Chúa Thương Xót, xót thương con người

Đăng lúc: Chủ nhật - 12/04/2015 03:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Chúa Thương Xót
xót thương con người


Thanh Hải.

Trên chuyến hành trình dài, ta cần những chạm dừng chân. Nơi ấy, ta nghỉ ngơi để lấy lại sức. Ta giải toả những ‘cặn bã’ để thoải mái. Ta tiếp nhiên liệu cho động cơ. Sau mỗi chạm dừng ta lấy lại sức, lấy lại tinh thần để tiếp tục lên đường. Cuộc sống cũng cần những “trạm dừng chân” như thế. Bởi thế, Chúa Giêsu mới nói “anh em hãy lánh riêng ra chỗ thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31b). Thanh vắng cả không gian và tinh thần. Tiếng động của cuộc sống không cho ta nhận ra ta đang cần gì và muốn gì. Từng ngày, ta chất lên vai gánh nặng ưu tư và sợ hãi. Chỉ trong tĩnh lặng, Chúa mời “tất cả những ai mang gánh năng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).  Đó là tiếng vọng của một Thiên Chúa Thương Xót luôn xót thương con người.
Trọn cuộc đời, Đức Giêsu diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài nói những lời động viên và mang lại bình an cho người khác, “đừng sợ, chính Thầy đây” hay “anh em đừng sao xuyến” (Ga 14,1). Lời Ngài nói mang lại sự chữa lành cho con người, “tôi muốn, anh sạch đi.” Lời Ngài nói mang lại sự tha thứ “tôi không lên án chị đâu, chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11) hay “anh đã được tha tôi rồi” (Lc 5,20). Đức Giêsu xót thương nỗi thống khổ của  con người. Chúa chạnh lòng thương bà goá thành Nain khi người ta khiêng con trai duy nhất của bà đem chôn. Đức Giêsu thấu cảm với nỗi đau của phận người. Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Đức Giêsu cũng động lòng thương cảm trước cái chết của anh Lazaro, trước lầm than của dân chúng như đàn chiên không người chăn dắt. Trên đồi Calve, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thể hiện một cách trọn vẹn. Con Thiên Chúa đã chết thay cho nhân loại, “anh em đã được cứu chuộc nhờ Bửu Huyết của con Chiên Vẹn Toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1Pr 1,19).  “Tội lỗi của chúng ta chính Đức Kitô đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” và “Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1Pr 2, 24). Đó là bằng chứng tuyệt đối của tình yêu thiên Chúa, “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân.” Bởi thế, Đức Kitô là vị thượng tế siêu phàm biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta.
Con người cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong dụ ngôn “Người cha nhân lành,” ta thấy, người con cần đến lòng  xót thương của người cha để làm lại, để khởi đầu lại.  Như viên đại đội trưởng, hay người phụ nữ Samaria, ta cũng khẩn khoản nài xin Chúa đoái nhìn đến nỗi đau của ta. Ta cần Chúa động viên và chữa lành. Bắt chước viên đại đội trưởng, ta nói với Chúa rằng, “xin Ngài phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Trong những khi đêm tối của kiếp người, ta, mượn lời của người mù Giêrikhô, cất lên rằng “lạy con Vua David xin rủ lòng thương tôi.” Ta cần lời an ủi của Chúa như khi Ngài ủi an hai chị em nhà Macta. Bởi thế, “ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,16). 
           
Nơi Lòng Chúa Xót Thương, ta dám làm lại cuộc đời. Sau tất cả những lần chữa lành, Đức Giêsu đều lâp lại điệp khúc, “hãy đi bình an và đừng phạm tội nữa.” Lòng thương xót của Thiên Chúa đã mở ra cho người trộm lành sự sống mới. Như thế, Lòng Chúa Thương Xót là “chạm dừng chân” cho phận người. Nơi ấy, con người nhìn về mình trong tương quan tình yêu với Cha. Ta thử nhìn lại khoảnh khắc trở về của người con hoang đàng. Anh tất bận với cuộc đời: đòi chia gia tài, trẩy đi phương xa, tiêu xài, kiếm việc, nuôi heo… anh không có khoảng không để ngưng lại. Khi dừng lại, anh mới có cơ hội để nghĩ, để nhớ về tình cha. Anh nhận ra lỗi lầm thì quá lớn,  tình cha lại bao la. Trong tương quan với cha, anh mới có đủ can đảm để trở về. Nơi Lòng Thương Xót Chúa, ta lấy lại sức sống, lấy lại can đảm tiếp tục lên đường.
           
Cuộc sống cứ vần xoay ta. Ta cứ tìm kiếm cuộc sống. Ta không còn chỗ cho Lòng Chúa thương ta. Có những khi, Chúa muốn ngỏ lời với ta. Chúa khắc khoải với nhân loại “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16) nhưng ta nào đâu có chịu. Có khi nào ta dừng chân để ở lại sa mạc với Chúa, để thấy được Chúa yêu ta và ta yêu Chúa?Thiên Chúa đang chờ đợi tôi, chờ đợi bạn.

Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa cho ta cơ hội để ngẫm nghĩ lại nghĩa tình của Thiên Chúa dành cho con người, “con người là chi mà Chúa cần nhớ tới… Ngài ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên” (Tv 8, 5-6). Bởi đó, ta cũng hãy sống như Chúa “anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng Nhân Từ” (Lc 6,36).
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận