Thánh Têphanô tử đạo tiên khởi.

Đăng lúc: Thứ bảy - 26/12/2015 01:32 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thánh Têphanô tử đạo tiên khởi. Lễ kính.

"Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha"

 

LỜI CHÚA: Mt 10,17-22

Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Chúng con hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường. Vì Ta, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân. Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con sẽ nói thay cho. Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết. Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.

 

Suy Niệm 1: Cuộc Tử Ðạo Tiên Khởi Của Thánh Stêphanô

Hôm nay lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.

Trong lá thư gởi cho các thiếu nhi khắp thế giới được ký vào ngày 3/10/1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II xem ra muốn giải thích cho chúng ta cái lý do sâu xa ấy. Ngài viết cho các em thiếu như nhi sau: "Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là đến ngày lễ theo truyền thống của Cựu Ước, tám ngày sau đó Hài Nhi đã được đặt tên, tên của Ngài là Giêsu".

Sau bốn mươi ngày chúng ta tưởng niệm việc Ngài được dâng hiến trong đền thờ giống như bất cứ đứa con trai đầu lòng nào của Israel. Trong dịp này, một cuộc gặp gỡ phi thường đã diễn ra, vừa cùng với Hài Nhi đến trong đền thờ, Mẹ Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài Nhi Giêsu trên tay và tiên báo như sau: "Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa được ra đi bình an theo như lời Chúa hứa, vì chính tôi tớ Chúa đã thấy ơn cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân. Ðó là ánh sáng soi cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài". Sau đó ông nói với Mẹ Maria: "Con Trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, Con Trẻ là dấu hiệu bị người đời chống đối, và chính là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà. Ngõ hầu những ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra".

Như vậy, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này, Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.

Chắc hẳn tất cả chúng con đã biết các biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cha mẹ chúng con, các linh mục, các giáo lý viên và những biến cố ấy, và cùng với toàn thể Giáo Hội, mỗi người trong chúng con sống lại một cách thiêng liêng trong biến cố ấy trong Mùa Giáng Sinh. Như vậy, chúng con đã biết những khía cạnh bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đó không phải là những lời nhắn nhủ mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi riêng cho các em thiếu nhi. Vì qua các em, Ngài cũng mời gọi tất cả mọi người sống một cách thiêng liêng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ngay trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh.

Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá của Ngài. Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước, có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính vị thánh Tử Ðạo tiên khởi là thánh Stêphanô.

Thật thế, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về mầu nhiệm tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Phải chăng chúng ta không được mời gọi để nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn? Bóng Thánh Giá phải chăng đã không chập chờn phủ xuống trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu? Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ ôn lại những bi thảm trong thời thơ ấu của Ngài. Khi tưởng niệm việc tử đạo vị thánh tiên khởi của Giáo Hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta, đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn của cuộc sống Ngài, và như Ngài, như vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã vạch ra cách sống kiên trung cho đến cùng trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa.

Ước gì niềm vui Giáng Sinh củng cố chúng ta trong những cố gắng theo Chúa Giêsu, sẵn sàng đón nhận và đương đầu với những thử thách bách hại mà Thiên Chúa an bài gởi đến cho chúng ta, như Ngài đã loan báo trước: "Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét".

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 2: Môn đệ sẽ bị bắt bớ.

Hôm nay lễ thánh Stêphanô vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Trong bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng sinh mà mừng kính một vị thánh tử đạo gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo hội đã có một lý do đặc biệt để mừng một vị thánh tử đạo vào chỉ một ngày sau lễ Giáng sinh. Trong thư gửi các thiếu nhi trên thế giới được ký vào 3/12/1994, Đức Gioan Phaolô II xem ra muốn giải thích cho chúng ta cái lý do sâu xa ấy, Ngài viết:

“Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là những ngày lễ. Theo truyền thống Cựu ước, 8 ngày sau đó Hài nhi đã được đặt tên và tên của Ngài là Giêsu; sau 40 ngày, chúng ta tưởng niệm việc Ngài dâng hiến trong Đền thờ giống như bất cứ trẻ nam đầu lòng nào của Israel, trong dịp này, một cuộc gặp gỡ phi thường diễn ra: vừa cùng với Hài nhi đến trong Đền thờ, Đức Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài nhi trên tay và nói lên niềm vui vì đã được nhìn thấy ơn cứu độ, đồng thời nói với  Đức Maria: Trẻ này sẽ làm cớ cho nhiều người vấp ngã hay được chỗi dậy trong Israel, và là dấu gợi lên chống đối. Còn hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu ngõ hầu ý nghĩ của nhiều tâm hồn phải bày ra. Như vậy ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe loan báo về cuộc Tử nạn mà một ngày kia cũng bao gồm cả cuộc khổ nạn của Đức Maria: Ngày thứ sáu Tuần thánh. Người sẽ đứng thinh lặng bên Thập giá của Chúa. Cũng thế, không bao lâu sau khi Ngài sinh hạ, Hài nhi Giêsu đã phải đương đầu với một đe doạ trầm trọng: bạo vương Hêrôđê ra lệnh tàn sát các trẻ thơ dưới hai tuổi, và vì lý do này Chúa Giêsu bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai cập. Chắc hẳn chúng con đã biết những biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cùng với toàn thể Giáo hội, mỗi người chúng con hãy sống lại một cách thiêng liêng những biến cố này trong Mùa Giáng sinh”.

“Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố này trong Mùa Giáng sinh”, đó không chỉ là lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ riêng các thiếu nhi, nhưng qua các em, ngài cũng muốn nhắn nhủ tất cả chúng ta nữa, mầu nhiệm Giáng sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử nạn. Trong Hài nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc Tử nạn đã được báo trước. Có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng sinh, Giáo hội mừng kính vị tử đạo tiên khởi. Tin mừng hôm nay là một nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm Tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng sinh, phải chăng chúng ta không được mời gọi nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm Tử nạn, bóng Thập giá phải chăng đã không phủ trên máng cỏ của Hài nhi Giêsu?

Chiêm ngắm Hài nhi Giêsu trong máng cỏ, ôn lại những biến cố bi thảm trong quảng đời thơ ấu của Ngài, tưởng niệm cái chết của vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận và ơn gọi làm kitô hữu của chúng ta. Đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn cuộc sống của Ngài và như vị tử đạo tiên khởi đã vạch ra: Sống kiên trung đến cùng trong sứ mệnh làm chứng cho đức tin.

Ước gì niềm vui Giáng sinh củng cố chúng ta trong những cố gắng theo Chúa, sẵn sàng đón nhận và đương đầu với những thử thách và bách hại, bởi vì như Ngài đã báo trước: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét”.

Suy Niệm 3: VINH DỰ LỚN LAO LÀ ĐƯỢC CHẾT VÌ CHÚA

Xét theo góc độ con người thì khi chúng ta nghe bài Tin Mừng hôm nay, hẳn mỗi người cảm thấy buồn buồn! Buồn bởi vì niềm vui mừng, hân hoan của cả thế giới đón chào Chúa Giáng Sinh chưa hết, thì hôm nay, lời Đức Giêsu làm chúng ta không khỏi ngỡ ngàng cho những ai bước vào sứ mạng làm môn đệ của Đức Giêsu, Ngài phán: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy”.

Lời loan báo của Đức Giêsu đi ngược hẳn với các nhà lãnh đạo thế gian. Thật vậy, khi muốn chiêu mộ ai, người đời thường đưa ra những lời đường mật, an ủi, họ đưa dẫn chúng ta đi trên con đường đầy hoa thơm, và hứa hẹn những sự dễ dãi... cho người mà họ muốn chiêu dụ... Nhưng làm môn đệ của Đức Giêsu thì khác hẳn: những thử thách, đau thương và đôi khi cả chính cái chết là là những quà tặng mà người môn đệ sẽ nhận được trong cuộc đời sứ vụ của mình.

Kinh nghiệm cho thấy, trải qua biết bao thế hệ, hàng hàng, lớp lớp những môn đệ của Đức Giêsu khắp năm châu đã phải đón nhận những hệ quả tang thương đó. Tuy nhiên, những đau khổ đó không thể làm chùn chân bước của các môn đệ. Lớp này ngã xuống, lớp kia đứng lên, đến nỗi những người gây ra những tội ác đó cũng phải ngỡ ngàng và không hiểu nổi! Tuy nhiên, đối với chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta hiểu được nguyên lý đó, vì: “Hạt lúa cuộc đời phải mục nát đi thì mới sinh được nhiều bông hạt khác”; hay “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”. Đây là nguyên lý bất hủ và trường tồn vĩnh viễn nơi những người con của Chúa. Vì thế, không ai và không có gì có thể dập tắt được tình yêu của những người “say men Giêsu”.

Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội mừng kính lễ thánh Têphanô, ngài là một người can đảm, anh hùng hào kiệt. Chắc hẳn, thánh nhân đã cảm nghiệm được sâu xa nguyên lý của hạt lúa trong thân phận tự hủy. Bởi lẽ, sự hào hùng, can trường mới làm toát lên đặc tính của những người thuộc về Đức Kitô là: không bao giờ và không thể chấp nhận thỏa hiệp với sự dữ, sự tội. Vì thế, thánh nhân đã xuất sắc trong khi thi hành sứ vụ, bởi vì ngài được tình yêu Đức Kitô nung đốt tâm hồn. Thánh Têphanô xứng đáng lãnh nhận lời khen ngợi của Kinh Thánh: ngài là người “đầy lòng tin và đầy Thánh Thần". Quả thật, ngài đã hăng say rao giảng về Đức Giêsu, và sẵn sàng đón nhận chính cái chết để làm chứng về Đấng mà mình loan báo.

Thánh Têphanô đã thay đổi thế cuộc, vì lúc ban đầu là một phiên tòa ghê rợn với bản án tử hình khủng khiếp với trò ném đá đến chết bị cáo; cảnh náo động bao trùm phiên tòa bất chính này, nhưng bị cáo hôm nay thì khác hẳn, và chính lúc mọi người thi hành án thì ngài lại cảm thấy bình an, thanh thoát, nhẹ nhàng và tràn đầy hy vọng. Khung cảnh này đã làm đảo ngược tình thế, và cáo trạng mà người ta gán ghép cho Têphanô giờ đây lại chất vấn lương tâm họ, khiến họ cảm thấy bất an và lo sợ.

Trong xã hội ngày nay, nhiều người trong chúng ta còn ái ngại, dè dặt khi loan báo về sự thật mà Giáo Huấn của Đức Giêsu cũng như Giáo Hội mời gọi. Có khi vì cảm thấy sợ hãi, liên lụy đến tính mạng mà im hơi lặng tiếng để cho qua cầu; hoặc cũng có thể rơi vào tình trạng như đức Hồng Y Thuận đã nói: họ là những hạng người: “Sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen”, nên khi không có lợi cho bản thân là họ sẵn sàng trở thành kẻ nịnh thần để cho xong chuyện...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta can đảm, trung thành làm chứng cho Chúa dẫu có gặp phải thử thách gian truân. Noi gương thánh Têpphanô, sống chết vì sứ vụ, miễn sao sự thật được loan báo và Đức Kitô được tin nhận.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con khi mừng kỷ niệm ngày Chúa giáng trần, thì cũng hiểu được sứ vụ của Chúa trong tương lai và trách nhiệm của người môn đệ khi bước theo Chúa trên con đường đó. Amen.

Vinc Ngọc Biển
 

Thần Khí của Cha nói trong anh em

Nếu con đường cứu độ mà Chúa Giêsu đã đi là con đường thập giá, thì người môn đệ của Chúa cũng không có con đường nào khác.

 

 Chúa đã công khai loan báo cho các tông đồ biết về những bách hại, bắt bớ, bỏ tù và giết chết đang chờ đợi họ ở phía trước. Nhưng như Thầy đã chiến thắng thế nào thì trò cũng được thông dự vào chiến thắng của Thầy mình như vậy. Vì thế, Chúa dạy đừng lo sợ bởi chính khi bị đối xử một cách bất công như thế, họ sẽ có cơ hội làm chứng cho Chúa. Họ sẽ làm tốt việc đó bởi vì khi ấy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

Cuộc đời và cái chết anh hùng của thầy phó tế Stêphanô minh chứng hùng hồn cho những gì Chúa nói. Thánh nhân là một trong số bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan ;Cv 6,3) được đặt tay làm phó tế chuyên lo việc phục vụ. Thời đó, ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân ;6,8). Nhờ ơn của Thánh Thần, ông can đảm làm chứng hùng hồn về Chúa Giêsu trước Thượng Hội Đồng Do Thái và được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa ;7,55). Stêphanô, con người đầy Thần Khí.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận