Thứ Ba sau lễ Hiển Linh.

Đăng lúc: Thứ ba - 05/01/2016 01:39 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Ba sau lễ Hiển Linh.

"Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Ðấng Tiên tri".

 

LỜI CHÚA: Mc 6, 34-44

Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: "Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn". Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Các con hãy cho họ ăn đi". Họ thưa Người: "Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn". Người nói với họ: "Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem". Khi biết được rồi, họ thưa: "Có năm cái bánh và hai con cá". Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người.

 

Suy Niệm 1: Bánh hóa nhiều lần thứ nhất.

Bài Tin Mừng hôm nay cho  thấy Chúa Giêsu đã tỏ lộ chính cõi lòng của Ngài, cõi lòng của một mục tử: khi thấy dân chúng đông đảo, Chúa động lòng thương xót, vì họ như chiên không có người chăn.

Việc Chúa tỏ mình bao giờ cũng nhằm làm cho con người được sống và sống hạnh phúc. Chúa đến với con người không phải để đè bẹp hay để làm con người phải sợ hãi, nhưng Ngài đến để yêu thương, để cứu độ con người. Thật vậy, khi Chúa tỏ lộ tấm lòng mục tử của Ngài, thì cảnh bơ vơ lạc lõng của người ta không còn nữa. Tấm lòng mục tử của Ngài không dửng dưng trước nỗi bi đát của con người. Tấm lòng ấy đã làm mọi sự vì con người và cho con người. Và qua tấm lòng ấy, người ta còn nhìn ra chính tấm lòng của Thiên Chúa: Chúa Giêsu chính là ân huệ bằng xương bằng thịt mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.

Đứng trước sự tỏ lộ đầy yêu thương ấy, chúng ta hãy có thái độ biết ơn và vui mừng, cố gắng trở nên những con chiên ngoan hiền bên vị Mục tử nhân hậu và cùng với Ngài tỏ lòng cảm thương những con chiên bơ vơ lạc lõng.

 

Suy Niệm 2: Ai nấy được no nê.

Trên thế giới hiện nay có gần một tỷ người đói ăn, Và nhiều nơi ở châu Phi vẫn có bao trẻ thơ chết đói.

Có người coi tôn giáo là duy tâm, sống lơ lửng với những ý tưởng đẹp, và loay hoay với chuyện cứu rỗi linh hồn.

Nhưng Thiên Chúa ta gặp trong Kinh Thánh, lại là một Thiên Chúa để ý đến cái đói của thân xác con người.

Thiên Chúa ấy đã cung ứng manna, thịt chim cút và nước uống, cho dân Người trong cuộc hành trình tiến về Đất hứa, mà Đất hứa này là vùng phì nhiêu, nơi chảy sữa và mật.

Thiên Chúa ấy được coi là người mục tử dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, đến suối nước trong lành.

Đức Giêsu cũng chẳng làm khác với Cha của Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài tỏ mình ra như người mục tử.

Khi thấy đoàn dân bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt, Ngài qui tụ họ lại bằng cách dạy dỗ họ nhiều điều.

Nhưng khi chiều xuống, Ngài cũng biết họ cần ăn.

Lo cho chiên được no là nhiệm vụ của người mục tử.

Đức Giêsu đã muốn các môn đệ cộng tác trong việc nuôi ăn này: “Chính anh em hãy cho họ ăn !”

Với tất cả những gì môn đệ có, vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, năm ngàn người đã được ăn no và còn dư mười hai thúng đầy.

Chiều hôm đó, cỏ như xanh hơn vì lòng người vui rộn rã.

Qua phép lạ lớn này, Đức Giêsu tỏ mình ra cho đám đông dân chúng.

Đây là phép lạ của sự bẻ ra và được nhân lên.

Chẳng phải Thầy Giêsu mới là người bẻ ra và trao đi cho các môn đệ.

Chính các môn đệ cũng đã làm như thế cho đoàn dân.

Bẻ ra và trao đi là điều kiện để giải quyết nạn đói của thế giới hôm nay.

Chỉ có thể xóa nạn đói nghèo bằng sẻ chia và liên đới.

Đừng sợ nếu bạn chỉ có ít cá và bánh, ít thời giờ, tiền bạc, khả năng.

Hãy trao vào tay Chúa tất cả những gì bạn có và để Người định liệu.

(Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

 

Suy niệm 3: YÊU THƯƠNG THẬT LÒNG

“Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lí thuyết!”. Đây chính là câu nói của triết gia Thomas Carlyle khi ông được một vị linh mục trong xứ đến hỏi về điều cần làm cho giáo xứ của ngài lúc này.

 

Thật vậy, con người ngày nay, ai ai cũng biết là có Thiên Chúa, nhưng tin trên lý thuyết đã chiếm đa số, kể cả những người Công Giáo, còn tin trong sự cảm nghiệm thì không biết được bao nhiêu %, có lẽ không đáng kể!

 Hôm nay, Tin Mừng thuật lại một hình ảnh đẹp của chính nhà giảng thuyết lẫn thính giả:

 Nếu Đức Giêsu chạnh lòng thương và dạy dỗ họ nhiều điều, thì một đám đông say mê nghe lời giảng của Đức Giêsu đến quên cả ăn.

 Nếu Đức Giêsu chạnh lòng thương khi thấy đám đông “như bầy chiên không người chăn dắt”, thì đám đông vui mừng vì gặp được chủ chiên của họ cách đích thực, không phải trên lý thuyết!

 Thật vậy, thấy đám đông dân chúng, phản ứng đầu tiên của Ngài chính là chạnh lòng thương!

 Vì chạnh lòng thương, Đức Giêsu đã trao ban lương thực cả phần hồn lẫn phần xác cho dân chúng.

 Phần hồn, Ngài dạy dỗ họ nhiều điều; phần xác, Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.

 

Trong xã hội hôm nay, điều làm cho chúng ta không khỏi suy nghĩ, đó là của cải trên thế giới lại nằm trong tay một số hay một vài nhóm người, khi họ nắm tài nguyên của thế giới! Trong khi đó, nhiều nước vẫn trong tình trạng báo động về nghèo đói, nhiều người vẫn đang quằn quại đối chọi với cái đói, cái khát, rồi nạn thất nghiệp, chiến tranh, khủng bố ngày càng lan rộng.

Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn trên, chúng ta thấy mấu chốt của vấn đề: đó chính là thiếu lòng bao dung, tình thương.

 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cảm thông, liên đới và trách nhiệm với anh chị em mình. Hãy biết chạnh lòng thương như Thiên Chúa đã thương yêu ta.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết quên mình để lo cho anh chị em xung quanh như Chúa. Xin cũng ban cho chúng con luôn biết tìm đến Chúa để được hạnh phúc đời đời. Amen.

Vinc. Ngọc Biển
 

SUY NIỆM:

1. Hai trăm quan tiền !

« Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi ». Chúng ta có thể dừng lại một chút để đón nhận những gì hình ảnh « nơi hoang vắng » và « bóng đêm đang đến » cùng với cơn đói, gợi ra tâm tâm trí chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta được ăn và ánh sáng cũng trở lại. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta không còn ăn được nữa, bóng tối đến và không chịu biến đi. Lúc ấy, chúng ta còn mong chờ ai ngoài Đức Kitô là ánh sáng và là bánh ban sự sống đời đời ? Đó chính là ơn huệ « Bánh hằng sống » mà ơn huệ « bánh hằng ngày » hướng chúng ta đến ; chính vì thế, theo lời kể của thánh Gioan, Đức Giê-su đã nói về của ăn mang lại sự sống đời đời là chính Người, ngay sau khi cho đám đông ăn bánh no nê (x. Ga 6). Viễn tượng « Bánh Hằng Sống » cũng giúp chúng ta hiểu câu nói này của Đức Giê-su ở mức độ tuyệt đối : « Họ không cần phải đi đâu cả » (Mt 14, 15). Đức Ki-tô là Đấng hằng sống và là Đấng ban sự sống đang hiện diện, vì thế, trong cơn đói và trong bóng tối chết người, loài người chúng ta và từng người chúng ta « không cần phải đi đâu cả » !

Khi nghe Đức Giê-su mời gọi: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!” các môn đệ nghĩ ngay đến tiền !
Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? (c. 37)

Thật vậy, trước một nhu cầu lớn như thế, Chúa mời gọi các môn đệ thực hiện, nhưng lại không cho tiền ! « Tiền » ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả các phương tiện và điều kiện để làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng sống tương quan với Chúa, và nhất là khi cộng tác với sứ mạng của Chúa, nghĩa là làm chứng cho Tin Mừng qua đời sống gia đình, đời sống tu trì, việc phục vụ, việc tông đồ, mục vụ…, chúng ta không thể chỉ suy xét trên bình diện phương tiện, nhưng còn trên bình diện thần nhiệm nữa, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi : Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Sống chiều kích thần nhiệm là kết hợp với Đức Kitô và để sức sống Phục Sinh của Ngài tỏ hiện ra nơi con người giới hạn, mỏng dòn, yếu đuối của chúng ta, và nơi những phương tiện hạn hẹp và nghèo nàn của chúng ta. Năm chiếc bánh và hai con cá diễn tả con người thật của chúng ta.

Trong hoàn cảnh và ơn gọi của mỗi người chúng ta, chúng ta hiểu như thế nào khi nghe lời này của Đức Giê-su : « Chính con, con hãy cho họ ăn đi » ? Chúng ta cảm nhận hay phản ứng ra sao ? Chúng ta nghĩ ngay đến điều gì, khi Chúa mời gọi chúng ta thực hiện điều gì đó trong hoàn cảnh hay trong ơn gọi của chúng ta ?

2. Năm chiếc bánh và hai con cá

Đức Giê-su hỏi về những gì các môn đệ đang có, Ngài đề nghị : « đi coi xem ». Ngài muốn hành động khởi đi từ những gì chúng ta có và với những gì chúng ta là. « Đi coi xem », đòi hỏi thời gian và cả sự từ bỏ để trao lại cho Chúa tất cả những gì mình có. Và chúng ta cũng có thể hiểu « năm chiếc bánh và hai con cá » tượng trưng cho con người thật của chúng ta, những gì chúng ta có và những gì chúng ta là : thật nhỏ bé, thật giới hạn. Tuy nhiên, Đức Giê-su không chê bỏ, nhưng đón nhận với tất cả sự trân trọng, hơn nữa còn đón nhận như ơn huệ của Chúa Cha. Chúng ta hãy dừng lại để nhìn và nghe từng cử chỉ là lời nói của Đức Giê-su :

- Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá.

- Ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra.

- Trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng.

Chúng ta có thể dừng lại thật lâu để chiêm ngắm từng cử chỉ của Chúa, và để những cử chỉ này đánh động, gợi mở, soi sáng ơn gọi và những băn khoăn của chúng ta. Có ba cấp độ ý nghĩa của phép lạ bánh hóa nhiều.

(1) Bánh lương thực. Bánh ăn hằng ngày đã hóa nhiều thực sự, và trong những năm thi hành sứ vụ, Đức Giêsu thực hiện hai lần (theo Tin Mừng Gioan, thì một lần). Điều này cho thấy, Đức Giêsu đến không để giải quyết nạn đói cho con người. Vì con người có khả năng lo cho nhau no đủ, nếu biết chia sẻ. Phép lạ là những « dấu chỉ » của một thực tại khác.

(2) Bánh Thánh Thể. Bánh Thánh Thể được trao ban cho chúng ta một cách quảng đại mỗi ngày trong Thánh Lễ ; chúng ta chỉ cần mở tay và mở lòng ra để đón nhận. Tuy không có sự dư tràn vật chất, nhưng lại có sự « dư tràn » về ơn huệ sự sống và ngôi vị của Đức Ki-tô. Ngoài ra, cũng trong Thánh Lễ, phép lạ « Bánh Lời Chúa » hóa nhiều cũng được Chúa thực hiện cho chúng ta mỗi ngày và nhất là khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa.

(3) Bánh đời tôi. Với ăn huệ bánh hằng ngày, Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, chúng ta nhận ra sự sống mỗi ngày của chúng ta là ơn huệ Chúa ban và chúng ta được mời gọi dâng lại cho Chúa « tất cả » với tâm tình biết ơn và ca tụng, dâng lại tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là ; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « năm cái bánh và hai con cá », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích Thánh Thể : « năm chiếc bánh và hai con cá », là chính con người chúng ta, đã trở thành chính Chúa ; tương tự như bánh là « hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ và trao ban chiếc « bánh đời tôi », đã được trao vào tay Chúa và Chúa làm cho trở thành chính Chúa, cho nhiều người.

Và kết qua là ai nấy được ăn và được ăn no nê, và dư với số lượng lớn : mười hai thùng bánh đầy, cùng với cá con dư. « Dư Tràn » nhưng không chính là dấu vết của Thiên Chúa (mẻ cá lạ, gấp trăm, bảy mươi lần bảy, lòng nhân hậu của người cha, người gieo giống ra đi gieo giống, sáu chum nước trở thành rượu ngon, chữa bệnh gắn liền với tha tội, nước hằng sống..). Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể ; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.

Chúng ta cũng đừng quên nhìn ngắm đám đông. Từ một đám đông ô hợp, nay được chăm sóc chu đáo : ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh, nhóm một trăm, nhóm năm mươi. Từ một đám đông, họ trở thành một « dân » được Chúa nuôi dưỡng bằng Lời và bằng Bánh, bánh có sự cộng tác của con người ; nhờ đó, họ hiệp nhất với nhau. Lời và Bánh của Chúa vẫn được trao ban cho chúng ta hằng ngày và một cách dư tràn, quảng đại, để làm cho chúng ta trở nên dân của Chúa và trở nên một với nhau, như Thiên Chúa là một. Đây chính là « hành trình trở nên một » của gia đình, của nhóm, của Tu, của Hội Dòng, của Giáo Hội và của cả nhân loại.

3. “Chúa ban bánh cho tất cả chúng sinh”

Đám đông được qui tụ và trở nên một nhờ ân huệ « lương thực ». Điều này thật lạ lùng, nhưng đó lại là điều xẩy ra cho chúng ta mỗi ngày, nếu chúng ta biết nhận ra « ân huệ Thiên Chúa ban », như Đức Giê-su nói với người phụ nữ Samari (Ga 4, 10).

- Bởi vì « Bánh » là hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người, bàn tay của anh chị em ; đó là những bữa ăn hàng ngày ; bằng chứng là từ bé đến bây giờ, chúng đâu có chết đói đâu ! Và từ giờ đến lúc chết, chắc chắn cũng không phải chết đói.

- Vì « Bánh » là Lời Chúa, vẫn được ban cho chúng ta cách nhưng không và quảng đại mỗi ngày.

- Và vì « Bánh » còn là sự sống đời đời, được diễn tả nơi bánh Thánh Thể : « Ta là Bánh Hằng Sống », mà Chúa ban cho chúng ta cách bao dung, dù chúng ta ở trong tình trạng nào, chúng ta cứ ngửa tay ra, là Chúa ban. Thật vậy :

Chúa ban BÁNH cho tất cả chúng sinh,
muôn ngàn đời tình thương của Chúa.
(Tv 136, 25)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận