Thứ Tư sau lễ Hiển Linh.

Đăng lúc: Thứ tư - 06/01/2016 01:17 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Tư sau lễ Hiển Linh.

"Họ thấy Người đi trên mặt biển".

 

LỜI CHÚA: Mc 6, 45-52

 (Khi năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: "Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ". Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.

 

 

Suy Niệm 1: Chúa Giêsu đi trên mặt nước.

Ivan, một văn sĩ Nga sống vào thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ của mình như sau:

Tôi mơ thấy là một cậu bé đứng trước cung thánh của ngôi nhà thờ bằng gỗ. Ánh nến lung linh toả chiếu khi mờ khi tỏ bên nhà tạm. Thình lình có  một người đứng cạnh tôi, tôi có cảm giác đó là Chúa Kitô. Cảm xúc tò mò xâm chiếm tâm hồn tôi, tôi nhìn sang và nhận thấy một khuôn mặt giống như mọi khuôn mặt.

Giấc mơ của Ivan trên đây mang nhiều ý nghĩa: Đức Kitô đến với chúng ta trong dáng vẻ của một con người, và tâm hồn chúng ta sẽ được bình an khi biết đón nhận Ngài trong cuộc sống, nhất là nhận ra Ngài trong mỗi người  anh em.

Bài Tin mừng hôm nay ghi lại kinh nghiệm của các môn đệ về Chúa Giêsu. Qua việc đi trên mặt nước, Chúa muốn chứng tỏ rằng Ngài có đủ quyền năng để chiến thắng sức mạnh của tối tăm, đồng thời mời gọi các môn đệ tuyên xưng thần tính của Ngài, tuyên xưng thần tính của Chúa Giêsu không chỉ là gặp gỡ Ngài qua các Bí tích, mà còn là nhận ra Ngài nơi mỗi người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.

“Cứ an tâm, Thầy đây đừng sợ”. Ước gì lời Chúa trở thành một bảo đảm bình an cho tâm hồn chúng ta trong từng giây phút cuộc sống, nhất là trong mối tương quan với tha nhân.

 

Suy Niệm 2: Chúa đến với các môn đệ.

Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy Đức Giêsu tỏ mình cho dân chúng, như một người mục tử lo cho nhu cầu vật chất và tinh thần của đoàn chiên.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tỏ mình cho riêng các môn đệ.

Ngài xuất hiện như người có uy quyền trên biển cả và cuồng phong.

Sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu trả lại sự lặng lẽ cho vùng hoang địa.

Ngài bắt buộc các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia trước, Còn Ngài thì đi giải tán đám đông cuồng nhiệt muốn tôn Ngài làm vua.

Hãy lắng nghe sự tĩnh lặng của nơi hoang vu này, của núi và đất.

Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, sẵn sàng bước vào cuộc trò chuyện với Cha.

Hãy cảm được sự lắng xuống của tâm hồn Ngài, sau một thành công vang dội.

Đức Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện với Cha, nhưng Ngài vẫn biết điều gì đang xảy ra cho môn đệ.

Ngài đang ở trên mặt đất vững vàng, còn họ phải lênh đênh giữa biển, vất vả chèo chống vì gió ngược.

Hãy chiêm ngắm cách tỏ mình đặc biệt của Đức Giêsu cho các môn đệ.

Ngài “đến với các ông” vào lúc trời gần sáng, lúc chưa thấy rõ mặt người.

Ngài đến khi các môn đệ đã qua một đêm mệt mỏi, vắng Thầy.

Ngài đến một cách khác thường bằng cách đi trên mặt nước biển.

Ngài đến khiến các ông nhìn thấy tưởng là ma, hoảng hốt la lên.

Ngài đến đem lại bình an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”

Ngài bước vào con thuyền của các ông, và trời lặng gió.

Chúng ta cần làm quen với những kiểu tỏ mình khác thường của Chúa.

Ngài đến với ta vào lúc không ngờ, dưới những dáng dấp kỳ lạ.

Chúng ta phải có khả năng nhận ra khuôn mặt Ngài trong bóng tối lờ mờ, giữa những thất bại, nhọc nhằn, giữa những cô đơn, sợ hãi.

Ngài đến đem bình an mà ta tưởng là yêu ma.

Biết bao lần ta gặp gió ngược trong đời, nỗ lực nhiều nhưng tiến tới chẳng bao nhiêu.

Nhưng kinh nghiệm một mình với gió ngược mà không có Thầy ở bên, cũng là một kinh nghiệm đáng quý.

(Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

 

Suy niệm 3: CÓ CHÚA LÀ CÓ BÌNH AN

Nếu ai đã từng đi biển hay sống trên những hòn đảo giữa khơi thì thấy rõ sự nguy hiểm mỗi khi cuồng phong nổi lên! Thật kinh hoàng khi chập trùng giữa đại dương mà sóng cồn gào thét như muốn vùi dập con tàu của thuyền nhân! Những lúc như thế, hẳn ai ai cũng hoảng sợ, họ chỉ còn biết cậy dựa vào ơn lạ tình thương của Thượng Đế mà thôi, bởi lẽ, sức tự nhiên kể như là cát bụi, không xá gì với những tai ương mà con người đang phải đối chọi

.

Hôm nay, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, họ đã muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua, nhưng điều này đã đi ngược lại với sứ vụ của Đấng Thiên Sai, nên Ngài đã truyền lệnh cho các môn đệ phải đi sang bờ bên kia, trong lúc ấy, Đức Giêsu đi cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa Cha.

Nhưng trong đêm tối, thuyền các ông đã xa bờ và gặp phải cơn cuồng phong dữ dội, khiến các ông vất vả, loay hoay chống chọi vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Đức Giêsu đã hiện đến đi trước họ, khiến họ hốt hoảng và la hét vì ngỡ là ma! Đức Giêsu đã trấn an các ông khi nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, rồi sau đó, Ngài đã vào thuyền cùng các ông, lập tức sóng yên biển lặng, khiến các tông đồ không khỏi ngạc nhiên!

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học:

 

Thứ nhất, hình ảnh con thuyền gặp sóng to gió lớn là hình ảnh con thuyền của Giáo Hội trên đại dương mênh mông của cuộc đời. Con thuyền ấy đang bị kẻ thù tấn công tứ phía. Nhưng dù có khó khăn, thử thách, dù kẻ thù có tìm cách tấn công tư bề, thì con thuyền ấy nếu có Chúa, chắc chắn mọi sự hiểm nguy phải lắng xuống và nhường chỗ cho sự bình an ngự trị.

 

Thứ hai, nhắc cho chúng ta rằng: cuộc đời tâm linh của chúng ta nhiều khi cũng gặp phải thử thách, cám dỗ của Ma Quỷ, nhưng những lúc đau khổ, thất bại và chơi vơi nhất, nếu chúng ta biết cậy dựa vào Chúa, thì Ngài luôn có mặt để nâng đỡ, giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi hiểm nguy.

 

Lạy Chúa Giêsu, biển đời của chúng con luôn gặp phải những thử thách, hiểm nguy tư bề, xin Chúa ban cho chúng con biết cậy dựa vào quyền năng của Chúa và luôn bám vào tình thương của Ngài. Xin cho chúng con được bình an và vững tin. Amen.

Vinc Ngọc Biển
 

SUY NIỆM 4

Trình thuật Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay có thể được thành ba phần, có tương quan đối xứng như sau :

Giữa phần A và phần A’ có sự tương phản rất rõ ràng : từ tình trạng phân cách giữa Thầy và các môn đệ sang sự qui tụ trên thuyền ; và từ hoàn cảnh sóng to gió lớn sang sự yên tĩnh của biển cả. Nguyên nhân của sự thay đổi mang ý nghĩa triệt để này là hành động đi đến với các môn đệ ngay trong hoàn cảnh thử thách và là lời « ban sự sống » của Đức Giê-su, tương tự như trong phép lạ Bánh Hóa Nhiều : « Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ ».

Điểm tới của mọi sự là « các ông bàng hoàng sửng sốt » trước sự hiện diện quyền năng, diễn tả căn tính lạ lùng của Đức Giê-su (x. Mt 22, 33).

1. Đức Giê-su một nơi, các môn đệ một nơi (c. 45-48a)

a. Chiêm ngắm Đức Giê-su

Sau phép lạ bánh hóa nhiều, « Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia… trong lúc Người giải tán đám đông ». Chính Ngài giải tán đám đông chứ không phải các môn đệ, bởi vì Đức Giê-su mới là mục tử, và đoàn chiên là đoàn chiên của Người, chính Người nuôi dưỡng đoàn chiên, chứ không phải các môn đệ. Nhưng tại sao Người lại lập tức bắt các môn đệ « xuống thuyền qua bờ bên kia » ?

Sau đó, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện một mình suốt đêm. Chúng ta có thể hình dung ra Đức Giê-su đang cầu nguyện, và lắng nghe Ngài cầu nguyện. Về điều này, Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại cho chúng ta rất nhiều (x. Ga 14-17). Chúng ta có thể đoán ra rằng, một phần quan trọng của thời gian cầu nguyện mà Đức Giê-su thực hiện là việc « nhận định thiêng liêng » : Phải bày tỏ căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa của Ngài như thế nào và bằng con đường nào : con đường mà ma quỉ gợi ra trong sa mạc và cũng là con đường mà các môn đệ mong chờ ? Hay con đường mà Chúa Cha muốn từ thủa tạo thiên lập địa và được ghi khắc trong sáng tạo và trong lịch sử cứu độ ? Con đường đáp ứng mọi nhu cầu của con người bằng quyền năng và những phép lạ cả thể, như bánh hóa nhiều ? Hay bằng con đường của hạt lúa mì, con đường trở nên lương thực, nghĩa là « Bánh », cho con người (x. St 1, 29 ; Tv 136, 25), con đường mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của loài người, con đường băng qua Biển Đỏ Sự Chết ?

b. Chiêm ngắm các môn đệ

Chúng ta có thể trở lại với câu hỏi : tại sao Người lại lập tức bắt các môn đệ « xuống thuyền qua bờ bên kia » ? Có lẽ phép lạ bánh hóa nhiều đã tạo ra nơi các môn đệ sự gắn bó nào đó : gắn bó với « bánh dư tràn » và với những mối tương quan được dệt nên bởi biến cố đặc biệt này ; gắn bó với vinh quang của Thầy được tỏ hiện, với sự thán phục của đám đông đối với Thầy, nhưng các môn đệ cũng được hưởng nữa. Nhưng đã đến lúc phải bỏ lại tất cả, vì Chúa muốn các môn đệ phải « sang bờ bên kia », để hướng về « Bánh Hằng Sống », là chính Người (x. Ga 6).

Và chúng ta cũng được Chúa mời gọi « sang bờ bên kia » ! Thực vậy, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong đời sống gia đình hay đời sống thánh hiến, chúng ta cứ thỉnh thoảng lại phải « sang bờ bên kia » ; và sẽ đến lúc, và lúc đó không thể tránh được, chúng ta phải sang bờ bên kia của sự chết. Những lúc như thế, hành trình « sang bờ bên kia » đều chất chứa những bấp bênh và thách đố, và nhất là phải hi sinh và từ bỏ rất nhiều, như các môn đệ bị Đức Giê-su bắt phải bỏ lại tất cả, xuống thuyền, ra khơi xa, để sang bờ bên kia. Quả vậy, một thử thách rất lớn ở giữa lòng biển cả đang chờ các môn đệ, và chắc chắn đó sẽ là thử thách không bao giờ quên :

- Các môn đệ ở trên thuyền, thuyền ở giữa Biển Hồ : lúc đó là ban đêm và trên thuyền không có Thầy Giê-su.

- Một hoàn cảnh như thế đã là một thử thách rồi, vì trong đêm tối và ở giữa biển, nên các môn đệ không còn thấy bờ bến, có thể mất hướng đi và bị biển vùi dập và nuốt trửng bất cứ lúc nào. Nhưng, thêm vào đó, con thuyền bị sóng đánh vì gió ngược nữa, khiến các môn đệ phải vất và chèo chống.

- Vẫn chưa hết thử thách, vì Đức Giê-su biết rõ hoàn cảnh thử thách của các môn đệ, nhưng mãi canh tư Ngài mới đến, nghĩa là mãi đến rạng sáng !
Thử thách của các môn đệ nói về hay làm chúng ta nhớ tới những thử thách riêng của mỗi người chúng ta. Vậy đâu là những thử thách mà chúng ta đã và đang phải đối diện ? Nhưng Lời Chúa trong trình thuật Tin Mừng này còn mời gọi chúng ta phải biết nhận định để nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trong lòng thử thách.

2. Đức Giê-su đến với các môn đệ (c. 48b-50)

Chúng ta hãy nhìn, nghe và quan sát các môn đệ, khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt nước đến với họ. Các môn đệ của Đức Giê-su, đang bị vùi dập giữa sóng nước mênh mông và dữ dằn trong đêm tối, Ngài không đưa họ ra khỏi thử thách này, nhưng Ngài « vượt qua » biển cả hung tợn và chết chóc để gặp gỡ các môn đệ ngay giữa lòng thử thách. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp loan báo Ngài sẽ đi vào tận cõi chết để gặp gỡ chúng ta trong thử thách tận cùng là sự chết, để nói với chúng ta rằng : « Chính Thầy đây, đừng sợ », vì Thầy mạnh hơn sự chết. Nếu chúng ta đang ở trong thử thách, vậy thì đâu là cách thức Đức Giê-su đi đến và hiện diện cùng với chúng ta trong thử thách ?

Cách Ngài đến thật lạ lùng, đến độ các môn đệ tưởng là ma, do đó rất hoảng hốt, bởi vì Ngài đi trên mặt biển mà đến với các ông ! Chúng ta hãy cảm thông với các môn đệ : ở giữa biển và trong cảnh « tranh tối tranh sáng », bỗng nhiên có người « lù lù » đi tới ! Sau này, các ông cũng sẽ hốt hoảng tưởng là ma, khi Đức Ki-tô từ cõi sống lại, nghĩa là vượt qua biển cả sự chết, tỏ mình ra cho các môn đệ. Và làm sao không hốt hoảng được, khi một người đã được chôn táng cẩn thận rồi, mà này lại bỗng nhiên xuất hiện !

Chúng ta hãy lắng nghe lời của Đức Giê-su : « Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ ». Ở giữa lòng thử thách của biển cả và sau này, trong cơn sầu khổ của cuộc Thương Khó, các môn đệ tự mình không thể nhận ra Đức Ki-tô hằng sống ; nhưng Ngài phải ra dấu cho các môn đệ bằng cách « lên tiếng ». Thật vậy, với bà Maria Magdala đang khóc bên mộ, Đức Ki-tô phục sinh đã gọi tên của bà : « Maria » ; với hai môn đệ đang buồn rầu thất vọng trên đường Emmau, Đức Ki-tô phục sinh đã âm thầm đồng hành và giải thích thử thách Thương Khó của Ngài dưới ánh sáng của Sách Thánh ; và với các môn đệ đang ở giữa thử thách của biển cả, Đức Giê-su lên tiếng : « Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ ».

Và trong mọi thử thách của chúng ta, thử thách của thân phận và của số phận, Đức Ki-tô vẫn luôn lên tiếng, nói với chúng ta : « Chính Thầy đây, đừng sợ », vì Ngài đã trải qua tất cả và đã vượt qua tất cả. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phải ở tận cùng của khó khăn và thử thách, Chúa mới đến và đến cách lạ lùng để cứu giúp và mở đường cho chúng ta đi ; và sau này, Chúa sẽ cứ để chúng ta chết đi, nghĩa là chúng ta phải đi vào trong bóng đêm của biển cả sự chết ; và chỉ sau đó, Chúa phục sinh, là Đấng chiến thắng sự chết, mới đến đón chúng ta ở bở bên kia của sự chết.

3. « Người lên thuyền với các ông và gió lặng » (c. 51-52)

« Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay ». Như thế, ở đâu có Đức Ki-tô hiện diện, thì ở đó sóng yên gió lặng. Chúng ta hãy khát khao có được kinh nghiệm này : lòng chúng ta được « sóng yên gió lặng », khi chúng ta mở rộng lòng quảng đại đón nhận Đức Ki-tô vào con thuyền cuộc đời hay con thuyền tâm hồn của chúng ta, cho dù chúng ta đang phải sống trong thử thách hay cơn khốn khó. Xin cho chúng ta nghiệm được sức mạnh chiến thắng sự chết và những gì thuộc về sự chết, mỗi khi có Đức Ki-tô Phục Sinh hiện diện.

* * *

Ở giữa lòng thử thách, Đức Giê-su đến cứu giúp, nhưng các môn đệ lại hốt hoảng ; và theo thánh Mác-cô, lí do là vì :

Các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều, lòng trí các ông còn ngu muội. (Mc 6, 52)

Lý do được nêu ra ở đây thật là lạ : phép lạ bánh hóa nhiều, vừa được Đức Giê-su thực hiện có liên quan gì đến thử thách các môn đệ vừa trải qua ?

Câu hỏi này thật đáng cho chúng ta suy gẫm. Thực vậy, nếu các môn đệ và cả chúng ta hôm nay nữa, hiểu và tin vào quyền năng của Chúa, Đấng có thể làm cho chúng ta no đầy trong cơn đói khát, Đấng đã đưa chúng ta từ hư vô vào trong sự sống, Đấng hi sinh chính sự sống của mình vì chúng ta, Đấng vẫn nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày bằng Lời và Mình của Ngài, thì sẽ không hốt hoảng sợ hãi và dễ dàng nhận ra Chúa vượt qua tất cả để đến gặp gỡ chúng ta ngay trong bóng tối của thử thách, của Sự Dữ, của tội lỗi và của chính sự chết.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

khó nhọc, chèo chống

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận