Thành lập bộ giáo dân và gia đình

Đăng lúc: Thứ ba - 21/06/2016 02:37 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thành lập bộ giáo dân và gia đình

Ngày 4.6 vừa qua, quy chế của “bộ giáo dân, gia đình và đời sống” đã được ĐTC Phanxicô phê chuẩn. Ngài cũng lập ra các chức vụ với trọng trách cao dành cho giáo dân. Việc còn lại là bổ nhiệm các vị hữu trách.

Cuộc canh tân Giáo triều, phần III. Sau lãnh vực kinh tế và tài chánh, rồi đến lãnh vực truyền thông, ĐTC Phanxicô tiếp tục công cuộc đổi mới qua việc sáp nhập các hội đồng Tòa Thánh trong Giáo triều Rome. Ngày 4.6, ngài đã chuẩn y các quy chế của thánh bộ lớn trong tương lai phụ trách “giáo dân, gia đình và đời sống”. Theo thuật ngữ chính thức được ghi nhận, “bộ” này đã được mọi người trông chờ từ lâu. Nó sẽ thay thế các hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và gia đình hiện nay.

Các quy chế cũng dành một vị trí tốt đẹp cho giáo dân trong việc vận hành cơ quan mới này của Giáo triều. Thánh bộ sẽ được chủ trì bởi một tổng trưởng, hẳn nhiên sẽ là một Hồng y. Tuy nhiên, “nhân vật số 2 có thể là một giáo dân”, bản văn gồm 13 điều ghi rõ.

Biểu đồ tổ chức cũng dự kiến là ba bộ phận của thánh bộ (giáo dân, gia đình, đời sống), mỗi bộ phận sẽ được cai quản bởi một phó thư ký và cả ba vị trí này phải do giáo dân đảm nhận. Hiện nay, thư ký cũng như phó thư ký của Hội đồng Tòa Thánh phụ trách giáo dân, và đặc trách Ngày Quốc tế Giới trẻ, là các giáo sĩ.

Quy chế cũng buộc các giáo dân, được làm việc trong thánh bộ hay là thành viên của cơ quan tương đương với hội đồng quản trị của bộ, phải xuất thân từ các vùng miền khác nhau trên thế giới. Bản văn chỉ rõ các thành viên này sẽ là “những người nam hay nữ, độc thân hay lập gia đình, dấn thân trong các môi trường sinh hoạt đa dạng (…) và sẽ phản ánh tính chất phổ quát của Giáo hội”. Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân hiện nay với các thành viên gồm 20 giáo dân và 17 hồng y.

“Ý thức về đồng trách nhiệm”

Trên nguyên tắc, mục tiêu của bộ là “tạo cho giáo dân ý thức được sự đồng trách nhiệm”. Đặc biệt qua “sự hiện diện tích cực và đầy trách nhiệm của họ trong các cơ quan tư vấn điều hành hiện có trong Giáo hội theo mức độ phổ quát và đặc thù”. Việc giao thêm trọng trách cho giáo dân, không những trong thánh bộ mới mà còn trong toàn thể Hội Thánh, phù hợp với ý muốn của ĐTC Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ từ lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài.

Cơ quan mới của Giáo triều sẽ phải đề ra những “chỉ dẫn các chương trình đào tạo” dành cho việc chuẩn bị hôn nhân và giới trẻ, “với sự quan tâm đặc biệt đến người nghèo và những người bị gạt bên lề xã hội”. Trong cuộc trao đổi với báo La Croix, Đức Giáo hoàng đã cho thấy sự cần thiết của những “chỉ dẫn” ấy. Những đường hướng đó tiếp theo sau tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui tình yêu) của ngài và các thượng hội đồng về gia đình.

Về việc bảo vệ sự sống, đặc biệt nhằm giúp đỡ các tổ chức “ngăn ngừa việc phá thai” và cũng để “giúp đỡ các phụ nữ lẽ ra đã phá thai”. Thánh bộ tương lai này cũng sẽ điều phối các “sáng kiến ủng hộ việc sinh sản có trách nhiệm” và về “việc bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai đến lúc chết đi cách tự nhiên”. Thánh bộ cũng sẽ chịu trách nhiệm xúc tiến việc đào tạo “dựa trên luân lý Công giáo và huấn quyền của Hội Thánh” về các vấn đề đạo đức sinh học và quyền được sống, nghịch lại các “ý thức hệ đang phát triển, liên quan đến đời sống con người và thực tại giới tính”. ĐTC Phanxicô thường tố giác các việc “thực dân hóa bằng ý thức hệ” được thực hiện tại các nước thay vì hỗ trợ phát triển.

Bổ nhiệm

Điều còn lại Đức Giáo Hoàng phải làm là bổ nhiệm các vị hữu trách thánh bộ tương lai từ đây cho đến lúc quy chế có hiệu lực vào ngày 1.9.2016. Vị chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiện nay về giáo dân là Đức Hồng y Stanislaw Rylko, người Ba Lan. Có lẽ ngài sẽ thôi giữ chức vụ này, vì sẽ được bầu làm Tổng Giám mục giáo phận Cracovie sau các Ngày Quốc tế Giới trẻ diễn ra vào cuối tháng bảy. Còn Đức cha Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã gặp phải những rắc rối về pháp lý tại Ý.

Như thế, cuộc cải cách Giáo triều đã được chuẩn bị bởi nhóm chín hồng y cộng sự của Đức Giáo Hoàng. Thật vậy, công cuộc canh tân này được thực hiện trước một sự việc đổi mới khác, cũng đã được mong chờ. Đó là việc hòa nhập nhiều Hội đồng Tòa Thánh nên một Hội đồng như đã được thông báo, gồm các tổ chức “Cor Unum” phụ trách công việc bác ái, “Công lý và hòa bình” và tổ chức chăm lo di dân. Đây cũng là phần tiếp theo của việc cải cách.

THÀNH KHÁNH


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận