Các Thánh Anh Hài tử đạo

Đăng lúc: Thứ hai - 28/12/2015 02:16 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Các Thánh Anh Hài tử đạo. Lễ kính.

"Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem".

 

LỜI CHÚA: Mt 2, 13-18

Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".

Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

 

 

Suy Niệm 1: Lễ Kính Các Thánh Anh Hài

"Dù một chấm một phẩy trong Kinh Thánh

cũng không bỏ qua cho đến khi tất cả được nên trọn".

Không cần phải đưa Hài Nhi ra khỏi Ai Cập, chỉ cần đi xa vài làng mạc thành phố thôi cũng đủ để thoát khỏi bàn tay sát hại của Hêrôđê, hoặc có thể khiến cho ba đạo sĩ không đi ngang qua lối ấy để vua Hêrôđê không biết. Thế nhưng để ứng nghiệm lời tiên tri như đã chép mà Chúa đã làm như vậy. Từ đó chúng ta nhớ lại đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu đã nói: "Ai tuân giữ và dạy người khác thực hành những điều nhỏ mọn nhất trong luật Chúa thì sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".

Chúng ta đừng hiểu theo nghĩa đen như những người biệt phái và luật sĩ ngày xưa, nhưng phải đem tinh thần của lề luật vượt lên trên hết tất cả mọi điều luật. Ðó là tình yêu khoan dung bao la tha thứ của Thiên Chúa đối với những người ăn năn hối cải quay trở về với người Cha nhân từ.

Hôm nay lễ kính các thánh Anh Hài Tử Ðạo, chúng ta nói qua về vấn đề có tội và vô tội. "Nhân vô thập toàn", không ai là hoàn toàn cả: "Tinh thần thì hăng hái, xác thịt thì nặng nề". Nhóm người cổ Hy Lạp ngày xưa cùng thời với Platon, Aristote cho thân xác là tù ngục của linh hồn là thế. Cho nên nếu chúng ta nói: "Tôi là người vô tội" thì coi chừng tôi đang lừa dối tôi đấy. Thánh Phaolô đã cảnh tỉnh chúng ta: "Khi anh em tin rằng, anh em mạnh mẽ đứng vững, anh em hãy coi chừng kẻo ngã đấy".

Trong bài Thánh Thư hôm nay, thánh Gioan Tông Ðồ có viết thêm: "Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi không phạm tội thì chúng tôi là kẻ kêu Ðức Giêsu Kitô là kẻ nói dối và lời của Ngài không có ở trong chúng tôi". Vì sao? Vì Ðức Kitô đến để chuộc tội cho nhân loại tội lỗi, trong đó có mỗi người trong chúng ta. Thánh Gioan còn nói rõ hơn nữa: "Chính Ðức Kitô là của lễ đền tội chúng ta, không nguyên đền tội chúng ta mà thôi nhưng còn đền tội cho cả thế gian nữa". Như thế không ai trong chúng ta là kẻ vô tội.

Lúc mới sinh ra, con người đã mang lấy tội Tổ Tông ngoại trừ Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người, ngoại trừ Mẹ Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, và như Gioan Tẩy Giả được Mẹ Maria mang Chúa đến viếng thăm, dù đang ở trong bụng mẹ cũng đã nhảy mừng và thoát khỏi tội Tổ Tông, còn tất cả chúng ta đều mắc tội Tổ Tông.

Khi lớn lên tới tuổi khôn là tuổi nhận biết, phân biệt được hành vi việc làm của mình, Giáo Hội xác định là bảy tuổi, tức là chúng ta bắt đầu tới tuổi khôn, bắt đầu thêm tội mình nữa. Có một thánh nhân đã thú nhận: "Trong một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không khỏi có năm phút sai lỗi". Tội nặng hay nhẹ tùy hai yếu tố quan trọng sau đây:

1. Lý do bởi luật buộc là nặng.

2. Do sự chú ý cố tình sai phạm khi biết đó là tội trọng.

Vậy phạm một tội trọng cũng không phải là chuyện dễ, vì phải gồm có hai yếu tố trên.

Con người tuy mang lấy bản tính yếu đuối hay sa ngã, chán nản, mỏng dòn nhưng con người được Thiên Chúa biết và thông cảm cho. Nếu trong một ngày, người anh em con phạm tội đến con và nói với con rằng: "Tôi hối hận" thì con cũng phải tha thứ cho anh em con bảy lần không?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy không bảo con phải tha bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn".

Vì nếu chúng ta tính được tới bảy mươi lần bảy thì chúng ta đã trở thành máy móc, trở thành thói quen quán tính tha tội cho người anh em của mình mãi. Chúa đã dạy chúng ta như thế, phương chi lòng Chúa càng phải bao dung tha thứ biết bao nhiêu lần. Tội hay vô tội, vấn đề đó không quan trọng, quan trọng của vấn đề là có lòng thống hối ăn năn hay không? Ðược tha nhiều sẽ mến Chúa nhiều hơn, như Maria Madalena trong Phúc Âm đã xức dầu thơm chân Chúa, như Phanxicô Xaviê, Augustinô chẳng hạn. Từ đó, con người đam mê trong trụy lạc thời còn trai trẻ được Thiên Chúa cho giác ngộ để dấn thân theo tiếng Chúa gọi và trở nên những vị thánh nổi tiếng lừng danh trong Giáo Hội.

Lạy Chúa, trong ngày lễ kính các Thánh Anh Hài hôm nay, xin cho mỗi người chúng con ý thức được vấn đề tội lỗi và tình thương của Chúa để chúng con sống đẹp lòng Chúa hơn trong giây phút hiện tại. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 2: Tàn sát các hài nhi

Lễ Giáng sinh trước tiên là lễ của Nhi đồng. Như Đức Gioan Phaolô II đã viết trong thư gửi các thiếu nhi trên thế giới nhân năm quốc tế gia đình: “Những gì đã xảy ra cho Hài nhi Giêsu ở Belem cũng xảy ra cho các trẻ em trên khắp thế giới. Có biết bao trẻ em đang là nạn nhân của đói khổ, của chiến tranh, đang bị cha mẹ bỏ rơi, đang sống cảnh màn trời chiếu đất, đang đau khổ vì biết bao hình thức bạo động và gây hấn của người lớn”.

Để có một vài con số cụ thể, chúng ta chỉ cần lắng nghe báo cáo của tổ chức Nhi đồng quốc tế (UNICEF) về tình trạng trẻ em trên thế giới năm 1995 như sau: “Trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 đang có khoảng 2 triệu trẻ em chết vì chiến tranh, từ 4 đến 5 triệu tật nguyền, hơn 5 triệu sống trong các trại tị nạn, trên 12 triệu sống cảnh không nhà không cửa”. Bản báo cáo ước tính cần phải có ít nhất 34 tỉ Mỹ kim mới có thể đảm bảo các nhu cầu về dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục cho các trẻ em trên khắp thế giới.

Vài con số trên đây đặt chúng ta trước một trong những thảm trạng của thời đại, đó là sự chà đạp hay chối bỏ quyền của trẻ em. Qui ước của Liên hiệp quốc về quyền của trẻ em đã được 167 quốc gia ký tên chuẩn nhận, thế nhưng trong thực tế bao khốn khổ mà trẻ em tại những nước nghèo đang trải qua lại là một chối bỏ quyền của trẻ em. Thảm trạng đã xảy ra cho trẻ em Do thái thời Chúa Giêsu sinh ra, ngày nay cũng đang tiếp diễn trên khắp thế giới. Vấn đề trẻ em là một vấn đề chiến lược của thế giới, vấn đề trẻ em là vấn đè chính sách của quốc gia, những nhà lãnh đạo thế giới và những nhà cầm quyền trong một quốc gia phải chịu trách nhiệm trước nhân loại và dân tộc mình về thảm trạng của các thiếu nhi.

Tuy nhiên, chính những người Kitô hữu cũng cần phải ý thức rằng với tư cách là cha mẹ, là anh chị, là người thân trong gia đình, tất cả chúng ta đều là những người trước tiên có trách nhiệm đối với con em chúng ta. Thánh Giuse và Đức Maria đã lặn lội đưa Hài nhi trốn sang Ai cập, đó là điển hình của những bậc cha mẹ có trách nhiệm đối với sự sống còn của con cái. Sống cho con cái, giáo dục chúng nên người, đó là trách nhiệm hàng đầu của bậc cha mẹ.

Nguyện xin Hài nhi Giêsu mà chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ soi sáng hướng dẫn chúng ta trong trọng trách dưỡng dục con cái. Xin Ngài đánh động chúng ta trước thảm cảnh của biết bao trẻ em đang lâm cảnh khốn khổ chung quanh chúng ta và ban cho chúng ta tấm lòng quảng đại để góp phần xoa dịu thương đau của dân tộc mà chính các thiếu nhi phải gánh chịu.

 

Suy niệm 3: QUYỀN TRẺ EM CÓ CÒN ĐƯỢC TÔN TRỌNG?

(Mt 2, 13 -18)

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Đây là quy luật mà ai cũng phải biết. Tuy nhiên, có một sự thật đau buồn về tình trạng cuộc sống của các trẻ em hiện nay: theo thống kê của các tổ chức quốc tế, ngày nay có hàng triệu triệu trẻ em chết vì chiến tranh, tật nguyền; hay sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tại các trại tỵ nạn và nơi các đường phố, gầm cầu... Biết bao trẻ em thất học, không được đến trường. Tệ hơn nữa là có quá nhiều trẻ em chết dưới bàn tay của chính các bậc làm cha mẹ khi họ quyết định phá thai...!

Tất cả đều do sự chểnh mảng, thiếu quan tâm, vô nhân và chối bỏ quyền của các trẻ em nơi những nhà lãnh đạo, các tổ chức và ngay cả các bậc làm cha mẹ trong các gia đình...

Thảm trạng đau buồn hiện nay của thế giới về các trẻ em cũng chính là đại họa mà các thánh Anh Hài thời Đức Giêsu phải chịu dưới sự tàn độc, ích kỷ, ghen tương của vua Hêrôđê.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đứng lên, tùy khả năng và trách nhiệm của mỗi người, hãy bảo vệ quyền trẻ em. Không ai được phép đứng nhìn những thảm trạng bi đát mà các trẻ em đang phải hứng chịu do nạn buôn bán, bóc lột, lạm dụng và vô lương tâm của người lớn gây nên...

Hãy ý thức vai trò và trách nhiện cao cả của thiên chức làm cha làm mẹ trong các gia đình, không bao giờ chúng ta cho phép mình có quyền trên sự sống sự chết của các trẻ em, dù các em mới là bào thai. Nên nhớ quyền đó thuộc về Thiên Chúa và không ai được phép cướp quyền của Người. Thiên Chúa luôn muốn cho con người được hạnh phúc và được sống dồi dào. Chính vì lý do đó mà Ngài đã giáng sinh để cứu chuộc con người.

Hình ảnh thánh Giuse và Đức Maria vội vã trong đêm đem Hài Nhi trốn sang Aicập đủ cho chúng ta thấy trách nhiệm của các ngài với Đức Giêsu.

Vì vậy, khi mừng lễ các thánh Anh Hài, chúng ta không gợi lại một thảm trạng buồn, nhưng đây là cơ hội để chúng ta học được bài học về tinh thần trách nhiệm, sống hết mình vì con cái như Đức  Mẹ và thánh Giuse. Mặt khác, đây cũng chính là dịp để chúng ta hồi tâm nhằm nhận ra sự hờ hững, thiếu trách nhiệm trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái. Hơn nữa, nếu có ai đó trong cộng đoàn đã một lần phá thai hay cổ vũ, tiếp tay cho tội ác tầy trời này, thì đây là thời thuận tiện để chúng ta nhận ra hình ảnh Hêrôđê ác độc qua hành vi mất nhân tính của mình để sám hối và xin ơn tha thứ cũng như biến đổi.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin Chúa ban cho chúng con biết ý thức vai trò và trách vụ phải có đối với các trẻ em. Xin Chúa gìn giữ và bảo vệ các trẻ em thoát khỏi những nanh vuốt của những Hêrôđê thời hiện đại khi họ khước từ quyền trẻ em.

Xin Chúa cũng ban cho có nhiều tổ chức từ thiện, nhiều tấm lòng quảng đại ra tay cứu giúp các trẻ em nhằm xoa dịu những đau thương mà các trẻ em phải gánh chịu trong xã hội hiện nay. Amen.

Vinc Ngọc Biển
 

Suy niệm 4

A. Phân tích (Hạt giống...)

Đoạn này viết theo văn thể Midrash nhằm cho thấy Chúa Giêsu là Môsê mới:

- Ngày xưa ở Ai Cập, một bạo vương đã tàn sát các trẻ sơ sinh Do Thái, nhưng trẻ Môsê đã được Thiên Chúa che chở, sau này chính Môsê đã đưa dân Chúa ra khỏi Ai Cập và tiến vào Đất Hứa.

- Ngày nay, Hêrôđê cũng tàn sát các hài nhi, nhưng Chúa Giêsu đã thoát chết. Ngài sẽ dẫn Dân Mới (Giáo Hội) thoát ách nô lệ tội lỗi và tiến vào Đất Hứa thực sự.

B. Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Trong thư gởi các thiếu nhi thế giới ngày 3/12/1994 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là những ngày lễ (...). Ngay từ những ngày đầu sau khi sinh hạ, Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một đe dọa trầm trọng: bạo vương Hêrôđê ra lệnh tàn sát các trẻ thơ dưới hai tuổi, và vì lý do này Chúa Giêsu bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập...” Mầu nhiệm giáng sinh gắn liền với mầu nhiệm tử nạn. Trong Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước... Trong ánh sáng của mầu nhiệm giáng sinh, phải chăng chúng ta không được mời gọi nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn? Bóng Thập Giá phải chăng đã không phủ trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu?

2. Vấn đề đau khổ, nhất là đau khổ của kẻ vô tội, đặc biệt là đau khổ của những trẻ thơ, đã là một thắc mắc khó hiểu đối với nhiều người. Chuyện các Thánh Anh Hài chịu chết giúp ta bớt thắc mắc giá trị cái chết của các em. Cái chết ấy góp phần vào việc thực hiện kế hoạch Thiên Chúa cứu độ muôn người. Tấm gương này mời ta hãy nhìn đau khổ theo con mắt của Chúa.

3. Con sâu trong tảng đá: Một hôm Đức Ala gọi một Thiên Sứ đến và truyền lệnh: "Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có 4 đứa con thơ." Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết nài xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy? Nhưng lời van xin của Thiên Sứ chẳng mảy may đánh động được Đức Ala. Cuối cùng Thiên Sứ đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời.

Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị Thiên Sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con? Thấy Thiên Sứ buồn, Đức Ala gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, Thiên Sứ ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, vị Thiên Sứ bỗng thốt lên: “Ôi lạy Đấng Tối Cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài.”

4. Bạn xét đoán Chúa chỉ vì không thể thấy kế hoạch của Ngài vì những đau khổ của bạn, giống như con chuột chui vào cây đàn piano gặm nhấm dây đàn làm nhạc sĩ rối loạn khi biểu diễn bản nhạc của Chopin hoặc Beethoven. Với trí óc nhỏ bé, chuột nghĩ rằng nó đâu làm gì, nhưng cả vũ trụ bị đảo lộn. Khi xét đoán kế hoạch của Chúa theo quan điểm của ta, phải chăng sự thể cũng như vậy?

Tương tự, con nhện cuốn tơ trên một xà sắt, sẽ bất mãn khi cây xà được chuyển đi xây một cây cầu. Nó chẳng bao giờ nghĩ rằng kế hoạch của một kỹ sư có giá trị hơn tơ của nó…

5. “Vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống” (Mt 2,16)

Chẳng bao lâu sau tiếng đàn ca xướng hát của các thiên thần trong đêm Chúa Giáng Sinh là tiếng khóc than rền rĩ của những bà mẹ mất con trong cuộc sát hại con trẻ ở Bêlem của Hêrôđê. Chẳng lẽ việc Chúa ra đời lại là nguyên nhân gây ra cái chết của trẻ thơ vô tội? Không, Thiên Chúa đã tạo dựng con người và ban cho con người tự do. Hêrôđê có tự do, và ông đã lạm dụng tự do để sát hại trẻ thơ, hầu trút cơn giận dữ và thoả lòng ghen tị. Tôi cũng có tự do, và tự do của tôi đã được sử dụng để vun đắp sự sống hay để huỷ diệt?

Lạy Chúa, thế giới con đang sống còn đầy những thảm họa do con người đã lạm dụng tự do của mình. Xin cho con biết sử dụng tự do để làm vinh danh Chúa hơn và mang lại niềm vui hạnh phúc cho mọi người.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu mến yêu.

Chúa là Ðấng Emmanuel đã đến và ở cùng chúng con. Chúa đến trong thân phận một hài nhi yếu đuối đang cần sự chăm sóc chở che. Chúa đang cần một chiếc nôi. Chúa cần một hơi ấm tình người. Chúa cần một gia đình để đón nhận Chúa. Chúa cần một nhu cầu cuộc sống thật bình thường như bao trẻ thơ khác, thế mà dòng đời luôn khắc nghiệt, luôn đòi lấy đi tất cả những gì thiết yếu của cuộc sống. Dòng đời muốn loại trừ Chúa. Con người chỉ vì một chút bổng lộc mà đang tâm loại trừ Thiên Chúa.

Và cho đến hôm nay, dòng đời vẫn còn đó những trẻ thơ bị khước từ, bị bỏ rơi và lợi dụng. Dòng đời vẫn còn đó những trẻ thơ không một mái nhà, không một chiếc nôi và chẳng bao giờ được hưởng hơi ấm tình người. Xin Chúa là Ðấng Emmanuel ở cùng chúng con luôn gìn giữ các trẻ thơ trong tình thương quan phòng của Chúa. Xin cho các bậc làm cha mẹ biết bỏ đi tính ích kỷ, thói hưởng thụ của mình để sống vì con cái và có trách nhiệm với tuổi thơ mà Thiên Chúa trao gởi. Xin đừng vì sự thiếu trách nhiệm của mình mà đẩy tuổi thơ vào cảnh đời khốn khổ lầm than.

Lạy Chúa, Chúa luôn yêu quý tuổi thơ, xin Chúa hãy chúc lành cho tuổi thơ giáo xứ chúng con. Xin cho mọi trẻ thơ đều được lớn lên trong tình thương chăm sóc của cha của mẹ. Xin Chúa hài đồng mang lại niềm vui, nụ cười cho tuổi thơ giáo xứ chúng con. Amen.

(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận