Điểm Hẹn Bất Ngờ

Đăng lúc: Chủ nhật - 10/01/2016 02:47 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Lời Chúa: Is 42, 1-4. 6-7; Cv 10, 34-38; Lc 3, 15-16. 21-22

Điểm Hẹn Bất Ngờ
 

Gần nhà thờ Đức Bà là cả một quần thể panô, người ta dựng lên để quảng cáo cho những phim ảnh đang được trình chiếu tại các rạp trong thành phố. Dù muốn hay không muốn, mỗi lần đi qua, những tựa phim cứ trải ra như tấm thực đơn thơm nức mời mọc, đến nỗi một người bạn thấy thế có lần đã thốt lên câu đùa: “Nếu chịu khó xem hết những panô quảng cáo này, người ta có thể trở thành nhà điểm phim nghiệp dư đấy”. Ừ nhỉ! Không xem phim thì xem tựa phim, biết đâu lại chẳng là một cái thú?
 
Mấy tuần lễ gần đây, thử để ý, đã thấy xuất hiện một cuốn phim mới tựa đề “Điểm hẹn bất ngờ”. Chẳng biết nội dung thế nào, nhưng tựa phim ấy đã âm thầm đi vào bộ nhớ, để rồi chợt lóe lên khi tiếp cận với trang Tin Mừng hôm nay, đến nỗi cũng muốn gọi lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa như là một điểm hẹn bất ngờ.
 
1) Điểm hẹn bất ngờ giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu.
 
Phúc Âm Nhất Lãm đưa ra ba bản văn song song rất giống nhau về việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa, nhưng riêng bản văn của Matthêu mới có mẩu đối thoại ngắn giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu như được trích đọc trong Tin Mừng hôm nay. Và chính mẩu đối thoại tưởng như trầm chìm ấy lại là một bất ngờ lý thú làm nên điểm hẹn cho phép Rửa nơi sông Giođan.
 
Khi giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng, Gioan Tẩy Giả đã tuyên bố rằng mình chỉ là tiếng kêu bên ngoài, còn Đức Giêsu mới là Lời làm nên ý nghĩa; mình chỉ là cát hoang trải dài sa mạc, còn Đức Giêsu mới là Nẻo Đường thênh thang đi tới; mình dẫu đến trước nhưng lại có sau, còn Đức Giêsu dẫu đến sau nhưng hằng có trước; và mình chỉ rửa trong nước, còn Đức Giêsu mới là Đấng sẽ rửa chính thức trong Thánh Thần. Ông tự nhận mình không đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế. Ấy thế mà, bất ngờ thay, chính Đức Giêsu lại đến với Gioan Tẩy Giả nằng nặc đòi ông làm phép Rửa cho mình: chủ sự bước xuống làm thụ nhân, còn thụ nhân lại miễn cưỡng đóng vai chủ sự.
 
Điều bất ngờ là điều người ta không chờ đợi. Ở đây còn mạnh nghĩa hơn, bởi điều đó Gioan Tẩy Giả không hề nghĩ tới nên dám đâu đợi chờ. Và vì thế, bất ngờ lại càng bất ngờ hơn. Nhưng chính điều bất ngờ ấy đã thành điểm hẹn giao ca thế hệ giữa Cựu Ước mà Gioan Tẩy Giả là đại biểu kết thúc với Tân Ước mà Đức Giêsu là Đấng khởi đầu.
 
Đồng thời, đó cũng là điểm hẹn gặp gỡ bất ngờ trong việc “chu toàn thánh ý Chúa”. Nơi Đức Giêsu, đó là việc Người sống lấy thái độ công chính của Israel, nhưng lại đưa sự công chính ấy tới đỉnh cao hoàn thiện, cũng như khi chịu phép Rửa bởi nước, Người đã thánh hóa chính nguồn nước tái sinh. Còn nơi Gioan Tẩy Giả, đó là việc ông đổ nước cho Đức Giêsu, một vinh dự đến bất ngờ, nhưng cũng chính vào giờ phút ấy, ông cảm nhận rất rõ rằng sứ vụ của mình tới đây đã mãn: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Hình như ông đã sẵn sàng để chịu một phép Rửa khác, cũng là điểm hẹn bất ngờ cho ông: đó là kiếp ngục tù.
 
2) Điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ đau khổ và Người Con chí ái.
 
Nếu bên ngoài, việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa đã là một điểm hẹn cho Gioan Tẩy Giả gặp gỡ Đấng Cứu Thế, thì đi sâu vào chính mầu nhiệm, đó còn là điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ mà Tiên tri Isaia đã ghi lại trong bài ca thứ nhất (bài đọc thứ nhất) và Người Con chí ái của Chúa Cha mà phần sau trích đoạn Tin Mừng đã nêu lên, làm thành một lễ Hiển Linh mới cho tất cả những ai cần được cứu độ.
 
Khi bước xuống dòng sông phép Rửa, Đức Giêsu tỏ mình ra không chỉ là Đấng đã đến sống giữa con người, mà còn là Đấng sống cho con người bằng cách đón nhận vào mình đời sống thực thụ của họ, để trọn vẹn liên đới với họ mọi mặt, kể cả mặt yếu đuối tăm tối đớn hèn nhất là thân phận tội nhân. Người là tôi tớ của Giavê đã tự nguyện gánh tội trần gian, đã tự hạ chịu hết mọi nỗi đau của toàn thể dân mình, và mặc dầu chẳng vướng tội nhơ, Người đã nhẫn nhục cúi xuống lãnh nhận phép Rửa thống hối chỉ vì muốn liên đới đến cùng với mọi tội nhân.
 
Nhưng bất ngờ làm sao, chính khi bước lên từ dòng sông phép Rửa ấy, Đức Giêsu lại tỏ mình ra trong một quang cảnh hoàn toàn khác lạ, làm thành đỉnh cao của toàn thể mầu nhiệm Hiển Linh: Người được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái và được Thánh Thần tấn phong làm Đấng quy tụ tất cả nhân loại về một đầu mối cứu độ. Đất bỗng gặp Trời, Người Tôi Tớ đau khổ bỗng hóa nên Người Con chí ái, và Người tự hạ xóa mình ra không lại bất ngờ nên Đấng vừa làm đẹp lòng Cha, vừa làm thỏa lòng mong ước của bao thuở đợi chờ.
 
Và như thế, dòng sông phép Rửa đã nên điểm hẹn bất ngờ để Chúa Giêsu tỏ mình cho nhân loại: Người vốn là Con chí ái của Chúa Cha, nhưng đã tự hạ làm người Tôi Tớ, và khi đi đến cùng trong đau khổ, Người là Đấng thuộc về Trời cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
 
3) Điểm hẹn bất ngờ giữa đời làm người và đời làm con Chúa.
 
Điểm hẹn bất ngờ nơi sông Giođan, đối với Chúa Giêsu, đã như một dự báo về công cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, để từ đó mở ra những điểm hẹn mới cho tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.
 
Được trở nên chi thể Chúa Kitô, được thông phần sự sống thiên linh và được trở nên con Thiên Chúa: đó là thiên chức của đời tín hữu. Nhưng thiên chức ấy không miễn chuẩn cho họ khỏi phải chu toàn những trách vụ trong đời sống trần thế mà họ là thành phần. Do đó, đời tín hữu chính là một điểm hẹn bất ngờ giữa cuộc sống đời và cuộc sống đạo, giữa phận làm con người và phận làm con Chúa, giữa sự sống nhân linh và sự sống thiên linh. Vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao chu toàn được cả hai mặt sống trong cùng một cuộc đời, làm sao cho mặt ân sủng không bị nhận chìm vì nhu cầu cơm áo, và làm sao cho mặt đời thường được nâng lên ngang tầm với sức mạnh của thánh ân?
 
Sẽ là một điểm hẹn đáng buồn nếu như hai mặt sống không có sự đồng bộ, sẽ là một điểm hẹn đáng trách nếu đạo đời vẫn tiếp tục ly thân; nhưng sẽ là một điểm hẹn của niềm vui nếu như đời tín hữu là một đời biết chu toàn thánh ý Chúa, cho dẫu nhiều khi vì thánh ý mà phải chấp nhận một số thiệt thòi nào đó trong đời.
 
Và bởi vì việc Chúa chịu phép Rửa là một bất ngờ về tình liên đới, nên giới luật yêu thương với những hành động cụ thể cũng là một điểm hẹn đem lại những hiệu quả bất ngờ nhất cho những kẻ sống tinh thần của con Chúa trong phận kiếp của con người. Biết liên đới là biết dẹp bỏ mọi hàng rào cản lối yêu thương, và sống liên đới cũng có nghĩa là không mệt mỏi vượt qua những ranh giới vị kỷ của bản thân mình, để không chỉ đón nhận người khác mà còn quan tâm thăng tiến họ nữa.
 
Hôm nay Phụng Vụ khép lại Mùa Giáng Sinh, đồng thời mở ra Mùa Thường Niên. Không còn nữa những tưng bừng bên ngoài, nhưng vẫn có đó một sâu lắng niềm vui. Bởi cuộc đời Chúa Kitô là điểm hẹn giữa thiên tính và nhân tính để bất ngờ mở ra mùa cứu độ, cuộc đời mỗi Kitô hữu cũng muốn là điểm hẹn giữa ơn thánh Chúa và nỗ lực con người để xin được vươn tới những bất ngờ hạnh phúc.
 
+ GM GIUSE VŨ DUY THỐNG
 

KHIÊM CUNG VÀ CẦU NGUYỆN

Ta lại bước vào một mùa Quanh Năm nữa. Khởi đầu Chúa nhật Quanh Năm là Lễ kính nhớ biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. Ngày này ghi dấu ngày khởi điểm sứ vụ trang trọng của Chúa Giêsu là mang tin mừng cho nhân loại. Cứ điểm xuất quân là bờ sông Giođan thuộc vùng Giuđa, xứ Palestin.
Giođan là một trong những giòng sông dốc dác nhất thế giới, chạy suốt từ bắc chí nam, băng qua biển hồ Galilê, đổ ra Biển Chết. Dọc bờ sông là những hàng dương liễu rủ bóng chen lẫn với dãy bạch dương rì rào trong gió. Nước sông tuy nhiều, nhưng hai bờ dựng đứng nên không thích hợp cho việc trồng trọt. Chính tại một nhánh sông trong khu vực Bêtania mà Chúa Giêsu đã đón nhận phép thanh tẩy của Gioan Tiền hô.
Lẽ tất nhiên, phép rửa của Gioan không phải là một bí tích. Nó không thể xoá tội tổ tông hay truyền ban ơn thánh. Song đó chỉ là hình bóng của phép rửa mà Đức Kitô sẽ thiết lập sau này.
Bài tường thuật về phép rửa của Chúa Giêsu, được trình bày cho chúng ta trong phần phụng vụ của Chúa Nhật tuần này, mời gọi chúng ta suy gẫm về nó và chạm vào một câu hỏi quan trọng liên quan đến đức tin của chúng ta:  Đức Giêsu là ai? Vào thời Chúa Giêsu và suốt dòng lịch sử, câu hỏi này đã được trả lời theo vô số cách và những điều này cho thấy nỗ lực của loài người và các tín hữu muốn hiểu rõ hơn mầu nhiệm về con người của Chúa Giêsu.  
Tuy nhiên, trong bài tập suy gẫm này của chúng ta, chúng ta muốn rút ra từ một nguồn tin đáng tin cậy và xác thực hơn, Lời của Thiên Chúa.  Trong lời mô tả cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa trên sông Giođan, Luca đã không quan tâm đến việc cho chúng ta biết các chi tiết cụ thể và lịch sử của sự kiện này, nhưng thay vào đó mời gọi chúng ta là những người đọc Tin Mừng trong năm phụng vụ này, hãy cân nhắc các yếu tố chính cho phép chúng ta nắm bắt được căn tính của Đức Giêsu.   
Thật ra, Chúa Giêsu chẳng phải nhận phép thanh tẩy của Gioan. Ngài có tội tình gì. Thế nhưng qua việc Ngài đến với Gioan là để chuẩn y cho việc làm và lời nói của ông: Thứ nhất Chúa Giêsu xác nhận việc Gioan rao giảng và thanh tẩy dân chúng để chuẩn bị đón nhận Tin Mừng Nước Trời là chính đáng và cần thiết. Thứ hai, Gioan nhắc bảo với dân chúng- “Ta thanh tấy các ngươi bằng nước. Sẽ đến Đấng quyền thế hơn ta, ta không đáng cởi quai dép Ngài. Ngài sẽ rửa các ngươi trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3, 16)- là sự thật và sự thật đó được chính Chúa Giêsu xác nhận sau này trong phúc âm của Thánh Gioan: “Ai không sinh bởi Nước và Thánh Thần thì không thể vào được Nước Trời” (Ga 3, 5).
Hơn nữa, việc Đức Giêsu đến hoà mình vào đám đông, lãnh nhận phép rửa của vị Tiền hô, là muốn nêu bật tính cách tự ý liệt mình vào hàng tội nhân. Ngài hạ mình, đến với dân, ở giữa dân, gánh tội dân, và cứu dân.
Có lẽ trong tất cả những lần tỏ mình trước đây, chưa bao giờ Đấng Cứu Thế lại hạ mình sâu thẳm bằng hôm nay. Khi tỏ mình ra với mục đồng và các đạo sĩ, thì vẫn có đó nơi Đức Giêsu hình ảnh của một bé thơ dễ thương. Khi tỏ mình ra cho ông Simêon và bà Anna trong đền thờ, Đức Giêsu cũng còn được chiêm ngắm như là “ánh sáng muôn dân”. Ngay khi tỏ mình ra cho các tư tế, luật sĩ ở đền thờ lúc 12 tuổi, Đức Giêsu vẫn được nhìn nhận như một nhà thông thái uyên bác. Nhưng hôm nay, lần tỏ mình ra lớn lao nhất lại là hiển linh qua hình ảnh một tội nhân giữa đoàn dân tội lỗi. Phải chăng Ngài đang muốn chia sẻ và gánh vác thân phận khốn nạn nhất của con người? Phải chăng Ngài đang làm viên thành lời của bao ngôn sứ, đặc biệt là của Gioan Tẩy Giả, khi vị này chỉ vào Ngài và hô lớn: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng tẩy xoá tội trần gian” (Ga 1, 29).
Ơn thánh hoá đã được ban xuống qua Đức Kitô. Sự sống đang tuôn đến trên nhân loại. Thánh sử Luca đã khéo léo trình bày ý tưởng trên khi viết: “Đức Giêsu chịu thanh tẩy, và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra” (Lc 3, 21).
Cửa trời đã đóng lại sau ngày nhân loại chối từ luật Chúa và chạy theo dục vọng trần gian. Cửa trời đã đóng lại từ lúc con người kiêu căng ngạo mạn muốn lên làm Chúa, để tự định đoạt mọi trật tự của thế giới này. Cửa trời đã đóng lại vì con người không biết ăn năn thống hối, lại còn đổ thừa, sỉ vả, gây khổ cho nhau.
Nhưng hôm nay cửa trời đã mở ra vì có một người không sống theo ý mình nhưng chỉ theo ý Cha, Đấng ngự trên trời.
Hôm nay cửa trời đã mở ra vì có một người đã không “giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Nhưng đã hủy mình ra không, lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta… Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá” (Pl 2, 6-8).
Và đặc biệt, hôm nay cửa trời đã mở ra vì có một người biết cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Chắc chắn không phải là Thánh Luca không có ý khi viết “… cầu nguyện thì trời mở ra”. Phải chăng cầu nguyện chính là chiếc chìa khoá thần linh có thể mở tung cánh cửa của ơn phúc và sự sống? Phải chăng cầu nguyện là sức mạnh vô song xé rách được màn trời để ơn cứu độ tuôn trào cho nhân loại?
Người luôn cầu nguyện liên lỷ với Thiên Chúa hằng ngày, tỏ ra mối liên kết gắn bó chặt chẽ với Chúa Cha. Ngay khi đi rao giảng sau này, dù mệt nhọc, dù mải mê chăm lo đoàn dân bơ vơ không người yên ủi, Chúa Giêsu vẫn không hề sao nhãng, dành thì giờ chiều tối, để thiết tha cầu nguyện.
Do vậy, vừa lãnh nhận phép rửa xong, Người liền sốt sáng “cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người, dưới hình dáng như chim bồ câu.”(Lc 3, 22) Mặc khải cho toàn dân thấy Người chính là Đấng Messia, chính là Ngôi Hai nhập thể. Đấng mà dân Chúa hằng mong đợi bao lâu.
Con người trái lại thường kiêu ngạo, tự mãn, vô ơn, khg hề nhìn nhận Tất cả đều là hồng ân. Nên không cần cầu nguyện, không cần tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Vẫn cậy vào sức mình, cậy vào tài năng và may mắn, con ngưới thường hợm hĩnh hãnh diện về bản thân mình, mà không cần biết ân huệ từ đâu ban cho mình..
Người biết cầu nguyện và siêng năng nguyện cầu sẽ tìm thấy niềm vui ơn cứu độ chan chứa, cả đời này và đời sau.
Đôi khi người ta không thấy cửa trời mở ra cho bao ước mơ khát vọng cao đẹp của mình, phải chăng vì họ không cầu nguyện, hay có nhưng còn thiếu hồn, nhạt nhẽo, lấy lệ.
Với tấm lòng vâng phục, khiêm nhường và câu nguyện, Chúa Giêsu được nhìn nhận xứng đáng là Người Con dấu yêu. “Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là con yêu dấuu của Cha; Cha hài lòng về con.” (Lc 3, 22)
Người con hiếu thảo là luôn biết vâng phục theo ý cha. Chúa Giêsu luôn làm theo Thánh Ý Cha. Như khi mới 12 tuổi, Người ở lại rao giàng trong Đến Thờ. Người đặt mối tương quan với Thiên Chúa, bên trên tương quan huyết thống. Luôn luôn dành ưu tiên cho Chúa. 
Người con yêu dấu luôn làm đẹp lòng cha. Chúa Giêsu chấp nhận cuộc sống bần hàn, chấp nhận bị xua đuổi, bị đố kỵ, ganh ghét, thù địch, vì không hề sống theo ý riêng, không theo bản năng con người, vốn ham sống sợ chết, ham hưởng thụ, ăn ngon, mặc đẹp, vinh thân phì gia. Hơn nữa, Người còn chấp nhận cuộc đời sóng gió, kết thúc bằng cái chết khổ nhục, để thực hiện hoàn hảo công cuộc cứu rổi loài người khỏi chết lầm than.
Người con yêu dấu luôn biết phụng dưỡng cha, hầu chuyện, gặp gỡ, thăm hỏi, tâm sự với cha. Bằng những buổi cầu nguyện liên lỷ và sốt sắng, Chúa Giêsu luôn hiện hữu bên cạnh Chúa Cha.
Ước gì khởi đầu mùa phụng vụ Quanh Năm này, mỗi người Kitô chúng ta hữu sẽ đồng hành với Chúa Giêsu đặc biệt trong sự khiêm cung và nhất là cầu nguyện. Chắc chắn bước đi với thái độ và quyết tâm như thế “trời sẽ mở ra” và ơn Chúa sẽ chan hoà trên ta.

  Huệ Minh

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận