Cung Hiến Thánh Đường Latêranô. Lễ kính.

Đăng lúc: Thứ năm - 09/11/2017 03:30 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

 CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính.

"Người có ý nói đền thờ là thân thể Người".

 

* Thánh đường Latêranô là vương cung thánh đường của Đức Giáo Hoàng. Thánh đường này được hoàng đế Contantinô xây dựng năm 320. Vì thế, đây là thánh đường đầu tiên và danh dự, được mệnh danh “là đầu và là mẹ của mọi thánh đường”.

Ngày lễ này nhắc ta nhớ rằng thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng, người kế vị thánh Phêrô, là nguyên nhân và nền tảng hữu hình cho sự hiệp nhất trong Dân Thiên Chúa.

 

LỜI CHÚA: Ga 2, 13-22

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Ðền thờ mẹ của tất cả mọi nhà thờ

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ cung hiến đền thờ Latêranô. Ðền thờ xây cất với tư cách là nhà thờ của giáo phận Rôma, trọng tâm hiệp thông và hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội công giáo.

Ðền thờ Latêranô được xem như là đền thờ mẹ của tất cả mọi nhà thờ của thành Rôma và của toàn thế giới. Toàn thể Giáo Hội công giáo mừng lễ kỷ niệm cung hiến đền thờ này để nói lên sự hiệp thông Giáo Hội. Giáo Hội Chúa hiện diện khắp nơi trên thế giới được hiệp nhất và hiệp thông với nhau. Như thế, đền thờ Latêranô còn là dấu hiệu mời gọi hiệp thông và hiệp nhất. Sự hiệp thông và hiệp nhất này đã được bắt đầu trước hết nơi tâm hồn con người đón nhận Tin Mừng của Chúa và tôn thờ Ngài trong sự thật và trong tinh thần. Ðền thờ bằng đá không còn ý nghĩa nếu không có đền thờ tinh thần nơi tâm hồn con người, nếu con người không biến tâm hồn mình làm đền thờ sống động cho Thiên Chúa ngự trị.

Con người mọi thời đại đều bị cám dỗ trần tục hóa đền thờ, trần tục hóa niềm tin tôn giáo như những kẻ buôn bán đổi tiền được nhắc đến trong Phúc Âm hôm nay. Mỗi người Kitô chúng ta từng xác tín điều này và góp phần của mình để giúp anh chị em chung quanh cũng được soi sáng hiểu như vậy. Ðây là một trong những trách nhiệm của từng người Kitô đối với anh chị em mình. Ðó là chỉ cho anh chị em mình phải biết tôn thờ Thiên Chúa như thế nào cho phải đạo.

Chiều kích mầu nhiệm của Giáo Hội vượt ra bên ngoài cơ cấu hữu hình và đồng thời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về bổn phận phải làm sao, hay làm chứng cho anh chị em được hiểu và trở thành kẻ thờ phượng Thiên Chúa đích thực trong Thánh Thần và trong sự thật. Ðây chính là ý nghĩa mà lễ mừng cung hiến đền thờ Latêranô nhắc lại cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa,

Xin biến đổi mỗi người chúng con trở thành đền thờ sống động của Chúa và trở thành những kẻ tôn thờ Chúa đích thực như lòng Chúa mong ước trong sự thật và trong Thánh Thần.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Tôi Sẽ Xây Dựng Lại

Hôm nay chúng ta mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô.

Ðây là vương cung thánh đường cổ kính nhất của Hội Thánh, là nhà thờ chính toà của Ðức Thánh Cha, giám mục Rôma, là Mẹ của mọi nhà thờ trên thế giới.

Cung hiến thánh đường là dâng cho Chúa một ngôi nhà để dành riêng cho việc phụng tự.

Khi được cung hiến để trở thành nhà của Thiên Chúa, thánh đường cũng trở nên nhà của các tín hữu.

Nơi Thiên Chúa hiện diện và thi ân cũng là nơi con người họp nhau để tôn thờ, cảm tạ.

Dù nguy nga hay nhỏ bé, cổ kính hay hiện đại, mọi nhà thờ đều là nơi Thiên Chúa hẹn gặp con người.

"Hãy phá hủy Ðền thờ này đi,

nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại."

Ðức Giêsu không có ý nói đến đền thờ Giêrusalem.

Ngài muốn nói đến chính thân thể Ngài, thân thể bị phá hủy và được xây dựng lại, thân thể bị giết chết và được phục sinh. Ðức Giêsu phục sinh trở nên Ðền Thờ của Giao Ước mới.

Ai ai cũng được mời gọi bước vào Ðền Thờ này. Chỉ nơi đây, con người mới gặp được Thiên Chúa.

Hội Thánh cũng được ví như một Ðền Thờ thiêng liêng,

mỗi tín hữu là một viên đá sống động (x. 1Pr 2, 4-8), và Ðức Kitô là viên đá góc, là nền (x. 1Cr 3, 11).

Thánh Phaolô không ngần ngại khẳng định "Ðền thờ của Thiên Chúa chính là anh em" (1Cr 3,17).

Hơn thế nữa, ngài còn nói: "Thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần" (1Cr 6,19)

Như thế cả Hội Thánh và từng Kitô hữu đều là Ðền Thờ. Ðền Thờ chủ yếu lại không phải là những toà nhà

có thể bị thời gian bào mòn, bị chiến tranh phá hủy.

Ðền thờ là những con người sống động. Ðền thờ quan trọng nhất là con người Ðức Giêsu phục sinh,

một con người đầy tràn sức sống của Thánh Thần. Mọi Ðền thờ đều phải qui về Ðền thờ đó.

Không gắn bó với Ðấng phục sinh và Thánh Thần của Ngài, chẳng Ðền thờ nào là Ðền thờ thực sự.

Khi thấy nhà Cha trở thành nơi buôn bán, Ðức Giêsu đã nổi giận, vì nhiệt tâm đối với Cha.

Chúng ta thường thiếu một chút giận dữ hồn nhiên như vậy, vì chúng ta yêu quá ít và sợ quá nhiều.

Chúng ta dửng dưng với những gì liên hệ đến Thiên Chúa.

Có nhiều nhà thờ, đền thờ cần tu bổ. Xin Ðức Giêsu cứ thanh tẩy chúng ta bằng Thánh Thần,

cứ tiếp tục lật đổ và trục xuất những gì ô uế. Ước gì chúng ta cung hiến lại bản thân mình cho Chúa

để Hội Thánh thật sự là Ðền thờ, nhờ đó cả thế giới cũng trở thành Ðền thờ của Chúa.

Gợi Ý Chia Sẻ

Thân xác là Ðền thờ của Thiên Chúa. Chưa bao giờ thân xác được chiều chuộng như bây giờ, và cũng chưa bao giờ thân xác bị coi rẻ như bây giờ. Theo bạn, đâu là những hình thức chiều chuộng thân xác quá đáng và đâu là những hình thức khinh miệt thân xác?

Bạn nghĩ gì về nhà thờ bạn thường đến dự lễ? Theo bạn, thế nào là một ngôi nhà thờ lý tưởng?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa. Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương, để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ. Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước, nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian, nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

(Trích trong ‘Manna’)

 

SUY NIỆM 3: Latêranô

Hôm nay chúng ta mừng kính ngày cung hiến đền thờ Latêranô, đền thờ đầu tiên của Giáo hội La mã, được coi như là mẹ của các đền thờ khác. Đền thờ Latêranô là nhà thờ chánh tòa của Đức Giáo Hoàng, với tư cách là Giám mục Rôma. Đền thờ này được hoàng đế Constantinople xây dựng vào năm 320, thời gian Giáo hội vừa thoát khỏi cơn bách hại tàn khốc để bước vào giai đoạn huy hoàng.

Trong tất cả các tôn giáo, đền thờ là nơi thánh thiêng, là nơi thần linh hiện diện với con người để tiếp nhận những sự thờ kính và cho họ thông phần vào các ân huệ và sự sống thần linh.

Chắc hẳn nơi cư ngụ của các thần linh không thuộc trần gian này, nhưng có thể nói, đền thờ đồng hóa với nơi cư ngụ ấy, nhờ đó con người giao tiếp được với thế giới của các thần linh. Chính trong chiều hướng này mà chúng ta tìm thấy những hình ảnh của đền thờ Giêrusalem.

Đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người, nhưng đó mới là một dấu chỉ tạm thời, sẽ được thay thế bằng thân xác Đức Kitô với Giáo hội của Ngài, như là một đền thờ mới và có tính cách vĩnh cửu.

Vào thời các tổ phụ, người Do thái không biết đến đền thờ, cho dù họ vẫn có những nơi thánh để kêu cầu với Đức Giavê như Bêtal, như Sichem, như Sinai…Nhưng rồi sau đó, họ đã dùng một thánh điện lưu động, để Thiên Chúa có thể ngự trị thường xuyên giữa dân chúng đang được Ngài dẫn qua sa mạc. Đó là nhà tạm với hòm bia giao ước.

Sau khi người Do thái đã tiến vào miền đất hứa và lập thành vương quốc, bấy giờ Đavid mới nghĩ đến việc xây dựng đền thờ dâng kính Thiên Chúa. Ước mơ ấy được Salomon thực hiện. Ông đã xây dựng đền thờ Giêrusalem với tất vả vẻ huy hoàng của triều đại ông, và Thiên Chúa đã nhận đền thờ ấy như nơi cư ngụ của Ngài. Vì thế, đền thờ Giêrusalem trở nên trung tâm sinh hoạt chính trị về tôn giáo của người Do thái. Người ta từ khắp nơi hành hương về Giêrusalem vào những dịp lễ lớn để cầu nguyện, kết hiệp và tôn thờ Thiên Chúa.

Năm 587 trước công nguyên, đền thờ Giêrusalem bị vua Nabucodonosor phá hủy và bắt một số người Do thái phải lưu đày sang Babylon. Sống dưới ách nô lệ với những đau khổ và nặng nhọc, nhưng lòng họ vẫn hướng về đền thờ Giêrusalem. Thế nhưng, bây giờ đền thờ Giêrusalem đã bị đổ vỡ hoang tàn. Vì thế, họ đã tìm thấy một chiều hướng tôn thờ mới, đó là tôn thờ thiêng liêng, tôn thờ trong tâm hồn vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi.

Trong Tân ước, đền thờ chính là thân xác Đức Kitô: Đền thờ ấy bị phá hủy nhưng dã được xây dựng lại trong ba ngày. Đây mới chính là đền thờ vĩnh cửu, không do tay người trần thế làm nên, nhưng do chính Ngôi lời. Đền thờ ấy nói lên sự hiện diện thiết thực của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

Ngoài ra, các Kitô hữu còn ý thức rằng chính họ kết thành đền thờ mới, đền thờ thiêng liêng nơi thân thể Đức Kitô, đó chính là Giáo hội. Giáo hội là đền thờ của Thiên Chúa, thiết lập trên Đức Kitô. Ngài là nền móng, là đầu và là viên đá góc tường.

Còn chúng ta thì sao? Tâm hồn mỗi người cũng phải là một đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị. Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, vị linh mục đã nói với chúng ta: Hỡi thần ô uế, hãy xéo đi, hãy ra khỏi người này để nhường chỗ cho Thần Linh Thiên Chúa.

Bao lâu sạch tội trọng, bao lâu còn sống trong ân nghĩa Chúa thì linh hồn chúng ta chính là một ngôi đền thờ sống động cho Thiên Chúa. Trái lại, khi phạm tội trọng, chúng ta là những kẻ dám nói với Thiên Chúa như sau: Hỡi Thiên Chúa, xin Ngài hãy ra khỏi tâm hồn tôi để nhường chỗ cho ma quỷ.

Chúng ta hãy gìn giữ tâm hồn mình cho trong sạch, xứng đáng là nơi cho Chúa ngự trị, chứ đừng biến nó thành hang trộm cướp. Chúng ta hãy noi gương bắt chước ông Giakêu đã tiếp đón Chúa tại nhà mình. Chính sự hiện diện của Chúa đã đem lại cho ông niềm vui mừng và hy vọng, để rồi ông đã hoán cải bản thân, làm lại cuộc đời. Hãy sửa đổi những sau lỗi để tâm hồn chúng ta thực sự là một đền thờ được dâng hiến cho Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM 4: Nhà thờ trở nên cộng đồng

Hai anh chị kia sắp cưới. Trong khi chuẩn bị hôn nhân, họ xin cha làm lễ cưới tại một cảnh thơ mộng trên núi. Họ ngạc nhiên thấy cha nói không được. Họ phải làm lễ cưới tại nhà thờ xứ của họ. Họ tỏ ra bất mãn. Cha cho biết đó là luật của địa phận nhưng họ thắc mắc làm sao đám cưới của họ mà họ không được làm nơi họ muốn?

Điều anh chị này thắc mắc có liên quan đến lễ chúng ta cử hành hôm nay, lễ kỷ niệm Dâng Hiến Thánh Đường Lateranô. Thánh đường này từ thế kỷ thứ 12 vẫn được coi là mẹ, là đầu của các nhà thờ. Thánh đường này cũng là nhà thờ chính toà của Đức Giáo Hoàng.

Lễ này cũng nhắc nhớ chúng ta nghĩ đến nhà thờ của giáo xứ, cộng đoàn chúng ta.

Nhà thờ tượng trưng cho thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô và mỗi Kitô hữu được kêu gọi để xây dựng thân thể mầu nhiệm này. Nhà thờ ví như bào thai cho ra đời những người con cùng một trí một lòng truyền tụng và phục vụ Nước Trời.

Để thực hiện điều đó, mỗi nhà thờ luôn thực hiện việc xây dựng cộng đồng. Như các đường chỉ được dệt với nhau thành tấm vải, mỗi người cũng có một sứ vụ hiệp thông trong trong chiều hướng để sứ vụ chung được kết quả tốt đẹp trong tinh thần Chúa Kitô.

Những người trong giáo xứ hoặc là lạnh nhạt với mọi người và điều đó không xứng với Kitô Giáo; hoặc mọi người tích cực liên hệ đến giáo xứ, kiến tạo một cộng đồng một trí một lòng.

Mỗi lần chúng ta tham dự vào một bí tích nhắc nhớ chúng ta mục đích của bí tích là xây dựng thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng, liên kết chặt chẽ với nhau hơn trong sự dấn thân chung đó là hiệp thông và thi hành sứ mệnh. Vì thế bí tích được khuyến khích cử hành tại nhà thờ. Nhà thờ trở nên nơi liên kết, để tinh thần thân thiện được triển nở chứ không phải chỉ là nơi tụ họp của những muốn giữ thái độ xa lạ.

Chúng ta cố gắng làm cho giáo xứ chúng ta nên cơ hội thuận tiện cho tinh thần hợp nhất Chúa Kitô được phát triển. Chúng ta không thể chấp nhận thái độ chia rẽ, không thể đầu hàng trước các phe nhóm.

Giống như cặp anh chị sắp cưới được nói cho biết là họ cử hành bí tích hôn phối của họ nơi nhà thờ của họ. Cùng với những lý do khác, các giáo dân cùng cử hành với họ, dâng họ lên Chúa, cầu nguyện cho họ, và nâng đỡ họ trong suốt cuộc đời.

Để kết thúc, chúng ta đọc lại lời Thánh Phaolô trong bài đọc II: "Anh em không còn là người xa lạ, là khách ngoại bang. Anh em là công dân của các thánh, là phần tử nhà của Chúa."

 

Suy niệm 5

Hôm nay, cùng với Giáo Hội Hội hoàn vũ mừng kính lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô. Thánh lễ này được thiết lập để tạ ơn Chúa vì những ơn lành Người đã ban cho Giáo Hội. Qua việc cung hiến này, ngoài việc hiến dâng cho Thiên Chúa, Giáo Hội còn muốn đánh dấu thời điểm mà những cuộc bách hại đạo tàn ác do hoàng đế gây ra cho các tín hữu dân thành Rôma đã kết thúc. Đồng thời cũng khai mở một thời đại mới, thời đại của tự do, tình thương, tha thứ và liên đới.

Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm về ý nghĩa cũng như sứ điệp của ngày lễ này trong tâm tình của Giáo Hội.

1.             Lịch sử của ngày lễ

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, các Tông đồ đã mượn nhà dân làm nơi quy tụ dân chúng để tôn thờ Thiên Chúa và cử hành nghi thức Bẻ Bánh. Dần dần sang những thế kỷ sau, đền đài được xây cất làm nơi quy tụ dân chúng cho thuận tiện hơn để phục vụ các buổi cầu nguyện, học hỏi giáo lý, lãnh nhận các Bí tích, nhất là tham dự vào hiến lễ cứu chuộc của Đức Kitô. Tuy nhiên, đây cũng là những mục tiêu nhắm đến của những người không có thiện cảm với đạo Công Giáo. Vì thế, các giám mục không thể cử hành cung hiến một cách long trọng công khai để dành cho việc thờ phượng Chúa.

Mãi đến thế kỷ thứ IV, dưới triều vua Contantinô, vị hoàng đế này đã cởi mở đối với Đạo Công Giáo, không những thế, sau khi theo đạo Công Giáo, hoàng đế làm một nghĩa cử đẹp đầy tính nhân văn, đó là: hiến tặng lại cung điện đồi Latran cho Đức Giáo Hoàng làm nơi cư ngụ.

Khi nhận cung điện này, Đức Giáo Hoàng đã công khai chính thức cung hiến nó vào năm 324.

Thánh đường này được gọi là Mẹ các nhà thờ trên toàn thế giới, bởi lẽ nó là nhà thờ đầu tiên trong Giáo Hội được thánh hiến cách hợp pháp, đồng thời nó trở thành nhà thờ chính tòa của Giáo phận Rôma, nơi có ngai Giáo Hoàng.

Vào thế kỷ thứ XVIII, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêditô XIII, ngài đã thánh hiến lại đền thờ sau những tái thiết lớn vào ngày 28-04-1726. Chính ngài cũng đã quyết định công bố thiết lập lễ mừng kính vào ngày 9-ll như hiện nay.

2.       Sứ điệp ngày lễ

Mỗi khi mừng kính lễ cung hiến đến thờ Latêranô, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhớ đến thừa tác vụ Phêrô nơi Đức Giáo Hoàng. Chính ngài là người thay mặt Chúa để lãnh đạo dân của Người trong toàn Giáo Hội. Đồng thời, thấy được vị đại diện Chúa chính là nguyên lý của sự hiệp nhất tín hữu khắp nơi trên trần gian này.

Từ đó, Giáo Hội hướng chúng ta về việc tôn phục trong lòng mến đối với Đức Giáo Hoàng là mục tử tối cao của Giáo Hội, đồng thời cũng trải rộng tâm tình ấy với Đức Giám Mục Giáo Phận và các linh mục là những người được cắt đặt để hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta trong đời sống đức tin.

Ngoài tinh thần siêu nhiên, Giáo Hội cũng mời gọi con cái của mình hãy để tâm chăm sóc nhà thờ là nơi dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa. Là nơi Dân Chúa tụ họp mỗi khi dâng thánh lễ và cử hành các Bí tích Kitô giáo. Đây cũng là nơi để mọi người có thể đến đó mà cầu nguyện với Thiên Chúa trong tâm tình con thảo….

Nhưng thiết nghĩa, vấn đề quan trọng hơn cả, đó là: mỗi khi mừng kính kỷ niệm cung hiến đền thờ Latêranô, hơn bao giờ hết, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về chính mình để ý thức rằng: mỗi người chúng ta chính là những viên đá sống động để xây nên đền thờ Thiên Chúa. Mỗi người cũng chính là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.

3.    Sống sứ điệp ngày lễ

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, linh hồn và thân xác của chúng ta được thánh hiến để trở nên nơi dành riêng cho Thiên Chúa. Vì thế: “… Thiên Chúa không chỉ ngự trong những đền thờ do tay con người làm ra, cũng không chỉ ngự trong những ngôi đền bằng gỗ bằng đá, nhưng đặc biệt, Người ngự trong linh hồn đã được dựng nên giống hình ảnh Người và do chính tay Người xây nên”. Vì thế Thánh Phaolô Tông đồ đã nói: “Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3,16-17).  

Vậy, làm sao để trở thành đền thờ sống động của Thiên Chúa?

Có lẽ, câu nói: điều làm cho Thiên Chúa được tôn vinh chính là con người được hạnh phúc thật sự rất thâm thúy và ý nghĩa đối với những ai muốn trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu xem hạnh phúc ở đây là gì và đâu là con đường đưa tới hạnh phúc đích thực cho mình và tha nhân để Thiên Chúa được tôn vinh?

Trước tiên, hạnh phúc chỉ có thể đến được với những con người sẵn sàng mở rộng đền thờ tâm hồn đón Chúa như Maria đã ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe Lời Ngài. Như Giakêu sẵn sàng mở rộng tâm hồn để chia sẻ cơm bánh cho người nghèo….

Thứ đến, hạnh phúc cũng chỉ đến với những ai thực sự khiêm nhường, bao dung, độ lượng và thứ tha….

Chúng ta làm tất cả những điều đó trong lòng mến, ấy là chúng ta đang tôn vinh Thiên Chúa trong chính tâm hồn mình. Hơn nữa, khi thi hành những điều đó với cả tâm hồn, chúng ta đang làm cho Thiên Chúa được tôn vinh ngang qua hình ảnh sống động của chúng ta.

Như vậy, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa, đó là chúng ta có lòng yêu thương nhau. Khi ấy, chúng ta sẽ là những viên đá sống động để xây lên đền thờ Thiên Chúa và trở thành nơi xứng đáng cho Thiên Chúa tình yêu ngự trị.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết vâng phục, yêu mến những đấng thay mặt Chúa lãnh đạo chúng con. Đồng thời, xin cũng cho chúng con biết cùng nhau xây dựng tòa nhà Giáo Hội luôn được hiệp nhất, yêu thương. Xin cũng ban cho mỗi người chúng con trở thành những viên đã sống động qua những nghĩa cử yêu thương, để xứng đáng trở thành đền thờ dâng lên Thiên Chúa và được Chúa thương ngự trị. Amen

 

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Suy niệm 6:

Hôm nay chúng ta mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô. 
Ðây là vương cung thánh đường cổ kính nhất của Hội Thánh, 
là nhà thờ chính toà của Ðức Thánh Cha, giám mục Rôma, 
là Mẹ của mọi nhà thờ trên thế giới. 
Cung hiến thánh đường là dâng cho Chúa một ngôi nhà 
để dành riêng cho việc phụng tự. 
Khi được cung hiến để trở thành nhà của Thiên Chúa, 
thánh đường cũng trở nên nhà của các tín hữu. 
Nơi Thiên Chúa hiện diện và thi ân 
cũng là nơi con người họp nhau để tôn thờ, cảm tạ. 
Dù nguy nga hay nhỏ bé, cổ kính hay hiện đại, 
mọi nhà thờ đều là nơi Thiên Chúa hẹn gặp con người. 
“Hãy phá hủy Ðền thờ này đi, 
nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” 
Ðức Giêsu không có ý nói đến đền thờ Giêrusalem. 
Ngài muốn nói đến chính thân thể Ngài, 
thân thể bị phá hủy và được xây dựng lại, 
thân thể bị giết chết và được phục sinh. 
Ðức Giêsu phục sinh trở nên Ðền Thờ của Giao Ước mới. 
Ai ai cũng được mời gọi bước vào Ðền Thờ này. 
Chỉ nơi đây, con người mới gặp được Thiên Chúa. 
Hội Thánh cũng được ví như một Ðền Thờ thiêng liêng, 
mỗi tín hữu là một viên đá sống động (x. 1Pr 2, 4-8), 
và Ðức Kitô là viên đá góc, là nền (x. 1Cr 3, 11). 
Thánh Phaolô không ngần ngại khẳng định 
“Ðền thờ của Thiên Chúa chính là anh em” (1Cr 3,17). 
Hơn thế nữa, ngài còn nói: 
“Thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần” (1Cr 6,19) 
Như thế cả Hội Thánh và từng Kitô hữu đều là Ðền Thờ. 
Ðền Thờ chủ yếu lại không phải là những toà nhà 
có thể bị thời gian bào mòn, bị chiến tranh phá hủy. 
Ðền thờ là những con người sống động. 
Ðền thờ quan trọng nhất là con người Ðức Giêsu phục sinh, 
một con người đầy tràn sức sống của Thánh Thần. 
Mọi Ðền thờ đều phải qui về Ðền thờ đó. 
Không gắn bó với Ðấng phục sinh và Thánh Thần của Ngài, 
chẳng Ðền thờ nào là Ðền thờ thực sự. 
Khi thấy nhà Cha trở thành nơi buôn bán, 
Ðức Giêsu đã nổi giận, vì nhiệt tâm đối với Cha. 
Chúng ta thường thiếu một chút giận dữ hồn nhiên như vậy, 
vì chúng ta yêu quá ít và sợ quá nhiều. 
Chúng ta dửng dưng với những gì liên hệ đến Thiên Chúa. 
Có nhiều nhà thờ, đền thờ cần tu bổ. 
Nhà thờ đầu tiên là con người tôi. 
Xin Ðức Giêsu cứ thanh tẩy chúng ta bằng Thánh Thần, 
cứ tiếp tục lật đổ và trục xuất những gì ô uế. 
Ước gì chúng ta cung hiến lại bản thân mình cho Chúa 
để Hội Thánh thật sự là Ðền thờ, 
nhờ đó cả thế giới cũng trở thành Ðền thờ của Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, 
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa. 
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương, 
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ. 
Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa. 
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, 
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên. 
Ước gì Hội Thánh trở nên men 
được vùi sâu trong khối bột loài người 
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh. 
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp 
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ. 
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước, 
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do. 
Cuối cùng xin cho chúng con 
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, 
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh. 
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian, 
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen. 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

. SUY NIỆM:

1. « Nhiệt tâm lo việc nhà Chúa »

Hình ảnh Đức Giê-su bừng bừng nổi giận đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, có thể làm chúng ta kinh ngạc. Tương tự như sự kinh ngạc được gây ra bởi những lời nguyền rủa chống lại kẻ dữ trong các Thánh Vịnh (chẳng hạn Tv 69 ; Tv 139, 19-22 ; Tv 141, 10).

Về biến cố này, trong ba Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng theo thánh Luca kể nhẹ nhàng nhất : « Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán » (Lc 19, 45) ; hai Tin Mừng còn lại kể lại cùng một biến cố với nhiều chi tiết hơn : kẻ mua người bán, các bàn đổi tiền, các sạp bán bồ câu… (x. Mt 21, 12 -14; Mc 11, 15 -19). Nhưng thánh sử Gioan, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa nhật hôm nay, kính nhớ ngày cung hiến Thánh Đường La-tê-ra-nô, tường thuật biến cố này cách đặc biệt nhất :

– Đức Giê-su đi Giê-ru-sa-lem và vào Đền Thờ ngay từ đầu thời gian rao giảng Tin Mừng.

– Và hành động của Ngài rất mạnh mẽ : Ngài tự bện cho mình cái roi đánh đuổi mọi người và hất tung tất cả ra khỏi Đền Thờ : súc vật, tiền bạc, bàn ghế, những người buôn bán. Tuy nhiên, Người rất nương tay đối với những người bán bồ câu, vốn là những người nghèo ! (c. 16)
Các môn đệ chứng kiến cảnh tượng, liền trích Tv 69, 10 : « Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân » !

2. Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán

Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu và nhất là cảm nhận hành vi mạnh mẽ của Ngài :

Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, 
đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.(c. 18)

Bởi vì có một tương phản rất lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đối, giữa Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán. Tin Mừng Luca nói cho chúng ta biết yếu tính của từng nhà, nhà Chúa Cha và nơi buôn bán :

Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi biến thành sào huyệt của bọn cướp. (Lc 19, 46)

Thật là lạ lùng, khi Đức Giêsu nhìn ra « sào huyệt của bọn cướp » ở nơi người ta buôn bán ! Tuy nhiên, kinh nghiệm sống của chúng ta cho thấy, trong cách người ta buôn bán ngày nay, thường hay có sự gian dối, lọc lừa, thậm chí hành vi nguy hại cho sự sống, chỉ vì ham lợi trước mắt. Một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi Dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài ; đàng khác, là « sào huyệt của bọn cướp ». Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối :

– Nhà cầu nguyện là nơi chốn của nhưng không, hiệp thông, của sự thật, của ý nghĩa, của ánh sáng, của hiền lành, của sự sống.

– Nhưng trong thực tế, nơi này đã trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, của vô nghĩa, nơi của bóng tối, nơi của bạo lực, nơi của sự chết. Sào huyệt của bọn cướp chính xác là như vậy.

Chứng kiến cảnh tượng Đền Thờ như thế và hiểu ở mức độ tuyệt đối như Đức Giê-su đã hiểu, làm sao Ngài không nổi giận cho được ? Tuy nhiên, sự nổi giận của Ngài mang tính giải phóng, chứ không phải loại bỏ : giống như những lời nguyền rủa của các Thánh Vịnh, Đức Giêsu làm bật sự dữ ra khỏi chỗ ẩn nấp của nó, để chúng ta nhìn thấy, và khi nhìn thấy, chúng ta không thể chấp nhận được, vì nó không tương hợp với hình ảnh Thiên Chúa có nơi chúng ta. Đó chính là cách Người chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ trong cuộc Thương Khó và mầu nhiệm Thập Giá.

Chúng ta được mời gọi nhìn và hiểu tình trạng của Đền thờ như biểu tượng diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải, sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta, nhất là nội tâm của chúng ta, bởi vì đó cũng là những « nơi tôn nghiêm » như đền thờ, nhưng đã bị biến dạng, trở thành « nơi buôn bán » !

Hiểu ra như vậy, chúng ta được mời gọi tự nguyện xin Chúa nổi giận và làm như Ngài đã làm xưa kia nơi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu : nghĩa là để cho Lời của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa Ngài đã đến giảng dạy trong Đền Thờ hằng ngày.

3. Thanh tẩy Đền Thờ và mầu nhiệm Vượt Qua

Qua hành động “thanh tẩy”, Đức Giê-su không chỉ phá đổ cái trật tự đang có của Đền Thờ, nhưng còn đụng đến “quyền lợi” của các thượng tế và kì mục. Hơn nữa, Ngài còn gọi cái “trật tự” đang có của Đền Thờ là cái hang trộm cướp! Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi các thượng tế và kì mục đến chất vấn Người về quyền hạn:

Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? (c. 18)

Tất cả các thánh sử đều kể lại lời chất vấn này (x. Mt 21, 23 ; Lc 20, 2 ; Mc 11, 28), bởi vì câu hỏi này là một câu hỏi liên quan đến căn tính của Đức Giê-su, đến tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa Cha: quyền của Ngài đến từ Chúa Cha, bởi vì Ngài đến từ Chúa Cha, Ngài là Con Duy Nhất của Chúa Cha. Chính vì thế, Người trả lời bằng cách nói về mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm qua đó, Người mặc khải cho người Do Thái và cả loài người chúng ta, Người là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống:

“Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”… Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (c. 19 và 21)

Như thế, hành động và lời nói của Đức Giê-su về Đền Thờ loan báo cuộc Thương Khó của Người. Thật vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an tràn ngập bầu khí mầu nhiệm Vượt Qua:

– Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua của người Do-thái (c. 13).

– Chứng kiến việc Người làm, các môn đệ nhớ lại lời nguyện Thánh Vịnh loan báo mầu nhiệm Thương Khó: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (c. 17, trích Tv 69, 10)

– Và lời giải thích của chính thánh sử Gio-an: “Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó” (c. 22).
Chính vì thế, theo lời kể của thánh sử Mác-cô, các thượng tế, kinh sư và kì mục đã có ý định giết Đức Giê-su khi chứng kiến Ngài đánh đuổi tất cả những người mua bán, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu, và khi nghe Ngài nói: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11, 17).

Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, 
thì tìm cách giết Đức Giê-su.(Mc 11, 18)

Một cung cách đã khơi dậy nơi người chứng kiến ý định loại trừ, thì hẳn phải là một cung cách có tầm mức rất lớn, tầm mức lịch sử cứu độ, bởi vì đó là ý định loại trừ Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Nhưng, đó lại là con đường Thiên Chúa chọn để xây dựng Đền Thờ mới, để hoàn tất lịch sử cứu độ.

Đức Giê-su nói: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Với mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ thay thế Đền Thờ và cơ chế lễ tế của Đền Thờ bằng Lời của Ngài, bằng sự hiện diện của Ngài và bằng chính thân mình Ngài, làm của lễ hoàn thiện dâng lên Chúa Cha, vì loài người chúng ta. Đó là chính là Thánh Lễ Tạ ơn mà chúng ta cử hành mỗi ngày.

*  *  *

Sự Dữ, ngang qua những con người cụ thể, đã “phá hủy” Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, khi biến Đền Thờ thành “hang trộm cướp”. Sự phá hủy này loan báo Sự Dữ sẽ “phá hủy” Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Nhưng Thiên Chúa đã dùng chính sự phá hủy này để xây dựng Đền Thờ Mới, là Đức Ki-tô Phục Sinh chiến thắng Sự Dữ và sự chết.

Chúng ta vốn là “đền thờ của Thiên Chúa”, nhưng đã bị Sự Dữ phá hủy. Xin cho chúng ta biết mở lòng ra để đón nhận Đền Thờ Mới là chính Đức Ki-tô.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Thursday (November 9):  “Zeal for the Father’s house”

 

Scripture: John 2:13-22 

13 The Passover of the Jews was at hand, and Jesus went up to Jerusalem. 14 In the temple he found those who were selling oxen and sheep and pigeons, and the money-changers at their business. 15 And making a whip of cords, he drove them all, with the sheep and oxen, out of the temple; and he poured out the coins of the money changers and overturned their tables. 16 And he told those who sold the pigeons, “Take these things away; you shall not make my Father’s house a house of trade.” 17 His disciples remembered that it was written, “Zeal for your house will consume me.” 18 The Jews then said to him, “What sign have you to show us for doing this?” 19 Jesus answered them, “Destroy this temple, and in three days I will raise it up.” 20 The Jews then said, “It has taken forty-six years to build this temple, and will you raise it up in three days?” 21 But he spoke of the temple of his body. 22 When therefore he was raised from the dead, his disciples remembered that he had said this; and they believed the Scripture and the word which Jesus had spoken.

Thứ Năm     9-11                Lòng nhiệt thành cho nhà Cha

 

Ga 2,13-22

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? “19 Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”20 Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? “21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

Meditation: What can keep us from the presence of God? Jesus’ dramatic cleansing of the temple was seen by his disciples as a prophetic sign of God’s action. The temple was understood as the dwelling place of God among his people. When God delivered his people from slavery in Egypt, he brought them through the sea, and finally to Mount Sinai where he made a covenant with them and gave them a new way of life embodied in the Ten Commandments (Exodus 20:1-17). God gave Moses instruction for worship and for making the Tabernacle, or Tent of Meeting, which was later replaced by the Temple at Jerusalem. The New Testament tells us that these “serve as a copy and shadow of the heavenly sanctuary” – God’s Temple in heaven (Hebrews 8:5). Jesus’ cleansing of the temple is also a prophetic sign of what he wants to do with each of us. He ever seeks to cleanse us of sin and make us living temples of his Holy Spirit (1 Corinthians 3:16 and 6:19). Do you want to be holy as God is holy?

 

 

Jesus burns with zeal for his Father’s house

Jesus referred to the temple as his Father’s house which was being made into a “house of trade” (John 2:16) or “den of robbers” (Mark 11:17). That is why he used physical force to expel the money-chargers. The prophecy of Malachi foretold the coming of the Lord unexpectedly to his Temple to “purify the sons of Levi and refine them like gold and silver, till they present right offerings to the Lord” (Malachi 3:1-4). Jesus’ disciples recalled the prophetic words from Psalm 69: “Zeal for your house will consume me” (Psalm 69:9). This was understood as a prophecy describing the Messiah. Here the disciples saw more clearly Jesus as the Messiah who burned with zeal for the house of God. 

The Jewish authorities, however, wanted proof that Jesus had divine authority to act as he did. They demanded a sign from God to prove Jesus right, otherwise, they would treat him as an imposter and a usurper of their authority. Jesus replied that the sign God would give would be Jesus’ death on the cross and resurrection from the tomb: “Destroy this temple, and in three days I will raise it up.” The Jews did not understand that the temple Jesus referred to was his own body. The “tent of his body” had to be destroyed to open the way to the presence of God for us. 

 

 

The Lord Jesus makes us temples of the Holy Spirit

Through his death and resurrection, Jesus not only reconciles us with God, he fills us with his Holy Spirit and makes us temples of the living God (1 Corinthians 6:19-20). God’s word enlightens our minds and purifies our hearts that we may offer God fitting worship and enjoy his presence both now and forever. Do you burn with zeal for the Lord’s house?

 

“Lord Jesus Christ, you open wide the door of your Father’s house and you bid us to enter confidently that we may worship in spirit and truth. Help me to draw near to your throne of mercy with gratitude and joy.”

Suy niệm: Điều gì có thể ngăn cản chúng ta khỏi sự hiện diện của Chúa? Sự thanh tẩy đền thờ thật ấn tượng của Đức Giêsu được các môn đệ nhìn thấy như một dấu chỉ hành động của Thiên Chúa. Đền thờ được hiểu là nơi Thiên Chúa ở giữa con người. Khi Thiên Chúa giải thoát dân Người ra khỏi nạn nô lệ ở Aicập, Người đưa họ ngang qua biển, và cuối cùng đến núi Sinai, nơi mà Người lập một giao ước với họ và ban cho họ một cách sống mới được bày tỏ trong 10 điều răn (Xh 20,1-17). Thiên Chúa ban cho ông Môisen sự hướng dẫn về việc thờ phượng và về việc làm nhà tạm, hay lều hội ngộ, được đặt trong đền thờ. Tân ước nói với chúng ta rằng những điều này “thể hiện như một bản sao và hình bóng của Thánh điện trên Thiên đàng” – Đền thờ của Thiên Chúa trên Thiên đàng (Hr 8,5). Sự thanh tẩy đền thờ của Đức Giêsu cũng là một dấu hiệu tiên báo về những gì Người muốn làm với mỗi người chúng ta. Người luôn sẵn sàng cố gắng thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi và làm cho chúng ta trở thành những đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần (1Cor 6,19). Bạn có khao khát sự thánh thiện không?

 

Đức Giêsu cháy bừng lòng nhiệt thành cho nhà Cha

Đức Giêsu nói về đền thờ là nhà Cha của Người, bị biến thành “nơi buôn bán” (Ga 2,16) hay thành “hang trộm cướp” (Mc 11,17). Đó là lý do tại sao Người đã dùng đến sức mạnh thể lý để đánh đuổi những người đổi tiền bạc. Lời tiên báo của ngôn sứ Malakhi nói về việc trở lại Đền thờ một cách bất ngờ của Thiên Chúa để “thanh tẩy con cái của Lêvi và tinh luyện chúng như vàng như bạc, cho tới khi chúng đến dâng lễ vật theo lẽ công chính cho Chúa” (Ml 3,1-4). Các môn đệ Đức Giêsu nhớ lại những lời Thánh vịnh 69: “Lòng nhiệt thành nhà Chúa thiêu đốt tôi” (Tv 69,9). Điều này được hiểu như một lời tiên báo về Đấng Mêsia. Ở đây, các môn đệ nhìn thấy rõ ràng hơn Đức Giêsu là Đấng Mêsia, bị đốt cháy với sự nhiệt thành đối với nhà Thiên Chúa.

 

Tuy nhiên, những người lãnh đạo Dothái muốn chứng minh rằng Đức Giêsu có uy quyền của Thiên Chúa để hành động như thế. Vì thế, họ đòi hỏi một dấu lạ từ Thiên Chúa để chứng minh Đức Giêsu đúng, họ đối xử với Người như một tên lừa bịp và như một người muốn chiếm đoạt quyền hành của họ. Đức Giêsu trả lời rằng dấu lạ Thiên Chúa muốn ban chính là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, và sự sống lại từ ngôi mộ: “Hãy phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Người Dothái không hiểu rằng ngôi đền thờ Đức Giêsu nói tới chính là thân thể của Người. “Ngôi lều thân xác” đã bị phá hủy để mở ra con đường cho sự hiện diện của Chúa dành cho chúng ta.

Chúa Giêsu biến chúng ta thành đền thờ của Chúa Thánh Thần

Ngang qua cái chết và sự phục sinh của Người, Đức Giêsu không chỉ hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Người còn lấp đầy chúng ta với Thánh Thần của Người, và làm cho chúng ta trở nên những đền thờ của Thiên Chúa hằng sống (1Cor 6,19-20). Lời Chúa soi sáng và thanh tẩy tâm trí chúng ta để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa của lễ xứng hợp và vui hưởng sự hiện diện của Người bây giờ và mãi mãi. Bạn có nhiệt thành cho việc nhà Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa mở rộng cánh cửa nhà Cha, và Chúa mời gọi con bước vào cách tin tưởng, để con có thể thờ phượng trong tinh thần và sự thật. Xin Chúa giúp con đến gần ngai tòa thương xót Chúa với lòng biết ơn và vui mừng.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận