Thứ năm tuần 32 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 16/11/2017 03:41 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ năm tuần 32 thường niên.

"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".

 

Lời Chúa: Lc 17, 20-25

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông".

Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".

 

 

 

Suy Niệm 1: Sống sung mãn giây phút hiện tại

Hiện nay, con số các nhóm khủng bố có mầu sắc tôn giáo đang gia tăng đáng kể. Năm 1968, không có hoạt động khủng bố nào liên hệ đến tôn giáo, nhưng ngày nay có rất nhiều nhóm tự xưng là Kitô giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Hồi giáo. Mẫu số chung của các nhóm này là niềm tin vào một ngày thế mạt, họ chủ trương bạo động, vì tin rằng nhờ cuộc chiến tranh ở qui mô thế giới, hay nhờ một thiên tai nào đó, họ sẽ được đưa vào Thiên Ðàng. Các giáo phái mong mỏi ngày thế mạt đã khởi sắc tại Hoa Kỳ từ thế kỷ 19 và hiện nay vẫn còn thu hút nhiều tín đồ. Tuy nhiên mới đây một số đã cáo chung vì bạo động: cách đây vài năm, một giáo phái tại Nam Hàn đã lôi kéo nhiều tín đồ đến chỗ tự vẫn và đã tự giải tán, vì ngày thế mạt họ chờ đợi đã không đến. Vụ phun hơi ngạt do giáo phái "Chân Lý Tối Thượng" chủ trương tại Nhật Bản dạo tháng 3/1995 cũng cho thấy sự khởi sắc bất ngờ của niềm tin vào ngày thế mạt nơi người Nhật bản.

Tin vào ngày thế mạt, tức ngày Chúa lại đến trong vinh quang cũng là một trong những điểm nòng cốt của Kitô giáo. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở các tín hữu khi tuyên xưng: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến". "Chúa lại đến", đó là niềm xác tín của người Kitô hữu. Tuy nhiên, ngày đó có phải là năm 2000, năm 3000 hay một thời điểm nhất định nào không? Cái bí ẩn ấy không bao giờ được vén mở. Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ trở lại, nhưng không cho biết ngày giờ nào.

Chính vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi. Ðó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài nói đến Nước Thiên Chúa thời cánh chung: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang lâm. Một trong những nét cao cả của con người chính là khả năng vượt qua thời gian, chỉ con người mới có thể hồi tưởng quá khứ và dự phóng tương lai, chỉ con người mới có khát vọng được trường sinh bất tử. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.

Qua cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.

Nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin để chúng ta không ngừng đón nhận Chúa qua từng biến cố và gặp gỡ mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Mầu nhiệm Nước Chúa

Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn luôn là thao thức của con người. Nhiều người Do Thái nôn nao chờ đợi Nước Thiên Chúa nhưng dù có thao thức, có chờ đợi họ cũng không gặp dẫu rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Chúa Giêsu đã giải thích lý do: "Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được". Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài.

Trọng tâm của bài giảng của Chúa Giêsu là mầu nhiệm nước Chúa. Mầu nhiệm ấy không thể nắm bắt được bằng mắt trần hay bằng lý luận của con người. Chúa Giêsu mời gọi mọi người đi vào mầu nhiệm Nước Chúa. Nước Chúa không ở chỗ này hay chỗ kia. Nước Chúa chỉ đến bằng cái chết của Chúa Giêsu mà thôi. Chúa Giêsu đã hé mở cho các môn đệ thấy cuộc khổ nạn của Ngài và các cuộc bách hại mà Giáo Hội sẽ trải qua. Chính qua các cuộc bách hại mà hạt giống đức tin được gieo vãi, Giáo Hội được thanh luyện, củng cố và lớn lên. Do đó, không phải cái vẻ hào nhoáng với các cơ cấu tổ chức và biểu dương bên ngoài rầm rộ của Giáo Hội thể hiện mầu nhiệm Nước Chúa, nhưng là chính ở sức mạnh tinh thần của niềm tin, một niềm tin sẵn sàng mất tất cả, ngay cả sự sống của mình để được trung thành với những giá trị của Tin Mừng. Chính niềm tin ấy mới thể hiện được mầu nhiệm thâm sâu của Nước Chúa.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết cởi bỏ cái nhìn hẹp hòi ích kỷ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Xin cho chúng ta luôn tâm niệm rằng chúng ta chỉ gặp được Thiên Chúa trong yêu thương và phục vụ mà thôi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Tin dổm về tận thế

Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. (Lc. 17, 20-21)

Ngay thời ngôn sứ Đa-ni-en, dân Do thái đã bàn tán về ngày nước Thiên Chúa đến và sự chờ đợi cuồng nhiệt lan tràn khắp nước Ít-ra-en. Người ta khảo sát các điềm trời và các tai họa xảy ra. Họ tính toán khá thông thái để tiên báo về ngày giờ tận thế. Đức Giêsu loan báo nước Thiên Chúa đã đến ngoài sức tính toán tự nhiên của con người, nên biệt phái muốn hỏi Đức Giêsu bao giờ triều đại Thiên Chúa đến.

Triều đại Thiên Chúa đã đến rất êm ái

Câu trả lời của Đức Giêsu làm sửng sốt: Nước Thiên Chúa đến không ai có thể quan sát được. Tất cả mọi dấu chỉ loan báo và tính toán đều vô giá trị. Nước ấy đã đến và biệt phái không nhận ra vì con tim và lỗ tai của họ đóng kín, câm lặng, chính hành động của Đức Giêsu cho thấy và cho hiểu về nước Chúa đã đến vì Người nhờ ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ, và lời Người đang sưởi nóng con tim của những kẻ khốn cùng. Thời cứu độ đã bắt đầu, nhưng ai không đón tiếp Đức Giêsu, không thể nhận biết được nước Thiên Chúa.

Khi trả lời những kẻ không tin, Đức Giêsu quay lại phía các môn đệ, các ông biết Đức Giêsu đã đến phục hưng lại nước Thiên Chúa và Người phải trở lại để hoàn tất mọi sự. Người đã tiên báo cho các ông rằng trước ngày quang lâm xảy ra những khốn khổ, những ngày khủng khiếp làm mọi người xao xuyến lo âu. Lúc đó, họ không còn kiên nhẫn chờ đợi ngày Con Người trở lại và họ sẽ bị thôi thúc tìm dấu chỉ và tin những tiên tri giả. Họ sống giữa những cảnh buồn sầu khổ sở lớn lao rồi lại để mình bị loại bỏ.

Người đến như ánh chớp chói lòa chiếu sáng.

Con Người đến trong vinh quang sáng chói hơn cả tia sáng bom nguyên tử, bom khinh khí và chiếu sáng khắp nơi không gì che lấp được. Con Người đến thình lình đột ngột như các tai họa đổ xuống loài người và luôn luôn sẵn sàng đến bất cứ lúc nào.

Trước khi biến cố này xảy đến, Đức Giêsu phải chịu xỉ vả, hạ nhục, phản bội bởi thế hệ này và các thế hệ kế tiếp. Tình yêu chắc chắn chiến thắng. Nhưng trước khi chiến thắng hận thù và chia rẽ, Người phải hành động để thuyết phục chứ không dùng bạo lực. Giáo hội cũng phải chịu khổ nhục một thời và các Kitô hữu phải biết kiên trì giữ vững đức tin luôn luôn sẵn sàng đón tiếp Con Người đến.

RC

 

Suy niệm 4:

Từ sau khi dân Israel định cư ở đất Canaan, 
Thiên Chúa được họ coi như một vị Vua cai trị mọi dân tộc. 
Đặc biệt Ngài là Vua ngự giữa dân Israel để lãnh đạo và chăm sóc họ. 
Các vị vua trần thế đã xuất hiện trong dòng lịch sử của Israel 
như những người phục vụ cho Đức Vua, cho Nước Thiên Chúa. 
Tiếc thay có những vị vua đã không làm tròn sứ mạng. 
Trải qua bao triều vua của nước Israel, bao thịnh suy của đất nước, 
từ sau khi lưu đầy trở về, dân chúng chỉ còn biết chờ một Đấng Mêsia. 
Họ tin Đấng ấy sẽ khai mở Nước Thiên Chúa. 
“Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (c. 21). 
Đức Giêsu đã nói với các ông Pharisêu như vậy 
khi họ hỏi Ngài khi nào Nước Thiên Chúa đến. 
Nước ấy không đến một cách lộ liễu ở đây hay ở kia để kiểm tra (c. 20). 
Người Pharisêu không nhận ra Nước ấy đang ở giữa họ. 
Chỉ ai biết nhìn, mới nhận ra Nước ấy đang hiện diện và hoạt động 
nơi lời giảng và các phép lạ của Đức Giêsu. 
Khi bệnh được khỏi, khi quỷ bị trừ, khi tội được tha, 
khi con người được biết hoán cải để sống những đòi hỏi của Đức Giêsu, 
khi ấy Nước Thiên Chúa có mặt và tăng trưởng. 
¬¬¬Đức Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa. 
Và Nước đó vẫn lớn lên từ từ qua dòng thời gian. 
Như hạt giống được gieo trong đất, đêm hay ngày cũng cứ lớn lên, 
như chút men làm dậy khối bột, như hạt cải thành cây cao rợp bóng, 
Nước Thiên Chúa cũng cần thời gian để đạt đến chỗ viên mãn. 
Hai ngàn năm trôi qua, Nước Thiên Chúa đã lớn lên về mọi mặt. 
Nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn thấy còn nhiều điều phải làm 
để Nước đó được nhìn nhận bởi gần 7 tỷ người trên trái đất. 
Ngày nào trên thế giới còn chiến tranh, bạo động, còn áp bức, bất công, 
ngày nào nhân loại còn bệnh tật nghèo đói, còn nô lệ cho vật chất, 
ngày ấy Nước Thiên Chúa chưa ngự trị trên địa cầu. 
Nơi nào công lý và hòa bình, khoan dung và nhân hậu, 
chi phối trái tim và cách hành xử giữa người với người, 
nơi đó Nước Thiên Chúa đã đến gần hơn. 
Chúng ta không chỉ cầu xin cho Nước Cha trị đến (Mt 6, 10). 
Chúng ta biết mình được mời gọi để xây dựng Nước đó trên trần gian. 
Để chuẩn bị cho Ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, 
chúng ta còn bề bộn công việc phải làm. 
Ngài phải có chỗ trong lòng dân tộc, giữa thế kỷ hai mươi mốt. 
Nhưng trước hết Ngài phải có chỗ trong lòng chúng ta. 
Xin được đón lấy Nước Thiên Chúa như trẻ thơ, như người nghèo tay trắng. 
Xin được quảng đại bán tất cả để mua viên ngọc quý là Nước Trời. 
Xin được chia sẻ cho Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ nhất. 
Vì Nước Thiên Chúa là một tiệc vui, quy tụ mọi người từ bốn phương, 
xin được mở rộng vòng tay từ bây giờ để ôm lấy cả thế giới.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới: 

Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này 
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc. 
Con mơ ước không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng, 
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình. 
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp, 
không còn những cô gái đứng đường 
hay những người ăn xin. 
Con mơ ước những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng, 
các ông chủ coi công nhân như anh em. 
Con mơ ước tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, 
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ. 
Lạy Chúa của con, con ước mơ một thế giới đầy màu xanh, 
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển, 
và xanh của bao niềm hy vọng 
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây. 
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ, 
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.Amen 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng có ít nhất hai điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là:

– Bà góa bị ăn hiếp!

– Và ông quan tòa bất chính.

1. Hình ảnh bà góa bị ăn hiếp

Điều gây ngạc nhiên đầu tiên, là hình ảnh bà góa bị ăn hiếp. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh người bệnh, người già, người nghèo, một đấng bậc, nhưng dùng hình ảnh người phụ nữ góa bụa. Hình như Đức Giê-su thương các bà góa cách đặc biệt, chẳng hạn bà góa thành Na-in có đứa trai nhỏ duy nhất bị chết sớm (x. Lc 7, 12), bà góa bỏ vào thùng tiền quên góp trong Đền Thờ, tất cả những gì mình có, là hai đồng tiền nhỏ (x. Lc 21, 2).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đề cao hình ảnh bà góa, có lẽ đó là vì người phụ nữ là hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất để nói lên cung cách cầu nguyện liên lỉ, tín thác và cầu nguyện đến quên mình. Và hình ảnh người phụ nữ cầu nguyện tuyệt vời nhất, chính là Đức Maria; và ở bình diện xã hội, Mẹ cũng là một bà góa!

Tuy nhiên, lí do quan trọng nhất của sự kiện Đức Giê-su thích dùng hình ảnh bà góa, đó là vì hình ảnh này nói lên tốt nhất thân phận của loài người chúng ta. Giống như bà góa trong dụ ngôn, yếu thế trước sức mạnh của những người muốn hãm hại và trục lợi, loài người chúng ta cũng yếu thế trước sức mạnh của của Tội Lỗi, của Sa-tan, của Sự Dữ. Chính vì thế, điều khiến bà góa nhiều lần đến với ông quan tòa kêu xin sự minh xét, chính là tình cảnh bị ăn hiếp, chứ không phải là những nhu cầu khác hay khó khăn khác.

Bị sự dữ ăn hiếp, như lúc con rắn, biểu tượng của sự dữ, ăn hiếp bà Eva trong vườn E-đen, chính là tình cảnh của cả loài người và của từng người chúng ta. Tình cảnh này cho thấy rằng sự dữ mạnh chúng ta, và chúng ta thật đáng thương trước mặt Thiên Chúa, hơn là đáng trách phạt.

Như thế, chúng ta cần Thiên Chúa biết bao để được minh xét, để được giải thoát khỏi tội lỗi, ma quỉ và sự dữ, vì nếu sự dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ.

2. Hình ảnh ông quan tòa bất chính

Điều gây ngạc nhiên thứ hai, là hình ảnh ông quan tòa bất chính. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh thật đẹp đẽ, thật đạo đức thánh thiện, nhưng lại dùng hình ảnh ông quan tòa “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (thái độ này của ông được nói tới hai lần trong lời kể của Đức Giê-su, trong các câu 2 và 4). Và điều càng gây ngạc nhiên hơn nữa, khi Đức Giê-su không ngần ngại so sánh ông quan tòa này với chính Thiên Chúa!

Người chưa hoàn thiện như chúng ta, người bất chính như ông quan tòa, còn biết đối xử tốt với người khác, huống hồ là Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Như thế, hình ảnh ông quan tòa bất chính được Đức Giê-su dùng trong dụ ngôn, chính là để làm bật lên sự tương phản tuyệt đối giữa:

– Một bên là vị quan tòa bất chính, còn bên kia là Thiên Chúa vô cùng công chính và thánh thiện, vô cùng bao dung và thương xót.

– Một bên là bà góa xa lạ đối với vị quan tòa, còn bên kia là “những người Thiên Chúa đã tuyển chọn”, là người thân của Chúa, là chính chúng ta; vì như thánh Phao-lô nói, chúng ta được tuyển chọn làm nghĩa tử từ trước muôn đời trong Đức Ki-tô.

– Một bên vị quan tòa minh xét cho bà góa để khỏi bị quấy rầy, còn bên kia, Thiên Chúa đoái nghe và minh xét cho những người Ngài đã tuyển chọn, không phải để đừng bị quấy rầy, nhưng vì tình thương và lòng thương xót.

– Vẫn chưa hết, như chúng ta đều biết và thậm chí có kinh nghiệm, các vị quan tòa xét xử chưa chắc đã công minh và tôn trọng sự thật. Nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ như thế, bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và còn hơn cả sự thật, Ngài là Tình Yêu thương xót.

3. Đức Ki-tô chịu đóng đinh

Hai hình ảnh bà góa và ông quan tòa đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, mời gọi chúng ta nhớ lại hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, là hình ảnh diễn tả cho chúng ta khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, và mãi mãi phải làm cho chúng ta ngạc nhiên.
Thật vậy, Thiên Chúa đã minh xét cho chúng ta rồi bằng tình yêu và lòng thương xót, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thánh Giá, như thánh Phao-lô nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ ra nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39). Chúng ta chỉ cần kêu xin ơn giải thoát, đón nhận và sống tín thác đến cùng trong những thử thách của cuộc đời và của đời người.

 ** *

Nhưng vẫn còn điều đáng ngạc nhiên thứ ba nữa, đó là câu nói sau cùng của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” Đáng ngạc nhiên, vì phải chăng Đức Giê-su lo ngại rằng, lòng tin sẽ mai một đi nơi chúng ta và những thế hệ tương lai?

Nếu là như vậy, chúng ta được mời gọi hiểu và sống (hơn là biết như kiến thức) mạnh mẽ hơn lòng tin của chúng ta bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ, nhất là với những hoa trái Chúa ban cho Giáo Hội và cho từng người chúng ta trong Năm Đức Tin vừa qua, nghĩa là để cho Chúa đi vào trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta, nhất là trong lựa chọn; và chúng ta được mời gọi lưu truyền lòng tin này cho mọi người hôm nay.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

Vương Quốc của Đức Kitô đang đến

 

Thursday (November 16):  The coming of Christ’s kingdom

 

Scripture:  Luke 17:20-25

20 Being asked by the Pharisees when the kingdom of God was coming, he answered them, “The kingdom of God is not coming with signs to be observed; 21 nor will they say, `Behold, here it is!’ or `There!’ for behold, the kingdom of God is in the midst of you.” 22 And he said to the disciples, “The days are coming when you will desire to see one of the days of the Son of man, and you will not see  it. 23 And they will say to you, `Behold, there!’ or `Behold, here!’ Do not go, do not follow them. 24 For as the lightning flashes and lights up the sky from one side to the other, so will the Son of man be in his day. 25 But first he must suffer many things and be rejected by this generation.

Thứ Năm     16-11              Vương Quốc của Đức Kitô đang đến

 

Lc 17,20-25

20 Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.21 Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! hay “Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.23Người ta sẽ bảo anh em: “Người ở kia kìa! hay “Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.

Meditation: What can lightning tell us about the coming of the Lord and his kingdom? The Jews is Jesus’ time were watching in great anticipation for some sign which would indicate when the Messiah would appear to establish the kingdom of God. The Pharisees’ question on this matter was intended to test Jesus since they did not accept him as the Messiah. Jesus surprised them with the answer that the kingdom or reign of God was already here! Jesus spoke of the coming of God’s kingdom as both a present event and an event which would be manifested at the end of time. 

 

The Day of Judgment and God’s final verdict

The “Day of the Lord” was understood in the Old Testament as the time when God would manifest his glory and power and overthrow the enemies of his people, Israel. The prophet Amos declared that the “Day” also meant judgment for Israel as well as the nations (Amos 5:18-20). The prophet Joel proclaimed that at this “Day” those who truly repented would be saved, while those who remained enemies of the Lord, whether Jew or Gentile, would be punished (see Joel 2).

Image of lightning and the sudden appearance of Christ on Judgment Day

Why did Jesus associate lightning with the “Day of the Lord”? In the arid climate of Palestine, storms were infrequent and seasonal. They often appeared suddenly or unexpectedly, seemingly out of nowhere, covering everything in thick darkness. With little or no warning lightning filled the sky with its piercing flashes of flaming light. Its power struck terror and awe in those who tried to flee from its presence. Jesus warned the Pharisees that the “Son of man” (a title for the Messiah given in the Book of Daniel 7:13-15) would come in like manner, quite suddenly and unexpectedly, on the clouds of heaven to bring God’s judgment on the “Day of the Lord”. No special sign will be needed to announce his appearance. Nor will his presence and power be veiled or hidden, but all will recognize him as clearly as the lightning in the sky.

 

 

Jesus returns to judge the living and the dead

Jesus identified himself with the “Day of the Lord.” “Son of man” was understood as a Messianic title for the one who would come not only to establish God’s kingdom but who would come as Judge of the living as well as the dead. Jesus points to his second coming when he will return to complete the work of restoration and final judgment. While we do not know the time of his return, we will not mistake it when it happens. It will be apparent to all, both believers and non-believers as well. 

 

When the Pharisees asked Jesus what sign would indicate the “Day of the Lord”, Jesus replied that only one sign would point to that day and that sign was Jesus himself. Jesus surprised the Jews of his time by announcing that God’s kingdom was already present among them in his very person – the Son of God sent from the Father to redeem the world from sin and corruption. 

Our hope is anchored in God’s kingdom – not the passing kingdoms of this present world

In the Lord Jesus we see both  the power and the glory of God’s kingdom. His divine power overthrew the powers of darkness (the kingdom of Satan and all who opposed God’s rule) and sin (which corrupts and enslaves the human mind, heart, and will to the forces of evil and wrongdoing). Jesus knew that the only way to victory was through the cross. On that cross he defeated death and canceled the debt of our sins. The victory of his cross opens the way for us to live as sons and daughters of God and citizens of his heavenly kingdom of peace, joy, and righteousness (moral goodness). Is your hope and future securely anchored to God’s heavenly kingdom?

“Lord Jesus Christ, may your kingdom come and my your will be done on earth as it is in heaven. Be the Ruler of my heart and the Master of my life that I may always live in the freedom of your love and truth.”

Suy niệm: Sấm chớp có thể nói gì cho chúng ta về việc Chúa và vương quốc của Người đến? Người Do Thái ở thời Đức Giêsu đang mong chờ dấu hiệu cho thấy khi Đấng Mêsia xuất hiện để thiết lập vương quốc Thiên Chúa. Câu hỏi của những người Pharisêu về vấn đề này đặt ra là để thử Chúa Giêsu, vì họ không chấp nhận Người là Đấng Mêsia. Đức Giêsu đã làm cho họ ngạc nhiên với câu trả lời rằng vương quốc hay triều đại của Thiên Chúa đã ở đây rồi! Đức Giêsu nói về việc vương quốc Thiên Chúa đến như vừa là một sự kiện ở hiện tại vừa là một sự kiện sẽ được thể hiện vào ngày sau hết.

 

 

Ngày phán xét và lời phán quyết cuối cùng của Thiên Chúa

“Ngày của Chúa” được hiểu trong Cựu Ước như thời gian khi Thiên Chúa biểu lộ vinh quang và quyền lực của mình, và lật đổ những kẻ thù của dân Người là Israel. Tiên tri Amos tuyên bố rằng “ngày” cũng có nghĩa là sự phán xét đối với Israel cũng như đối với các dân tộc (Am 5:18-20). Tiên tri Joel tuyên bố rằng vào “ngày” này, những ai thực sự sám hối sẽ được cứu độ, trong khi những ai vẫn còn là kẻ thù của Chúa, dù là người Do Thái hay dân ngoại, sẽ bị trừng phạt (Ge 2).

 

Hình ảnh sấp chớp và sự xuất hiện bất ngờ của Đức Kitô vào ngày phán xét

Tại sao Đức Giêsu kết hợp sấp chớp với “Ngày của Chúa”? Với khí hậu ở vùng Palestine, những cơn bão tố rất ít khi xảy ra và chỉ xảy ra theo mùa. Chúng xuất hiện bất ngờ và không có sự chuẩn bị, dường như ở khắp nơi, che phủ mọi thứ trong bóng tối dày đặc. Với ít hoặc không có cảnh báo sấm chớp xuất hiện trên bầu trời với những tia chớp xuyên thấu của ánh sáng rực cháy. Sức mạnh của nó gây kinh hoàng và sợ hãi cho những người cố gắng chạy trốn sự hiện diện của nó. Đức Giêsu đã cảnh báo những người Pharisêu rằng “Con Người” (danh hiệu dành cho Đấng Mêsia được ghi trong Sách Đanien 7:13-15) sẽ đến trong cùng cách thức như vậy, khá bất ngờ và đột xuất, trên những đám mây trên trời, mang tới sự phán xét của Thiên Chúa vào “ngày của Chúa”. Không có dấu hiệu đặc biệt cần thiết để thông báo cho xuất hiện của Người. Không phải sự hiện diện và quyền lực của Người sẽ được che phủ hoặc giấu kín, nhưng tất cả sẽ nhận ra Người cách rõ ràng như sấm chớp trên bầu trời.

Đức Giêsu trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết

Đức Giêsu đồng hóa mình với “ngày của Chúa”. “Con Người” được hiểu như là một danh hiệu của Đấng Mêsia cho Đấng sẽ đến, không chỉ để thiết lập vương quốc của Thiên Chúa, nhưng còn là Đấng sẽ đến như vị Thẩm Phán kẻ sống và kẻ chết. Đức Giêsu nhấn mạnh đến lần đến thứ hai của mình, khi Người sẽ trở lại để hoàn tất công việc phục hồi và sự phán quyết cuối cùng. Mặc dù chúng ta không biết ngày giờ trở lại của Người, chúng ta sẽ không nhầm lẫn khi nó xảy ra. Nó sẽ được thể hiện rõ ràng với tất cả mọi người, cả những người tin và không tin.

Khi những người Pharisêu hỏi Đức Giêsu dấu hiệu nào để nhận biết “ngày của Chúa”, Đức Giêsu trả lời rằng chỉ có một dấu hiệu báo hiệu ngày đó, và dấu hiệu đó chính là Chúa Giêsu. Đức Giêsu đã làm cho người Do Thái ngạc nhiên về thời gian của Người bằng cách thông báo rằng nước Thiên Chúa đã ở giữa họ trong con người thật sự – Chúa Con được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc thế giới khỏi tội lỗi và hủy diệt.

Hy vọng chúng ta bám chặt vào nước Chúa – không phải vương quốc chóng qua ở đời này

Trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy quyền lực và vinh quang của vương quốc Thiên Chúa. Quyền lực của Người đánh bại những quyền lực của bóng tối (vương quốc của Satan và những ai chống lại sự cai trị của Thiên Chúa) và tội lỗi (cái hủy hoại và thống trị trí óc, tâm hồn, và ý chí con người trước sức mạnh của sự dữ và điều ác). Đức Giêsu biết rằng con đường duy nhất để chiến thắng là qua cây thập giá. Trên thập giá ấy, Người đã đánh bại sự chết và hủy bỏ món nợ tội lỗi cho chúng ta. Chiến thắng thánh giá của Người mở đường cho chúng ta để sống như những người con của Thiên Chúa và trở thành công dân của vương quốc bình an, niềm vui, và công chính (sự tốt về luân lý) của Thiên Chúa. Hy vọng và tương lai của bạn có bám chắc vào vương quốc của Thiên Chúa không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, chớ gì vương quốc của Chúa trị đến và ý của Chúa sẽ được thực hiện dưới đất cũng như trên trời vậy.  Xin Chúa hãy là Đấng cai trị tâm hồn con, và là Chủ cuộc đời con, để con luôn luôn có thể sống tự do trong tình yêu và sự thật của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận