Thứ Hai tuần 31 thường niên.

Đăng lúc: Thứ hai - 06/11/2017 02:18 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Hai tuần 31 thường niên.

"Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật".

 

Lời Chúa: Lc 14, 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: "Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông.

Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn".

 

 

 

Suy Niệm 1: Bác Ái Vô Vị Lợi

Tâm lý thường tình của con người vẫn là: "Có qua có lại, mới toại lòng nhau" hoặc "Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu". Chúng ta kết bạn thân thiết với ai, chúng ta cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng ta.

Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: "Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giầu có... Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại".

Ở đây, Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.

Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Tình Yêu Là Ân Huệ Tặng Không

“Trái lại khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc. 14, 13-14)

Khi kêu gọi quý khách hạ mình xuống để được vào nước trời, bây giờ Đức Giêsu chỉ dẫn chủ mời cần điều chỉnh mọi hành động của ông theo tình yêu Thiên Chúa để yêu người.

Tình yêu vụ lợi không được cứu độ.

Đối với dân Do thái, mời ăn tiệc là tỏ lòng thân ái và tình bạn. Họ chỉ mời những bạn hữu, anh chị em, cha mẹ, bà con và những người láng giềng giàu có, để mong được mời lại. Hành động của họ không đặt nền tảng trên tình yêu như Chúa truyền dạy. Đó là cách yêu mình, yêu vụ lợi.

Đức Giêsu không nói đừng bao giờ mời bạn hữu. Những người lương dân thường làm thế, nhưng đó không phải là dấu chỉ môn đệ Đức Giêsu. Môn đệ phải tìm theo Chúa, không được đòi Chúa phải theo mình trong mọi việc của mình. Môn đệ phải sẵn sàng yêu mến, và chia sẻ cơm áo cho những người Chúa yêu, như kẻ nghèo khổ, què quặt, mù lòa.

Chỉ có ơn tặng không mới mở được cửa nước trời.

Con đường của Chúa vượt tới từ bỏ chính mình, tới vô vị lợi tuyệt đối. Nếu bạn mời những kẻ bất hạnh, họ không thể mời lại bạn, bạn mở con tim ra cho họ bằng một tình yêu vô tư, tặng không, như chính Thiên Chúa yêu họ.

Trước đó, bạn sẽ thấy hạnh phúc và phần thưởng trong ngày sống lại và phán xét.

Chính Chúa Giêsu ban bữa tiệc tình yêu và truyền lại cho các môn đệ làm mà nhớ đến cái chết hy sinh của Người. Trong bữa tiệc thánh đặc biệt này, Người không phân biệt và loại trừ một ai. Bữa tiệc Thánh Thể này cần mở ra mời hết mọi người, không phân biệt giai cấp xã hội, chủng tộc hay phẩm giá của họ.

Ta chỉ cần đọc lại thư của thánh Gia-cô-bê và những thư của thánh Phao-lô để nhận thấy Giáo hội sơ khai đã tha thiết nhắc lại lời dạy của Đức Giêsu nói với biệt phái khi họ mời Người.

Tình yêu là một ân huệ Thiên Chúa tặng không cho ta. Ta đã được cho không, thì phải tặng lại một cách quảng đại vô vị lợi.

RC

SUY NIỆM 3

 

Tại thành phố Sài Gòn, rất nhiều người biết đến quán cơm từ thiện với cái tên ngồ ngộ: “Quán cơm Vợ thằng Đậu”. Chủ nhân của quán cơm này chính là cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Khi vừa qua cơn bạo bệnh nhờ phép lạ của Đức Mẹ, Lê Vũ Cầu đã xin theo Đạo Công Giáo, và việc làm đầu tiên để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cứu ông khỏi căn bệnh hiểm nghèo là: bán hai miếng đất lấy tiền mở quán cơm chay tại số 40 Đặng Văn Bi, Q.Thủ Đức, Tp. Sài Gòn.

Quán ăn phục vụ từ 10h 30 - 11h 30 trưa, mỗi ngày tiếp khoảng 100 - 150 lượt khách. Khách hàng của quán chủ yếu là người nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đông nhất là anh chị em bán vé số. Tất cả đều được ăn miễn phí.

 

Khi mở quán như thế, nhiều người cho rằng nghệ sĩ Lê Vũ Cầu có vẻ bất thường, vì nếu dùng đồng tiền đó vào những chuyện như kinh doanh, buôn bán có lẽ tốt hơn!

 

Hôm nay, Đức Giêsu xem ra cũng có vẻ bất thường khi nói với ông thủ lãnh những người Pharisêu khi mời Ngài đến dự tiệc rằng: “Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”. Câu nói này của Đức Giêsu quả thật là bất thường theo lối suy hiểu của con người. Không chỉ có một lần này, mà đọc lại các trang Tin Mừng, chúng ta thấy có rất nhiều lần Đức Giêsu dùng lối nói như vậy. Chẳng hạn như: Hiến Chương Nước Trời và những lời chúc phúc: “Phúc cho người nghèo, khóc lóc, đói khát, bắt bớ, tù đầy....”; hay khi đưa ra nguyên tắc éo le cho những ai muốn theo mình: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống đời đời”; hay “ai muốn làm lớn thì phải làm đấy tớ mọi người”; hoặc “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết...”; còn khi dạy về sự lựa chọn: Ngài đã lựa chọn: “Sẵn sàng bỏ 99 con chiên để đi tìm cho kỳ  được 1 con chiên bị lạc; người đàn bà tìm được đồng xu đánh mất, thì lại mời cả xóm đế chung vui...!”.

 

Tại sao Đức Giêsu lại có cái nhìn như thế? Thưa là vì Ngài có một cái nhìn siêu nhiên, tức là cái nhìn hướng thượng, cái nhìn cứu độ. Chỉ những ai có cái nhìn như thế, hẳn mới đón nhận được giá trị cứu độ của nó đằng sau sự kiện.

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn như thế để được cứu độ, bởi lẽ khi chúng ta hành động vì những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù..., ở đời này, họ không có gì để trả ơn cho chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ là người thay họ trả ơn gấp trăm cho chúng ta ở đời này và đời sau.

 

Có thể với lối nhìn như thế, nhiều người sẽ khinh chê, dè bỉu, nhưng nếu bây giờ chúng ta dám lội ngược dòng để sống cốt lõi của Tin Mừng, thì trong cuộc sống mai hậu, chúng ta sẽ xuôi dòng để tiến về Quê Trời.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu và sống ý nghĩa của Tin Mừng, để sau này, chúng con được vui hưởng hạnh phúc trên Quê Trời. Amen.

 

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Suy niệm 4:

“Bánh ít đi, bánh quy lại” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”: 
đó vẫn được coi là cách cư xử bình thường giữa người với người. 
Hơn nữa ai làm như vậy còn được coi là người biết cách xử thế. 
Trong bài Tin Mừng hôm nay, 
Đức Giêsu mời ta vượt lên trên lối cư xử đó, 
không ngừng lại ở chỗ tôi cho anh, để rồi anh cho tôi (do ut des). 
Ngài dạy cho ông chủ tiệc biết nên mời ai và không nên mời ai. 
Có bốn hạng người không nên mời dự tiệc: 
bạn bè, anh em, bà con họ hàng, hay láng giềng giàu có. 
Ngài đưa ra lý do: “Kẻo họ mời lại ông, và ông được đáp lễ” (c.12). 
Hơn nữa, Ngài còn nói đến bốn hạng người nên mời dự tiệc: 
những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c.13). 
Đức Giêsu khuyên nên mời những hạng người này, 
vì họ không có khả năng mời lại hay đáp lễ (c.14). 
Như thế Đức Giêsu cho ta tiêu chuẩn để mời khách dự tiệc. 
Không mời những người quen biết, thân thích, giàu sang, 
để mời những người nghèo hèn, những kẻ chẳng được ai mời. 
Qua đề nghị khó thực hiện này của Đức Giêsu, 
Ngài đụng đến một khuynh hướng tự nhiên mà ít người để ý. 
Đó là khi làm điều tốt cho ai 
ta cũng mong được hoàn trả cách này cách khác. 
Có khi mong được trả lại tương đương hay hậu hỹ hơn. 
Có khi mong trả lại bằng một bia đá ghi công hay một lời tri ân đơn giản. 
Nói chung để làm một hành vi hoàn toàn vô vị lợi là điều rất khó. 
Chỉ ai thành thật đi vào lòng mình mới thấy mình ít khi cho không. 
Đức Giêsu muốn hạn chế khuynh hướng này. 
Ngài mời chúng ta ra khỏi thế giới của những người quen biết, 
không kết thân với những người giàu có và thế lực, 
để mong họ đem lại lợi nhuận hay làm ô dù cho ta. 
Ngài đưa ta đến với những người nghèo và không có địa vị, 
những người không có khả năng mời lại hay đáp lễ. 
Có khi những người đó chẳng ở đâu xa. 
Họ nằm ngay trong số bạn hữu, bà con, anh em, hay hàng xóm. 
Khi mời họ dự tiệc, trân trọng họ như khách quý, 
chúng ta làm sống lại những mối tương quan tưởng như không còn. 
Đức Giêsu mời ta thanh luyện ý hướng của mình khi làm điều tốt, 
trở nên siêu thoát và từ bỏ những tìm kiếm tự nhiên quy về mình. 
Bài Tin Mừng đơn sơ này có thể tạo một bước ngoặt trong đời Kitô hữu. 
Chúng ta sẽ được nếm một mối phúc mới: 
Phúc cho ai làm một việc tốt mà không được ai biết đến và đáp lễ. 
Họ sẽ được Thiên Chúa “đáp lễ” trong ngày phục sinh (c. 14).

Cầu nguyện:

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến, 
xin dạy con biết sống quảng đại, 
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài, 
biết cho đi mà không tính toán, 
biết chiến đấu không ngại thương tích, 
biết làm việc không tìm an nghỉ, 
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào 
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

 

SUY NIỆM:

Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa (x. Lc 14, 1). Chứng kiến địa vị xã hội và tôn giáo của các khách mời, và cung cách ứng xử của họ khi chọn chỗ ngồi, Đức Giê-su đưa ra hai lời khuyên: lời khuyên thứ nhất dành cho khách mời (Lc 14, 7-11 : bài Tin Mừng của ngày thứ bảy, sau Chúa Nhật XXX thường niên) ; lời khuyên thứ hai dành cho chính người tổ chức bữa ăn, và đó là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay. Khi nghe lời khuyên thứ hai này, có người đồng bàn với Đức Giê-su nói: « Phúc thay ai được dự tiệc Nước Thiên Chúa » (c. 15).

1. Một lời khuyên bình thường?

Theo phong tục của người Do Thái, trong một bữa tiệc lớn, người chủ tiệc không dành riêng một số ghế cho các vị khách quan trọng hay các bậc vị vọng, và cũng không đích thân hay ngang qua bàn tiếp tân, mời từng người khách vào chỗ ngồi, như chúng ta vẫn làm khi tổ chức những tiệc mừng lớn.

Chính vì thế, mỗi người khi đến dự tiệc, phải căn cứ vào địa vị của mình mà tự chọn một chỗ ngồi thích hợp, so với những người khác. Do đó, tốt hơn là đừng ngồi vào những chỗ quan trọng nhất; nếu không, chẳng may có vị khách quan trọng hơn mình đến trễ, lúc ấy thật là xấu hổ vì phải nhường chỗ cho vị này. Một khả thể khác là, đến lúc khai mặc bữa tiệc, những chỗ quan trọng nhất vẫn chưa có ai ngồi; lúc ấy, thật là vinh dự khi có những người được mời công khai trước mặt toàn thể quan khách ngồi vào những chỗ nhất này.

Trong một bối cảnh như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, lời dạy của Đức Giê-su chẳng có gì đặc biệt. Thực vậy, Ngài nói trong dụ ngôn tiệc cưới :

Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: « Xin mời ông bạn lên trên cho ». Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. (c. 10)

Lời khuyên này, không những không có gì đặc biệt, vì ai cũng có thể tự rút ra bài học này, từ kinh nghiệm sống của mình hay của người khác. Ngoài ra, dường như Đức Giê-su dạy chúng ta tính toán, thậm chí giả bộ khiêm tốn, để được tôn vinh !

2. Bữa tiệc Nước Trời

Chúng ta nhận xét như thế về lời dạy của Đức Giê-su, đó là vì chúng ta hiểu ở mức độ khôn khéo bình thường trong cung cách ứng xử. Nhưng nếu chú ý kĩ khi nghe Tin Mừng, thì chúng ta nhận ra rằng đây là một dụ ngôn: « Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này ». Vì thế, điều Chúa muốn dạy chúng ta, không phải là cung cách ứng xử trong những bữa tiệc lớn, nhưng là giúp chúng ta hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời.

Thật vậy, trong bữa tiệc Nước Trời, ai trong chúng ta dám tự cho mình là cao trọng, là vị vọng, là xứng đáng, để tự ngồi vào « cỗ nhất »? Bởi lẽ trong bữa tiệc Nước Trời, trước mặt Chúa, chúng ta đều như nhau hết: đều nghèo nàn, bệnh tật, khuyết tật và tội lỗi. Như Thánh Phao-lô nói: trong Đức Ki-tô không có phân biệt giữa nam và nữ, giữa Do Thái và Dân Ngoại, giữa người tự do và người nô lệ.

Trong Đức Ki-tô, chúng ta trở nên giống nhau trong thân phận, và vì thế, chúng ta cũng được trở nên giống nhau trong ân sủng. Chính Mình và Máu Đức Ki-tô làm cho chúng ta trở nên công chính, trở nên giàu có, và đặt chúng ta ngồi vào « cỗ nhất », nghĩa là đặt chúng ta làm con Thiên Chúa, giống như Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa; và như thế, chúng ta trở thành anh chị em của nhau trong Đức Ki-tô.

3. Thiên Chúa là Nhưng Không

Hơn nữa, trong phần tiếp theo của bài Tin Mừng được đọc trong Thánh Lễ Chúa hôm nay, Đức Giê-su còn đưa ra lời khuyên thứ hai :

Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại. (c. 12-14)

Lời khuyên thứ nhất của Đức Giê-su về việc chọn chỗ trong các bữa tiệc lớn, thì bình thường và dễ thực hiện, nhưng lời khuyên thứ hai của Ngài lại quá bất thường và trong thực tế không thể thực hiện được. Thật vậy, ai trong chúng ta đã từng mở tiệc và mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù chưa ?

Vì thế, thay vì hiểu lời của Đức Giê-su theo nghĩa thực dụng hay thực hành, chúng ta được mời gọi đặt lời của Ngài trong bầu khí của ngày Sa-bát, là ngày của Thiên Chúa ban sự sống (x. Xh 20, 8-11), và cũng là ngày của Thiên Chúa cứu sống (x. Đnl 5, 12-15) và trong viễn tượng bữa tiệc của Nước Thiên Chúa, là điểm tới của sáng tạo và lịch sử. Bởi vì, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm được mà thôi trong bữa tiệc Nước Trời của Ngài.

*  *  *

Tuy nhiên, lời của Đức Giê-su vẫn chất vấn cách sống, cách làm việc và nhất là cách thi hành sứ vụ của chúng ta. Thật vậy, ngang qua vấn đề đãi tiệc, Đức Giê-su mời gọi chúng ta trong mọi sự, hãy hành động cách nhưng không, bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không. Ở đâu có sự nhưng không, ở đó Nước Thiên Chúa hiện diện. Và chúng ta được mời gọi sống với mọi người trong tâm tình nhưng không, đó còn là vì, như Đức Giê-su nói khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng Nước Trời: « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy ». Như thế, Nước Trời gắn liền với cung cách sống và làm việc cách nhưng không, và đặc biệt với sứ mạng phục vụ cho sự sống cách nhưng không.

Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con có ra nông nỗi gì. Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Hội Dòng. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không có động lực để sống đến cùng ơn gọi của mình; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, Cộng Đoàn của chúng ta.

Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, trong gia đình hay cộng đoàn, trong Giáo Hội và ngay cả trong một xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở gia đình này hay ở cộng đoàn này.

*  *  *

Chúng ta đón nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (thánh hiến, gia đình…) nhưng không chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống. Lý do tận cùng, đó là bởi vì:

THIÊN CHÚA LÀ NHƯNG KHÔNG.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Monday (November 6): “You will be repaid at the resurrection of the just”

 

Scripture: Luke 14:12-14  

12 He said also to the man who had invited him, “When you give a dinner or a banquet, do not invite your friends or your brothers or your kinsmen or rich neighbors, lest they also invite you in return, and you be repaid. 13 But when you give a feast, invite the poor, the maimed, the lame, the blind, 14 and you will be blessed, because they cannot repay you. You will be repaid at the resurrection of the just.”

Thứ Hai      6-11           Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại

 

Lc 14,12-14

12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

Meditation: Who do you honor at your table? The Lord is always ready to receive us at his table. As far as we can tell from the Gospel accounts, Jesus never refused a dinner invitation! Why, in this particular instance, does Jesus lecture his host on whom he should or shouldn’t invite to dinner? Did his host expect some favor or reward from Jesus? Did he want to impress his neighbors with the honor of hosting the “miracle worker” from Galilee?

 

 

Generous giving doesn’t impoverish – but enriches the heart

Jesus probes our hearts as well. Do you only show favor and generosity to those who will repay you in kind? What about those who do not have the means to repay you – the poor, the sick, and the disadvantaged? Generosity demands a measure of self-sacrifice. However, it doesn’t impoverish, but rather enriches the soul of the giver. True generosity springs from a heart full of mercy and compassion. God has loved us first, and our love for him is a response of gratitude for the great mercy and kindness he has shown to each one of us. No one can outmatch God in his generous love and kindness towards us. Do you give freely as Jesus gives without seeking personal gain or reward?

“Lord Jesus, you love never fails and your mercies abound. You offer us the best of gifts – peace, pardon and everlasting friendship with you at your banquet table. Fill me with gratitude for your great mercy and kindness towards me. And may I never fail to show kindness and mercy towards all I meet so that they may know the mercy and goodness you offer them as well.”

Suy niệm: Ai là người bạn kính trọng ở bàn tiệc? Chúa luôn luôn sẵn sàng đón nhận chúng ta ở bàn tiệc của Người. Bao lâu chúng ta có thể nói từ những câu chuyện Tin mừng, Đức Giêsu không bao giờ từ chối lời mời dự tiệc nào! Tại sao, trong câu chuyện này, Đức Giêsu nói với chủ nhà ai là người đáng mời hay không đáng mời dự tiệc? Người chủ nhà có mong đợi sự quý mến hay phần thưởng gì từ Đức Giêsu không? Ông ta có muốn gây ấn tượng với bạn bè bằng sự kính trọng của chủ nhà đối với “người làm phép lạ” từ Galilê không?

 

Sự cho đi quảng đại không làm nghèo mà trái lại

Đức Giêsu cũng muốn thử lòng chúng ta. Bạn có bày tỏ sự yêu mến và quảng đại với những ai sẽ đáp đền bạn tương tự không? Còn những ai không có phương tiện để đáp trả bạn – người nghèo, người bệnh tật, và người thua thiệt thì sao? Sự quảng đại đòi hỏi thước đo của sự hy sinh. Nó không làm cho bần cùng, nhưng đúng hơn là làm cho linh hồn người cho giàu có hơn. Sự quảng đại thật sự xuất phát từ một tâm hồn đầy thương xót và trắc ẩn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, và tình yêu của chúng ta là sự đáp trả của lòng biết ơn đối với lòng thương xót và tốt lành lớn lao của Người dành cho chúng ta. Bạn có cho đi cách nhưng không như Đức Giêsu cho đi mà không có sự mong đợi sự đền đáp hay phần thưởng cho bản thân không?

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa không bao giờ thiếu và lòng thương xót Chúa bao la. Chúa ban cho chúng con những ân huệ cao quý nhất – bình an, ơn tha thứ, và tình bằng hữu vững bền với Chúa ở bàn tiệc của Chúa. Xin lấp đầy lòng con với sự biết ơn đối với lòng thương xót và nhân hậu lớn lao của Chúa dành cho con. Và xin cho con không bao giờ quên bày tỏ lòng nhân ái và thương xót với mọi người con gặp để họ có thể biết lòng thương xót và nhân hậu Chúa dành cho họ nữa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

nghèo khó

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận