Chỉ Có Một Điều Cần Thôi

Đăng lúc: Thứ ba - 19/07/2016 02:19 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN THÔI
 
Trong một xã hội đang bận rộn với những toan tính hưởng thụ vật chất, thì khả năng lắng nghe và đối thoại cách chân thành lại là chìa khóa và gốc rễ mang lại sự bình an. Trên chuyến hành hương lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã ghé vào nhà hai chị em Mácta và Maria, và Người cũng đang muốn bước vào căn nhà tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúa không vào nhà của chúng ta để hưởng thụ những bữa ăn ngon hay tiện nghi vật chất, nhưng Người muốn trò chuyện, chia sẻ những vui buồn sướng khổ với chúng ta. Chúa muốn chúng ta mở cửa tiếp đón Người, bằng một tâm hồn tĩnh lặng ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người, chứ không phải bằng những tất bật lo toan bên ngoài. Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài huấn dụ trước Kinh Truyền Tin cho những khách hành hương đang tập trung tại quảng trường thánh Phêrô vào Chúa Nhật XVI Thường Niên, ngày 17/07/2016.

Anh chị em thân mến !
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại việc Chúa Giêsu hành trình lên Giêrusalem, Người vào trong một ngôi làng và được đón tiếp tại nhà hai chị em: Mácta và Maria (x. Lc 10, 38-42). Cả hai chị em đều tiếp đón Chúa, nhưng lại thể hiện những cách thức khác nhau. Maria ngồi bên chân Chúa Giêsu và lắng nghe lời Người (x. c. 39), trong khi Mácta thì rất tất bật lo chuẩn bị đủ thứ. Ngay lúc đó, cô nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, em con để con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (c. 40). Và Chúa Giêsu trả lời: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (cc. 41-42).
Trong sự tất bật và lo lắng chuẩn bị đủ thứ, cô Mácta đang có nguy cơ lãng quên sự hiện diện của vị khách, mà trong trường hợp này là Chúa Giêsu – và đây mới là vấn đề. Cô quên bặt đi sự hiện diện của Một Vị Khách. Một Vị Khách không đơn thuần chỉ đến để được phục vụ, được ăn uống và chăm sóc về mọi mặt. Trên tất cả là sự cần thiết để lắng nghe Người – nhắc lại cũng từ này – hãy lắng nghe. Vị Khách đó có thể được chào đón như một con người, với lịch sử, tư tưởng và tâm hồn giàu tình cảm, để Người có thể cảm nhận cách thực sự rằng, Người đang ở trong một gia đình. Nhưng nếu bạn đón chào một vị khách vào nhà bạn, mà bạn tiếp tục làm đủ thứ việc, và để vị khách ngồi yên lặng một mình, bạn không nói gì với vị khách như thể vị khách là một hòn đá – vị khách đó làm bằng đá sao! Không.
Một vị khách phải được lắng nghe. Chắc chắn câu trả lời Chúa Giêsu dành cho cô Mácta – khi Người bảo cho cô biết chỉ có một điều cần thiết mà thôi – cho thấy ý nghĩa đầy đủ của nó ám chỉ đến việc lắng nghe chính lời Chúa Giêsu, lời này chiếu sáng và nâng đỡ tất cả những gì “chúng ta là” và tất cả những gì “chúng ta làm”. Ví dụ như trước một thập giá, nếu chúng ta cầu nguyện, và chúng ta chỉ nói, nói và nói, rồi sau đó bỏ đi, chúng ta không lắng nghe Chúa Giêsu nói. Chúng ta không cho phép Người nói trong tâm hồn chúng ta. Hãy lắng nghe – từ này là chìa khóa. Đừng quên việc đó. Chúng ta không thể quên rằng, lời Chúa Giêsu soi sáng cho chúng ta; nó nâng đỡ chúng ta và nâng đỡ tất cả những gì chúng ta “hiện hữu và hoạt động.”
Chúng ta cũng đừng quên rằng, trong ngôi nhà của Mácta và Maria, Đức Giêsu, trước khi hiện diện với tư cách là Thiên Chúa và Thầy Dạy, thì Người là một khách hành hương và khách trọ. Do đó, câu trả lời của Người mang một ý nghĩa trực tiếp trước hết và trên hết này: “Mácta, Mácta, sao con lo lắng quá nhiều đến độ mà con quên luôn sự hiện diện của vị khách này ?” Đúng là khách mời của đá! Hãy tiếp chuyện với Người, còn những thứ khác thì không cần thiết; đúng hơn, chỉ có một điều cần thiết mà thôi: hãy lắng nghe lời Người, hãy cho Người thấy một thái độ huynh đệ, như Người cảm giác rằng mình đang ở trong một gia đình, chứ không phải trong một chỗ dừng chân hay một nơi tạm trú.
Hãy hiểu điều này, lòng hiếu khách là một trong những hành động của lòng thương xót, được nhận thấy cách thực sự nơi một đức tính nhân bản và là nhân đức của người Kitô hữu, một nhân đức mà trong thế giới ngày nay đang có nguy cơ bị gạt sang một bên. Quả thật, có nhiều nhà nghỉ và chỗ ở với đầy đủ tiện nghi đang mọc lên, nhưng trong những nơi này, không có chỗ cho một tấm lòng hiếu khách thực sự. Có nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau được thành lập để trợ giúp những người đau yếu, cô thế cô thân, những người đang sống ngoài lề xã hội, nhưng có khả năng đang làm giảm bớt, hạn chế người nhập cư, họ đang bị đẩy ra lề xã hội, bị xua đuổi, và có thể tìm đâu ra một ai sẵn sàng lắng nghe người đó. Người nhập cư, người tỵ nạn, người di dân – hãy lắng nghe câu chuyện đau buồn này. Ngay cả trong chính ngôi nhà của chúng ta, trong chính gia đình chúng ta, thật dễ dàng để tìm kiếm sự phục vụ và chăm sóc đủ loại hơn là việc lắng nghe và đón chào.
Ngày nay, chúng ta quá bộn rộn và vội vàng như vậy, với quá nhiều vấn đề khó khăn, tuy một vài trong số chúng thì không quan trọng, điều đó làm cho chúng ta đang nghèo nàn khả năng để lắng nghe. Chúng ta luôn bận rộn và do đó chúng ta không có thời gian để lắng nghe. Tôi (Đức Giáo Hoàng) muốn hỏi tất cả mỗi người trong chúng ta, và mỗi người hãy tự trả lời cho chính mình: Bạn, người chồng, bạn có thời giờ để lắng nghe người vợ của mình không ? Bạn, người vợ, bạn có thời giờ để lắng nghe người chồng của mình không ? Các bạn, những người cha người mẹ, các bạn có dành thời gian để lắng nghe con cái, ông bà, người già không ? “Những ông bà già thì luôn nói, họ đang buồn chán.” Và họ đang cần được lắng nghe. Hãy lắng nghe. Tôi hỏi bạn có học cách để lắng nghe và dành thời giờ hơn nữa cho việc này. Bởi khả năng để lắng nghe là gốc rễ của hòa bình.
Xin Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ của việc lắng nghe và ân cần phục vụ, dạy cho chúng con biết đón chào và tỏ lòng yêu mến với những anh chị em của chúng con.

Hoahướngdương, dịch, nguồn zenit.org.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận