Thứ ba tuần 33 thường niên

Đăng lúc: Thứ ba - 21/11/2017 01:08 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

"Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

 

* Vượt lên trên những câu chuyện cổ kính thuật lại việc Đức Trinh Nữ Maria dâng mình vào Đền Thờ, Hội Thánh Đông Phương và Tây Phương ngày nay đều kính nhớ biến cố Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội dâng mình cho Chúa từ lúc còn ấu thơ. Mọi Kitô hữu có thể nhận thấy nơi Đức Maria “đầy ân sủng” gương mẫu cho đời sống hiến dâng.

 

Lời Chúa: Lc 19, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất".

 

Suy Niệm 1: Hoán cải đích thực

Gặp gỡ Chúa Giêsu là một biến cố hồng phúc cho con người, nếu người đó không lo sợ hoặc tránh né cuộc gặp gỡ này.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu. Chúng ta có thể ghi nhận hai thái độ trong cuộc gặp gỡ này. Trước hết là thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác đến gặp Chúa và nhận lãnh ơn lành của Chúa. Ðó là thái độ của những kẻ lẩm bẩm trách Chúa đã niềm nở đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ, bởi vì đối với Chúa không có ai xấu xa tội lỗi đến độ không đáng được hưởng lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Liệu chúng ta có thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính và khinh dễ người khác không?

Thái độ thứ hai là thái độ của ông Giakêu, người thu thuế trưởng và giầu có. Ðối với người Do thái, người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai: đó là tội phản bội quê hương cộng tác với ngoại bang, và tội gian lận tiền thuế quá mức qui định. Giakêu là người thu thuế trưởng và giầu có, sự giầu có này theo lý luận của người Do thái, chứng tỏ ông có những hành vi bất chính để làm giầu: thu nhiều, nộp ít, và như vậy ông là một người tội lỗi. Ðối với người đồng hương với Giakêu, thì tội của ông không thể tha thứ được; nhưng đối với Chúa Giêsu, Ðấng đến tìm và cứu những gì đã hư mất, thì đây là dịp để thể hiện tình thương nhân từ của Thiên Chúa.

Nơi con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng hướng về Chúa: ông muốn nhìn xem Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để được Chúa thi ân. Từ một khát khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có khoảng cách không vượt qua được, vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này một khi con người đã có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng một hành động cụ thể thiết thực: phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những thiệt hại ông đã gây ra cho kẻ khác.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thể hiện một cách cụ thể sự hoán cải của mình. Xin cho chúng ta đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng lòng nhân từ của Chúa, nhưng luôn biết cộng tác với ơn Chúa và thành tâm trở về với Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Thủ lãnh người thu thuế

Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô luôn luôn là một biến cố hồng phúc cho con người, nếu người đó không lo sợ hay tránh né cuộc gặp gỡ này với những lý do này, lý do nọ. Hôm qua, chúng ta cùng nhau suy niệm về thái độ khiêm tốn của anh mù ăn xin bên vệ đường gần thành Giêrikhô, nhưng vội vàng nắm lấy vận may khi nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua và chân thành cầu xin: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót con. Xin cho con được nhìn thấy". Và anh đã được nhìn thấy ơn lành của Chúa và ca tụng Ngài.

Hôm nay, Giáo Hội trình bày cho chúng ta một cuộc gặp gỡ khác nữa, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, người thu thuế. Cuộc gặp gỡ này đã mang đến cho ông Dakêu ơn ăn năn trở lại và sự an vui trong tâm hồn mà ông hằng mong ước.

Trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, chúng ta thấy có hai thái độ:

- Thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác gặp được Chúa, được ơn lành của Ngài và ăn năn trở lại. Ðó là thái độ mà chúng ta nhìn thấy nơi những kẻ lẩm bẩm trách Chúa đến trú ngụ và chia sẻ tình thân với ông Dakêu qua bữa tiệc: "ông này trú ngụ tại nhà người tội lỗi và là tội lỗi nặng, đã bị cộng đồng chối từ loại bỏ". Thái độ của họ cũng giống như thái độ của những người ngăn trở không cho anh mù ăn xin bên vệ đường đến gặp Chúa Giêsu. Họ ngăn cản anh, bảo anh hãy im đi. Liệu chúng ta có có thái độ giống như vậy hay không?

Chúng ta có thể tự phụ mình là người công chính mà khinh dể anh chị em chung quanh. Xét đoán anh chị em là kẻ tội lỗi và không đáng gặp Chúa Giêsu, không đáng lãnh nhận ơn lành Ngài ban, không đáng được thông cảm để trở về với Chúa và canh tân đời sống tốt đẹp hơn. Chúng ta có thái độ tự phụ như vậy không? Không ai xấu xa mãi mãi đến độ không đáng hưởng nhận lòng nhân từ và sự tha thứ của Chúa.

- Thái độ thứ hai là thái độ của ông Dakêu, người thu thuế trưởng và giàu có. Hai chi tiết này không nhằm mô tả địa vị xã hội của ông, mà mô tả tình trạng tinh thần của ông. Người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai, tội phản bội quê hương, tội cộng tác với ngoại bang đế quốc Rôma thống trị và tội gian lận tham nhũng tiền thuế, vì người thu thuế có quyền do người Rôma thống trị ban cho là thu thuế cao mà chỉ góp cho chính quyền Rôma theo mức qui định thấp hơn để có thể có lợi cho mình. Ông Dakêu là người thu thuế trưởng và giàu có. Sự giầu có chứng minh là ông đã có hành vi bất chính để làm giàu, đó là thu nhiều nộp ít để làm giàu. Ðối với người đồng hương của ông, hay những kẻ tự phụ cho mình là người công chính mà khinh dễ kẻ khác, ông Dakêu là con người tội lỗi, và tội của ông ta không thể tha thứ được nữa.

Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài vốn đến là để cứu chữa những gì đã hư mất, thì ông Dakêu lại là nơi để thể hiện tình thương nhân từ của Ngài. Nơi con người tội lỗi Dakêu, còn có một khát vọng hướng về Chúa. Ông chỉ mong ước được nhìn xem Chúa đi qua. Ðây là yếu tố căn bản mà Chúa thi ân cho con người. Từ khao khát gặp được Chúa đến việc ăn năn trở lại, không có khoảng cách không vượt qua được. Chúa Giêsu có thể vượt qua được khoảng cách này một khi con người có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của ông Dakêu có thể khuyến khích chúng ta trên con đường trở về với Chúa. Ông Dakêu đã thể hiện sự trở lại của mình bằng hành động cụ thể, phân phối một nửa của cải cho anh chị em để thể hiện tình liên đới bác ái và đền bù gấp bốn những thiệt hại đã gây ra. Liệu chúng ta có can đảm như vậy hay không?

Lạy Chúa,

Chúng con đã nhiều lần dốc lòng với Chúa sẽ làm điều này, làm việc kia để chứng tỏ đã được trở về với Chúa. Nhưng có thể chúng con không can đảm, không nghiêm chỉnh đủ để làm như ông Dakêu đã làm. Xin cho chúng con đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng lòng nhân từ của Chúa. Ơn Chúa mạnh hơn tội lỗi nhưng chúng con phải cộng tác với ơn Chúa.

Lạy Chúa,

Xin thương giúp chúng con trở về với Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Giakêu, một con lừa chui qua lỗ kim

Ông Da-kêu thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo.”Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất. (Lc. 19, 8b-10)

Ông Gia-kêu thân hình thấp bé, đứng đầu những người thâu thuế ở thành Giê-ri-cô, những đoàn người buôn bán từ Ả-rập qua thành đều phải chịu thuế nhập thị. Như thế, ông là người rất giàu, nhưng bị người Do thái khinh chê là hạng người tội lỗi công khai và cộng tác với quân xâm lăng. Tuy nhiên, chính ông là người được Thiên Chúa gửi Thánh Thần đến lôi kéo ông về cùng Đức Giêsu.

Ông “Sếp” trở nên trẻ nhỏ

Các trẻ nhỏ sẵn lòng trèo lên cây cao quá tầm đám đông để xem. Ông Gia-kêu, mặc dầu là “xếp”, địa vị cao và giàu sang đã nên giống trẻ nhỏ. Ông không sợ thiên hạ nhạo cười và hạ nhục. Được tiếng nội tâm thúc đẩy, ông tò mò trèo lên cây nhìn xem Đức Giêsu bất kể ra sao thì sao.

Đức Giêsu vị ngôn sứ tuyệt vời, rất nhạy bén với hành động của Thánh Thần nơi người khác. Người nhìn lên và thấu suốt tận con tim của Gia-kêu. Người gọi tên ông, đó là tiếng gọi của tình yêu. Người ra lệnh cho ông: “Hãy xuống mau đi, vì hôm nay tôi ở lại nhà ông”. Sứ điệp của Đức Giêsu đã kêu gọi ông. Người phải dắt đưa chiên lạc của nhà Ít-ra-en về.

Đoàn hành hương theo Đức Giêsu chẳng hiểu gì sứ điệp của Người. Đức Giêsu vừa tỏ quyền phép của Thiên Chúa chữa người mù được thấy và bây giờ tự mời mình vào ở nhà một người tội lỗi. Vậy Người không thể là Đấng Thiên sai Cứu thế. Người trong sạch không thể đồng cư với kẻ ô uế. Như thế, Đức Giêsu đã nên cớ cho người ta vấp phạm trong suốt cuộc đời cứu thế của Người đúng như ông Si-mê-on nói tiên tri: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm cớ cho nhiều người Ít-ra-en vấp ngã hay được chỗi dậy” (Lc. 2, 34).

Và tự hủy mình đi

Niềm vui đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để trở về thật chứa chan, Gia-kêu đã vui mừng đón rước Đức Giêsu vào nhà. Ông vui mừng chính thức công bố trở về và hứa bồi thường đầy đủ gấp bốn lần luật buộc, cùng hiến nửa gia tài làm việc bác ái giúp người nghèo. Ơn Chúa đầy tràn, ông đáp lại bằng tấm lòng thiện chí đầy tràn.

Đức Giêsu quay lại phía đám đông giúp họ hiểu rằng Gia-kêu đã tỏ ra xứng đáng là con cháu thật của tổ phụ Áp-ra-ham, có lòng quảng đại đặc biệt, mặc dầu nghề nghiệp ông thuộc lớp người tội lỗi. Đức Giêsu đem ơn cứu độ đến nơi nào biết tiếp đón Người đến ở.

RC

 

Suy Niệm 4

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc. 
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông. 
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được. 
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do. 
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài. 
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó. 
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em. 
Một giọt máu đào hơn ao nước lã. 
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện. 
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng. 
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài, 
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ. 
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây, 
hơn những người đứng ở ngoài kia. 
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ: 
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48). 
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia, 
đang chờ được gặp mặt Ngài và nói chuyện với Ngài. 
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu. 
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: 
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49). 
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia, 
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này. 
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt. 
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới. 
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này. 
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài. 
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha. 
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50). 
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn. 
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau. 
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu 
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha, 
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng nhau là anh chị em (Mt 23, 8). 
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài. 
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ. 
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria. 
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác, 
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình, 
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại, 
người ấy là mẹ Đức Giêsu. 
Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu, 
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhìn đến Hội Thánh 
là đàn chiên của Chúa. 
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương, 
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ. 
Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa. 
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, 
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên. 
Ước gì Hội Thánh trở nên men 
được vùi sâu trong khối bột loài người 
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh. 
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp 
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ. 
Xin cho Hội Thánh 
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước, 
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do. 
Cuối cùng xin cho chúng con 
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, 
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh. 
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian, 
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen. 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM

Bản văn Tin Mừng có thể chia làm ba đoạn:

(A) “Mẹ và anh em của Người (c. 46-47)

(B) “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48)

(A’) “Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49-50)

Giữa hai đoạn đầu và đoạn cuối, có cùng những từ ngữ “mẹ và anh em” của Đức Giê-su, nhưng tương quan thân thuộc, mà những từ ngữ này diễn tả, được biến đổi sâu xa và được rộng đến vô hạn. Chúng ta có thể so sánh hai đoạn A và A’, để tìm ra những tương đồng và khác biệt:

– Phần A’ có cụm từ “ý muốn của Cha tôi”, mà phần A không có.

– Cụm từ  “anh em của Người” trong phần A được mở rộng ý nghĩa khi chuyển sang cụm từ “anh chị em tôi” trong phần A’.

– “Mẹ của Người” trong câu 46 và “mẹ tôi” trong câu 50. Cùng một từ ngữ “mẹ”, nhưng ý nghĩa nguyên thủy vừa được bảo tồn và vừa được mở rộng vô hạn.

Từ những khác biệt nêu trên, chúng ta có thể nhận ra “con đường thiêng liêng” mà Lời Chúa mời gọi chúng ta mặc lấy: tương quan thân thuộc do máu huyết trở thành tương quan thân thuộc do việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa; nhưng tương quan ruột thịt không bị loại bỏ, nhưng được củng bố, sinh hoa kết quả và đạt tới sự viên mãn trong kế hoạch thông truyền chính Sự Sống của Thiên Chúa; như trường hợp của hai cha con Abraham và Isaac.

Tương quan thân thuộc dựa trên việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa làm nên Gia Đình mới mà Đức Giê-su rao giảng, xây dựng và trao ban chính sự sống của mình để nuôi dưỡng và làm cho hoàn tất, được mở ra cho tất cả mọi người. Dấu chỉ cho việc mở rộng đến vô hạn là chữ “chị” được Đức Giê-su thêm vào, khi nói về Gia Đình mới: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

1. “Mẹ và anh em của Người” (c. 46-47)

Đức Giê-su đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Đức Giê-su đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Và như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân. Và Đức Giê-su không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”

Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Đức Giê-su khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Đức Giê-su đi vào con đường Thập Giá (Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27). Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời của Đức Giê-su, suy đi nghĩ lại trong lòng, đã hiểu, và đi theo Đức Giê-su cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su “cách duy nhất” đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Đức Giê-su, trong đó có chúng ta.

2. “Ai là Mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48)

Đức Giê-su đang giảng cho đám đông, thì Mẹ và anh em đến muốn gặp. Đức Giêsu đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một “gia đình mới”, gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc “lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21). Thực vậy, Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (Mt 12, 48-49). Các môn đệ trở thành người thân của Đức Giê-su, trong gia đình mới.

Như thế, Đức Giê-su đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong gia đình mới mà Đức Giê-su đang xây dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giê-su, vừa là mẹ Đức Giê-su, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Mẹ Maria là Mẹ Đức Giêsu hai lần: ơn huệ này là duy nhất, chỉ một mình Mẹ có mà thôi, được làm Mẹ của Đức Giê-su hai lần.

Giáo Hội và nhất là cộng đoàn tu trì của chúng ta, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh gia đình mới của Đức Giê-su : chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Đức Giê-su, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự qui tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh thật đẹp và cụ thể, nói lên gia đình mới của Đức Giê-su. Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27).

Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời của Ngài, trong cầu nguyện. Và như thế, như Đức Mẹ, chúng ta sẽ trở thành “người thân” đích thực của Đức Giê-su; nghĩa là cũng như Mẹ, chúng ta đón nhận, “cưu mang” và trở nên một với chính Đức Giê-su.

3. “Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49-50)

Nhưng, trong thực tế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, trở thành anh chị em của nhau trong Chúa qua việc nghe và sống Lời của Ngài, điều này quả không dễ dàng, nhưng, có nhiều khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quí, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.

Kinh nghiệm nghe và sống Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng, Lời Chúa không phải là chữ viết của lề luật hay mệnh lệnh, nhưng là Ánh Sáng và là Sự Sống, có sức mạnh tái sinh chúng ta, làm cho chúng ta trở nên người thân của Chúa, như Mẹ Maria ; Lời Chúa cũng cuốn hút chúng ta nữa từ trong chốn sâu thẳm của chúng ta, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa. Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

Lời bài hát, có tựa đề “Như hơi thở mong manh” (Comme un souffle fragile), của Pierre Jacob, diễn tả thật hay kinh nghiệm tái sinh bởi Lời Chúa :

Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày.
Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

Lc 19,1-10

 

 

 

 

 

Tuesday (November 21):  “”

 

Scripture:  Luke 19:1-10

1 He entered Jericho and was passing through. 2 And there was a man named Zacchaeus; he was a chief tax collector, and rich.  3 And he sought to see who Jesus was, but could not, on account of the crowd, because he was small of stature. 4 So he ran on ahead and climbed up into a sycamore tree to see him, for he was to pass that way. 5 And when Jesus came to the place, he looked up and said to him, “Zacchaeus, make haste and come down; for I must stay at your house today.” 6 So he made haste and came down, and received him joyfully. 7 And when they saw it they all murmured, “He has gone in to be the guest of a man who is a sinner.” 8 And Zacchaeus stood and said to the Lord, “Behold, Lord, the half of my goods I give to the poor; and if I have defrauded any one of  anything, I restore it fourfold.” 9 And Jesus said to him, “Today salvation has come to this house, since he also is a son of Abraham. 10 For the Son of man came to seek and to save the lost.”

Thứ Ba    21-11           Giakêu vui mừng đón tiếp Đức Giêsu

 

Lc 19,1-10

1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “8Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Meditation: What would you do if Jesus knocked on your door and said, “I must stay at your home today”? Would you be excited or embarrassed? Jesus often “dropped-in” at unexpected times and he often visited the “uninvited” – the poor, the lame, and even public sinners like Zacchaeus, the tax collector! Tax collectors were despised and treated as outcasts, no doubt because they over-charged people and accumulated great wealth at the expense of others. 

 

 

Zacchaeus was a chief tax collector and was much hated by all the people. Why would Jesus single him out for the honor of staying at his home? Zacchaeus needed God’s merciful love and forgiveness. In his encounter with Jesus he found more than he imagined possible. He shows the depth of his repentance by deciding to give half of his goods to the poor and to use the other half for making restitution for fraud. Zacchaeus’ testimony included more than words. His change of heart resulted in a change of life, a change that the whole community could experience as genuine.

Faith welcomes Christ in our heart and home

Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) urges us to climb the sycamore tree like Zacchaeus that we might see Jesus and embrace his cross for our lives:

 

Zacchaeus climbed away from the crowd and saw Jesus without the crowd getting in his way. The crowd laughs at the lowly, to people walking the way of humility, who leave the wrongs they suffer in God’s hands and do not insist on getting back at their enemies. The crowd laughs at the lowly and says, ‘You helpless, miserable clod, you cannot even stick up for yourself and get back what is your own.’ The crowd gets in the way and prevents Jesus from being seen. The crowd boasts and crows when it is able to get back what it owns. It blocks the sight of the one who said as he hung on the cross, ‘Father, forgive them, because they do not know what they are doing… He ignored the crowd that was getting in his way. He instead climbed a sycamore tree, a tree of ‘silly fruit.’ As the apostle says, ‘We preach Christ crucified, a stumbling block indeed to the Jews, [now notice the sycamore]but folly to the Gentiles.’ Finally, the wise people of this world laugh at us about the cross of Christ and say, ‘“What sort of minds do you people have, who worship a crucified God?’ What sort of minds do we have? They are certainly not your kind of mind. ‘The wisdom of this world is folly with God.’ No, we do not have your kind of mind. You call our minds foolish. Say what you like, but for our part, let us climb the sycamore tree and see Jesus. The reason you cannot see Jesus is that you are ashamed to climb the sycamore tree.

Let Zacchaeus grasp the sycamore tree, and let the humble person climb the cross. That is little enough, merely to climb it. We must not be ashamed of the cross of Christ, but we must fix it on our foreheads, where the seat of shame is. Above where all our blushes show is the place we must firmly fix that for which we should never blush. As for you, I rather think you make fun of the sycamore, and yet that is what has enabled me to see Jesus. You make fun of the sycamore, because you are just a person, but ‘the foolishness of God is wiser than men.'[Sermon 174.3.]

The Lord Jesus is always ready to make his home with each one of us. Do you make room for him in your heart and in every area of your life?

“Lord Jesus, come and stay with me. Fill my life with your peace, my home with your presence, and my heart with your praise. Help me to show kindness, mercy, and goodness to all, even to those who cause me ill-will or harm.”

Suy niệm: Bạn sẽ làm gì nếu Đức Giêsu gõ cửa nhà bạn và nói: “Tôi phải ở lại nhà con hôm nay?” Bạn sẽ phấn khởi hay xấu hổ? Đức Giêsu thường “viếng thăm” bất ngờ và thường viếng thăm những người “không được mời” – người nghèo, người què, và thậm chí những người tội lỗi công khai như Giakêu, một người thu thuế! Những người thu thuế bị người Dothái khinh bỉ và đối xử như những người bị ruồng bỏ, rõ ràng bởi vì họ chặt đẹp người ta và thu tích nhiều của cải trên xương máu của người khác.

 

Giakêu là một đội trưởng nhóm thu thuế, nên bị mọi người ghét bỏ. Tại sao Đức Giêsu đặc biệt chú ý đến ông về đặc ân ở lại nhà ông như thế? Giakêu cần đến tình yêu thương xót của Chúa, và trong sự gặp gỡ với Đức Giêsu, ông đã tìm thấy hơn cả những gì ông có thể tưởng tượng. Ông tỏ ra hối hận tự đáy lòng bằng việc quyết định cho đi một nữa của cải của mình cho người nghèo và dùng nữa khác cho việc hoàn trả sự gian lận của mình. Việc làm chứng thực của ông Giakêu còn lớn hơn cả lời nói. Sự thay đổi của tâm hồn ông tác động tới một sự thay đổi cuộc sống, sự thay đổi mà cả cộng đồng đều có thể cảm nghiệm thật sự.

Đức tin chào đón Đức Kitô trong lòng và trong nhà

Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) thúc giục chúng ta trèo lên cây sung như Giakêu để chúng ta có thể nhìn thấy Đức Giêsu và ôm lấy thánh giá của Người trong cuộc đời chúng ta:

Giakêu vượt lên đám đông để nhìn thấy Đức Giêsu mà không bị đám đông cản lối. Đám đông cười nhạo những kẻ thấp hèn, những người bước đi trên con đường khiêm nhường, những người trao phó những người làm họ đau khổ trong tay Chúa, và không muốn đánh trả kẻ thù của mình. Đám đông cười nhạo những kẻ thấp hèn và nói rằng: “Mày là đồ vô dụng, quê mùa, mày thậm chí không thể bảo vệ được mình và lấy lại những gì của mình.” Đám đông ngăn chận lối đi và không cho người khác thấy Chúa Giêsu. Đám đông khoe khoang và reo hò khi có thể lấy lại được những gì là của mình. Nó che khuất hình dáng của Đấng đã nói khi bị treo trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm..” Người phớt lờ đám đông đang cản lối của Người. Thay vì Người trèo lên cây sung, Người lại trèo lên cây “khờ dại”. Khi thánh Phaolô nói: “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, một cớ vấp phạm đối với người Dothái, và điên rồ đối với người ngoại giáo.” Cuối cùng, những người khôn ngoan của thế giới này cười nhạo thánh giá Đức Kitô và nói: “Không biết bọn họ có đầu óc thế nào mà tôn thờ một Thiên Chúa bị đóng đinh?” Chúng tôi có đầu óc nào ư? Dĩ nhiên chúng tôi không có đầu óc như các người. Các người gọi đầu óc chúng tôi là ngu dốt. Cứ nói những gì các người thích, nhưng về phần chúng tôi, hãy để chúng tôi leo lên cây sung để nhìn xem Chúa Giêsu. Lý do các người không thể nhìn thấy Đức Giêsu là vì các người xấu hổ leo lên cây sung.

Hãy để ông Giakêu bám lấy cây sung, và để cho những kẻ thấp hèn trèo lên cây thánh giá. Chỉ có những kẻ thấp hèn mới leo lên nó. Chúng tôi không xấu hổ về thập giá Đức Kitô, nhưng chúng tôi phải để nó lên trán của mình, nơi sự xấu hổ ngự trị. Nơi tất cả nét đỏ mặt của các người thể hiện chính là nơi chúng tôi phải đặt để cách kiên định điều mà chúng tôi không bao giờ hổ thẹn. Cho nên, tôi chẳng thà để các người cười nhạo cây sung, và đó là điều giúp tôi nhìn thấy Chúa Giêsu. Các người cười nhạo cây sung, bởi vì các người chỉ là con người, nhưng “những kẻ khờ dại của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn con người” (Bài giảng 174,3).

Chúa Giêsu luôn luôn sẵn sàng ở lại với chúng ta. Bạn có chỗ cho Người trong tâm hồn mình, gia đình mình, và trong mọi lãnh vực của cuộc đời mình không?

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến và ở lại với con. Xin ban cho đời con bình an của Chúa, lấp đầy nhà con với sự hiện diện của Chúa, và cho con biết ca tụng Chúa. Xin giúp con bày tỏ sự khoan dung, thương xót, và tốt lành với mọi người, kể cả những người ác ý hay làm hại con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

hôm nay

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận