Thứ Bảy đầu tháng, tuần 30 thường niên

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/11/2017 02:55 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 30 thường niên – Thánh Carôlô Borômêô, giám mục. Lễ nhớ.

"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

 

Thánh nhân sinh năm 1538 tại Arôna, miền Lom-ba-đi-a. Sau khi đã học xong luật đạo luật đời, người được cậu là Đức Giáo Hoàng Piô IV nhận vào hàng Hồng Y, rồi được đặt làm Giám Mục Milanô. Người ra sức thể hiện gương mẫu một Giám Mục như đã được Công Đồng Trentô nêu lên. Người cố công cải tổ hàng giáo sĩ, lập các công đồng miền và các chủng viện. Người cũng canh tân phong hóa của các tín hữu bằng cách thăm viếng họ, trình bày cho họ biết thế nào là sống trung thành thật sự với Hội Thánh. Người qua đời ngày 03 tháng 11 năm 1584.

 

Lời Chúa: Lc 14, 1. 7-11

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: "Xin ông nhường chỗ cho người này", bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: "Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên", bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. "Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

 

 

 

Suy Niệm 1: Bài Học Khiêm Nhường

Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.

Thật thế, theo Tin Mừng thuật lại, hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.

Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.

Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Con Ðường Khiêm Hạ

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta sống khiêm tốn. Lấy câu chuyện chỗ ngồi trong bàn tiệc như một bài dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta tín hữu Kitô điều thâm sâu trong đạo: "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên". Với châm ngôn này, Chúa Giêsu muốn đặt con người ra trước mặt Thiên Chúa. Thật thế, tất cả phẩm giá con người có được đều bởi Thiên Chúa mà ra. Từ sự sống thể lý đến các phẩm tính tinh thần, từ giá trị cho đến những thành đạt trong cuộc sống và nhất là những nhân đức con người tôi luyện được. Tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Nhân câu chuyện ngồi trong bàn tiệc mà thực khách hầu hết là những người biệt phái, vốn hám danh và tự mãn, Chúa Giêsu hẳn muốn nhắc đến thói giả nhân giả nghĩa và kiêu ngạo của họ. Với những thực hành tôn giáo như ăn chay, cầu nguyện, bố thí mà họ chuyên cần thực thi, những người biệt phái dễ lên mặt khinh thị những thành phần thấp hèn trong xã hội. Chúa Giêsu đưa họ trở về với chân lý của con người. Con người chỉ thực sự sống cho ra người khi biết nhận ra giá trị đích thực của mình trong tương quan với Thiên Chúa. Và nhận ra giá trị của mình cũng có thể là nhận ra sự hư không và thân phận hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Ðây chính là tâm tình cơ bản của Mẹ Maria. Chính khi nhận ra mình là người tôi tớ trước mặt Thiên Chúa mà Mẹ đã nên cao trọng. Mẹ đã khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa cho nên đã được Thiên Chúa nâng lên. Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta cũng dõi bước theo Mẹ trên con đường khiêm hạ ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Phúc Cho Ai Hạ Mình Xuống

“Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi vào chỗ cuối, để cho người đã mời đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho, Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc. 14, 10-11)

Đức Giêsu thường đồng bàn với biệt phái và luật sĩ. Họ đã rình xét lúc Người chữa người phù thũng và kết án Người trong lòng họ. Về phần Người đã để ý tới những khách đến chọn chỗ nhất.

Thực vậy, họ có thói quen tôn mình lên tự xếp mình vào bàn trọng vọng nhất. Những kẻ tưởng mình xứng đáng nhất đã giành nhau chỗ danh dự nhất vì trật tự chỗ ngồi không lệ thuộc vào tuổi tác nhưng sắp xếp theo địa vị cao thấp.

Đức Giêsu không dạy khôn ngoan của loài người

Theo sự khôn ngoan của loài người, người ta thường dạy nhau khi được mời đến dùng bữa, tốt hơn nên chọn chỗ thấp. Khi chủ thấy khách quan trọng thì đến mời người khách ấy lên chỗ cao hơn, lúc đó người ấy được vẻ vang trước mặt mọi người. Nếu khách làm trái lại thì thật xấu hổ, vì những kẻ được mời dự tiệc theo tục lệ Do thái, họ nằm trên đi-văng để ăn và rất khó đứng dậy đổi chỗ cho người vị vọng hơn. Cho nên ai hạ mình xuống không còn sợ bị hạ bệ trước mặt những người khác.

Đức Giêsu không trưng dẫn lời khuyên cổ nhân của sách khôn ngoan loài người. Sứ điệp của Người luôn luôn hướng dẫn ta đến nước Thiên Chúa và lời giáo huấn của Người luôn liên quan đến ơn cứu độ.

Người áp dụng vào nước trời

Người luôn luôn diễn tả chân lý đáng ghi nhớ này: Ai muốn vào nước trời phải trở nên bé nhỏ và khiêm tốn, không được đòi địa vị như luật lệ loài người sắp xếp. Không phải nhờ chính giá trị riêng của mình mà người ta sẽ được xét xử. Nhưng chính Chúa Cha, Đấng thấu suốt con tim và bụng dạ sẽ xét xử người ta.

Đức Giêsu lên án tính kiêu ngạo cố chấp của biệt phái. Họ sẽ bị hạ xuống vì họ đã cho mình là cao trọng, họ tìm danh lợi ở dưới đất, họ đã được phần thưởng rồi. Trái lại những kẻ nghèo khổ, thâu thuế, tội lỗi ý thức mình nhỏ bé hèn hạ trước mặt Thiên Chúa thì sẽ được nâng lên.

Phúc cho ai khiêm nhường, vì họ sẽ được thấy vinh quang nước Chúa.

RC

 

Suy niệm 4:

Khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất, 
Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên đối với họ (cc. 8-10). 
Mới nghe những lời khuyên này, 
ta có cảm tưởng đây chỉ là những lời dạy cách ứng xử khôn khéo. 
Nên chọn ngồi chỗ cuối, 
vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc, 
bạn có cơ hội được mời lên chỗ trên. 
Thà ngồi dưới rồi được đưa lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống. 
Như thế ngồi chỗ cuối rốt cuộc chỉ là một giả vờ, 
để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên. 
Ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một xấu hổ, sỉ nhục, 
và nhắm đến một vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10). 
Đức Giêsu có ý khuyên dạy người ta như thế không? 
Chắc là không. 
Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể gây hiểu lầm trên đây (c. 7), 
Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều. 
Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra: 
Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang, 
nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53). 
Các Mối Phúc cho và Khốn cho cũng nói lên sự đảo ngược này. 
Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than. 
Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng (6, 20-26). 
Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31). 
Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay, 
Đức Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến. 
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. 
Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11). 
Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều hổ nhục. 
Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều. 
Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn mãi. 
Để thực hành lời khuyên của Đức Giêsu cho đúng đắn, 
thánh Basiliô cho ta một soi sáng như sau: 
“Chúng ta phải để cho chủ tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời. 
Như thế chúng ta mới nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái, 
đối xử với nhau trong sự kính trọng, 
xa tránh mọi tìm kiếm hư danh và khoe khoang. 
Chúng ta không giả vờ khiêm tốn. 
Bởi lẽ thích tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo 
còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.” 
Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền uy. 
Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra. 
Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác. 
Thèm muốn vinh dự, chức tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội. 
Chỉ mong tôi thực sự hạ mình trước anh em tôi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ, 
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con. 
Cho con biết yêu 
những công việc bé nhỏ mỗi ngày, 
những công việc âm thầm, 
những bổn phận mà con làm vì yêu mến. 
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày, 
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ, 
nhưng làm tim con đau đớn. 
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ, 
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực, 
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa. 
Hơn nữa, xin cho con can đảm, 
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn, 
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người 
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con. 
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao, 
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi, 
con đường bé nhỏ và khiêm hạ. 
Ước gì con được làm bạn của Chúa 
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ, 
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen. 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Saturday (November 4): “Every one who exalts himself will be humbled”

 

Scripture: Luke 14:1, 7-11 

1 One sabbath when he went to dine at the house of a ruler who belonged to the Pharisees, they were watching him. 7 Now he told a parable to those who were invited, when he marked how they chose the places of honor, saying to them, 8 “When you are invited by any one to a marriage feast, do not sit down in a place of honor, lest a more eminent man than you be invited by him; 9 and he who invited you both will come and say to you, `Give place to this man,’ and then you will begin with shame to take the lowest place. 10 But when you are invited, go and sit in the lowest place, so that when your host comes he may say to you, `Friend, go up higher’; then you  will be honored in the presence of all who sit at table with you. 11 For every one who exalts himself will be humbled, and he who humbles himself will be exalted.”

Thứ Bảy      4-11           Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống

 

Lc 14,1.7-11

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Meditation: Who wants to be last? Isn’t it only natural to desire respect and esteem from others? Jesus’ parable of the guests invited to the marriage feast probes our motives for seeking honor and position. Self-promotion is most often achieved at the expense of others! Jesus’ parable reinforces the teaching of Proverbs: Do not put yourself forward in the king’s presence or stand in the place of the great; for it is better to be told, “Come up here,” than to be put lower in the presence of the prince (Proverbs 25:6-7).

 

True humility frees us to be our true selves as God sees us

What is true humility and why should we make it a characteristic mark of our life and action? True humility is not feeling bad about yourself, or having a low opinion of yourself, or thinking of yourself as inferior to others. True humility frees us from preoccupation with ourselves, whereas a low self-opinion tends to focus our attention on ourselves. Humility is truth in self-understanding and truth in action. Viewing ourselves truthfully, with sober judgment, means seeing ourselves the way God sees us (Psalm 139:1-4). A humble person makes a realistic assessment of himself or herself without illusion or pretense to be something he or she is not. The humble regard themselves neither smaller nor larger than they truly are. 

 

True humility frees us to be our true selves and to avoid despair and pride. A humble person does not have to wear a mask or put on a facade in order to look good to others, especially to those who are not really familiar with that person. The humble are not swayed by accidentals, such as fame, reputation, success, or failure.

True humility frees us to love and serve selflessly for the good of others

Humility is the queen or foundation of all the other virtues because it enables us to view and judge ourselves correctly, the way God sees us. Humility leads to true self-knowledge, honesty, realism, strength, and dedication to give ourselves to something greater than ourselves. Humility frees us to love and serve others selflessly, for their sake, rather than our own. Paul the Apostle, gives us the greatest example and model of humility in the person of Jesus Christ, who emptied himself, taking the form of a servant,being born in the likeness of men. And being found in human form he humbled himself and became obedient unto death, even death on a cross (Philippians 2:7-8). The Lord Jesus gives grace – his abundant favor and help – to all who humbly seek him. Do you want to be a servant as Jesus served?

“Lord Jesus, you became a servant for my sake to set me free from the tyranny of sin, selfishness, and conceit. Help me to be humble as you are humble and to love freely and graciously all whom you call me to serve.”

Suy niệm: Ai muốn làm người cuối cùng? Chẳng phải theo lẽ tự nhiên ai cũng muốn sự kính trọng từ người khác đó sao? Dụ ngôn của Ðức Giêsu về những người khách được mời đến dự tiệc cưới thăm dò những động cơ thúc đẩy người ta tìm kiếm danh vọng. Tính tự tôn thường được thể hiện qua việc hạ bệ người khác. Dụ ngôn của Ðức Giêsu lập lại lời cảnh báo trong sách Châm ngôn: Trước long nhan, đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng (Cn 25,6-7).

 

Khiêm nhường thật sự giúp chúng ta trở thành chính mình đích thật như Thiên Chúa nhìn chúng ta

Khiêm nhường đích thật là gì và tại sao chúng ta lấy nó làm dấu hiệu đặc biệt của đời sống và hành động của mình? Khiêm nhường thật sự không nghĩ xấu về mình, hay tự hạ thấp mình, hay nghĩ mình thua kém người khác. Khiêm nhường thật sự giải thoát chúng ta khỏi sự bận tâm với chính mình, đồng thời hạ thấp những xu hướng quy chiếu sự chú ý về bản thân mình. Khiêm nhường thì chân thật trong việc hiểu biết mình, và chân thật trong hành động. Nhận xét về mình một cách chân thật, với sự phán đoán đúng đắn, nghĩa là nhìn mình theo cách Chúa nhìn mình (Tv 139,1-4). Một người khiêm nhường đánh giá đúng đắn về mình mà không cần phải lừa dối mình hay giả bộ ra vẻ là gì đó mà mình thật sự không phải. Người khiêm nhường không coi mình lớn hơn hay nhỏ hơn con người thật sự của mình.

Khiêm nhường thật sự cho chúng ta tự do là chính mình và tránh sự tuyệt vọng và kiêu căng. Một người khiêm nhường không cần phải đeo mặt nạ, hay cần cái vẻ bề ngoài để gây sự chú ý của người khác, đặc biệt đối với những ai không thật sự quen biết với họ. Người khiêm nhường không bị ảnh hưởng bởi những cái phụ thuộc như danh vọng, thành công, hay thất bại.

Khiêm nhường thật sự giúp chúng ta yêu mến và quên mình phục vụ vì lợi ích của người khác

Khiêm nhường là bà hoàng hay nền tảng của tất cả mọi nhân đức, bởi vì nó cho phép chúng ta nhìn và đánh giá mình một cách đúng đắn, cách Thiên Chúa nhìn chúng ta. Khiêm nhường dẫn tới sự tự biết mình thật sự, trung thực, thật tế, sức mạnh, sẵn sàng dâng hiến chính mình cho điều gì đó lớn hơn. Khiêm nhường cho phép chúng ta tự do yêu thương và phục vụ tha nhân một cách quãng đại, vì lợi ích của họ, hơn là cho chính mình. Thánh Phaolô tông đồ, cho chúng ta một ví dụ và một mẫu gương cao cả về khiêm nhường trong con người của Đức Kitô Giêsu,Đấng rũ bỏ chính mình, mặc lấy thân phận tôi tớ, Đấng tự hạ mình và trở nên vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá (Pl 2,7-8). Chúa Giêsu ban ơn sủng cho những ai tìm kiếm Ngài cách khiêm nhường. Bạn có muốn trở thành người tôi tớ như Ðức Giêsu không?

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở nên người tôi tớ vì con để cho con  được giải thoát khỏi quyền lực tội lỗi, ích kỷ, và kiêu căng. Xin Chúa giúp con khiêm nhường như Chúa và yêu thương cách quảng đại, và ân cần với tất cả những ai Chúa gọi con phục vụ.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

hạ mình

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận