Thứ Năm tuần 30 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 27/10/2016 02:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Năm tuần 30 thường niên.

"Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem?"

 

Lời Chúa: Lc 13, 31-35

Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: "Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy". Người trả lời: "Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: "Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem". "Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!"

 

 

Suy Niệm 1: Giờ Chúa Viếng Thăm

Một diễn giả thuyết trình cho các bậc phụ huynh về thái độ phải luôn thông cảm với con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ. Diễn giả vừa dứt lời, thì có một người mẹ phát biểu ý kiến: "Trong bài thuyết trình, ông đã nhiều lần nhắc đến những sai sót của cha mẹ không đủ kiên nhẫn để tỏ ra thông cảm với con cái. Phần tôi thì có kinh nghiệm ngược lại: tôi luôn luôn tìm cách thông cảm với con cái, nhưng chẳng những chúng không nghe lời tôi, mà còn chống lại tôi. Xin ông vui lòng cho chúng tôi biết phải làm gì nữa để con cái nghe lời chúng tôi".

Kinh nghiệm của người mẹ trên đây có thể giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tâm tình của Chúa Giêsu đối với người Do thái và, đối với thành Giêrusalem như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Ðó là tâm tình yêu thương của Chúa trước sự khước từ của dân Chúa. Tác giả Gioan đã đưa ra nhận định chung về cuộc đời của Chúa Giêsu: "Ngài đã đến nơi nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận". Con người là tạo vật của Thiên Chúa, nhưng lại có quyền tự do từ chối Ngài, đó là cái bi thảm của cuộc đời.

Chúng ta sẽ càng cảm thông với những tâm tình của Chúa Giêsu, khi chúng ta biết rằng lúc đó Ngài đang tiến về Giêrusalem, tiến đến gần giây phút thực hiện cuộc Vượt qua của Ngài để đem ơn cứu rỗi cho mọi người, nhưng cũng chính lúc đó sự chống đối của các kẻ thù Chúa mỗi lúc một gia tăng. Những người Biệt phái, Luật sĩ, Tư tế trong dân, đang tìm cách loại trừ Chúa, ngay cả vua Hêrôđê Antipas cũng không ưa thích gì Ngài, chính ông ra lệnh chặt đầu Gioan Tẩy giả, đó là điềm không tốt cho Chúa Giêsu lúc đó đang có mặt trên phần đất thuộc thẩm quyền của ông.

Tuy nhiên, sự độc ác của con người không thể làm cho Thiên Chúa không yêu thương con người. Trái lại, Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên yếu hèn, bị khinh chê, Ngài vẫn yêu thương con người và yêu thương cho đến chết trên Thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không phải là một chiến bại vĩnh viễn, bởi vì rồi đây con người sẽ trở lại nhìn nhận Thiên Chúa. Lời tiên báo của Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng hy vọng: "Các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến lúc các ngươi nói: chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa". Ðây không chỉ là lời tiên tri về cuộc khải hoàn của Ngài vào thành Giêrusalem, nhưng còn là lời tiên tri về cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.

Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra những giờ phút của ân sủng Chúa đến viếng thăm chúng ta. Ước gì chúng ta cảm nghiệm được tình yêu dịu dàng của Chúa để có thể nói lên lời tri ân chúc tụng Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Ý Định Của Thiên Chúa Bất Di Dịch

“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc. 13, 34)

Ngay từ đầu cuộc sống công khai của Đức Giêsu thành Na-gia-rét, người ta đã tìm cách giết Người. Giờ của Người chưa đến. Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người đi qua đất của Hê-rô-đê mới giết Gio-an tẩy giả. Có mấy người báo cho Đức Giêsu phải nhanh chóng rời bỏ đây ngay vì Hê-rô-đê đang muốn giết Người.

Vua chúa thế gian chẳng thay đổi được gì

Dân Na-gia-rét cũng như Hê-rô-đê không thể giết được Đức Giêsu. Hôm nay và ngày mai là thời giờ bày tỏ quyền phép và tình yêu của Thiên Chúa. “Tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật”, không gì có thể ngăn cản được Đức Giêsu thi hành thánh ý Thiên Chúa. Người đi theo con đường đưa tới cái chết hy sinh để hoàn tất nhiệm vụ của Người. Người không tìm cách trốn thoát, mà tự ý chấp nhận cái chết vì chính Người có quyền cho đi sự sống và lấy lại. Lời chứng của Người phải được loan truyền tới Giê-ru-sa-lem, vì Người là ngôn sứ và phải chịu chung số phận với các ngôn sứ. Hê-rô-đê không thể quyết định bắt Người chịu chết. Chính Người quyết định về ngày giờ. Sự đe dọa của Hê-rô-đê chỉ đáng giục sọt rác. “Các ngươi hãy đi nói với con cáo ấy!”

Giê-ru-sa-lem trung thành với cái bất trung

Lịch sử của Giê-ru-sa-lem là luôn luôn từ chối ý định của Thiên Chúa tới cùng. Dân Do thái đã bất trung với Thiên Chúa từ lâu đời. Các ngôn sứ đều cảnh cáo nhiều lần về sự bất trung đó và đều thất bại nặng nề. Nhiều lần Thiên Chúa đã phạt họ, từ bỏ đền thờ và trao nộp cho quân thù phá hủy.

Chính Đức Giêsu đã kêu gọi dân thành Giê-ru-sa-lem trở về kẻo không kịp. Họ vẫn bất trung, con tim họ chai đá và từ chối lắng nghe lời cảnh báo. Họ khinh chê quà tặng cứu độ, sự che chở và lòng thương xót của Thiên Chúa. Giờ đây, gần đến hồi kết thúc, Thiên Chúa sẽ bỏ mặc nhà Gia-cóp và dân Do thái không còn thấy Người nữa cho đến ngày phán xét. Ngày đó Ngài chỉ đón tiếp kẻ nào đến nhân danh Chúa Giêsu mà thôi.

RC

Suy niệm:

Sống là bước đi mỗi ngày trong cuộc hành trình, phiêu lưu. 
Hơn ai hết Đức Giêsu đã sống phận người của mình như thế. 
Cuộc sống nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu. 
Cuộc sống bấp bênh, sống nhờ lòng tốt của người khác. 
Hơn thế nữa, cuộc sống này còn bị đe dọa bởi quyền bính đạo đời. 
Trong bài Tin Mừng hôm nay, vài người Pharisêu báo tin cho Đức Giêsu 
về việc tiểu vương Hêrôđê muốn giết Ngài (c. 31). 
Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê, 
vì chính ông này đã giết ngôn sứ Gioan Tẩy giả.

Đức Giêsu lộ vẻ ung dung, không sợ hãi gì. 
Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật ranh mãnh quỷ quyệt (c. 32). 
Đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước. 
Ngài vẫn tiếp tục làm điều đã làm như trừ quỷ và chữa bệnh. 
Hôm nay, ngày mai, ngày mốt vẫn cứ như thế. 
“Tôi phải tiếp tục đi” (c. 33). 
Đức Giêsu biết rất rõ mình đang đi đâu và đến đâu. 
Ngài sẽ tiếp tục lên đường, không phải vì sợ quyền lực của Hêrôđê, 
nhưng vì Ngài chấp nhận ở dưới quyền của Thiên Chúa. 
Ngài hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại. 
Đức Giêsu ý thức mình là một ngôn sứ của Thiên Chúa. 
Số phận của Ngài cũng chẳng hơn gì bao ngôn sứ khác. 
Cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem.

Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương. 
Đức Giêsu đã âu yếm gọi hai lần: “Giêrusalem, Giêrusalem!” 
Ngài tự ví mình như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh. 
“Đã bao lần Ta muốn… nhưng các ngươi lại không muốn” (c. 34). 
Một tình yêu bị từ chối nên thốt lên những lời thở than. 
Vị ngôn sứ Giêsu phải dừng bước khi con người khép lòng mình lại. 
Án phạt đến từ thái độ từ khước của con người, 
giống như đàn gà con không để cho gà mẹ chở che dẫn dắt. 
“Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (c. 35). 
Thiên Chúa bỏ đền thờ, bỏ thành thánh Giêrusalem mà đi, 
để mặc cho quân thù vây hãm và tiêu hủy. 
Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang. 
Lúc ấy mọi người sẽ tung hô: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.

Chúng ta cũng có sứ mạng làm ngôn sứ như Đức Giêsu. 
Những đe dọa, đụng chạm đến an toàn là điều không tránh khỏi. 
Nhưng chúng ta vẫn được mời gọi đi đến cùng con đường của mình, 
với một tinh thần bất khuất, không gì lay chuyển. 
Vẫn phải trung thành với việc được Thiên Chúa giao, 
dù điều đó dẫn ta đến với cái chết. 
Trước một Giêrusalem thù nghịch, xin có được đảm lược của Giêsu. 
Trước một Giêrusalem từ khước, xin có được lòng nhân hậu. 
Để trái tim chúng ta biết kết hợp đảm lược với lòng nhân.

Cầu nguyện:

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 

 SUY NIỆM:

1. Vua Hê-rô-đê và “Con Cáo”

Vua Hê-rô-đê đã chém đầu thánh Gioan Tẩy Giả và giờ đây, theo những người Pha-ri-sêu, nhà vua lại còn muốn giết cả Đức Giê-su nữa! 
Có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: « Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông! » (c. 31)

Tuy nhiên, thái độ của vua Hê-rô-đê đối với Đức Giê-su phức tạp hơn nhiều. Thực vậy, sau khi đã giết thánh Gio-an, nhà vua phân vân về căn tính của Đức Giê-su và tìm cách để gặp Người: « Ông Gio-an, nhà vua nói, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? » Rồi ông tìm cách gặp Đức Giê-su (x. Lc 9, 7-9). Chính vì thế, trong cuộc Thương Khó, vua Hê-rô-đê đã rất vui mừng khi thấy Đức Giê-su, được giải tới từ dinh tổng trấn Philatô. Và như tất cả chúng ta đều biết, nhà vua không kết án tử Đức Giê-su, nhưng muốn thấy Ngài làm vài phép lạ ! (x. Lc 23,8-12)

Ngày nay, vẫn còn những người như thế, đến với Chúa hay các thần linh chỉ vì muốn có các phép lạ, đáp ứng nhu cầu của mình. Thần này không linh, thì quay sang thần khác, thậm chí chễ diễu thần linh. Nhưng Hê-rô-đê, những người đương thời và chính các môn đệ, cũng như loài người chúng ta hôm nay chỉ thấy được một Đấng Cứu Thế sống đến cùng thân phận của một Ngôn Sứ, của loài người và của từng người chúng ta. Nhưng đó lại là con đường dẫn đến sự sống.

Đúng là vua Hê-rô-đê đã không kết án Đức Giê-su, nhưng trong cuộc Thương Khó, ông không quan tâm gì đến hoàn cảnh của Đức Giê-su và thi hành bổn phận quan án, ông chỉ muốn làm thỏa mãn sự tò mò của mình mà thôi. Điều ông quan tâm là thấy các phép lạ, chứ không phải là chính ngôi vị của Đức Giê-su, không phải là ơn tha thứ, ý nghĩa cuộc sống, sự sống và niềm vui mà Người sẽ mang lại cho ông. Vì thế, ông chỉ coi Đức Giê-su là người diễn trò mới lạ. Nghiêm trọng hơn, ông là nhà vua, nhưng ông chẳng quan tâm gì đến việc xử án. Ông chỉ tò mò đi tìm những thú vui mới lạ; nên khi không được Đức Giê-su đáp ứng, ông quay ra dùng Đức Giê-su làm trò tiêu khiển, khinh dễ, chế diễu ngài; cuối cùng, giao Đức Giê-su lại cho Philatô một cách vô trách nhiệm.

Giao Đức Giê-su lại cho Philatô và đám đông đang tố cáo và gào thét đòi đóng đinh Người, chính là “mượn đao giết người”. Chính vì thế, Đức Giê-su gọi ông là “Con Cáo”! Ai cũng có nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng lại có người tự biến mình thành con thú, nghĩa là sống theo thú tính !

2. Hoàn tất lịch sử cứu độ

Một đàng, Sự Dữ hành động nơi những con người cụ thể, nơi vua Hê-rô-đê và sau này nơi rất nhiều người khác, nhưng đàng khác, kế hoạch cứu độ vẫn được thực hiện và hoàn tất. Thực vậy, Đức Giê-su đang ở trên đường đi Giêrusalem, và chính tại đó, Người sẽ nộp mình cho sự dữ để cho Kinh Thánh, nghĩa là lịch sử cứu độ, được hoàn tất:

Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được. (c. 33)

Thật vậy, về cuộc Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giê-su không chỉ loan báo nhưng còn dạy các môn đệ (x. Mc 6, 31-33); và chúng ta có thể hiểu lời này của Người dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua: « Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất ».

Như thế, những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Thật vậy, nơi cuộc Thương Khó và Thập Giá, Đức Ki-tô mặc khải sữ dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ; mặc khải về thân phận con người: hành trình làm người không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết; mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi và ban ơn chữa lành, và bày tỏ sự thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người, như thánh Phao-lô xác tín :

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta (Rm 8, 38-39).

Con đường Thương Khó của Đức Ki-tô mang dáng vẻ bề ngoài là « điên rồ và sỉ nhục ». Nhưng chúng ta lại được Thiên Chúa tuyển chọn để nhận ra đó là «sự khôn ngoan và sức mạnh» của Thiên Chúa, từ đó khát khao mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su trong thử thách, đau khổ và tai họa:

– Nhờ Người, với Người và trong Người, trong thử thách, đau khổ và tai họa, chúng ta tín thác nơi tình yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa, thay vì kêu trách, vì xác tín rằng “Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Người rẽ nước mênh mông” (Tv 77, 20) và “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).

– Nhờ Người, với Người và trong Người, trong thử thách, đau khổ và tai họa, chúng ta được mời gọi bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, là tuyệt đối hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11, 28-30).

– Và nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta sống sự sống mới ngay trong thử thách, đau khổ và tai họa, ngang qua sự tự do nội tâm đối với Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, đó là sự vô ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị, bạo lực….. Giống như những người trẻ mời gọi toàn thể tạo vật và loài người cùng ca tụng Chúa ngay trong thử thách “lò lửa” (x. Đn 3, 57-90).

3. Gà mẹ tập họp gà con dưới cánh

Bài Tin Mừng kết thúc với lời than của Đức Giê-su đối với Giê-ru-sa-lem; và lời than này thật là triệt để: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!” Đức Giê-su mặc khải sự thật về Giêrusalem, vốn là thành đô, được ưu ái tuyển chọn cách đặc biệt, để chữa lành và mời gọi hoán cải.
Xin cho lời của Đức Giê-su về Giêrusalem đụng chạm đến mọi thành đô, mọi cộng đồng và mọi người, trong đó có chúng ta hôm nay, để chúng ta có thể nhạy bén với sự hiện diện của Chúa, sự viếng thăm của Chúa. Nếu không chúng ta sẽ “bị bỏ mặc”; hay đúng hơn, chính loài người chúng ta đã lựa chọn bỏ mặc Chúa rồi, và Chúa tôn trọng sự lựa chọn của chúng ta, như lời Thánh Vịnh trong giờ Kinh Sáng diễn tả :

Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời,
Ít-ra-en nào đâu có chịu.
Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá,
muốn đi đâu thì cứ việc đi! 
(Tv 81, 12-13)

Nơi Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đến tìm kiếm chúng ta, như gà mẹ mong muốn tập họp gà con của mình dưới cánh, để cho chúng ta ngay hôm nay, mỗi ngày và suốt đời, nhận ra Người và hát vang: « Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! »

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

tụ họp, ấp ủ, thế mà

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận