Thứ Bảy tuần 2 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/01/2016 01:32 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Bảy tuần 2 thường niên.

"Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí".

 

LỜI CHÚA: Mc 3, 20-21

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được.

Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".

 

 

Suy Niệm 1: Vai trò của gia đình

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về tương quan với Chúa Giêsu và gia đình của Ngài, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về vai trò gia đình đối với con người.

Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem trọng những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công khai, Ngài vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai, bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xem trọng những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quý trọng gia đình; Ngài đề cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia đình, không nhà, không cửa.

Như vậy, đối với Chúa Giêsu, trên cõi đời này, gia đình cũng như mọi thứ định chế khác của loài người đều không phải là những giá trị tuyệt đối. Chỉ có một giá trị tuyệt đối, đó là con người, bởi có con người mới có một vận mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều hiện hữu vì con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trờ xuống thế". Như vậy, ngay cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể là để phục vụ con người, thì huống chi những định chế của xã hội loài người. Tất cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng như xã hội hiện hữu vì con người, chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.

Từ cái nhìn trên đây của Chúa Giêsu về gia đình, chúng ta có thể thấy được vai trò của gia đình và một cách cụ thể mục đích của việc giáo dục trong gia đình. Trong tuyển tập "Giới Luật Yêu Thương", Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:

"Các bậc cha mẹ muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu, nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?"

Mục đích đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: "Con người, đầu đội trời, chân đạp đất". Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.

Những suy tư của Ðức Cha Bùi Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài khi hai Ðấng gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem: "Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao?" Ðầu đội trời chính là lo việc Cha trên trời, là hướng về trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh cửu. Nên người thực sự là sống đúng ý nghĩa ba chữ "đầu đội trời", và đó phải là mục đích của giáo dục gia đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục đích ấy đều là phản giáo dục.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem đâu là những giá trị đích thực mà chúng ta đang theo đuổi và muốn truyền đạt cho người khác. Nguyện xin Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Người đã mất trí

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của người hay tin ấy, liền bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc. 3, 20-21)

Thân nhân của Chúa Giêsu đã không được chiều chuộng cho lắm. Buổi đầu khi Người xuất thân đi rao giảng, nhứng người thân của Chúa đã phải chịu nỗi phiền hà là có liên hệ bà con với một con người kỳ quặc, tự cao. Sau này khi Chúa Giêsu đã có tiếng tăm rồi và bà con muốn tới gặp Người thì lại bị rầy la, khi Người nói: “Ai là anh chị em tôi?”

Phần chúng ta, chúng ta có hạnh phúc vì được kể vào hàng bà con thân thích mới này- chúng ta sung sướng được gọi là anh là chị của Đức Kitô. Nhưng vấn đề Phúc âm hôm nay đặt ra cho ta là hãy tìm xem liệu ta có nét nào giống với đám bà con ấy là những người đã coi Chúa Giêsu như kẻ “phá rối” cần sớm cho vào “nhà nghỉ mát” không?

Tại sao có sự phiền hà này

Ta có thể hiểu thế nào về phản ứng của những thân nhân ấy? Phản ứng này một phần lớn là Do thái độ tự phụ của Chúa Giêsu dám coi mình là “Con Người”. Với danh xưng này, Người đòi buộc người ta phải nhìn nhận mình là một nhân vật của Truyền thống có quan hệ thân cận độc nhất vô nhị với Đức Giavê Vì thế, là thân nhân của một con người tự phụ, một anh “ngộ đạo”, thì chẳng có gì là vinh quang cả! Tốt hơn là nên coi Người như một người khùng thay vì đưa ra tòa hoặc bịt miệng Người lại.

Còn chúng ta có “giam tù” Người không?

Những thân nhân của Chúa Giêsu có lập trường rõ ràng. Còn ý định của chúng ta lại tế nhị hơn. Hãy coi xem.

Chúng ta không nói rằng Chúa Giêsu đã mất trí. Nhưng chúng ta để trong ngoặc đơn những đòi hỏi gắt gao nhất của Người.Ta có can đảm như thế nào khi làm chứng Người là Thiên Chúa? Ta làm chứng gì về sự Phục sinh của Người?

Chúng ta không muốn bắt Người để tống vào ngục, nhưng chúng ta gác ra một bên những yêu sách quyết liệt nhất của Người: “… Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo … rồi hãy đến theo Tôi!” - “Phúc thay ai xây dựng hòa bình! Phúc thay ai hiền lành!”

Bôi bác Tin mừng của Đức Kitô, làm méo mó chân dung Người, đòi Phúc âm phải hợp với lý luận, đó chính là một cách thế nào đó đã giam giữ Đức Kitô vậy.

Suy niệm 3: VÌ SỨ VỤ

Có một linh mục tại một đất nước phần thịnh, nhưng khi làm linh mục được 5 năm, ngài đã xin phép bề trên để về Việt Nam phục vụ những bệnh nhân sida, nghiệm ngập, những bạn trẻ cơ nhỡ và trẻ em mồ côi. Khi quyết định của ngài được thông báo cho gia đình, bà cố đã không chấp nhận và cho rằng con mình có vấn đề...!!!

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu tất bật lo lắng cho dân chúng, đến nỗi không có thời giờ để nghỉ ngơi và ăn uống. Những việc như: giảng dạy, chữa bệnh, xua trừ Ma Quỷ... Ngài làm mọi việc không xuể, nên đã gọi và chọn các môn đệ để hỗ trợ Ngài trong sứ vụ.

 

Tuy nhiên, sự nhiệt tình vì sứ vụ khi chăm lo cho người nghèo, bệnh tật, ốm đau thì lại là mối lo của bà con, họ hàng của Ngài khi họ nghe tin đổn thổi Ngài bị mất trí..., vì thế, họ đã đến để tìm cách ngăn cản Ngài.

 

Thật vậy, trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy xuất hiện đây đó những hình ảnh sống động của Đức Giêsu khi những anh chị em Kitô hữu luôn  sống chu toàn bổn phận và sẵn sàng đặt lợi ích của cộng đoàn, gia đình lên trên cá nhân của mình. Luôn đứng về phía người nghèo khổ để nâng đỡ và phụ giúp họ... Luôn coi sứ vụ là chính yếu, nhu cầu cá nhân là phụ thuộc...

 

Nhưng lẽ ra, theo lối suy nghĩ của người đời thì họ phải được tán dương, chúc tụng mới xứng! Tuy nhiên, điều đó có lẽ có nhưng họa hiếm, ngược lại, có khi chỉ là những lời dè môi bữu mỏ cho rằng: họ bị điên, bị khùng thì mới làm những chuyện như thế!

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt sứ vụ lên trên hết mọi chuyện. Nếu có phải khinh thường, chỉ trích, thì chúng ta cũng biết vui chịu để danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến. Chỉ khi nào chúng ta trở nên giống Chúa, thì hình ảnh, khuôn mặt của Ngài mới được lộ hiện nơi chúng ta.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết. Luôn biết trung thành với sứ vụ được trao. Và xin cho chúng con biết đón nhận tất cả, miễn sao anh chị em chúng con được hạnh phúc và Chúa được loan báo. Amen.
 

SUY NIỆM 4

1. Người ta kéo đến

Sau khi Đức Giê-su “lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3, 14-15), Người trở về nhà và có ba nhóm người kéo đến:

Trước hết là đám đông: “Đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được” (c. 20)

- Sau đó, có thân nhân của Người: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (c. 21)

- Ngoài ra, còn có các kinh sư: “Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (c. 22; bài Tin Mừng của thứ hai, sau Chúa Nhật III Thường Niên)

Với những gì bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô của Thánh Lễ hôm nay kể lại, chúng ta được mời gọi chú ý đến nhiều nhóm người khác nhau kéo đến với Người, cũng như chiêm ngắm cung cách, lời nói và việc làm của Đức Giê-su dành cho họ.

2. Phục vụ cho sự sống

Đám đông kéo đến với Đức Giê-su, vì nghe biết những gì Người đã làm: Người đã chữa lành người bại tay trong hội đường vào ngày sa-bát (Mc 3, 1-6); sau đó, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân khác (c. 10); Người trừ quỉ và thiết lập Nhóm Mười Hai, để “các ông ở với Người và để sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỉ” (c. 11 và c. 14-15).

Đám đông kéo đến, khi Người trở về nhà. Mặc dù thánh sử Mác-cô không kể ra những gì Đức Giê-su làm cho họ, nhưng chúng ta có thể đoán ra rằng: Người tiếp tục chữa lành các bệnh nhân và giải thoát những người bị quỉ ám. Chính vì thế mà Người và các môn đệ không có giờ để ăn uống và bị người thân và các kinh sư phản ứng.

Để hiểu phản ứng của họ, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Đức Giê-su phục vụ cho sự sống của con người, và Người phục vụ ở cả hai chiều kích của sự sống: chiều kích thể lý (chữa lành bệnh tật) và chiều kích tương quan (giải thoát con người khỏi sự thống trị của ma quỉ). Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử. Nhưng sự sống của con người còn bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ; và tình trạng này mới là bi đát, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật. 
Tuy nhiên, nghe nói hay chứng kiến những gì Đức Giê-su thực hiện như thế, người ta không có cùng một cái nhìn.

3. “Người đã mất trí”!

Thực vậy, Đức Giê-su phục vụ cho sự sống của con người bằng hành động chữa bệnh và trừ quỉ. Nhưng tại sao người thân của Người lại cho rằng Người mất trí và muốn bắt Người về?

Đó là vì Người không trở nên điều mà họ mong chờ: trở nên luật sĩ hay kinh sư thay vì ngôn sứ loan báo Lời Thiên Chúa; vì Người không đi con đường họ muốn: dành và nắm quyền bính thay vì phục vụ, như sau này chính ông Phê-rô, đứng đầu Nhóm Mười Hai, cũng sẽ không chấp nhận con đường phục vụ đến cùng của Người (x. Mc 8, 32); hay đơn giản là vì Người đã không ưu tiên phục vụ cho họ (x. Lc 4, 23). Vì thế họ muốn “bắt Người” để gây áp lực, thậm chí làm chủ, sử dụng và buộc người làm theo ý họ.

Nhưng “người thân của Người” là ai? Hiển nhiên là anh chị em họ hàng hay làng xóm của Người (x. Mc 3, 31). Nhưng, chúng ta có thể hiểu theo nghĩa rộng, là loài người chúng ta và từng người chúng ta, như thánh sử Gioan nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Loài người và chúng ta hôm nay nữa ở mức độ nào đó, cũng không hiểu biết, yêu mến và đón nhận Người.

Vì thế, những gì xẩy ra ở đây, tại quê hương và trong “nhà của Người” đã loan báo tầm mức phổ quát của mầu nhiệm Thập Giá rồi: Thập Giá dưới mắt loài người là “điên rồ và sỉ nhục”, nhưng với những ai được tuyển chọn, đó lại là “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1, 22-14), bởi vì đó là lúc Người bày tỏ “chân dung rạng ngời” của Thiên Chúa Cha, qua việc phục vụ cho sự sống của loài người chúng ta đến cùng và triệt để nhất; đó là mang lại cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, không chỉ ở đời sau, nhưng ngay hôm nay, khi giải thoát sự sống của chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì liên quan đến Sự Dữ. Bởi lẽ, chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là “Lời Thập Giá” (1Cr 1, 18) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.

* * *

Tuy nhiên, Đức Giê-su còn có một “Người Thân” khác nữa, đó là Đức Maria, Mẹ của Người. Mẹ của Người cũng sẽ đi tìm Người (x. Mc 3, 31-35; là bài Tin Mừng của thứ ba tuần tới, sau Chúa Nhật III Thường Niên), nhưng không phải để bắt Người, nhưng để đi theo Người cách khiêm tốn như người môn đệ, và nhất là để trở thành người thân đích thật của Người, qua việc chăm chú lắng nghe và sống Lời Thiên Chúa, để trở thành Người Mẹ trong Gia Đình Mới của Người.

Xin cho chúng ta lắng nghe, yêu mến, đón nhận và đi theo Đức Giê-su đến cùng, đến tận chân Thập Giá, như Đức Maria, Mẹ của Người và cũng là Mẹ của chúng ta.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận