Thứ Sáu tuần 3 thường niên.

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/01/2016 02:28 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Sáu tuần 3 thường niên.

"Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".

 

LỜI CHÚA: Mc 4, 26-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa". Người còn phán: "Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được". Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

 

Suy Niệm 1: Hạt giống, hạt cải

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hạt giống và hạt cải làm ví dụ để nói về Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.

Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn. Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.

Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa.

Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Vấn đề thân cận

Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bắng cách nào thì người ấy không biết.” (Mc. 4. 26-27)

Phúc âm hôm nay lấy chủ đề là việc gieo giống. Nhưng những lời lẽ được dùng lại vang lên những âm điệu mới lạ đáng chúng ta quan tâm suy nghĩ: mầu nhiệm Đức Kitô có một sức mạnh âm thầm hằng thúc đẩy để mầu nhiệm ấy được thực hiện trọn vẹn; dầu có tính cách mong manh, mầu nhiệm ấy vẫn có một sức mạnh vô địch; sau cùng lòng gắn bó hoặc tin cậy vào Chúa Giêsu giúp ta hiểu biết đầy đủ về mầu nhiệm này.

Một sức mạnh âm thầm

Mỗi ngày ta khó nhọc vất vả gieo hạt giống Nước Trời, mong cho Nước Chúa trị đến. Nào là: kinh lễ, hội họp, thảo luận, phục vụ, thăm viếng tình nghĩa, dạy giáo lý, hoạt động nghề nghiệp, săn sóc bệnh nhân, dạy học, làm việc chân tay… Chúng ta tin rằng thực hiện một trong những công việc kể trên là làm cho chúng ta sống mầu nhiệm phục sinh, là đưa mọi loài thụ tạo đến sự phục hồi. Ta tin nhưng mắt không nhìn thấy gì cả. Những kết quả công khó của ta thường âm thầm kín đáo. Chúng ta phải khiêm tốn và có khi phải cay đắng chấp nhận những giới hạn của thân phận con người.

“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như …”, Chúa Kitô nói với chúng ta như vậy mà, …

Ta hãy kiên nhẫn và tin tưởng!

Một sức mạnh vô địch

Chúa còn kể dụ ngôn thứ hai, dụ ngôn hạt cải, để ta thêm vững lòng. Thực vậy, Chúa đặt đối chọi nhau hai sự thể: một bên là cái mong manh bé nhỏ, bên kia lại là những kết quả to lớn đạt được. “Cây cải mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Chúng ta không thường sống sự tương phản này sao, sự tương phản giữa một bên là những dấu chỉ mong manh, còn bên kia là những kết quả to lớn đạt được? Tất cả đời sống bí tích chỉ là việc xử dụng một loại hạt giống nhỏ nhất để rồi hạt giống đó trở thành một dấu chỉ sinh ân sủng vô vàn của Chúa.

Chỉ có ai yêu mến mới hiểu được

Sau cùng, những dụ ngôn này kết thúc với lời ghi nhận rằng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Chúa Giêsu giải nghĩa hết cho các Tông đồ. Sự gắn bó, gần gũi với Chúa giúp ta tiến tới Người vượt xa mức bình thường mà quần chúng có thể tiếp cận được, bởi vì xét cho cùng người ta chỉ có thể hiểu biết rõ được một người khi ta yêu mến người đó.

 

Suy niệm 3: MUỐN ĐƯỢC CỨU ĐỘ, PHẢI KIÊN TRÌ

 

Trong thời đại kinh tế thị trường, khái niệm “ăn sổi ở thì” rất quen thuộc. Quen đến độ đi đâu người ta cũng thích nhanh. Ăn gì cũng muốn có ngay. Làm gì cũng muốn thành công tức thời!

 

Sống trong thời đại chóng vánh như thế, con người luôn luôn bị đối diện với sự đổi thay, phải trái, trắng đen… từ thực tế cuộc sống, con người cũng phỏng chiếu đời sống tâm linh của mình theo khuôn mẫu đó.

 

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu dùng dụ ngôn để rao giảng về Nước Trời. Nước Trời được ví như chuyện người gieo hạt giống, dù đêm hay ngày, người đó cứ gieo, hạt giống mọc lên lúc nào tùy ý, chỉ biết rằng, đến mùa là Chủ đi gặt lúa về. Đức Giêsu còn nói đến Nước Trời được ví như hạt cải nhỏ tý teo, nhưng khi gieo xuống, nó lớn mạnh đến nỗi chim trời đến làm tổ…

 

Qua hai dụ ngôn đó, Đức Giêsu cho thấy: trước tiên, Thiên Chúa là Đấng luôn kiên trì như người gieo giống. Người không trần trừ, không đòi hỏi… Người cứ gieo và kiên nhẫn chờ đợi. Tiếp theo, Nước Thiên Chúa lúc ban đầu thì khiêm tốn, nhỏ nhoi, nhưng với thời gian và ân sủng, nước ấy lớn mạnh đến phi thường.

 

Trong đời sống đức tin, nhiều khi chúng ta bị thử thách trong đêm tối! Có những điều chúng ta xin Chúa mà mãi không được, làm cho mình mất đức tin hay đức tin bị lung lay.

 

Tuy nhiên, chúng ta nhớ một chân lý muôn đời rằng: lửa thử vàng, gian nan thứ đức. Có cố gắng, kiên trì thì khi thành công mới thấy được ý nghĩa. Cũng vậy, đời sống đức tin cần phải được thanh luyện bằng sự kiên trì, trung thành và cố gắng, thì mới thực sự có giá trị cứu chuộc. Ơn cứu độ không đến như chuyện “ăn sổi ở thì” mà con người vẫn quan niệm.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa vì hôm nay Chúa dạy cho chúng con bài học về sự kiên trì, nhẫn nại, hy sinh. Xin Chúa ban cho chúng con biết trung thành với Chúa để được cứu độ. Amen.
 

Suy niệm 4

A- Phân tích (Hạt giống...)

Những dụ ngôn về sức sống và sức lớn lên của Nước Thiên Chúa:

- Dụ ngôn hạt giống âm thầm: Nước Thiên Chúa cũng như hạt giống có sức sống và sức phát triển nội tại. Dù hoàn cảnh thuận tiện hay không thuận tiện (“đêm hay ngày”), dù người ta có chăm sóc hay không (“người ấy ngủ hay thức”, “bằng cách nào người ấy không biết”), Nước Thiên Chúa vẫn cứ phát triển.

- Dụ ngôn hạt cải: mới ban đầu, Nước Thiên Chúa rất nhỏ bé như hạt cải, nhưng rồi nó sẽ phát triển thành một cây to.

* Có lẽ những dụ ngôn này nhằm mục đích trấn an:

a/ Trấn an các môn đệ thời Chúa Giêsu: có lúc họ ngã lòng vì thấy mình chỉ là một nhóm người ít oi, nhỏ bé, sợ không đủ khả năng mở mang Nước Thiên Chúa nổi.

b/ Trấn an các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai: họ là một tập thể ít oi giữa lòng thế giới rộng lớn, họ lại gặp rất nhiều khó khăn. Chúa Giêsu muốn trấn an tất cả rằng chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ tồn tại và phát triển mạnh.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Chúa Giêsu cho biết hạt giống Lời Chúa có sức phát triển nội tại, tuy âm thầm nhưng liên lỉ và mạnh mẽ.

Nhiều khi vì cho rằng đọc và suy gẫm Lời Chúa không sinh kết quả gì cả nên tôi đã thôi không tiếp tục nữa. Dụ ngôn này dạy tôi hãy bỏ lối suy nghĩ ấy đi và kiên trì tiếp tục, vì kẻ làm cho hạt giống mọc lên không phải là tôi mà là chính Chúa.

2. “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1 Cr 3,6-7). Nếu chúng ta biết nghĩ như Phaolô thì chúng ta không còn ngại gieo hạt giống Nước Chúa, cũng không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.

3. Một ngày kia, một tông đồ giáo dân dẫn tôi đến gia đình của một người lương làm nghề kéo xe lôi. Đến đấy tôi nhận được một món quà rất bất ngờ và rất to lớn: cả nhà gồm vợ chồng và 7 đứa con xin theo đạo. Khi được tôi hỏi lý do thì người chồng cho biết: Mười mấy năm trước, khi còn nhỏ, anh học trường các sư huynh Lasan và đã có lòng mộ mến Đạo Chúa. Lòng mộ mến ấy vẫn âm ỉ trong lòng anh. Tuần trước, khi anh gặp người tông đồ giáo dân này, tàn lửa âm ỉ đó bỗng bùng lên thành một ngọn lửa thôi thúc anh phải xin theo Chúa. Nếu các sư huynh Lasan của trường kia và những tông đồ giáo dân nọ đã không chịu khó gieo giống vì nghĩ rằng có gieo cũng vô ích thì hôm nay tôi đã không gặt được thành quả này. “người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa.” (câu 27-28) (Chia sẻ).

4. Hạt giống Nước Chúa mà chúng ta gieo vào lòng anh chị em quanh ta mọc lên rất nhiều cách và nhiều dạng: có thể thành những Kitô hữu như chia xẻ phía trên, có thể thành những người tuy còn là lương dân nhưng thiện cảm với Kitô giáo, có khi thành những ý lực hướng dẫn cuộc sống của những người vì lý do nào đó chưa thể theo đạo. Văn hào Tagore thuộc loại thứ ba: tuy ông không là Kitô hữu nhưng cuộc sống của ông được hướng dẫn bởi những giá trị Phúc Âm.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Qua tấm bánh đơn sơ nhỏ bé Chúa đã đến và lưu lại nơi trần gian. Chúa đi vào cuộc sống chúng con để chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Chúng con xin tri ân tình Chúa. Xin cho chúng con luôn trở thành tấm bánh mang lại niềm vui cho cuộc sống anh em.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã sống một cuộc đời khiêm hạ. Chúa đã sinh ra trong khung cảnh nghèo nàn nơi hang lừa BeLem. Chúa đã sống âm thầm ẩn dật nơi làng quê Nagiaret suốt ba mươi năm trường. Cuộc đời của Chúa tựa như những hạt cải nhỏ bé thế nhưng khi đã đơm hoa kết trái sẽ thành nơi nương tựa cho chim trời. Với ba năm rao giảng vắn vỏi thế mà Chúa đã mang lại niềm vui cho biết bao con người. Kẻ nghèo đói, tật nguyền được Chúa nâng đỡ ủi an. Kẻ tội lỗi tìm được lẽ sống cho xứng với nhân phẩm con người. Người công chính tìm được niềm vui bình an đến nỗi như Si-mê-on đã từng thốt lên: "Xin để tôi tớ Chúa ra đi bình an, vì mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ".

Lạy Chúa, Chúa đã gieo cuộc đời như hạt lúa chịu mục nát để mang lại sự sống cho chúng con. Xin cho chúng con biết dùng cuộc sống mình với ơn Chúa để sinh hoa kết trái qua đời sống thánh thiện, bác ái và yêu thương. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền) 


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận