Thứ Năm tuần 1 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 14/01/2016 03:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Năm tuần 1 thường niên.

"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".

 

LỜI CHÚA: Mc 1, 40-45

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

 

 

Suy Niệm 1: Chữa người phong cùi

Raoul Folereau, vị đại ân nhân của những người phong cùi đã ghi lại một chuyến đi của ông như sau: Ðến một nơi cách thành phố 15 cây số, chúng tôi lần theo một lối đi được chỉ trước, và sau nửa giờ đi bộ chúng tôi lạc vào một thế giới của buồn thảm, đau khổ và thất vọng. Thật thế, tại một nơi mà không ai muốn đặt chân đến, có khoảng 60 người phong cùi đang sống bên nhau. Trước đây, người ta giam họ trong một trại cùi chẳng khác nào một trại tù, mọi người nhìn họ như những kẻ bị chúc dữ, hoặc tệ hơn nữa, như những con thú dữ. Không chịu nổi sự giam hãm và cách ly như thế, một số người cùi này đã trốn thoát và đến trú ẩn giữa khu rừng này. Tại đây, tình trạng của họ càng thêm tồi tệ hơn, xung quanh họ, trên đất đầy dẫy những vết tích của căn bệnh quái ác này.

Tôi đến bên một người lớn tuổi được xem như đại diện của họ và hỏi:

- Hôm nay là chiều Thứ Bảy, cửa quán ngoài phố xá đã đóng cửa rồi; thứ hai tôi sẽ trở lại và mang theo thức ăn thức uống; tôi cũng sẽ đưa một bác sĩ đến để chăm sóc cho bà con, chúng tôi sẽ cất nhà và sẽ ở lại đây với bà con khi cần, vậy bác hỏi bà con có thể chờ cho đến ngày Thứ Hai không?

Người đó đưa mắt nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, vì đã từ lâu họ không còn tin điều đó nữa; đối với họ, xem ra không còn ai đáng tin trên đời này nữa. Rồi ông khẩn khoản nói:

- Ông không thể giúp cho chúng tôi ngay được sao? Chúng tôi vừa mới có một người anh em qua đời, chúng tôi phải dùng đôi tay cùi lở này để đào xới một cái mộ chôn người anh em.

Tôi nhìn đôi bàn tay không nguyên vẹn vì bệnh tật, nay phải mang thương tích vì người đồng loại. Những con người khốn khổ đó nếu không nhìn thấy, không thể tin được là có thật.

Căn bệnh phong cùi vẫn là căn bệnh ghê sợ nhất đối với hiện tại. Người phong cùi đau đớn trên thân xác đã đành, mà còn đau khổ gấp bội phần trong tâm hồn khi cảm thấy bị bỏ rơi.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.

Xin Chúa tha thứ cho những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng ta trước bao nhiêu cảnh khốn cùng của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thông và đôi tay rộng mở để san sẻ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Hãy coi chừng

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quì xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch (Mc. 1, 40-42)

Phúc âm thánh Maccô nhấn mạnh đến một điều khá ngạc nhiên: nhiều lần Maccô tường thuật việc Chúa răn bảo, và cả đến truyền lệnh cho người ta phải giữ kín, không được nói cho ai biết Người là ai, Người làm gì. Xem ra Chúa Giêsu rất dè dặt và khôn ngoan khi nói: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả!”

Đừng có mới nới cũ

Khi dặn dò người phong hủi được chữa lành như vậy, tiên vàn Chúa có ý nhắc nhở anh hãy biết sống trung thành.

Chúa Giêsu không tin người ta một cách mù quáng, Người biết rõ bụng dạ mỗi người. Người biết rõ ta dễ dàng thả mồi bắt bóng. Người biết được một người mắc bệnh nan y lẽ nào lại không bùi tai khi nghe một ông lang vườn nói sẽ cho người ấy rất nhiều hy vọng chữa khỏi. Người biết chúng ta hay thay đổi: chỉ mới nghe nói, đây là phát minh cuối cùng, là đồ mới cáo “tuyệt cú mèo”, là ta đã vội đổ xô đến ngay. Hãy cầm thử một tờ báo mà coi, toàn là những tin tức và sự kiện, mà điều quan trọng là những tin tức và sự kiện ấy phải là sốt dẻo. Nhưng cái là nội dung tờ báo, cái mà xét cho cùng là đường giây mối rợ thông thường và căn bản cho cuộc sống, thì không ai ghi nhớ.

Thế nên, để đối lại với thái độ này của con người là hay thay đổi và chạy theo cái mới, Chúa Giêsu nhắc nhở ta hãy biết sống trung thành, biết giữ lấy sự liên tục: “Vì anh dã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền để làm chứng cho người ta biết”, có nghĩa là: “Anh đừng vội thay đổi tập tục tôn giáo! Anh hãy liên kết điều vừa xảy ra cho anh với điều anh vốn đã tin. Có một sự liên tục giữa Mô-sê với tôi.Và chúng ta có thể nghe đây như tiếng vang vọng: “Có sự liên tục giữa tập giáo lý đồng ấu với lối dạy giáo lý cho người lớn, có liên tục giữa cộng đoàn lớn với cộng đoàn nhỏ, có liên tục …”

Đào sâu hơn là trải rộng

Việc Chúa Giêsu nhắc nhở người cùi được chữa lành phải kín miệng, cũng làm cho ta ý thức đến một sự lầm lạc khác vốn rình rập ta: đó là tính hời hợt nông cạn. Hãy nhớ kỹ dụ ngôn người gieo giống: cây lúa mọc lên, nhưng chết khô vì thiếu đất ẩm. Hãy coi chừng khi ta hứng lên trở lại với Chúa mà chưa có thời gian thử thách. Đừng coi nước dầu bóng bên ngoài mà cho rằng gỗ tốt: vẻ bóng loáng ấy không nhất thiết đã bền.

 

Suy niệm 3: YÊU THƯƠNG ĐỂ TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA

Khi Đức Giêsu đến trần gian, sứ vụ của Ngài là đến với những người nghèo để chữa lành cho họ. Ngài luôn coi đây là điều căn cốt, bởi lẽ bệnh tật theo quan niệm của người Dothái nó gắn liền với tội và hệ lụy của nó là bị Thiên Chúa phạt.

Hơn nữa, bệnh phong cùi lại là thứ bệnh nan y, hay lây và bị người đương thời coi thường, khinh bỉ. Những ai mắc phải thứ bệnh khốn khổ này thì buộc phải sống cách ly khỏi dân chúng. Thường thì họ chọn nơi mồ mả để sinh hoạt. Họ bị cấm đi lại nơi công cộng, và nếu có đi đâu gần dân chúng thì buộc phải lắc chuông để báo cho mọi người biết mà tránh cho xa kẻo bị lây và nhiễm uế.

Tuy nhiên, anh này hôm nay thật may mắn vì đã gặp được Đấng đang tìm anh để chạnh lòng thương anh. Thật vậy, khi gặp người phong cùi này, Đức Giêsu đã không tránh xa, mà ngược lại, Ngài đã đến gần và chạm vào anh để anh được sạch. Không những thế, Ngài còn phục hồi nhân phẩm cho anh khi truyền cho anh đi báo với Tư Tế để được hòa nhập với cộng đồng.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy noi gương người phong cùi, mạnh dạn đến với Chúa, hãy mở rộng tâm hồn cho Đấng đầy yêu thương đụng chạm tới mình, để Ngài chữa lành tâm hồn đui hủi của chúng ta là những thói hư tật xấu và tội lỗi, khô khan, nguội lạnh, thờ ơ với Chúa và vô cảm với anh chị em.

Hơn nữa, chúng ta hãy xin với Chúa cho đôi chân biết đi tới, đôi tay biết vươn xa, và nhất là trái tim biết rộng mở, để đón nhận những anh chị em đau khổ, bệnh tật cả về tinh thần lẫn thể xác, hầu xoa dịu những đau khổ mà anh chị em chúng ta đang phải gánh chịu. Chỉ có thế, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Thầy Giêsu mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa chữa lành những căn bệnh trong tâm hồn chúng con, để chúng con được trở nên trong sạch. Xin Chúa cho chúng con được hiểu rằng, hạnh phúc của người khác là niềm vui của mình và là vinh quang của Thiên Chúa. Amen.

Vinc. Ngọc Biển
 

 SUY NIỆM 4

1. Người mắc bệnh phong

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay mời gọi chúng ta hình dung ra một người mắc bệnh phong và để cho những cảm xúc tự nhiên của chúng ta xuất hiện (ghê người, không muốn nhìn hay tiếp cận, cảm giác buồn nôn…). Chắc chắn trong chúng ta, đã có người nhìn thấy và hơn nữa đi thăm hỏi những người phong ; nếu không, chúng ta có lẽ đã có lần nhìn thấy người bệnh phong trong phim ảnh, chẳng hạn bộ phim nổi tiếng Ben Hur.

Bệnh phong là một những thứ bệnh khủng khiếp nhất mà loài người chúng ta mắc phải : da thịt người mắc bệnh lở loét ; khi bị nặng, vết thương sẽ lõm vào da thịt ; tình trạng mất cảm giác sẽ xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể ; sau đó các bắp thịt tiêu đi ; nếu ở giai đoạn bị nặng, các ngón tay và ngón chân sẽ rụng dần. Chúng ta hãy cảm thông và cầu nguyện cho những người bệnh phong, và nếu có thể, chúng ta hãy giúp đỡ san sẻ. Bởi vì chính chúng ta là những người được nâng đỡ trước tiên khi chúng ta nghĩ tới những người cùng khổ. Thật vậy, khi liên đới với người cùng khổ, chúng ta sẽ tương đối hóa những nỗi khổ của chúng ta, chúng ta thấy nhẹ nhàng hơn, chúng ta có thể ra khỏi mình để hướng về những người bất hạnh hơn; và năng động này sẽ làm cho chúng ta tự do hơn, thanh thoát hơn, bình an hơn.

Chúng ta vừa nói đến sự đau đớn tột cùng trong thân xác ; nhưng người bệnh phong còn chịu một sự đau khổ còn lớn hơn nữa là bị cách ly khỏi môi trường sống bình thường, khỏi nhà của mình, khỏi những người thân yêu, và có khi còn bị bỏ rơi luôn, không được ai nhìn nhận nữa, như Lề Luật, trích sách Lê-vi, truyền lệnh: “Người mắc bệnh phong phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13, 46). Như thế, người bị bệnh vừa đau khổ trong thân xác và vừa đau khổ về tinh thần, vì thiếu tình thương và sự liên đới.

Vẫn chưa hết, theo quan niệm của Do thái giáo, bệnh phong hủi là hình phạt tiêu biểu nhất của Thiên Chúa đối với người có tội, như sách Lê-vi nói: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế!” (Lv 13, 45) Tội vô hình có trong tâm hồn, Chúa cho nó hiện hình ra bên ngoài và nó xấu xa ghê tởm như là bệnh cùi.

Theo quan niệm này, chúng ta có thể giả sử rằng, nếu tất cả mọi tội chúng ta đã phạm trong thầm kín mà lộ ra bên ngoài khiến người ta nhìn thấy được, có lẽ chúng ta cũng không khác người phong cùi bao nhiêu, và có khi còn ghê hơn ! Và điều này hoàn toàn đúng, vì hậu quả của tội nằm ngay trong hành vi phạm tội, không cần phải Chúa phạt ; tội, dù bé dù to, luôn để lại dấu vết nhơ uế trong tâm hồn, và làm đổ vỡ ngay trong lòng chúng ta các mối tương quan : với chính tôi, với người khác, với cộng đồng và với chính Chúa. Vì thế chúng ta cũng là những người mắc bệnh phong đầy người, nhưng vô hình.

2. Đức Giê-su chạnh lòng thương

Như vậy, nỗi đau của người bị bệnh có tới ba chiều kích : đau khổ trong thân xác, đau khổ trong tinh thần, và đau khổ vì cảm thức bị Thiên Chúa trừng phạt, và nhiều khi vì những tội gì cũng chẳng rõ hay vì những những tội chẳng đáng bị phạt như thế. Thật ra, chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm tương tự : khi chúng ta bị đau, chúng ta rất nhạy cảm với sự hiện diện chăm sóc và yêu thương của người thân, và vì người thân không thể lúc nào cũng ở bên cạnh và chăm sóc chúng ta, chúng ta thường có cảm thức bị bỏ rơi, bị quên lãng, nhưng thực ra không phải như vậy ; hơn nữa, chúng ta còn có thể tự hỏi : Tại sao tôi lại ra nông nỗi này ? Đây có phải là một hình phạt của Chúa không ? Tôi đã làm gì để bị như thế này ?

Tuy nhiên, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta ngừng đặt câu hỏi: tại sao lại bệnh tật, tại sao lại đủ mọi khổ đau, phải chăng là hình phạt? Bởi vì, càng đặt câu hỏi, chúng ta sẽ càng bị dồn vào ngõ bí và tự làm khổ mình. Nhưng Lời Chúa mời gọi chúng ta thả mình vào tình thương và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô. Thật vậy, Ngài chạnh lòng thương người bệnh phong và chữa anh lành bệnh, một cách vô điều kiện; anh chỉ cần bày tỏ lòng ước ao thôi: 
Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.(c. 40)

Phép lạ chữa bệnh này mang lại cho chúng ta niềm hi vọng thật bao la cho loài người và từng người tật nguyền chúng ta. Thật vậy, trước khi nói lời chữa lành: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh. Thế mà, đụng vào người cùi, theo luật là bị ô uế cả trong thân xác lẫn tâm hồn.

Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”(c. 41)

3. “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta…”

Đức Giê-su làm cho một người bị bệnh phong được lành sạch. Đó quả là một phép lạ đáng lưu ý và ước ao; ngày nay Chúa và Đức Mẹ vẫn còn thực hiện những phép lạ như thế cho những con người khổ đau. Và ngày nay có nhiều người vẫn còn muốn tiếp tục sứ mạng này của Chúa, nghĩa là chữa bệnh bằng cách đặt tay, lí do là vì, như những người này trả lời, Đức Giêsu đã làm như thế và cũng dạy các môn đệ làm nữa!

Tuy nhiên, dường như đó không phải sứ mạng chính yếu của Đức Giê-su, mặc dù Ngài rất quan tâm đến sức khỏe thể lí của những người Ngài gặp. Bởi vì, trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài không cho người được Ngài chữa lành nói với ai cả; và nhất là bởi vì, Ngài đã không chữa lành tất cả những người bị bệnh phong vào thời của Ngài. Vào thời của Ngài vẫn còn rất nhiều người bệnh; sau thời của Ngài và cho đến hôm nay vẫn còn rất nhiều người bệnh. Có thể nói, sau khi Đức Giêsu đến, những vấn đề của thân phận con người vẫn còn nguyên: vẫn sinh, vẫn lão, vẫn bệnh và vẫn tử! Vậy thì Chúa đến với thế giới loài người của chúng ta để làm gì?

Chiêm ngắm cách Đức Giê-su chữa lành người bệnh phong sẽ giúp chúng ta khám phá ra sứ mạng của Ngài. Thật vậy, trước khi nói lời chữa lành: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh. Thế mà, đụng vào người cùi, theo luật là bị ô uế cả trong thân xác lẫn tâm hồn.

Như thế, sứ mạng của Đức Giê-su chính là bày tỏ sự cảm thông và tình thương của Thiên Chúa đối với loài người đau khổ của chúng ta, với nỗi đau khổ của mỗi người chúng ta, nhưng không phải bằng cách lấy đi đau khổ, nhưng là mang vào mình đau khổ của con người (x. Mt 8, 7 và Rm 8, 3 ; 2Cr 5, 21 ; Gl 3, 12). Trước khi đáp lời loài người đau khổ, Thiên Chúa, nơi Đức Giê-su, nhận lấy đau khổ của con người làm của mình. Mầu nhiệm Nhập Thê là như thế, Con Thiên Chúa mang lấy thân phận con người, một thân phận ở mức độ thấp nhất, cùng khổ nhất, cùng tận nhất về mọi phương diện.

Đức Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, thay vì chữa lành mọi bệnh tật của cả loài người, Ngài lại mang hết vào mình và đưa lên Thập Giá, như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17). Trên Thập Giá, Con Thiên Chúa để cho mình bị hành hạ, thân thể của Ngài bị nát tan còn hơn cả người mắc bệnh phong. Nhưng ở nơi Ngài, đau khổ và sự chết không phải là dấu chấm hết, thân phận con người không phải đường cùng, nhưng là con đường dẫn đến sự sống mới.

Như thế, điều mà Đức Giê-su muốn chữa lành không phải là đau khổ và sự chết, nhưng là sự sợ hãi đau khổ và sự chết. Theo thư Do Thái, Ma Quỉ đã dựa vào sự sợ hãi này, mà làm cho con người sống trong tình trạng nô lệ (x. Dt 2, 15), ghen tị, nổi loạn, bạo lực, dò xét và thử thách Thiên Chúa, như Dân Chúa trong sa mạc (x. Dt 3, 8).

* * *

Chính khi Đức Giê-su mang thương tích và bị loại trừ trên Thập Giá, là lúc tình yêu Thiên Chúa trở nên rạng người nhất, và cũng là lúc Ngài được tôn vinh, được nhận biết, được hiển linh.

Và bài Tin Mừng hôm nay đã loan báo trước vinh quang lớn lao này của Đức Giê-su rồi. Thật vậy, chính khi “Ngài phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”, nghĩa là bị loại trừ, lại là lúc, “dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”, nghĩa là Ngài được tôn vinh và được nhận biết.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ: (1) Như thế Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Điều này còn hàm chứa thái độ không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Và ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (x. St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x. Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì nghi ngờ và kêu trách; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

Từ khóa:

van xin, có thể

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận