ngoài trí hiểu của các môn đệ và các cuộc đối thoại với những ai nghe chúng. Mặc dù các dụ ngôn tự chúng không đem lại ơn cứu độ (ơn cứu độ chỉ xảy ra nơi cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu và cái chết và phục sinh của Ngài) thì chúng khám phá ra những con đường mới, và chúng đang bước trên những con đường vô tận nơi mà Tin Mừng không đến được hoặc không được ai biết đến. Vì thế, nếu không thể hình dung rằng ơn cứu độ có thể đến từ việc đơn thuần chỉ hiểu một dụ ngôn mà thôi, thì cũng không thể phủ nhận các dụ ngôn của Chúa Giêsu chỉ ra những con đường đạt đến ơn cứu độ theo những cách thức khác nhau.
3.      Những ví dụ về lòng thương xót
Seneca, triết gia người người La Mã khuyên Lucilius bạn ông rằng “con đường dài thông qua các khái niệm, nhưng nó ngắn và hiệu quả nhờ các ví dụ” (thư 6,5). Có ai bên cạnh Chúa Giêsu đưa vào thực hành các lời khuyên để có lòng thương xót như Cha chúng ta không? Chúng ta hãy lướt qua Tin Mừng Luca và Sách Công Vụ Tông Đồ.
Tin Mừng thứ ba bắt đầu với hai bài ca mà cả hai đều nói về lòng thương xót. Trước tiên là bài ca “ngợi khen” (Mangificat) của Đức Maria, sau biến cố truyền tin lúc người viếng thăm người chị họ Elizabeth:
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. (Lc 1:49-52)
Những điều Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời của cô thiếu nữ khiêm nhường ở xứ Galilea tiên báo sự hoán đổi vị trí thông thường mà chúng ta thấy trong các dụ ngôn. Hòa điệu với bài ca của Đức Maria, Zacaria, cha của Gioan Tẩy Giả mở miệng cất bài ca “chúc tụng” (Benidictus). Khi ông thấy mình đang đối diện với một biến cố lạ lùng của việc sinh ra một người con trai trông ngóng từ lâu, ông chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã viếng thăm dân Người.
Sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;
Chúa đã thề với tổ phụ Abraham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
và cho ta chẳng còn sợ hãi,
để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an. (Lc 1:72-79)
Lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa rất chân thật và chân thành. Ngài là một vị Thiên Chúa, Đấng biểu lộ chính mình không qua việc phán xét, nhưng qua lòng trắc ẩn như được thấy trong dụ ngôn người cha nhân hậu có hai con trai. “Những kẻ khiêm nhường của xứ sở hoặc đất nước”, như họ được chọn gọi ở thời Chúa Giêsu – những người đã không thuộc về bất cứ nhóm người đặc thù nào – là những ví dụ mà Luca chưng dẫn đầu tiên trong các dụ ngôn về lòng thương xót. Bất cứ khi nào con người muốn trực tiếp kinh qua lòng thương xót của Thiên Chúa, họ cần phải trở nên những người khiêm tốn trong xứ sở - quê hương, trong Giáo Hội và trong xã hội nơi mà những sự đảo ngược vị trí của con người sẽ mang lại những điều kỳ diệu và niềm vui của lòng thương xót.
Một ví dụ khác cũng có thể tìm thấy trong sác Công Vụ Tông Đồ là phó tế tử đạo Stephano: “Họ ném đá ông Stephano, đang lúc ông cầu xin rằng: Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7:59-60). Những lời cuối cùng của Stephano gợi nhớ lại những lời của Chúa Giêsu trên thập giá khi Người cầu xin Chúa Cha tha cho những người đã đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
Với những phẩm chất cần thiết, phó tế tử đạo Stephano trở nên hình ảnh trung thực của Đức Giêsu khổ nạn và làm cho hình ảnh ấy tỏ sáng trong thời của Giáo Hội. Tử đạo Kitô giáo là đỉnh cao của lòng thương xót bởi vì nó sánh với ân huệ của Chúa Kitô dành cho những người khác, mà không cho thấy có dấu vết nào của thù hận hay ghen ghét, và biến đổi điều xấu thành điều tốt.


 

MỤC LỤC
CÁC DỤ NGÔN VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

LỜI TỰA.. 3
CHƯƠNG I: 5
GIỚI THIỆU
ĐỨC GIÊSU, LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ CÁC DỤ NGÔN
CHƯƠNG II. 14
AI ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU HƠN
THÌ YÊU MẾN NHIỀU HƠN
Hai Con Nợ và Người Chủ Nợ (Lc 7:36-50)
CHƯƠNG III. 21
LÒNG THƯƠNG XÓT DÀNH CHO NGƯỜI KHÁCH LẠ
Người Samaria Nhân Hậu (Lc 10:25-37)
CHƯƠNG IV.. 30
Tìm Thấy Con Chiên Bị Mất
và Đồng Bạc Bị Đánh Mất (Lc 15:1-10)
CHƯƠNG V.. 40
LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ CÙNG
Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:11-32)
CHƯƠNG VI. 54
MẶT TRÁI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Ông Nhà Giàu Và Anh Ăn Xin Lazarô (Lc 16:19-31)
CHƯƠNG VII. 67
LÀM SAO CHÚNG TA CÓ THỂ
THAY ĐỔI Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA?
Quan Tòa Bất Chính và Bà Góa Quấy Rầy (Lc 18:1-8)
CHƯƠNG VIII. 78
AI ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA
Người Pharisêu và Người Thu Thuế (Lc 18:9-14)
KẾT LUẬN.. 87
 

 

 
 
 

[1] Wadi Qelt là một thung lũng trải dài từ Tây đến Đông băng qua sa mạc Judean; nó bắt đầu gần Giêsusalem và kết thúc gần Giêrikhô.
[2] Một tiểu thuyết lịch sử được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1827 (I promessi sposi), có lẽ đây là tiểu thuyết Italia nổi tiếng rộng khắp nhất.
[3] Alessndro Manzoni, The Betrothed (CreareSpace Independent Publishing Platform, 2013), p. 105.
[4] Ibid., p. 113.
[5] Fyodor Dostoevesky, The Brothers Karamazou, trans. Constance Garnett (Mineola, NY: Dover Publications, 2005), 270.
[6] Dostoevsky, The Brothers Karamazou, p. 273

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận