Thứ Ba tuần 31 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 07/11/2017 03:41 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Ba tuần 31 thường niên.

"Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi".

 

Lời Chúa: Lc 14, 15-24

Khi ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa". Người phán cùng kẻ ấy rằng: "Có một người kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: "Tôi mới tậu một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu". Người thứ hai nói: "Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin ông cho tôi kiếu". Người khác lại rằng: "Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi không thể đến được".

"Người đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận, bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt". Người đầy tớ trở về trình rằng: "Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành, thế mà hãy còn dư chỗ". Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của tôi".

 

 

 

Suy Niệm 1: Lời Mời Dự Tiệc

Một trong những hình ảnh Kinh Thánh dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đó là bữa tiệc. Sách Cách Ngôn đã mô tả bữa tiệc của Ðấng Khôn Ngoan như một giá trị cứu rỗi. Ngôn sứ Isaia nói đến một bữa tiệc Thiên Chúa dọn ra cho dân khi thời Cứu thế đến, tất cả mọi người đều được mời đến dụ, không phân biệt ai. Ðó cũng là bữa tiệc mà Chúa Giêsu dùng để nói về Vương Quốc của Ngài.

Tại Palestina, mỗi khi có tổ chức một bữa tiệc lớn, thì khách luôn luôn được mời trước, và người chủ tiệc cũng nhận được câu trả lời của khách trước. Khi tiệc rượu đã sẵn, ông chủ sai các đầy tớ đi báo cho người được mời để họ đến dự. Bởi thế, một lời từ chối vào phút cuối quả là một tổn thương lớn cho người chủ tiệc.

Thiên Chúa là ông chủ của bữa tiệc Nước Trời cũng đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho Israel. Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được mời cũng sống trong tâm tình chờ đợi. Nếu có các sách Tiên tri để loan báo về bữa tiệc thì cũng có các Thánh vịnh nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi giờ đến, lúc tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì kháck được mời lại từ chối.

Bàn tiệc Nước Trời vẫn được dọn ra và khách được mời hôm nay không ai khác hơn là mỗi người chúng ta. Bí tích Rửa tội là tấm thiệp cho phép chúng ta tham dự bàn tiệc này. Nhưng khi giờ đã đến, chúng ta lại để mình bị lôi cuốn bởi của cải vật chất, bởi thú vui trần thế, mà bỏ qua lời mời gọi đến tham dự bàn tiệc thánh.

Thiên Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta. Ước gì chúng ta hiểu đúng giá trị của bữa tiệc Ngài dọn sẵn cho chúng ta mỗi ngày, để với tất cả lòng yêu mến biết ơn, chúng ta tham dự, ngõ hầu chúng ta được mạnh sức tiến tới bàn tiệc vĩnh cửu trên Thiên quốc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chủ bị ế mặt

Đầy tớ nói: “Thưa ông lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ. Ông chủ bảo người đầy tớ: Ra các nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ giậu, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.” (Lc. 14, 22-24)

Một người đồng bàn nghe Đức Giêsu nói về ngày sống lại của những người công chính liền bình luận: “Phúc thay cho ai được dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Kẻ ấy chắc chắn được cứu độ và được hưởng hạnh phúc. Để lay chuyển quan niệm sai lầm về định mệnh vững chắc của họ, như thường lệ, Đức Giêsu dùng một câu chuyện tiếp tục liên quan đến một bữa tiệc lớn để đem áp dụng vào tiệc nước trời.

Khách từ chối vinh dự.

Quý khách đã được giấy mời dự đại tiệc và chủ biết ai sẽ đến. Trước bữa tiệc, như thường lệ, chủ sai đầy tớ đi mời lần nữa: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn”. Quý khách đã nhận lời trước, đến phút chót lại từ chối, làm chủ nhục nhã ế mặt quá. Những lời từ chối cho chủ thấy rõ: Họ quan tâm đến công việc của họ hơn đến dự tiệc với chủ mời. Xin kiếu vì mới mua thửa đất, mới tậu bò, mới cưới vợ.

Tất cả mọi người Ít-ra-en đều được Thiên Chúa mời dự tiệc nước trời. Bây giờ, Đức Giêsu đến mời lần chót. Cần phải ăn năn sám hối trở về vì đây là ngày cứu độ. Biệt phái từ chối lời mời của Người vì họ lo việc riêng của họ, quay mặt đi chỗ khác không lưu tâm đến Thiên Chúa. Họ phỉ báng và kiêu ngạo từ chối quà tặng vinh quang của Thiên Chúa.

Tặng ban cho những người bất hạnh.

Ông chủ lúc đó sai đi mời vào dự đại tiệc tất cả mọi người đã bị cộng đồng dân thánh Ít-ra-en loại bỏ. Vẫn còn nhiều chỗ trống trong đại tiệc, đầy tớ lại đi mời tất cả mọi dân tộc dân ngoại một cách tha thiết, khẩn khoản dù họ luôn luôn bị coi là thứ ô uế như cộng đồng Ít-ra-en khinh bỉ họ. Họ được thuyết phục để họ thấy mình thật sự được mời dự đại tiệc.

Trước sự chai đá của biệt phái đã từ chối tin vào Đức Giêsu, Người muốn nhấn mạnh để họ suy nghĩ rằng: Họ đã tự ý tách khỏi nước trời, trong khi Thiên Chúa vô cùng thương yêu đã kêu gọi những người nghèo khó và tội lỗi, dù họ cảm thấy họ là kẻ bất xứng nhất.

RC

Suy niệm 3

Nói theo ý hướng chủ quan: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, ấy là lúc chúng ta tạm cầm chiếc vé để vào Nước Trời, tuy nhiên, điều đó có thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào thái độ, cung cách sống kế tiếp của chúng ta.

 

Tại sao lại thế? Thưa là vì nhiều người lầm tưởng rằng: đã lãnh Bí tích Rửa Tội là chắc chắn được vào Nước Trời, nên không hề lo lắng gì đến chuyện sống ra sao và phải làm những gì? Những người như thế, họ chẳng khác gì những cô trinh nữ khờ dại có đèn mà không có dầu; hay như những người đầy tớ ngủ mê nên không biết ngày nào, giờ nào chủ họ sẽ về; hoặc như gia chủ không tỉnh thức nên đã để kẻ trộm đào ngạch khoét vách và lấy đi những thứ trong nhà….

 

Họ thật giống những người Dothái hôm nay khi được mời dự tiệc, họ đã không thèm đếm xỉa tới lời mời thịnh tình của chủ, nên cuối cùng họ đã không đến, mà ngược lại, những người tội lỗi, nghèo khổ, những người thấp cổ bé họng, những người bên lề xã hội lại được vào chung vui tiệc cưới của ông chủ.

 

Ngày nay, sự dửng dưng vô cảm với bàn tiệc Nước Trời vẫn còn đó nơi người Kitô hữu chúng ta. Vì thế, không lạ gì khi vẫn có những người thích ăn chơi, nhậu nhẹt, chè chén say xưa; hay vẫn tin vào những chuyện mê tín dị đoan; hoặc những chân lý nửa vời, nên không màng chi đến chuyện đạo đức, lễ lạy..., vì thế, người ta dễ bỏ qua những việc bác ái, đạo đức thường ngày…. Chúng ta nhiều khi sẵn sàng đặt để vai trò của Chúa xuống hàng thứ yếu, nhưng khi được hỏi thì vẫn nói là mến Chúa trên hết mọi sự! Ôi thật là một sự giả hình!

 

Tin Mừng hôm nay cho thấy, chủ tiệc đã dọn sẵn cỗ bàn để đãi khách. Thiệp mời cũng đã được gửi đi, nhưng niềm vui chỉ có được khi khách đến hiện diện nơi bàn tiệc mà thôi.

Thật thế, những người được mời đâu đoái hoài gì đến thiện ý của chủ tiệc, nên đã đặt những chuyện cá nhân lên trên và viện cớ: nào là đi tậu đất, thăm trại, mua bò và mới cưới....

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết thảy mọi người, không phân biệt họ là ai..., đồng thời cũng dạy cho chúng ta bài học về sự mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa và thi hành những điều Chúa dạy để được sống đời đời. Niềm vui sẽ nên trọn khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa phủ lấp trên mình và chi phối nơi cuộc sống của chúng ta.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ vì những lần chúng con khước từ tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa để được hưởng sự sống đời đời. Amen.

 

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

 

Suy niệm 4:

Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của bữa tiệc 
do một ông Pharisêu chức sắc mời Đức Giêsu vào ngày sabát (Lc 14, 1). 
Những lời Ngài nói trong bữa tiệc đã đánh động một người cùng bàn. 
Ông chia sẻ với Đức Giêsu về niềm hạnh phúc 
của người được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (c. 15), 
ở đó có mặt các tổ phụ và thiên hạ từ khắp tứ phương (Lc 13, 28-29). 
Chính vì thế Đức Giêsu đã muốn kể một dụ ngôn về Nước Trời. 
Nước Trời giống như một đại tiệc do một người khoản đãi. 
Ông đã mời nhiều quan khách đến dự. 
Khi đến giờ đãi tiệc, ông còn sai đầy tớ đi mời họ lần nữa. 
“Mời quý vị đến, vì mọi sự đã sẵn sàng rồi” (c. 17). 
Tiếc thay lời mời ấy, đại tiệc ấy, lại bị mọi người coi nhẹ. 
Ai cũng có lý do để xin kiếu từ. 
Kẻ thì kiếu vì cần phải đi xem miếng đất mới mua (c. 18). 
Kẻ thì kiếu vì phải đi kiểm tra năm cặp bò mới tậu (c. 19). 
Kẻ khác lại xin kiếu vì phải ở nhà với người vợ mới cưới (c. 20). 
Có vẻ các lý do đưa ra đều có lý phần nào. 
Nhưng thực sự chúng có phải là những lý do chính đáng 
để từ chối đại tiệc mà mình đã được mời cách trân trọng hay không? 
Vấn đề chỉ là chọn lựa. 
Xem đất mới mua, xem bò mới tậu, ở nhà với vợ mới cưới, 
những điều ấy hẳn cần thiết và quan trọng. 
Nhưng có quan trọng bằng chuyện đi dự tiệc không? 
Nếu đi dự tiệc để diễn tả sự hiệp thông của tình bạn 
thì có thể hoãn các chuyện khác không, để chọn điều có giá trị hơn? 
Chúng ta hiểu được sự nổi giận của ông chủ, 
khi thấy bữa tiệc dành để khoản đãi các khách quý lại bị đổ vỡ. 
Ông thấy chính mình bị xúc phạm, tình bạn bị coi thường. 
Ông quyết định dành bữa tiệc này cho những ai không phải là khách quý, 
những người thuộc giới hạ lưu, nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c. 21). 
Và khi phòng tiệc vẫn còn chỗ trống, ông đã khẩn khoản lôi kéo vào 
cả những người ở ngoài đường hay trong vườn nho (c. 23). 
Cuối cùng, người được mời trước thì bị loại, vì họ tự loại chính họ (c. 24). 
Còn những người có vẻ không xứng đáng lại được ngồi vào bàn. 
Chẳng ai xứng đáng được dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa 
nếu Thiên Chúa không mời. 
Nhưng chẳng ai bị loại trừ khỏi bàn tiệc cánh chung 
nếu họ không cố ý từ chối lời mời đó. 
Chẳng ai có thể tự cứu mình mà không cần đến Thiên Chúa, 
nhưng con người có thể làm mình bị trầm luân mãi mãi 
chỉ vì thái độ khép kín của mình trước ơn Chúa ban. 
“Tôi xin kiếu”, đó là câu nói của nhiều người Kitô hữu hôm nay. 
Chúng ta xin kiếu một cách quá dễ dàng, 
chẳng để ý gì đến nỗi thất vọng và đau đớn của người đãi tiệc. 
Lời mời của Thiên Chúa bị từ chối chỉ vì những chuyện không đâu. 
Chuyện tất bật làm ăn, chuyện vui chơi giải trí, chuyện mời mọc của bạn bè. 
Có nhiều chuyện thấy có vẻ quan trọng hơn, khẩn trương hơn, 
đến nỗi có người bỏ tham dự thánh lễ Chúa Nhật. 
Hãy chọn Thiên Chúa và biết quý những gì Ngài muốn ban cho ta. 
Đại tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn rồi, 
không chỉ ở đời sau, mà ngay ở đời này. 
Ngài mong ta đến để dự tiệc, hay đúng hơn để chia sẻ một tình bạn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại 
chọn những cầu thủ bóng đá, những tài tử điện ảnh 
làm thần tượng cho đời mình. 
Hôm nay Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai, 
và chúng con thật sự đắn đo trước khi chọn Chúa. 
Bởi chúng con biết rằng chọn Chúa là lội ngược dòng, 
theo Chúa là bước vào con đường hẹp: 
con đường nghèo khó và khiêm nhu, 
con đường từ bỏ và phục vụ. 
Hôm nay, chúng con chọn Chúa không phải vì Chúa giàu có, 
tài năng hay nổi tiếng, nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người. 
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa. 
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa. 
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa 
nhiều lần trong ngày, qua những chọn lựa nhỏ bé, 
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con, 
và để chúng con thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen. 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

1. Tiệc Nước Thiên Chúa

Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa (x. Lc 14, 1). Chứng kiến địa vị xã hội và tôn giáo của các khách mời, và cung cách ứng xử của họ khi chọn chỗ ngồi, Đức Giê-su đưa ra hai lời khuyên : lời khuyên thứ nhất dành cho khách mời (Lc 14, 7-11 : bài Tin Mừng của ngày thứ bảy, sau Chúa Nhật XXX thường niên) ; và lời khuyên thứ hai dành cho chính người tổ chức bữa ăn (Lc 14, 12-14 : bài Tin Mừng hôm qua). Khi nghe lời khuyên thứ hai này, có người đồng bàn với Đức Giê-su nói :

Phúc thay ai được dự tiệc Nước Thiên Chúa.(c. 15)

Đó là câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay. Vì thế, điều Chúa muốn dạy chúng ta, không phải là cách thức tổ chức hay cung cách ứng xử trong những bữa tiệc lớn, nhưng là giúp chúng ta hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời. Bởi vì, Nước Trời cũng giống như một bữa tiệc : « Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người » (c. 16)

2. Ơn huệ lương thực

Nước Trời giống như một bữa tiệc lớn. Vì thế, thật là đáng tiếc nếu chúng ta ăn chay, hay sâu xa hơn, coi thường hay hiểu lệc lạc về ân huệ lương thực ! Nước Trời giống như một bữa tiệc lớn, đó là vì, lương thực vừa rất thường ngày, vì chúng ta phải ăn nhiều lần trong ngày để mà sống, vừa rất linh thiêng, vì lương thực làm cho sống, vì thế lương thực là biểu tượng của sự sống thần linh, được Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa (x. St 1, 29) và được hiện tại hóa mỗi ngày : « Chúa ban bánh cho tất cả chúng sinh » (Tv 136, 25) ; và lời nguyện : « Xin cho cho chúng con lương thực hàng ngày » trong Kinh Lạy Cha được đọc trước bữa ăn, với tâm tình tạ ơn, vì ơn huệ lương thực đã có đó, trên bàn ăn rồi. Vì thế, người Do thái xin Thiên Chúa thanh tẩy ngang qua việc rửa tay, trước khi dùng bữa, bởi lẽ bàn ăn của họ là « bàn thánh ». Và đối với chúng ta, cũng phải như thế. Hơn nữa, lương thực hàng ngày mời gọi chúng ta ước ao ơn huệ Bánh Hằng Sống là chính Đức Ki-tô. Bởi vì, chúng ta xác tin rằng Thiên Chúa một khi duy trì cho chúng ta sống hằng ngày ngang qua dấu chỉ lương thực, thì Người cũng sẽ làm cho chúng ta sống mãi như Người để yêu thương. Chính vì thế, chúng ta cũng ngỏ với Thiên Chúa Cha với Kinh Lạy Cha, theo lời dạy của Đức Ki-tô, trước khi đón nhận Lương Thực Hằng Sống, là chính Mình và Máu Thánh của Người, trong Thánh Lễ.

Hơn nữa, bữa ăn còn là nơi diễn tả niềm vui gặp mặt, diễn tả tình yêu, tình bạn, chia sẻ và hiệp thông, chính vì thế mà « Trời đánh, tránh bữa ăn » ! Bởi vì, khi dùng bữa, trong mức độ chúng ta có nhân tính, chúng ta không chỉ cảm nếm và thưởng thức lương thực, nhưng chúng ta còn cảm nếm và thưởng thức điều quan trọng và bền vững hơn, đó là sự hiện diện cảm thông, huynh đệ và yêu thương.

3. Bữa tiệc nhưng không

Nước Trời giống như một bữa tiệc lớn, và bữa tiệc này được tổ chức hoàn toàn nhưng không. Dụ ngôn bữa tiệc Nước Trời theo lời kể của thánh Mát-thêu còn nêu ra lí do, đó là tiệc cưới của đàng trai. Nhưng dụ ngôn của Đức Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe, hoàn toàn không nêu ra lí do : « Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người ». Chi tiết này xem ra tầm thường, nhưng lại mặc khải cho chúng ta con tim của chính Thiên Chúa : Người là nhưng không, là chia sẻ nhưng không, là tình yêu nhưng không. Chính vì thế mà người được mời, là chính chúng ta, cũng phải đáp lại cách nhưng không ; và vì là một bữa tiệc nhưng không, Thiên Chúa tôn trọng sự lựa chọn của khách được mời, sự lựa chọn của chính chúng ta.

Và chiều kích nhưng không của bữa tiệc Nước Trời được đặc biệt nhấn mạnh, qua lòng khát khao có người đến dự tiệc, khao khát cách lạ lùng. Chi tiết này của dụ ngôn hoàn toàn tương hợp với lời khuyên thứ hai của Đức Giê-su : « Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc » (c. 13-14). Lời khuyên thứ nhất của Đức Giê-su về việc chọn chỗ trong các bữa tiệc lớn, thì bình thường và dễ thực hiện, nhưng lời khuyên thứ hai của Ngài lại quá bất thường và trong thực tế không thể thực hiện được. Thật vậy, ai trong chúng ta đã từng mở tiệc và mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù chưa ? Vì thế, thay vì hiểu lời của Đức Giê-su theo nghĩa thực hành, để rồi cảm thấy ray rứt vì không thực hiện được, chúng ta được mời gọi đặt lời của Ngài trong bầu khí của ngày sa-bát, là ngày của Thiên Chúa ban sự sống (x. Xh 20, 8-11), và cũng là ngày của Thiên Chúa cứu sống (x. Đnl 5, 12-15) và trong viễn tượng bữa tiệc của Nước Thiên Chúa, là điểm tới của sáng tạo và lịch sử. Bởi vì, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm được mà thôi trong bữa tiệc Nước Trời của Ngài.

Trong dụ ngôn, những người được mời đã không ra khỏi được thế giới riêng của mình, họ như là bị giam ở trong đó và vì thế tất yếu dẫn đến thái độ nội tâm “băn khoăn lo lắng”, ham muốn, ghen tị và tất yếu sẽ dẫn đến bạo lực, như dụ ngôn của Đức Giê-su theo lời kể của thánh Mát-thêu: “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết” (Mt 22, 1-10). Đó chính là năng động tất yếu của sự chối từ và đóng kín. Thái độ ngược lại là ra khỏi mình để chia vui, hiệp thông, chúc mừng và ca tụng; và thái độ này làm cho chúng ta được tự do với những gì giam cầm chúng ta, và giải thoát khỏi những năng động đóng kín gây chết chóc. Chúng ta đôi khi cũng có thái độ và hành động tương tự đối với lời mời gọi nhưng không và tha thiết của Chúa đến gặp gỡ và dùng bữa với Người.

* * *

Xin cho niềm vui viên mãn của Bữa Tiệc Nước Thiên Chúa, mà Đức Giê-su mời gọi và dẫn đưa chúng ta đi vào tham dự một cách nhưng không, lôi cuốn chúng ta, để chúng ta bình tâm với mọi sự và định hướng mọi sự ở cuộc đời này. Nhưng thực ra, trong Thánh Lễ mà chúng ta cử hành mỗi ngày, Người đã cho chúng ta cảm nếm niềm vui này rồi, khi đón nhận Lời và Ngôi Vị của Người vào trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Tuesday (November 7): “Invitation to the King’s banquet table”

 

Scripture: Luke 14:15-24

15 When one of those who sat at table with him heard this, he said to him, “Blessed is he who shall eat bread in the kingdom of God!” 16 But he said to him, “A man once gave a great banquet, and invited many; 17 and at the time for the banquet he sent his servant to say to those who had been invited, `Come; for all is now ready.’ 18 But they all alike began to make excuses. The first said to him, `I have bought a field, and I must go out and see it; I pray you, have me excused.’ 19 And another said, `I have bought five yoke of oxen, and I go to examine them; I pray you, have me excused.’ 20 And another said, `I have married a wife, and therefore I cannot come.’ 21 So the servant came and reported this to his master. Then the householder in anger said to his servant, `Go out quickly to the streets and lanes of the city, and bring in the poor and maimed and blind and lame.’ 22 And the servant said, `Sir, what you commanded has been done, and still there is room.’ 23 And the master said to the servant, `Go out to the highways and hedges, and compel people to come in, that my house may be filled. 24 For I tell you, none of those men who were invited shall taste my banquet.'”

Thứ Ba     7-11           Lời mời đến bàn tiệc của Đức Vua

 

Lc 14,15-24

15 Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa! “16 Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người.17 Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.18 Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.19 Người khác nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.20 Người khác nói: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.21 “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.22Đầy tớ nói: “Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.23 Ông chủ bảo người đầy tớ: “Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta.24 Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”

Meditation: What does it mean to “eat bread in the kingdom of heaven”? In the ancient world the most notable sign of favor and intimate friendship was the invitation to “share bread” at the dinner table. Who you ate with showed who you valued and trusted as your friends. A great banquet would involve a lavish meal of several courses and a large company of notable guests and friends. One of the most beautiful images of heaven in the scriptures is the royal wedding celebration and banquet given by the King for his son and  friends. We, in fact, have been invited to the most important banquet of all! The last book in the Bible ends with an invitation to the wedding feast of the Lamb and his Bride, the church: The Spirit and the Bride say, Come! (Revelations 22:17). The ‘Lamb of God’ is the Lord Jesus Christ and his bride is the people he has redeemed by his own precious blood which was shed upon the cross for our salvation.

 

Making light of  the Lord’s gracious invitation to feast at his table

Jesus’ “banquet parable” must have startled his audience. If a great lord or king invited his friends to a banquet, why would the guests turn down his invitation? A great banquet would take many days to prepare. And personal invitations would be sent out well in advance to the guests, so they would have plenty of time to prepare for the upcoming event. How insulting for the invited guests to then refuse when the time for celebrating came! They made light of the King’s request because they put their own interests above his.

Excuses that hold us back from pursuing the things of God

Jesus probes the reasons why people make excuses to God’s great invitation to “eat bread” with him at his banquet table. The first excuse allows the claims of one’s personal business or work to take precedence over God’s claim. Do you allow any task or endeavor to absorb you so much that it keeps you from the thought of God? The second excuse allows our possessions to come before God. Do you allow the media and other diversions to crowd out time for God in daily prayer and worship? The third excuse puts home and family ahead of God. God never meant for our home and relationships to be used selfishly. We serve God best when we invite him into our work, our homes, and our personal lives and when we share our possessions with others.

An invitation of undeserved grace and favor

The second part of the story focuses on those who had no claim on the king and who would never have considered getting such an invitation. The “poor, maimed, blind, and lame” represent the outcasts of society – those who can make no claim on the King. There is ample room at the feast of God even for outsiders from the highways and hedges – the Gentiles who were not members of the chosen people, the Jews. This is certainly an invitation of grace – undeserved, unmerited favor and kindness. But this invitation also contains a warning for those who refuse it or who approach the wedding feast unworthily. Grace is a free gift, but it is also an awesome responsibility.

God’s grace is free and costly

Dietrich Bonhoeffer, a German pastor who died for his faith under the Nazi persecution of Jews and Christians, contrasted cheap grace and costly grace: “Cheap grace is the grace we bestow on ourselves… the preaching of forgiveness without requiring repentance… grace without discipleship, grace without the cross, grace without Jesus Christ, living and incarnate… Costly grace is the Gospel which must be sought again and again, the gift which must be asked for, the door at which a man must knock. Such grace is costly because it calls us to follow Jesus Christ. It is costly because it costs a man his life, and it is grace because it gives a man the only true life.”

 

God lavishes his grace upon each one of us to draw us closer to himself and he invites each of us to his banquet that we may share more deeply in his joy. Are you ready to feast at the Lord’s banquet table?

“Lord Jesus, you withhold no good thing from us and you lavish us with the treasures of heaven. Help me to seek your kingdom first and to lay aside anything that might hinder me from doing your will.”

Suy niệm:  “Ăn bánh trong nước trời” nghĩa là gì? Trong thế giới cỗ xưa, dấu hiệu đáng chú ý của tình bằng hữu yêu quý và thân mật là sự mời “chia sẻ cơm bánh” ở bàn ăn. Người cùng ăn với bạn cho thấy người mà bạn quý trọng và tin tưởng như bạn hữu. Bữa tiệc linh đình sẽ có nhiều món ăn ngon và nhiều khách quý và bạn bè. Một trong những hình ảnh đẹp nhất của Thiên đàng trong Kinh thánh là bữa tiệc của hoàng gia và bữa tiệc cưới do nhà vua thiết đãi. Thật tế, chúng ta được mời đến dự bữa tiệc quan trọng nhất trong các bữa tiệc! Quyển sách cuối cùng trong Kinh thánh kết thúc với lời mời gọi đến bữa tiệc cưới của Con Chiên và hiền thê của Người là Giáo hội: Thần Khí và Hiền thê nói rằng: Hãy đến! (Kh 22,17). “Chiên Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô và hiền thê của Người là dân mà Người đã cứu chuộc bằng chính máu châu báu của Người đã đỗ trên thập giá vì phần rỗi chúng ta.

 

 

 

Việc coi thường lời mời tốt lành của Chúa tới dự bàn tiệc của Người

“Dụ ngôn bữa tiệc” của Đức Giêsu phải khiến cho các thính giả phải giật mình. Nếu một vị vua chúa mời bạn hữu của mình đến dự tiệc, tại sao những vị khách lại coi thường lời mời? Một bữa tiệc lớn sẽ mất nhiều ngày để chuẩn bị. Và các thiệp mời đến từng người sẽ được gởi đi trước tới các vị khách, để họ có thì giờ chuẩn bị cho sự kiện sắp tới. Thật là xấu hổ cho những vị khách đã được mời mà lại từ chối khi ngày vui đến! Họ coi thường lời mời của nhà Vua bởi vì họ coi những công việc của mình lớn hơn bữa tiệc của vua.

Những lời bào chữa ngăn cản chúng ta theo đuổi những gì thuộc về Thiên Chúa

Đức Giêsu thăm dò những lý do tại sao người ta lại kiếu từ lời mời gọi trọng đại của Thiên Chúa đến “ăn bánh” với Người ở bàn tiệc. Lời bào chữa thứ nhất cho phép những đòi hỏi công việc của họ lớn hơn đòi hỏi của Thiên Chúa. Bạn có để cho công việc của mình thu hút bạn hoàn toàn và không màng đến sự bận tâm của Thiên Chúa không? Lời bào chữa thứ hai để cho những lợi ích hay sở hữu khác đi trước Chúa. Truyền hình hay những cuộc giải trí khác có chiếm hết chỗ cầu nguyện và thờ phượng Chúa không? Lời bào chữa thứ ba coi nhà cửa và gia đình trọng hơn Chúa. Thiên Chúa không bao giờ có ý cho gia đình và những mối quan hệ được sử dụng một cách ích kỷ. Chúng ta phụng sự Thiên Chúa cách tốt nhất khi chúng ta mời Người vào trong công việc và gia đình của mình, và khi chúng ta chia sẻ của cải của mình cho người khác.

Lời mời của ơn sủng và đặc ân nhưng không

Phần thứ hai của câu chuyện nhấn mạnh đến những người không quan hệ đến nhà vua và cũng không bao giờ được coi là khách được mời tới dự tiệc. Những người “nghèo đói, thương tật, mù lòa, và què quặt” biểu hiện cho những người ở bên lề xã hội – những người không có yêu sách gì với nhà Vua. Thậm chí vẫn còn chỗ trống ở bữa tiệc của Thiên Chúa cho những người ngoài đường và ngăn cách – dân ngoại. Đây chắc chắn là lời mời gọi của ơn sủng – ân huệ và nhân từ không cân xứng, không có chút công nghiệp! Nhưng lời mời này cũng chứa đựng lời cảnh báo cho những ai từ chối nó hay tới gần tiệc cưới cách bất xứng. Ơn sủng là món quà nhưng không nhưng nó cũng là một trách nhiệm đáng sợ.

Ơn của Chúa nhưng không nhưng đắt giá

Dieterich Bonhoeffer, một mục sư Tinh lành và là nhà thần học ở Đức, người đã chết cho niềm tin của mình dưới thời cai trị của nhà độc tài Đức quốc xã Adolf Hitler, đã làm nổi bật sự khác nhau giữa ơn sủng rẻ tiền và ơn sủng quý giá. “Ơn sủng rẻ tiền là ơn sủng chúng ta cầu xin cho mình… chủ trương ơn tha thứ mà không cần hoán cải ăn năn… ơn sủng không có luật lệ, ơn sủng không có thánh giá, ơn sủng không có Đức Giêsu Kitô sống động và nhập thể. Ơn sủng quý giá là Tin mừng, phải được tìm kiếm không ngừng, là quà tặng phải được cầu xin, là cánh cửa mà người ta phải gõ. Ơn sủng như vậy là quý giá, bởi vì nó kêu gọi chúng ta đi theo Đức Giêsu Kitô. Nó thật quý giá bởi vì nó đòi chính mạng sống của người ta, và nó là ơn sủng bởi vì nó ban cho người ta sự sống duy nhất và chân thật.”

Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta đến bữa tiệc của Người để chúng ta có thể chia sẻ niềm vui của Người. Bạn có sẵn sàng đến dự bàn tiệc của Chúa chưa?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không hề từ chối với chúng con điều tốt lành nào và Chúa rộng rãi với chúng con bằng những kho báu Thiên đàng. Xin giúp con tìm kiếm nước Chúa trên hết và để lại sau lưng những gì có thể ngăn cản con thực thi thánh ý Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

người ta

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận