Thứ Hai tuần 4 thường niên.

Đăng lúc: Thứ hai - 01/02/2016 04:09 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Hai tuần 4 thường niên.

"Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này".

 

LỜI CHÚA: Mc 5, 1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.

Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

 

 

SUY NIỆM 1: Số phận của Chúa Giêsu

Người Do thái thời Chúa Giêsu có một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một đạo binh ma quỷ ra khỏi người bị quỷ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.

Thế nhưng, sự thành công của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỷ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỷ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.

Suy nghĩ về số phận của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng. Không thể đi theo Chúa Giêsu mà lại sống theo triết lý: người ta sao, tôi vậy. Làm chứng cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến. Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.

Nguyện xin Chúa ban thêm can đảm và sức mạnh, để chúng ta kiên trì trong mọi khổ đau vì Danh Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Chúa Giêsu chế ngự ma quỷ

Đức Giêsu và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. (Mc. 5, 1-3)

Trình thuật về phép lạ Chúa chữa người bị quỷ ám và đàn heo biến mất đặt ra những vấn đề khó xử và có nhiều điều khác thường tưởng chừng như mê tín dị đoan.

Hình như đây là những sự kiện biệt lập được ghép lại với nhau. Chúa Giêsu lúc đó đang ở vùng Ghêrasa nằm ở phía đông Biển Hồ Ghen-nê-xa-rét là vùng đất dân ngoại, nơi nuôi heo là thú vật ô uế đối với người Do thái. Khi Chúa chữa cho một người bị quỷ ám ở đây thì có một sự cố xảy ra trong một trại nuôi heo lớn. Có lẽ là hai sự kiện này xảy ra vào cùng kỳ, nên được tác giả lợi dụng ghép lại với nhau để sự kiện này giải thích cho sự kiện kia và rút ra một bài học luân lý. Đó cũng là một lối kết cấu câu chuyện có tính cách bình dân vậy.

Nhưng sự ghép nối này trở nên có ý nghĩa. Thánh sử Maccô dùng nó để minh họa cho điều ngài muốn chứng minh: Chúa Giêsu tỏ bày quyền năng của Người đối với thần ô uế ở vùng đất thuộc dân ngoại. Sức mạnh của Người là sức mạnh vô địch. Chẳng những Người trừ thần ô uế, mà còn tiêu diệt chúng để giải thoát con người khỏi tình trạng tha hóa thiêng liêng và tâm tình sợ hãi.

Một quyền năng vô địch

Để chứng tỏ Chúa Giêsu có một sức mạnh vô song, trước tiên Maccô nhấn mạnh đến tính cách trầm trọng của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sự ác càng trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Nếu “bị gông cùm và bị xiềng xích”, nhưng người bị quỷ ám ấy “đã bẻ gẫy xiềng xích và đập tan gông cùm”, thì phải nói gì về quyền lực của Đấng đã bắt qủy phải xưng tên mình ra – điều đó theo ý kiến các vị trừ tà thời ấy - là dấu chứng tỏ một sự chế ngự hoàn toàn.

Một xứ sở được thanh tẩy

Còn về chuyện bầy heo cả chừng hai ngàn con nhảy xô xuống biển và chết ngộp dưới đó, thì đó là dấu chỉ rằng một người được ơn giải thoát có ảnh hưởng tới người xung quanh. Vì đối với người Do thái, heo là con vật biểu tượng của sự ô uế. Sự chết chìm bi thảm của cả bầy heo cũng ngụ ý sự chấm dứt quyền lực của sự ác vốn ngự trị trên miền đất này và càng làm sáng tỏ ảnh hưởng phấn khởi của ơn giải thoát do Chúa Kitô mang lại vậy.

 

SUY NIỆM 3: SỨ VỤ CỦA ĐẤNG THIÊN SAI

 

Có những cái nhìn và lối suy nghĩ đã đi vào truyền kiếp. Nếu cái nhìn tích cực thì lối suy nghĩ cũng tích cực, nếu không thì ngược lại!

 

Người Dothái thời Đức Giêsu cũng vậy! Họ đã nhìn ai với cái nhìn khinh bỉ thì muôn đời, con người đó không có điểm nào tốt được!

 

Thật vậy, vào thời Đức Giêsu, dưới con mắt của người Dothái, dân ngoại là dân đáng bị miệt thị, là dân luôn sống trong tội lỗi và dưới ách thống trị của Ma Quỷ.

 

Tuy nhiên, khi Đức Giêsu đến, Ngài không còn phân biệt lằn ranh giữa Dothái hay dân ngoại, nhưng sứ vụ của Ngài là đem ơn cứu độ đến với muôn dân.

 

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu đến vùng Ghêrasa và làm phép lạ xua đuổi Ma Quỷ ra khỏi người bị quỷ ám.

 

Qua phép lạ này, dưới con mắt người đời, thì đây là một sự thành công, vì người bị Quỷ ám có một sức mạnh phi thường, không ai đụng tới hắn được, bởi lẽ anh ta bị cả một cơ binh Quỷ nhập vào. Một cơ binh chính là tên gọi của một đạo quân Lamã thời ấy và có khoảng 6.826 người lính. Như vậy, số Quỷ nhập vào người này cũng đông vô số kể như vậy. Khi Ma Quỷ nhập vào người thanh niên này, anh ta mạnh khỏe phi thường.

 

Phép lạ này cho thấy, Đức Giêsu có quyền năng trên Ma Quỷ, Ngài đến để giải thoát con người khỏi bị ràng buộc bởi sự dữ. Đem lại cho họ cuộc sống tự do.

 

Nhưng cái giá mà Ngài phải chịu, chính là sự loại trừ của những Luật Sĩ và Pharisêu.

 

Suy nghĩ về sứ vụ và thân phận ngôn sứ của Đức Giêsu, một lần nữa chúng ta ý thức hơn về sứ mạng và số phận của mỗi người chúng ta trên hành trình sống đạo và loan báo Tin Mừng. Số phận của Thầy cũng là của trò. Muốn trở nên môn đệ đích thực của Thầy Giêsu, hẳn chúng ta phải lội ngược dòng. Đi ngược quy luật tự nhiên để hiểu được giá trị của những nghịch cảnh khi chúng ta bị người đời phản đối, khước từ, cho dù những việc làm của chúng ta là những hy sinh vô vị lợi!

 

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của Chúa đã không ngừng thi ân giáng phúc, nhưng Chúa đã không được người đời coi trọng, mà luôn bị khinh khi! Xin Chúa cho chúng con hiểu được sự thật này để chỉ tìm vinh danh Chúa và mong sao cho Nước Chúa được hiển trị muôn nơi, còn chuyện khen chê, xin cho chúng con không coi trọng nó mà ảnh hưởng đến sứ vụ được trao. Amen.
 

Suy niệm 4

A- Phân tích (Hạt giống...)

Các bài trích Phúc Âm từ Thứ Bảy tuần trước đến Thứ Ba tuần này lần lượt kể các phép lạ của Chúa Giêsu, mỗi phép lạ mặc khải một khía cạnh của mầu nhiệm Chúa Giêsu.

Phép lạ này mặc khải uy quyền Chúa Giêsu chiến thắng uy quyền ma quỷ.

- Người bị quỷ ám trong chuyện này là sào huyệt của tất cả quyền lực ma quỷ được tổng động viên. Hắn tự xưng “Tên tôi là cơ binh” (c.9).

* Ảnh hưởng của việc bị quỷ khống chế:

a/ Mất tương giao hài hòa với đồng loại: “Người đó vẫn ở trong các mồ mả” (c.3)
b/ Mất tự do đích thực: “gông cùm xiềng xích lại” (c.4)
c/ Tự hại mình: “lấy đá rạch mình mẩy” (c.5)
d/ Mất nhân phẩm: “kêu la” (c.5), không ăn mặc đàng hoàng, muốn “nhập vào đàn heo” (c.12).

* Kết quả khi được Chúa giải thoát:

a/ Nhân phẩm được trả lại: “ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo.” (c.15)
b/ Gắn bó với Chúa: “xin theo Người” (c.18)
c/ Hội nhập lại trong tương giao đồng loại: “hãy về nhà với thân quyến” (c.19).
d/ Thành sứ giả của Phúc Âm: “Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta” (c.20).

Thế nhưng dân làng xin Chúa Giêsu rời khỏi vùng đất của họ: vì tiếc của (đã bị chết chừng 2000 con heo), họ từ chối Đấng Messia!

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Phản ứng của người bị quỷ khống chế là không muốn được giải thoát khỏi sự khống chế đó: Người bị quỷ ám này nói với Chúa Giêsu “Ông với tôi có liên hệ gì đâu... tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi” (Mc 5,7). Chúa phải hành động mạnh “Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này” (Mc 5,8) - Khi ma quỷ khống chế ta, nó cũng xúi ta trốn tránh Chúa và không muốn được giải thoát. Xin cho con đừng mù quáng muốn ở lì mãi trong tội và trốn tránh những người thiện chí Chúa gởi đến cứu giúp con...

2. Chúa Giêsu phân biệt rất rõ: Ngài cương quyết tiêu diệt thế lực của ma quỷ, nhưng vẫn yêu thương và muốn giải thoát những kẻ bị ma quỷ khống chế.

3. Trong Thánh Kinh, heo là hình ảnh của ô uế và của thế lực gian tà. Làng Ghêrasa này đầy heo nhưng lại tiếc rẻ khi đàn heo ấy chết đuối. Họ lại còn xin Chúa Giêsu rời khỏi làng họ. Khi ta bám vào của cải vật chất thì ma quỷ cũng theo đó mà bám víu ta.

4. Có lần Napoleon cầm tấm bản đồ thế giới, chỉ vào nước Anh, tức tối nhận xét:“Nếu không có cái chấm đỏ này thì Ta đã là bá chủ thế giới.

Ma quỉ cũng chỉ vào thánh giá Đức Kitô nói: “Nếu không có chấm đỏ này thì ta đã bá chủ thế giới." (Góp nhặt)

5. Một thanh niên say rượu, đi ngang qua đám đông đang nghe giảng. Anh muốn tỏ ra “ta đây” và làm cho nhà giảng thuyết mất mặt chơi. “Chào, này ông ơi, về nhà đi thôi, đừng giảng nữa, ma quỉ chết hết rồi!” Vị giảng thuyết lạnh lùng nhìn anh nói:“Ma quỉ chết rồi à? Vậy là từ nay anh mồ côi rồi!” Chàng ta xấu hổ lủi mất, trong khi đám đông được trận cười khoái chí. (Góp nhặt)

6. Chúa Giêsu bảo kẻ trước kia đã bị quỷ ám rằng “Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con.”(Mc 5,19)

Sau khi được chữa lành, người trước kia đã bị quỷ ám nài xin Chúa cho được ở với Người. Nhưng Người đã không đồng ý và bảo anh trở về nhà loan truyền và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa những người thân yêu của mình.

Chúa Giêsu đã làm ơn cho anh nhưng không muốn giữ anh lại với Người để kẻ chịu ơn phải suốt đời đền ơn đáp nghĩa. Người chỉ muốn ơn ban chảy tràn đến mọi người, qua trung gian của những kẻ đã một lần được yêu thương và chữa lành.

Con đường dẫn ta đến với Chúa chẳng bao giờ là đường cùng hay ngõ cụt nhưng luôn dẫn ta đến với mọi người, trước hết là những người thân cận, rồi đến những người đáng thương hay đang cần được yêu thương và giúp đỡ.

Chúa ơi! Đường của con là Chúa. Tình yêu của con là Chúa. Và quê hương của con cũng là Chúa. (Epphata)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa là tấm bánh được bẻ ra cho con người. Chúa nuôi dưỡng hồn xác chúng con bằng sức sống thần linh của Chúa. Xin Mình máu Thánh Chúa bồi dưỡng tâm hồn và thân xác chúng con. Xin cho mỗi lần chúng con đón rước Chúa là một lần chúng con được đổi mới trong ân sủng và tình thương của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, quỷ ám luôn là nỗi sợ của con người. Người bị quỷ ám dễ bị ma quỷ lấy đi nhân tính, nhân phẩm của chính mình. Xin Chúa canh chừng và bảo vệ hồn xác chúng con khỏi mối hiểm nguy của ba thù. Xin cho lòng trí chúng con luôn hướng về Chúa để tâm hồn chúng con luôn thanh sạch khỏi bợn nhơ tội lỗi.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho những lần chúng con để tâm hồn mình cho ma quỷ chiếm giữ. Chúng con còn nuôi dưỡng trong lòng những ước muốn tầm thường, những tư tưởng lỗi đức trong sạch, những việc làm bất chính. Trong lòng chúng con còn chất chứa những ích kỷ, kiêu căng, những đam mê tội lỗi. Xin Chúa là Ðấng mà ai được đụng chạm đến cũng được thanh tẩy, được đổi mới. Xin Mình Thánh Chúa đổi mới chúng con trong ân sủng của Chúa, để linh hồn chúng con nên trong trắng vẹn tuyền. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận