Thứ Hai Tuần 31 TN

Đăng lúc: Thứ hai - 03/11/2014 04:02 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ HAI TUẦN 31 TNTh. Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ

Bài đọc (Pl 2, 1-4)
Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Đức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau; chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh, hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình; mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác.

Tin Mừng (Lc 14, 12-14)
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: “Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn”.

Thánh Martin Porres (1579-1639)
Thánh Martin có trái tim nhân hậu dành cho những người nghèo khổ và bị khinh miệt. Ngài là con của một phụ nữ da đen ở Panama, có thể là người Mỹ, và một đàn ông da trắng quý tộc ở Lima, Peru. Ngài có nước da đen giống mẹ nên người cha bỏ mẹ con ngài khi ngài 8 tuổi, sau khi có thêm con gái.
Lúc ngài 12 tuổi, mẹ ngài cho ngài đi học hớt tóc và học ngành thuốc. Sau vài năm, Martin ngài vào Dòng Đa Minh làm “hiến sinh”, vì ngài cảm thấy mình không xứng đáng làm tu sĩ. Sau 9 năm, ngài nổi bật về gương cầu nguyện, làm việc đền tội, bác ái và khiêm nhường, nên nhà dòng yêu cầu ngài khấn dòng.
Ban đêm cầu nguyện, ban ngày giúp bệnh nhân và người nghèo. Mọi người khâm phục ngài nên không còn kỳ thị ngài. Ngài đi tìm trẻ mồ côi, chăm sóc người nô lệ Phi châu và sống đại lượng. Ngài là biện lý của tu viện và thành phố. Khi tu viện lâm tình trạng nợ nần, ngài nói: “Con chỉ là người da đen, hãy bán con đi. Con là tài sản của nhà dòng, hãy bán con đi!”.
Ngài có những lúc cầu nguyện xuất thần và lơ lửng trên mặt đất, căn phòng ngập ánh sáng. Nhiều người coi ngài là vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự nhận mình là “kẻ nô lệ khốn khổ”. Ngài là bạn thân của một nữ tu Đa Minh ở Peru là Thánh Rosa Lima.

Suy niệm 1: CẦN CÓ CÁI NHÌN HƯỚNG VỀ NƯỚC TRỜI

Tại thành phố Sài Gòn, rất nhiều người biết đến quán cơm từ thiện với cái tên ngồ ngộ:“Quán cơm Vợ thằng Đậu”. Chủ nhân của quán cơm này chính là nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Khi vừa qua cơn bạo bệnh nhờ phép lạ của Đức Mẹ, Lê Vũ Cầu đã xin theo Đạo Công Giáo, và việc làm đầu tiên để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cứu ông khỏi căn bệnh hiểm nghèo là: bán hai miếng đất lấy tiền mở quán cơm chay tại số 40 Đặng Văn Bi, Q.Thủ Đức, Tp. Sài Gòn.
Bếp phục vụ từ 10h 30 – 11h 30 trưa, mỗi ngày tiếp khoảng 100 – 150 lượt khách. Khách hàng của quán chủ yếu là người nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đông nhất là anh chị em bán vé số. Tất cả đều được ăn miễn phí.
Khi mở quán như thế, nhiều người cho rằng nghệ sĩ Lê Vũ Cầu có vẻ bất thường, vì nếu dùng đồng tiền đó vào những chuyện như kinh doanh, buôn bán có lẽ tốt hơn!
Hôm nay, Đức Giêsu xem ra cũng có vẻ bất thường khi nói với ông thủ lãnh những người Biệt Phái khi mời Ngài đến dự tiệc rằng: “Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”. Câu nói này của Đức Giêsu quả thật là bất thường theo lối suy hiểu của con người. Không chỉ có một lần này, mà đọc lại các trang Tin Mừng, chúng ta thấy có rất nhiều lần Đức Giêsu dùng lối nói như vậy. Chẳng hạn như: Hiến Chương Nước Trời và những lời chúc phúc. Phúc cho người nghèo, khóc lóc, đói khát, bắt bớ, tù đầy…;hay khi đưa ra nguyên tắc éo le cho những ai muốn theo mình: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống đời đời”; hay “ai muốn làm lớn thì phải làm đấy tớ mọi người”; hoặc cứ để kẻ chết chôn kẻ chết…; còn khi nói về sự lựa chọn: Ngài đã lựa chọn: sẵn sàng bỏ 99 con chiên để đi tìm cho kỳ được 1 con chiên bị lạc; người đàn bà tìm được đồng xu đánh mất, thì lại mời cả xóm đế chung vui…
Tại sao Đức Giêsu lại có cái nhìn như thế? Thưa là vì Ngài có một cái nhìn Siêu việt, tức là cái nhìn hướng thượng, cái nhìn cứu độ. Chỉ những ai có cái nhìn như thế, hẳn mới được giá trị cứu độ của nó đằng sau sự kiện.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn như thế để được cứu độ, bởi lẽ khi chúng ta hành động vì những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, ở đời này, họ không có gì để trả ơn cho chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ là người thay họ trả ơn gấp trăm cho chúng ta ở đời này và đời sau.
Có thể với lối nhìn như thế, nhiều người sẽ khinh chê, dè bửu, nhưng chúng ta dám lội ngược dòng để sống theo cốt lõi của Tin Mừng, thì trong cuộc sống mai hậu, chúng ta sẽ xuôi dòng để tiến về Quê Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu và sống ý nghĩa của Tin Mừng, để sau này, chúng con được vui hưởng hạnh phúc trên Quê Trời. Amen.


Suy niệm 2

“…ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại ….” (Lc 14,14)
1. Thật là thú vị, chỉ vọn vẹn ba câu, nhưng đoạn Tin Mừng hôm nay lại gửi trao bài học đắt giá về cách đối xử giữa người với người, về cách gửi trao nhau nghĩa tình nhân loại.
Thật vậy, bản văn cho thấy có vẻ như điều Chúa Giêsu dạy viên thủ lãnh Pharisêu hôm nay có chút ngược đời. Lẽ thường, khi có việc vui hay chuyện buồn, người thân phải là người ta nghĩ đến trước hết để giãi bày, để sẻ chia. Lẽ thường, người hiện diện trong bữa tiệc phải là người có tương quan đặc biệt với ta, cả về huyết nhục lẫn trong tinh thần. Lẽ thường, những người nghèo khổ chỉ cần được bố thí, chỉ cần nhận chút lòng thương hại là đủ. Vậy mà hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi hãy đãi tiệc cho những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.
Tại sao Chúa lại dạy điều này ? Phải chăng Người đã thấy có vấn đề trong cách con người đối xử và trao nghĩa tình cho nhau. Câu trả lời đã có trong bản văn: vì những người này không có gì đáp lại, và như thế, người đãi tiệc sẽ giữ được nghĩa tình và phúc đức này cho đời sau, cho ngày các kẻ lành sống lại.
2. Thật vậy, nhìn vào thực tế cuộc sống mà suy xét, ta vẫn thấy không ít người thường xuyên đãi tiệc, thường xuyên mở bữa, nhưng không phải để chia vui sẻ buồn, mà để thu lợi từ những phong bì lại quả của khách dự tiệc ; không hiếm người mở những bữa tiệc với thật nhiều thực khách, với thực đơn thật sang, nhưng trong danh sách khách mời sẽ không có bóng dáng người tầm thường hoặc người nghèo vì những người này sẽ không giúp gì cho việc mở rộng uy tín và danh tiếng của chủ tiệc ; sẽ không giúp tăng số các hợp đồng béo bở; sẽ không giúp tăng số tài khoản trong ngân hàng hoặc tăng số của cải trong két sắt của họ. Người ta muốn hưởng cái hậu của việc mình làm ngay đời này, muốn hưởng cái lợi trước mắt. Hòn đất ném đi, thường thì ai cũng muốn có hòn chì ném lại.
Thực tế buồn này giúp ta hiểu sâu hơn về lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay, giúp ta bình tâm duyệt xét đời sống mình xem ta đang hướng chiều về lối sống nào ? Ta đi tìm hòn chì được ném lại sau mỗi cuộc thi ân, hay đã có đôi lần kinh nghiệm và cảm nhận niềm vui của những lần làm phúc mà vô tư, những lần cho đi mà không tính toán cũng chẳng mong báo đáp?
3. Chân thành với lòng mình và khiêm tốn trước mặt Chúa, tôi, bạn và anh chị, ta cùng để cho Lời Chúa chất vấn chính mình: được mấy lần trong đời ta thi ân, ta trao nghĩa tình cách vô tư, cách thanh thoát, cách tự do theo tiếng gọi của con tim yêu thương? được mấy lần miệng ta khẳng định rất thương người nghèo, rất quý trọng người nghèo và chính tay ta đã làm một điều gì đó tốt lành cho họ, làm một điều gì đó cụ thể để giúp họ bớt đói hơn, bớt rách hơn, bớt khổ hơn? Là những tác viên Tin Mừng, ta được mời gọi trước hết hãy loan báo niềm vui của Tin Mừng cho người nghèo, liệu ta có thường chú tâm tìm kiếm và kết thân với người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù chăng?
4. Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã dạy con biết cách làm giàu trước mặt Chúa, biết cách tích trữ kho tàng vĩnh cửu, biết cách tìm kiếm phúc lợi ở đời sau. Xin tha thứ cho những lần con đã theo thói đời để cư xử, trục lợi anh em. Xin ban thêm lòng tin – cậy – mến để con kiên tâm theo lời dạy của Chúa và vững bước trên đường loan báo Tin Mừng, đặc biệt là loan báo Tin Mừng cho các anh chị em nghèo khổ, bằng những hành động cụ thể, đầy đức bác ái và lòng vị tha. Amen.


Suy niệm 3: MỜI NGƯỜI KHÔNG NÊN MỜI

“Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc; vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Khi mời “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” chủ tiệc không những không được đáp lễ sau này, mà lúc này phải chấp nhận bao nhiêu phiền phức với những thực khách “không nên mời” như thế; không chừng bữa tiệc sẽ dở đi vì sự hiện diện của họ! Sự thường “bánh ít trao đi, bánh chì trao lại”. Chúa Giê-su đề nghị một cách tính toán khác, hay đúng hơn, đừng tính toán chi cả khi cho đi. Hãy ban phát theo tiếng gọi của một con tim rộng mở, nhằm đến phúc lợi của tha nhân. Không ngại gian nan, không chờ đáp trả. Vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bao giờ Ngài cũng bù đắp lại bằng những tấm “bánh chì” đầy đặn.
Mời Bạn: Nhiều khi vì quá so đo tính toán, kiêu căng, vụ lợi, tôi xếp hạng rất nhiều anh em vào hạng “nghèo khó, đui mù, què quặt” để tôi không giúp đỡ, không mời cộng tác, không đối thọai, không giao tiếp. Cũng có thể do óc bè phái, suy nghĩ hẹp hòi, thiếu khách quan và vô tư. Trong công tác truyền giáo rất cần có tinh thần cởi mở, đối thoại.
Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe những ý kiến của những kẻ khác mình, xác tín rằng họ cũng có rất nhiều cái để mình học hỏi, để cho lại mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, [...] xin cho con một tâm hồn đơn sơ, không biết đến phức tạp của ích kỷ, và tìm hiến dâng mà không đòi lại. Một tâm hồn lặng lẽ, hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình không được người khác biết đến [...]“. (Cha Galot)


Suy niệm 4

Khi đối nhân xử thế, người ta hay dựa vào luật công bằng: ơn đền oán trả. Người xưa định nghĩa công bằng là “trả cho người khác những gì thuộc về họ”. Định nghĩa này chỉ đúng với những người có của, còn những người nghèo, không có gì, thì làm sao mà trả? Cho nên, nếu đối xử với nhau chỉ dựa trên công bằng thì chưa đủ.
Khi người ta nại vào công bằng, sòng phẳng để xử thế thì người ta vô tình gạt ra bên ngoài những người “không đủ điều kiện để sống công bằng”. Họ là ai? Thưa, họ là những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù. Đối với những người này, Chúa Giêsu dạy phải đối xử với họ bằng tình bác ái.
“Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông”. Những người này không có gì để đền đáp lại. Tuy nhiên, nếu ai mời họ, nghĩa là làm ơn làm phước cho họ dù đời này không được đền trả, thì người ấy cũng sẽ không mất phần thưởng vì chính Chúa hứa “khi những người công chính sống lại, họ sẽ được đền ơn”.
Chúa Giêsu đã đồng hóa chính Ngài trong những kẻ khó nghèo. Một khi không thực thi bác ái với người nghèo khó thì là không thực thi cho chính Chúa “mỗi lần các ngươi không làm như thế cho những kẻ bé mọn thì các ngươi đã không làm cho chính Ta” (Mt 25,45).
Lạy Chúa, nhiều khi con nại vào luật công bằng mà bỏ quên bổn phận bác ái với những anh chị em không đủ điều kiện sống đức công bằng hoặc hay ngoảnh mặt làm ngơ trước cơn túng quẫn của họ. Xin Chúa ban cho con trái tim của Chúa, để yêu thương không toan tính và sống hết tình với tha nhân. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã nhập thể mang lấy thân phận con người. Chúa còn trở nên đồng hình đồng dạng với những người khổ đau, nghèo đói. Xin giúp chúng con luôn nhận ra Chúa nơi tha nhân để chúng con phục vụ nhau như là đang phục vụ cho Chúa.
Lạy Chúa, người đời thường đòi bình đẳng, “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Người đời thường đòi “bánh ú đi, bánh dì lại”. Nhưng lòng yêu thương của Chúa luôn vượt qua những toan tính nhỏ bé tầm thường của chúng con. Chúa tạo dựng chúng con từ hư vô. Chúa cho chúng con biết bao ân huệ giữa cuộc đời dương gian. Thế nhưng, Chúa không cần chúng con đền đáp cho Chúa. Chúa chỉ đòi hỏi chúng con hãy lấy tình yêu đó mà đối xử tốt với nhau. Chúa muốn chúng con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng cho đi bằng tình yêu quảng đại và vô bờ bến. Xin giúp chúng con biết sống tinh thần vô vị lợi Chúa dạy. Xin cho chúng con luôn thể hiện tình yêu với tha nhân trong hành động của mình. Xin loại trừ nơi chúng con sự ích kỷ tầm thường. Xin giúp chúng con biết nâng đỡ, trợ giúp nhau trong tình nghĩa anh em con một Cha trên trời.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để chúng con cũng yêu tha nhân là hình ảnh của Chúa như chính mình. Amen.
 
Suy Niệm 5: Bác Ái Vô Vị Lợi

Tâm lý thường tình của con người vẫn là: "Có qua có lại, mới toại lòng nhau" hoặc "Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu". Chúng ta kết bạn thân thiết với ai, chúng ta cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng ta.
Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: "Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giầu có... Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại".
Ở đây, Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.
Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.
Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Tình Yêu Là Ân Huệ Tặng Không

“Trái lại khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc. 14, 13-14)
Khi kêu gọi quý khách hạ mình xuống để được vào nước trời, bây giờ Đức Giêsu chỉ dẫn chủ mời cần điều chỉnh mọi hành động của ông theo tình yêu Thiên Chúa để yêu người.
Tình yêu vụ lợi không được cứu độ.
Đối với dân Do thái, mời ăn tiệc là tỏ lòng thân ái và tình bạn. Họ chỉ mời những bạn hữu, anh chị em, cha mẹ, bà con và những người láng giềng giàu có, để mong được mời lại. Hành động của họ không đặt nền tảng trên tình yêu như Chúa truyền dạy. Đó là cách yêu mình, yêu vụ lợi.
Đức Giêsu không nói đừng bao giờ mời bạn hữu. Những người lương dân thường làm thế, nhưng đó không phải là dấu chỉ môn đệ Đức Giêsu. Môn đệ phải tìm theo Chúa, không được đòi Chúa phải theo mình trong mọi việc của mình. Môn đệ phải sẵn sàng yêu mến, và chia sẻ cơm áo cho những người Chúa yêu, như kẻ nghèo khổ, què quặt, mù lòa.
Chỉ có ơn tặng không mới mở được cửa nước trời.
Con đường của Chúa vượt tới từ bỏ chính mình, tới vô vị lợi tuyệt đối. Nếu bạn mời những kẻ bất hạnh, họ không thể mời lại bạn, bạn mở con tim ra cho họ bằng một tình yêu vô tư, tặng không, như chính Thiên Chúa yêu họ.
Trước đó, bạn sẽ thấy hạnh phúc và phần thưởng trong ngày sống lại và phán xét.
Chính Chúa Giêsu ban bữa tiệc tình yêu và truyền lại cho các môn đệ làm mà nhớ đến cái chết hy sinh của Người. Trong bữa tiệc thánh đặc biệt này, Người không phân biệt và loại trừ một ai. Bữa tiệc Thánh Thể này cần mở ra mời hết mọi người, không phân biệt giai cấp xã hội, chủng tộc hay phẩm giá của họ.
Ta chỉ cần đọc lại thư của thánh Gia-cô-bê và những thư của thánh Phao-lô để nhận thấy Giáo hội sơ khai đã tha thiết nhắc lại lời dạy của Đức Giêsu nói với biệt phái khi họ mời Người.
Tình yêu là một ân huệ Thiên Chúa tặng không cho ta. Ta đã được cho không, thì phải tặng lại một cách quảng đại vô vị lợi.
RC

SUY NIỆM 7:
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa (x. Lc 14, 1). Chứng kiến địa vị xã hội và tôn giáo của các khách mời, và cung cách ứng xử của họ khi chọn chỗ ngồi, Đức Giê-su đưa ra hai lời khuyên : lời khuyên thứ nhất dành cho khách mời (Lc 14, 7-11 : bài Tin Mừng của ngày thứ bảy, sau Chúa Nhật XXX thường niên) ; lời khuyên thứ hai dành cho chính người tổ chức bữa ăn, và đó là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay. Khi nghe lời khuyên thứ hai này, có người đồng bàn với Đức Giê-su nói : “Phúc thay ai được dự tiệc Nước Thiên Chúa” (c. 15).
Lời khuyên thứ nhất của Đức Giê-su về việc chọn chỗ trong các bữa tiệc lớn, thì bình thường và dễ thực hiện : “Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn” (c. 10). Nhưng lời khuyên thứ hai của Ngài lại quá bất thường và trong thực tế không thể thực hiện được. Thật vậy, ai trong chúng ta đã từng mở tiệc và mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù chưa ? Vì thế, thay vì hiểu lời của Đức Giê-su theo nghĩa thực thực hành, chúng ta được mời gọi đặt lời của Ngài trong bầu khí của ngày sa-bát, là ngày của Thiên Chúa ban sự sống (x. Xh 20, 8-11), và cũng là ngày của Thiên Chúa cứu sống (x. Đnl 5, 12-15) và trong viễn tượng bữa tiệc của Nước Thiên Chúa, là điểm tới của sáng tạo và lịch sử. Bởi vì, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm được mà thôi, trong bữa tiệc Nước Trời của Ngài.
*  *  *
Thật vậy trong bữa tiệc Nước Trời, ai trong chúng ta dám tự cho mình là cao trọng, là vị vọng, là xứng đáng, để tự ngồi vào “cỗ nhất” ? Bởi lẽ trong bữa tiệc Nước Trời, trước mặt Chúa, chúng ta đều như nhau hết : đều nghèo nàn, bệnh tật, khuyết tật và tội lỗi. Như Thánh Phaolo nói : “Trong Đức Ki-tô không có phân biệt giữa nam và nữ, giữa Do Thái và Dân Ngoại, giữa người tự do và người nô lệ”. Trong Đức Ki-tô, chúng ta trở nên giống nhau trong thân phận, và vì thế, chúng ta cũng được trở nên giống nhau trong ân sủng. Chính Mình và Máu Đức Ki-tô làm cho chúng ta trở nên công chính, trở nên giàu có, và đặt chúng ta ngồi vào “cỗ nhất”, nghĩa là đặt chúng ta làm con Thiên Chúa, giống như Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa ; và như thế, chúng ta trở thành anh chị em của nhau trong Đức Ki-tô.
Dưới ánh sáng của lời Đức Giê-su, chúng ta hãy nhìn nhận thân phận của chúng ta trong bữa tiệc Nước Trời và trong Thánh Lễ này, là nghèo nàn, bệnh tật và tội lỗi. Xin Chúa làm cho chúng ta trở nên “giàu có”, chữa lành chúng ta và thương xót chúng ta, để chúng ta được phục hồi và nâng lên làm con Thiên Chúa, giống như Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa.
*  *  *
Tuy nhiên, lời của Đức Giê-su vẫn chất vấn cách sống, cách làm việc và nhất là cách thi hành sứ vụ của chúng ta. Thật vậy, ngang qua vấn đề đãi tiệc, Đức Giê-su mời gọi chúng ta trong mọi sự, hãy hành động cách nhưng không, bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không. Ở đâu có sự nhưng không, ở đó Nước Thiên Chúa hiện diện. Và chúng ta được mời gọi sống với mọi người trong tâm tình nhưng không, đó còn là vì, như Đức Giê-su nói khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng Nước Trời: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Như thế, Nước Trời gắn liền với cung cách sống và làm việc cách nhưng không, và đặc biệt với sứ mạng phục vụ cho sự sống cách nhưng không.
Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con có ra nông nỗi gì. Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Hội Dòng. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không có động lực để sống đến cùng ơn gọi của mình ; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, cộng đoàn của chúng ta.
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, nhất là trong cộng đoàn ở mọi cấp độ, trong Giáo Hội và ngay cả trong một xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. “Nhưng không” thì ngược với “sòng phẳng”. Nếu Thiên Chúa là “sòng phẳng”, thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở gia đình này hay ở cộng đoàn này.
Chúng ta đón nhận một cách nhưng không sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) ; vì thế, chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống theo khuôn mẫu của Đức Giê-su Ki-tô. Lý do tận cùng, đó là bởi vì
THIÊN CHÚA LÀ NHƯNG KHÔNG.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận