Hành Động Của Lòng Thương Xót: Sống Liên Đới

Đăng lúc: Chủ nhật - 02/10/2016 15:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
HÀNH ĐỘNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT: SỐNG LIÊN ĐỚI
  
Chúng ta đang sống trong một xã hội bị ảnh hưởng bởi những hệ tư tưởng mới: đề cao chủ nghĩa cá nhân, mọi người sống quy ngã và định giá trị con người dựa trên những giá trị vật chất. Chính sự ảnh hưởng này làm suy yếu mối dây liên hệ xã hội, không ai còn muốn quan tâm đến ai, tình liên đới giữa người với người trở nên lỏng lẻo, thậm chí bị cắt đứt.
 
Từ những lý do trên, hơn bao giờ hết, là những Kitô hữu, chính lúc này đây, chúng ta cần phải làm điều gì đó để nối lại và thắt chặt mối dây liên đới giữa con người với nhau. Sống liên đới với người khác, cách riêng với những người nghèo và những người đau khổ, là ta đang thể hiện lòng thương xót của ta với họ.
 
Để có thể sống tình liên đới với người khác, trước hết chúng ta phải ý thức rằng, tất cả chúng ta, không phân biệt màu da, chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, địa vị xã hội, giầu nghèo, đều là anh chị em với nhau trong đại gia đình nhân loại này. Ý thức như vậy để ta đi ra khỏi cái tôi ích kỷ, sống vị tha, và tạo nên mối tương quan bình đẳng với mọi người. Tất cả mọi người có quyền và bổn phận liên đới với nhau để làm cho thế giới này trở nên tốt hơn, cùng với sự tôn trọng nhân phẩm của nhau. Liên đới là gì?
 
Là con người, chúng ta là những hữu thể mang tính xã hội. Không cần biết có niềm tin vào Thiên Chúa hoặc sống niềm tin hay không, tất cả mọi người luôn cảm thấy rằng có một mối dây liên kết sâu thẳm giữa mình với những người khác - một mối dây liên hệ vượt lên trên cả mối liên hệ gia đình, chủng tộc, nên chúng ta luôn thấy mình phải có trách nhiệm với tất cả mọi người. Tên của mối dây liên hệ này là Liên Đới.
Liên đới không phải là một cảm giác về lòng trắc ẩn mơ hồ. Đó là một xác quyết chắc chắn và kiên trì dấn thân cho lợi ích chung, nghĩa là dấn thân cho lợi ích của mọi người và mỗi cá nhân, bởi vì tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với nhau.
 
Liên đới là mối dây phổ quát liên kết tất cả mọi người với nhau. Tuy nhiên, đó không chỉ là sự liên kết những người đang sống trong thế giới này, mà nó còn là sự liên kết với tất cả những con người trong quá khứ và cả thế hệ tương lai. Sự liên đới với những con người trong quá khứ, theo như đức tin Công Giáo, đó là mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Chính vì thế mà Mẹ Giáo Hội luôn nhắc nhớ chúng ta cầu nguyện với các thánh để các ngài chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta; đồng thời chúng ta cũng có bổn phận cầu nguyện cho các linh hồn đang còn phải thanh luyện trong luyện ngục.
 
Còn với thế hệ tương lai, sự liên đới là rõ ràng. Ví dụ, ta vẫn thường nghe nói: "Cha mẹ sống để đức cho con"; hay "đời cha ăn mặn, đời con khát nước"; hoặc "nhìn quả thì biết cây". Nếu ta sống tốt cuộc đời này, chắc chắn ta sẽ để lại những ảnh hưởng tốt cho những thế hệ tương lai; bằng không, thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu những hậu quả xấu do những việc xấu chúng ta gây ra. Những việc làm gây ra sự tàn phá thiên nhiên, những lối sống vô độ làm suy đồi đạo đức của chúng ta hôm nay, chắc chắn sẽ để lại cho thế hệ tương lai những hậu quả xấu khó lường được.
 
Ngoài ra, là những người sống niềm tin vào Thiên Chúa, mối dây liên đới còn liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Trọng tâm của tình liên đới là cuộc đời của Chúa Giêsu, bởi vì qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa thực sự hiện diện trong tình liên đới với con người, và tất cả chúng ta sống trong tình liên đới với Ngài. Thực tại mang tính lịch sử về cuộc đời của Chúa Giêsu - Thiên Chúa làm người, nâng tình liên đới vượt lên trên tình liên đới giữa con người với nhau. Chúng ta biết rằng, tất cả chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên việc yêu thương anh em đồng loại cũng trở thành một hành động của sự liên đới hướng về sự liên đới với Thiên Chúa. Vậy, mỗi một hành động của sự liên đới, được hiểu trong ý nghĩa này, đều là một hành động của sự hiệp thông với chính Thiên Chúa.
 
Trong sự liên đới với Thiên Chúa, chúng ta cần gắn kết với Ngài trong cầu nguyện để được Ngài yêu thương và hướng dẫn, hầu phải sống thế nào cho xứng đáng với ơn gọi làm người và là con Chúa. Trong tương quan với tha nhân, chúng ta cũng cần phải liên đới với nhau trong lời cầu nguyện. Đây là mức độ căn bản nhất của việc sống liên đới. Quả vậy, trước những đau khổ của anh chị em, khi chưa có thể làm được gì cụ thể để chia sẻ với họ, thì việc đầu tiên ta có thể làm là cầu nguyện cho họ. Kế đến, ở mức độ cao hơn, ta có thể có những lời động viên, khích lệ và lắng nghe. Sau cùng, ta cần phải có hành động cụ thể để chia sẻ với họ. Hành động cụ thể này là rất quan trọng.
 
Cụ thể, với những người đang gặp khó khăn về vật chất, ta hãy chia sẻ với họ những gì họ cần; với những người gặp đau khổ đang cần sự an ủi, ta hãy cho họ lời an ủi; còn đối với thế hệ tương lai, ta cần phải sống tốt, làm những việc tốt hầu để lại cho chúng những ảnh hưởng tốt, để rồi chúng cũng sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp. Sống liên đới là phải có những hành động rất cụ thể để chia sẻ với nhau.
 
Tóm lại, là người và là người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta cần phải sống liên đới trong tương quan với nhau và với Thiên Chúa. Ta phải sống liên đới với Thiên Chúa vì Ngài đã dựng nên ta giống hình ảnh Ngài, và Ngài là Cha của chúng ta; ta phải sống liên đới với mọi người trong gia đình nhân loại này, vì theo thánh Phaolô, "chúng ta là phần thân thể của nhau" (Ep 4, 25). Hãy sống liên đới với Thiên Chúa để được đón nhận lòng thương xót của Ngài! Hãy sống liên đới với anh chị em đồng loại bằng những hành động cụ thể, hầu chia sẻ với họ lòng thương xót đã được đón nhận từ Thiên Chúa!

Hương Quê
http://www.gplongxuyen.org/
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận