Thứ Ba tuần 28 thường niên

Đăng lúc: Thứ ba - 11/10/2016 01:45 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Ba tuần 28 thường niên – Thánh Gioan 23, giáo hoàng. Lễ nhớ.

"Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

 

* Đức Gioan 23 tên đời là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh năm 1881 tại Bergamo. Sống thời thơ ấu trong bầu khí Đức Tin mạnh mẽ của gia đình và giáo xứ. Thụ phong linh mục năm 1904. Trong thế chiến thứ nhất, cha Roncalli bị tổng động viên tái nhập ngũ trong ngành quân y rồi tuyên úy các bệnh viện hậu phương. Năm 1953, ngài được nâng lên hàng Hồng Y và 5 năm sau đó, ngài được chọn làm Giáo Hoàng với tên gọi là Gioan 23. Suốt triều đại giáo hoàng của Ngài, Đức Gioan 23 đã được toàn thế giới yêu mến, xem là hình ảnh đích thật nhất của một chủ chăn nhân lành, đơn sơ nhưng can đảm, hiền hòa, đầy sáng kiếnnổi bật nhất là quyết định triệu tập Công Đồng chung Vatican II.

Ngài được Đức Gioan Phaolo 2 tôn phong chân phước ngày 03/09/2000. Và ngày 27/04/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô phong ngài lên bậc hiển thánh.

 

Lời Chúa: Lc 11, 37-41

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa. Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

 

 

Suy Niệm 1: Quan Tâm Ðến Ðiều Cốt Yếu

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này, đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không sạch thì chẳng khác gì phân bón.

Vì những lý do trên và những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.

Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Những Kẻ Sống Giả Hình

Việc rửa tay trước khi dùng bữa là một nghi thức, là một nếp sống theo truyền thống chứ không phải là một giới răn bắt buộc. Ðây là một nghi thức tự nó không có tính cách bắt buộc tuyệt đối. Nhưng những người biệt phái đã có thái độ câu nệ vào đó một cách thái quá, đến độ dùng nó như là một mẫu mực để phán xét giá trị của một người. Chúa Giêsu không để mình phải lệ thuộc vào một nghi thức bề ngoài này, và đối với Ngài, tâm hồn trong sạch, tuân giữ luật Chúa là điều quan trọng hơn. Chúa Giêsu đã trách thái độ giả hình của người Pharisiêu: "Các ngươi lo rửa tay, rửa chén dĩa cho sạch, mà không lo thanh luyện tâm hồn trong sạch, để tâm hồn mình đầy sự gian ác, mánh mung".

Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao. Thái độ sống giả hình, vụ hình thức là một cám dỗ triền miên của con người mọi thời đại. Những lời trách của Chúa Giêsu đối với người biệt phái, thức tỉnh mỗi người chúng ta hôm nay trong nếp sống đức tin của mình.

Phải chăng chúng ta cũng đang rơi vào thái độ vụ hình thức giả hình, chúng ta mang thánh giá Chúa trên mình, đọc kinh trước khi dùng bữa nhưng thật sự tâm hồn chúng ta thì sao? Có đầy lòng mến Chúa, có tình yêu thương chân thành, chia sẻ, khiêm tốn phục vụ anh chị em chung quanh hay không? Chúng ta đến nhà thờ đọc kinh, nhưng tâm hồn chúng ta có đầy lòng yêu mến và tôn thờ Chúa hay không? Hay là giống như dân Do Thái ngày xưa, bị Chúa Giêsu quở trách: "Dân này kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì ở xa ta. Không phải chỉ kêu lên "Lạy Chúa, Lạy Chúa" thì được vào nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Cha Ta thì người ấy mới đáng vào nước Trời". Chu toàn giới răn Chúa, tôn thờ giới răn Chúa trong Thánh Thần và trong sự thật, đó là điều quan trọng nhất. Ðức tin chúng ta cần được trưởng thành mỗi ngày một hơn.

Lạy Chúa

Xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự giả hình, xin ban cho chúng con một tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa và nhờ tình yêu này mà chu toàn những lời dạy của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Dành ưu tiên cho nội tâm

Hôm nay chúng ta đề cập tới ít đoạn Phúc Âm nói về lòng thù ghét của nhóm biệt phái đối với Chúa Giêsu. Chúng cho ta phỏng đoán một trong những kích thước của sự thù nghịch con người đối với Thiên Chúa. Đó quả là một mầu nhiệm.

Một phần nào, mầu nhiệm ấy nằm ở chỗ con người cảm thấy khó sống trong “trung tâm” mình, cái trung tâm thiêng liêng của lương tâm. Khuynh hướng của con người, và ngay của tư tưởng nó, những gì điều kiện hóa nó. Cá nhân thường đánh giá mình bằng cách đối chiếu với kẻ khác. Nó tìm cách để được người ta chấp nhận và mến chuộng mình. Trên bình diện tư tưởng (và tư tưởng lắm khi do những sự chọn lựa sâu xa gây nên), một triết thuyết như thuyết mác-xít đang giản lược con người vào điều kiện vật chất của nó. Trong cả hai trường hợp, liên hệ của lương tâm với Thiên Chúa đều không có.

Chúa Giêsu quở trách bọn biệt phái một cái gì tương tự như thế, bởi họ lo lắng về bề ngoài hơn bề trong.

Nhưng lời nói sau đây mới đáng ngạc nhiên: “Vậy hãy làm phúc bố thí… thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ngươi”. Trong mạch văn tổng quát của Phúc Âm, thì của bố thí có giá trị tẩy rửa trong mức độ nó diễn tả tình yêu đích thực đối với tha nhân. Tình yêu này bắt nguồn trong Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều đó có nghĩa là con người được tẩy rửa tùy theo chỗ nó tiến gần đến Chúa Tình Yêu như thế nào. Nếu con người cố gắng yêu mến thật sự như Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, thì nó sẽ gột bỏ được lòng ích kỷ, sẽ trở nên đơn giản, tinh tuyền.

 

Suy Niệm 4: Rửa cái gì mới sạch nhất?

Đức Giêsu nói: “Thật nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc. 11, 39)

Bệnh dễ sợ bị lây nhiễm đủ thứ không hợp thời với mục tử. Từ lâu trước thời Đức Giêsu, luật Mô-sê đã phổ biến nghi thức thanh tẩy rất tỉ mỉ, câu nệ, lại được nhóm biệt phái cố gắng thực hành và áp đặt mọi người tuân theo.

Đối với những vết nhơ

Suốt buổi sáng người ta đi làm phải tiếp xúc với đủ mọi thứ và đủ mọi người, làm họ có thể bị ô uế như luật dạy. Trước bữa trưa, điều quan trọng buộc họ phải thanh tẩy kỹ lưỡng khỏi mọi thứ ô uế nhơ bẩn trước khi đọc kinh tạ ơn Thiên Chúa để dùng bữa.

Đức Giêsu thấy tận căn sâu thẳm: Người ta không thể hư mất do việc không thanh tẩy bên ngoài, sự ô uế bên trong mới đáng sợ. Từ lâu, tác giả Thánh vịnh đã nhận thức được điều đó: “Xin dùng cành hương thảo rửa tội tôi thì tôi được trong sạch, xin rửa tôi thì tôi được trắng hơn tuyết” (Tv. 50, 9). Chính vì thế, Đức Giêsu nhắc nhóm biệt phái. Họ ngạc nhiên thấy Người và môn đệ không rửa tay trước khi ăn. “Các ông chỉ rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong các ông đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”.

Thanh tẩy hữu hiệu, chính là tình yêu

Có gì khác giữa chúng ta và biệt phái? Chẳng phải chúng ta cũng như biệt phái, đã nồng nhiệt tiếp đón người khác theo dáng vẻ bên ngoài mà không quan tâm đến tính tình bên trong đó sao?

Đức Giêsu nói rằng chính bên trong, tận thâm sâu giữa lòng con người mới đáng kể. Nếu lương tâm mình ô uế thì không còn gì bên ngoài có thể rửa sạch được. Cần phải ăn năn sám hối tội lỗi mình và cầu xin Thiên Chúa, Đấng làm nên cả bên trong lẫn bên ngoài, mới làm cho con tim mình nên trong sạch. Lúc đó, được đầy lòng mến Chúa, mình mới hiến thân đi bố thí giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi và không mong đáp lại. Như vậy, mới có tấm lòng trong sạch hoàn toàn. Chính tình yêu Thiên Chúa và tha nhân có sức thanh tẩy tận cõi lòng. Thánh Augustinô đã diễn tả sự thật này: “Hãy yêu mến và làm điều anh muốn” thì mới được tốt đẹp.

RC
 

SUY NIỆM:

1. Đức Giê-su và người Pha-ri-sêu

Một người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa tại nhà mình. Thánh Luca còn kể những dịp khác tương tự, chằng hạn Đức Giê-su được mời đến dùng bữa tại nhà một người Pha-ri-sêu khác, tên là Simon, và trong bữa ăn, đột nhiên có một người phụ nữ đến khóc bên chân Chúa (x. Lc 7, 36-50).

Như thế, tương quan của Đức Giê-su với những người Pha-ri-sêu không quá căng thẳng như chúng ta tưởng ; hơn nữa, mời nhau đến dùng bữa tại nhà, là dấu chỉ của một sự thân thiện đặc biệt. Tuy nhiên, cứ mỗi lần như thế, Đức Giê-su lại mặc khải sự « khác biệt thần linh » của ngài đối với những người Pha-ri-sêu và qua họ, đối với chúng ta và với cả loài người.

2. Rửa tay trước bữa ăn

Ông Pha-ri-sêu thật có lý khi lấy làm lạ, vì Đức Giê-su không rửa tay trước bữa ăn. Đó không chỉ vì lý do vệ sinh, nhưng rửa tay còn là một nghi thức thanh tẩy. Phải thanh tẩy, hay nói rộng hơn, phải chuẩn bị mình, cả bên trong lẫn bên ngoài, trước khi dùng bữa, bởi vì bữa ăn là ân huệ Thiên Chúa ban. Cũng giống như nghi thức sám hối khi chúng ta bắt đầu cử hành Thánh Lễ, và cũng giống như nghi thức rửa tay của linh mục trước khi bước vào nghi thức truyền phép.

Nếu như thế, người Do thái đã vượt xa chúng ta trong việc nhận ra ơn huệ Thiên Chúa, vì đối với họ, bàn ăn đời thường là « bàn thánh », và bữa ăn hằng ngày cũng là một ơn huệ trọng đại Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa và được hiện tại hóa mỗi ngày (xem St 1, 29 ; Tv 136, 25). Do đó cần phải được thanh tầy trước khi dùng bữa. Hành vi chuẩn bị mình để đón nhận ơn huệ Thiên Chúa ban, là bữa ăn hằng ngày, quả thật là một hành vi vừa đẹp (vì diễn tả lòng biết ơn), vừa đúng (vì bữa ăn diễn tả ơn huệ lương thực) và vừa hay (vì sẽ định hướng sự sống và đời mình theo hướng ca tụng và tạ ơn). Ước gì chúng ta cũng có tâm tình này khi đọc kinh, dâng lời nguyện hay « làm phép » trước bữa ăn.
Tuy nhiên, cũng giống như chúng ta cử hành các nghi thức, với thời gian, các nghi thức đánh mất đi ý nghĩa đích thực, và chỉ còn là hình thức bên ngoài. Tệ hại hơn nữa, người ta còn nghĩ rằng nghi thức này làm cho người ta tự động, như ma thuật, trở nên thanh sạch trước mặt Thiên Chúa ! Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài : « Nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà ».

Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp của tâm hồn, hay nói như Đức Giê-su, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha nhân.

3. Cái bên trong và cái bên ngoài

Như vậy, phải chăng, bên trong mới quan trọng, bên ngoài chỉ là tùy phụ, thậm chí không cần thiết ? Có những người dựa vào lời này của Chúa để suy ra như vậy, khi nói : « Đạo tại tâm », nhằm biện hộ cho một lối sống đạo « bên ngoài chẳng có gì ? ». Như đọc được suy nghĩ này của người nghe của mọi thời, Đức Giê-su đã vượt qua sự đối lập giữa cái bên trong và cái bên ngoài, khi nói : « Thật là ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? » Như thế, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn ra hành động sáng tạo của Thiên Chúa ở trong mọi sự, cả cái bên trong cũng như cái bên ngoài ; và đáp lại bằng một thái độ nội tâm, đó là « bố thí những gì ở bên trong », để cho Thiên Chúa hiện diện và hành động nơi con người trọn vẹn của chúng ta.

Và Đức Giê-su nói : « Thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người ». Đây chính là quan niệm hoàn toàn mới, nếu không muốn nói là « quan niệm thần linh » về thế nào là thanh sạch.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận