Thứ Ba tuần 30 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 25/10/2016 01:22 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Ba tuần 30 thường niên.

"Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to".

 

Lời Chúa: Lc 13, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó". Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".

 

 

Suy Niệm 1: Sức Mạnh Nội Tại Của Nước Chúa

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm hai dụ ngôn về Nước Trời: hạt cải và nắm men. Cả hai dụ ngôn làm nổi bật khởi điểm khiêm tốn nhỏ bé của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.

Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà thôi. Thật thế, khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến Nước Chúa đang xảy ra như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối lịch sử: mặc cho những thử thách, những ngăn trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.

Hai dụ ngôn: Hạt Cải và Nắm Men trong bột, gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi phải đương đầu với trở ngại, thử thách trong đời sống đức tin. Nhìn thấy những điều tiêu cực luôn xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới, chúng ta có thể tự hỏi: Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới ngày càng bị tục hóa và bị nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa không? Một chút men Lời Chúa có đủ sức thu hút và biến đổi con người nên tốt hơn không? Ðã hơn 2,000 năm kể từ khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên Thập giá, nhưng thử hỏi nhân loại ngày nay có tốt đẹp hơn ngày xưa không?

Nếu suy nghĩ theo lý luận tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào thất vọng. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu qua hai dụ ngôn trên đây không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó, bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa mở rộng con mắt đức tin chúng ta, để chúng ta nhìn thấy tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hằng ngày. Xin cho chúng ta luôn kiên trì trong thử thách và luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Sức Mạnh Của Nước Thiên Chúa

Hôm nay Giáo Hội chúng ta được mời gọi suy niệm các câu 18-21 của chương 13 Phúc Âm theo thánh Luca, kể lại hai dụ ngôn ngắn của Chúa Giêsu về Nước Trời giống như hạt cải và giống như men được trộn với bột. Cả hai dụ ngôn đều làm nổi bật điểm khởi đầu khiêm tốn nhỏ nhoi của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.

Dụ ngôn về hạt cải nhấn mạnh đến sự phát triển theo chiều ngang, theo thể lượng từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây có cành lá to lớn đến nỗi chim trời có thể đến đậu vào được; và dụ ngôn thứ hai về chất men được đem trộn vào bột, nhấn mạnh đến chiều sâu, đến phẩm chất sâu xa của Nước Chúa từ chất men có thể làm dậy cả thúng bột.

Cả hai đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh mà chúng ta nhìn thấy nhờ đức tin mà thôi. Không có đức tin chúng ta sẽ không vượt qua được những thử thách xem ra như đang cản trở sự phát triển của Nước Chúa trên trần gian này. Chúng ta cũng lưu ý thêm là khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến đang xảy ra của Nước Chúa như thế nào trong dòng lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử thách, những ngăn trở Nước Chúa dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn cuối cùng sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.

Hai dụ ngôn trên của Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi chúng ta phải đương đầu với những trở ngại, những thử thách trong đời sống đức tin, khi chúng ta nhìn thấy những điểm tiêu cực không ngừng xảy ra trong Giáo Hội, trong Nước Chúa.

Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới càng ngày càng bị trần tục hóa, càng ngày càng nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa hay không? Chất men lời Chúa có đủ sức mạnh thu hút con người và biến đổi con người trở nên tốt hơn hay không? Gần hai ngàn năm rồi, kể từ khi Con Thiên Chúa xuống thế thực hiện công việc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên thập giá và sống lại nhưng thử hỏi, nhân loại ngày hôm nay có tốt hơn ngày xưa không? Nếu suy luận theo cái lý tự nhiên, theo những toan tính phàm trần có thể chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào thất vọng. Nhưng lời dạy của Chúa Giêsu qua dụ ngôn trên không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng, chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ hoàn tất như thế nào nhưng hàng ngày chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy và cầu nguyện: "Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Chúng ta hãy cầu nguyện và dấn thân làm tất cả những điều mình có thể với ơn Chúa soi sáng.

Lạy Chúa,

Xin mở rộng đôi mắt niềm tin chúng con để chúng con được nhìn thấy những tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hàng ngày. Xin thương ban cho chúng con được kiên trì trong những thử thách và luôn luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Nước Trời Là Gì?

Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.

Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc. 13, 19-21)

Sau khi nói về ngày nước Thiên Chúa đến, Đức Giêsu muốn dân chúng hiểu rằng triều đại nước Chúa không phải là tai biến lớn của vũ trụ như các ngôn sứ loan báo. Ngày phán xét như Người đã nói trên, nhưng bắt đầu triều đại Thiên Chúa thì giác quan không thể thấy được. Đức Giêsu chỉ giới thiệu nước Thiên Chúa bằng những hành động chữa lành các bệnh tật và giải thoát khỏi thần dữ. Đó là những dấu chỉ nước trời. Qua dấu chỉ đó cho ta biết triều đại Thiên Chúa chính là sự sống đời đời trong con người và trong Giáo hội. Sự sống lành mạnh, không còn bệnh tật, đau khổ, chết chóc, sự sống thánh thiện, không còn dấu vết của sự dữ, của quỷ thần xấu xa tội lỗi.

Phát triển của sự sống nước trời

Hạt cải đen sấp sỉ lớn bằng đầu mũi kim khâu, ở bờ hồ Giê-nê-sa-rét. Cây nó cao lớn từ hai mét năm mươi đến ba mét (8-9 bộ). Lúc đầu, nó nhỏ nhất, bé bỏng nhất, lớn lên thật đáng ngạc nhiên, nếu vườn được trồng cấy quang đãng và tưới bón kỹ.

Đời sống đời đời trong mỗi Kitô hữu như hạt cải nhỏ bé được lớn lên nhờ ánh sáng lời Chúa, sức nóng ấm áp của tình yêu Thiên Chúa và nước hằng sống của Thánh Thần, như thế, nó có thể lớn lên tới mức cho “chim trời đến làm tổ trú ẩn”. Nghĩa là cho các nhân đức sinh sôi nảy nở, được chở che và nuôi sống.

Sự sống dậy men, lan rộng

Ban chiều, bà nội trợ lấy nắm men trộn vào ba mươi ký lô bột (ba đấu). Sáng hôm sau, tất cả khối bột đã dậy men và chuẩn bị đặt vào lò.

Hành động của Thiên Chúa trong Giáo hội cũng thế: Không thể thấy, không thể cảm được, lời Đức Giêsu thông ban sự sống cho mọi người qua nắm tay của các môn đệ cũng không thể thấy, không thể cảm được. Những người đó đang phát triển theo quyền năng biến đổi của men hằng sống và truyền thông sức mạnh đó sang người khác. Và cứ thế lan rộng, không gì có thể ngăn cản khối người đang phát triển đó. Chính vì thế, nước Thiên Chúa tiếp tục lớn mạnh, nhưng chẳng trông thấy sức sống mạnh mẽ đó từ khi khởi đầu cho đến tận thế. Chỉ có người đã nhận được sự khôn ngoan của Thiên Chúa nhờ đức tin, trong khiêm tốn và phó thác cho hành động của lời Chúa, mới có thể am tường được nước trời đã đến và ngày giờ đút lò sắp tới.
 

SUY NIỆM:

1. Ngôn ngữ dụ ngôn

Trước khi lắng nghe dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (13, 1-2)[1]. Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong Giáo Xứ của chúng ta, ngay gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.

Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng kể dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.

Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mình khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào. Và đó chính là trường hợp dụ ngôn Người Gieo Giống mà chúng ta vừa nghe.

2. Dụ ngôn hạt cải và nắm men

Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men, mà Đức Giêsu dùng để diễn tả Nước Trời, rất nhỏ bé (cả ở bình diện bản văn, nghĩa là rất ngắn gọn, lẫn trong thực tế) và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:

Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp sự khởi đầu và hoàn cảnh nhỏ bé mong manh, so với những thực tại trần thế khác trong thế giới, Nước Trời mà chúng ta đón nhận và làm cho lớn lên, và có nhiều người trong chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng, tất yếu sẽ tồn tại, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim trời làm tổ trên cành được và hình ảnh cả ba thúng bột dậy men diễn tả sự viên mãn tất yếu của Nước Trời.

Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt cải, tiến trình dậy men tự nhiên trong ba thúng bột, đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.

3. Hạt giống “Lời Chúa”

Hai dụ ngôn Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng đã và đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xẩy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống và tất cả đã được Chúa vùi vào một nắm men. Hạt giống và nắm men thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống và nắm men chính là Lời Chúa.

Lời Ta, một khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. (Is 55, 11)

*  *  *

Trong bữa tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: « Anh em là bạn của Thầy » và « Không có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình » (Ga 15, 13-14). Qua q hành vi rửa chân của các Tông Đồ và hành vi trao chính Mình và Máu Người cho các ông, Đức Giê-su muốn thánh Phê-rô, các Tông Đồ và tất cả chúng ta hiểu ra rằng, Ngài không chỉ muốn gieo lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính sự sống của Ngài. Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một.

Hạt giống và nắm men chính là sự sống và ngôi vị của Đức Ki-tô, chính vì vậy mà sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

[1] Hình ảnh này đã có thể nói cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi: đám đông sẽ xổ đẩy Ngài vào sự chết, và Ngài cứ để như thế, để làm cho dụ ngôn Người Gieo Giống được hoàn tất cách trọn vẹn: Người Gieo Giống gieo chính mình, vì ngôi vị của Ngài là Hạt Giống, sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm, khi “được gieo” vào lòng đất.

Từ khóa:

thiên chúa, so sánh

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận