Phẩm Giá Và Vai Trò Của Từng Chi Thể Trong Một Thân Thể

Đăng lúc: Thứ ba - 17/05/2016 16:49 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
PHẨM GIÁ VÀ VAI TRÒ CỦA TỪNG CHI THỂ TRONG MỘT THÂN THỂ

Chào bạn!

Hôm nay, chúng ta sẽ nói về vai trò và phẩm giá của con người. Bạn có biết thế nào là vai trò và thế nào là phẩm giá con người? Nếu tra từ điển tiếng Việt, bạn sẽ biết được vai trò là tác dụng, chức năng trong sự hoạt động, sự phát triển của cái gì đó; còn phẩm giá là phẩm chất và giá trị riêng của con người. Thế theo bạn điều gì làm nên giá trị của con người? – sự giàu sang hay quyền bính, màu da hay giai cấp, đại gia hay đại ca…?

Khi ra đường, bạn thấy một người ăn mặc bảnh bao, xài hàng hiệu, sử dụng Iphone 7, đi xe BMW, sống trong những căn biệt thự sang trọng, thì phải chăng người đó mới có giá trị? Nếu hiểu những giá trị trên làm nên phẩm giá con người, thì chắc có lẽ nhân loại này chỉ có một phần nhỏ số người là có giá trị mà thôi, còn mình và bạn chắc nằm trong phần lớn nhân loại không có giá trị đó! Nhưng mình nói với bạn, không phải giàu có, nhà cao cửa rộng, hay quyền thế, chức cao vọng trọng, xài hàng hiệu…là người có phẩm giá đâu. Lại càng không phải tù nhân hay nô lệ, đàn ông hay đàn bà, người lớn hay thai nhi, da trắng hay da màu là họ không có nhân phẩm, hay nhân phẩm họ khác nhau đâu. Trước mặt Chúa, phẩm giá của mỗi người đều được nhìn nhận và bình đẳng. Và phẩm giá con người có được là khi con người ở trong tương quan với Thiên Chúa. Và như vậy thì chắc chắn mình và bạn luôn có giá trị! Vậy đâu là nguồn gốc làm nên giá trị con người?

Một số truyền thống văn hóa vùng Lưỡng Hà Địa[1] cho rằng, con người xuất phát từ các thần, với bản tính gian ác và mục đích là làm nô lệ, phục vụ cho các thần. Truyền thống Kinh Thánh cũng chịu ảnh hưởng văn hóa của vùng đất trên, nhưng đã có một bước đột phá khi cho rằng, con người phát xuất từ Thiên Chúa, mang trong mình hình ảnh và hơi thở của Thiên Chúa. Vì thế, bản tính của con người là thánh thiện; mục đích của con người được Thiên Chúa dựng nên là để hưởng hạnh phúc, “làm bá chủ chim trời, cá biển và muôn loài thụ tạo”, cộng tác với Thiên Chúa trong việc quản cai và chăm sóc vũ trụ (x. St 1, 26). Do đó, việc con người đến từ Thiên Chúa, mang “bản tính thiện”, làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo; chứ không phải con người đến từ các thần, mang “bản tính ác”, và làm nô lệ. Việc người ta nhìn thấy sự gian ác của con người là do con người đã đi sai đường lối Thiên Chúa, khước từ Thiên Chúa, dẫn đến chối bỏ anh em, và hủy hoại thiên nhiên vạn vật. Trong Kinh Thánh, con người trổi vượt trên tất cả mọi thụ tạo vì giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người có lý trí, ý chí, tự do, tình yêu. Phẩm giá của con người đã bị tội lỗi làm hoen ố, hư hoại, nhưng Thiên Chúa đã chuộc lại phẩm giá con người bằng chính giá máu châu báu của Con Một Người là Đức Giêsu Kitô.

Đến đây, chúng ta nói về vai trò của con người xét trong tương quan với Thiên Chúa, và với anh em đồng loại. Xét về mối tương quan với Thiên Chúa và với anh em đồng loại, mình đã từng đề cập trong bài “Môi trường sống đích thực dành cho các bạn trẻ”[2], với việc “sống trong”, “cùng bước với”, và “thuộc về”Đức Kitô và Giáo Hội. Còn tương quan giữa người với người, mình có nói sơ qua trong bài “Con đường về quê hương đích thực”[3], về tam tòng – tứ đức, tam cương –  ngũ thường. Bạn biết không, người Phương Đông chúng ta nói về các mối quan hệ, vai trò chức năng, bổn phận giữa người với người rất hay như: đối với người phụ nữ thì phải có tam tòng – tứ đức, tức “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, nghĩa là ở nhà theo cha, ra lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con; và cần phải có thêm những đức tính: công, dung, ngôn, hạnh, ngoài các nhân đức nền tảng (ngũ thường)nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Còn đối với người đàn ông thì cần phải kèm thêm những đức tính: hiếu, đễ[4]trung, tin. Xét về các mối tương quan (tam cương), tức là ba mối quan hệ trong đạo làm người: vua – tôi: thì phải giữ lấy chữ trungcha – con: thì phải giữ lấychữ hiếu, và vợ – chồng: thì phải giữ lấy chữ trinh. Đó chính là tư tưởng của người Phương Đông xưa, nhưng bạn có nhận ra rằng, người Phương Đông thường nhấn mạnh vai trò chức năng hay bổn phận, chứ họ ít đề cập đến phẩm giá con người, may ra họ chỉ biết rằng: con người khác với con vật (nhân linh ư vạn vật), chứ họ chưa có quan niệm về tự do, bình đẳng: tất cả mọi người cần phải được đối xử ngang nhau xét vì là con người. Còn người Phương Tây thì cho rằng: con người là động vật có lý trí và như là con vật xã hội[5]. Nói khác đi, chính lý trí và tính xã hội là những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa con người với các động vật khác.

Ngày nay, con người đề cao tự do bình đẳng giới, nhưng có vẻ họ không hiểu được, hoặc cứ lẫn lộn, không xác định rõ điều gì thuộc về phẩm giá, điều gì thuộc về vai trò chức năng của con người. Tự do con người thuộc về bình diện phẩm giá, chứ không phải là thuộc về vai trò chức năng. Thành thử, có những người đã đi quá xa đến độ coi tự do con người là tuyệt đối, muốn làm gì thì làm; và con người có quyền không những trên phương diện nhân phẩm, mà còn trên cả phương diện chức năng, hoặc ngược lại. Mình xin đơn cử một thí dụ thế này để cho bạn dễ hiểu: Nếu người phụ nữ cứ đòi cho mình được quyền tự do đến nỗi họ từ khước luôn vai trò làm mẹ, thì có phải là họ đã hiểu sai về tự do không? Hoặc nếu người đàn ông cứ đòi cho mình quyền tự do đến độ biến người phụ nữ thành công cụ thỏa mãn các thèm muốn của họ, thì phải chăng những người đó đã không hiểu được phẩm giá và chức năng của người nữ?; hay họ cũng không hiểu được vai trò của mình đối với vợ con, gia đình, và không đủ tôn trọng phẩm giá của vợ, cũng như của chính bản thân mình?
Tóm lại, mình muốn nói với bạn thế này: Phẩm giá của con người đến từ Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4, 8). Tất cả những gì con người có đều xuất phát từ một Tình Yêu duy nhất, bởi “chỉ có một Thần Khí, một Chúa, một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (x. 1Cr 12, 4-6; Ep 4, 4-6). Mỗi người trong chúng ta hợp thành một Thân Thể duy nhất, nhưng lại có nhiều bộ phận khác nhau, thực hiện nhiều vai trò chức năng khác nhau. Và nhân loại là một đại gia đình trong đó có Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô Giêsu là Trưởng Tử, là Thủ Lãnh và là Đầu của Thân Thể, và mọi người là anh em với nhau. Thế nên, không có chuyện chia rẽ, phân biệt đối xử với nhau trong một gia đình, một cộng đoàn, một Thân Thể duy nhất. 

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con được hiệp nhất nên một trong tình yêu Chúa. Amen.

Chào bạn!
Chúc bạn một ngày đầy tràn niềm vui và bình an của Chúa

hoahướngdương
 

[1] Vùng đất nằm giữa hai con sông Euphrates và Tigris, miền Mesophotamia: Irad (Đế quốc Babylon), Assyria (Đế quốc Assur).
[2] X. hoahướngdương, Môi trường sống đích thực dành cho các bạn trẻ, http://www.gpphanthiet.com.
 
[3] Nt.
[4] Giữ trọn bổn phận làm em hoặc anh trong nhà.
[5] Tư tưởng của Aristote trích trong Đời sống tâm linh XIII của cha Phan Tấn Thành, O.P, Mang Tin Mừng vào các thực tại trần thế, nxb. Tôn giáo, Tp. HCM, 2015, tr. 79-91.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận