Thứ Hai Tuần 32 TN: Thánh Lê-ô Cả

Đăng lúc: Thứ hai - 10/11/2014 02:30 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ HAI TUẦN 32 TN: Th. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT

Bài đọc (Tt 1, 1-9)
Phaolô, tôi tớ Thiên Chúa, cùng là Tông đồ của Đức Giêsu Kitô, để rao giảng đức tin cho những kẻ được Thiên Chúa kén chọn và làm cho họ nhận biết chân lý; chân lý đó giúp họ ăn ở đức hạnh và ban cho họ niềm hy vọng sống đời đời mà Chúa, Đấng chẳng hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời. Khi đã đến thời, Người đã tỏ lời Người ra bằng việc rao giảng mà Người đã uỷ thác cho cha theo lệnh của Thiên Chúa là Đấng cứu chuộc chúng ta. Gửi cho Titô, con yêu dấu thuộc cùng một đức tin. Nguyện ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc chúng ta, ở cùng con.

Lý do Cha để con ở lại đảo Crêta là để con chỉnh đốn những gì còn thiếu sót, và thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn. Con người được chọn phải là người không có gì đáng trách, chỉ kết hôn một lần; có con cái ngoan đạo, không mang tiếng buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì chưng, chủ tịch cộng đoàn, theo tư cách là người quản lý của Chúa, phải là người không có gì đáng trách, không kiêu căng, không nóng nảy, không mê rượu, không gây gỗ, không trục lợi đê hèn, nhưng hiếu khách, hiền lành, tiết độ, công minh, thánh thiện, tiết hạnh, nắm giữ lời chân thật hợp với đạo lý, để có thể dùng đạo lý lành mạnh mà khuyên dụ và phi bác những kẻ chống đối.

Tin Mừng (Lc 17, 1-6)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.
“Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: ‘Tôi hối hận’, thì con hãy tha thứ cho nó”.
Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển’, nó liền vâng lời các con”.


Thánh Lêô Cả, Giáo hoàng Tiến sĩ HT (qua đời năm 461)

Ngài được bầu làm giáo hoàng năm 440. Ngài hăng say làm việc của người kế vị Thánh Phêrô.
Công việc giáo hoàng của ngài gồm 4 lĩnh vực chính, trình bày quan niệm của ngài về trách nhiệm của giáo hoàng đối với đoàn chiên của Chúa Kitô. Ngài hoạt động chống các tà thuyết Pelagianism (1), Manichaeism (2) và các tà thuyết khác, đặt điều kiện với những người theo đạo để bảo đảm đức tin Kitô giáo. Lĩnh vực quan trọng thứ hai mà ngài quan tâm là sự tranh luận về giáo lý trong Giáo hội Đông phương, ngài phúc đáp bằng một lá thư bác bỏ giáo huấn của họ về bản tính Chúa Kitô. Với đức tin mạnh mẽ, ngài dẫn quân La Mã chống lại cuộc tấn công đối kháng dữ dội và đảm nhận vai trò người kiến tạo hòa bình.
Ở mọi lĩnh vực, công việc của ngài đều được đánh giá cao. Ngài được tuyên thánh nhờ tâm linh sâu sắc trong chức vụ tông đồ. Ngài nổi tiếng với những bài giảng thâm thúy, trích dẫn Kinh Thánh mạch lạc và hiểu biết Giáo hội. Một trong những bài giảng lễ của ngài vẫn còn nổi tiếng tới ngày nay. Ngài có khả năng nhận biết nhu cầu của người khác.
Triều đại Giáo hoàng của ngài có Công đồng Chalcedon (năm 451) xác tín Chúa Kitô là Con-Người-Thiên-Chúa với hai bản tính: Thần tính và nhân tính.
——————————
(1) Pelagianism: Thuyết thần học của Pelagius (354?-418), một tu sĩ người Anh, bị Công giáo kết án là tà thuyết năm 416. Thuyết này từ chối tội nguyên tổ và khẳng định khả năng con người trở nên công chính nhờ ý chí tự do, nhấn mạnh ý chí tự do và bản chất tốt lành của con người. Đệ tử của ông là Celestius từ chối giáo lý Công giáo về tội nguyên tổ và sự cần thiết của bí tích Thánh tẩy. Pelagius và Celestius bị vạ tuyệt thông năm 418, nhưng họ vẫn chống đối cho tới khi Công đồng Êphêsô kết án giáo phái của họ tà thuyết năm 431.
(2) Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác. Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.

Suy niệm 1: SỐNG CHỨNG NHÂN HƠN THẦY DẠY

Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41 của Đức Thánh Cha Phaolô VI, có viết:“Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Như vậy, chúng ta có quyền nghĩ rằng: nếu đời sống chứng nhân có tác dụng rất tốt trong việc loan báo Tin Mừng, thì ngược lại, không có gì nguy hại cho bằng đời sống phản chứng nơi người Kitô hữu.
Thật thế, Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng đề cao đời sống chứng nhân nơi người môn đệ khi Ngài dùng phương pháp phản biện để làm toát lên tính quan trọng của gương sáng. Ngài nói: “Vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này”. Nêu gương xấu là điều tắc trách, nhưng gây nên cho những trẻ nhỏ, những người bé mọn, người kém đức tin lại là điều trầm trọng, và nguy hiểm khôn cùng.
Gương xấu được ví như một thứ ôn dịch và có nguy cơ lây lan rất cao.
Gương sáng thì khó làm, khó sống, nhưng gương xấu thì quá dễ làm, dễ bắt trước. Làm gương sáng cần phải có một sự cố gắng cao với nhiều hy sinh, từ bỏ. Nó được ví như một người leo núi với tất cả sự cố gắng, hy sinh… Còn gương xấu thì thực sự chẳng khác gì một người buông mình xuống núi, chúng ta không cần phải cố gắng thì vận tốc rơi xuống cũng sẽ nhanh chóng…
Như vậy, với bản tính của con người, chúng ta dễ hướng chiều về điều xấu hơn điều tốt. Dễ làm điều bất chính hơn điều thiện. Vì thế, tội lỗi luôn có cơ hội len lỏi vào trong suy nghĩ và hành động của chúng ta hơn là điều tốt.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần nhớ lại ánh sáng đức tin ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để sống cuộc đời nhân chứng cho xứng đáng với ơn đã lãnh nhận. Cần làm cho hình ảnh Đức Kitô hiền lành, dễ thương, giàu lòng thương xót ngay trong cuộc sống, qua lời nói, hành động và việc làm của chúng ta.
Tuy nhiên, để sống được điều đó, chúng ta cần phải xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta. Bởi vì nếu không có đức tin, chúng ta khó có thể tha thứ, kiên trì, tôn trọng và nâng đỡ người khác.
Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi chúng con đã trở nên những người gây ra gương mù gương xấu cho người khác. Xin tha thứ cho chúng con. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con can đảm, trung thành sống cuộc đời chứng nhân. Amen.

Suy niệm 2

Năm Phụng Vụ đang bước vào những tuần lễ cuối cùng. Do đó, các bài đọc Tin Mừng thường hướng đến những ngày cánh chung; và một trong những ý tưởng chính là về đời sống cộng đoàn. Cụ thể hôm nay, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu muốn đưa ra những lời cảnh báo cũng như những phương thế để sống tốt đời sống cộng đoàn: Nào là đừng làm cớ cho người ta vấp ngã; nào là phải biết tha thứ và phải có lòng tin.
Xin dừng lại suy nghĩ ở điểm đầu tiên: Đừng làm cớ cho người ta vấp ngã.
Sống đời sống cộng đoàn ở đây bao gồm trong gia đình, trong tập thể, trọng một cộng đoàn, và cả trong toàn thể Hội Thánh. Chúa Giêsu kêu gọi môn đệ đừng gây gương xấu hay làm cớ cho người khác vấp ngã. Bởi vì đây là điều hết sức nguy hiểm, nó có thể làm cho những người có đức tin non yếu phải sa ngã và mất luôn đức tin.
“Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô nó xuống biển còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ…” là cách nói quen thuộc, để nhấn mạnh, để làm tăng thêm giá trị, thêm sự cấp bách và khẩn thiết cho lời Chúa Giêsu muốn nói. Những kẻ gây gương xấu thì thật là vô phúc, là khốn thay; thà chết còn hơn.
Thực sự, trong đời sống chung cũng như riêng, việc làm cớ cho người khác vấp ngã là điều rất dễ xảy ra mà đôi khi chính đương sự không hề nhận biết. Có những việc làm sai trái mà đôi khi chúng ta không biết, để rồi gây ảnh hưởng không tốt đến người khác. Cụ thể, có nhiều bậc làm cha làm mẹ vô tình làm cớ cho con cái mình vấp ngã mà không hề hay biết. Chẳng hạn như việc thờ ơ đọc kinh cầu nguyện, thờ ơ tham dự Thánh Lễ,…Thiết nghĩ, những đứa con trở nên nguội lạnh, có đức tin yếu kém và dần lạc xa đời sống đạo, thì trách nhiệm đầu tiên phải là cha mẹ chúng, là những người có trách nhiệm.
Lời Chúa nhắc nhở mỗi người để ý lại lối sống của mình; dành thời gian thinh lặng để nhìn lại mình. Có khi chúng ta đang làm gương xấu mà không biết, để rồi những người bên cạnh chịu ảnh hưởng theo đó; nhất là những người có đời sống đức tin còn non yếu.
Lạy Chúa, chắc hẳn trong cuộc sống, qua những lời nói và những hành động của con có đôi lúc đã làm cớ cho người khác vấp ngã, xin Chúa cho con luôn biết xét mình mỗi ngày để sống là những gương sáng cho những người xung quanh; và qua đó chứng thực con là người con Chúa thật sự. Amen!


Suy niệm 3: SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN

“Nếu anh em có đức tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc, thì nó cũng sẽ vâng lời anh em’.” (Lc 17,6)
Suy niệm: Sức mạnh lớn nhất trong thế giới không phải là sức mạnh của cơ bắp, máy móc, vũ khí… mà là sức mạnh của niềm tin. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cho thấy sức mạnh ấy qua hình ảnh niềm tin nhỏ bằng hạt cải – theo kiểu nói của người Do Thái nghĩa là rất nhỏ bé, không đáng kể – nhưng lại có sức mạnh có thể bứng gốc cây dâu dời xuống biển, nói theo thánh Lu-ca, hay chuyển núi dời non, theo thánh Mát-thêu (Mt 17,20). Dĩ nhiên, ta không hiểu lời này theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa nếu có niềm tin, ta có thể làm cho những gì không thể trở thành có thể, những khó khăn trở nên dễ dàng, bởi vì có Chúa cùng hoạt động với ta.
Mời Bạn: “Tin là đi bước đầu tiên ngay cả khi bạn không thấy trọn vẹn cầu thang” (Mục sư M. King). Sức mạnh vô song của niềm tin là cậy dựa vào Chúa, là nương tựa nơi Đấng không có gì là không có thể, kể cả việc sống lại từ cõi chết. Với niềm tin, tất cả núi khó khăn cản trở con đường theo Chúa sẽ được dời đi, mọi “cây dâu” cản chân bạn sẽ bị gạt bỏ. Vấn đề là bạn có xác tín vào sức mạnh của niềm tin và triển khai sức mạnh ấy trong cuộc sống hằng ngày hay không.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tìm cách khắc phục những khó khăn cản trở việc sống đạo, sống ơn gọi của mình như giờ giấc, gia đình, thói quen, sở thích…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con không xin Chúa lấy đi những khó khăn, thách đố, nhưng chỉ xin Chúa ban sức mạnh để chúng con vượt thắng. Xin Chúa gia tăng thêm niềm tin cho chúng con. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Qua bí tích Thánh Thể chúng con học được một bài học thật cao quý. Chúa đã chọn tấm bánh vì tấm bánh luôn cần thiết cho muôn người. Tấm bánh không chọn kẻ sang người giầu mà bỏ rơi kẻ đói khổ cơ hàn. Tấm bánh làm vui lòng người già cũng như trẻ thơ. Ai cũng có nhu cầu ăn bánh. Ai cũng có thể cầm trong tay cái bánh. Tấm bánh cuộc đời của Chúa thực sự là niềm vui, là hạnh phúc cho muôn người. Chúng con nguyện sẽ trở thành tấm bánh làm vui lòng mẹ cha, làm ấm tình bạn bè. Xin cho chúng con luôn biết hiến dâng chính mình để mang lại hương vị của yêu thương cho nhân thế hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Ở đời ai cũng cần có bạn bè. Ai cũng cần đồng loại để nâng đỡ và chia sẻ cho nhau. Thật bất hạnh cho những ai không có bạn bè, không có người thân. Cuộc sống liên đới đòi hỏi chúng con phải hòa tan chính mình mới có thể hài hòa với tha nhân. Chúng con phải bỏ tính tự cao tự đại. Chúng con phải có lòng bao dung tha thứ. Chúng con còn phải làm điều lành tránh điều ác để nêu gương sáng cho anh em. Xin giúp chúng con đừng bao giờ sống trong tội lỗi mà nên cớ vấp phạm cho tha nhân. Xin giúp chúng con luôn sống chân thành với tha nhân, luôn tin tưởng và giúp đỡ nhau hoàn thiện đời sống mỗi ngày một tốt hơn.
Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ. Xin ban cho chúng con đủ đức tin để chúng con tín thác vào Chúa và hết mình phục vụ tha nhân. Amen.

Suy nim 4: Làm cớ vấp ngã
 
Thỉnh thoảng báo chí  lại nói đến một chuyện không hay nào đó
bị coi là gây sốc hay phản cảm.
Có những chuyện tồi tệ hơn được gọi là xì-căng-đan.
Xì-căng-đan gốc là một từ Hy Lạp dùng trong Tân Ước (scandalon)
để chỉ một viên đá làm người ta vấp ngã (Rm 11, 9),
hay một duyên cớ  khiến người ta phạm tội (Mt 13, 41). 
Trong Giáo Hội đôi khi cũng có những xì-căng-đan.
Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta hãy đề phòng
về những xì-căng-đan trong chính cộng đoàn tín hữu.
Ngài nhìn nhận rằng không thể nào tránh được những xì-căng-đan (c. 1).
Nhưng Ngài lại rất nặng lời với người nào gây ra cớ vấp phạm đó.
Cột cối đá lớn vào cổ anh ta và xô xuống biển cho chết đi
thì tốt cho anh ấy hơn là để anh ấy làm cớ phạm tội
cho một trong những kẻ  bé nhỏ này (c. 2).
Những kẻ bé  nhỏ ở đây là những người môn đệ của Chúa. 
Rõ ràng Đức Giêsu quý tâm hồn trong sạch của con người.
Tuy hiền lành, nhưng Ngài lại tỏ ra không khoan nhượng
với những kẻ làm gương xấu khiến người khác phạm tội.
Ngài muốn bảo vệ  những kẻ yếu đuối, đơn sơ, thiếu bản lãnh.
Ngài không muốn những Kitô hữu khác lợi dụng, lôi kéo họ,
khiến họ mất  đức tin, mất niềm hy vọng và mất lòng yêu mến.
Trong bài diễn từ  cuối cho các kỳ mục của Êphêsô ở Mi-lê-tô,
thánh Phaolô đã khuyên các ông nên coi chừng sói dữ vào đàn chiên,
“giảng dạy những điều sai lạc, lôi cuốn các môn đệ đi theo” (Cv 20,30). 
Làm cớ cho người khác phạm tội
là một tội chúng ta ít để ý và ít xưng thú.
Chúng ta cho mình có quyền tự do nói và làm điều mình thấy là đúng.
Nhưng khi làm như vậy, chúng ta lại không để ý
đến những thương tổn có thể gây ra nơi lương tâm
của những người anh em yếu đuối trong cộng đoàn,
cũng như đến chuyện làm cớ cho anh em mình sa ngã (1 Cr 8, 11.13).
Thánh Phaolô nhấn mạnh: phạm đến anh em là phạm đến Đức Kitô.
Không thể vì  tự do của tôi mà làm mất một người anh em
đã được Đức Kitô chết cho (1 Cr 8, 11). 
Trong cuộc sống nối mạng toàn cầu hiện nay,
cái tốt và cái xấu  được loan đi xa với tốc độ chớp nhoáng.
Một biến cố mới xảy ra ở đây, lập tức cả thế giới đều biết.
Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn, dễ bắt chước hơn,
khiến con người hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, bị ảnh hưởng nặng nề.
Làm thế nào để những gương tốt được nhân lên khắp đó đây?
Làm thế nào để Giáo Hội bớt đi những viên đá làm người ta vấp ngã?
Mong có ngày một giáo dân bình thường cũng biết nhận định đúng sai
khi tiếp thu đủ thứ thông tin từ mọi nguồn.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, 
việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta phải nói:
“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt”. 
Và nếu có ai hỏi con tại sao con lại hiền lành và tốt như  thế,
con sẽ trả lời vì con là tôi tớ của một Đấng tốt hơn con nhiều.
“Chớ chi bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!” 
Con muốn sống thật tốt để người ta có thể nói:
“Nếu tôi tớ mà  tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt đến thế nào!” 
(Chân phước Charles Foucauld)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy Niệm 5: Sống Là Liên Ðới

Trong tác phẩm "Hãy Giúp Nhau Làm Lại Cuộc Ðời", xuất bản đầu thập niên 60, ông Henri Vicardi, người sáng lập cơ xưởng chuyên giúp những người tàn tật tự lực cánh sinh kể lại rằng: cơ xưởng do ông sáng lập năm 1952, khởi sự với một công nhân bị tê bại, làm việc trong một nhà xe bỏ trống, lụp xụp. Nhưng chỉ một năm sau, xưởng đã trở nên một cơ sở kinh doanh với số vốn cả triệu Mỹ kim và thu dụng đến 300 công nhân. Mỗi công nhân đều có một mẫu truyện cảm động về con người xây dựng lại cuộc đời từ sự tàn tạ của mình. Ðiển hình là trường hợp của Jim Chapin, một người bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống vì một chiếc bướu ở xương sống. Ngay sau khi được khiêng từ bàn giải phẫu xuống, các Bác sĩ đã tuyên bố ông sẽ sống nhưng không làm gì được. Thế nhưng các Bác sĩ đã lầm: năm đó Jim Chapin đã 62 tuổi, tuy không rời được khỏi xe lăn, ông đã tìm đến cơ xưởng của ông Henri và bắt đầu làm lại cuộc đời. Ông cho biết rằng ông rất hãnh diện về khả năng của mình và nhất quyết không chịu trở lại với đời sống ỷ lại và vô vọng nữa.
Câu truyện trên đây là một bằng chứng hùng hồn rằng dù tàn tật đến đâu, mỗi người vẫn là một giá trị độc nhất vô nhị trên cõi đời này, và do đó có trách nhiệm đối với chính bản thân cũng như hữu dụng cho người khác và có trách nhiệm đối với người khác.
Tin Mừng hôm nay có lẽ nhắc nhở chúng ta về ý tưởng ấy. Chúa Giêsu nói đến hai thứ bổn phận của con người đối với người đồng loại: một là phải sống thế nào để không trở thành cớ vấp phạm cho người khác, hai là phải tha thứ cho nhau. Ngay từ những trang đầu tiên, khi mạc khải về con người, Kinh Thánh đã nói đến tình liên đới. Bị Thiên Chúa tra vấn sau khi phạm tội, Adam đã đổ lỗi cho Evà; đây quả là khuynh hướng chạy tội và chối bỏ trách nhiệm đối với người khác; cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa, con người cũng muốn chối bỏ tương quan với tha nhân. Sự chối bỏ này lại càng rõ nét trong thái độ của Cain sau khi đã giết em mình là Abel: "Tôi có phải là người giữ em tôi đâu!"
Sống là liên đới: không thể sống mà không cần người khác, cũng không thể sống mà không cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác. Cuộc sống của tôi dù âm thầm đến đâu vẫn có âm hưởng trên người khác; dù tôi có tàn tật và bé nhỏ đến đâu, tôi vẫn là người hữu dụng cho người khác; không có một hành động nào của tôi mà không có liên hệ đến người khác, đó chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc đời tôi; tôi có hạnh phúc hay không là tùy tôi có biết sống cho người khác hay không.
Nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với người khác, lời Chúa hôm nay cũng nói lên phẩm giá cao trọng của mỗi người. Ðó là lý do đem lại cho chúng ta niềm tin trong cuộc sống mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Chối Bỏ Trách Nhiệm

Cựu tổng thống Phi Luật Tân, ông Joseph Estrada đã gặp nhiều chống đối trong nước theo sau tiết lộ của một tổng trưởng thân thiết của ông về số tiền hối lộ ông đã nhận được từ các tổ chức cờ bạc. Hẳn lúc đó vẫn còn nhiều người ủng hộ ông, nhưng con số bất mãn trong mọi giai tầng xã hội, từ giới kinh doanh, chính trị gia, sinh viên học sinh, cho đến cả người nghèo, ngày càng gia tăng. Ông khó có thể lấy lại sự ủng hộ mà những người dân nghèo đã dành cho ông trước đây.
Trong một quốc gia có đa số dân theo công giáo, ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo vẫn còn rất lớn và luân lý đạo đức vẫn còn là chuẩn mực để đánh giá sự lãnh đạo. Ðây là điều mà người tiền nhiệm của ông, cựu tổng thống Fidel Ramos đã nói thẳng với ông Estrada khi còn tại chức: "Hoặc là tổng thống phải từ chức trước lễ Giáng Sinh, hoặc là ông phải chỉnh đốn lại cách sống của ông". Ông Ramos nói như sau: "Tổng thống Estrada phải trước tiên sửa đổi bản thân bằng cách thay đổi nếp sống vô kỷ luật và cách làm việc thiếu trách nhiệm".
Trong một buổi lễ qui tụ hàng ngàn người chống đối ông Estrada, Ðức Hồng Y Sin, tổng giám mục Manila, cũng đã thách thức nhà lãnh đạo Phi lúc đó rằng: "Liệu ông có thể nhìn thẳng vào nhân dân Phi, nhất là giới trẻ, và nói với họ rằng ông là một con người gương mẫu cho họ không". Người dân Phi nào cũng biết rằng ông Estrada đã và đang dan díu với nhiều phụ nữ cũng như cờ bạc và rượu chè thâu đêm suốt sáng. Nhà lãnh đạo của một quốc gia được trao phó cho trách nhiệm phục vụ công ích. Công ích ấy không chỉ giới hạn trong lãnh vực kinh tế, nó còn bao hàm cả những giá trị tinh thần và đạo đức. Do đó, ngoài tài năng, nhà lãnh đạo nào cũng còn được đòi hỏi phải có tác phong đạo đức. Nói cách khác, ông được đặt vào vị trí cao nhất trong nước để trở thành ngọn đèn pha cho nhiều người. Trong cụ thể, ông phải là một mẫu người đáng được đề cao về tư cách làm người, về đời sống gia đình, v.v... Ðây cũng là trách nhiệm mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu. Thật ra, đây không phải là trách nhiệm dành riêng cho những môn đệ của Chúa Giêsu mà là trách nhiệm làm người. Ðã làm người thì ít hay nhiều, cách này hay cách khác, ai cũng phải có trách nhiệm với những người anh chị em của mình.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra hai trường hợp cụ thể về trách nhiệm đối với tha nhân: một là phải tránh làm gương mù cho anh em, hai là phải tha thứ cho anh em. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhớ lại câu hỏi mà Thiên Chúa đã đặt ra cho Cain sau khi Cain đã sát hại em mình là Aben: "Cain, em của ngươi đâu?" Cain đã trả lời: "Tôi có phải là người đã giữ em tôi đâu". Câu trả lời của Cain là lời thú nhận về một trách nhiệm mà ông muốn chối bỏ. Thái độ của Cain vẫn thường được lập lại trong cuộc sống hàng ngày của các Kitô hữu chúng ta. Làm thiệt hại người anh em bằng nhiều cách khác nhau đã đành, đối xử với người anh em như một phương tiện đã đành, chúng ta cũng thiếu trách nhiệm đối với người anh em bằng thái độ dửng dưng. Mặc ai sống chết, chúng ta chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng chúng ta.
Trong ngày sau hết, chúng ta sẽ chỉ bị xét xử dựa trên cách cư xử của chúng ta đối với người anh chị em của chúng ta mà thôi. Chúa Giêsu đồng hóa với mỗi tha nhân. Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn được tỉnh thức để nhận ra Ngài trong mỗi một tha nhân và đối xử với người ấy như với chính Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 7: Toa thuốc nuôi sống cộng đồng

Đức Giêsu nói: “Nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã.”
Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bẩy lần, rồi bẩy lần nó trở lại nói với anh: Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó Các tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc. 17, 1b+4-5)
Đức Giêsu ban cho các môn đệ mấy quy tắc về cách cư xử của các phần tử trong Giáo hội.
Loại bỏ gương mù:
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không dựa vào sự khôn ngoan loài người. Kẻ xấu dùng gương mù để bóp nghẹt đức tin và khiêu khích sự chống đối, có khi nổi loạn chống cả Thiên Chúa. Những người nhỏ bé như người nghèo khó, bị áp bức, bị khinh chê, rất dễ xúc động khi gặp những người giàu, những luật sĩ phản đối và gây cho họ sa ngã, mất tin tưởng và hy vọng. Con người ta dễ gây ra gương mù và mắc vào tội lỗi đáng chịu hình phạt nặng nề. Người ta không thể tha thứ gương mù trong Giáo hội, như thánh Phao-lô viết trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô.
Toa thuốc tha thứ:
Giáo hội là một cộng đồng anh chị em tội lỗi đang được thánh hóa. Khi ai phạm tội và gây lây lan cho những người khác, người ta phải lo giúp họ ăn năn trở lại. Lòng thương người phải noi theo lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa, phải biết tha thứ, dù bảy lần trong một ngày, nếu là cần thiết.
Sự tha thứ chân thực do lòng yêu mến. Người ta chỉ có thể giúp anh chị em mình và hướng dẫn họ ăn năn nếu có ý thức hiểu biết cảnh ngộ cùng khốn và đau khổ của họ, cần có lòng tốt vô vị lợi và xả kỷ.
Sức mạnh của lòng tin:
Ý thức rõ ràng về lời kêu gọi của Đức Giêsu, các tông đồ cầu nguyện Người ban thêm lòng tin cho mình. Câu trả lời của Đức Giêsu cho các ông thấy lòng tin dù nhỏ bé như hạt cải cũng có sức rất mạnh mẽ. Lòng tin tự phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa đem lại can đảm và sức mạnh để có lòng tha thứ. Và đồng thời, còn làm cho kẻ tội lỗi ăn năn trở về.
Sự phó thác này tăng thêm tình yêu cho các phần tử của Hội thánh và rất cần để chống lại những ảnh hưởng chia rẽ của tội lỗi. Và tình yêu có sức hoạt động mạnh mẽ và hữu hiệu để tăng thêm lòng tin của các phần tử của Hội thánh.
RC
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận