Thứ Hai tuần 28 thường niên.

Đăng lúc: Thứ hai - 10/10/2016 02:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Hai tuần 28 thường niên.

"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".

 

Lời Chúa: Lc 11, 29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".

 

 

 

Suy Niệm 1: Dấu Lạ Cả Thể

Thế nào là phép lạ? Theo quan niệm thông thường, khi một sự kiện có giá trị tích cực không thể giải thích được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo thì cho rằng phép lạ là một sự can thiệp của Chúa. Giáo Hội Công Giáo luôn tin có phép lạ, nhưng trong thực tế lại tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc nhìn nhận các phép lạ; cụ thể là những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức bên Pháp: từ hơn 100 năm nay, đã có trên 2,000 trường hợp khỏi bệnh được nhiều người xem là phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo chỉ chính thức nhìn nhận 67 vụ thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.

Thế nào là phép lạ? Thiên Chúa có còn làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.

Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.

Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.

Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.

Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống chúng ta. Ước gì chúng ta cũng trở thành dấu lạ cho những người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Dấu Lạ Ông Giôna

Chắc mỗi người chúng ta ít nhiều đều trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do Thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi.

Nơi câu 14 chương 11, Phúc Âm theo thánh Luca, trong khi đã chứng kiến tận mắt phép lạ Chúa Giêsu trừ quỉ thì có kẻ trong đám đông đưa ra lời giải thích đầy ác ý: "Ông ấy dựa trên quỉ vương Bêendêbun, quỉ cả mà trừ quỉ con", kẻ khác lại muốn thử Ngài nên đòi Ngài một dấu lạ từ trời. Ðoạn Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe đọc lại trên đây có thể được ta hiểu trong khung cảnh sự ngoan cố không tin của những người Do Thái, nhất là của những vị lãnh đạo đầy ác ý và ganh tị với Chúa. Chúa Giêsu nhận định về họ như sau: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ, nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gioan". Xin Chúa ban cho một dấu lạ để củng cố một quyết định không phải là một điều xấu nếu ta xin bởi lòng khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa. Các thánh thường làm như vậy để được củng cố giữa những thử thách. Khiêm tốn xin Chúa một dấu lạ với một tâm hồn ngay thẳng, tin tưởng, phó thác khác với một thái độ ác ý, thách thức. Và Chúa Giêsu từ chối chiều theo thách thức ác ý của những kẻ ngoan cố không tin.

Ðể tin nhận Chúa, cần phải thực hiện một ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: "Quả thực, ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy". Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ. Dân thành Ninivê đã được Chúa nhắc lại để nêu gương vì họ đã tỏ ra mau mắn đáp lại lời rao giảng của tiên tri Giôna mà ăn năn thống hối. Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái độ như thế nào trước những dấu lạ Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, để mời gọi ăn năn hối cải trở về tin nhận Chúa. Ðức tin không phải là kết luận đương nhiên của những dấu lạ nhưng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho những tâm hồn khiêm tốn, biết ăn năn hoán cải vì những lỗi lầm của mình.

Lạy Chúa,

Xin thương ban cho con một tinh thần khiêm tốn để có thể nhìn thấy và hiểu được những ý nghĩa dấu lạ Chúa thực hiện trong con và quanh con để mời gọi con canh tân đời sống, từ bỏ những ác ý trở về cùng Chúa.

Lạy Chúa,

Xin hãy thương ban cho con một tâm hồn khiêm tốn, trong sạch. Xin ban cho con đức tin. Con tin nhưng hãy thương ban ơn trợ giúp cho đức tin còn non yếu nơi con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Căn cước của Đấng Mê-si-a

Đức Giêsu nói: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na rao giảng, mà đây thì còn hơn ông Gio-na nữa. (Lc. 11, 32)

“Người ta đồn: Đây là Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên sai cứu thế! Thế thì Ngài có làm nhiều phép lạ không?”. Rồi tứ phía người ta tấp nập chạy đến, tụ họp đông đảo vây quanh Đức Giêsu. Họ xin: “Xin cho chúng tôi man-na như Mô-sê đã cho tổ phụ chúng tôi. Được thế, người ta sẽ nhận Ngài thật là ngôn sứ vĩ đại và tin vào Ngài”. Vậy theo họ bắt buộc: Thiên sai cứu thế phải làm dấu lạ từ trời xuống.

Từ chối đòi hỏi của họ:

Đức Giêsu quá rõ người ta. Họ chạy theo dấu lạ. Rồi … họ chẳng còn thấy ơn ích gì nữa. Người ta đi trên mặt trăng; khi được rồi, người ta lại bỏ, đi tìm cảm giác mới trên một hành tinh khác. Trước sự bất nhất hay thay đổi của tính con người, “của thế hệ gian ác này”, Đức Giêsu giữ thái độ huyền nhiệm và từ chối hẳn, không làm dấu lạ như họ đòi hỏi kêu xin. Người từ chối dùng cách cưỡng bách họ phải tin.

Chính Người là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đã đến với họ. Tuy nhiên, Người không từ chối chữa bệnh và đuổi quỷ ám. Những ai có tâm hồn cởi mở đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, họ thấy được ngón tay của Thiên Chúa trong những công việc và lời nói của Đức Giêsu và họ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên sai cứu thế, là Con Thiên Chúa hằng sống. Họ không cần đòi căn cước chứng minh thêm, ký tên thêm, ấn chứng phụ nữa.

Kêu gọi lòng tin

Gio-na không ai biết căn cước về ông. Một cách đơn giản, bình thường, ông đã rảo khắp phố phường kêu gọi: “Còn bốn mươi ngày nữa thành Ni-ni-vê sẽ bị án phạt tiêu diệt”. Ông chưa đi được ba ngày đường, dân thành đã tin vào Thiên Chúa, và vua tuyên bố ăn chay đền tội. Và thành Ni-ni-vê được Thiên Chúa tha thứ. Hoàng hậu Sa-ba nghe biết sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn, bà từ tận cùng trái đất đến nghe lời vua. Đức Giêsu nói: Sự loan báo của Người hơn cả Gio-an, sự khôn ngoan của Người hơn cả Sa-lô-môn. Nhưng dân được hưởng giao ước lại từ chối tin vào Người, nên họ sẽ bị những dân ngoại kết án họ trong ngày phán xét.

Ở mọi thời, Thiên Chúa vẫn bày tỏ những dấu chỉ về Ngài. Ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, dù phần lớn nhân loại không nhận ra, ngay cả dân riêng của Ngài cũng không đón nhận lời Đức Giêsu nói, tuy nhiên, lời Người luôn luôn sống động và khẩn thiết. Tại sao lại đòi xem căn cước của Người hay đòi biết số thẻ bảo hiểm xã hội của Người trước khi nghe Người?

RC
 

SUY NIỆM:

1. Dấu lạ và lòng tin

Người ta, có khi cả chính chúng ta nữa, thường nghĩ rằng, khi thấy điều lạ lùng thì sẽ tin. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết, nhìn thấy không tất yếu dẫn đến lòng tin: Con cái Israel chứng kiến 10 dấu lạ, nhưng vừa ra khỏi Ai Cập gặp thách đố đã kêu: “Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” Thiên Chúa sẽ làm dấu lạ lớn hơn nữa cho họ, đó là mở đường đi ngay trong lòng biển cả (x. Tv 77, 20-21). Nhưng khi vừa đi qua Biển Đỏ khô chân, vào sa mạc thiếu nước, họ tiếp tục kêu; và sẽ còn kêu hoài, mỗi khi gặp khó khăn thử thách.

Các vị kinh sư và Pharisiêu chứng kiến Đức Giê-su làm dấu lạ, nhưng họ lại nói: đó là nhờ tướng quỉ Bêendêbun; họ chứng kiến Ngài chữa lành, thì họ dựa vào lề luật để lên án Chúa. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ dòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin”.

Dấu lạ không tất yếu dẫn đến lòng tin, vì dấu lạ tự nó rất khó xác minh; hơn nữa, nếu có dấu lạ thực sự, thì dấu lạ chỉ xẩy ra một lần hay vài lần, tại một nơi và trong một thời điểm nhất định. Bởi vì, chẳng lẽ, ngày nào Chúa cũng phải làm dấu lạ cho chúng ta tin? Trong khi tin, là tin ở mọi nơi và mọi lúc, tin suốt đời; tin là một quà tặng, là đặt đời mình vào tay người khác, vào tay người bạn đời, vào tay Hội Dòng, vào bàn tay của Chúa; tin những khi có dấu lạ, và tin cả khi không có dấu lạ, khi đầy khó khăn thử thách, như lời Thánh Vịnh nói: “tôi đã tin cả khi mình đã nói: ôi nhục nhã ê chề”.

Và như chúng ta có kinh nghiệm, những ngày không có dấu lạ, những ngày bình thường, những ngày thử thách và đau khổ mới là nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng kinh nghiệm đức tin cũng cho chúng ta thấy rằng, khi tin rồi, chúng ta sẽ có một tâm hồn biết chiêm ngắm, nhận thấy cái gì cũng lạ [1].

2. Dấu lạ đời mình

Tương quan giữa “thấy” và “tin” hiểu như trên giúp chúng ta hiểu được phần nào câu trả lời gay gắt đến bất ngờ của Đức Giê-su: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ”. Đức Giê-su đã không làm theo yêu cầu của họ, vì nếu có làm dấu lạ cho họ xem, cũng vô ích, bởi lẽ đó là lòng ham muốn những điều lạ; thế mà, lòng ham muốn thì không có giới hạn, như dân Do Thái ở trong sa mạc: đã thấy một, thì đòi hai, thấy hai, thì đòi ba; thấy dấu lạ từ đất, thì đòi dấu lạ từ trời, thấy dấu lạ nhỏ, thì đòi dấu lạ to, thấy dấu lạ to, thì đòi dấu lạ to hơn… cứ như thế, không bao giờ cùng. Thay vì làm dấu lạ cho họ xem, Đức Giêsu mời gọi họ:

1. Trở về với chính mình, khi gọi họ là “một thế hệ gian ác”. Nghĩa là họ phải xét lại mình đã sống với tha nhân như thế nào? Với anh em, chị em của mình như thế nào, với những người trong gia đình thế nào?

2. Ngoài ra, Ngài còn mời gọi họ hãy nhớ lại lịch sử cứu độ:

  • Nhớ lại lời mời gọi hoán cải của ngôn sứ Giona, như một dấu lạ. Nhớ lại sự khôn ngoan của vua Salomôn, như một dấu lạ. Và đó là những dấu lạ rất đời thường.
  • Nhớ lại hình ảnh lạ lùng: ngôn sứ Giona trong bụng kình ngư, dưới lòng biển cả, được Thiên Chúa cứu thoát.

3. Dấu lạ Đức Giê-su Ki-tô

Và chính Đức Giê-su mà họ đang nghe, mà chính chúng ta vẫn lắng nghe và rước vào lòng mỗi ngày trong Thánh Lễ, là một Dấu Lạ; Ngài là dấu lạ, lớn hơn mọi dấu lạ, khi Ngài để cho mình bị đóng đinh ở trên Thánh Giá. Đức Ki-tô chịu đóng đinh chính là dấu lạ hoàn tất mọi dấu lạ:

  • dấu lạ trong lời mời gọi hoán cải,
  • dấu lạ trong sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa,
  • dấu lạ mạc khải tình yêu thương xót,
  • dấu lạ mặc khải khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa,
  • dấu lạ chiến thắng ý muốn chết chóc của con người, chiến thắng Tội và Sự Dữ,
  • và dấu lạ chiến thắng Sự Chết.

* * *

Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra bản thân và cuộc đời của chúng ta cũng là một dấu lạ, qua đó, chúng ta nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa, chúng ta nghe được tiếng gọi và tín thác đi theo Chúa trong ơn gọi gia đình, hay ơn gọi dâng hiến, để ca tụng, tạ ơn và tôn vinh Chúa suốt đời.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

……………………………………………………………………………

 

[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ, sẽ có những hệ quả nghiêm trọng: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Trong thâm tâm, không chấp nhận thân phận bình thường của mình và không liên đới với thận phận bình thường của người khác, khi mình đòi dấu lạ. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

Từ khóa:

gian ác, tiên tri

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận