Suy niệm ba ngày Tết

Đăng lúc: Chủ nhật - 07/02/2016 19:34 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
SUY NIỆM BA NGÀY TẾT
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
 
Mồng Một Tết
Xuân Đã Về
“Xuân về”, hai chữ gợi lên trong ta biết bao niềm vui và hạnh phúc. Niềm vui của những kỷ niệm tuổi thơ được nhận những đồng tiền lì xi. Niềm vui của hiện tại vì được chào đón một mùa xuân mới. Thế nên, khi nghe nhạc xuân ai cũng dạt dào niềm vui, dường như tâm hồn cũng lâng lâng lạ thường hòa theo tiếng hát rộn ràng.
Xuân đã về, Xuân đã về,
Kià bao ánh Xuân về tràn lan mênh mông.
Trên cánh đồng, chim hót mừng đang thướt tha từng đàn tung bay vui say
Xuân đã về, Xuân đã về,
Ngàn hoa hé môi cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, Xuân đã về,
Ta hát vang lên câu ca mừng chào Xuân
Ngày xuân ai cũng vui. Già trẻ lớn bé đều vui mừng chào đón xuân sang. Các thanh niên thiếu nữ thì rộn ràng chân bước với những nụ cười xinh như hoa. Các trẻ nhỏ thì ríu rít gọi nhau nhận tiền lì xì của ông bà cha mẹ. Tất cả làm nên một bức tranh xuân thật rộn ràng vui tươi.
Ngoài trời bao la, xinh tươi,
Bao cô gái đẹp cười trong xinh như hoa, lập loè bao aó xanh xanh,
chen bông tím vàng, đẹp hơn Tiên Nga.
Ngoài bầy em bé ríu rít, khúc khích tiếng cuời rủ nhau vui ca.
Ngày xuân dường như ai cũng tạm gác lại mọi bộn bề của cuộc sống để vui xuân. Bác nông dân ngừng cày ruộng vui say xuân. Bao cô gái quê cũng dạt dạo niềm vui đón gió mới chứ không phải cặm cụi cấy trồng lúa mạ nơi ruộng sâu.
Xuân đã về, trên cánh đồng
Bao bác nông ngừng cày ruộng vui say xuân
Xuân đã về, Xuân đã về,
Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới,
Xuân đã về, Xuân đã về,
Ta hát vang chào mừng Xuân sang, Xuân sang
Quả thực, ngày xuân luôn mang lại cho chúng ta một niềm vui dạt dào. Ngày xuân ai cũng mong được sum vầy bên những người thân để đón chào một mùa xuân mới. Cùng nâng ly rượu mừng chúc nhau hưởng trọn vẹn niềm vui trong ngày xuân mới. Cùng chúc nhau vạn sự như ý, chúc nhau luôn an khang thịnh vượng. Cuộc sống luôn chạy theo công việc, luôn bận rộn với tiền tài, danh vọng khiến chúng ta chẳng có giờ gần gũi người thân, thì ngày xuân ta có dịp đến  bên nhau để gắn kết tình bằng hữu, để tỏ lòng tri ân với ông bà cha mẹ, để cùng nhau hòa lên câu hát mừng xuân.
Ngày xuân chúng ta cũng không quên hướng về Đấng đã cho ta mùa xuân. Ngài là Đấng Tạo Thành. Ngài là Đấng Càn khôn đã cho con tạo xoay vần theo cung nhịp Xuân- Hạ - Thu - Đông. Ngài là Đấng tạo nên mùa xuân nên Ngài cũng tạo nên những thay đổi cho cuộc sống quanh ta thêm đẹp xinh hơn.
Xin tri ân Đấng Tạo Thành đã cho ta mùa xuân. Xin Chúa là Chúa mùa xuân chúc lành cho ngày xuân của chúng ta luôn tươi vui rộn ràng. Xin cho những ngày họp mặt mừng xuân nơi các gia đình luôn ngập tràn niềm vui. Xin Chúa là Chúa Mùa Xuân cũng chúc lành cho cuộc đời chúng ta mãi mãi là mùa xuân luôn bình an và thành công mọi sự trong năm Bính Thân.
Ngày đầu xuân chúng ta cũng dâng lên Chúa là Chúa mùa xuân ban cho chúng ta bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông muôn vàn hồng ân Chúa. Xin dâng lên Chúa bao công việc dự tính trong một năm được mọi sự như ý. Bởi vì « nếu Chúa không phù trì thì thợ nề vất vả cũng bằng uổng công». Hoặc cha ông ta cũng nói : « Dã tràng se cát biển đông ...Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì? ». Xin Chúa là Đấng đã làm cho con tạo xoay vần xin cũng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta một năm bình an.
Cuối cùng xin gửi đến quý vị lời cầu chúc với 2 câu đối xuân với ước mong mọi người, mọi nhà mừng vui chào đón xuân sang :
Năm Thánh Lòng Thương Xót, Ân tình Chúa, tuôn trào đến muôn người
Xuân gieo hạnh phúc, tràn muôn lối, Xuân mãi vẫn là xuân
 
 
Mồng Hai Tết
 
Tri Ân Ông bà cha mẹ
 
Đạo truyền thống Việt Nam được coi là đạo hiếu. Cốt tuỷ của Đạo hiếu là Đức Hiếu thảo được thể hiện qua hai điều: Tôn kính cha mẹ lúc còn sống và thờ kính cha mẹ, ông bà khi các ngài qua đời.
Nhiều bài ca dao, tục ngữ, nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ và răn dạy con cái cần sống đáp đền công ơn ấy :
 
“Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa”.
 
Bởi đó khi cha mẹ về già, con cái phụng dưỡng cha mẹ với của ngon vật lạ, sáng viếng tối thăm:
 
“Muốn cho gần mẹ gần cha
Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền.”
 
Suốt dọc dài lịch sử, cha ông đã để lại rất nhiều mẫu gương sáng ngời về đạo hiếu. Lòng hiếu thuận ấy sâu đậm đến nỗi khóc thương mẹ mà mù cả đôi mắt như chuyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.
 
Chuyện kể rằng:
 
Lục Vân Tiên đang trên đường đi thi, nghe tin mẹ mất, quá thương xót mẹ, chàng khóc lóc thảm thiết. Chàng đã bỏ thi -  bỏ dở cả con đường công danh sự nghiệp sáng lạn đang ở phía trước, quay về quê để chịu tang mẹ. Trên đường về khóc thương mẹ đến thành bệnh mà mù mắt. Mắt đã mù nhưng nỗi sầu vẫn chưa nguôi ngoai:
 
  Ôi thôi ! Con mắt đã mang lấy sầu
Mịt mù nào thấy gì đâu.
 
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã nêu bật chữ Hiếu nơi Lục Vân Tiên để rồi răn bảo người đời :
 
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
 
Vào những ngày đầu Năm Mới, Giáo hội Việt Nam dành trọn ngày Mồng Hai Tết để con cái dâng thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên . Đây là dịp để con cái tri ân công ơn trời bể của cha mẹ. Cuộc đời chúng ta được dệt nên từ những giọt mồ hôi lao công vất vả của ông bà cha mẹ. Các ngài đã hy sinh một nắng hai sương cho cuộc đời ta tươi vui, hạnh phúc. Công ơn của các ngài thật lớn lao, lớn lao đến nỗi ca dao cũng từng nói:
 
 “Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”
 
Lời ca dao thật đơn sơ, mộc mạc nhưng biểu lộ một giá trị bất hủ của Đạo hiếu trong lòng người Việt Nam. Điểm nổi bật của lòng hiếu nghĩa là lòng biết ơn và sống báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hiếu nghĩa khi còn ở với cha mẹ thì vâng lời kính yêu các ngài. Hiếu nghĩa khi ở xa thì luôn biết thăm hỏi, dành đồng quà tấm bánh cho các ngài. Hiếu nghĩa cả khi các ngài qua đời thì cầu kinh dâng lễ.
 
Hôm nay trong ngày mừng xuân là dịp con cái quây quần bên cha mẹ ông bà để tỏ lòng tri ân. Thật hạnh phúc trong ngày xuân chúng ta được cha mẹ ông bà chúc lành cho ngày xuân của chúng ta. Thật hân hoan khi ngày xuân được sum họp bên nhau trong tình nghĩa ruột thịt. Đúng như thánh vịnh nói:
 
“Anh em sum họp một nhà
Bao là tốt đẹp, bao là tốt tươi”.
 
Xin Chúa là Chúa của mùa xuân, là cùng đích của mọi vạn vật chúc lành cho ngày sum họp của các gia đình luôn nồng nàn mến thương. Xin cho chúng ta luôn biết trân trọng mái ấm gia đình, vì chẳng ở đâu có người yêu thương, lo lắng cho ta bằng những người thân trong gia đình. Hãy trân trọng gia đình bằng việc sống có trách nhiệm với bổn phận của mình. Đừng vì thói lười biếng, trốn tránh trách nhiệm của mình mà mang lại những nỗi đau cho người thân. Xin đừng bao giờ vui xuân mà bán hết gia tài, gây nên đau khổ cho gia đình chỉ vì đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái . . .
 
Xin cho ngày xuân luôn thắt chặt tình ruột thịt để cùng nhau xây dựng gia đình trong yêu thương nồng ấm và mỗi ngày an khang thịnh vượng hơn. Amen
 
 
Mồng 3 Tết
Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm
Mưu sự tại nhân - Thành sự tại Thiên
Có một bạn trẻ đi tìm việc làm, được phỏng vấn :
– Khi mới ra trường bạn nghĩ gì?
-Làm giàu không khó!!
-Vậy hôm nay bạn nghĩ gì?.
-Hồi đó lỡ mồm
Quả thực làm giầu không khó, nhưng đâu phải ai cũng làm giầu được. Có người rất vất vả mà chẳng đủ ăn. Có người vừa làm vừa chơi mà vẫn dư thừa. Có người học hàm học vị mà vẫn sống thiếu thốn. Có người chẳng bằng cấp mà vẫn làm ông này bà kia . . .
Xem ra làm giầu không khó. Cái khó là Ông Trời có chúc phúc hay không. Nếu ông Trời không chúc phúc thì mọi sự cũng tựa như “Dã tràng xe cát biển đông - Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”.
Người Việt Nam từ xưa vẫn tin vào vận Trời. Họ luôn cầu khẩn ông Trời. Ông Trời trở thành một thần linh luôn đồng hành với con người qua mọi thăng trầm. Tuy không rõ Ông Trời thế nào  nhưng không ai lại không kính Trời. Ai cũng sợ Trời và cố gắng làm vui lòng Trời. Vì ông trời làm chủ vận mệnh muôn loài. Ông Trời quyền phép vô cùng. Thế nên:
Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên.
Trời cho ai nấy hưởng
Sống nhờ ơn Trời – Chết về chầu Trời.
Khi làm ăn mùa màng không được như ý thì người ta cầu trời:
“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp”
Làn mưa từ Trời sẽ mang lại niềm vui cho công việc, cho cuộc sống con người:
“Nhờ Trời mưa thuận gió hoà
Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau
Người Việt cũng luôn tin vào Trời rất công bình, hoạ phúc công minh; Ông Trời như một ông chủ luôn thưởng phạt công minh:
“Trời nào có phụ ai đâu
Hay làm thì giầu, có chí thì nên”
Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa quyền năng, Ngài điều khiển mọi loài. Ngài là Đấng cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Ngài là Đấng ban lại cho chúng ta sự thành công trong công việc mà thánh vương Đa-vít đã từng nói: “Nếu Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.
Lịch sử nhân loại đã từng chứng minh có biết bao công trình mà không có bàn tay Thiên Chúa, hay cố tình loại trừ Thiên Chúa sẽ khó hoàn thành, đôi khi còn bị huỷ diệt.
Đó chính là sự kiện xây tháp Babel. Con người đã từng không chấp nhận thua Thiên Chúa. Họ muốn chống lại Thiên Chúa nên hợp lực với nhau để xây tháp tới Trời. Thế nhưng, lực bất tòng tâm. Công trình của họ đã bị dang dở. Họ chia rẽ nhau ngay khi công việc còn dở dang.
Gần đây nhất là sự kiện con tàu Titalic. Con tàu của sự kiêu hãnh của con người có thể chống lại phong ba bão tố. Người ta tưởng rằng với sự văn minh của nhân loại, người ta không cần ơn Trời vẫn có thể đi biển bình yên. Thế nhưng, con tàu đó đã bị chìm xuống đại dương cùng với sự ngạo nghễ của con người khi đâm vào một tảng đá ngầm mà không ai học được “chữ ngờ”.
Thế nên, việc cầu Trời, khấn Trời dù ở khung trời văn minh hay chốn hồng hoang vẫn là cần thiết. Con người luôn bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên. Con người như cảm thấy mình quả nhở bé so với vạn vật được tạo thành. Sự khiêm tốn đòi hỏi con người phải cần đến Đấng Tạo Thành, cầu xin Đấng Tạo, Khấn vái Đấng Tạo Thành. Sự khiêm tốn để nhìn nhận những gì mình có không phải do tài năng của mình, không phải do mưu trí của mình mà có mà là do ân ban của Thiên Chúa.
Tất cả là hồng ân. Thiên Chúa luôn tưới gội hồng ân của Ngài xuống trên con người. Thiên Chúa luôn làm biết bao việc kỳ diệu cho con người. Con người chỉ là loài thụ tạo được thừa hưởng muôn ơn lộc Chúa ban mà thôi.
Hôm nay, ngày xin ơn thánh hoá công ăn việc làm. Chúng ta dâng lên Chúa những ưu tư hoài bão của chúng ta lên Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho một năm “mưa thuận gió hòa”, mùa màng trĩu hạt. Xin Chúa là Đấng quyền năng chúc lành cho công việc của chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen

SUY NIỆM  TẾT NGUYÊN ĐÁN 2016
Jos. Vinc. Ngọc Biển
***
XIN CHÚA TƯƠI NÉT MẶT NHÌN ĐẾN CHÚNG TA
LỄ GIAO THỪA – TẾT NGUYÊN ĐÁN 2016
(Ds 6, 22-27; 1 Tx 5, 16-26. 28Mt 5, 1-10)
Trong một năm, giờ phút này có lẽ là giờ phút thiêng liêng nhất! Bởi vì đây là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời mà cha ông ta vẫn gọi với cụm từ rất thân thương: “Tống cựu - nghinh tân”.
Trong giờ phút này, nhiều nơi có những phong tục, truyền thống, lễ hội diễn ra nhằm tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới.
Họ cũng thường cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong khoẳng khắc này. Nào là: cầu chúc cho ông bà khỏe mạnh; cho anh chị hạnh phúc; cho con cháu ngoan hiền, cho công việc thuận lợi, cho hoa màu tốt tươi...
Sự mong ước đó được nhiều người thể hiện qua mâm ngũ quả như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung hay qua những cành lộc tươi tốt, xum xuê hái được trong giờ khắc linh thiêng của đêm giao thừa.
Tuy nhiên, với người Công Giáo, niềm tin dạy cho chúng ta rằng: trong khi vui mừng đón mùa xuân đát trời, xuân tự nhiên, thì chúng ta còn có một niềm vui khác, đó là niềm vui tinh thần, niềm vui Tin Mừng, bởi vì qua mùa xuân hữu hạn, chúng ta được mời gọi hướng về Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
Vì thế, trong giờ phút này, cộng đoàn chúng ta quy tụ quây quần bên nhau trong Thánh Đường, để nguyện xin Chúa chúc phúc, đồng thời cũng để bày tỏ niềm tin yêu và phó thác nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, vì chính người là Niềm Vui và là Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
1.      Con người là trọng tâm của lời chúc phúc
Tác giả Thánh Vịnh đã diễn tả sự chúc phúc và niềm phó thác ấy qua lời cầu nguyện: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất xuống cho bạn muôn vàn phúc cả từ Núi Thánh Sion” (Tv 134, 3). Trong sách Dân Số, tác giả cũng dẫn đưa con người về lời cầu nguyện hướng Thiên như vậy: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6, 24-26).
Khi cất lên lời cầu nguyện với Thiên Chúa như thế, tác giả muốn đặt Thiên Chúa vào trọng tâm của đời sống con người, bởi vì chính Người cũng đã coi con người là trọng tâm của công trình tạo dựng. Điều này đã được sách Dân Số chứng minh: “Chúc như thế là đặt con cái Itraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6, 24-27).
Còn niềm vui, hạnh phúc nào hơn cho bằng khi con người được Thiên Chúa rủ thương chúc phúc. Người chăm sóc chúng ta như gà mẹ ấp ủ đàn con, như người cha yêu thương con cái, như người bạn đỡ nâng đồng hành, như người chồng ấp ủ thương yêu! (x. TSNTLTX, số 6 ).
Đứng trước hồng ân lớn lao đó, tác giả Thánh Vịnh một lần nữa không khỏi ngỡ ngàng thốt lên: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121, 1), Nhưng ngay lập tức, tác giả đã xác định không chút do dự: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121, 2).
Gợi lại một vài điểm như thế để thấy được rằng: Thiên Chúa là Đấng một dạ xót thương, Ngài luôn nhẫn nại và tha thứ tội lỗi, chữa lành bệnh tật, bao bọc chúng ta bằng ân sủng và tình thương (x. Tv 103, 3-4; 146, 7-9  ); Vì thế, thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Và rồi thánh nhân cũng nhắc nhở: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí [...] Hãy cân nhắc mọi sự: điều gìtốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5, 19-22).
2.      Mùa xuân đích thực là chính Chúa
Năm cũ đã qua, năm mới đang đến, có lẽ mọi người trong nhà thờ này đều mong muốn năm mới được mọi sự tốt đẹp...! Tuy nhiên, với những người có niềm tin nơi Chúa, chúng ta phải hướng lời cầu nguyện nơi mình vào trọng tâm ơn cứu chuộc, đó là: mong sao cho mình được đi trong đường lối của Thiên Chúa, được lòng thương xót của Người ấp ủ, bảo vệ, xin Người thương cứu giúp ta khỏi lỡ chân trật bước, giữ gìn ta khỏi mọi điều bất hạnh, ban cho sinh mệnh được an toàn (x. Tv 121, 3-8). Xin cho mình luôn được sự bình an của Chúa.
Như thế, hạnh phúc là điều con người luôn mong mỏi đợi trông. Nhưng như những gì đã chia sẻ, thì niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực của chúng ta khác hẳn với những người không có niềm tin. Vì thế, thật ý nghĩa khi trong đêm giao thừa này, chúng ta được nghe bài Tin Mừng nói về Tám Mối Phúc Thật. Tuy nhiên, Tám Mối Phúc này chỉ có những ai tin tưởng và khao khát đi tìm Mùa Xuân Vĩnh Cửu thì mới cảm thấy thuận tai và vui mừng, còn những ai không có niềm tin thì đây chính là tám mối họa, vì nó ngược đời, nghịch nhĩ!
Thật vậy, muốn được hạnh phúc đích thực, chúng ta phải sống khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng, hiền lành, nhân hậu như Thiên Chúa, sầu khổ vì những tội lỗi đã phạm, khát khao những điều công chính, thương xót mọi người, sống trong sạch, xây dựng hòa bình và sẵn sàng làm chứng cho Chúa dù có phải đầu rơi máu đổ.
Tất cả những mối phúc đó, chúng ta cần phải có đức tin để không thấy cái ngược đời mà là thuận đời, không nghịch nhĩ mà thuận tai...
Mong sao, tết đến, xuân về, mỗi người chúng ta hãy đổi mới tinh thần và thể xác, hãy mặc lấy Mùa Xuân Vĩnh Cửu là chính Đức Kitô, để Ngài là niềm vui đích thực của chúng ta.
“Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh chị em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em! Và Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng trong suốt Năm Mới này”.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con xin cảm tạ Chúa đã yêu thương gìn giữ chúng con trong suốt năm qua, giờ đây. Chúng con xin dâng năm mới này lên cho Chúa, để xin Người ban bình an, niềm vui và hạnh phúc cho chúng con.
Xin cho mỗi người chúng con dù ăn, dù nói, làm việc hay nghỉ ngơi, luôn hướng về Mùa Xuân Vĩnh Cửu trên Thiên Quốc. Amen.
 
CHÚA LÀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU
MỒNG MỘT TẾT BÍNH THÂN 2016
(St 1,14-18; Pl 4,4-8; Mt 6,25-34)
Trong bầu không khí hân hoan của cả dân tộc đón mừng năm mới, chúng ta quy tụ nhau nơi ngôi nhà thờ thân thương này, để cùng nhau ca tụng Thiên Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu thì thật là ý nghĩa và hợp lý biết chừng nào!
Khi niềm vui của chúng ta được quyện vào tình thương của Chúa, thì niềm vui của mỗi người được trở nên trọn vẹn. Điều này đã được thánh Phaolô nhắc các tín hữu của Ngài: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4).
Không vui sao được, vì đối với người Công Giáo, niềm vui không chỉ dừng lại ở mùa xuân tự nhiên, mùa xuân của đất trời, hay mùa xuân của lòng người, mà niềm vui ấy còn được dâng cao để hòa quyện vào niềm vui Ơn Thánh, niềm vui của Màu Xuân Vĩnh Cửu.
1.         Niềm vui khi mùa xuân tự nhiên đến 
Một quy luật tuần hoàn, sau 365 ngày, đất trời lại có mùa xuân mới. Cứ thế, nó đã đi vào quy luật tự nhiên. Quả thật:“Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận. Xuân đến, xuân đi, xuân lại về”. Có mùa xuân, bởi vì trái đất vần xoay, nên hết xuân sang hạ, hết hạ sang thu, hết thu sang đông và hết đông lại sang xuân.
Đây là quy luật của Tạo Hóa, Đấng đã cho tứ thời bát tiết chuyển xoay... khi mùa xuân đến, mọi người, mọi nhà, đều được hưởng niềm vui!
Vì thế, trên khuôn mặt mỗi người đều nở những nụ cười tươi vui, hạnh phúc, vì ai ai cũng được tận hưởng mùa xuân. Niềm vui ấy không thể giữ lại cho riêng mình, vì thế, chúng ta thường trao tặng cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp. Mong cho mọi người phúc ấm bền lâu, khang an thịnh đạt, phúc, lộc, thọ...
Thật là ý nghĩa khi mỗi người đều mong cho mình và cho tha nhân được: “Tân niên thánh đức bao ân phúc, xuân nhật an hòa mãi phú vinh”.
Tại sao có được niềm vui dạt dào nơi mọi người như vậy, thưa, bởi vì tự đáy lòng, con người cũng nở rộ mùa xuân. 
2.         Mùa Xuân của lòng người
Nếu xuân tự nhiên nơi đất trời là do quy luật tuần hoàn, thì xuân của lòng người hoàn toàn khác, bởi nó không tự đến rồi lại tự đi, mà phải do dày công vun đắp màu xuân mới có.
Vì thế, mùa xuân nơi lòng người, mỗi người cảm nghiệm mỗi khác, không ai giống ai. Có người thì vui, có kẻ lại buồn. Có người hạnh phúc, có người bất an. Có người được quây quần, có người chia ly. Có người được đoàn tụ, có kẻ bị cô đơn. Có người ấm lòng, có người lạnh tanh...
Như vậy, mùa xuân năm nay, có lẽ phải đặt ra cho mỗi người chúng ta một câu hỏi mà có nhiều người xem ra thật vớ vẩn, ngẩn ngơ, đó là: tết năm nay, xuân năm nay, bạn buồn hay vui???
Nhưng nghĩ suy một chút thì phải chăng câu hỏi đó không đến nỗi hẩm hiu, nhưng nó gợi lại cho chúng ta về niềm vui, hạnh phúc có hay không trong năm mới, trong mùa xuân này!
Thật ra thì năm hết, tết đến, có người vui vì thu được nhiều tiền, buôn may bán đắt, gia đình xum họp, thêm con dâu, có con dể, đầy đủ ấm êm...
Nhưng cũng có biết bao nhiêu cảnh đời éo le! Năm mới mà nhà nghèo hơn ngày thường! Không có tiền, không có tình yêu! Cha mẹ ly tán, con cái bơ vơ...!
Hay nhìn rộng ra, mùa xuân là mùa của niềm vui, của hy vọng, nhưng niềm vui đâu chẳng thấy, hy vọng có lẽ là thứ xa xỉ phẩm khi thấy quá nhiều bất công, áp bức, bóc lột, đâm chém, xì ke ma túy; đạo đức giáo dục xuống cấp, học sinh như người vô học, con cái lếu láo với cha mẹ, cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, bạn bè phản bội nhau...
Khi suy nghĩ như thế, chúng ta thấy, niềm vui của lòng người bị giới hạn vào tâm trạng nội tâm, vì thế cảm xúc hoàn toàn khác nhau!
Tuy nhiên, với người Công Giáo, chúng ta gặp nhau ở một điểm, đó là mùa xuân tự nhiên, kết hợp với lòng người và vươn tới Mùa Xuân Ơn Thánh.
3.         Màu Xuân Ơn Thánh
Nếu mùa xuân tự nhiên cứ đều đặn tuần hoàn nối tiếp: “Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận”, hay mùa xuân của lòng người phụ thuộc vào thành quả hay tâm trạng chủ quan, thì Mùa Xuân Ơn Thánh là một mùa xuân bất diệt, toàn diện và được trao tặng cho hết mọi người...
Tuy nhiên, Mùa Xuân Ơn Thánh này lại phụ thuộc vào mỗi người, nếu đón nhận thì được dồi dào, phong phú, nhưng không đón nhận thì trơ trụi, cằn khô.
Một trong những nguyên nhân khiến con người không có Mùa Xuân Ơn Thánh, đó là: tâm hồn tràn ngập tội lỗi, ích kỷ, kiêu ngạo, bất công... Những người như thế, họ luôn mang trong tâm hồn mình một trạng thái bất an, tù túng, và không chừng, linh hồn sẽ bị chết chóc, sầu thương ảm đạm!
Chỉ khi nào con người biết khôn ngoan quay trở về với Chúa, rộng tay làm phúc cho kẻ túng nghèo và lo sống một cuộc đời thánh thiện, thì sẽ được Thiên Chúa ân chúc phúc. Lúc đó, con người mới hưởng được Mùa Xuân Ơn Thánh, nói cách khác, lúc đó Mùa Xuân Vĩnh Cửu mới hiện về trong tâm hồn của con người.
Nói cách cụ thể hơn, nếu muốn cho mùa xuân trở về trong trái tim chúng ta, thì chúng ta phải thực sự trở nên giống trẻ thơ để đón nhận tình thương của Thiên Chúa, vì Mùa Xuân Ơn Thánh chỉ đến với tâm hồn đơn sơ trong trắng mà thôi.
Khi có tâm hồn đơn sơ trong trắng, chúng ta phó thác đường đời cho Chúa, và phần còn lại, đó là chúng ta đi trong đường lối của Ngài để được dồi dào ân lộc: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”. Vì Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ?”.
Hôm nay, ngày đầu năm mới, mỗi người chúng ta hãy cầu chúc cho nhau một năm mới không chỉ dừng lại ở niềm vui của mùa xuân đất trời, cũng không hệ tại lòng người, nhưng chúng ta luôn hướng lòng về Mùa Xuân Ơn Thánh – Vĩnh Cửu.
Ước mong Mùa Xuân Ơn Thánh – Màu Xuân Vĩnh Cửu luôn ngự trị trong tâm hồn của chúng ta, để mỗi người chan chứa ân sủng và bình an trong năm mới này.
Kính chúc cộng đoàn một năm mới luôn luôn dạt dào ơn thánh, để: 
“Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc. Tết về cây đức trổ thêm hoa”. Amen.
 
 KHÔNG CÓ HIẾU LÀ VẤT ĐI!
MỒNG HAI TẾT NGUYÊN ĐÁN 2016
(Hc 44,1.10-15; Ep 6, 1-4.18.23; Mt 15, 1-6)
Tôn kính tổ tiên và hiếu nghĩa với ông bà cha mẹ là truyền thống và gia sản tốt đẹp của cha ông ta từ bao đời nay.
Đây là nghĩa cử cao quý mà bất cứ ai, đã sinh ra làm người thì khi đến tuổi khôn đều phải được dạy cho biết gia sản quý báu của dân tộc, đồng thời mỗi người phải coi đây là bổn phận, nghĩa vụ trong lòng mến chứ không chỉ đơn thuần là tình cảm tự nhiên.
Ngược lại, nếu ai sống một cuộc đời bất hiếu, thì có thể kể hạng người đó vào số những người vô giáo dục, hay không phải là con người đúng nghĩa!
Hôm nay, Giáo Hội dành riêng ngày mồng hai tết cổ truyền của dân tộc để mời gọi con cái mình hướng về cội nguồn để cầu nguyện cho các bậc sinh thành, và noi gương sáng của các ngài để lại, hầu có thể làm sáng danh Thiên Chúa, rạng rỡ gia phong và vẻ vang dân tộc... đây chính là: “Của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Cl 3,20).
1.      Đạo hiếu ngày xưa 
Ngày xưa, cha ông ta rất coi trọng chữ hiếu. Chữ hiếu được đưa lên hàng đầu vì: ”Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. 
Vì thế, khi đánh giá một người nào, các cụ ta thường hay xem họ có hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, sống có tình nghĩa với anh chị em trong gia đình và làng xóm không?
Còn khi chọn ai đó làm quan, nhà vua thường dựa trên quy luật: “Tướng – Hàm –Hiếu”. Tức là phải có tướng mạo, học hành giỏi giang và có hiếu với bậc sinh thành. Tuy nhiên, hiếu nghĩa quyết định người đó đậu hay không.
Khi người xưa coi trọng chữ hiếu như vậy, các bậc tiền bối của chúng ta coi chữ hiếu là căn cốt, là bản lề, là cột trụ trong việc hình thành nhân cách cũng như nền tảng xây dựng xã hội và nghề nghiệp.
Theo truyền thống Nho giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất, bởi lẽ: “Người ta có cha có mẹ, không ai ở chỗ nẻ chui lên”, nên: “Người ta có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn”.
Vì thế, người thời xưa, sáng ngày mồng một, con cháu quy tụ về nhà tổ để làm lễ gia tiên với người đã khuất, sau đó đến phần bày tỏ hiếu nghĩa với người còn sống.
2.      Đạo hiếu ngày nay
Trên đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta khi nói và sống chữ hiếu. Còn ngày nay thì sao?
Nếu ngày xưa, nhà nhà, người người coi lễ giáo gia phong, tôn ty trật tự, hiếu nghĩa thảo hiền là điều quan trọng không thể thiếu trong các mối tương quan, thì ngày nay, có khi: “Mò kim đáy biển”.
Vì thế, trong những ngày giáp tết vừa qua, trên các trang mạng xã hội có đăng tải những tấm hình gây nhiều chú ý, bức xúc kèm theo những lời kết án gắt gao, đó là: hình ảnh một bà cụ già trạc 90 tuổi, bị nhốt dưới bếp và khóa trái cửa, cụ đẩy cửa và nhìn hé ra ngoài, bên dưới là lời nói: “Con ơi, mở cửa cho mẹ, mẹ không lên phòng khách đâu!!!”. Rồi hình ảnh khác, một bà cụ ngồi vệ đường với bát cơm trộn. Cụ vừa ăn vừa khóc! Bên dưới có lời bình: “Cuộc đời vất vả nuôi con, cầu mong con lớn, nhờ con về già! Vậy mà khi tuổi xế tà, sức lực cạn kiệt thân già ốm đau. Con cái thì lại ganh nhau, chăm được ba bữa càu nhàu rên la. Mẹ già cay đắng lệ xa, bát cơm chan lệ như là chan canh”. Ôi đọc mà đau nhói con tim, tê tái tâm hồn!
Rồi nhìn chung quanh, có khi không chừng, ngay cả trong nhà thờ này, vẫn còn đó những đứa con bất hiếu, vô giáo dục khi đối xử với thậm tệ với cha mẹ!
Vì thế, vẫn thấy đây đó nhiều bậc cha mẹ phải bỏ nhà ra đi hay bị đuổi ra khỏi nhà vì cảnh con dâu quá láo, con trai phụ bạc, các cháu hỗn hào... Ôi thật đau xót biết chừng nào!!!
Những hạng người bất hiếu trên, có lẽ họ quên mất một quy luật tất yếu, đó là: “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”.
Có một câu chuyện kể rằng: một hôm, anh con trai mua một cái sọt, rồi nhốt cha già trong đó và mang vào rừng bỏ đói cho chết. Thấy vậy, con trai anh tuy còn nhỏ, nhưng đã ý thức và đau xót nên nói với cha mình rằng: “Ba đem ông vào rừng rồi sau đó mang sọt về cho con nhé”. Người cha liền hỏi: “Mang về làm gì?” Người con đáp: “Để sau này có cái mà nhốt cha!”. Đây quả là quy luật tất yếu dành cho kẻ bất hiếu.
3.      Đạo hiếu trong truyền thống Công Giáo
Đối với người Công Giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn là đòi hỏi, là lệnh truyền, là giới răn của chính Thiên Chúa.
Trong thập giới, Thiên Chúa dành ra giới răn thứ tư để truyền phải giữ, đó là: “Thảo kính cha mẹ”. Giới răn này chỉ đứng sau những giới răn tôn thờ Thiên Chúa. Như vậy, ngoài bổn phận với Thiên Chúa, người Công Giáo phải trung thành tuân giữ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên.
Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha thứ lỗi lầm, vì: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Thánh Phaolô thêm“Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3); vì: “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20) và sẽ được Thiên Chúa sẽ nhận lời người hiếu nghĩa cầu xin (x. Hc 3,8).
Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo“Ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).
4.      Thi hành việc hiếu nghĩa
Như những gì đã chia sẻ ở trên, chúng ta thấy chữ hiếu đối với người Công Giáo thật là quan trọng, nó kéo theo việc được chúc lành hay chúc dữ tùy vào thái độ của chúng ta.
Thiết nghĩ, ngay trong giây phút này, mỗi người hãy làm mới lại tinh thần hiếu nghĩa đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện, kết hợp với những hy sinh để cầu cho linh hồn các bậc tổ tiên đã ra đi, đồng thời cầu nguyện cho những bậc còn sống được bình an. Hãy nhớ nằm lòng câu ca dao sau: “Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Người ta có gốc từ đâu! Có cha có mẹ rồi sau có mình”.
Thứ đến, hãy vui vẻ lễ phép, chăm lo cơm cháo, đồng quà tấm bánh, nhất là lo thuốc thang khi các ngài ốm đau bênh tật. Sống yêu thương, kính trọng như lời Kinh Thánh dạy: “Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.  Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi con” (Hc 3,12-14).
Cuối cùng, nếu ai đã hỗn sược, lếu láo với bậc sinh thành, ngay lập tức, sau thánh lễ này, hãy xin lỗi các ngài và quyết tâm sửa sai. Nên nhớ rằng, đây là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình hay không.
Ước gì, trong dịp tết năm nay, nhất là trong ngày cầu cho tổ tiên, cũng như hằng ngày trong đời sống, mỗi người chúng ta phải thực sự là tấm gương cho con cháu về lòng hiếu nghĩa với các bậc tổ tiên, để như một quy luật tất yếu, con cái sẽ noi gương và báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của chúng ta hôm nay và ngày mai. Amen.
 
 
THỨ TƯ LỄ TRO
GIỮ CHAY THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA
(Mt 6,1-6.16-18)
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa tập luyện thiêng liêng bằng việc xức tro và ăn chay để khởi đầu Mùa Chay Thánh. Mùa Chay được bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Sáu Tuần Thánh. Mùa Chay kéo dài năm tuần lễ để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh là đỉnh cao của niềm tin Kitô Giáo.
Tuy nhiên, ý nghĩa của việc xức tro và ăn chay nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở hành vi bên ngoài, mà không có tâm tình bên trong.
Nhân ngày thứ tư Lễ Tro, chúng ta hãy làm mới lại tinh thần về ngày lễ này.
1.     Xức Tro
Việc xức tro lên đầu nhắc chúng ta về thân phận hữu hạn, tro bụi của kiếp người. Vì thế, Tổ Phụ Abraham đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27).
Thật vậy, con người được hiện hữu trên trần gian này là do tình thương của Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, tình thương ấy đã bị con người lạm dụng và hướng chiều về tội lỗi thay vì biết ơn! Mỗi khi xức tro, Giáo Hội nhắc chúng ta: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14) để được Thiên Chúa tha thứ.
Những ý nghĩa này được khởi đi từ những câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước, điển hình như: tiên tri Giêrêmia kêu gọi sám hối: “Thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi” (Gr 6, 26).  Không chỉ dừng lại ở lời khuyên, tiên tri Đanien xin Chúa cứu dân Itrael, và nêu gương cho họ khi nói và hành động: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Đến thời Giona, Đức Chúa truyền cho ông loan báo về tai ương mà Người sẽ giáng xuống trên dân, nếu dân không ăn năn sám hối. Ông đã loan báo công khai, mãnh liệt, ráo riết,  nên: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6).
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của việc xức tro. Tuy nhiên, Ngài hối thúc và cảnh báo sự trai lỳ cứng cỏi của dân khi nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21 - 22; x. Lc 10, 13).
Như vậy, hành động xức tro lên đầu ngoài việc công khai nhận mình là người có tội và tỏ lòng sám hối chân thành, để xin ơn thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn thể hiện sự quyết tâm trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn để xứng đáng là con Chúa.
Một trong những điều thể hiện sự trở về, đó là việc chay tịnh. Tuy nhiên, giữ chay thế nào mới đúng với tinh thần mà Chúa mong muốn?
2.     Ăn Chay
Ăn chay khởi đi từ tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người (x. Ds 29,7; Cv 13,2),  (x. Tl 20,26; Gđt 8,6). Ăn chay còn có ý nghĩa nữa là thể hiện lòng đạo đức để được Thiên Chúa nhận lời (x. 2Sm 12,16-22; Er 8,21; để đền tội, xin Thiên Chúa tha thứ (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2); hỗ trợ việc trừ Quỉ... (x. Mt 17,21).
Ăn chay còn nói lên tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7), thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được hưởng sự sống đời đời. Không bám vúi vào của cải, sức riêng cách thái quá, vì: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4, 4).
Thật vậy, nếu không ăn chay với những mục đích đã kể trên thì sẽ trở thành công dã tràng! Điều này đã được thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).
3.    Cách giữ chay của người Công Giáo hiện nay
Ngày nay, tinh thần ăn chay của người Công Giáo xem ra đã bị lạm dụng, hay hướng chiều về những hành vi tiêu cực.
Có những người ăn chay, bố thí... chỉ vì mục đích được khen là đạo đức, họ ủ rột, thê lương, cốt để làm sao cho mọi người biết mình là người nghiêm chỉnh giữ chay. Lại có những người ăn chay chỉ vì vụ luật hay sợ Chúa phạt! Vì thế, nếu trong ngày, lỡ cách nào đó mà phạm luật, họ hoang mang đến bất an chỉ vì chót ăn vặt, không đúng giờ, đúng bữa... Cũng có những người tính toán đến độ ngày mai ăn chay, hôm nay ăn uống cho đã để ngày mai đỡ thèm, hoặc ăn trực nằm chờ cho qua thời gian luật định, tức là qua 24h, sau đó nhậu nhẹt hả hê. Họ làm như thế và an tâm vì đã giữ trọn ngày chay theo đúng luật. Vì thế, không lạ gì khi có những người mỉa mai cách thức ăn chay của chúng ta rằng: “thứ ba béo”; “thứ năm sung sướng”. Đáng buồn hơn nữa là: có nhiều gia đình ngày chay kiêng thịt thì lại đi mua những thứ cao lương mỹ vị như: hải sản, tôm hùm hay những thứ khác đắt tiền hơn thịt nhiều... mà không hề nghĩ rằng: tiền bớt chắt được trong ngày chay là để chia sẻ bác ái, đóng góp cho công cuộc truyền giáo và các nhu cầu khác của Giáo Hội!
Tinh thần ăn chay như thế, hẳn chúng ta thua xa nơi anh chị em các tôn giáo khác về việc giữ chay! Mặt khác, điều chúng ta dè bửu người Pharisêu hình thức khi xưa, khi họ lo giữ cho sạch chén bát bên ngoài, còn trong lòng toàn sự hận thù, ghen ghét, ích kỷ, kiêu ngạo (x. Mc 7,1-8a.14-15.21-23), thì nay, chúng ta lại đi vào chính vết xe đổ của họ. Như vậy, chúng ta chỉ là cỗ máy không hồn, hay giống chiếc thùng kêu to, nhưng thực chất nó rỗng, và đôi khi chúng ta trở thành“danh hài” hay “con hề” trên sân khấu.
Thái độ khiển trách nặng nề những người Pharisêu của Đức Giêsu: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6), không chừng cũng chính là lời trách móc nặng nề cho những ai hôm nay giữ chay hình thức, hời hợt.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: "Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo " (Ge 2, 12-18); “Hãy làm hoà cùng Thiên Chúa ... vì bây giờ là cơ hội thuận tiện" (x2 Cr 5, 20 - 6, 2).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống tinh thần của ngày lễ hôm nay đó là:“Xé tâm hồn chứ đừng xé áo". Amen.
 
“MƯU SỰ TẠI NHÂN, THÀNH SỰ TẠI THIÊN”
 
MỒNG BA TẾT NHÂM THÌN
(St 2,4b-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30)
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Ấy là câu nói cửa miệng của những ai tin vào Thiên Chúa, Đấng là chủ tể mọi loài.
Với thánh Phaolô, ngài xác tin mạnh mẽ và quy hướng mọi sự về Thiên Chúa. Ngài khẳng định: “Phaolô trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6).
 
Hôm nay, ngày mồng ba tết, cộng đoàn quy tụ nơi đây, để cùng nhau xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm cho chúng ta trong suốt năm mới.
Tuy nhiên, đây còn là dịp để chúng ta bày tỏ thái độ tích cực về lao động cũng như tìm hiểu về ý nghĩa, giá trị của lao động trong nhiệm cục cứu chuộc của Thiên Chúa.
1.      Trở về nguồn để hiểu giá trị của lao động
Ngay từ thủa ban đầu của xã hội loài người, chúng ta thấy Tổ tông Ađam và Eva đã được Thiên Chúa trao ban vườn Địa Đàng để:  “Canh tác và giữ vườn” (St 2,15). Mặc dù nơi đây là một nơi đầy đủ và hạnh phúc dồi dào! Tuy nhiên, con người không được ở yên, mà vẫn phải giữ vườn và canh tác...
Sang thời Đức Giêsu,  chính Ngài đã nói với dân chúng rằng: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).  
Ngài không chỉ nói, mà chính Ngài đã kinh qua trong suốt thời gian sống ẩn dật 30 năm trường trong gia đình Nazareth. Ngài đã cùng thánh Giuse lao động để kiếm tiền lo cho gia đình... Điều này đã được chính những người đồng hương với Ngài chứng minh: “Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria sao?”(Mc 6,3).
Với thánh Phaolô, ngài coi lao động là một việc làm có giá trị, nên một đàng thánh nhân loan báo Tin Mừng, đàng khác, ngài không ngừng lao động chân tay để tránh sự phiền hà cho tín hữu. Khi lời nói đi đôi với hành động, thánh nhân đã cất lên lời khuyên bảo: “Ai không làm việc thì đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói trong anh em có những người sống vô kỷ luật, ăn không ngồi rồi, lại dây mình vào đủ chuyện. Đối với những người ấy, chúng tôi kêu mời và khuyến khích họ trong Chúa Kitô, hãy bình tâm làm việc và hãy tự tìm cách sinh nhai” (2 Tx 3,10b-13).
Như vậy, lao động là một việc làm chân chính, đáng tôn trọng. Hơn nữa, lao động còn là điều kiện cần để làm người đúng nghĩa. Nếu không lao động, con người không thể thăng tiến!
Bởi vì, lao động là vinh quang và khi lao động sẽ làm cho chúng ta trở nên giống Thiên Chúa hơn. Lao động còn cộng tác với chính Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, bởi vì, nhờ lao động, con người không ngừng làm cho thế giới này ngày càng đổi mới, thăng hoa và tốt đẹp. Khi lao động, chúng ta làm cho bức tranh nhân loại đã được Thiên Chúa tác tạo trở nên sống động và khởi sắc từng ngày.
Nói như thế không có nghĩa là Thiên Chúa không thể làm cho hoàn thiện? Không! Ngài là Thiên Chúa quyền năng, nên Ngài làm được mọi sự. Tuy  nhiên, Ngài muốn cho con người cộng tác để sinh ích lợi cho chính chúng ta.
Hơn nữa, khi lao động, con người có cơ hội làm cho tinh thần minh mẫn, trí óc hoạt động, và nhờ đó mà có thể có những phát minh hữu ích để phục vụ Giáo Hội và xã hội...
Thi hào Voltaire nói: Lao động xua đuổi xa ta 3 mối họa lớn lao ‘Buồn nản, thói hư và cùng túng’”. Sách Nho cũng nói: “Nhàn cư vi bất thiện”, và sách Tây thêm: “Sự ở nhưng là mẹ sinh ra các nết xấu”.
Với thánh Gioan Kim Khẩu thì: mỗi khi con người lao động, họ được tôn trọng hơn. Ngài ví von: “Con ong được quí trọng, vì nó làm việc không những riêng cho nó và cho cả mọi người nữa”.
 
Vì thế, chúng ta cần phải loại trừ quan niệm lệch lạc về lao động, coi lao động là bần tiện, khổ sai, nô lệ. Đây là cái nhìn nguy hại không chỉ cho đời sống thể xác, mà nó còn nguy hiểm cho đời sống tinh thần.
2.      Ý nghĩa của ngày lễ thánh hóa việc làm
Ngày mồng ba tết được chọn để cầu nguyện xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình hãy biết dâng cho Chúa và phó thác nơi Ngài tất cả. Tâm tình này đã được cha ông ta đúc kết thành câu đồng dao vừa để sống, vừa để răn dạy con cháu: 
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp”.
 
Chính niềm tin ấy, đã khiến cho tổ tiên ta luôn cậy dựa bám víu và biết ơn Ông Trời:
Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu”.
Khi được mưa thuận gió hòa, và con người biết sống kết hợp với Ông Trời thì:
Trời nào có phụ ai đâu!
Hay làm thì giầu, có chí thì nên”.
Tuy nhiên, vẫn có những người tưởng chừng như mọi sự là do mình, nên đã có thái độ kênh kiệu và ngạo mạn với Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, những người đó không sớm thì muộn, họ sẽ gặp những thất bại thê lương và sẽ chết trong sự ngu dốt của mình.  
Vì thế, ngày mồng ba tết, chúng ta xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm là điều hợp lẽ vì: Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công.  Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm” (Tv 127,1).
3.      Thế nào là lao động trong công trình cứu chuộc?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn “các nén bạc” để cho thấy rõ giá trị của lao động. Vì thế, với Lời Chúa vừa nghe, ta hiểu rằng:
Con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và phải có trách nhiệm trước mặt Người.
Vì yêu thương, nên Thiên Chúa ký thác cho ta những nén bạc, và đòi hỏi chúng ta phải sinh lời thêm. Vì thế, không được phung phí cũng như ích kỷ chôn vùi đi. Nhưng phải làm cho nó sinh lợi theo thánh ý Thiên Chúa.
Như vậy, điều quan trọng giờ đây, đó là chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Lao động cách nào cho đẹp lòng Chúa và hữu ích cho linh hồn?
Câu trả lời, đó là: lao động bằng trí óc và bàn tay chân chính, lao động bằng mồ hôi, khó nhọc của chính mình...
Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận những chuyện làm ăn bất chính như: gian tham, hối lộ, bóc lột; buôn gian bán lận, lừa đảo; cờ bạc, số đề, cá độ; thiết lập những khu ăn trơi trác táng để làm giàu trên thân xác phụ nữ chốn lầu xanh...
Những thứ đó không phải là công khó của chính mình, mà là của người khác. Thế nên, không có ý nghĩa và giá trị cứu chuộc, vì không được Thiên Chúa chúc lành. Ngược lại, nén bạc Chúa trao cho chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải sinh lời ra, đó là: từ bi, nhân hậu, công bằng, bác ái; liên đới, cảm thông, sống công chính...
Mong sao, mỗi khi xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, chúng ta biết ý thức sự giới hạn của mình và biết cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời, chúng ta cũng biết lựa chọn cách lao động chân chính, để qua đó, tâm hồn chúng ta được hướng thiện và đáng được hưởng ơn cứu chuộc. Amen.

Tết Cho Mọi Người - 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 
Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa với nền văn minh lúa nước vốn có những ngày Tết truyền thống, những ngày lễ hội dân gian đầy ý vị và vui tươi. Từ Tết cơm mới cuối vụ mùa cho đến lễ mở rừng đi săn. Đến như lễ tết ra giêng để vào hè thì có Tết Thượng Nguyên, Tết Hàn Thực, Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt để tiễn mùa đông người Việt đã ăn Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó còn có nhiều tết khác như Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) của Phật Giáo, Tết Trung Thu (dành cho thiếu nhi), Tết Trùng Dương, Tết Ông Táo... Tất cả đều có sự tính toán dựa theo sự chuyển đổi của thời tiết trong năm và căn cứ vào nông lịch phương Đông.
Chữ "Tết" ngày nay đã được một số quốc gia sử dụng như là một "Lễ" hết sức độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng chữ "Tết" bắt nguồn từ "Lễ Tiết" bên Trung Quốc. Tết do Tiết đọc chệch đi. Từ chữ Tết người ta còn ghép theo từ Nhứt nữa nghe thật thú vị, như 'Tết Nhứt' là do đọc chệch đi từ hai âm Hán Việt "Tiết Nhựt", có nghĩa là ngày Tết. Còn Nguyên Đán, theo chữ Nôm: Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai, Nguyên Đán là sớm mai đầu năm. Nguyên Đán còn gọi là "Chính Đán" tức là "Chính Nguyệt Chi Đán" (buổi sớm mai tháng giêng), ngoài ra còn sử dụng từ tam chiêu, là ba cái sớm mai (sớm mai đầu năm, sớm mai đầu mùa, sớm mai đầu tháng).
Tự xưa nay, là người Việt Nam, dẫu ở bất cứ nơi đâu vẫn xem trọng ngày Tết Nguyên Đán. Một năm làm lụng vất vả mưu toan cho cuộc sống; một năm xa gia đình bôn ba mọi nơi, ba ngày Tết Nhứt vui vẻ, đoàn tụ, mọi chuyện buồn phiền lo toan đời thường tạm gác sang một bên để mọi người cùng hưởng niềm vui đón xuân về, tết đến.
Người Việt Nam vui hưởng Tết và luôn nhớ về Tổ tiên ông bà cha mẹ, nhưng không quên nghĩ đến người nghèo, thương đến những người đã khuất núi.
 
1.     Tết cho người trần
 
"Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết", câu nói ấy đủ cho thấy người Việt chú trọng đến ngày Tết như thế nào. Dù khốn dù khó thì ngày Tết cũng phải có cặp bánh chưng, khoanh giò lụa, nải chuối, hộp mứt. Nhà có điều kiện thì mua sắm đủ thứ, nào là mâm ngũ quả thật đẹp, các loại bánh mứt thật hảo hạng, cây giò thật to, gà, thịt thật nhiều, bánh chưng và nhiều loại bánh khác. Cùng với những thứ ăn, là những chậu hoa, cây cảnh, chậu quất sai qủa, gốc mai cành đào đầy đủ lộc, nụ, hoa...
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" là cái Tết truyền thống của người Việt Nam. Ý nói cái Tết có cả phần vật chất lẫn tinh thần. "Câu đối đỏ" ngày nay được cải tiến rất nhiều. Bên cạnh những đôi câu đối viết bằng mực đen trên nền giấy điều, giấy lụa là những câu đối in trên loại giấy bóng tốt, nhiều nhà còn sắm về những hoành phi câu đối bằng gỗ, khảm trai hay những đôi câu đối thêu... Quan niệm của người Việt, ngày Tết tiễn cái cũ đi, đón cái mới về. Chính vì vậy, cùng với việc mua sắm, nhiều nhà có điều kiện, những tháng cuối năm thay đổi những cái cũ trong nhà như thay đổi tivi mới to hơn, đổi cái tủ lạnh, cái máy giặt hay thay xe... nhà không có điều kiện thì cũng cố gắng làm cho căn nhà mới hơn bằng việc quét vôi lại hoặc kê dọn đồ đạc trong nhà, lau chùi đánh bóng lư hương bát đèn, dọn dẹp sân vườn sạch sẽ...
Ngày Tết, còn là dịp để người người vui chơi. Bên cạnh việc "Ăn Tết", người ta nghĩ đến việc "Chơi Tết". Chơi Tết có thể kéo dài từ những ngày áp Tết 27, 28, 29 Tết với những cuộc đi ngắm chợ hoa, đi chợ Tết và ngày nay còn cả việc đi vào các siêu thị. Có thể mua hoặc có thể chẳng mua gì, song việc đi chợ như là niềm vui của ngày Tết, đặc biệt đối với giới nữ. Vì vậy, chợ là nơi thu hút đông người. Chợ vốn dĩ đã ồn ào, náo nhiệt thì những ngày áp Tết chợ càng thêm tưng bừng, rộn rã hơn. Nói đến "Chơi Tết" thì không thể không nói đến chuyện đi thăm hỏi, chúc Tết nhau, con cái đi chúc Tết cha mẹ, anh em, họ hàng, thân bằng cố hữu đến chúc Tết nhau. Trong nhà, ngoài đường vui như trẩy hội. Việc "Chơi Tết" không chỉ dừng lại ở ngày Mùng Một, Mùng Hai. Nó có thể kéo dài hết tháng giêng, tháng hai và cả tháng ba với những lễ hội, đình đám. Vì thế mà người ta có câu: Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai đình đám, tháng ba hội hè. Có lẽ người người chờ đón Tết, thích Tết cũng vì lẽ đó.
 
2.     Tết cho người âm
 
Người Việt rất trọng chữ "Lễ nghĩa - trước sau". Ngày Tết nhà ai cũng phải có mâm ngũ quả, mâm cơm thắp hương tổ tiên. Quan niệm "Trần sao, âm vậy" nên dễ thấy những ngày trước Tết, trong các chợ, quầy bán hàng mã cũng rất đông người. Người ta mua tiền, vàng, mua quần áo, có nhà chu đáo còn mua cả tivi, tủ lạnh, xe đạp, xe honda hay cả xe hơi, điện thoại di động, toà nhà nhiều tầng về đốt cho người thân ở cõi âm.
Ở nhiều làng quê, người ta còn nghĩ về người âm, lo Tết cho những người âm không có nhà cửa bằng việc nấu cháo hay cơm nát đơm từng thìa cho vào lá sung hoặc lá ổi đã được cuộn tròn như cái phễu đem để bụi tre, dọc đường vào đêm ba mươi. Và cũng trong đêm ba mươi, ngày mùng một chủ nhà nào cẩn thận còn bảo con cháu ra mở cửa, mở cả cửa trước, cửa sau, ngoài ý niệm trần thế đón Xuân vào nhà còn hàm ý mở cửa mời ông bà, tổ tiên về cùng vui đón Tết.
Tết cho người âm còn thể hiện ở việc người trần đi tảo mộ. Thường người ta đi tảo mộ vào sáng sớm mùng hai hoặc mùng ba Tết với mâm cơm nhỏ để ông bà, cụ kị chứng cho con, cho cháu, hoặc với những người trẻ xấu số thì mâm cơm tảo mộ còn để cho hương hồn họ không cảm thấy cô quạnh.
 
3.     Tết cho hai phần thế giới... giao thoa
 
Ngày Tết, đất trời giao hòa, người người gần gũi nhau hơn. Trong cái không khí ấm áp lạ thường của ngày Tết, người đi xa lại thêm nhớ về nhà, về quê hương, nơi đó có những người thân yêu, ruột thịt. Bên mâm cơm gia đình, gợi nhớ những người ở xa, ngậm ngùi nghĩ về những người thân đã khuất. Trong cái khối đất trời hoà quyện, người người muốn tìm và gặp nhau có lẽ cũng xuất phát từ những ước nguyện ấy.
Những ngày Tết, người ta đến với cửa chùa, cửa đền nhiều hơn. Tuỳ từng điều kiện của mỗi gia đình, tuỳ vào lòng thành của mỗi người song hầu hết đến chùa ai cũng có được lễ vật để dâng. Ở nơi này, trong bảng lảng của khói hương, người người cầu ước và hy vọng những ông quan với bộ mặt hiền từ ngồi kia cùng những linh hồn quanh đó nghe được và giúp họ thực hiện những điều ước tốt đẹp trong năm mới. Trong dân gian, người ta cũng truyền miệng nhau rằng, ngày Tết, các quan trông coi các chùa cũng rất bận rộn. Họ phải cắt cử nhau ở chùa để ghi lại những điều mong ước của người trần. Sau đó báo cáo lên thiên đình, rồi căn cứ vào những việc làm thiện, ác của từng người, của từng gia đình mà thiên triều cho người đó được hưởng hạnh phúc hay khổ đau trong năm đó. Những vong hồn cũng quanh quẩn cửa chùa thường là những vong hồn phiêu dạt không cửa nhà, họ tìm đến đây để xin được ăn. Và cửa chùa chính là nơi giúp người âm và người dương gần nhau hơn.
 
4.     Tết nơi xứ đạo
 
Những ngày giáp Tết mọi nhà tất bật bận rộn công việc bán mua, sắm sửa cho ngày Tết. Chợ búa đông vui nhộn nhịp.
Xứ đạo tôi thuộc miền quê, rộn ràng bao lo toan đón Tết. Chuẩn bị quà Tết cho người nghèo. Năm nay mất mùa, người nghèo nhiều hơn. Quà Tết cho người nghèo là lương thực cứu đói. Huy động hết mọi đoàn thể, mọi giới trong xứ đi lạc quyên giúp người nghèo được "Ăn Tết" cùng với mọi nhà, bởi lẽ "giàu thì ngày ăn ba bữa, nghèo thì cũng đỏ lửa ba lần". Quà cho các cụ già trên 70 tuổi như tấm lòng biết ơn cùng với lời chúc thọ của con cháu trong thánh lễ Mồng Hai Tết.
Năm nào giáo xứ cũng tổ chức hội thao cho giới trẻ, thiếu nhi, bóng đá bóng chuyền. Thêm ba đêm hội chợ, văn nghệ vui xuân. Vì thế khuôn viên Nhà thờ tấp nập mọi đoàn thể ngày đêm tập luyện, chuẩn bị cho ba ngày Tết. Vui Tết lành mạnh, ở làng quê giảm đi bao tệ nạn cờ bạc rượu chè say sưa.
Đất Thánh cũng đông người đến tảo mộ, sửa soạn cho Thánh Lễ tối Mồng Hai Tết. Những ngày cận Tết, nghĩa trang lung linh ánh sáng đèn nến, nhập nhoà hương khói.
Chuyện Tết cho người trần, Tết cho người âm, Tết cho người nghèo chính là cuộc sống mà người người đang hối hả khi cái Tết bắt đầu gõ cửa.
 

 
Về với Gia Đình- 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Mồng 2 Tết
 
Những ngày giáp Tết, dọc dài Quốc lộ I, xe cộ nối đuôi nhau tấp nập ngược xuôi Nam Bắc. Ai cũng hối hả, nôn nao mong sớm về với gia đình.Tết là dịp mọi người về sum họp mái ấm tình thương. Con cháu sum vầy bên cha mẹ và anh chị em hòa hợp bên nhau. Anh chị em công nhân đi chuyến xe cuối năm chấp nhận bị nhồi nhét miễn là về đến nhà.
Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình”. Về với mẹ cha nguồn cội gia đình hay về nhà tự thắp nén hương bày tỏ tấm lòng thành của con cháu với ông bà tổ tiên. Về quê ăn Tết là một nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc. Hai tiếng “về quê” gợi trong ký ức những gì rất thiêng liêng, thật cao quý và ấm áp nồng nàn.
 
Tết là lễ hội của gia đình. Nhà cha mẹ trở nên ấm cúng thân thương. Con cháu quy tụ về vui mừng nói cười rộn rã. Con cháu thắp nén hương trước bàn thờ tiên tổ với tâm tình thành kính tri ân rồi thì thầm với các ngài những điều nguyện ước. Quây quần quanh ông bà cha mẹ để chúc thọ tỏ lòng thảo kính và đón nhận lời giáo huấn đầu năm.Tết còn liên kết người sống với người chết, hiệp thông con cháu với tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời. Nhiều người có thói quen đi tảo mộ những ngày trước Tết. Nhiều giáo xứ tổ chức Thánh lễ tại nghĩa trang để cầu nguyện cho những người thân yêu đã an nghĩ. Người ta tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu. Niềm tin đó có tác dụng tích cực giúp người sống luôn nhớ tới cội nguồn, sống hiếu thảo, ăn ở xứng đáng với dòng tộc của mình. Đạo lý ngày Tết tuyệt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn”, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
 
Người Việt rất trọng lễ giáo, coi trọng sự bền vững gia đình với những tôn ti trật tự.Trong lễ giáo thì ân nghĩa là đầu tiên.Tôn kính tổ tiên là cách tỏ ân nghĩa đối với các vị tiên nhân,ông bà cha mẹ.Lúc các ngài còn sống,con cháu phải kính mến phụng dưỡng,vâng lời chiều ăn ở sao cho các ngài hài lòng. Khi các ngài qua đời, lo an táng tử tế, con cháu thờ kính, giỗ chạp hàng năm.Việc thờ cúng tổ tiên là mạch nước ngầm trong mát vẫn mãi nuôi sống và nối kết những tâm hồn Việt giàu tình trọng nghĩa.
 
Mỗi người Việt đều có một đạo rất gần gũi. Đó là Đạo Ông Bà hay Đạo Hiếu.
Đạo Hiếu là cốt tuỷ của nền văn hoá Việt Nam. Hiếu là gốc của Đức. Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu vẫn là Hiếu.Chưa từng có người nào hiếu thảo lại bất trung,cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.
Cốt lõi của Hiếu bắt đầu bằng: tôn kính cha mẹ lúc còn sống, thờ phượng cha mẹ lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng giỗ chạp.Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người.
Việc hiếu lễ từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người. Dân tộc Việt từ Nam chí Bắc, dù ai theo tín ngưỡng nào, dù có bài bác thần linh nhưng với ý niệm “Cây có cội,nước có nguồn”, đều coi trọng gia lễ.
Ca dao đã đúc kết lòng hiếu nghĩa ấy:
           Cây có gốc mới nở ngành sanh ngọn.
           Nước có nguốn mới bể rộng sông sâu.
          Người ta có gốc từ đâu.
          Có cha có mẹ rồi sau có mình.
Biết ơn là sống tâm tình tri ân tình cha nghĩa mẹ. Cha mẹ đã hy sinh cả đời mưa nắng cho con. Cha mẹ đã sống vì hạnh phúc của con. Lòng hiếu thảo hơn mọi lễ vật mà con cái dâng cho các ngài.
 
Đạo Hiếu chính là đạo của lòng biết ơn.Biết ơn trời đất,biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ.Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành, ơn chín chữ, đức cù lao, ơn võng cực biển trời “Ai ai phụ, mẫu sinh ngã cù lao,dục báo chi đức,hạo thiên võng cực”. Cha mẹ sinh ra ta, nâng đỡ ta từ cung lòng,vỗ về âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn, dạy ta điều hay lẽ phải, dõi theo mỗi bước đường đời của ta, tuỳ tính tình mỗi đứa con mà khuyên dạy, che chở bảo vệ con. Ơn đức cha mẹ như trời biển : “Công cha như núi thái sơn,nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
 
Đạo Hiếu là nền tảng văn hoá gia đình. Người Việt yêu chuộng những gì là tình, là nghĩa, coi tình nghĩa hơn lý sự “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”; chấp nhận “bán anh em xa mua láng giềng gần”; thích “dĩ hoà vi quý”, độ lượng “chín bỏ làm mười”; quý trọng con người, không tôn thờ của cải “người là vàng, của là ngãi; người làm ra của chứ của không làm ra người”; mong muốn anh em bốn biển một nhà “tứ hải giai huynh đệ”; đề cao tinh thần khoan dung “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Đỉnh cao của lòng nhân ái là “thương người như thể thương thân”.
 
Gia đình Việt Nam có nhiều thế hệ sống với nhau “tứ đại đồng đường”. Cha mẹ già không còn lo việc đồng áng, ở nhà chăm nom giữ cháu. Bầu khí gia đình luôn ấm cúng.Tuổi thơ con trẻ được ươm đầy tiếng ầu ơ của bà, câu chuyện cổ tích của ông.Từ lúc chưa rời vành nôi, trẻ thơ đã được trau dồi cái nhân cái nghĩa. Khi lớn lên, con cái lập gia thất, cha mẹ cho miếng đất dựng căn nhà, con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ, tối lửa tắt đèn có nhau. Chính gia sản tinh thần gia đình là chất keo nối kết tầm hồn con người lại để rồi ai ai cũng cảm thấy “quê hương mỗi người chỉ một ….đi đâu cũng phải nhớ về” (Quê hương, Đỗ Trung Quân). Dù đi học xa, đi làm xa, đi đâu xa cũng phải về với gia đình sum họp những ngày cuối năm, ngày đầu năm.Tết là những ngày thiêng liêng ấm áp tình gia đình.
 
Gia đình là môi trường đào tạo con người toàn diện, tỉ mỉ và hiệu lực nhất. Dưới mái trường này, con người được đào tạo cả về kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách, lối sống để rồi có đủ bản lãnh và khả năng bước vào đời sống xã hội.Gia đình là nơi đào tạo căn bản nhất lòng đạo đức, giúp phát triển cái tài, nhân rộng cái đức cho con cái vào đời.
Đạo Hiếu chính là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình. Đạo Hiếu làm nên bản sắc văn hoá người Việt. Như thế, tâm thức dân Việt rất gần với Tin mừng Đạo Chúa.
 
Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa đủ nói lên tính cách quan trọng của lòng hiếu thảo.
 
Sách Giảng Viên dạy: “Thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa,tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa”.
 
Sách Huấn ca dạy : “Hỡi các con hãy nghe cha đây.Hãy xử sự sao để được độ sinh.Vì Chúa đặt vinh quang cha trên con cái,quyền lợi mẹ, Ngài củng cố nơi đàn con.
Kẻ tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm và trọng kính mẹ khác gì tích trữ kho tàng.Kẻ tôn kính cha sẽ hoan lạc nơi con cái, khi khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời.Kẻ tôn vinh cha sẽ được trường thọ, người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa.Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,nó sẽ phục vụ các bậc sinh thành như chủ của mình.
Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, ngõ hầu mọi phúc lành đổ xuống trên con, vì chúc lành của cha làm cho rễ chắc, còn chúc dữ của mẹ thì nhổ cả cây.
Con đừng vênh vang về việc cha con bị nhục,vì vẻ vang gì cho con, cái nhục của cha con!
Quả thế, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính, và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh bỉ.
Con ơi! Hãy săn sóc cha con lúc tuổi già. Sinh thời người, chớ làm người sầu tủi. Trí khôn người có suy giảm, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.Vì lòng hiếu thảo đối với cha sẽ không bị quên lãng, nó sẽ đền bù tội lỗi cho con.
Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan, như sương muối biến ta lúc đẹp trời.Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, Kẻ khinh rể mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3,1-16).
 
Thiên Chúa muốn con cái phải hết lòng tôn kính và thảo hiếu, đặc biệt nhấn mạnh đến công ơn sinh thành của người mẹ: “Hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra. Làm sao con báo đền được điều họ cho con?” (Hc 7,27-28).
 
Sách Tôbia cũng dạy rằng :“Hãy thảo kính mẹ con. Đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Hỡi con, con hãy nhớ là người đã phải trải qua bao nỗi gian lao hiểm nguy vì con khi con còn trong lòng dạ người” (Tob 4,3-4).
 
Thánh Phaolô khẳng định, hiếu thảo là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Col 3,20).
Chính Chúa Giêsu là mẫu mực hiếu thảo với Cha, yêu mến Cha, vâng ý Cha, luôn làm đẹp lòng Cha. Là Ngôi Hai Thiên Chúa và với thân phận con người, trong vai trò làm con, Ngài đã thực hành đạo hiếu qua đời sống vâng phục cha mẹ của mình. Thánh Kinh ghi lại rằng sau khi hoàn tất công việc của Thiên Chúa tại đền thờ Giêrusalem: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Lc 2,51). 
Đạo Chúa cũng là Đạo Hiếu. Hiếu với cha mẹ, đấng bậc sinh thành dưỡng dục. Hiếu với Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, Đấng sáng tạo muôn loài, dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Như vậy Đạo Chúa cũng chỉ gồm chữ Hiếu.Thờ lạy Thiên Chúa là chân nhận Ngài chủ tể muôn loài, con người có bổn phận tôn vinh thờ phượng tỏ bày lòng hiếu thảo. Đối với tha nhân, Đạo Chúa dạy phải sống hiếu, phải thể hiện hiếu. Điều răn trọng nhất “kính Chúa,yêu người” là điều răn của Đạo Hiếu. Không một tôn giáo nào khai triển Đạo Hiếu cho bằng Đạo Chúa. Hiếu với Chúa, hiếu với tha nhân, đặc biệt hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ.Vì hiếu với Chúa nên phải tu thân tích đức để làm vui lòng Chúa, xứng đáng làm con cái của Ngài.Vì hiếu với ông bà cha mẹ nên phải sống đạo làm con, giữ nề nếp gia phong lễ nghĩa, làm vinh dự cho gia đình, gia tộc. Nếu một người con không thảo kính cha mẹ, người đó không phải là một Kitô hữu đúng nghĩa. Bởi lẽ, người ấy đã không giữ luật Thiên Chúa. Giới luật Thứ Tư còn được gọi là giới răn hiếu thảo: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ.”. Mỗi Kitô hữu đều biết hiểu và thực hành giới răn này.
Chính từ tổ tiên ông bà cha mẹ mà người Việt có thể tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Đạo Hiếu là một điểm tựa, một bước đi khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng, gần gũi, một mãnh đất phì nhiêu để đưa con người vào Đạo Chúa. Loan báo Tin mừng của Đạo Chúa chính là làm sáng lên những nét tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Đối với môi trường gia đình Việt Nam, đó chính là “minh minh đức”, làm sáng cái đức sáng trong môi trường gia đình. Tin Mừng chính là nguồn nước thẩm thấu qua mọi lớp ngăn văn hóa và tôn giáo. Tin Mừng là ánh sáng cho các dân tộc (LG). Tin Mừng là ánh sáng trần gian (Ga 8,12). Tin Mừng và văn hóa giao thoa và hoà điệu với nhau.
 
Phụng vụ Giáo hội dành ngày Mồng Hai Tết để cầu cho tổ tiên. Hằng ngày trong mọi thánh lễ, Giáo hội đều có lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.
Đạo Chúa dạy, có một Cha trên trời mà con người phải tôn kính hiếu thảo; dạy yêu thương nhau : “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; dạy sống chan hoà, bình dị : “anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, dạy yêu quý sự sống : “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào”.Tin Mừng làm sáng lên những giá trị sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt Nam, mang đến cho các giá trị văn hoá ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ.
Tinh thần hiếu hoà, lòng thảo hiếu của người Việt là điểm son đậm đà bản sắc dân tộc.Tin Mừng bén rễ sâu vào nền văn hoá ấy làm xanh lên chồi lộc sự sống tình yêu rồi kết thành hoa trái tốt lành cho con người và cuộc đời.
Dưới ánh sáng đức tin, Đạo Hiếu không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội mà còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Người Công Giáo thảo hiếu, kính trọng cha mẹ không chỉ theo ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, tâm lý, mà còn đặt trên niềm tin tôn giáo. Thảo kính cha mẹ là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.
 
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo.
Hôm nay nhân dịp đầu năm mới Bính Thân, chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con,và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Amen (Lời nguyện nhập lễ, Mồng Hai Tết).
 

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận