Thứ Năm tuần 28 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 13/10/2016 03:58 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Năm tuần 28 thường niên.

"Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria".

 

Lời Chúa: Lc 11, 47-54

Khi ấy, Chúa phán: "Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại".

Khi Người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.

 

 

 

Suy Niệm 1: Dòng Máu Cứu Ðộ

Với lý thuyết: "Người chết không nói", các đối thủ của những người thường dùng bạo lực để thủ tiêu những người can đảm đóng vai trò tiên tri để nói lên sự thật chống lại kỳ thị bất công, bênh vực quyền lợi của những người nghèo khổ. Từ máu Abel, người vô tội đầu tiên đổ ra vẫn luôn nhuộm hồng với máu các tiên tri thuộc mọi màu da, tiếng nói: một Martin Luther King, mục sư chủ trương bất bạo động để tranh đấu cho sự phân biệt và kỳ thị mầu da ở xã hội Mỹ và bị bắn ngã ngày 4/4/1968; hay một Oscar Roméro, vị giám mục thật sự yêu mến người nghèo đã bị ám sát khi đang dâng Thánh Lễ tại một bệnh viện vào chiều ngày 23/4/1980.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật nơi các tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Ðoạn Tin Mừng còn cho thấy lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng, và chính lòng oán ghét này đã dẫn Chúa Giêsu đến cái chết đẫm máu trên Thập Giá, để Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Những dòng máu chảy từ thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn giải nợ máu, bởi vì những dòng máu chảy ra vì tình yêu và vâng phục đối với Chúa Cha, đã phá tan vòng luẩn quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành khổ và xử tử Ngài.

Cái chết vì tình yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết "người chết không nói", bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập Giá, cái chết của Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay, nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người. Qua đó, cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống và trao ban cho cái chết của những người can đảm đóng vai trò tiên tri một ý nghĩa, một sức mạnh, để cái chết của họ cũng tiếp tục nói và gây ảnh hưởng cũng như thu lượm kết quả mỹ mãn hơn lúc họ còn sống. Cái chết của Mục sư Martin Luther King đã đẩy mạnh và đóng góp phần không nhỏ vào phong trào chống phân biệt, kỳ thị cho những người da mầu tại xã hội Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Cái gục đầu tắt thở trên bàn thờ đang lúc dâng Thánh Lễ của Ðức Cha Oscar Roméro đã gây niềm hy vọng và sức mạnh khôn lường cho bao nhiêu người dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội tại các quốc gia Mỹ Châu La Tinh.

Nợ máu vẫn đòi phải trả bằng máu. Nhưng từ dạo máu Chúa Giêsu chảy trên đồi Calvê và vẫn tiếp tục chảy trên bàn thờ mỗi ngày khắp nơi trên thế giới, những dòng máu hy sinh cho chính nghĩa, những dòng máu chảy ra vì tình yêu, đã trở thành khí giới sắc bén phá tan hận thù, bất công, để góp phần xây dựng một thế giới thấm nhuộm tình người, dẫn đến một nhân loại biết liên đới chia sẻ, yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Những Kẻ Vụ Hình Thức

Những lời Chúa Giêsu khiển trách những người Pharisiêu và các vị thông luật như được ghi lại nơi Phúc Âm theo thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây được nói lên trong khung cảnh bữa tiệc tại nhà một người Pharisiêu, tức là trong khung cảnh thân tình của những người quen biết với nhau. Tuy nhiên, khung cảnh và bầu khí của bữa tiệc thân tình này đã bị làm hư đi, không phải vì Chúa Giêsu đã không rửa tay trước khi ăn theo như phong tục của người Do Thái thời đó mà vì thái độ nghi ngờ của người mời Chúa đến dự tiệc. Ông Pharisiêu lấy làm lạ vì Người đã không rửa tay trước khi ăn và đã lên án thái độ giả hình, lạm dụng Lề Luật, lạm dụng sự hiểu biết của mình mà khinh chê và đè bẹp anh chị em chung quanh của những người Pharisiêu và những luật sĩ được mời đến dự tiệc.

Những luật sĩ Do Thái, những nhà thông luật của dân Do Thái thời Chúa Giêsu là những kẻ có thể nói là nắm lấy kỷ cương cho sinh hoạt của dân chúng. Vai trò của những người thông luật này trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu giống như vai trò của những thần học gia, những nhà chú giải Kinh Thánh, những chuyên viên về luân lý. Họ nắm giữ sự hiểu biết về Kinh Thánh, giải thích giáo huấn của Môisen cho dân chúng sống, nhưng trớ trêu thay họ đã không chu toàn bổn phận làm người hướng dẫn chỉ đường mà đã trở thành kẻ cản đường vì các tật xấu của họ, những người nắm giữ chìa khóa. Chúa Giêsu không làm giảm giá trị sự hiểu biết Lề Luật của những luật sĩ này, nhưng Chúa Giêsu đã trách họ nặng lời vì thái độ sống phản chứng của họ: "Các ông không bước vào mà còn cản không cho kẻ khác bước vào". Họ không tin nhận Chúa mà còn cản trở không cho người khác gặp Chúa và tin nhận Ngài.

Lời trách của Chúa Giêsu có thể cũng thức tỉnh chúng ta ngày hôm nay, có thể là chúng ta hiểu biết Chúa, có chìa khóa để gặp Chúa nhưng chúng ta vì những tật xấu của mình, vì những tội lỗi của mình, chúng ta không đến với Chúa mà còn làm gương xấu cản trở không cho anh chị em đến với Chúa, vì thái độ sống phản chứng niềm tin Phúc Âm của chúng ta.

Lạy Chúa,

Xin Chúa giúp chúng con canh tân đời sống và khiêm tốn đến với Chúa, tin nhận Ngài và chu toàn giáo huấn của Ngài mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, Xin hãy ban ơn canh tân đời sống cho mỗi người chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Làm câm miệng chân lý như thế nào?

Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và tông đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia.” (Lc. 11, 49)

Con tim loài người không hề thay đổi. Văn minh của chúng ta khá tiên tiến giúp cho con người nhiều phương tiện khéo léo bộc lộ dã tâm của mình hơn ngày xưa. Ngày nay hơn xưa, người ta không tha thứ cho những người nghĩ khác mình. Sách Khôn ngoan có lý: Chúng ta lùng bắt kẻ công chính vì nó làm phiền chúng ta và khiển trách đường lối suy nghĩ của chúng ta. “Nếu đúng là Con Thiên Chúa hẳn Ngài sẽ đến cứu nó. Chúng ta hãy kết án nó cho chết nhục nhã”.

Người ta hành quyết những chứng nhân:

Những ngôn sứ được sai đến để làm chứng về tình yêu Thiên Chúa và kêu gọi người ta trở về với Thiên Chúa. Người ta đã giết một số đông chứng nhân. Những người bị giết từ A-đam đến Gia-ca-ri-a: Người thứ nhất đến ngôn sứ cuối cùng đã được ghi trong kinh thánh Do thái. Đến thời Đức Giêsu, người Do thái đã xây mộ cho các chứng nhân chân lý đã bị cha ông họ giết bỏ. Nhưng, họ không khác gì cha ông họ, vì họ không thể nhận biết các ngôn sứ đang ở giữa họ. Đức Giêsu, Người là chứng nhân tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đã bị họ kết án chết nhục nhã vì mặc khải của Người không thuận với đường lối tư tưởng của họ. Tư tưởng của họ về một Thiên Chúa báo oán, thế hệ Do thái thời Đức Giêsu đã phải trả giá cho lối sống vô đạo này bằng sự phá hủy thành Giê-ru-sa-lem và dân tộc bị phân tán tản mác khắp nơi. Những cuộc hành quyết những chứng nhân chân lý đang xảy ra hàng ngày sẽ đem đến những hậu quả nào cho thế hệ ngày nay?

Người ta bỏ tù chân lý:

Nguồn mặc khải cho Mô-sê đã mở đường dẫn tới chân lý nước trời. Các luật sĩ đã hội nhập mặc khải đó vào lề luật và đem ra dạy một lối sống đạo bên ngoài. Như vậy họ đã nhốt chân lý vào tù, chân lý không còn ăn sâu vào lòng người được nữa.

Đức Giêsu là vị thừa kế mọi nguồn mặc khải, cũng là chìa khóa mở mọi hiểu biết về mặc khải, nhưng nhiều người trong chúng ta đã từ chối dùng chìa khóa này. Chúng ta không còn muốn biết chân lý nữa, vì chân lý là lời khiển trách đường lối tư tưởng và hành động gian ác của chúng ta. Khi hành quyết các ngôn sứ và nhốt tù chân lý, người ta hy vọng làm câm họng kẻ kêu gọi tình thương.

RC
 

SUY NIỆM:

1. Những nhà thông luật

Trong bài Tin Mừng hôm nay và hôm qua, Đức Giê-su nói tới sáu lần “khốn cho các người”: ba lần đầu nhắm đến những người Pha-ri-sêu (bài Tin Mừng hôm qua). Lẽ ra Chúa dừng lại đây, nhưng những thầy thông luật cũng nghe thấy, và cảm thấy bị đụng chạm; vì thế, họ lên tiếng: “Thưa thầy, thầy nói như thế là nhục mạ cả chúng tôi nữa”. Nhân đó, Đức Giê-su nói thêm ba lần nữa: “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật…” Chúng ta đã nghe lần thứ nhất, trong bài Tin Mừng hôm qua, dành cho các nhà thông luật:

Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói hai lần “khốn cho” còn lại. Ở mức độ nào đó, chúng ta cũng hãy để cho mình được đánh động bởi những lời này của Đức Giê-su, và nhất là cũng cảm thấy bị đụng chạm ! Bỡi lẽ, mọi nơi và mọi thời đều có những “người thông luật”; và theo nghĩa rộng, ai cũng là “người thông luật”, vì người ta không thể sống mà không biết và giữ luật. Hơn nữa, trong cách huấn luyện, chúng ta thường ưu tiên dạy lề luật!

Trong sáng tạo, trong lịch sử cứu độ, và cũng tương tự như thế trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, ơn huệ và tình yêu luôn luôn đi trước Lề Luật. Và Lề Luật được ban chính là để chúng ta ở lại trong tương quan ơn huệ và tình yêu, để diễn tả lòng biết ơn ngang qua việc tuân giữ Lề Luật. Vì thế, chúng ta được mời gọi nhận ra và ghi nhớ ơn huệ Thiên Chúa ban để hiểu đúng Lề Luật, và để sống Lề Luật như Lời dặn dò yêu thương, như cách thức để diễn tả lòng tín thác nơi sự Quan Phòng của Chúa, tình yêu chúng ta dành cho Chúa, và như lời tạ ơn và ca tụng. Đức Giê-su sẽ làm cho tương quan ơn huệ và tình yêu Thiên Chúa đi tới cùng trong bí tích Thánh Thể được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.

1

Quên ơn huệ và tình yêu Thiên Chúa, hay nói cách khác, khi bị cắt đứt khỏi nguồn gốc và cùng đích, là ơn huệ và tình yêu Thiên Chúa, Lề Luật chỉ còn là chữ viết và sẽ trở thành tai họa. Đó là điều Con Rắn, hình ảnh của sự dữ, muốn con người sa vào ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3, 1-7).

2. Sự Dữ và Lề Luật

2

Dùng Luật như phương tiện, Con Rắn (Satan, Sự Dữ, Tội) gieo vào “tai” con người nọc độc quên ơn, nghi ngờ Thiên Chúa, ham muốn, ghen tị và cuối cùng là vi phạm; hậu quả là chết trong tương quan với mình, với Thiên Chúa và với người khác; điều này đúng ở tất cả bình diện: tôn giáo, đời tu, gia đình, xã hội. Những người thuộc về Satan cũng dùng Luật như phương tiện để hại người khác. Chính vì thế, thánh Phao-lô nói : « Thành thử điều răn lẽ ra phải đưa đến sự sống, lại dẫn tôi đến chỗ chết » (Rm 7, 10). Ngoài ra, Con Rắn còn dựa vào Lề Luật để rình rập, gài bẫy, vu cáo, lên án.

Trong cuộc sống, hầu như hằng ngày chúng ta nghe đến chán chê qua báo chí, các bài diễn văn hay các bài giảng, vô vàn những lời lên án mọi lỗi lầm của người khác, của xã hội và thậm chí của cả loài người! Hành động này là đúng : vì có luật, có vi phạm, thì phải dựa vào luật mà tố cáo, kết án và thì hành án phạt. Nhưng phải chăng Luật được lập ra với chức năng chính yếu là được dùng để tố cáo và kết án nhau ? Hơn nữa, kết án nhân danh Lề Luật, theo mặc khải Kinh Thánh, lại là hành động đặc trưng của Satan ! Và đó chính là trường hợp “nguy khốn” của các nhà thông luật.

a. Họ giữ luật chỉ ở bình diện chữ viết, chứ không hướng tới cùng đích khởi đi từ nguồn gốc, nên tất yếu sẽ thấy nặng nề. Nặng nề, nên họ không tuân giữ, nhưng lại buộc người khác phải tuân giữ. Như Đức Giê-su nói rõ: “Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11, 46).

b. Họ giữ luật chỉ ở bình diện chữ viết, chứ không hướng tới cùng đích khởi đi từ nguồn gốc, nên tất yếu họ sẽ dùng lề luật làm phương tiện hại người. Đó là cung cách ứng xử của cha ông họ và của chính họ: “Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng”. Thực vậy, chính Đức Giê-su sẽ là nạn nhân tuyệt đối của hành vi kết án nhân danh Lề Luật, bởi vì Ngài là Con Chiên Vô Tôi tuyệt đối: « Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết » (Ga 19, 7) .

c. Họ là những là thông luật, nên chắc chắn họ có được “chìa khóa hiểu biết”, đó là biết được nguồn gốc và cùng đích của Lề Luật; nhưng trong lòng họ có một lựa chọn khác, lựa chọn hành động dò xét, gài bẫy, tố cáo, lên án và giết chết. Từ đó, nhân danh chính Lề Luật, họ ngăn cản thậm chí bách hại người khác sống theo sự thiện. Điều này đặt tới cực điểm nơi cách họ đối xử với Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó.

* * *

Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li và chính xác theo chữ viết, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi.

Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?
Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con. (Tv 19, 13)

Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình.

3. Thập Giá và Lề Luật

Vì thế, chúng ta còn được mời gọi nhìn lên cây giá gỗ, vốn là một dụng cụ thi hành công lí của Lề Luật, trên đó Đức Giêsu chịu đóng đinh. Thập giá là hình phạt tiêu biểu mà Lề Luật dành cho người phạm trọng tội. Do đó, thập giá là biểu tượng cho công lí của con người. Thế mà, người chịu đóng đinh là chính Đức Giê-su, Đấng hoàn toàn vô tội, Đấng công chính hoàn hảo. Chính vì thế, sự công chính của con người chỉ là giả tạo, gian dối và chỉ có vẻ bề ngoài.

Nơi Thập Gía, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta một cách chính xác khỏi sự công chính, đến từ chính chúng ta, dựa vào việc giữ Luật; bởi vì sự công chính này, xét cho cùng chỉ có vẻ bề ngoài, không đụng chạm và không thể đụng chạm đến chốn sâu thẳm và thầm kín của đời người và của nội tâm. Và Ngài muốn trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác tín trong thư gởi Tín Hữu Ga-lát mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trong những ngày vừa qua:

Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.
(Gal 2, 16)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

[1] Và trước đó, đã biết bao lần, họ nhân danh luật Sa-bát, trung tâm của Mười Điều Răn (Xh 20, 8-11), họ rình rập, lên án và lập mưu giết Đức Giê-su (x. Mc 3, 1-6).

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận