Sự Thật và Sự Giả Dối

Đăng lúc: Thứ bảy - 21/05/2016 01:53 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
SỰ THẬT VÀ SỰ GIẢ DỐI

Chào bạn!
Nếu mình hỏi bạn: Thế nào là sự thật? Thế nào là sự giả dối? - chắc hẳn bạn nghĩ là quá dễ phải không? - sự thật là sự thật, còn sự giả dối là giả dối. Và bạn có thể lấy rất nhiều ví dụ để minh chứng cho câu trả lời của bạn. Nhưng giả như mình hỏi: Tiêu chuẩn nào để nhận biết và phân biệt sự thật với sự giả dối? - chắc bạn không dễ có câu trả lời thỏa đáng.
Bạn có biết rằng, ngày nay, người ta chú trọng vào việc quảng cáo, đặc biệt qua các phương tiện truyền thông. Người ta đánh mạnh vào các giác quan của bạn, khiến bạn khó lòng phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Như thế, việc phân biệt được“thật - giả” không phải là việc đơn giản trong thế giới ngày nay. Tại sao chúng ta khó phân biệt “thật - giả” đến như vậy? Nhìn một bông hoa, ăn một hạt cơm, cầm một quả trứng gà, ngửi mùi mực khô, nghe những quảng cáo… chúng ta cứ ngỡ là thật, nhưng hóa ra tất cả đều là giả. Chúng ta rất khó phân biệt thật giả bởi người ta đã thay đổi “bản chất” của sự vật. Đâu còn chuyện “ớt không cay”, “chanh không chua”, “hồng không gai”, hay “quả bồ hòn không méo” nữa. Và như thế có người đã cho rằng, với lý trí hữu hạn, bị lệ thuộc vào không gian và thời gian, con người không thể nhận biết được “sự vật là gì”, nghĩa là không thể biết được sự thật về chính sự vật. Nếu thật sự là như thế, làm sao để ta có thể nhận biết được sự thật đây? Làm sao ta có thể phân biệt được “thật - giả” giữa một “thế giới vàng – thau” lẫn lộn?
Đó là chuyện của cuộc sống bên ngoài xã hội; qua những sự kiện đó, mình muốn dẫn bạn đến với một sự thật sẽ mang đến cho bạn tự do đích thực. “Sự thật sẽ giải thoát bạn” (x. Ga 8, 32). Bạn đừng sợ khi đang ở giữa một thế giới nô lệ cho tội lỗi và sự giả dối, bởi biết rằng, sự thật sẽ giải thoát bạn, sẽ mang đến tự do cho bạn. Vậy sự thật là gì? Sự thật nào sẽ giải thoát chúng ta khỏi cái thế giới đầy kinh tởm ấy? Bạn biết không, có người lại cho rằng: muốn biết được sự thật, tức là đạt được tự do, con người phải giết chết Thiên Chúa, - có phải như vậy không? Khi đứng trước mặt quan Philatô, Chúa Giêsu đã cho ông ta biết: “Người sinh ra và đến trong thế gian này nhằm mục đích là làm chứng cho sự thật. Và ai đứng về sự thật thì nghe tiếng Chúa”. Nhưng Philatô lúc đó cũng giống như chúng ta bây giờ không hiểu “sự thật là gì?”, nên mới hỏi Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu đã không trả lời (x. Ga 18, 37-38). Phải chăng Chúa Giêsu không biết “sự thật là gì”? Nếu Người không biết “sự thật là gì”, thì sao Người lại làm chứng cho sự thật được. Trở lại với câu hỏi của Philatô: “sự thật là gì?”, với mục đích muốn hiểu biết được sự thật, nhưng ông lại chưa thoát ra khỏi quan niệm về một sự thật mang tính chủ quan, thì làm sao biết được sự thật. Vả lại, câu hỏi ấy của ông Philatô có vẻ như sai ngay từ bản chất, đúng ra phải hỏi: “sự thật là ai?”. Quả vậy, sự thật không phải là một “cái gì” mà con người có thể nắm bắt được. Sự thật lại càng không phải là một “cái gì mang tính chủ quan” như ngày nay người ta vẫn hay quan niệm, đặc biệt trong lãnh vực tính dục[1]. Đúng ra, Sự thật là một con người và mang tính khách quan; Sự thật đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Người đang đứng đối diện trước mặt Philatô, đang bị điệu ra ngoài trước mặt toàn dân và được Philatô trả về cho dân: “Đây là Người” (Ga 19, 5). Như thế, cả Philatô và toàn dân đều khước từ Sự thật ấy, “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 10-11). Chúa Giêsu chính là Ánh sáng sự thật, và Người cũng chính là Đấng làm chứng cho sự thật. Bạn muốn phần nào hiểu biết được sự thật, thì trước hết đòi hỏi bạn phải ra khỏi chính mình, từ bỏ cái tôi, nghĩa là từ bỏ đi quan niệm về “một sự thật chủ quan”, để dấn thân gắn bó vào “một sự thật khách quan”. Quả thật, nếu bạn muốn biết được sự thật, đạt được tự do đích thực, thì không phải là giết chết Thiên Chúa, nhưng là sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu Kitô và lời giảng dạy của Hội Thánh Người; khi đó, bạn sẽ nhận biết được sự thật và sự thật sẽ giải thoát bạn.
Chúa Thánh Thần là Thầy dạy chân lý. Chính nhờ Thần Khí sự thật sẽ dẫn đưa bạn tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho bạn biết những gì sẽ xảy đến (x. Ga 13, 15). Khi nhìn trở lại cuộc sống, một trong những tiêu chuẩn giúp bạn nhận biết và phân biệt được đâu là sự thật, đâu là sự giả dối, là bạn dựa vào những hoa quả mà chúng mang lại cho cuộc sống bạn. Nếu là những hoa quả: “bác ái, bình an, hoan lạc, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22-23a), thì điều ấy là sự thật. Đó là những hoa quả của Thần Khí sự thật mang lại, và bạn cứ nhìn quả thì sẽ biết cây. Và căn cứ vào điều này, bạn nhận ra Thần Khí sự thật của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa (x. 1Ga 4, 2); và bạn nên nhớ, “nếu ý định hay công việc là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì không ai có thể phá hủy được” (x. Cv 5, 38-39).
Tóm lại, Chúa Giêsu Kitô là con đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14, 6a); “chính vì để cho bạn được mãi tự do mà Đức Kitô đã giải thoát bạn” (x. Gl 5, 1). Chúa Thánh Thần là Thầy dạy sự thật, sẽ giúp bạn nhận ra đâu là sự thật, đâu là sự giả dối. Và ngôn ngữ duy nhất của Chúa Thánh Thần là “Tình Yêu và Lòng Thương Xót”, hiểu theo nghĩa Tình Yêu luôn tồn tại trong Ba Ngôi Thiên Chúa, và trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người khi chưa sa ngã, phạm tội. Và Tình Yêu ấy chỉ biến thành Lòng Thương Xót sau khi con người đã sa ngã, phạm tội. Và chỉ có Lòng Thương Xót mới cứu được thế giới[2].Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong chân lý Chúa.
Chào bạn!
Chúc bạn một ngày đầy tràn niềm vui và bình an của Chúa
hoahướngdương
 

[1] X. hoahướngdương, con đường về quê hương đích thực, http://www.gpphanthiet.com.
[2] X. Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2016 của cha Raneiro Cantalamessa trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma,http://www.vietcatholic.org, J.B. Đặng Minh An. dịch 3/29/2016.
 


CON ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG ĐÍCH THỰC

Chào bạn! Nếu mình hỏi bạn rằng: Quê hương đích thực của chúng ta ở đâu? – chắc hẳn bạn sẽ trả lời được: Quê hương đích thực của chúng ta ở trên trời. Nhưng giả như mình hỏi: làm sao hay bằng cách nào chúng ta có thể trở về Quê Trời? – chắc hẳn mỗi bạn sẽ có một câu trả lời khác nhau.
Có người nói rằng: con người ở mọi nơi và mọi thời luôn mang trong mình nỗi khắc khoải nhớ nhà; thế phải chăng ngôi nhà mình đang ở, quê hương mình đang sống không phải là nhà hay quê thật của mình sao? Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và lòng chúng con mãi khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”[1]. Như thế, khi chúng ta được nghỉ yên trong Chúa, là chúng ta đã thoả mãn được nỗi nhớ nhà. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62, 2). Nhưng làm cách nào chúng ta được nghỉ ngơi, được ở lại trong Chúa? Hay nói cách khác, chúng ta là những người trẻ, thì làm cách nào có thể trở về Quê Trời? Thưa rằng: Bạn muốn được về Quê thật thì hãy bước theo Chúa Giêsu. Bạn là người trẻ, bạn hãy giữ lấy tuổi xuân trong trắng của bạn, và đó là con đường mà bạn đang bước theo Đức Kitô. Nhưng làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? - thưa phải tuân theo lời Chúa dạy (Tv 119, 9).
Một thách đố lớn cho các bạn trẻ thời nay là làm sao giữ cho thân xác và tâm hồn của mình được trong trắng. Một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay là nạn mại dâm, cưỡng hiếp, phá thai, bạo lực học đường, hay nạn ly dị, thường xảy ra nhiều ở các bạn trẻ. Đâu là nguyên nhân của những tệ nạn trên? Như mình đã nói ở lần trước, con người thời nay sống nhiều ở bình diện cảm xúc; họ thường hành động và phản ứng theo cảm tính. Đó là hậu quả kéo theo của thời công nghệ truyền thông, thời văn hoá khiêu dâm, khi người ta chú trọng và đánh mạnh vào các giác quan, đặc biệt là những giác quan trội nơi người nữ, những giác quan dễ gây cảm xúc, tạo cho con người những cảm xúc hời hợt[2].
Có lẽ nước ta đang bước theo trào lưu văn hoá thời thập niên 1960-1970 tại một số nước Châu Âu, khi người ta cổ xuý tự do bình đẳng giới, tự do trong các mối quan hệ phái tính, tình dục. Não trạng của các bạn trẻ thời văn hoá khiêu dâm này đã thay đổi khá chóng mặt. Rất may cho chúng ta, khi nền văn hoá Phương Đông: tam tòng - tứ đức, tam cương – ngũ thường, đã ăn sâu vào tâm thức của chúng ta, nếu không trào lưu văn hoá đang thịnh hành sẽ phát triển và lan rộng một cách nhanh chóng tại Việt Nam, giống như đã từng xảy ra ở một số nước Châu Âu.
Bạn có biết rằng, nguyên nhân chính làm phát sinh trào lưu văn hoá ấy phát xuất từ quan điểm đồng hoá tính dục như một bản năng sinh tồn: đói ăn, khát uống. Họ coi văn hoá là sự tiến triển như kết quả của sự đè nén tự nhiên. Và như thế, họ cũng coi tính dục là lực tự nhiên, tích cực, đã bị đè nén bởi xã hội. Hay họ coi tính dục như một sự chọn lọc tự nhiên, khi cá thể của giới tính này ưa thích những đặc điểm nhất định của cá thể thuộc giới tính đối lập. Có những người còn đi quá xa khi coi việc ham muốn tình dục như là một vô thức bị đè nén bởi xã hội, không phải như một thứ có thể kiểm soát và vượt qua, mà như một thứ luôn tồn tại cả trong người nam lẫn người nữ. Vì thế, họ kêu gọi giải phóng tình dục, để dẫn tới thay đổi trật tự xã hội[3]. Bạn đã từng bao giờ nghĩ như thế chưa? Bạn có đang bị vương nhiễm những tư tưởng xấu như thế chưa?
Vậy làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? - thưa phải tuân theo lời Chúa dạy. Và chính khi bạn yêu mến Thiên Chúa là bạn đã tuân theo lời Chúa dạy[4]: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27). Yêu mến Thiên Chúa là bổn phận chính đáng và phải đạo của thụ tạo kính dâng lên Đấng Tạo Hoá. Nhưng làm sao bạn có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà bạn chưa trông thấy bao giờ? Ai có thể nói: tôi yêu mến Thiên Chúa nhưng lại ghét anh em mình chứ! Quả thật, người anh em bạn trông thấy mà bạn không yêu mến nổi thì làm sao bạn có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà bạn không trông thấy (x. 1Ga 4, 20). Do đó, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em phải luôn đi đôi với nhau. Đó là hai mặt của một đồng tiền, không thể tách rời nhau. Thế làm cách nào bạn có thể yêu thương anh em mình?
Bạn biết rằng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho chúng ta một câu trả lời thiết thực: đừng sống vô cảm hay dửng dưng với anh em mình. Nếu bạn biết yêu thương và quan tâm đến những người anh em bên cạnh mình, thì bạn đang bơi ngược dòng của trào lưu thế tục, để làm chứng cho những giá trị của chân lý, tức làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, Đấng đã yêu bạn và hiến mình vì bạn. Về cách thức sống thế nào được coi là không vô cảm, dửng dưng thì mình đã có dịp nói trong bài “Môi trường sống đích thực dành cho các bạn trẻ” rồi[5]. Một tin nhắn, một cú điện thoại hỏi thăm, một cuộc gặp gỡ đối thoại, một lời cầu nguyện, một bát nước lã, hay bất cứ một việc tốt nào bạn làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Chúa là bạn đã làm cho chính Chúa vậy (x. Mt 25, 40).
Tóm lại, bạn muốn được về Quê Trời thì hãy bước theo con đường thập giá của Chúa Giêsu, con đường của hy sinh, từ bỏ, khước từ những thú vui giả trá; và không có một con đường nào khác đem lại cho bạn hạnh phúc đời đời, ngoài con đường thập giá Đức Kitô. Bạn là người trẻ, bạn hãy giữ lấy tuổi xuân trong trắng của bạn, và đó là một con đường thập giá mà Đức Kitô trao cho bạn. Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.
Chào bạn!
Chúc bạn một ngày đầy tràn niềm vui và bình an của Chúa
hoahướngdương
 

[1] Confessiones I, 1 trích trong Hiến chế về Mục vụ, số 21.
[2] X. hoahướngdương, dấu chỉ của một tình yêu đích thực, http://www.gpphanthiet.com, 02/05/2016.
[3] X. VÉRONIQUE MOTTIER, Sexualitty - A very short introduction: Dẫn luận về Tính Dục, THÁI AN, dg., nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, 2016, tr. 56.74.75.95.
[4] X. 1Ga 5, 3.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận