Thứ Hai tuần 30 thường niên.

Đăng lúc: Thứ hai - 24/10/2016 01:58 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Hai tuần 30 thường niên.

"Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?"

 

Lời Chúa: Lc 13, 10-17

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: "Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà". Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: "Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat". Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?" Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

 

 

 

Suy Niệm 1: Cốt Lõi Của Ðạo

Một đêm mùa Ðông lạnh như cắt, một vị ẩn sĩ không chịu nổi cái lạnh của sa mạc, đã tìm đến xin trú ẩn tại một ngôi chùa. Nhìn thấy gương mặt tiều tụy của vị ẩn sĩ, tu sĩ canh giữ ngôi chùa không nỡ để ông ta đứng mãi giữa trời. Vị tu sĩ cho ông vào, nhưng lại nói một cách cương quyết: "Ông có thể ngủ đêm trong chùa, nhưng chỉ một đêm thôi, ngày mai ông phải rời khỏi nơi này tức khắc, vì đây là nơi tu hành, chứ không phải là trại tế bần".

Giữa đêm, vị tu sĩ nghe thấy tiếng động kỳ lạ. Ông thức dậy và chứng kiến cảnh tượng khác thường: giữa ngôi chùa vị ẩn sĩ đang ngồi sưởi ấm bên một đống lửa cháy phừng. Nhìn lên bàn thờ, vị tu sĩ không còn thấy tượng Phật bằng gỗ nữa. Ông hỏi vị ẩn sĩ, vị này chỉ vào đống lửa điềm nhiên đáp: "Tôi không chịu nổi cái lạnh, nên đã dùng tượng Phật để nhóm lên đống lửa này". Nghe thế, vị tu sĩ quát lớn: "Ông khùng rồi sao? Ông có biết ông đã làm gì không? Ðây là tượng Phật, ông đã đốt cháy Ðức Thích Ca của chúng tôi".

Sáng hôm sau, vị tu sĩ trở lại để đuổi vị ẩn sĩ ra khỏi chùa; ông thấy vị ẩn sĩ đang bới đống tro như để tìm kiếm vật gì đó. Thấy vị tu sĩ thắc mắc, ông ta trả lời: "Tôi đang tìm kiếm những cái xương của Ðức Phật mà ngài bảo là tôi đã thiêu đốt tối hôm qua".

Về sau, vị tu sĩ canh giữ ngôi chùa kể lại câu truyện cho một Thiền sư, và Thiền sư đã trách ông như sau: "Ông là một tu sĩ xấu, bởi vì ông xem một tượng Phật chết trọng hơn một mạng người sống".

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: "Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Hưu lễ". Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.

Xin cho chúng ta hiểu rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng ta đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Ngọn Lửa Nội Tâm

Thế vận hội năm 2000 dành cho những người khuyết tật đã kết thúc một cách tốt đẹp tại Sidney, Australia. Buổi lễ khai mạc hôm tối thứ Tư 18/10/2000 vẫn là biến cố được theo dõi nhiều nhất. Khi nữ lực sĩ ngồi xe lăn người Úc là cô Louis Xaviest châm ngọn đuốc vào vạc dầu nhỏ đặt giữa sân vận động, đám đông khán giả ngồi chật trong vận động trường đã đồng loạt đứng lên vỗ tay chào mừng. Louis Xaviest được chọn để châm ngọn lửa khai mạc thế vận hội gồm hơn bốn ngàn lực sĩ khuyết tật của một trăm hai mươi chín phái đoàn tham dự; ngọn lửa soi rọi vào tất cả mọi thành tích của những lực sĩ mà không gì có thể ngăn cản nổi quyết tâm thi đua của họ. Ðiểm xúc động nhất đối với mỗi người dĩ nhiên là hình ảnh của những con người ra sức chống chọi với mọi nghịch cảnh để thắng vượt chính mình.

Ngọn lửa nội tâm, chủ đề của đêm khai mạc thế vận hội dành cho người khuyết tật đã nói lên được tấm lòng hăng say và nhiệt tâm vươn lên ấy. Nét rạng rỡ hân hoan và đầy hưng phấn của hàng ngàn lực sĩ khuyết tật đã thể hiện được ý nghĩa của thế vận hội dành cho người khuyết tật lần thứ 11 vừa qua, đó là sự chiến thắng của ý chí con người.

Sự chiến thắng của ý chí con người chính là sứ điệp mà thế vận hội dành cho người khuyết tật muốn gởi đến cho thế giới. Nhưng cùng với sứ điệp ấy thế giới cũng đón nhận được một thông điệp khác không kém quan trọng, đó là sự tôn trọng và sự yêu mến cần phải có đối với người khuyết tật. Hàng ngàn lực sĩ được may mắn có mặt trong kỳ thi thế vận hội dành cho người khuyết tật là đại biểu của vô số những người khuyết tật trên khắp thế giới. Họ có thể là những người phải mang thương tật vì tai nạn. Nhưng có biết bao nhiêu người khuyết tật là nạn nhân của chính sự độc ác của con người, và nhất là đang đau khổ vì chính thái độ kỳ thị và dửng dưng của người đồng loại.

Tôn trọng và yêu thương những người anh chị em khuyết tật. Ðây là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta để cùng đào sâu và sống. Chúa Giêsu luôn dành ưu ái cho những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Ðể đến với những người này, Ngài sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản. Trong Tin Mừng hôm nay, để chữa bệnh cho một người phụ nữ bị còng lưng, Ngài đã vượt qua một trong những thứ rào cản gai góc nhất đối với người Do Thái là những cấm kỵ của ngày hưu lễ. Nhiều người Do Thái mà ông trưởng hội đường là điển hình nại đến những cấm kỵ của ngày hưu lễ để bắt bẻ Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã vạch mặt chỉ tên những kẻ đạo đức giả. Ðạo đức giả là bởi vì họ vẫn lén lút làm việc xấu trong ngày hưu lễ nhưng lại ngăn cản không cho người khác được làm việc thiện trong ngày này.

Ðối với Chúa Giêsu, Lề Luật được làm ra vì và cho con người, chính vì thế mà Ngài đã khẳng định Lề Luật và sách các ngôn sứ đều qui về một mối duy nhất là yêu người. Vì yêu thương con người, Chúa Giêsu đã sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản để đến với con người. Ngày nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta bước theo Ngài, sẵn sàng vượt qua mọi chướng ngại và đạp rào cản trong cuộc sống để tìm đến với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống do luật pháp và truyền thống của con người dựng lên nhưng cũng có vô số những rào cản do chính chúng ta dựng lên ngay trong tâm hồn và trong ánh mắt của chúng ta. Những rào cản đó là lòng hận thù, sự ích kỷ và nhất là thái độ dửng dưng của chúng ta trước nỗi khổ đau của người khác.

Nguyện xin Ðấng đã đến để xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người và trở nên mọi sự cho mọi người, xóa bỏ mọi thứ rào cản trong tâm hồn chúng ta để chúng ta bước đi bước trước, tới với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Ngày Sabát, Ngày Làm Vinh Danh Chúa

Ngày sa bát Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” (Lc. 13, 10-12)

Theo sách Thứ luật của Cựu ước, việc thánh hóa ngày thứ bảy (ngày Sa-bát) như là ngày của Chúa, để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng dân Do thái khỏi nô lệ Ai cập. Ngày thứ bảy là dấu chỉ ngày dân Chúa được tự do. Tuy nhiên, nó đã trở thành ngày dân Do thái bị ràng buộc bởi rất nhiều giới luật cấm đoán hơn những ngày khác.

Đức Giêsu muốn phục hưng ý nghĩa chân thực của ngày Sa-bát, nó phải trở nên ngày con người thực hiện nhân phẩm và tự do của con cái Thiên Chúa và làm sáng danh Ngài.

Ngày giải phóng

Đức Giêsu đã chọn một dấu chỉ thế này: một người đàn bà bị quỷ ám từ mười tám năm, quỷ ngăn cản bà nhìn lên Thiên Chúa, hướng về trời, vì nó bắt bà phải còng lưng hẳn xuống, không thể nào đứng thẳng lên được. Bà không ngừng hy vọng được chữa lành, nhưng mọi phương thuốc loài người đều vô hiệu, không thể giải phóng bà khỏi tật gù lưng. Biết được nguyện vọng của bà, Đức Giêsu kêu gọi bà lại, đuổi quỷ ra, và đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sa-bát, ông đã lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh vào những ngày đó, đừng đến xin vào ngày Sa-bát”.

Đức Giêsu đáp lại: “Thế ngày Sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi giây, dắt bò lừa rời khỏi máng cỏ đi xuống nước? Còn bà này là con cháu Áp-ra-ham, là con cái Thiên Chúa, bị sa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sa-bát sao?”.

Ngày Sa-bát chính là ngày của Chúa đã giải phóng dân khỏi nô lệ thì bây giờ Ngài đã dùng quyền năng và lòng thương xót của Ngài mà cứu chữa bà này khỏi nô lệ sa-tan. Còn việc nào làm vinh danh Chúa hơn trong ngày Sa-bát, bằng việc chặt đứt cái giây buộc trói bà và cho bà thứ nước đức tin mà bà hằng cầu xin.

Ngày tạ ơn Thiên Chúa

Ngày Sa-bát là ngày tôn thờ, vâng phục Đấng toàn năng sáng tạo và ngợi khen cảm phục trước những công trình vĩ đại của Ngài, người đàn bà được giải thoát bắt đầu tôn vinh Thiên Chúa. “Còn dân chúng vui mừng vì những việc lạ lùng của Chúa”.

RC
 

 SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng theo thánh Luca của Thánh Lễ hôm nay kể lại: “Ngày sa-bát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường” (c. 10).

Ngày sabát, có vị trí trung tâm trong Mười Điều Răn (x. Xh 20, 1-17; Đnl 5, 1-22), được lập ra để tưởng nhớ ơn được giải thoát khỏi kiếp nô lệ, từ đó một dân tộc được tự do và được khai sinh. Chính vì thế, người Do Thái không làm việc vào ngày sa-bát, bởi vì làm việc, xét ở bình diện nào đó, mang chiều kích lệ thuộc, thậm chí nô lệ. Tuy nhiên, trong thực tế, ngày sa-bát đã biến dạng thành những khoản luật chi li, phức tạp, và qua đó thành phương tiện để dò xét và lên án; thế mà, dò xét, gài bẫy và lên án chính là hành động đặc trưng của Sự Dữ (x. Mc 3, 1-6 và Rm 7, 7-13). Đức Giê-su sẽ bật lên chiều kích chết chóc này, vốn mang dáng vẻ bề ngoài hợp Luật, và trả lại chiều kích sự sống cho ngày sa-bát.

Và hội đường là nơi Dân Chúa qui tụ để nhớ lại và tái hiện lại biến cố được Đức Chúa giải thoát và ban Lời, là nơi hiện tại hóa Giao Ước, là nơi Dân Chúa sống kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa qua Lời của Ngài. Và Đức Giêsu hiện diện ở đây, theo lời kể của bài Tin Mừng: “Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường”; Người đặt lời của mình vào Lời của Đức Chúa, đặt Ngôi Vị của mình vào Ngôi Vị của Đức Chúa, ngang qua hành động của Ngài đối với Luật sa-bát, Luật của Đức Chúa.

1Người phụ nữ còng lưng (c. 10-11)

Trước hết, chúng ta được mời gọi nNhìn ngắm Đức Giêsu giảng dạy; Tin Mừng không nói nội dung, nhưng chắc chắn lời giảng của Người có liên quan đến những gì Người sắp làm. Vì lời Người nói là Lời Thiên Chúa, lời có sức giải phóng, chữa lành.

Tiếp đến, chúng ta hãy nhìn ngắm bao lâu chúng ta muốn người phụ nữ: bà bị quỉ ám làm cho tàn tật đã mười tám năm, thời gian đủ dài để nói rằng con người hoàn toàn bất lực. Quỉ vô hình nhưng nó khả năng làm con người trở thành tàn tật, bất toại, bất động, tê liệt một cách hữu hình. Đó là tình trạng thể lí, nhưng tình trạng này nói với chúng ta nhiều điều, bởi vì tàn tật, còn có nghĩa là không được tự do, không còn khả năng hành động thực sự, bị ràng buộc, bị tê liệt khiến cho người ta không thể đi vào tương quan thực sự với người khác. Tuy chúng ta có thể hình bình thường, nhưng đôi khi chúng ta vẫn nói về mình hay về người khác là : « Tôi bị tê liệt » hay « người đó bị ràng buộc, đóng kín… ». Như thế, ma quỉ vẫn còn có thể làm cho bị tê liệt, bị tàn tật cách nào đó trong tương quan với bản thân, với cuộc sống, với ơn gọi, với sứ vụ, với người khác và với Chúa. Ma quỉ, được diễn tả bởi hình ảnh con rắn, có thể làm cho chúng ta “tàn tật”, tàn tật thực sự.

Hậu quả là lưng của bà bị còng xuống không đứng thẳng lên được: còng lưng làm cho khuôn mặt hướng xuống đất, hình ảnh này diễn thân phận người nô lệ, vốn là tư thế không phù hợp với nhân tính.

2. Đức Giêsu trông thấy bà (c. 12-13)

Giờ đây, chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm, nghĩa là nhìn, nghe và nếu có thể ngửi, nếm và đụng, cách thức Đức Giê-su chữa lành, và để cho những gì mình chiêm ngắm được tác động trực tiếp vào tâm hồn chúng ta:

  • Người trông thấy bà và gọi bà lại, như người cha nhìn thấy đứa con từ xa; như Thiên Chúa đã trông thấy mỗi người chúng ta ngay từ trong bào thai (Tv 139). Ngài quan tâm đến bà ngay ở tình cảnh khốn khổ, mất nhân phẩm; Ngài gọi mà không cần bà kêu xin, vì tình cảnh của bà đủ để đánh động lòng thương xót của Người. Vì thế, chúng ta không nên « công thức hóa » lòng thương xót và ơn cứu độ của Chúa.
  • Ngài lên tiếng: “Này bà, bà được giải thoát khỏi tật nguyền”. Ngài ngỏ lời trước; và đó là lời giải thoát, phục hồi, tái tạo. Và ơn giải thoát mà Chúa ban cho bà vượt xa vấn đề sức khỏe thể lí. Đó là ơn giải thoát khỏi ách của Sự Dữ trong tâm hồn và trong cuộc sống.
  • Người đặt tay trên bà, hình ảnh này làm chúng ta nhớ lại lời Thánh Vịnh: “Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con (Tv 139, 5), và dụ ngôn Người Cha nhân hậu: “Người cha ôm và hôn lấy hôn để người con trở về” (Lc 15, 20). Chúng ta hãy làm mới lại kinh nghiệm sự đụng chạm của Chúa ở nơi sâu kín lòng mình khi chúng ta gặp gỡ Chúa ngang qua Lời của Người, bởi vì kinh nghiệm đụng chạm là một kinh nghiệm thiêng liêng ở mức độ “thần nhiệm” (1Ga 1, 1s).
  • Chúa như muốn tái tạo bà, vì khi tạo dựng con người theo trình thuật Sáng Tạo Bảy ngày (x. St 1), Chúa vừa nói và vừa làm (x. St 1, 26). Tức khắc, bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa: hình ảnh này diễn tả tuyệt vời ơn gọi làm người: “đứng thẳng và tôn vinh Thiên Chúa”. Tư thế đứng thẳng mang nhiều ý nghĩa, cũng như tư thế “còng lưng”, nhưng theo chiều ngược lại.

Để giúp con người sống ơn gọi của mình, Đức Giêsu thật công phu: thấy, gọi, nói, đụng. Đó là những động từ diễn tả sự tuyển chọn Israel ở Ai Cập và sự tuyển chọn mà Chúa đã thực hiện cho mỗi người chúng ta. Chắc chắn Chúa thấy chúng ta, chúng ta hãy nghe tiếng gọi, lắng nghe tiếng nói diễn tả lòng ước ao giải thoát và chữa lành của Chúa.

Trong hoàn cảnh riêng của mỗi người chúng ta, đôi khi rất khó khăn, thử thách và đau khổ, chắc chắn Chúa thấy chúng ta trước, chúng ta hãy nghe tiếng gọi của Chúa và để cho Chúa đụng chạm vào tâm hồn chúng ta, và chắc chắn, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự buồn rầu, trầm cảm, chán nản, bi quan, tê liệt, đóng kín, và để cho chúng ta lạc quan vui mừng ca tụng Chúa trong cuộc đời nhỏ bé, giới hạn và khiêm tốn của chúng ta.

3. Ông trưởng hội đường và Đức Giêsu (c. 14-17)

Ông tức tối, tức tối vì một ơn hết sức lạ lùng Chúa thực hiện cho người phụ nữ. Sự tức tối của ông làm chúng ta nhớ lại sự tức tối của người con lớn trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu (x. Lc 15, 28) và sự tức tối ngấm ngầm của ông Simon Pharisiêu (x. Lc 7, 39). Chúng ta cũng thường hay tức tối kiểu này đấy nhân danh Lề Luật trước những ơn huệ mà người khác nhận được. Và cảm xúc này thật là kì dị, bởi vì, lẽ ra phải chúc mừng người khỏi bệnh và ca tụng tôn vinh lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

Tức tối trong lòng khiến ông la mắng to tiếng, vì nói với đám đông. Dù sao, chúng ta cũng phải nhìn nhận ông này cũng rất tế nhị với Đức Giêsu, ông nói với đám đông chứ không nói thẳng với Đức Giêsu. Tuy nhiên, qua đám đông, ông đánh tiếng cho Người! Lời trách của ông thật hợp luật và hợp lí. Hợp Luật: vào ngày sa-bát, không được chữa bệnh, và ông trích nguyên văn Mười Điều Răn trong sách Xuất Hành và sách Đệ Nhị Luật:

Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! (c. 14)

Luật Sabát cũng biết đến những trường hợp khẩn cấp, nhưng bệnh của bà này có khẩn cấp gì đâu. Hợp lí: bà này mười tám năm bị còng lưng, đợi thêm một ngày nữa có sao đâu! Lời này làm chúng ta nhớ lại lời của người con lớn nói với Cha trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15, 29-30)

Ngang qua hành động chữa bệnh, mà vẫn không vi phạm luật ngày Sabat, Đức Giê-su làm cho ngày sabat được hoàn tất, vì ngày sabat là ngày “con người đứng thẳng và tôn vinh Thiên Chúa”. Hình ảnh này diễn ta Ngày Thứ Bảy, vốn là điểm tới của thời gian, được Thiên Chúa chúc lành và thánh hoá (x. St 2, 1-3).

Đức Giê-su chữa bệnh ngày sa-bát, nhưng vẫn không vi phạm luật Sa-bát, bởi vì Người chữa bệnh bằng Lời, Lời sáng tạo và Lời ban sự sống (x. Mc 3, 1-6), và cùng với Lời là cử chỉ đặt tay đơn sơ. Tuy nhiên, người ta vẫn lên án Chúa! Điều này mặc khải, và chỉ có một mình Đức Giê-su mặc khải được mà thôi, người ta hành động vì sự dữ, ý thức hay không ý thức, chứ không phải vì bảo vệ Lề Luật. Như thế, Lề Luật đã trở thành phương tiện của Sự Dữ và của Tội (x. Rm 7, 7-13).

Sự tức tối dựa vào lề luật đến từ ông trưởng hội đường, có nguồn gốc từ Sự Dữ, cho dù ông không nhận ra. Vì thế, chúng ta được mời gọi nghe ra và tránh xa lời nói tức giận này vang vọng ngay trong nội tâm chúng ta, phản đối lại ơn chữa lành nhưng không của Đức Ki-tô Con Thiên Chúa.

*  *  *

Theo thánh Phaolô, Satan đã dùng Lề Luật như là dụng cụ để buộc tội trước mặt Thiên Chúa, nhằm hủy diệt con người : « Thực vậy, khi chúng ta còn ở trong xác thịt, các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả cho sự chết » (Rm 7, 5). Và đó chính là một trong những suy tư chính yếu của thư gởi tín hữu Roma : « Nhưng chính tội, để cho nó bị phơi bày ra như là tội, nó đã dùng điều tốt để gây nên cái chết cho tôi. » (Rm 7, 13)

Nơi Thập Gía, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta một cách chính xác khỏi sự công chính, đến từ chính chúng ta, dựa vào việc giữ Luật; bởi vì sự công chính này, xét cho cùng chỉ có vẻ bề ngoài, không đụng chạm và không thể đụng chạm đến chốn sâu thẳm và thầm kín của đời người và của nội tâm. Và Ngài muốn trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác tín:

Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy” (Gal 2, 16)

Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích(Gal 2, 20-21)

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Chia sẻ


Trông cậy vào Chúa


Người đàn bà còng lưng suốt 18 năm, vẫn đến hội đường nghe giảng dạy vào ngày sabat, vẫn một lòng trông cậy vào Thiên Chúa. Nhờ vậy, Đức Giêsu chạnh Lòng Thương Xót, đặt tay cứu chữa bà khỏi tật nguyền.


Thiên Chúa hằng yêu thương, an ủi, cứu độ cho những tâm hồn thành tâm tin cậy mến. Ròng rã mười tám năm chịu thử thách, đau khổ, long đong, người đàn bà vẫn kiên trì, nhiệt thành và trung tín. 
 
Tật nguyền tội lỗi


Những tội lỗi chồng chấp vấp phạm trong đời chính là những tật nguyền giam hãm, gánh nặng, làm méo mó hình ảnh tốt lành của con người, được Chúa tạo dựng, vốn ban đầu rất cân đối, lành lặn, khoẻ mạnh. 
 
“Còn bà này là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay,…” Tội lỗi không những làm biến chất, tha hoá con người, mà còn ràng buộc, trói chặt con người vào sự chết, cắt đứt mối dây liên lạc tốt đẹp của con người với Đấng Tạo Hoá. 
 
Luật phục vụ con người
 
Lề Luật của Chúa lập nên có mục đích giáo hoá con người, huấn luyện con người ngày trở nên tốt lành, trau dồi con người trở nên đức hạnh, nhân bản, yêu thương Chúa và tha nhân. Chứ không phải biến con người trở thành nô lệ vào Lề Luật, như ông trưởng hội đường quát mắng đám đông đến với Đức Giêsu: “Ðã có sáu ngày phải làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!" 
 
Người ta vẫn phải phục vụ nuôi dưỡng bò lừa vào ngày sabat, thế mà cấm đoán phục vụ cho con người, thì hết sức phi lý. Giữ luật như vậy, vừa phi nhân, vừa mất lòng Chúa và bất nhân.“Còn bà này là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?"
 
Như vậy, chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát con người khỏi mãnh lực của ma quỷ. Chỉ có Bí tích Hoà Giải mới giải phóng tội nhân khỏi ngục tù ma quỷ.
 
Lạy Chúa Giêsu, Người thấu suốt lòng dạ chúng con. Người thấy rõ chúng con đang tật nguyền, bị xiềng xích bởi những tật xấu, những ham muốn đê hèn, những tội lỗi xấu xa kín đáo của chúng con. Xin thương xót cứu rỗi chúng con khỏi ngục tù tăm tối chết chóc muôn đời. Amen.
 
AM. Trần Bình An  

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận