Thứ ba tuần 11 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 17/06/2014 03:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 
THỨ BA TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN.
"Các ngươi hãy yêu thương thù địch".
 
Lời Chúa: Mt. 5, 43-48


Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: "Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù". Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo".

 
Suy Niệm 1: Yêu thương kẻ thù

Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: "Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ".
Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.
"Hãy yêu mến anh em mình", mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những "anh em" được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Nhưng tại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chính chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Ðấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.
Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 2: Tha thứ, được! Yêu thương, không!

“Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo thật anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt. 5, 43-44)
Yêu như Chúa Cha yêu thương
Yêu thương kẻ thù của ta. Yêu thương những ai làm ta thất vọng, làm tổn thương, phản bội và bầm dập ta. Yêu thương những ai không còn yêu ta nữa. Yêu thương những kẻ đã làm hư hỏng đời ta. Yêu như thế đó. Và đúng là Chúa đòi hỏi ta nhiều lắm. Chúng ta sẽ dám nói là quá nhiều nữa.
Không phải chúng ta chống lại việc yêu kẻ thù. Ta còn cảm thấy rõ rằng nếu có thể yêu tới mức đó mới thật là đẹp. Hãy yêu thương như Chúa Giêsu và Cha Người yêu thương chúng ta. Yêu thương đối lại với tất cả. Yêu thương bất chấp tất cả. Được như vậy, quả là tuyệt vời. Nhưng có thể được không? Có vừa sức ta không? Ta có thể đi tới đó được không?
Ta có thể cố gắng tha thứ cho kẻ đã làm khổ ta, có thể không tìm ác để trả ác. Nhưng yêu thù địch của ta, lại là một chuyện. Nếu Thiên Chúa có thế làm được điều này, thì ta có thể làm được không?
Tha thứ, chính là yêu thương nhiều
Khi tự thâm tâm, ta nói với người đã nhẫntâm làm khổ ta rằng: “Tôi tha thứ cho nó. Tôi sẽ cố gắng quên đi phần nào”; và ngay cả khi có nói thêm rằng: “Nhưng yêu hắn nữa, thì tôi không có thể!” … ấy là lúc ta đang đặt chân trên đường lành rồi. Chúng ta đã hành động như Thiên Chúa ước mong, bởi vì thực lòng tha thứ, chính là đã tỏ ra yêu thương nhiều.
Có những tình yêu sẽ không bao giờ tái sinh. Có những con người đã gần gũi với ta ngày nào và rồi có thể không gần cận nữa. Đó chính là những cảnh nghiệt ngã của cuộc sống mà thường thường ta không thể cưỡng lại được. Thế nên mỗi khi ta trục xuất hận thù ra khỏi lòng ta, mỗi khi ta không mong ước điều xấu cho người đã làm ta tan nát, mỗi khi ta muốn thành tâm cầu nguyện cho họ, là ta đang có đôi nét giống Cha. Và Cha vui thích nhìn ta khi không khép kín cửa lòng như vậy.
 

Suy Niệm 3: Yêu là một sự tham dự

Nhiều đoạn trong bài giảng Trên Núi làm chúng ta ngạc nhiên về lối diễn tả nghịch lý, và đặc biệt đoạn này: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ làm khổ ngươi. Đây là điều gây vấp phạm nặng cho những khuynh hướng tự nhiên của chúng ta. Nhưng đâu là ý nghĩa đích thực của những lời này? Thật khó mà xác định ý nghĩa cách mạnh mẽ, và nhất là phải tránh làm giảm giá chúng với ý định làm cho chúng trở nên dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên chúng ta có thể đưa ra một vài suy tư sau đây:
Danh từ ‘thù địch’ thời Chúa Giêsu có nghĩa trước nhất là đối thủ và kẻ bắt bớ dân thánh. Cũng có thể là kẻ xa lạ với dân được lựa chọn. Chính trong nghĩa này mà dư luận Do thái thời bấy giờ áp dụng cho từ ngữ Chúa Giêsu nhắc đến: Hãy ghét thù địch. Hơn nữa, cần nhớ là chữ “ghét” không phải luôn luôn có nghĩa mạnh như chúng ta thường hiểu. “Ghét” có thể là: từ chối mọi liên lạc, ruồng bỏ, xa lánh. Chẳng hạn các tư tế và Lêvi thành Giêrusalem xem những người xứ Samaria là “thù địch”; điều này cắt nghĩa thái độ của thầy tư tế và Lêvi trong dụ ngôn đã bỏ rơi người xứ Samaria với số phận của họ.
Trên bình diện thứ nhất này Chúa Giêsu phán, và Ngài phán điều đó với Giáo Hội của Ngài hôm nay: hãy yêu thương thù địch, kẻ bách hại và cầu nguyện cho họ, vì Cha trên trời cũng muốn họ được rỗi.
Trên bình diện thực tế hơn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vượt mọi hiềm khích. Người Kitô hữu không những phải tránh mọi tình cảm ghen ghét và thù hằn, mà còn phải mong muốn biến cải kẻ thù mình thành bạn hữu. Nếu thực tế đôi khi rất khó thực hiện, thì ít là bên trong tâm hồn mình điều đó phải được thực hiện. Nghị lực con người sẽ không đủ. Người Kitô hữu thành công được là người múc lấy sức mạnh trong tình yêu và gương sáng của Chúa Kitô.
Phải nhớ rằng hiềm khích không hẳn là một sự kiện như những sự kiện khác. Hậu quả trực tiếp của nó là Thập Giá Chúa Kitô, Thập Giá mà chúng ta tham dự vào. Cách thức chúng ta vượt thắng hiềm khích tùy thuộc cách thức chúng ta tham dự vào Thập Giá Chúa Kitô. Nếu chúng ta chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ yêu thương thù địch vì, với Đức Kitô trên Thập Giá, chúng ta hoạt động cho sự cứu rỗi của họ.
Tôi đã dùng sự đau khổ của tôi cho kẻ nào làm khổ tôi chưa?
 
Suy Niệm 4: Các con hãy nên trọn lành

Nữ tu Antoilette vẫn thường nhắc đến bệnh nhân già khó tính nhất trong bệnh viện, gặp ai ông cũng nhăn nhó nạt nộ. Có chuyện gì khó chịu một chút là ông la lớn, rùm beng lên. Ngày kia, đang lúc mải mê phục vụ các bệnh nhân, nữ tu Antoilette đã nghe thấy tiếng bệnh nhân già đó hét lên: “Đem cho tôi quả trứng”. Nữ tu Antoilette vui vẻ đem đến, nhưng bệnh nhân già lại nhăn nhó: “Trứng chưa chín đủ mà lại mang cho tôi ăn à?”, và nữ tu Antoilette vui vẻ mang trứng đi luộc lại. Nhưng rồi bệnh nhân lại kiếm lý do khác để gây phiền hà đến nữ tu: “Luộc trứng chín quá, tôi không ăn nổi đâu. Tôi muốn trứng khác”.
Nữ tu Antoilette không biết làm sao, chị bèn có sáng kiến chế một lò nấu nhỏ kê ở bên giường ông, và trao cho ông một quả trứng để chính ông có thể nấu lấy theo sở thích của ông. Người bệnh nhân thấy thế lại nổi giận hơn nữa. Ông đạp đổ bếp, quẳng trứng xuống sàn nhà và quát lớn: “Tôi là bệnh nhân mà đi luộc trứng à!”. Nữ tu Antoilette chẳng nói nửa lời, chỉ biết thinh lặng cúi xuống thu sạch và quét dọn. Lát sau, nữ tu đem đến cho bệnh nhân khó tính ấy một quả trứng khác và nhẹ nhàng nói với bệnh nhân: “Ông hãy dùng thử quả trứng này, tôi luộc vừa chín mà thôi”. Thái độ của nữ tu Antoilette đã làm cho bệnh nhân cảm động và lập bập nói: “Cám ơn nữ tu. Tôi ăn trứng này và cũng ăn cả lòng tốt của nữ tu nữa. Xin nữ tu tha thứ cho tôi”.
Tình thương bác ái phải được trải dài trong mọi giây phút, mọi hành động của cuộc sống. Tình thương đó luôn bị thử thách bởi những thái độ nghi kỵ, đối nghịch, khắt khe, khó tính, thiếu cảm thông của những người sống xung quanh ta. Khi phải đối diện với những người không thích mình, không hòa hợp, thông cảm với mình; thay vì đối đầu trả đũa thì ta hãy tự vấn mình xem có phải vì những tật xấu, những khuyết điểm của mình đã khơi dậy thái độ đối nghịch hay không? Có thể đôi khi chúng ta là thủ phạm đã gây nên những sự chống đối với người khác mà chúng ta lại không hay biết. Cách sống, cách suy tư, cách hành động của ta không phù hợp với những cách thức của anh em, hay cả những xúc phạm đến những anh em chung quanh mà chính mình không hay biết. Chính vì thế mà ta cần phải kiểm điểm lại đời sống của mình luôn, để đừng khơi dậy những ngăn cách với người khác.
Nhưng, cũng có những trường hợp ta bị đối xử oan ức, bị ghét bỏ cách bất công vì niềm tin của mình vào Chúa. Lúc đó chúng ta không còn gì khác đáp lại hơn là cầu nguyện xin Chúa thêm sức mạnh, để ta có thể tha thứ và yêu thương họ đến cùng như Chúa muốn. Và chúng ta cũng đừng bỏ cuộc, không rút lại điều tốt ta đang thực hiện như nữ tu Antoilette trong câu chuyện kể trên: “Phúc cho kẻ bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”. Tình yêu thương kiên trì của ta chắc chắn sẽ không trở thành vô ích, nhưng sẽ cảm hóa được người làm phiền lòng ta vào lúc chỉ có Chúa biết mà thôi. Phần ta, ta chỉ cần biết một điều là: “Hãy yêu thương cho đến cùng”.
Tác giả tập sách “Đường Hy Vọng” đã chia sẻ như sau: “Bác ái là tu đức liên lỉ. Tu miệng lưỡi, tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan, tu bộ óc. Tất cả con người con vùng vẫy, nhưng con phải yêu thương như Chúa Giêsu”. Hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết trên đó đức tính của người con bất bình, con sẽ thấy họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ từ đầu: “Tôi không muốn biết, không muốn nhớ quá khứ của anh em tôi. Tôi chỉ muốn biết hiện tại của anh em để thương nhau, giúp đỡ nhau và biết tương lai để tin nhau, để khuyến khích nhau”.
Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là liên lỉ canh tân, quyết định chọn Chúa hay chối từ, và tìm Nước Chúa là tin tưởng ở tình yêu vô bờ bến của Ngài, là hành động với tất cả hăng say. Đó là việc làm thể hiện đức mến Chúa và yêu người ngay trong giây phút hiện tại. Đó là những lời khuyến khích đầy kinh nghiệm giúp mỗi người chúng ta sống sứ điệp Phúc Âm của Chúa xác thực hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho mỗi người chúng ta rằng: “Con hãy yêu thương kẻ thù nghịch và làm ơn cho kẻ ghét con. Hãy cầu nguyện cho tất cả những ai bắt bớ và nguyền rủa con, để các con trở nên giống Cha, Đấng ngự trên trời. Ngài làm ơn cho người lành, kẻ dữ và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.
Mỗi người Kitô hữu phải như tấm kính phản chiếu sự trọn lành tình yêu của Thiên Chúa Cha. Noi theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô, mỗi ngày cuộc sống của chúng ta phải chiếu sáng hơn để anh chị em xung quanh có thể nhìn thấy mà ngợi khen tình thương Thiên Chúa trên trời.
Lạy Chúa, trên Thập Giá Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong tim con, để con mỗi ngày được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Amen.
 

Suy niệm 5: HÃY YÊU KẺ THÙ

“Yêu mến anh em, là sống chu toàn giới luật. Yêu mến người lành và yêu thương kẻ gian ác, chính do tình yêu mà chúng ta được cứu độ, thành con Chúa Trời và thành bạn hữu Chúa Kitô”. Đây là lời bài hát mà có lẽ ai cũng thuộc vì nó được lặp lại nhiều lần trong Mùa Chay. Đây cũng chính là lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ, đồng thời cũng là lời mời gọi cho những ai đang bước theo Đức Giêsu trên lộ trình cứu độ.
Thật vậy, cốt lõi Đạo Công Giáo của chúng ta là tình yêu thương. Tại sao vậy? Thưa vì Đạo chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế:“Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”
“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.
Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Đức Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là đề nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại, tha thứ.
“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Đức Giêsu. Tuy nhiên, chính Ngài đã nêu gương khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Ý tưởng ấy rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa.
Như vậy Đức Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.
Là những Kitô hữu, chúng ta đứng về phía bất bạo động. Tuy nhiên đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ khí và hận thù… Chúng ta phải cố gắng dùng điều tốt nhất để đáp lại điều xấu nhất.
Hãy nhớ rằng: “Viên đạn căm thù chỉ có thể làm thương tổn kẻ thù sau khi đã xuyên qua thân xác chúng ta trước”. Khi nuôi trong mình sự trả thù thì đồng nghĩa với việc ta đào thêm một cái hố nữa để chôn chính ta. Người Hy Lạp cổ thường ví von như sau: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng đây là con đường nằm trong chương trình cứu đọ của Thiên Chúa, và chỉ khi nào chúng con đạt được điều đó, ấy là lúc chúng con mới trở thành môn đệ đích thực của Ngài. Amen.


Suy niệm 6: TÌNH CHÚA KHÔNG BIÊN GIỚI

“Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,45)
Suy niệm: Một người khi vừa vượt biên thành công sang nước láng giềng liền bốc một nắm đất nơi anh đang đứng và nói: đất này cũng giống đất ở nước anh, thế nhưng chính đường biên giới do con người vạch ra đã làm cho đất bên ấy khác với đất bên này. Tình yêu Thiên Chúa bao la xoá bỏ mọi thứ biên giới. Đấng cho “mặt trời mọc lên soi sáng cho cả kẻ xấu lẫn người tốt, cho mưa xuống người công chính cũng như kẻ bất lương,” Đấng ấy mời gọi chúng ta hãy sống như Ngài, yêu thương mọi người cách bình đẳng không loại trừ ai, yêu thương không chỉ anh em mình, mà phải yêu cả những kẻ khó ưa và cả kẻ thù của mình nữa.
Mời Bạn: Trong thông điệp Phục Sinh 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Hãy đến và xem! Tình yêu Thiên Chúa mạnh mẽ dường nào, Tình yêu ấy trao ban sự sống và Tình yêu ấy làm cho hy vọng nở hoa nơi sa mạc.” Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới đủ sức mạnh để phá đổ mọi bức tường ngăn cách. Thiên Chúa hôm nay vẫn đang tiếp tục thể hiện Tình yêu ấy nơi mỗi người chúng ta khi ta biết mở lòng đón nhận và làm theo chỉ dẫn của Ngài trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái cụ thể cho người đang sống bên cạnh bạn nhất là những người mà tự nhiên bạn không ưa thích, những người bạn đang có mối bất hoà.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương xót con và để con có khả năng thương xót và yêu mến mọi người xung quanh con như chính Chúa đã yêu con.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con khao khát được Chúa ngự đến tâm hồn. Chúng con cũng khao khao được trở nên giống Chúa trong yêu thương mọi người. Chúa cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Xin giúp chúng con cũng đối xử tốt với tất cả mọi người. Xin sửa dạy chúng con khỏi tính hẹp hòi, ích kỷ để chúng con sống quảng đại và luôn sẵn lòng giúp đỡ anh em.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con một tâm hồn quảng đại, một quả tim tràn đầy yêu thương, một cái nhìn khoan dung nhân hậu, để chúng con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất lẫn nhau; tha thứ thay cho kết án; yêu thương thay cho hận thù; đem niềm vui nâng đỡ thay cho thái độ hạ bệ và kết án anh em. Xin dạy chúng con biết xây dựng tình người, tình bằng hữu hơn là nóng giận phá đổ tình người. Xin giúp chúng con biết tìm kiếm an bình từ những nghĩa cử yêu thương, vị tha của chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa, luôn nói tốt, nghĩ tốt cho mọi người, ngay cả khi bị làm nhục, chúng con vẫn can đảm thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Amen.
 

Suy niệm 7:Chớ Trả Thù
 


 Sau khi nghe đoạn Bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ có người trong chúng ta phản ứng vì nghĩ rằng, nếu nghe theo những điều mà Chúa Giêsu dạy, thì chúng ta bị xem là những kẻ nhu nhược. Bởi vì, nếu không ngăn ngừa, hoặc chống lại những kẻ làm điều ác, thì kẻ ác được thế tiếp tục lấn lướt và gây nhiều tai hại cho những người lành; như thế, sự dữ sẽ hoành hành. Thậm chí, trong thực tế, nhiều khi chúng ta đã từng hành động ngược lại những gì Chúa Giêsu đòi hỏi, để gọi là “thay trời hành đạo”.
 
Nếu như thế, những lời mà Chúa Giêsu dạy chẳng có ích gì cho chúng ta. Vậy chúng ta phải hiểu lời Chúa mà chúng ta vừa nghe như thế nào, để Lời đó thực sự là Tin Mừng cho chúng ta?
 
Trước hết, chúng ta nhìn vào thực tế trong xã hội, chúng ta sẽ thấy có những trường hợp án mạng xảy ra chỉ vì những chuyện rất nhỏ. Chẳng hạn như, một cái nhìn điểu, một câu nói hay một cử chỉ khiếm nhã. Kinh nghiệm thực thế cho chúng ta nhận ra rằng, những lần mà người ta, hoặc chúng ta “thay trời hành đạo” xong, thì sự việc xảy ra trở nên nghiêm trọng hơn. Hậu quả của nó trở nên tệ hại hơn. Nhiều khi làm tổn thương, và làm đỗ vỡ mối tương quan giữa những người trong cuộc ‘không nói chuyện, không muốn nhìn mặt nhau nữa’, kiên nhau ra tòa…
Hẳn là, các cuộc xung đột trong giữa các cá nhân, hay tập thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vấn đề là người ta rất dễ bị cám dỗ luôn bởi cái nhìn chủ quan cho rằng mình đúng, còn người khác thì sai; tiếp đến, thay vì tha thứ  cho người khác, thì ta lại tự hành động để thực thi sự công lý.
Nieburg đã chia sẽ kinh nghiệm của ông, “Dùng bạo động để dẹp bỏ một bất công chỉ đẻ ra một bất công khác.”
 
Nói đến việc hành động chống lại sự bất công, Mahatma Gandhi cho rằng: “Nếu tôi biết anh là người hành động bất chính mà tôi cứ để anh làm, thì tôi là kẻ bất chính”. Như chúng ta biêt, Mahatma Gandhi đã tích cực đấu tranh chống lại đế chế Anh cai trị Ấn Độ, không phải bằng những hình thức bạo động, nhưng bằng những cách lối ôn hoà. Ông đã kêu gọi mọi người đấu tranh ôn hòa: biểu tình ngồi, tẩy chay hàng hóa của người Anh, và không hợp tác với người Anh trên mọi lãnh vực. Cuối cùng, cuộc đấu tranh mà ông lãnh đạo đã giành thắng lợi. Nước Anh đã trả lại sự độc lập cho Ấn Độ.
 
Còn Chúa Giêsu của chúng ta, Người đã hành động chống lại kẻ ác và chống lại sự dữ thế nào? 
Thánh Gioan thuật lại, Chúa Giêsu đã hành động cách ôn hòa đối với kẻ đã vã vào má Người, Người giúp anh ta nhận hành động sai trái bằng cách chất vấn anh ta: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, tại sao anh lại đánh tôi? (Ga 18, 23). Nói chung, Chúa Giêsu không chủ trương dùng bạo động để giải quyết xung đột. Cụ thể, khi Người bị một toán quân của các thượng tế vây bắt, Phêrô đã rút gươm ra để bảo vệ Người; ông đã chém đứt tai phải Man-khô, tên đầy tớ vị thượng tế. Hành động của Phêrô được xem là một hành động tự vệ chính đáng,  nhưng Chúa Giêsu đã can ngăn và phán cùng Phêrô: “hãy xỏ gươm vào” (Ga 10: 10-11).
Nhìn chung, Giêsu tích cực hành động góp phần vào việc cải tạo xã hội qua việc giải thích để dân chúng hiểu về tinh thần giữ luật, nhằm giải thoát người ta khỏi gánh nặng của lề luật. Còn việc đối phó với sự dữ nói chung, Chúa Giêsu đã hành động bằng cách ra tay làm việc lành: chữa lành các bệnh hoạn, tật nguyền, cho kẻ mù thấy được, kể điếc được nghe, kẻ què đi được, xua trừ ma quỷ… Mục đích mà Chúa Giêsu nhắm qua việc thực hiện những việc lành đó là đem đến sự giải thoát toàn diện cho nhân loại, bao gồm giải thoát nhân loại khỏi ách của tội lỗi và sự chết.
 
Riêng đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ nhường nhịn, tha thứ; hãy đối xử nhân từ, rộng lượng với tha nhân. Đó không phải là mời gọi người ta làm những điều nghịch lý, để rồi trở nên những người nhu nhược, những kẻ yếu thế, nhưng là mời gọi người ta thực thi những điều cần thiết, trong đời sống hàng ngày, hầu tránh những hậu quả đáng tiếc, mà còn giúp chúng ta sống cao thượng.  Đồng thời, lời mời gọi của Người còn sự thúc bách người ta có những hành động cụ thể qua việc yêu thương, tha thứ dành cho tất cả mọi người, chủ động thực thi những việc bác ái đối với những thù ghét chúng ta.
 
Đó là lý do Giáo Hội mời gọi các Kitô hữu tích cực tham gia vào mọi hoạt động xã hội, để cải thiện môi trường sống; cải tạo môi trường sống qua việc thực thi các việc bác ái, xây dựng hòa bình, phục vụ sự sống và phẩm giá con người; đóng góp những sáng kiến đa dạng và khác nhau trên bình diện kinh tế, xã hội, luật pháp, văn hóa.

Vominh
 

“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ thể. Yêu thương kẻ thù là :Làm ơn cho kẻ ghét mình.Chúc phúc cho người nguyền rủa mình.Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.…Lý do của thái độ nhân ái, lòng yêu thương bao la ấy là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời "Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…". “Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nổ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời. Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền từ quãng đại tha thứ. “Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Chúa đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân. Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

Tại sao phải yêu kẻ thù?

Yêu người yêu mình thì dễ. Yêu kẻ làm hại mình thật khó biết bao!

Ngày kia thánh Clementê đi vào một tiệm ăn, ngửa tay ra và nói:
- Xin quý ông rộng lượng bố thí cho các em mồ côi một miếng cơm, một manh áo.
Tức thì các thực khách cười lên hô hố một cách khinh bỉ. Sau đó, một anh thợ giày đã nói:
- Một miếng ư, được lắm.
Rồi anh ta uống một ngụm bia, phùng má trợn mắt phun thẳng vào mặt thánh nhân. Chúng ta thử tưởng tượng xem thánh nhân đã phản ứng như thế nào? Có lẽ ngài sẽ giáng cho anh ta một cái tát tai. Nhưng không, ngài vẫn bình tĩnh, rút khăn lau mặt, rồi lại ngửa tay và nói:
- Thưa quý ông, đó là phần của tôi, còn phần của các em mồ côi đâu chưa thấy.Anh thợ giày bỗng té nhào xuống đất như bị một cú đấm thôi sơn, vì anh ta chẳng bao ngờ tới trên cõi đời nham nhở này mà lại có được một người khí phách như vậy. Anh lòm còm ngồi dậy và lắp bắp nói:- Tôi... tôi sẽ gởi tặng các em. Sau đó, anh đã dành một phần sản nghiệp và trao tận tay thánh nhân một số tiền lớn để tạ lỗi.

Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu.

Trong cuộc sống, chúng ta va chạm nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, một câu truyện bịa đặt thêm nếm cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn. Chúng ta cố gắng xây dựng hòa bình bằng sự chân thật và tình yêu thương tha thứ.Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta: Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn (Ep 4,26).  Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, lẽ nào Người lại tiêu diệt nó chứ ? Chúa Giêsu đến để đẩy lui sự ác, xóa bỏ tội lỗi. Chúa không đến để tiêu diệt người tội lỗi mà để cứu vớt. Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi nơi con người, làm thay đổi một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu. Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu độ. Đối với người Kitô hữu, lý do căn bản để yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa: ”Anh em hãy yêu kẻ thù…Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận