Hòm Bia giao ước

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/08/2016 19:57 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
HÒM BIA GIAO ƯỚC
(Xh 26,31-33; Dt 9,4)
 

 
Hòm Bia Giao Ước là một hộp hình chữ nhật gắn viên đá ghi Mười Điều Răn (Xh 31,18; 32,15-16); bình vàng đựng manna (Xh 16,32-34); và cây gậy trổ hoa của ông Aharon (Ds 17,8-10.16-26). Hòm được đặt đằng sau một tấm màn che trong nơi Cực Thánh và chỉ một mình vị Thượng tế mới được vào mỗi năm một lần. Thiên Chúa đề nghị Môisê dựng Hòm Bia với một mẫu chi tiết chính Chúa đã chỉ, bao gồm loại gỗ keo, từ đó Hòm Bia đã được dựng lên và hoàn toàn bọc vàng ròng cả trong lẫn ngoài. Có hai tượng Kê-ru-bim rạng ngời vinh quang Thiên Chúa ở hai bên, giang cánh lên che phủ trên nắp xá tội. Hòm Bia có thể được di chuyển cùng với Nhà Tạm và dân Israel. Ngay cả hai người đàn ông tham gia vào công việc dựng Nhà Tạm, Bơ-xan-ên và O-ho-li-áp, cũng là những người được Thiên Chúa chỉ định cách đặc biệt. Trong cuộc diễu hành từ Sinai và tại điểm giao của sông Giođan, Hòm Bia Giao Ước đã đi trước dân và là dấu hiệu của họ với các phép lạ – sự chúc lành và lời nguyền rủa – Theo sự di chuyển của Hòm Bia, sông Giođan trở nên khô ráo khi bàn chân của các tư tế khiêng Hòm Bia chạm vào nước. Khi Hòm Bia đi vòng quanh Giêricô, tù và được thổi lên, các bức tường của thành phố đã đổ xuống. Hòm Bia được coi là lực lượng vĩ đại đối với trận chiến thắng trên thành phố. Sau đó, khi dân đứng hai bên Hòm Bia, ông Giosuê đọc cho dân nghe mọi lời của lề luật (Gs 8,33-34) và rồi ông và con cái Israel đặt Lều Hội Ngộ tại Silô (Gs 18,1).
Hòm Bia là một biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa hướng dẫn dân của Ngài. Dân Israel thường xuyên đặt Hòm Bia vào giữa các trận chiến, và Hòm Bia sẽ cứu họ khỏi bàn tay quân thù. Vì thế,  người Philitinh đưa ra quyết tâm phải chiếm được Hòm Bia, và họ đã thành công (1Sm 4,3). Khi sứ giả từ mặt trận chạy về, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất, để mang tin tức về thảm họa Hòm Bia Thiên Chúa đã bị chiếm đoạt. Vị tư tế Êli từ ghế ngã ngửa xuống, giập gáy mà chết. Con dâu ông khi nghe tin, cũng khuỵu xuống và sinh một con trai vào thời điểm đó, nàng đặt tên cho đứa trẻ là “I-kha-vốt” – có nghĩa là “vinh quang ở đâu”, vì Hòm Bia Thiên Chúa đã bị chiếm đoạt (x.1Sm 4,12-22).
Người Philitinh chiếm đoạt Hòm Bia nhưng không được chúc lành mà gặp rủi ro. Trong suốt bảy tháng Hòm Bia ở với họ, ngôi đền của thần Đa-gôn tại Át-đốt đã xảy ra những sự kiện kỳ diệu, vị thần ngoại giáo Đa-gôn đã phải gục xuống, bị chặt gãy tay và đầu trước Hòm Bia, và một bệnh dịch với những khối u (có lẽ bệnh trĩ) và những con chuột đang phá phách xứ sở (1Sm 6, 5).
Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của vị thượng đế này, người Philitinh đã làm những khối u và những con chuột bằng vàng như một của lễ đền tội, đặt Hòm Bia trong cánh đồng của ông Giơ-hô-sua người Bết Se-mét, và họ dâng những lễ toàn thiêu cũng như tiến những hy lễ lên Đức Chúa. Với sự tò mò, những người đàn ông Bết Se-mét nhìn chằm chằm vào Hòm Bia và khoảng 50.000 trong số họ đã nói “Chúng tôi đắc tội với Đức Chúa”. Họ đã rất sợ hãi và lo lắng rằng khi rời họ, Thiên Chúa sẽ lên với ai? Cuối cùng họ đã đưa Hòm Bia vào nhà ông A-vi-na-đáp và thánh hiến E-la-đa, con ông, để giữ Hòm Bia (1Sm 6-7). Hòm Bia đã ở lại đây 20 năm.
Rõ ràng, các vua chúa và các nhà lãnh đạo quân sự khác đã thấy rằng Hòm Bia ở với họ là rất cần thiết để chiến thắng trong các trận chiến, cầu nguyện trước Hòm Bia mỗi khi ra trận. Tuy nhiên, vua Sa-un quá thiếu kiên nhẫn để tỏ lòng tôn kính Hòm Bia trước khi đi vào trận chiến nên đã phải chịu đựng những hậu quả. Đavit hiểu được tầm quan trọng của Hòm Bia, đã di chuyển Hòm Bia đến Xi-on, giữa niềm vui mừng lớn. Trên đường đi một tài xế xe ngựa cố gắng giơ tay đụng Hòm Bia nên đã bị Thiên Chúa đánh phạt giết chết ngay tại đó. Vì thế, thời gian cung nghinh Hòm Bia về Thành vua Đavit bị chậm trễ ba tháng. Điều này nhắc nhở tất cả những người có liên quan rằng đây là một di tích thiêng liêng. Giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình được giao cho các thầy Lêvi khiêng Hòm Bia, vì nhiệm vụ của họ là phụng sự Hòm Bia đến muôn đời. Đavit đã mặc bộ áo lễ của thầy tế Do Thái bằng vải lanh, nhảy múa và hát trên đường đi, loan báo niềm vui vì Hòm Bia đã ở trong Thành của ông. Ông đã đặt Hòm Bia trong Nhà tạm, và sau đó Salômôn đã đặt tại nhà trong Nơi Cực Thánh – là vị trí thiêng liêng nhất của đền thờ. Hòm Bia Giao Ước là đối tượng linh thiêng nhất của người Do Thái, là ngai của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa và con người có thể gặp gỡ nhau khi vị Thượng Tế bước vào Nơi Cực Thánh trong Ngày Xá Tội. Thành phố Giêrusalem đã được coi là nơi linh thiêng vì Hòm Bia Giao Ước được đặt ở đó (Morris Jastrow, Jr, Charles Mendelshon et al. 2004).
Không ai chắc chắn về số phận cuối cùng của Hòm Bia sau khi Đền thờ của Salômôn bị phá huỷ. Một số người tin rằng Hòm Bia đã được đưa đến Babylon. Một số người lại nghĩ rằng vua Giô-si-a giấu Hòm Bia và các bình thánh khác, có lẽ đã chôn giấu chúng. Một số người tin rằng Thiên Chúa đã mang Hòm Bia lên Trời, và thỉnh thoảng các thiên thần lại đưa xuống Trái đất lần nữa. Sách ngôn sứ Giêrêmia 3,16 dự đoán một lúc nào đó Hòm Bia của Đức Chúa sẽ không còn được nhớ đến. Nhưng thư Do Thái 9,4 đưa ra một thị kiến về Hòm Bia với Chúa Kitô là vị Thượng Tế vĩnh viễn trong sự hiện diện của Thiên Chúa.
 Đọc thêm:
– Jastrow, Morris, Jr., Charles J. Mendelshon, Marcus Jastrow, Isaac Husik, Duncan B. McDonald, and George A. Barton, “Ark of the Covenant”, http: //www.jewishencyclopedia.com (accessed December 20, 2004).
– Kitchen, K. A. “Ark of the Covenant”, in The Illustrated Bible Dictionary.  Sydney, Australia: Tyndale House Publishers, 1980.
  Sr. Maria Ngô Liên chuyển ngữ
 từ “All Things in the Bible” của tác giả Nancy M.Tischler
http://daminhtamhiep.net/
 
Từ khóa:

giao ước

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận