Thứ Bảy tuần 3 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 30/01/2016 03:39 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Bảy tuần 3 thường niên.

"Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

 

LỜI CHÚA: Mc 4, 35-41

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ". Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

 

 

Suy Niệm 1: Sóng gió cuộc đời

Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ, như được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, không phải chỉ có ý nghĩa địa lý: di chuyển từ nơi này sang nơi nọ, cũng như sóng gió nổi lên không chỉ mang ý nghĩa về khí tượng thuần tuý; nhưng các biến cố đó còn mang ý nghĩa thần học nữa. Chúa Giêsu và các môn đệ rời bỏ miền đất Israel để đi sang phía dân ngoại, điều đó mang ý nghĩa truyền giáo; sóng gió nổi lên tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ, của ma quỷ nổi lên chống lại Chúa và các môn đệ.

Tuy nhiên, như trình thuật Tin Mừng cho thấy, lúc đó Chúa Giêsu đang ở đàng lái, gối đầu mà ngủ. Giấc ngủ ấy khiến ta liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong cái chết đó, Chúa Giêsu dường như đã thất bại, trong khi đó các quyền lực sự dữ tưởng chừng như đã thành công, vì đã thủ tiêu được người mà họ coi như kẻ thù, như kẻ quấy rầy nền đạo đức tôn giáo của họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức dậy, nghĩa là Ngài đã phục sinh, và sự Phục Sinh của Ngài loan báo cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài trên mọi quyền lực của ma quỷ và sự dữ cũng như của bất cứ thế lực nào chống đối Giáo Hội.

Ðời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt trong những thử thách, phong ba của cuộc đời. Ðiều quan trọng là chúng ta biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên cơn sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an.

Ước gì chúng ta luôn có được xác tín của thánh Phaolô Tông đồ: Thiên Chúa không để chúng ta bị thử thách quá sức chịu đựng, Ngài sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi chúng ta kêu cầu đến Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Một thế giới thù địch và đầy biến động

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng đi theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. (Mc. 4, 35-37)

Tôi mượn lời một bài ca của John Littleton làm đầu đề cho bài suy niệm này, bởi vì hai phẩm tính trên đây giải thích khá rõ kinh nghiệm các môn đệ Chúa đã sống ở trên Biển Hồ, buổi chiều hôm đó.

Một thế giới thù địch

Câu chuyện Chúa dẹp yên sóng gió có thể được nhìn ở hai bình diện: biểu tượng và mô tả. Về mặt biểu tượng thì biển động là hình ảnh tượng trưng cho những thế lực chống đối Thiên Chúa. Đó là hình ảnh nói lên mối thù địch giữa dòng dõi những kẻ bất phục tùng Thiên Chúa và chính Thiên Chúa. Do đó trên bình diện này, việc Đức Kitô dùng quyền năng dẹp yên sóng gió là dấu chỉ không những Người làm chủ các mãnh lực thiên nhiên và vũ trụ, mà nhất là Người có quyền năng trừ quỷ, bá chủ các thế lực bất phục tùng và sức mạnh của tội lỗi.

Thế nên các Tông đồ cũng giống như các người Pharisiêu thường đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: Vậy người này là ai mà có quyền tha tội, chữa lành bệnh? Vậy người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?

Còn chúng ta, chúng ta có tin tưởng vào Đức Kitô này không? Người là Đấng Cứu chuộc có khả năng trấn áp và cứu chuộc chúng ta khỏi mọi thế lực địch thù, ta có tin tưởng vào Người không?

Một thế giới đầy biến động

Về mặt mô tả, câu chuyện này cũng tra vấn cuộc đời của ta. Cuộc hành trình vượt biển này mô tả khá rõ cuộc sống đời thường của ta.

Sau một ngày vất vả với đám đông, Chúa Giêsu cảm thấy mệt mỏi và muốn tìm được nghỉ ngơi yên tĩnh và thân tình: “Người ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”.

Chính lúc đó, một trận cuồng phong nổi lên, và sóng ập vào thuyền. Phải chăng là một trận cuồng phong quá lớn? Có lẽ không, vì Chúa Giêsu dầu sao vẫn ngủ được, nhưng cơn biển động này làm cho các người vượt biển phải bất an.

Mỗi ngày, ta xao xuyến lo âu vì thế giới biến đọng: những vụ đình công, những cảnh cướp đọat, những tai nạn, nếp sống cuồng lọan, những cuộc biểu tình… Chúng ta như đang ở trong thuyền, có Chúa Giêsu ở đó, nhưng Người đang ngủ.

Phải chăng chúng ta không nghe lời Chúa phán với Mác-ta khi cô quá lo lắng cho bữa ăn tối: “Mác-ta còn lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá!” Chỉ có một chuyện cần thiết, đó là Thầy đang ở đây… mặc dầu Thầy đang ngủ…

Gần Đức Giêsu, con người không có quyền sợ hãi, mất lòng tin tưởng.

 

Suy niệm 3: CÓ CHÚA SẼ BÌNH AN

 

Trong một trại tù nọ, người ta nhận thấy có một vị giám mục khoảng ngoài 60 tuổi. Họ thấy ngài rất bình an và vui tươi, mặc dù bản án dành cho ngài là bất công và hình khổ mà ngài phải chịu quả là đớn đau.

 

Khi được hỏi: “Thưa đức cha, tại sao đức cha bình an đến như vậy? Người ta bỏ vạ, vu khống đức cha mà đức cha vẫn vui tươi???” Đức cha trả lời rằng: “Thưa, tôi làm gì và ở đâu đều có Chúa. có Chúa là niềm vui và bình an. Hạnh phúc của đời người là khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa và được sống với Ngài. Tôi được sống với Ngài và trong Ngài, lẽ nào tôi không vui!”.

 

Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu và các môn đệ đang trèo thuyền sang bờ bên kia. Đang khi thuyền ra giữa biển thì bị trận cuồng phong ập tới, khiến thuyền của họ đầy nước và có nguy cơ chìm. Các môn đệ thi nhau tát nước và chèo trống… Đến khi họ không còn trụ nổi nữa, lúc đó, các ông đã gọi Đức Giêsu và trách móc Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Đức Giêsu liền thức dạy và ngăm đe gió, tức thì thuyền yên biển lặng. Mọi người ngỡ ngàng và thốt lên: “Ông này là ai mà gió và biển cũng phải tuân lệnh?”

 

Trong hành trình theo Chúa, có nhiều lúc chúng ta gặp phải những thử thách gian nan, những đêm tối đức tin, làm cho chúng ta hoang mang! Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng: trong con thuyền cuộc đời của mỗi người luôn có Chúa ở cùng, điều quan trọng là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không? Nếu chúng ta nhận ra Chúa có mặt thì hẳn tất cả những điều nghịch cảnh đến với ta, ta không hoang mang, hốt hoảng như các môn đệ của Ngài khi xưa, ngược lại, chúng ta khám phá ra giá trị và ý nghĩa của nó, lúc đó, chúng ta sẽ vui tươi và bình an ngay trong những thử thách của cuộc đời, vì có Chúa là có tất cả.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin vào Chúa. Xin cho chúng con biết Chúa quyền năng để chúng con nương tựa vào Chúa mọi nơi, mọi lúc trong cuộc đời chúng con. Amen.

 

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 

 SUY NIỆM 4

1. Cuồng phong và giấc ngủ

Chúng ta hãy đặt mình trong tình huống này : cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước; trong khi đó Đức Giê-su vẫn ngủ! Vì thế các môn đệ không chỉ hoàng hốt, nhưng còn đánh thức và trách cứ Người: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúng ta hãy hình dung ra sự tương phản gần như tuyệt đối :

- Một bên là gió rít sóng gào, một bên là Đức Giê-su, đang ngủ vô tư như em bé (vì chỉ có em bé mới có thể ngủ trong những tình huống như thế).

- Một bên là các môn đệ chạy tới chạy lui hốt hoảng la hét, mất hết lòng tin.
-  Một bên là tư thế nghỉ ngơi, an bình, hơi thở nhẹ nhàng, hoàn toàn phó thác của Đức Giê-su.

Hơn nữa trong bài Tin Mừng, thánh sử Mác-cô còn kể lại một chi tiết rất có ý nghĩa, đó là Đức Giê-su ngủ ở đàng lái!

Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. (Mc 4, 38)

Giữa sức mạnh của phong ba, bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành, nghĩa là bằng sự tín thác tuyệt nơi Thiên Chúa.

Biến cố này giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu; thực vậy, trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu cũng sẽ đối đầu và chiến thắng sức mạnh của sự dữ, của tội lỗi và của sự chết bằng sự hiền lành tuyệt đối.

2. Lòng tin

Vừa này, các môn đệ trách Đức Giêsu; còn bây giờ, sau khi ngăm đe gió và truyền cho biển yên lặng, Người trách các môn đệ (theo thánh sử Mát-thêu (Mt 8, 26), Người trách các môn đệ trước, để nêu bật lên sóng gió trong tâm hồn và sức mạnh dẹp yên của lòng tin):

Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (c. 40)

Qua lời trách này, Đức Giê-su muốn nói với các môn đệ rằng, các ông không được hoảng lên, kêu la và đánh thức Thầy như thế. Đáng lẽ các ông phải “ngồi yên”!

- Cứ để biển động như thế.

- Cứ để gió gào như thế.

- Cứ để sóng thét và vùi dập con thuyền như thế.

- Và cứ để Người ngủ như thế.

Bởi vì chính Người đã lên thuyền và các ông đi theo Người. Nhưng nếu các ông cứ để yên thì chuyện gì xẩy ra, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra chuyện gì sẽ xẩy ra, sẽ chết hết! Như các môn đệ đã hốt hoảng la lên: “chúng ta chết đến nơi rồi!”

- Biển sẽ động đến tận cùng khả năng hung hãn của nó.

- Gió sẽ gào đến hết hơi của nó.

- Sóng sẽ thi thố hết sức mạnh kinh hồn của nó.

- Và Đức Giêsu sẽ cứ ngủ bình yên; nhưng ở đây, Ngài sẽ không để mình bị vùi dập, vì chưa đến “giờ”, và đây không phải là cách Người sẽ chết.

3. Sức mạnh của Ngôi Lời

Chúng ta hãy cảm nếm sức mạnh của lời Chúa, vì đó là sức mạnh của Ngôi Lời sáng tạo :

Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. (c. 39)

Lời Chúa làm cho hư vô chuyển thành hiện hữu ; hỗn mang trở thành trật tự ; kêu gào trở nên yên lặng. Chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa lời trách của Đức Giê-su dành cho các môn đệ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lời trách vừa thẳng và nặng. Thẳng và nặng giống như Chúa nói với sóng gió. Tại sao vậy ? Bởi vì lòng chúng ta cũng có sóng gào gió thét, cũng có hỗn mang. Để dẹp yên, có lẽ còn khó hơn; vì thế, theo lời kể của thánh Mát-thêu, Người thực hiện điều này trước khi nói với sóng gió.

Các môn đệ vừa nãy sợ sóng gió, sợ chết ; bây giờ lại tiếp tục hoảng sợ trước căn tính thật sự của Đức Giê-su. Chúa dẹp yên sóng gió bên ngoài rồi ; nhưng sóng gió nội tâm dường như vẫn còn:

Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (c. 41)

Tương tự như khi các ông hoảng sợ và tưởng là ma khi thấy Đức Kitô phục sinh từ cõi chết. Căn tính của Đức Giê-su lộ ra bởi sức mạnh của lời sáng tạo : chế ngự khuất phục hỗn mang, sự chết. Như các môn đệ, chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết căn tính của Chúa, dù ngài đồng thuyền với ta. Vì như thánh Phao-lô nói : “Mọi được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài.”

* * *

Nơi Mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa sẽ “ngủ” ở giữa gió rít sóng gào : một bên là bạo lực tuyệt đối ; một bên là hiền lành tuyệt đối. Ngài sẽ để yên cho Biển động, sóng to gió lớn, dập vùi Ngài cho đến chết. Ngài muốn để mọi sự diễn ra như thế, để chúng ta tín thác tuyệt đối vào ngôi vị của Ngài, và cũng để kinh nghiệm quyền năng tuyệt đối của Ngài trên Sự Dữ và Sự Chết. Quyền năng chỉ bộc lộ mức độ tuyệt đối khi trực diện với thế lực đối lập đã thi thố hết sức mạnh của nó.

Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta gặp thử thách hay hiểm nguy, chúng ta kêu và Chúa “thức dậy” cứu chúng ta. Nhưng cũng có khi, chúng ta được mời gọi có kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm của mầu nhiệm Thương Khó, nghĩa là hoàn toàn phó thác, để cho Thiên Chúa dẫn chúng ta đi ngang qua bão tổ của thử thách, như Đức Giê-su. Thực ra, dù muốn dù không, đó sẽ là thời điểm của sự chết, tất yếu sẽ đến với mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi sống thực tại này như một hành trình Vượt Qua.

Xin Chúa ban cho chúng ta lòng tín thác của bé thơ, như Đức Giê-su, nơi vòng tay yêu thương và bao dung của Thiên Chúa Cha.

Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
(Tv 131, 2)

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

tức thì, sợ hãi

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận